Wednesday, January 11, 2023

Vó Ngựa Trong Chiều Mưa - Hoàng Việt Hằng

 

VÓ NGỰA TRONG CHIỀU MƯA

 

Chiếc xe ngựa ghé vào phía cây hoa phượng tím duy nhất đứng đơn lẻ ở bên hồ Xuân Hương, một thiếu phụ còn trẻ vai choàng chiếc khăn len tím, vẫy chiếc xe ngựa chạy trong mưa.



 

Hồ Xuân Hương và Phượng Tím

 

Lên xe cô nói với bác xà ích: – Bác cứ chạy trong mưa tùy bác, khi tới ký túc xá bác cho con dừng.

Bác xà ích cười hiền: “Quý cô đi dạy đàn?”.

“Dạ, hôm nay con còn nửa giờ nữa mới có tiết, bác cho con đi loanh quanh”.

Xe ngựa chạy chậm lại, bác xà ích đã cầm cương hơn mười năm, người Đà Lạt rất lạ, họ không chạy trốn mưa, họ đi thong thả. Mưa đi bộ cùng người. Vó ngựa chầm chậm nện lọc cọc trên đường, mưa vẫn chan vào tiếng vó ngựa nghe như mơ hồ, như nhạt nhòa trong cõi người cũng còn nhiều nông nổi vừa tái tê vừa chua chát trong mưu cầu hạnh phúc.

Và kéo theo câu chuyện tỉ tê này, bác xà ích lại kể cho tôi và cô gái choàng khăn len tím cùng nghe. Tôi có cảm giác người Đà Lạt sống chậm và thân thiện hơn, cởi mở hơn những người mà tôi từng gặp ở thành phố khác trong những chuyến đi đơn lẻ.

“…Nhớ cái hồi hay tin nhà tôi mất, tôi từng phải bán cả ngôi nhà để chữa bệnh cho vợ, sau chỉ còn lại một số tiền ít ỏi đầu tư cho con gái đi mua con lạc đà để du khách cưỡi bên thác Prenn. Con lạc đà khi đó tính ra mua mất hơn một trăm triệu đồng, chưa lo cước phí chuyên chở từ Mông Cổ về, việc học nuôi lạc đà và giữ sức khỏe cho nó sinh sản cũng phải mất thêm trăm triệu nữa.

Khi mà vốn bỏ ra một trăm triệu đồng rồi hằng ngày cứ nhặt nhạnh thu từ hai mươi ngàn đồng một lần du khách chụp ảnh, khách còn chê đắt, lắm lúc ngồi thở dài dài đó cô. Rồi tôi dắt ngựa lên đỉnh Lang Biang, chán núi thì xuống hồ kiếm ăn. Hồ, nước hồ có vẻ như hợp với tôi hơn là lên núi.”

Vó ngựa vẫn nện trong chiều mưa. Âm thanh này chỉ xứ sở Đà Lạt yên tĩnh mới có.

Thiếu phụ cũng nhẩn nha kể câu chuyện của mình. Con vẫn dạy đàn thêm giờ. Có tiền, con cho con đi học đàn đá, học đing pah. Chồng con mắc nghiện, bỏ lại vợ con, vào trại cai nghiện dài dài. Con một nách hai con, ngoài dạy đàn còn đi làm thuê thêm, tối về khi đi bỏ bánh mì, khi bỏ mối đặc sản Đà Lạt ngoài chợ.

Có năm con đi dọn dẹp phòng cho một biệt thư khá giả ở Đà Lạt. Đà Lạt dễ sống và dễ thở. Nhưng với con buồn nhất là sau ly hôn, chồng cũ chỉ chăm chăm không muốn sống nữa. Con nghĩ mãi chưa ra cách chi để cứu bố của hai đứa nhỏ.

Bác xà ích hỏi, cha hai sắp nhỏ cai nghiện ở đâu? Tận Nha Trang con mới đi thăm về, lần nào con cũng buồn lắm, chênh vênh lắm. Nhà không có đàn ông con cứ luôn phải xòe cánh như gà mẹ gặp diều hâu. Cũng may con đi dạy đàn, đi làm thêm cũng là cảnh chân co chân duỗi nuôi con.

Con còn tính đi chở hoa tú cầu, hoa cẩm tú, hoa mimosa giao cho khách sạn đặt hàng, nhưng vẫn bị nhỡ nhàng vì giờ dạy học cũng trùng giờ đi giao hoa. Con sợ nhất khi sắp nhỏ ốm đau sốt cao, có đêm mà mẹ con cùng ốm, con phải nhờ đến cả cô bạn tắcxi xốc ba mẹ con đi viện.

Bác xà ích lại chỉ lên ngọn đồi xưa nơi bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương cư ngụ, rồi nói: “Con có hai đứa con như thiên thần, nợ mòn con lớn lo chi, có bà thi sĩ còn buồn hơn con nằm trên ngọn đồi kia là bà Tương Phố cũng cô quạnh cả khi chết ấy chớ”.

Cơn mưa ngớt dần, bác xà ích bảo hôm nào phiền muộn trong người, lên xe bác đưa ba mẹ con đi tới tịnh xá, xa xa kia, ở đó có thầy Tịnh Phúc, đã đón bao người cô đơn, người bị bỏ rơi về nuôi. Đến đó, cúi xuống sẽ thấy còn nhiều người còn cơ hàn hơn mình. Trong cơ hàn có một bàn tay xòe ra trong mưa con sẽ được an ủi.

Vâng, thiếu phụ xuống xe, gửi tiền bác xà ích. Ông chỉ lấy vài chục bạc lẻ, mong sao cô phấn chấn hơn trước khi gặp con, để con cô không hay cô vừa qua những phút giây hoảng loạn, lo buồn trước cảnh chia lìa người chồng cũ dặt dẹo đau yếu và dặt dẹo cả về tinh thần. Không nên để cho bọn trẻ biết cha chúng đang sống trong những ngày cuối cùng của kiếp người, ông nhắn nhủ. Rồi người xà ích hẹn sẽ đưa ba mẹ con cô giáo lên tịnh xá ít ngày.

Điểm tựa chiều hôm nay của cô giáo lại là tấm lòng bác xà ích. Trong hoàng hôn, mắt bác buồn và hiền khô cùng con ngựa óng nâu, bờm trắng. Nó nện gót đường nhựa trong mưa, như đệm lót cho khúc ru buồn trong cõi người.

Hoàng Việt Hằng

Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Từ trang DĐQGHCUC

No comments: