Sunday, January 1, 2023

Quán Cây Si - Tô Hoài

 

QUÁN CÂY SI

 

Quán Cây Si, quán Cây Dừa, quán Vườn Trúc trước đây có đôi ba lần tôi đến với Hoàng Trung Thông. Nếu bây giờ quán nào còn chắc vẫn nhớ ông Hoàng. Còn tôi thì như cái bóng, cái bóng chẳng có gì để người ta nhớ. Tôi cũng hay lượn lờ quán xá vỉa hè thích lai vãng hàng quán, nhưng phải cái tội là ở đâu đông đông thì tôi lẩn dần. Ở quán cóc, ngồi ghế băng cả năm bảy người một dãy, được bạn uống láng giềng hỏi han thì tôi nói tôi về hưu đã lâu, trước làm kế toán ở cơ quan x, y - không hẳn tôi nói dối, vì xưa kia tôi cũng võ vẽ làm phụ kế toán. Như thế, câu chuyện bao giờ cũng tràn lan và tha hồ bốc phét. Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu có tả tôi thường uống một hai chén rồi lủi. Cũng không hẳn như thế. Tôi ngồi quán cóc cốt hóng chuyện thiên hạ, không được thế thì mất cái thú. Tôi nghĩ như nói về tôi thế này thì có thể là tả thực hơn. Ở quán cụ 71 mà gặp những ông nhà văn có tuổi và nhà văn trẻ thì tôi uống và ngồi im. Nhưng đến đấy mà có ông xích lô, mấy ông bác sĩ viện Mắt đi uống rượu vụng mà uống khỏe lắm, mà tôi là lão kế toán về hưu, thì tôi cũng ba hoa chích choè lắm chứ. Chẳng biết thế là thôi quen, là tật hay bệnh mãn tính. Còn như uống, có khi đến năm bảy chén suông rồi biến thì phải kể loại nhất thì tôi biết là hoạ sĩ Dương Bích Liên - cái người lúc nào cũng sợ người, tránh người. Đã lâu mới lại đến quán Cây Si - thật có cây si cây si thả rễ loăn xoăn lòng thòng xuống trước mặt chứ không phải thân già này còn nỡm đời mà trồng cây si trước cửa nhà mụ nào, con nào và mong ngóng ai ai bây giờ.




Nhưng tay long tay hổ đi với tôi hôm nay không phải hai ông bạn văn nhớn nhác giơ tay xin đường qua ngã tư ngã năm hôm trước, cũng không phải cụ Kim Lân mà có hôm được các cháu nhà hàng gọi hỗn đáng yêu mà cụ lại cứ muốn chúng nó gọi láo lếu là "anh Hạc", "anh Hạc" lão Hạc cũng máu phất phơ hàng quán và uống vẫn tợn. Nhưng anh Hạc này mới bị trẹo cái đĩa cột sống ngay trên mông đít đã hay đi đái giắt cứ thình lình không ngóc được lưng lên, còn ông bạn chí cốt Nguyễn Văn Bổng của tôi thì nằm ngửa trên giường đã vài mươi năm nay rồi. Ôi chao, còn ai nữa... Những cái quán cóc vẫn lèm nhèm, lúi húi như thủa trước. Nhưng trong ruột xôm trò hơn xưa nhiều. Có những khách không phải hạng lép túi, nhưng họ thú vị với cái ú ớ xuềnh xoàng thế này. Trước tiên là quốc lủi, cái rượu quốc cấm ngày nào phải đựng trong bong bóng ni lông cất kỹ dưới gầm giường thì bây giờ được bày lên một loạt vò da lươn như những cái vại con, chẳng biết thửa ở Hương Canh hay Phù Lãng. Đậu phụ, đậu nướng thì ê hề. Lại mới thêm mặt hàng đương ăn khách: vó bò và chân gà, ngầu pín, giái dê tương gừng nhà hàng mở tủ lạnh bưng ra cả mẹt, tha hồ chọn. Các thứ mì ăn liền, bò hay gà thì cũng một mùi hăng hắc như nhau, ra đời từ cái ngày giải phóng miền Nam, bây giờ là món ăn cổ điển như là bún. Kể cũng tiện, ngất ngưởng rồi làm một gói vừa bụng và cũng là xong bữa.

Các chủ quán, bà Hai hay ông 71 đã về nhà lạnh cả rồi. Nhùng ánh đèn hoa kỳ lom đom với bó đóm gỗ diêm, và cái ống điếu cày thì vẫn để dưới gầm bàn - chỉ khác nó không còn phải xích vào chân cột. Thì vẫn tích cũ, "con nhà chùa thì quét lá đa” vậy. Bà bán xôi ngô hè phố Nguyễn Du cũng về với các cụ rồi thì con trai con dâu bà mỗi sáng lại ngồi xích lô chở xôi ngô từ phía chợ Mơ đến ngay chỗ ấy và khách hàng ăn quà sáng vẫn chen chúc kẻ đứng người ngồi. Cụ phở Chí đi rồi thì thằng Hải con cụ nói nghiệp "phở gà Chí", dẫu vợ chồng Hải đã tậu nhà đổi đi phố khác, nhưng con người cũng như con mèo, con ngựa giỏi đánh hơi đường cũ vẫn được khách theo. Bãi cỏ cứ đi mãi thành vệt đường, người ta ăn uống cũng theo vết kỷ niệm. Lâu lắm tôi không đến quán Cây Si - có lẽ từ khi ông trạng Thông chầu trời nhưng cái dáng người nho nhỏ dật dờ của tôi bước vào, cũng cho tôi tự cảm thấy tôi đã là người của mọi khi rồi. Tôi cùng đi với một thằng lạ. Nó cao lớn mật sạm nắng gió, trong bóng tối như thằng mắc bệnh gan. Chưa hẳn đã già, mà không thể đoán được tuổi, bảo là gần bằng tôi thì cũng đại khái tương tự. Nó mặc cái áo cộc tay vải đen vằn trắng cũng như mọi người qua đường bây giờ quần áo loạn các kiểu, các màu thế, chẳng đáng để ý.

Nhưng đời nó và cái sự nó đi với tôi thì không ai có thể tượng tượng ra được. Nó ở thành phố Hồ Chí Minh ra. Chưa đến Hà Nội bao giờ. Nó đi khỏi Sài Gòn tháng 4-1975 từ lúc thiếu niên. Chẳng có thân thích nào ở Sài Gòn. Nó xuống Vũng Tàu, chỉ vì ngày trước nghe mẹ nói đã sinh nó ở Vũng Tàu. Nhưng cung chỉ đi trông lại thành phố và bãi biển mà nó không nhớ cái gì cả. Nó là con của chị vợ tôi. Bà chị lang bạt vào Nam từ thời trẻ. Vợ tôi không biết mặt nó, chưa thư từ với nó bao giờ. Nó thình lình đến. Cô và cháu phải xưng tên mới biết nhau. Nó bay ra Hà Nội, xuống máy bay rồi xe tacxi đưa về đâu thì ở đấy. Nó lần ra điện thoại tôi mà nó cũng chỉ ở Hà Nội có hai đêm một ngày, mai về Sài Gòn rồi bay luôn.

Một ngày một mình lang thang đi phố. Chụp mấy cái ảnh đền Ngọc Sơn, ảnh Lăng Bác. Tôi hỏi:

- Mày làm gì ở bên Mỹ?

- Đi bỏ mối nhà ạ.

- Ở Sài Gòn cũng có nghề mối lái nhà.

- Vâng, trên thế giới này đâu chẳng có người bán nhà, người mua nhà, có thế cháu mới sống được.

- Đủ sống không?

- Được mối tốt thì cả năm chỉ việc ăn chơi.

