HAI LẦN CHẾT
Dung là con thứ bốn. Vì vậy khi nàng ra đời, không
được cha mẹ hoan nghênh lắm. Thực ra, không phải cha mẹ nàng hất hủi con, vẫn
coi người con như một cái phúc trời ban cho, nhưng lúc bấy giờ cha mẹ nàng đã
nghèo rồi. Với ba người con trước, hai trai, một gái, cha mẹ dung đã thấy khó
nhọc, vất vả làm lụng mới lo đàn con đủ ăn, và hai con trai được đi học. Sau
Dung lại còn con bé út nữa, nên cảnh nhà càng thêm túng bấn.
Khi sinh ra Dung, mẹ nàng vì bận buôn bán, giao phó
nàng cho người u già trông nom. Người u già này ở nhà Dung đã lâu lắm, đã nuôi
và săn sóc tất cả anh chị Dung từ lúc bé. Nhưng, không biết vì có phải thấy
Dung ra đời trong sự lãnh đạm, mà u già đem bụng thương yêu Dung chăng. U săn
sóc, bế ẵm nàng, và chăm chút nàng quý như con đẻ vậy, tuy Dung lúc bé ốm yếu
khó nuôi và lại ghẻ lở bẩn thỉu nữa.
Cha Dung chẳng làm gì cả. Từ xưa đến nay vẫn thế.
Hình như ông ta sinh ra đời là chỉ để ngồi ở nhà cho lúc nào cũng có người và
để những ngày giỗ tết trong họ, khăn áo chỉnh tề đi ăn cỗ mà thôi. Không ai
thấy ông ta làm một việc gì, mà cũng không ai nghĩ đến sự ông ta phải làm một
việc gì.
Ông lúc nào cũng ngồi rung đùi bên cạnh cái điếu ống
mà ông sửa chữa rất kêu, thỉnh thoảng hút một điếu, rồi lại trầm ngâm như đang
nghĩ ngợi một sự gì quan trọng. Những lúc ấy u già biết là ông chẳng nghĩ sự gì
quan trọng cả, bèn đem Dung đến cho ông bế. Ông giơ hai tay ẵm Dung vào lòng,
hôn hít, rồi xốc Dung lên trên đùi, ngoáy bụng cho nó cười, rồi lại trịnh trọng
đưa trả u già. Xong, Ông lại ngồi nghĩ ngợi.
Có lẽ ông nghĩ tình cảnh nhà ông, hồi còn ông cụ đi
làm việc quan, rất giàu có và hách dịch suốt một vùng này. Từ khi cụ cố mất đi,
cơ nghiệp ăn tiêu dần, cảnh nhà thành ra sa sút, chỉ còn cái danh không.
Cha mẹ Dung cũng không nghĩ đến sự bắt nàng đi học
như anh chị nàng, có lẽ vì nghĩ rằng lo cho hai người cũng đã đủ.
Dung càng lớn càng gầy gò đi. Suốt ngày nàng chỉ
chạy đánh khăng đánh đáo với lũ trẻ con nhà "hạ lưu" cha nàng gọi thế
những người nghèo khổ trú ngụ ở chung quanh xóm chợ. Nhiều khi đi đâu về trông
thấy, cha nàng gọi về, đánh cho mấy roi mây và cấm từ đấy không được chơi với
lũ trẻ ấy. Những trận đòn xong, Dung lại mon men chơi với lũ trẻ, và thấy hình
như cha nàng cũng chỉ cấm lấy lệ chứ không thiết gì đến, nàng lại vững tâm nhập
vào bọn hạ lưu đó, suốt ngày dông dài ở ngoài chợ.
Một đôi khi, mẹ nàng kịp về đến nhà trông thấy nàng
quần áo lôi thôi lếch thếch và chân tay lấm, bùn, chỉ chép miệng thở dài nói:
- Con này rồi sau đến hỏng mất thôi.
