Tôi
nhớ hoài một đêm thứ Bảy đang bát phố lòng vòng Sài gòn Chợ lớn, anh bạn tôi
bỗng thốt lên “Giá mà giờ rủ nhau chui vô rạp coi cải lương thì mới đã đời!”
Câu
nói vu vơ khiến tôi cũng thốt chùng lòng: đêm thứ Bảy giữa trung tâm Sài gòn,
muốn tìm nghe một câu vọng cổ, coi một lớp tuồng mà rọi đuốc kiếm không ra!
Sài
Gòn ở hai phía rèm nhung
Có
lẽ từ thời những ban hát miền lục tỉnh dạt về đây, nương theo bất cứ nơi nào
lưu dấu chân khai khẩn mà dựng rạp sắm tuồng, nơi những bản tài tử, những bài
vọng cổ được kết chuỗi thành lớp lang với đủ đầy kịch tính mà thành những kịch
bản trọn vẹn, từ hương xa, đường rừng, cho tới tuồng tâm lý xã hội với đào kép
ăn bận phấn sáp kiểu tân thời, dáng điệu lịch duyệt đời thường chứ không còn
lối ra bộ cường điệu của tuồng tích cổ trang, hát bội.
Cải
lương từ đó, là món nhắm tinh thần khoái khẩu của thị dân Sài Gòn, thú thưởng
ngoạn cho mọi giới từ mặc khách tới bình dân. Đầy đủ chuyện giựt gân, diễm
tình, những gã cướp rừng xanh đậm máu giang hồ tứ chiếng, tới câu chuyện đời
mấy cô gái bán bar, chuyện nghĩa hiệp đường rừng, tới Lữ Bố mang khẩu khí giang
hồ Cầu Muối và thứ tiếng lóng vỉa hè đặc trưng.
Dân
Sài Gòn dễ bị chọc cười mà cũng dễ bị chọc cho khóc. Cải lương có hết, với
miếng hài miếng bi đan lẫn như hai bức mặt nạ khóc cười đã từ lâu thành “logo”
nhận biết của thế giới rèm nhung.
Dân
Sài Gòn ham thói hiếu kỳ trước những điều mới, thì cải lương có tân cổ giao
duyên, có kích động nhạc xập xòe, có đờn Hạ Uy Di, kèn tây và những bản tuồng
hương xa mang âm hưởng ngoại quốc dù Cao Miên hay tiểu thuyết kinh điển Pháp.
Từ tuồng dã sử nước nhà cho tới những pha đấu kiếm như chưởng Hương Cảng, đủ
pha lộn mèo, tọt gươm vô nách chết dãy lâm sàng mà vẫn nấc ặc ặc trọn sáu câu,
xuống xề mới chịu lăn ra chết.
Cho
tới tận mấy năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, vẫn còn lác đác vài nhà hát cải
lương hoạt động, áp phích vẽ tay trưng lộng lẫy. Người ta bu quanh mấy sạp
thuốc trước rạp mua xá xị bỏ bịch và quạt bóng kiếng, mỗi bà mỗi cô đều thủ
chiếc mouchoir điệu đà để chậm nước mắt. Người ta vô rạp, mê mẩn coi đào kép
sắm vai, hả hê cười khóc những khóc cười mà bi hài của cuộc mưu sinh thường
nhật trở nên quá trần tục, tầm thường. Thị dân cần những vở tuồng, những làn
hơi cải lương mùi mẫn như những cuốn tiểu thuyết diễm tình vẽ bìa sặc sỡ để
thêm thắt vào bữa tiệc đời chút món nhắm đưa cay.
Về
sau, tức là vào thời tôi lớn lên, khi trường phái bi lụy diễm tình bị lên án,
dân Sài Gòn có món nhắm thoại kịch tươi vui, đời thường hơn với Trong nhà ngoài
phố mỗi tối thứ Năm, cải lương đen trắng vào tối thứ Bảy có cô Thanh Nga
diễn Bên cầu dệt lụa, cô Bạch Tuyết đi Âu châu diễn Đời cô Lựu làm người hải ngoại khóc rần rần…
Rạp
cải lương Hưng Đạo trên đường Nguyễn Cư Trinh, Sài Gòn năm 1965. Ảnh: Frank O’Rear.
Rồi
người ta vô rạp thưa dần.
Những
rạp hát cuối cùng của Sài Gòn đã hấp hối và diễn những xuất hát cuối cùng ra
sao, ngay cả người Sài Gòn cũng không biết, mà cũng không được các sử gia bận
rộn lưu tâm ghi nhận.
Có
lẽ rạp cuối cùng hoạt động đã là trụ sở của đoàn ca múa nhạc Bông Sen ở đường
Nguyễn Thái Bình, đoạn Lê Công Kiều ngó qua, ngay gần tiệm cơm Âu Thiên Nam.
Hồi Tết 2011 hay 2012, tôi có thử hỏi mua vé xuất diễn nào gần nhất, người bán
vé uể oải thở dài yêu cầu tôi để lại số liên lạc đặng khi nào đủ vé coi mới
dựng tuồng sắm vở.
