CƠN ĐAU KHÔNG DỨT
Khi má tôi mất, tôi mới mười môt
tháng tuổi. Bà ngoại đem tôi về nuôi. Ba tôi bị tù vì tội tham gia cách
mạng không biết ngày nào ra. Sau nầy khi tôi lớn, ngoại kể cho tôi nghe về
những năm tháng thiếu mẹ. Tôi có tật nửa đêm thức giấc tìm vú mẹ, miệng ngậm vú
bên nầy, tay sờ vú bên kia tôi mới chụi ngủ tiếp, nếu không có thì khóc thét
lên. Những đêm đầu má tôi mất, ngoại phải ôm tôi thay cho má tôi, nhưng vú của
ngoại đã khô sữa từ lâu lại bèo nhèo, Tôi mút đứt hơi mà không ra giọt sữa nào,
tôi khóc không chịu ngủ, ngoại phải bồng tôi thức cả đêm dỗ tôi, ngoại cũng
khóc theo tôi, vừa thương tôi côi cút vừa nhớ má tôi. Sáng dậy bà cháu tôi mắt
đều sưng húp. Khi nhỏ tôi thường hay đau ốm, có lẽ vì thiếu dinh dưỡng, thiếu
sự chăm sóc, vì ngoại cũng bận rộn buôn bán kiếm tiền, nên tôi bị những trận
đau ốm liệt gường tưởng chừng như không qua khỏi. Ngoại tôi phải ở nhà chăm sóc
cho tôi. Tôi vượt qua được những khó khăn, những thiếu sót từ vật chất đến tinh
thần, nhưng bù lại tôi được sự nâng niu trong tình thương của ngoại. Mặc dù
trong còm cõi, trong thiếu thốn tôi cũng lớn lên cùng với mọi người. Vì chính
những hoàn cảnh bất hạnh đó tôi lại “giàu có” những tưởng tượng, những ước mơ
đã ru tôi vào đời.
Khi tôi bắt đầu đi học cũng là
cái năm người Bắc di cư vào miền Nam. Tôi mê mẫn mấy ông Bắc Kỳ bán kẹo kéo,
không biết thơ phú ở đâu mà mấy ổng chứa đầy bụng, gặp hoàn cảnh nào là mấy ổng
tuôn ra trúng phong phóc. Nhiều hôm đau nằm liệt gường mà nghe tiếng chuông
rung từ xa của xe đạp bán kẹo kéo, là tôi tụt xuống gường chạy ra ngõ, tiếng
chuông đó hấp dẫn lạ lùng, nó có một ma lực cuốn hút mà tôi không thể nào bỏ
qua được. Cũng như bây giờ con nít ở Mỹ nghe tiếng nhạc của xe bán kem vậy.
Kẹo kéo Bắc Kỳ
Có tiền mà để làm gì
Không mua kẹo kéo Bắc Kỳ mà ăn
Khi xe đạp của ông đi ngang qua
chỗ mấy người đàn bà ngồi buổi trưa chải đầu bắt chí, là ông xổ ngay ra câu
thơ:
Bà nào chồng bỏ chồng chê
Ăn cây kẹo kéo chồng mê lại liền
Quả thật kẹo kéo ngon thật,
nhưng đối với tôi không hấp dẫn bằng mấy câu thơ của mấy ông bán kẹo. Tôi cứ
chạy theo xe từ con hẻm nầy qua con hẻm khác, đến khi nào chạy không nổi nữa
mới quay lưng trở về..Nhiều bữa ông bán kẹo thấy tôi chạy theo xe tội nghiệp,
tưởng tôi thèm kẹo mà không có tiền. Ông hỏi tôi có muốn ăn không, ông bẻ cho
một khúc. Tôi lắc đầu. Ông ngạc nhiên nhìn sửng tôi. Tôi cho ông biết là tôi
muốn nghe ông đọc thơ.