Rồi bà lại quay đi buôn bán như thường, sau khi đã
để lại cho chồng một món tiền tiêu pha trong nhà, và sau khi anh chị Dung mỗi
người đã nũng nịu đòi được một hào để ăn quà.
Dung thấy thế cũng chẳng ganh tị, vì nàng xưa nay
đối với các anh chị cũng không thân thiết lắm. Những khi nàng đang chơi thấy
đói, nàng lại chạy về xin u già bát cơm nguội hay thức ăn gì khác thế nào u già
cũng đã để phần rồi chạy nhảy như một con vật non không biết lo nghĩ gì.
Những sự ấy đã làm cho Dung có một cái tính an phận
và nhẫn nại lạ lùng. Ngày trong nhà có tết nhất, các anh chị và em nàng được
mặc quần áo mới vui chơi, còn nàng vẫn cứ phải áo cũ làm lụng dưới bếp, Dung
cũng không ta thán hay kêu ca gì. Mà nàng biết kêu ca cũng không được. Nhiều
lần nàng đã nghe thấy u già nói mẹ nàng may cho cái áo, thì mẹ nàng trả lời:
- May cho con nặc nô ấy làm gì. Để nó làm rách nát
ra à?
Còn nói với cha thì Dung biết là vô công hiệu, vì
cha nàng không dám tự ý làm cái gì bao giờ cả.
Cuộc đời cứ đi như thế trong cái xó chợ cỏn con ấy.
Thấm thoát Dung đã mười bốn tuổi, nhưng ai cũng tưởng là hãy còn trẻ con, mà
tính tình nàng như đứa trẻ con thật. U già đã có khi phải gắt lên với nàng:
- Bây giờ cô phải đứng đắn lên một tí chứ. Nhiều
tuổi rồi còn gì nữa.
Dung ngây thơ hỏi:
- Đứng đắn là thế nào cơ, u?
- Đứng đắn là đứng đắn chứ còn thế nào nữa, cô hỏi
lẩn thẩn lắm. Cô không có vẻ người lớn một tí nào cả.
- Ừ, thì tôi không người lớn. Nhưng không người nhớn
thì làm sao hở u?
U già vác quạt đánh, Dung chạy lại ôm lấy, rồi âu
yếm ghé tai u già nói khẽ:
- Tôi có người lớn, cậu mợ cũng không yêu hơn cơ mà.
Thế là hai u cháu lại lặng yên không nói gì nữa.
Một hôm mẹ Dung đưa một bà ở trên tỉnh về chơi. Thấy
người lạ, nhất là cách ăn mặc thị thành của bà khách. Dung cứ đứng dán mắt lên
nhìn. Mà lạ thay, lần này Dung không thấy mẹ quát mắng bảo lui đi như mọi bận
có khách khác. Mà bà khách lạ cũng chăm chú nhìn Dung từ đầu đến chân, lại hỏi
han Dung nữa.
Sau hai bà thì thầm với nhau mãi. Mẹ Dung mời bà
khách ở lại ăn cơm, rồi thân hành tiễn bà ra ga. Bẵng được ít lâu, một hôm mẹ
Dung bổ hàng về, gọi Dung lại gần, lấy ra một gói bọc giấy mà bảo:
- Đây là áo mới của cô đây. Lấy ra mà thay, chứ ai
lại ăn mặc rách rưới thế kia bao giờ.
Dung se sẽ cầm gói giấy mở ra, thấy hoa cả mắt: nào
áo nhiễu trắng, áo bom bay hồng, áo lụa màu hoa lý. Lại mấy chiếc quần lụa cạp
đỏ, mấy cái áo cánh phin, mấy cái cổ yếm máy và mấy chục thước vải. Dung cất
tiếng run run hỏi:
- Của những ai đấy, mẹ?
- Không, riêng của con đấy thôi.
Dung sung sướng mân mê các cúc áo. U già cũng lại
gần xuýt xoa khen.