Họ
không bao giờ gọi lại cho tôi nữa, vài tháng sau nghe đâu đóng cửa luôn.
Từ
“cải lương” thành thứ tính từ giễu nhại, dùng để chỉ những gì lòe loẹt hay hủ
lậu quê mùa. Vậy mà cách chưa đầy thế kỷ, Trung Trực đã viết trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn rằng “…nên làm những việc chi hễ
bịa vào tiếng nói cải lương được, thì trong trí vẫn trộm tưởng rằng việc ấy đã
thập phần hoàn mỹ…”.
Vậy
mới thấy mặt trở trớ trêu giữa những giai kỳ. Chỉ đôi chục năm về trước, mấy ai
ngờ có ngày người Việt kém chữ Việt đớn đau tới nỗi vĩnh viễn đánh mất nghĩa
hiếu tri và canh tân tốt đẹp của hai âm tiết “cải lương”.
Như
tôi và anh bạn nọ, tội tình thay giữa đêm thứ Bảy Sài Gòn, lòng thèm nghe câu
vọng cổ mà rọi đuốc kiếm không ra, nao nao ngỡ mình đang đi lạc.
Tiếng
nấc Trụ Vương giữa đêm bão thị thành
Tôi
sửa soạn quần áo chỉnh tề, dùng cơm sớm rồi khoác tay chồng đi coi hát – than
ôi, đó đã từng là một điển lễ không quá xa hoa của nếp sống thị dân Sài Gòn
chưa lâu! Không rạp không rèm, cũng không trống kèn cờ quạt, phòng trà Tiếng
Xưa trên đường Trần Hưng Đạo hiu hắt đêm thứ Năm, chỉ vài bước cách rạp Nguyễn
Văn Hảo thuở nào, với đêm diễn kinh hoàng của đoàn Kim Thoa, vở Lấp sông Gianh. Bây giờ thì rạp Nguyễn Văn Hảo xưa tổ
chức diễn hài, có loa phóng thanh và các cô PG đứng giữa đường phát tờ bướm.
Còn nơi đây, chỉ cách vài bước, một mầm phục hưng yếu ớt của cải lương đang
thoi thóp quẫy cựa trong khung cảnh một phòng trà.
Từ
hồi còn “cát cứ” ở quận 10, Tiếng Xưa đã trở thành một góc lui tới đặc biệt của
Sài Gòn, với lối trang trí sân khấu tuy thô sơ nhưng mang hơi hướm Sài Gòn thập
niên 1960, ban nhạc với những bản phối cũ và những đêm tái ngộ tưởng như có thể
làm sống lại hàng chục năm đã từng bôi xóa.
Chỉ
mới dời về khu trung tâm gần đây, dù với khán phòng lịch sự hơn, cùng những
ngôi sao hải ngoại không ngừng xuất hiện, nhưng có vẻ việc gián đoạn, di dời đã
khiến khách cũ không còn tìm tới xôm tụ như ngày nào.
Những
đêm thứ Năm đặc thù phong vị giải trí kiểu Sài Gòn xưa với những ngôi sao cải
lương cũ mới kiểu này là một đêm trong cả tuần hoạt động, cặp chủ nhân phòng
trà chọn thực hiện như một lối “trả nghĩa” cho các nghệ sĩ vang bóng một thời.
Nói “trả nghĩa” bởi khi tôi tới, chỉ lác đác vài bàn có khách.
Tôi
đến để được tái ngộ và nghe giọng ca đệ nhất đào thương – Sầu nữ Út Bạch Lan,
nhưng bất ngờ hơn nữa, khi lớp trích đoạn rút vào hậu đài, một người đàn bà lớn
tuổi chập choạng bước ra sân khấu. Khuôn mặt bị biến dạng bởi tháng năm không
nhắc nhớ được gì, cho tới khi khúc vọng cổ cất lên bi tráng: “…Trời ơi đám tôi
trung đã phản Trụ đầu Châu kéo binh về vấn tội. Trong khi hoàng hậu Tô Nương lại
bỏ ta sớm vội… bôn… đào… Lần đầu tiên, trẫm để cho suối lệ tuôn trào…”.
Đệ
nhất đào võ Diệu Hiền!
Có
lẽ chưa người đàn bà nào cất tiếng nấc Trụ Vương tài tình hơn như vậy, đòn tay
ra bộ điệu nghệ xuất thần, còn ánh mắt chợt thoắt tinh anh nộ khí vị hôn quân
thất trận. Người ta quên cả người đào hát đã về già trước mặt, khi nét uy
nghiêm hằn dấu sát khí hung tàn mà vẫn bi lụy cất tiếng ca nghe buốt can tràng
kẻ kiêu binh thất trận.
Tôi
ngồi bật dậy khỏi chiếc ghế dựa, như không tin được ngần ấy uy lực tinh anh vẫn
phát tiết ngời ngời từ cuống họng, lồng ngực cô đào một thời làm điên đảo khán
trường cải lương của Sài Gòn hoa lệ.
