BÂY GIỜ
ĐÃ XA…
Những ngày sắp tết đi bán báo xuân ở các
trường bạn. Năm nào cũng làm báo xuân và năm nào cũng vui. Những lần đi cứu trợ
ở các trại tạm cư. Những ngày ngồi góc sân trường ôn bài chuẩn bị mùa thi. Nơi
ấy Hoài và bạn bè đã lớn lên yên ấm, được dạy những bài học làm người giá trị,
không phải chỉ từ sách vở mà cả từ thực tiễn cuộc sống…
Ngọc Bút
Thương kính gởi cô TTTT, người vừa đi xa – NB
1.
Dưới bóng của cây dầu trăm năm
tuổi là cổng trường. Từ ngoài cổng trường nhìn vào, dãy phòng học cho lớp 12
buổi sáng và lớp 11 buổi chiều nằm phía bên trái. Cách một khoảng sân, phía bên
phải, thẳng góc với dãy phòng ấy là dãy ngắn hai phòng gồm phòng Giám Học và
phòng Giáo Sư(1). Hoài đứng nơi ấy và khóc khi
mười sáu tuổi, vừa vào niên học lớp 11 được hơn một tháng.
Sắp tết. Trường tổ chức làm báo
xuân. Trường ra thông cáo mời gọi toàn thể học sinh viết bài cho báo, những bài
được chọn hay nhất cho các lớp đệ nhất cấp và đệ nhị cấp sẽ nhận phần thưởng
của trường. Hoài gởi một bài thơ và một bài văn. Cả hai được chọn và được giải
của khối đệ nhị cấp.
Nhưng có một trục trặc, thầy dạy
môn Việt Văn trong “ban giáo sư tuyển đọc” đã sửa một câu trong bài văn của
Hoài. Trong bài văn, Hoài viết “…con đường quê lấp lõm dấu
xe bò năm cũ…” và thầy sửa lại là “… con đường quê lồi lõm dấu xe bò năm cũ…”. Cô giáo sư
trưởng ban báo chí gọi Hoài ra nói chuyện, hai thầy trò đứng dưới bóng cây dầu
mát rượi trong sân gần cổng trường (gọi là thầy trò chứ thực ra Hoài chỉ mới
lên lớp 11, mà cô thì dạy môn Triết, phải lên lớp 12 Hoài mới được học môn này
để trở thành học trò cô). Cô giải thích với Hoài rằng cô thích cách dùng chữ
mới mẻ của Hoài, nhưng Hoài hãy nhượng bộ thầy để giữ tình cảm thầy trò, để
thầy không tự ái, để thầy không nghĩ là “trứng đòi khôn hơn vịt”, v.v…. Trước
đó Hoài đã khăng khăng không chịu sửa, vì trong thâm tâm cảm thấy mình… hay
hơn, “mới” hơn, “động” hơn! Ôi, mới mười sáu tuổi mà Hoài đã cứng đầu đến vậy!
Cứng đầu, nhưng cuối cùng Hoài cũng bị những lời lẽ đầy tình cảm của cô thuyết
phục. Hoài vừa khóc vừa nói, thôi được, em đồng ý, nhưng là vì cô đó. Và mọi
chuyện suôn sẻ trôi đi. Và mùa xuân êm ả trôi đi.
Hoài giữ được tình cảm tốt đẹp
với thầy trong “ban tuyển đọc”, cũng là thầy dạy môn Việt Văn năm lớp 11 của
Hoài. Mãi sau này, khi đã có chút hiểu biết về việc biên tập, Hoài vẫn không
hiểu vì sao cô lại đi hỏi ý kiến đứa học sinh tác giả bài viết làm gì, vì đương
nhiên là ban tuyển đọc và cũng là ban biên tập có toàn quyền sửa chữa bài của
các tác giả gởi đến. Chưa kể các tác giả ở đây lại là đám học sinh của trường,
“tay nghề văn chương” còn rất non nớt. Nhưng Hoài đã học được bài học yêu
thương và nhân nhượng từ ấy, mang theo mình cho đến tuổi già, rằng yêu thương
và nhân nhượng chẳng mất gì (nếu có mất thì chắc là mất “cái tôi” to đùng của mình!)
mà cái được thì to lớn vô cùng, là được sự hòa ái và yêu thương nhiều hơn. Và
buổi gặp gỡ ấy, những giọt nước mắt trẻ con nhưng đầy xúc động ấy, đã là mối
“lương duyên” thầy trò giữa cô với Hoài cho đến ngày cô rời xa thế giới này.
2.
Rồi cũng đến ngày Hoài là học
trò thực sự của cô. Lớp 12 với những bài triết học nhập môn cho cả ba nhánh
luận lý học, tâm lý học và đạo đức học. Mới mẻ và đầy cuốn hút. Vẫn ngôi trường
trung học thân yêu nơi phố quận đìu hiu ấy, sân đình đối diện với hàng cây dầu
rợp bóng mát ấy, gió vi vu thổi suốt tháng suốt năm. Giòng sông mơ màng uốn
lượn phía xa. Những con đường mùa hè bụi đỏ quẩn quanh phố chợ. Những con đường quê lấp-lõm dấu xe bò năm cũ. Những đêm chạy
vội xuống hầm trốn pháo kích. Những ngày sắp tết đi bán báo xuân ở các trường
bạn. Năm nào cũng làm báo xuân và năm nào cũng vui. Những lần đi cứu trợ ở các
trại tạm cư. Những ngày ngồi góc sân trường ôn bài chuẩn bị mùa thi. Nơi ấy
Hoài và bạn bè đã lớn lên yên ấm, được dạy những bài học làm người giá trị,
không phải chỉ từ sách vở mà cả từ thực tiễn cuộc sống.
Bạn ơi, nhớ không xe nước mía và
xe nước đá đơn sơ với những ly hạt é đười ươi ly đậu đỏ bánh lọt thần thánh của
tuổi học trò tiểu học. Bạn ơi nhớ không thời trung học với những ly sinh tố ly
kem ly cà phê sữa đá thuở mới lớn điệu đàng cả đám tập tành vô quán cà phê có
nhạc. Nhớ không những chiều bè bạn đạp xe qua cầu, gió đuổi sau lưng với mây
xám trên trời và ráng chiều đỏ lựng phía xa, nắng vẫn còn mà đã sợ mưa, mấy đứa
vội vã đạp xe về cười vang trên đường vắng. Nhớ không những ngày khai giảng
niên học mới tưng bừng rộn rã bởi mùa hè nghỉ ở nhà ba tháng dài đến phát chán.
Tháng chín vẫn còn mùa mưa nên
khí trời mát mẻ cây lá tốt tươi. Nhớ không, bọn mình con gái thời ấy thích đi
guốc gỗ mùa mưa và tay xách căp vở tay cầm hai vạt áo dài trắng sợ bùn đất đỏ
văng lên làm dơ áo, điệu hết biết. Con gái ríu rít như chim nhưng con trai mặt
mày đăm chiêu hai năm cuối lớp 11 và 12 vì biết đâu sẽ vào quân trường sau mùa
thi. Nhớ không những ngày tươi đẹp có thầy cô bè bạn. Nhớ không… Và cô đã về
một ngôi trường khác xa xôi sau một mùa đầy biến động. Rồi đến một mùa hè tan
tác muôn phương, lửa cháy đỏ các góc trời.
3.
Khi bước chân vào ngôi trường
đó, Hoài không nghĩ mình sẽ ở lâu đến vậy. Bị trêu chọc là học dốt nên ở
trường lâu. Không, không phải vậy. Mới được một vài chứng chỉ thì cái biến cố
kinh khủng ấy ập đến. Hoài loay hoay đi cuốc đất trồng khoai đi buôn vài chuyến
rồi trở lại trường. Cha nói Hoài không đủ sức cuốc đất trồng khoai và cũng
không thích hợp với việc đi buôn. Thôi thì đi học lại vậy. Bạn bè lạ lẫm ngày
Hoài trở lại trường. Những bạn thân xưa của Hoài lưu lạc đâu mất, đã chết ngoài
biển lớn hay mất hút trong những cánh rừng già xa lạ. Lẽ tự nhiên là Hoài có
bạn mới. Và cũng vẫn rất thương ngôi trường ấy, thương không thua gì ngôi
trường trung học ở quê xưa. Cô dạy triết của Hoài cũng từ ngôi trường ấy vào
đời từ nhiều năm trước. Hoài vẫn thân thiết với cô. Cô đã biết đi xe đạp, vẫn
dạy học với đồng lương còm cõi thời ấy và thăm nuôi chồng ở trại-cải-tạo, nhưng
cô không còn dạy môn triết ngày xưa Hoài đã học. Trở lại trường, ngoài những
môn chính của chuyên ngành mình, Hoài phải học một môn mới, gọi là Triết nhưng
thực lòng Hoài không thấy có vẻ gì là triết như mình
đã từng biết. Rồi Hoài cũng “bò” ra trường được, nhưng lại bị giữ lại thêm một
năm cùng với một số ít bạn khác để được “bồi dưỡng” thêm chuyên môn. Hoài thở
phào khi không còn phải học cái môn triết-kỳ-cục mới sau này.
Trong sân trường đại học ở đây
cũng có cây dầu, nhưng chỉ một cây thôi, chứ không nhiều như ở ngôi trường
trung học cũ nơi quê xưa. Cũng những cánh hoa dầu xoay tít bay bay trong gió.
Đường Cường Để khi ấy vẫn thênh thang nhưng có thêm các quán cà phê vỉa hè, các
xe nước mía và xe cóc ổi mà ngày xưa nếu có các thứ ấy, các nàng Văn Khoa thời
ấy không bao giờ ghé vào. Bây giờ năm thì mười họa cũng áo dài tha thướt, nhưng
thường ngày phần lớn là áo ngắn lên giảng đường và lê la xe cóc ổi là chuyện
thường ngày. Nơi ấy Hoài cũng có những tình bạn thiết trong thời buổi khó khăn,
chia nhau từng muỗng cơm đạm bạc trong cái lon guigoz mang theo ăn trưa. “Ăn
chực” nhà bạn, má và chị bạn khéo léo chế biến bột-mì-tiêu-chuẩn thành món bánh
bèo chén ăn quên thôi. Và món mì Quảng trứ danh nhà bạn cũng từ
bột-mì-tiêu-chuẩn với nước nhưn đơn sơ mà ngon tuyệt vời. Rồi cũng qua…
4.
Hôm nay cô đã về trời hay về đâu
xa lắm. Cô nằm nhắm mắt bình yên như chưa từng biết ưu phiền. Hơn năm mươi năm
với bao lớp học trò ở nhiều trường khác nhau đã đến, đã đi và đã ở lại với cô.
Hơn năm mươi năm với bao biến động khủng khiếp của lịch sử và của đời người, cô
và Hoài vẫn còn bên nhau. Triết lý của cô là yêu thương hết thảy mọi người, là
tha thứ và không hận thù. Và cô đã sống một đời như vậy trước tất cả mọi biến
cố. Hoài học hoài học mãi vẫn chưa xong bài học yêu thương ấy, vẫn có lúc sân
si giận hờn người này người nọ. Nhưng lòng luôn luôn yên ổn và dịu êm mỗi khi
nghĩ về cô. Nếu có kiếp sau, chắc là cô và Hoài lại gặp nhau vì, với Hoài, mối
duyên này sâu nặng lắm.
Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng
thiên đường cuối trời thênh thang(2).
Ngọc Bút, Saigon, 12.01.2022
§ Trước 1975,
tất cả thầy cô dạy trung học và đại học đều được gọi là giáo sư.
§ Nhạc TCS
No comments:
Post a Comment