Từ hôm ấy, mẹ Dung chiều chuộng Dung lắm, không ghét
bỏ như trước. Bà bắt Dung ăn mặc chỉnh tề, tập đi giầy nhưng vắng mặt mẹ, Dung
lại vất giày đi chơi, vì nàng không quen đi bắt vấn tóc, và nhuộm răng.
Cuối tháng tám năm ấy, bà khách lại xuống chơi ở lại
ăn cơm. Mẹ Dung gọi Dung vào buồng, đóng cửa rồi thì thào với con đến hơn một
tiếng đồng hồ.
Sau cửa mở, thấy Dung bước ra mắt đỏ hoe như mới
khóc, và bẽn lẽn không dám trông bà khách. Nhưng u già dỗ dành ít lâu, Dung lại
vui vẻ và cười đùa như cũ. Hễ trẻ láng giềng có chế nhạo, Dung chỉ mỉm cười.
Thế là Dung đi lấy chồng.
Nàng đi lấy chồng cũng bỡ ngỡ và lạ lùng như người
nhà quê lên tỉnh. Dung coi đi lấy chồng như một dịp đi chơi xa, một dịp rời bỏ
được cái gia đình lạnh lẽo và cái xóm chợ quen mắt quá của nàng. Đi lấy chồng
đối với nàng là hưởng một sự mới.
Vì thế, khi bước chân lên ô tô về nhà chồng, Dung
không buồn bã khóc lóc gì cả. Nàng còn chú ý đến những sự lạ mắt lạ tai của nhà
giai, không nghe thấy những lời chúc hơi mát mẻ và ganh tị của hai chị và em bé
nàng nữa.
Về đến nhà chồng, Dung mới biết chồng là một anh học
trò lớp nhì, vừa lẫn thẩn vừa ngu đần. Nàng đã bé mà chồng nàng lại còn bé
choắt hơn. Nhưng bà mẹ chồng với các em chồng nàng thì to lớn ác nghiệt lắm.
Qua ngày nhị hỉ, Dung đã tháo bỏ đôi vòng trả mẹ
chồng, ăn mặc nâu sồng như khi còn ở nhà, rồi theo các em chồng ra đồng làm
ruộng. Nhà chồng nàng giàu, nhưng bà mẹ chồng rất keo kiệt, không chịu nuôi
người làm mà bắt con dâu làm.
Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công
việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt
ngày. Đã thế lại không có người an ủi. Chồng nàng thì cả ngày thả diều, chả
biết cái gì mà cũng không dám cãi lại bà cụ. Còn hai em chồng nàng thì ghê gớm
lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm.
Những lúc Dung cực nhọc quá, ngồi khóc thì bà mẹ
chồng lại đay nghiến:
- Làm đi chứ, đừng ngồi đấy mà sụt sịt đi cô. Nhà
tôi không có người ăn chơi, không có người cả ngày ôm lấy chồng đâu.
Rồi bà kể thêm:
- Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy
trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu.
Dung chỉ khóc, không dám nói gì. Nàng đã viết ba bốn
lá thư về kể nỗi khổ sở của nàng, nhưng không thấy cha mẹ ở nhà trả lời.
Một hôm tình cờ cả nhà đi vắng, Dung vội ăn cắp mấy
đồng bạc trinh lẻn ra ga lấy vé tàu về quê. Đến nơi, mẹ nàng ngạc nhiên hỏi:
- Kìa, con về bao giờ thế? Đi có một mình thôi à?
Dung sợ hãi không dám nói rằng trốn về, phải tìm cớ
nói dối. Nhưng đến chiều tối, nàng lo sợ quá, biết rằng thế nào ngày mai mẹ
chồng nàng cũng xuống tìm. Nàng đánh bạo kể hết tình đầu cho cha mẹ nghe, những
nỗi hành hạ nàng phải chịu, và xin cho phép nàng ở lại nhà.