Mong
manh nhành lan trắng giữa đêm mộng phục hưng
Hết Trụ Vương thiêu mình, người ta lại chao đảo sau nhịp
ngựa hối hả với tiếng kêu thống thiết giữa pháp trường “hãy để anh can phần
đừng giết oan một trang hào kiệt, nghe lời anh đình thủ bớ La… Thành…”, rồi dẫu
có nghe lại một vạn lần bản Tần Quỳnh khóc bạn,
người nghe vẫn rưng rưng theo từng ngón tay cô đào dừng lại, lẩy bẩy giữa không
trung và làn hơi tắc nghẹn “Thôi rồi một lưỡi gươm đưa đã dứt mạng anh hùng…”
Hai
bản ca trứ danh của bậc thầy Viễn Châu vừa dứt, đào Diệu Hiền lại trở về trong
hình mạo người đàn bà bé nhỏ, cúi chào khán phòng vắng ngắt, tựa vào cánh tay
dìu bước rời sân khấu trong tiếng tung hô tuy mỏng nhưng da diết không muốn
ngừng.
Không
chỉ là một đêm phủ phê thịnh soạn với đào võ Diệu Hiền, mà người ta còn được
khoản đãi giọng tình mùi mẫn của Sầu nữ Út Bạch Lan với những bài bản bất hủ,
khuôn diện đăm chiêu nhưng thanh thoát, xứng tầm tàn dư nhan sắc một đệ nhất
đào thương.
Đào
võ Diệu Hiền & Út Bạch Lan
Nhưng
vượt trên tất cả còn là lòng xót xa của chính từng người thưởng lãm những ánh
hào quang muộn mằn sau cuối của hai bà hoàng sân khấu ấy, đó là những suy tàn
của thời gian đã hiển hiện lồ lộ, lòng áy náy không tránh khỏi khi phải bất lực
ngồi đó, nhìn những tượng đài cao niên dìu nhau đến từng đêm hát hiếm hoi bởi
cuộc mưu sinh thường nhật, hay dẫu bởi ơn gọi mỏi mòn của nghề ca xướng. Họ vẫn
dìu nhau đến, hóa thân bà chúa ông hoàng, nơi một ánh đèn leo lét nhất, một
khán phòng thưa thớt cũng làm nên cả một di tích thánh đường quý báu cho những
hồi ức vãn thời.
Chúng
tôi tiếc rẻ ra về, đi một đoạn sau hai cô đào một thời vang bóng, nay chỉ là
hai cái bóng cập rập liêu xiêu dựa vào nhau, dắt díu từng bước ra khỏi vùng tối
phòng trà. Khán giả ngày nay cũng đánh mất thói quen tụ tập trước cổng rạp chờ
chiêm ngưỡng đào kép ra về. Chắc trong đời hát xướng của hai người đàn bà tài
hoa đó, đây là một trong những buổi vãn hát đìu hiu nhất.
Họ
chỉ có nhau.
Chồng
tôi có hỏi “Vì sao cải lương Sài Gòn biến mất?”. Tôi không có được câu trả lời.
Chỉ biết rằng ngày nay, người ta không trốn nhà mải miết theo ghe bầu gánh hát
để ăn xin cơm tổ nên không được học đức khiêm nhu từ các tiền bối, không được
dạy dỗ bởi các thầy đờn. Họ thi thố học hành trong những học viện chính quy, ra
sức canh tân hai nghĩa “cải lương” và “vọng cổ” bằng phục trang dã sử Tàu lai
trên những bản tuồng nghèo ca từ mà giàu tính tư tưởng. Thời của hoa và lệ, của
những soạn giả hàng Hà Triều – Hoa Phượng đã qua đi không hậu duệ, bởi những
bài bản Viễn Châu hoa mỹ đã không còn dễ hiểu dễ nghe so với ca từ hoặc mang
tính khẩu hiệu, hoặc nặng mùi sáo ngữ. Mà có lẽ cũng bởi ngày nay, ở những
trường lớp dạy nghề ca diễn, người ta hình như cũng không dạy ra các thầy
tuồng.
Trong
một cuộc phỏng vấn, cô Út đã từng thật thà nói: “Mộng lớn của tôi bây giờ là
dựng lại được một nhà hát thiệt đàng hoàng. Có nghệ sĩ vẽ cảnh trí, có máy vi
âm thả dòng từ nóc rạp như hồi xưa, chứ ca ra bộ mà tay cầm mic phòng trà thật
khổ cho mấy cháu, mấy em…”.
Đêm
đó, cơn bão hiếm hoi tạt ngang thành thị, gió giật và mưa tầm tã. Giữa cơn mưa
xối vần vũ trên những nóc gia đã say ngủ, tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai
làn hơi sầu nữ không chút tì vết thời cuộc, nhưng đã nhuốm hơi hướm tủi thân
nghiệp mệnh xướng ca:
Đêm
nay mưa gió ngập trời,
Hỏi ai còn nhớ một người tên Lan…
Trác
Thúy Miêu
Nguồn: Người Đô Thị
Từ
trang DDQGHCUC
No comments:
Post a Comment