Cách ăn nói thế, chắc nó cũng dân bụi bên Tây. Nó lại biết ông Võ Phiến. Nó chửi ông Phạm Duy chỉ nói phét. Có mấy bài hát khá thì làm khi theo kháng chiến, đến khi về thành ông ta đổi hết lời, thế mà vẫn vênh. Có nghĩa là thằng này cũng biết về văn nghệ văn nghẽo đôi chút. Đưa nó ra cái chỗ bụi lau vào Lương Sơn Bạc này được.

Nó nói, như tuyên bố.

- Cháu không hít, không rượu, không đớp, chỉ có nghiện cái món đàn bà.

Đến quán cây Si, nó hỏi:

- Đi ăn “bittrô” ạ?

- Không phải quán ăn nhanh đâu, ngồi cả đêm được.

Quán còn vắng, khách ngày thì hết rồi mà khách đêm thì chưa tới lúc. Tôi hỏi nó uống gì. Tôi kể có rượu bán chui, gọi là quốc lủi, có lạc luộc, có đậu phụ đậu nghệ mắm tôm, đậu nướng muối ớt, có mực nướng, có thể có cả bia Mỹ- để tôi hỏi. Nó bảo nó sợ mắm tôm, nó ngửi mùi nước mắm thì hắt hơi còn bia Mỹ thì như mùi hôi nách, không chịu được. Nó uống quốc lủi, nhấm nháp hột lạc luộc. Ở gian trong, cố ghế một không ghế băng như ngoài này, khuất cái vách ni lông, chỉ thấy thấp thoáng. Cũng biết có hai cô gái chắc là gái làng chơi ra hóng khách sớm. Thằng này khoe là háu đàn bà nhưng không thấy nó ngó nghiêng gì.

Chúng tôi ngồi im lặng.

Chỗ tôi ngồi chếch vào trong, trông rõ. Loại mắt xanh mỏ đỏ này cũng thường gặp. Nhưng hai ả xanh đỏ này có kỳ quái hơn thường. Đầu tóc mặt mũi cứ tía như đầu con gà chọi. Cái môi vàng nghệ và cái tóc hun rực như lửa, đã thấy ở Karachi, ở Tây Béclin mấy chục năm trước bây giờ mới lan đến đây.

Câu chuyện của hai ả không nói tiếng lóng, nhưng lạ tai. Và họ trò chuyện bô bô như không có chúng tôi ở vách ngoài. Cái mụ chủ quán đầu xù như con chó bông, thinh thoảng lại vào góp mấy câu nhấm nhẳn.

- Cho tao mấy vé Hàn Quốc ấy, bao nhiêu cũng cân.

- Nhưng không bèo như chuyến trước đâu. Đây toàn tay chủ cỡ bự.

- Hôm nào vô trỏng? Chuyến 9 giờ, đêm nay thôi. Thế thì...

Chuyện đến đây, hai ả giơ hai tay ngón tay thoăn thoắt làm hiệu. Như đài truyền hình đến mục phát cho người câm điếc. Rồi cả hai cười rinh rích, đứng lên uống cạn cốc bia Cácbớc. Họ đi ra qua mặt, cũng chẳng thèm để nửa cái đuôi mắt lại. Có thể vì cái mã chúng tôi cũng cú thôi và bọn này không phải những quân đĩ quán, đĩ lường.

Thằng cháu gật gù:

- Bọn chúng nó buôn người.

- Ở Mỹ cũng có à?

- Buôn người, buôn nhà đâu chả có. Nhưng ở đây...

- Ở đây sao?

- Ở Mỹ thì hai con này bị bắt rồi. Chủ quán gọi điện thoại, lính đến tóm ngay chủ quán được tiền thưởng. Tôi toan nói: “Ở đây người còn rẻ, ế nhiều lắm!", nhưng lại thôi và ngồi im. Thằng kia cũng không nói gì nữa. Nó vẫn uống rượu và bóc lạc, rồi lại trầm ngâm. Tôi cũng không hỏi, không gợi chuyện khác. Thằng này hay chuyện. Quả nhiên thế, và lại là câu chuyện mới.

Nó kể:

- Ở Cali có nhiều ông già Việt mắc bệnh mất ngủ, rồi chết, nhiều lắm, như gà chết dịch. Ông ấy đi Mỹ hợp pháp với con cháu ung dung lắm. Nhà bốn buồng. Ở tầng 15. Chúng nó đi làm cả ngày, trẻ con đi học vắng nhà suốt tuần. Một mình ông ăn sáng, ăn trưa đã có thúc ăn sẵn trong tủ lạnh ăn xong, ông ngồi trước ấm chè cho đến tối mới có người về. Một năm, mấy năm, mười năm. Một hôm, các con về thấy ông ngồi trên ghế. chết rồi: trước mặt vẫn cái chén và ấm chè.

- Nhớ nhà quá.

- Nhớ hay không, không rõ. Nhưng cái thang máy không biết xuống, mà xuống thì đi đâu. Cứ ngồi thế cả năm thì cũng chỉ nghĩ mà chết thôi.

Trưa hôm sau, ở sân bay Nội Bài. nó gọi điện về chào chúng tôi. Nó bảo:

- Cháu không muốn mắc bệnh chết ngồi đâu. Cháu sẽ về, về ở Sài Gòn.

- Mày là thằng Mỹ rồi, chết sao được!

- Thằng Mỹ dởm, cũng chết ạ.

 

Cây cổ thụ và vườn hoa

 

Xưa kia ở vùng tôi có nhiều cây cổ thụ không ai biết tuổi không đoán được tuổi  bởi ai cũng thấy nó từ bao giờ. Như cây đề ở cạnh chợ, khi tôi còn bé u tôi thường dắt tôi lên ngồi ăn ở hàng gánh đa ướt cạnh gốc người Kẻ Cót, ngày ấy cây đã cao lưng trời - trẻ con ngước mắt lên nhìn đã khiếp, bây giờ cây đề vẫn cao vẫn rườm rà thế.

Cây gạo ở ngã ba cuối làng rẽ ra cánh đồng đã biến mất từ bao giờ không biết. Nghe nói cái bốt Tây ở ngoài đồng đã vào chặt để quang mắt cho đại liên nó lia được lên tận bờ đê chặn du kích ở bên kia sông kéo sang. Tôi cũng chẳng ngẩn ngơ ra sao về nỗi không còn cây gạo. Bởi “thần cây đa, ma cây gạo” đã làm cho tôi sợ sẵn huống chi chỗ ngã ba gốc gạo ấy lại là nơi mỗi khi làng có đám ma, nhà táng được khiêng đến đấy thì người ta lại gõ một hồi sinh cho đô tuỳ nghỉ vai chỗ này là cái độ dừng lại sau cùng của chỗ xác chết hồn người còn ở trên mặt đất, các tay đô tuỳ uống chén rượu, ăn miếng trầu xong tiếng sinh lại cất lên, các tay đô lại ra đứng vào nâng đòn nhà táng lên vai đi chặng đường cuối ra đến huyệt. Những cái ý nghĩ vẩn vơ con ma, cái hồn, người chết, đám ma đã làm cho trẻ con sợ từ thủa bé.

Vẫn còn cây đa đầu làng, thật ra là hai cây đa, hai cây đa vắt rễ sang nhau như người khoác vai. Mùa hạ tới, con yểng, con vàng anh về chui vào trong lá mổ những quả đa chín vàng hây. Bây giờ cây đa vẫn còn, có lẽ vì câu “thần cây đa” nên không ai dám đụng đến. Và đến mùa, quả đa chín vàng ối rồi mà chẳng thấy con yểng, con chim vàng anh về. Chỉ thỉnh thoảng có mấy con chào mào lảng vảng qua.

Ba cây muỗm đại thụ trên quán chỉ còn một. Hai cụ muỗm kia cũng là chết oan. Đội cải cách bàn vấn đề về trường học. Mấy năm Tây đóng không cho làm trường học, bây giờ ai cũng sốt sắng, nhưng đóng tiền học cho trẻ con thì được, còn làm trường thì tiền đâu ra. Một cán bộ đội phát biểu hăng hái: “Cái cây là phong kiến không nên để mai kia làng nào cũng có điện, đất nước điện khí hoá rồi cái cây bóng cây này mát thế nào được bằng quạt điện chạy vù vù. Thế là hai cây muỗm bị hạ xuống, vừa bán gỗ bán củi để mua gạch ngói, vừa xẻ ra làm bàn ghế cho lớp học.