Cha nàng hút một điếu thuốc trong cái ống điếu khảm
bạc, rồi trầm ngâm như nghĩ ngợi. Còn mẹ nàng thì đùng đùng nổi giận mắng lấy
mắng để:
- Lấy chồng mà còn đòi ở nhà. Sao cô ngu thế. Cô
phải biết cô làm ăn thế đã thấm vào đâu mà phải kể. Ngày trước tôi về nhà này
còn khó nhọc bằng mười chứ chả được như cô bây giờ đâu, cô ạ.
Sớm mai, bà mẹ chồng Dung xuống. Vừa thấy thông gia,
bà đã nói mát:
- Nhà tôi không có phúc nuôi nổi dâu ấy. Thôi thì
con bà lại xin trả bà chứ không dám giữ.
Mẹ Dung cãi lại:
- Ô hay, sao bà ăn nói lạ. Bây giờ nó đã là dâu con
bà, tôi không biết đến. Mặc bà muốn xử thế nào thì xử. Chỉ biết nó không phải
là con tôi nữa mà thôi.
Bà nọ nhường bà kia, rút cục Dung được lệnh của mẹ
phải sửa soạn để đi với mẹ chồng.
Bị khổ quá, nàng không khóc được nữa. Nàng không còn
hy vọng gì ở nhà cha mẹ nữa. Nghĩ đến những lời đay nghiến, những nỗi hành hạ
nàng phải sẽ chịu, Dung thấy lạnh người đi như bị sốt. Nàng hoa mắt lên, đầu óc
rối bời, Dung ước ao cái chết như một sự thoát nợ.
Nàng không nhớ rõ gì. Ra đến sông lúc nào nàng cũng
không biết. Như trong một giấc mơ, Dung lờ mờ thấy cái thành cầu, thấy giòng
nước chảy. Trí nàng sắc lại khi ước lạnh đập vào mặt, nàng uất ức lịm đi, thấy
máu đỏ trào lên, rồi một cái màng đen tối kéo đến che lấp cả.
Bỗng nàng mơ màng nghe thấy tiếng nhiều người, tiếng
gọi tên nàng, một làn nước nóng đi vào cổ. Dung ú ớ cựa mình muốn trả lời.
- Tỉnh rồi, tỉnh rồi, không lo sợ gì nữa. Bây giờ
chỉ đắp chăn cho ấm rồi sắc nước gừng đặc cho uống là khỏi.
Dung dần dần nhớ lại. Khi nàng mở mắt nhìn, thấy
mình nằm trong buồng, người u già cầm cây đèn con đứng đầu giường nhìn nàng mỉm
cười một cách buồn rầu:
- Cô đã tỉnh hẳn chưa?
Dung gật:
- Tỉnh rồi.
Một lát, nàng lại hỏi:
- Tôi làm sao thế nhỉ... Bà cả đâu u? Bà ấy về chưa?
U già để tay lên trán Dung, không trả lời câu hỏi:
- Cô hãy còn mệt. Ngủ đi.
Hai hôm sau, Dung mạnh khỏe hẳn. Bà mẹ chồng vẫn chờ
nàng, hỏi có vẻ gay gắt thêm:
- Cô định tự tử để gieo cái tiếng xấu cho tôi à?
Nhưng đời nào, trời có mắt chứ đã dễ mà chết được.
Thế bây giờ cô định thế nào? Định ở hay định về?
Dung buồn bã trả lời:
- Con xin về.
Khi theo bà ra ga, Dung thấy người hai bên đường
nhìn nàng bàn tán thì thào. Nàng biết người ta tò mò chú ý đến nàng.
Trông thấy giòng sông chảy xa xa, Dung ngậm ngùi
nghĩ đến cái chết của mình. Lần này về nhà chồng, nàng mới hẳn là chết đuối,
chết không còn mong có ai cứu vớt nàng ra nữa.
Dung thấy một cảm giác chán nản và lạnh lẽo. Khi bà
cả lần ruột tương gọi nàng lại đưa tiền lấy vé, Dung phải vội quay mặt đi để
giấu mấy giọt nước mắt.
Thạch Lam
No comments:
Post a Comment