Ở phía trước con hẻm nhà tôi có
một bàu rau muống rất lớn, dân trong xóm cắt rau muống về trộn với cám để cho
heo ăn. Thế mà khi người Bắc vào thì xóm tôi mới biết dùng rau muống để ăn. Rau
muống nấu canh, rau muống luộc, rau muống xào, rau muống cuốn với bánh tráng cá
nục kho. v.v..và bữa cơm của nhà nghèo được thêm vào những món ăn hợp khẩu vị
mà không phải tốn thêm tiền. Còn món Phở Bắc thì tuyệt vời, làm giàu thêm các
món ăn của quê tôi vốn dĩ đã nghèo nàn. Ở Đà Nẵng lúc ấy nỗi tiếng quán Phở Cấp
Tiến ở đường Thái Phiên (gần ty Thông Tin). Trước cửa quán phở là sạp bánh mì.
Khách vào quán phở bao giờ cũng mua thêm một ổ bánh mì rồi bẻ nhỏ trộn vào phở
ăn độn thêm cho no. Phở quan trọng là nước dùng, thế nhưng dân ngoài tôi ít khi
nào húp nước, chỉ ăn bánh phở và thịt, nước để lại. Giống như mì Quảng, nước
chỉ vừa đủ thấm. Khi vào Sài Gòn có vợ Bắc Kỳ, tôi mới biết thưởng thức phở một
cách trọn vẹn, còn trước đây ăn phở chỉ lấy no.
Tôi có thằng bạn nhỏ nhà gần
trường, nó là dân Bắc Kỳ di cư. Nhà nó bán thịt chó. Một hôm đi học về buổi
trưa khát nước, tôi ghé vào nhà nó uống miếng nước lạnh. Tôi bước vào nhà mũi
tôi tiếp nhận một mùi thơm cực kỳ hấp dẫn, tôi chưa bao giờ ngửi một món ăn nào
thơm tho như vậy. Thằng bạn bảo tôi ở lại ăn cơm với nó rồi chiều đi học luôn
khỏi về nhà, tôi đồng ý. Mẹ nó dọn riêng một bàn ăn cho bố nó, còn mấy mẹ
con ăn chung với nhau một bàn khác. Nhà nghèo nhưng rất kiểu cọ. Đó là một gia
đình người Bắc đầu tiên mà tôi đã gặp. Mẹ thằng bạn hỏi tôi có bao giờ ăn thịt
chó chưa? Tôi thưa với bà là tôi chưa bao giờ ăn món nầy. Bà xuống bếp múc cho
tôi một chén “rựa mận”. Đầu lưởi của một thằng bé con Quảng Nam nghèo, chưa lần
nào ăn một món có nhiều gia vị như vậy, nên khi tôi nếm vào, lưởi tôi như tê
lịm, khi nuốt xuống tôi cảm tưởng như nó rần rần trong cơ thể. Tôi chưa bao giờ
thấy món ăn nào ngon hơn. Một quán thịt chó nho nhỏ nuôi một đàn con nên người
sau nầy, đứa nào cũng hiếu thảo với cha mẹ. Đó là một tấm gương cho nhiều gia
đình. Lúc nhỏ tôi thấy Bố thằng bạn cỏ vẻ nghiêm khắc, xa rời con cái, nhưng
sau nầy thỉnh thoảng tôi có ghé lại thăm gia đình, ông tiếp tôi trong thân tình
và rất cởi mở. Con cái về nhà đông đủ, nhung đến bữa cơm vẫn dọn riêng cho ông
một mâm như thuở xưa.
Khi học lớp tư, lớp ba (lớp hai,
lớp ba bây giờ), mỗi lần đi học tôi ghé vào nhà thằng bạn ở trên con đường đi
tới trường, rủ nó cùng đi chung. Thường tôi đứng ngoài ngõ chờ nó. Nó là đứa
con út của gia đình nên nó được mẹ chìu chuộng, nó thường ngồi trong lòng mẹ để
vòi vĩnh, mẹ nó thì ôm nó tưng tiu. Thấy cảnh nầy tôi vội vàng bỏ đi không chờ
nó, vừa đi tôi vừa tủi thân vừa khóc. Tại sao má tôi lại ra đi sớm để tôi không
được nuông chìu như vậy? Nó hỏi tôi tại sao không chờ nó cùng đi, tôi không trả
lời. Trả lời thực lòng thì tôi thể hiện lòng ganh tị, mà tôi không muốn
ai biết được sâu thẳm của lòng tôi. Nhưng người thấy được những cất giấu kín
mít nầy lại chính mẹ nó. Bà để ý từng cử chỉ, từng lời nói của tôi mà tôi không
hay. Chắc nó cho bà biết là má tôi đã mất sớm, nên ánh mắt của bà nhìn tôi thật
dịu hiền. Từ đó bà không bao giờ nuông chìu nó trước mặt tôi. Mỗi buổi sáng bao
giờ bà cũng mở cặp của tôi nhét vào một khúc bánh mì, một gói xôi hay một củ
khoai giống như nó vậy. Bà không bao giờ hỏi tôi về gia đình, về hoàn cảnh sống
của tôi. Tôi nghĩ thằng bạn nhỏ của tôi đã cho bà biết tất cả về tôi, nên bà
cũng chẳng cần phải hỏi cho tôi thêm xúc động. Thế mà trong số bạn bè tôi sau
nầy, thằng bạn nầy lại chết sớm nhất trong chiến tranh. Đúng ra không phải chết
ở ngoài mặt trận mà chết vì mìn claymore mà VC đặt ở cổng số 9 trường Bộ Binh
Thủ Đức, khi nó bị động viên theo học khóa 6/69 sĩ quan trừ bị.
Tuổi nhỏ sống trong hẩm hiu,
biết thân biết phận nên không bao giờ đoi đòi. Con nít khi nghèo khó nên thèm
khát đủ thứ, chỉ biết nuốt nước miếng nhịn thèm, bỏ đi chỗ khác tránh xa những
nơi ăn uống. Tối nằm trên gường ngủ chỉ mơ thấy món ăn. Từ lúc đó tôi ước mong
sau nầy lớn khôn, tôi sẽ kiếm thật nhiều tiền để giúp gia đình đở phải thua
thiệt. Tôi mang tâm nguyện nầy cho đến bây giờ, không sợ khó nhọc, khổ cực,
phải kiếm tiền trong mọi hoàn cảnh bằng sức lực của mình. Chỉ có một thú vui
trí tuệ lúc ấy là thích đọc sách báo, lấy đó làm niềm vui. Tìm được tờ báo nào
về nhà nằm ngữa trên phản gỗ đọc không sót một chữ. Có nhiều người lớn vào nhà
thấy tôi như vậy cũng tức cười. Một thằng bé con nằm tréo mảy trên phản đọc báo
như ông cụ..
Tôi lớn lên bằng những thiệt
thòi, những thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Lên trung học ai cũng đi xe
đạp còn tôi thì cuốc bộ trường kỳ. Đến năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ) tôi mới mua
được một chiếc xe đạp cà tàng bằng chính tiền của tôi đi dạy kèm buổi tối.
Trước giờ dạy kèm, tôi thường đạp xe đi sớm cả tiếng đồng hồ ra ngồi ở ghế đá
bờ sông Hàn, Đà Nẵng, tìm một chút thư giãn, một chút suy nghĩ về mọi chuyện đã
gặp trong ngày, nó trở thành một thói quen mà không bỏ được. Trong lớp học của
tôi lúc đó có bốn thằng bạn thân nhất: Lâu, Hùng, Li và tôi. Thỉnh thoảng tụi
tôi đi uống café, đi ciné hoặc đạp xe vòng thành phố, ra bờ sông ngồi tán dóc,
hoặc đến nhà đứa nào đó học bài chung Trong thời của tụi tôi lúc ấy, cha mẹ
cũng không chăm sóc con cái kỷ càng, thế mà tụi tôi chẳng có đứa nào hư hỏng,
lêu lổng. Có đi đâu thì phải thức khuya để học bài. Nhà nghèo sợ chong đèn
không đủ tiền trả tiền điện, phải ra ngoài đường ngồi dưới gốc trụ đèn học
bài..
Sau nầy lớn lên, trước khi vào
lính, thằng nào cũng có tật mê gái (hình như đó là cái bệnh chung của thanh
niên). Thế nhưng chỉ yêu thầm nhớ trộm, trong bốn thằng chưa có thằng nào có bồ
mặc dù có đi cua gái chút đỉnh (mà con gái lúc đó đâu thèm mấy thằng lông bông
như tụi tôi). Sau tết Mậu Thân, chiến cuộc tràn lan, lần lượt đứa nào cũng vào
lính. Lâu và Hùng được tuyển chọn đi không quân. Tôi và Li bị ra bộ binh. Tôi ở
Trinh Sát Trung Đoàn 51. Lúc đó tôi nghĩ trong bốn thằng bạn thân, có lẽ tôi là
thằng rửa chân lên bàn thờ sớm nhất, vi trinh sát đủ biết là đơn vị sống nay
chết mai, thập phần nguy hiểm. Li ra địa phương quân tiểu khu Quảng Nam. Mặc dù
tôi với Li cùng đóng tại Quảng Nam nhưng rất ít có cơ hội gặp.
Một thời gian ngắn, tôi nhận tin
Lâu bị “sút” ra khỏi không quân vì lý do kỷ luật. Tôi rất ngạc nhiên, trong bốn
thằng Lâu hiền từ nhất và học giỏi nhất, mà trong quân trường rớt vì lý do kỷ
luật là phải vi phạm to tát lắm mới bị hình phạt nầy. Rồi tất cả mọi
chuyện cũng trôi theo thời gian, không còn biết tin tức gì về nhau. Tôi hay
chuồn về nhà khi đơn vị không đi hành quân, mỗi lần về Đà Nẵng tôi hay ngồi
quán café Ngọc Lan (đường Độc Lập) mà xưa kia trước khi vào lính tụi tôi hay
ngồi, vì quán nầy yên tỉnh. Một lần chuồn về, tôi đi uống café Ngọc Lan, tôi
mới bước vào quán thì thấy Lâu, Hùng và Li đang ngồi ở đó, mỗi thằng mang bộ
quân phục khác nhau. Lâu nhảy dù bộ đồ hoa xanh đỏ, tôi trinh sát bộ đồ hoa
xanh den, Hùng không quân bộ đồ bay và Li bộ binh bộ đồ xanh ô-liu. Mỗi thằng
phục vụ những binh chủng khác nhau. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng
bốn đứa chúng tôi gặp nhau trong thời chiến tranh đầy đủ, sau nầy có gặp nhưng
gặp thằng nầy thì không có thằng kia. Tôi hỏi Lâu về trường hợp ra khỏi không
quân, nó cho biết là trong thời gian thụ huấn nó quen với một em cave, nên tối
là nó chuồn ra với em, nhiều lần như vậy nên bị kỷ luật. Bốn đứa gặp nhau mừng
lắm, sau cử càfé tụi tôi kéo nhau đến quán nhậu ở đường Lê Đình Dương.
Lâu ít nói nhất, mặt lầm lì,
uống như hủ chìm. Mới ngày nào còn dáng thư sinh chỉ vài năm tác chiến
mặt thằng nào cũng phong sương, chai đá. Tụi tôi uống tới khuya mới ra về.
Trong bữa nhậu đó tôi thấy Lâu buồn nhất, khi chia tay Lâu ôm thằng Hùng và Li
khóc, tôi nghĩ vì quá say nên nó không kiềm hảm được xúc động, chớ ngờ đâu đó
là điều báo trước sự bất hạnh của nó. Tôi lãnh phần chở nó về nhà, khi đến cổng
nó năn nỉ bảo tôi vào nhà uống với nó tách nước trà. Tôi bảo là khuya sợ gần
giới nghiêm mà trong người không có sự vụ lệnh hay giấy phép, Quân Cảnh sẽ chụp
đầu. Nói thì nói vậy nhưng tôi vẫn dựng xe honda trước sân vào nhà nói chuyện
chơi với nó, rồi quá khuya tôi quyết định ngủ lại nhà nó đêm đó.
Vài tháng sau thằng lính trên
văn phòng đại đội xuống phòng của tôi báo cho biết tôi có điện thoại. Tôi chạy
lên nghe đầu dây bên kia Li cho biết là Lâu tử trận, xác được nhảy dù đưa về
nhà trưa nay, vì xác đã chương sình nên gia đình phải chôn sớm. Li hỏi tôi có
thể về đưa đám Lâu được không? Tôi trả lời là bằng mọi cách tôi sẽ có mặt. Tối
đó tôi với Li mang một vòng hoa mang tên ba đứa tới viếng Lâu (Hùng bận công
tác không về được). Khi tụi tôi mang hoa vào trông thấy một người đàn bà bồng đứa
con trai chừng hơn một tuổi, hai mẹ con đều chít khăn tang. Tôi nghi trong bụng
đó là người tình của Lâu mà có lần nó kể cho tụi tôi nghe. Tôi đến bên vuốt ve
đứa bé nó giống Lâu như tạc, chị và cháu đi theo quan tài từ Sài Gòn về Đà
Nẵng. Đó là đứa con trai của Lâu mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp lại.
Những sĩ quan nhảy dù đi theo
quan tài của Lâu cho biết về cái chết của Lâu. Trong một cuộc đụng độ (vì lâu
quá tôi không nhớ ở mặt trận nào). Lâu tử thương trong lúc mới giao tranh nên
xác không thể mang ra được, ba ngày sau mới tìm được xác thì đơn vị đụng một
trận khác, vì quá vội vàng qua con sông nhỏ nước chảy xiết bị đứt dây xác trôi
mất. Ba ngày sau xác mới nổi lên, đơn vị mới vớt được. Như vậy “người chết hai
lần, thịt da nát tan” như Trịnh Công Sơn mô tả trong bản nhạc, đúng với trường
hợp của Lâu. Ngày hôm sau tôi và Li đi đưa đám tang Lâu về, hai thằng chở nhau
ra quán café Ngọc Lan ngồi, không nói với nhau một lời. Trong bốn thằng mới
ngồi với nhau mấy tháng trước tại đây, Lâu là thằng ra đi trước nhất. Sau nầy
không biết đứa nào ra đi tiếp đó, vì ba thằng còn lại đứa nào cũng ở đơn vị tác
chiến. Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, đụng trận mãi thế nào cũng đưa đến
chuyện tử vong. Thật tình, tinh thần của những người cầm súng trực diện với mặt
trận rất suy sụp. Thế nhưng ở tư thế nầy không thể rút lui được, tới đâu hay
tới đó, sống chết phó mặc cho phần số.
Thỉnh thoảng tôi có gặp Hùng ở
Đà Nẵng khi tôi từ đơn vị chuồn về đi chơi, cũng café Hạ, Diệp Hải Dung, Ngọc
Lan. Hôm nào lãnh lương thì nhảy đầm, ăn nhậu. Tụi tôi không vợ con cho nên
không dành dụm tiền bạc làm gì, tháng nào sạch tháng đó. Hùng thì dân pilot
trực thăng nên các em thơm tho chiếu cố, còn tôi dân tác chiến trâu bò, chẳng
có ma nào cỡ đó để ý. Nhưng thôi, dây dưa làm gì những thứ tình yêu vớ vẩn
chẳng tới đâu, mạng sống còn không giữ được, đèo bòng làm gì cho thêm mệt.
Trong quan niệm yếm thế đó, tất cả những mối tình chỉ qua đường, không dừng lại
lâu trong đời sống. Người bạn gái nào tiến tới thì tôi lặng lẽ rút lui. Tôi dùng
trò chơi cút bắt để giỡn mặt với tình yêu, họ đâu biết rằng tôi có mệnh hệ nào
sẽ làm cho người khác đau khổ, mà tôi không muốn điều đó xẩy ra.
Đầu năm 1972, đơn vị tôi hành
quân ở quận Đức Dục có đụng những trận lẻ tẻ không đáng kể, sau ba ngày một đơn
vị khác lên thay cho chúng tôi, trực thăng chở chúng tôi về Bộ Chỉ Huy. Trực
thăng chở trung đội tôi về nửa chừng thì tôi được lệnh phải quay lại tìm xác
của phi hành đoàn một chiếc trực thăng bị bắn cháy ngày hôm trước gần mỏ than
Nông Sơn. Trực thăng nầy đã tìm thấy, nhưng xác của phi công chưa lấy được.
Những chiếc gunship yểm trợ cho chúng tôi nhảy xuống tìm xác. Thật tình thì
những xác bị cháy đen ngồi ở vị thế trên máy bay không xê dịch, tôi chỉ ghi
trên poncho của từng người, bên trái, bên phải và xạ thủ đại liên phía sau, để
dễ dàng khi nhận diện mà không bị lẫn lộn.
Sau cuộc hành quân nầy tôi được
nghỉ ba ngày phép về Đà Nẵng chơi. Đang ngồi uống café thì thằng bạn học
cũ tới hỏi tôi: “Mầy đi đám ma thằng Hùng chưa?”. Tôi giật mình, hỏi lại: “Ủa
nó chết hồi nào?”. Nó chưa kịp trả lời, tôi vội vả trả tiền café chạy lại
nhà Hùng, tôi đã thấy Li ngồi ở đó tự lúc nào. Li cho tôi biết là máy bay của
Hùng bị bắn cháy ở gần mỏ than Nông Sơn, tôi kêu lên: “Trời ơi”, rồi nước mắt
của tôi chảy dài. Chính tôi là người đi lấy xác thằng bạn thân của mình mà tôi
không hay, sao oan nghiệt với tụi tôi thế nầy? Thường thường đi lấy xác thì sai
lính vào trong khiên ra, không biết có ai sai khiến, tôi lại đến ngay chổ máy
bay bị nạn, thiếu poncho, tôi lại tháo cái poncho của mình để bọc người phi
công bên trái chính là Hùng. Nghĩ tới điều nầy tôi lạnh cả người. Tôi và Li đêm
đó ở lại với Hùng. Như vậy trong bốn thằng chỉ còn lại tôi với Li. Đám tang của
Hùng nhiều người con gái đến viếng, nhiều người khóc nức nở và tụi tôi cũng
không biết trong số đó ai là “bồ ruột” của nó.
Sáu tháng sau, trong một cuộc
hành quân chiếm lại vùng đất Cẩm Hải, Quảng Nam. Tôi bị thương nặng, gửi lại
một bàn chân tại vùng đất nầy (nơi đây sau nầy là phần mộ của ba má tôi). Như
vậy tôi là người thứ ba trong bốn thằng bị loại ra khỏi vòng chiến, hơn được
hai thằng kia là tôi còn giữ được mạng sống. Li vào Tổng Y Viện Duy Tân thăm
tôi, ngồi với tôi một buổi, khuyên tôi đủ điều. Tôi nói với nó bây giờ tôi chỉ
muốn chết, sống mà mang thương tật suốt đời không chịu nổi. Nó đưa tay bụm
miệng tôi lại, không cho tôi nói những điều không hay. Tuần nào nó cũng vào
thăm tôi, mang cho tôi một vài quyển sách, lần sau trái cây hay thuốc lá, bao
giờ cũng ngồi nói chuyện với tôi cả tiếng đồng hồ. Sau khi xuất viện, thỉnh
thoảng về phép, nó đến nhà chở tôi đi uống café hay đến mấy quán nhậu lai rai.
Tinh thần của tôi không còn suy sụp cũng nhờ nó một phần. Tuy nhiên tôi rất hạn
chế ra ngoài đường, ngoại trừ bạn bè ngoài mặt trận về rủ đi uống café hoặc cần
thiết lắm mới ra khỏi nhà, bởi tôi mang mặc cảm thua thiệt vì tật nguyền. Hai
năm sau tôi giả từ Đà Nẵng để vào Sài Gòn làm lại cuộc đời. Cắt phăng tất cả
những hệ lụy, những vướng mắc tình cảm. Chọn một nơi dung thân xa lạ để tiếp
tục sống những ngày còn lại.
Tháng 4/75, mọi toan tính của
tôi cho tương lai đều bị ngưng lại, dồn sức vào chuyện kiếm tiền nuôi thân,
không còn trông chờ vào số tiền trợ cấp hằng tháng. Tôi đã thay đổi công việc
nhiều lần để thích hợp cho cuộc sống, chính vì vậy tôi đã thành công trong cuộc
sống lúc đó, không giàu có nhưng cũng đủ sống thoải mái.
Tháng 6 năm 1990 tôi và gia đình
định cư tại Hoa Kỳ, thêm một lần thật sự đổi đời. Tuy vô vàn khó khăn trong hội
nhập, vợ chồng tôi vẫn cật lực làm việc trong những môi trường lạ lẫm từ tiếng
nói đến công việc và không bao giờ nghĩ tới chuyện hưởng thụ. Năm 1993 tôi có
về thăm quê nhà một lần sau khi Ba tôi mất. Tôi có đến thăm gia đình Li, Li
cũng chở tôi đi thăm bạn bè, cũng ngồi café như thuở trước, nhưng chúng tôi cảm
thấy không thích hợp nữa, chỉ thích ngồi mấy cái quán cốc để dễ dàng xuề xòa
nói chuyện, Li chở tôi tới nhà Lâu và Hùng để thắp nhang, nhìn trên bàn thờ với
tấm hình thời đi học của Lâu và Hùng, tôi và Li cảm thấy ngậm ngùi. Trước đây
mấy tấm hình trên bàn thờ đều mặc đồ lính, sau 75 mọi gia đình đều hạ xuống,
lấy hình mặc đồ dân sự thay thế.
Vì bận rộn nhiều với công việc,
mười lăm năm sau tôi mới trở về lại. Ông cậu tôi tìm đâu ra tấm hình cũ của
tôi, Li, Hùng và Lâu chụp chung khi đi picnic ở Tiên Sa năm học đệ tam. Tôi
mang tấm hình đưa cho Li xem, Li xúc động ngồi trầm ngâm rồi nói với tôi:
“Không biết sau hai thằng nầy, mầy hay tau đi theo chúng nó trước?”. Tôi chỉ
trả lời với nó là: “Trời kêu ai nấy dạ, hơi đâu mà lo cho mệt”. Nó giành giữ
lại tấm hình, lúc nào tôi về lại sẽ sang ra đưa cho tôi một tấm. Tôi có nói với
nó: “Tấm hình oan nghiệt thật, hai thằng chết, một thằng chết nửa thân người
(tôi). Chỉ còn mầy lành lặn”. Nó nói với tôi
“ Thấy bên ngoài như vậy, chứ tau nát bét bên trong, chắc tau đi trước” (một
câu nói báo trước cho nó). Tôi nói giỡn lại với nó: “Có lẻ tau bị thương nên
được chừa ra, còn mấy thằng lành lặn đi đong hết”. Cũng một câu nói vô
tình đó nó trở thành một định mệnh. Sau khi trở lại Mỹ ba tháng sau, tôi nhận
được email của chị bạn học một lớp với tụi tôi báo cho biết Li mất vì bệnh tim.
Nhận được email tôi vô cùng xúc động, rồi bật khóc.
Như vậy, tôi là người còn lại
cuối cùng trong tấm hình bốn thằng còn đi học ở trường Sao Mai, Đà Nẵng. Khi
tiễn tôi ra phi trường, tôi bắt tay rồi ôm nó, cám ơn nó đã tận tụy tiếp tôi
trong những ngày về thăm quê nhà. Nó căn dặn tôi “Tuổi mình không còn nhỏ, ráng
một hai năm thu xếp về thăm anh em, chứ đừng để mười lăm năm mới về như lần
nầy, thì không còn thằng nào để tiếp mầy”. Thế mà chỉ mới ba tháng, sau khi chúng
tôi hội ngộ, nó đã ra đi. Tôi không tin vào những điều huyễn hoặc, nhưng kiểm
lại những gì mà chúng tôi gặp, nói với nhau, hình như là điềm báo trước cho
sinh mệnh của mình. Ngồi mở lại những tấm hình tôi và Li mới chụp vừa rồi ở quê
nhà, tôi thấy nó không nở một nụ cười, mặt của nó buồn bả. Nó nói với tôi: “Bọn
mình suốt đời toàn gặp những chuyện không may, thằng chết đã đành, còn thằng
sống cũng không hơn gì”.
Tuổi trẻ của tụi tôi bị vùi dập
trong chiến tranh, hòa bình thì tù tội, tuổi già thì ốm yếu hậu quả của những
năm tháng lao khổ. Riêng cá nhân tôi không bị lao tù, nhưng mang một thương tật
khổ sở suốt đời. Không giũ áo ra đi sớm như Lâu, Hùng và bây giờ thêm Li, nhưng
mang một vết thương như một hình phạt mà tưởng chừng như một gánh nặng đè trên
thân phận, cái đau triền miên không bao giờ dứt được. Thôi thì, phải chấp nhận
một định mệnh mà Thượng Đế đã bất công giáng xuống cuộc đời của chúng tôi.
Phan Xuân
Sinh
Dallas, mùa hè 2008.
Từ trang OVV
No comments:
Post a Comment