Chỉ còn trơ trọi một cây, không biết cái cây lo nghĩ gì mà cũng phờ phạc. Những cây cổ thụ mất đi, chẳng thêm được cây bóng mát nào nữa. Có một cây bóng mát không phải dễ. Người trong làng cũng đi trồng cây vào dịp tết, một phong tục hay.

Nhưng người ta chỉ chú trọng đến cái có ăn liền và lấy thành tích. Cây điền thanh lấy lá bón ruộng, cây sa mộc, cây xà cừ lấy củi đun.

Các cụ ngày xưa đã bao đời trồng cây cho mai sau lấy bóng mát. Các cụ trồng những cây đa, cây đề cây muỗm. Quanh hồ Hoàn Kiếm nhiều cây cổ thụ được trồng từ đời xưa như thế. Mươi năm nay đã có những cây đã chết. Một cây đa lông chỗ cổng nhà máy đèn trông sang. Một cây sanh đứng chết khô khuất trong lòng hồ. Và một cây gạo ở lối đi vào cầu Thê Húc chết bệnh già.

Cây gạo ấy ở chỗ nhiều người qua lại, mỗi năm đến mùa hoa nở đỏ ối, thành phố đã trồng vào đấy một cây gạo mới, đánh từ huyện Thanh Oai đem ra. Cây gạo mới đẹp mơn mởn, nhưng cho đến lúc cây có bóng mát, cây có hoa thì phải tính từ vài chục năm trở ra mới lên hoa lên quả được. Trên thế giới, nhiều nơi có những hội Xanh “bảo vệ môi trường”, thành phố Bắc Kinh có cơ quan phụ trách cây và công viên, mỗi cây có lý lịch và bệnh lịch từng cây cổ thụ. Hà Nội vẫn còn nhiều cây cổ thụ, đến bao giờ Hà Nội mới trông nom, giữ gìn những đồ cổ sống này?

Lại nói về vườn hoa. Trong Nam ngoài Bắc, nhiều cơ quan, các nhà máy, khu công nghiệp đã xây dựng khang trang, xung quanh bao bọc những công viên: có những hàng cây, những  luống hoa được cắt tỉa gọn gàng. Có cây xén cầu kỳ như những mâm xôi, như con hươu, như cái búa cái liềm. Đấy là cây và hoa trồng trang trí ở những nơi công cộng theo kiểu công viên Pháp. Thời xưa, các cụ ta ở nhà chỉ chơi cây và hoa trong vườn, đến khi Pháp đô hộ ta mới có công viên ngoài đường phố. Vườn hoa kiểu Pháp, các vòm cây đều xén tròn, xén vuông kỳ quặc. Ở thủ đô Ađi Ababa nước Ethiopi bên Đông Phi có hàng cây hai bên đường đều cắt vuông trông lên như con đường lợp mái xanh.

Trên thế giới có một số vườn hoa được bắt chước vườn hoa Pháp gọn ghẽ cắt tỉa và những luống hoa màu rực rỡ. Vườn hoa kiểu Anh như thiên nhiên cây cỏ hoa lá bao phủ tràn lan. Vườn hoa Nhật có suối chảy, có cầu tre, có hòn đá tảng làm ghế ngồi bên bụi trúc và cây liễu hoa đỏ.

Ta cũng có vườn hoa kiểu Việt Nam. Tiếc rằng chưa bao giờ người ta bàn bạc và chỉnh đốn cho ra nếp truyền thống và chưa có cơ hội thành công viên quốc tế một kiểu vườn hoa Việt Nam. Đã bao đời tổ tiên ta chơi cây cảnh và vườn hoa. Vườn cảnh của ta. Ở mỗi nhà hay ở đình ở chùa bao giờ hoa lá cũng đi đôi với màu và mùi, màu hoa và mùi hoa, màu đi đôi với mùi. Vườn nhiều màu đẹp của hoa hồng hoa sen, hoa ngâu, hoa lý, hoa móng rồng, hoa nhài hoa mộc và lan chậu, lan treo ngọc lan, những loại hoa này đều toả mùi hương, những khi tĩnh mịch hay trong đêm khuya hương hoa đưa càng ngát, càng dậy mùi.

Các tay chơi cây cảnh của ta cũng có nét riêng, lối riêng. Đặt một cây giả cổ thụ trên hòn non bộ tí hon, cây cũng bé bỏng bên cầu, nhừ ở cửa đình, cổng chùa đầy là những cây lộc vùng, cây si, cây sanh già lão lắm. Nên nhớ điều nghề nghiệp mà các cụ uốn cây, gò cây cảnh mà không cắt cành, không xén cành như những cái cây làm thành hình con nai, con voi ở các công viên Bờ Hồ, công viên Thống Nhất hiện nay. Cho rằng cắt xén như thế làm cho đau cây.

Tôi đã nhiều lần vào Quán Gió chuyện chơi với những người công nhân săn sóc cây và hoa bên hồ Bảy Mẫu. Những cây ngâu, cây hoa giấy ở đây được uốn thành những con hươu, con chim phượng hoàng rất khéo. Những công nhân sở ươm cây bây giờ hầu hết đều là cháu chắt các cụ ở Ngọc Hà ngày trước thời Tây cũng làm nghề này ở sở “La Pho”, bây giờ là Sở ươm cây hay là Công ty cây xanh. Sở này làm việc ươm cây trồng cây trồng hoa các công sở, các công viên các đường phố. Đến nay, những công việc ấy vẫn  tiếp tục công nhân trồng cây làm vườn ở đây hầu như cha truyền con nối. Các ông thợ cây này cũng đều cho rằng cái vườn cảnh của các cụ ta truyền lại có cây thì có hoa, mà hoa thơm. Ở ngay chỗ bờ hồ Bảy Mẫu, các ông thợ đã làm như để chơi một giàn hoa thiên lý.

Bốn cột vầu to trên đan nan tre cật, không chăng dây thép, sợ mùa hè nắng to héo lá. Những dây thiên lý leo lên xanh thẫm một góc bờ hồ, những chùm hoa vàng rượi, phảng phất mùi hương thoảng rất xa. Biết thế, nhưng không làm thế. Ngày ngày vẫn đi cắt cành, xén lá và trông những bồn hoa có màu nhưng không có mùi hương.

Một ông lão, tuổi về hưu đã lâu, vẫn làm hợp đồng cho công ty ông lão đã đi theo bố vào làm sở “La Pho” từ thời trước.

Ông lão nói:

- Những hoa này đều hoa Tây cả, tên Tây khó gọi, chúng tôi mới đặt tên theo hình dáng là cây lá đốm, cây lá đuôi lươn, cây hoa đồng tiền, hoa loa kèn, hoa giấy, hoa mõm chó... Những hoa Tây này chúng tôi đã trồng cả đời, bây giờ các anh các chị đi học trồng hoa bên Tây về, cũng vẫn những hoa ấy mà thôi.

“Còn như hoa của ta có màu có mùi biết là đẹp đấy, cũng chịu. Có trồng giàn hoa lý kia cho vui một tí. Chứ bây giờ có được hoa đơn trắng đơn đỏ, hoa ngâu, hoa lý, hoa hồng ta, hoa tầm xuân, hoa sói, hoa nhài, hoa kim ngân, hoa móng rồng có mà đem ươm rồi trồng cả vạn cây ra các công viên thì lại phải có chủ trương, có kế hoạch, có tổ chức, có tiền chứ chẳng phải chỉ trồng vài ba cây, bỗng dưng mà có”.

Tô Hoài

No comments: