HAI NGƯỜI BẠN
Hữu bằng tự
viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?
Sáng nay bất chợt đọc được câu
Luận Ngữ này, tự dưng nhớ đến người bạn thân của bố tôi ngày xưa.
Lúc tôi còn nhỏ, bố tôi có mấy
người bạn thân. Thỉnh thoảng, các bác lại nhà ngồi uống trà, nói chuyện cả
buổi, về hoa, về thơ nhạc, về những chuyện trần ai… Trong số các bác, bác
T. với bố tôi là hai người bạn tâm đắc nhất.
Bác T. ở xa, ở tận Sài Gòn, gia
đình tôi ở Đà Lạt. Đúng một tuần một lần, vào mỗi thứ ba, lại nhận được
một lá thơ của bác. Chữ bác nghiêng nghiêng, đều đặn, lời thơ rất văn vẻ,
rất nhẹ nhàng, và đượm một cái tình bạn mà bây giờ tôi vẫn không biết diễn tả
thế nào. Chỉ biết ngày xưa, nhận thơ bác, bố hay bảo tôi đọc cho cả nhà
cùng nghe, rồi cất cẩn thận trong hộp. Thỉnh thoảng tôi lại dở các bức thơ
cũ của bác ra xem, xem đi xem lại hoài cũng không chán.
Ngày ấy tôi còn bé tí, mới biết
đọc chữ, nhưng cũng thấm được cái hồn văn thơ của bác, và cái tình của những
người bạn vong niên. Chia sẻ nhau một chút nắng vừa lên của Sài Gòn vào
thu hay một chút gió mát hiếm hoi của những trưa hè nóng nực. Có khi chỉ
để chia sẻ một đóa hoa hồng vừa mới nở, hay một chút hương của những hoa ngâu
vào những đêm trăng chưa tròn hẳn, một nhánh lan vừa mới nhú, hay một trái ổi
con vừa thành hình trên những cây kiểng xinh xinh. Cũng có khi là những tán
thán nhẹ nhàng về cái nóng, cái vật giá leo thang, cái xô bồ của đời sống, cái
nhọc nhằn của kiếp người, v.v…
Những bức thơ của bác, khi thì
như một bức tranh vẽ lại cảnh sắc của những mùa khác nhau, có khi là những cơn
mưa hạ, cũng có lúc là những chiếc lá me rụng mùa thu, hay những bông hoa sen
nở rộ trên hồ. Những lá thơ của bác, cũng có lúc là những châm biếm nhẹ
nhàng dí dỏm cho cái đời sống cách xa những giấc mộng bình thường… Nhưng tuyệt
nhiên không lá thơ nào chất chứa những giận hờn ; cũng không một lá thơ nào
mang những oán than, hay chất chứa rõ ràng những hỉ nộ ái ố của đời sống. Nhưng
sao những lá thơ đó vẫn là những lời tâm sự miên man, tạo nên một cái tình cảm
vững bền của hai kẻ cố tri.
Khi bắt đầu đọc những lá thơ đó,
tôi còn bé lắm, nhưng cũng cảm nhận được cái thiêng liêng của tình bạn
giữa bố và bác. Lớn dần lên, nhờ những lá thơ đó tôi dễ dàng hiểu được tại
sao Bá Nha đập vỡ cây đàn khi Tử Kỳ ra đi. Lớn hơn chút nữa, tôi nhận ra
được cái tình bạn cao quí đã giúp cuộc sống con người nhẹ nhàng đi thế nào.
Nhà bác ở Sài Gòn, thỉnh thoảng
bố về Sài Gòn công tác, lúc nào bố cũng mang tôi đi theo. Những buổi trưa hai
bố con về nhà bác nghỉ. Căn gác nhỏ gọn ghẽ với một mái hiên đầy cây kiểng. Bác
đã cẩn thận múc một chậu nước trong phơi nắng, trong chậu loáng thoáng ít cánh
hoa nhài… Bác pha cho hai bố con hai ly đá chanh mát rượi, rồi nhẹ nhàng …hai
bố con ngồi nghỉ một lúc rồi đợi nước ấm lên, cháu Thiên Hương lấy nước đó mà
tắm cho đỡ lạnh… Thau nước của bác trong veo, ấm nhè nhẹ và thoang
thoảng mùi hoa nhài làm con bé khỏe hẳn và, mùi hoa vẫn còn theo hoài con bé
trong nhiều tháng, nhiều năm. Tắm xong, ra đến nơi ăn cơm với bác và
bố. Sau bữa cơm có lúc là một quả ổi, có lúc là một quả khế, hay quả quít
rất xinh vừa chín tới trên những cây trái trồng trong chậu kiểng. Những trái mà
bác trồng và chỉ đợi con bé gái út của người bạn thân, về đến Sài gòn hái xuống
ăn tráng miệng. Tôi thật quá may mắn được làm cục cưng của cả bố và bác. Ăn trưa
xong, tôi nằm lăn trên phản ngủ. Hai ông bạn ngồi uống trà, nhẹ nhàng quạt cho
con bé ngủ, trò chuyện nho nhỏ, cũng có những lúc lặng yên, ngắm những bông hoa
thỉnh thoảng đong đưa nhè nhẹ trong những cơn gió hiếm hoi của trưa nắng Sài
Gòn.
Thỉnh thoảng, mới gần sáu giờ
sáng, trời Đà Lạt còn ẩm ướt hơi sương, đường phố còn vắng tanh vắng ngắt, nghe
tiếng chuông cửa, mở ra đã thấy bác tươi cười. Bác không có vẻ gì là lạnh
dù bác là dân Sài Gòn chính hiệu, vẫn chiếc sơ mi trắng cộc tay, bên ngoài là một
chiếc áo len mỏng sát nách, bác cười đưa cho con bé một gói kẹo nhỏ rồi nhẹ
nhàng… bố dậy chưa cháu… Thì ra bác lên đến Đà Lạt chiều tối
hôm trước. Ngủ một giấc, sáng thức dậy 5 giờ đi bộ mấy cây số, từ tận Chi
Lăng xuống nhà tôi… cho khỏe người và ngắm cảnh sương xuống của Đà Lạt.
Hai ông bạn ngồi với nhau bên
tách trà ướp sói thơm ngát, bác không bao giờ ăn sáng, chỉ nhấp nháp miếng nước
trà… Rồi 7 giờ sáng lại ra bến xe để về Sài gòn. Gặp nhau, hai người không
tỏ vẻ gì mừng rỡ, cũng không có gì vội vã, cũng chẳng có gì dồn dập chuyện trò,
chỉ vơ vẩn vài câu thăm hỏi, như vẫn gặp nhau hàng ngày vậy. Cũng chẳng có
vẻ gì là trọng đại khi đi hơn ba trăm cây số nói vài câu vớ vẩn rồi lại đi hơn
ba trăm cây số để trở về. Không bao giờ bác ngồi lâu quá một tiếng,
không bao giờ cả bác và bố đề cập đến quãng đường dài dằng dặc. Hai người
gặp nhau không vồn vã, từ giã không bịn rịn. Cả bác và bố tôi, và ngay cả
gia đình tôi đều xem việc đi lại xa xôi là chuyện bình thường. Chỉ sau
này, lớn lên biết suy nghĩ tôi mới đánh giá được cái tình bạn tri kỷ ngày xưa
thiêng liêng cao quí đến chừng nào.
Có một thời gian, bố tôi bệnh
phải về Sài Gòn chữa trị. Bố mẹ tôi lúc ấy ở tuốt Phú Lâm, bác ở chợ Bầu
Sen, sáng nào cũng 6g sáng, đã thấy bác đạp xe xuống, gõ cửa. Hai ông lại
ngồi với nhau, bên tách trà, ngắm những cây kiểng. Khoảng hơn nửa tiếng
bác lại đạp về để còn đi làm. Chẳng ai than đạp xe xa nóng,
chẳng ai áy náy vì bạn vất vả đến thăm. Với hai người, hình như chỉ một lúc
ngồi bên nhau, lắng cái tâm là đủ. Bao nhiêu năm, cái tình bạn ấy hình
như không bao giờ thay đổi. Bởi vậy, khi lớn lên đọc truyện Kim Dung, đến
đoạn nhân vật Khúc Dương và Lưu Chính Phong nắm tay vào núi, quên hết thiên hạ
để cùng nhau tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ, tôi chẳng thấy có gì là vô lý và hoàn
toàn thông cảm.
Đến sau này, có một lần kể
chuyện bố và bác cho một người bạn, người này nói một câu … tui nghi
hai ông này gay quá… Tôi cảm thấy thực sự tổn thương và buồn bã. Tôi
ít chia sẻ câu chuyện này với những người khác vì sợ những ngộ nhận, và sợ vì
những ngộ nhận ấy, có thể mình sẽ mất đi thêm một số bạn vì đã có một vách ngăn
nào đó. Hay vì sợ có lúc trở nên cô đơn vì Vô hữu bất như kỷ giả
Nhưng làm sao có thể trách được
con người. Đời sống càng lúc càng quá sức hiện thực và vật chất. Con
người có thể giàu có hơn thời xưa, vật chất đầy đủ hơn, cuộc sống sung túc hơn,
nhưng hình như cái tình thì nghèo đi nhiều lắm.
Không có chuyện ai làm không cho
ai cái gì. Có qua thì phải luôn có lại. Lúc nào cũng phải tính đến
chuyện sòng phẳng và công bằng, dù có lúc công bằng cho mình
trước, mới đến cho người sau. Làm gì cũng tính đến thời gian, đến kết quả,
đến hiệu năng, hiệu suất. Đời sống kinh tế thị trường giúp con người tính
toán sâu sắc, nhạy bén hơn nhưng mất đi cái thâm thúy tế nhị của cái đời sống ngày
xưa.
Bây giờ làm gì còn cái chuyện đi
bao nhiêu cây số đến nhìn nhau, uống một ly trà để trở về. Hai người bạn
đồng giới thân nhau quá đáng thì có thể bị coi là đồng tính luyến ái. Hai
người bạn khác giới thân nhau thì bị coi là có tình ý. Đến thăm nom nhau phải
có một chút quà không cũng cảm thấy ngượng nghịu. Một người bạn lâu ngày
đột nhiên gọi phôn thăm hỏi hay tự dưng đến thăm là gây nên ngờ vực từ người
chủ nhà là có sự nhờ vả nào đó. Tình cảm từ một lúc nào trở nên đong đếm và mua
bán. Sốt sắng quá thì sợ bị coi là lợi dụng, hờ hững quá thì bị coi là làm bộ,
khinh thường người khác.
Bạn bè bây giờ, gặp nhau thì
hoặc là ăn nhậu, hoặc là giải trí. Những quán nhậu, những chốn ăn chơi mọc lên
khắp nơi, càng lúc càng sầm uất. Nên bạn bè gặp nhau nhậu nhẹt ăn chơi
nhiều quá, cái tình bạn bè sợ cũng có lúc sẽ tan đi theo những bọt bia, hơi
rượu, hay trong những làn khói thuốc.
Cuộc sống đã khác đi nhiều lắm,
bây giờ tìm đâu được những cái nghĩa như Quan Công phò Nhị tẩu, Triệu Tử Long
phò Ấu Chúa, tìm đâu những Bá Nha Tử Kỳ, tìm đâu những người như bác T. và bố
tôi …
Báo chí hàng ngày nhan nhản
những tin lừa đảo ; vì chút đất, mẹ con đem nhau ra tòa ; vì cái nhà, tình
nghĩa cha con, anh em, họ hàng, chú cháu đổ hết xuống sông xuống biển. Vì
thương vụ, vì danh phận, bạn bè sẵn sàng loại bỏ nhau không thương tiếc. Có
người lại tuyên bố xanh rờn, trong làm ăn, cha mẹ, anh em không đi cùng
một hướng là kẻ thù của nhau. Tin vợ chồng ly dị nhau không còn là một
chuyện đáng giật mình. Tin bồ bịch bỏ nhau lại càng là
chuyện thường tình ở huyện.
Dạo này người ta thi nhau viết
thư pháp, những chữ tâm bắt đầu thấy nhan nhản khắp nơi
để nhắc nhở nhau sống với cái tâm là chính. Có lẽ cái tâm đã
đi xuống đến mức phải báo động rồi chăng. Cái tình từ
một lúc nào chỉ còn là tình yêu, cao thượng một chút thì là tình yêu quê hương,
gia đình, cha mẹ, anh em ; nhưng thông thường nhất vẫn là tình yêu trai gái.
Cái tình từ
một lúc nào đã từ từ bị xoá dần đi trong tự điển con người. Tôi yêu cái
chữ tình lắm, vì nó không phải chỉ đơn thuần là tình yêu,
nhưng là cái tình và cái nghĩa. Hàng xóm với nhau
lâu ngày, bạn bè cũ với nhau, hay đồng nghiệp cũ, dù xa xôi lắm, có gặp lại
nhau cũng còn cái tình để giúp đỡ nhau nếu cần thiết. Có khi chỉ cần trao nhau
một cái nhìn ấm áp, và một nụ cười làm ấm lòng những người xa xứ. Thỉnh thoảng
nhấc chiếc điện thoại hỏi han vài câu rồi cúp máy. Không ai thắc mắc vì sao lại
gọi, không ai ái ngại đã gọi tới làm khuấy động công việc thường ngày của người
kia ; để khi buông máy, hai người ở hai đầu dây đều thấy lòng ấm lại.
Cái
tình thường đi chung với cái nghĩa,
cái nghĩa thày trò, cái nghĩa tao khang, cái nghĩa bạn bè, v.v… Cuộc sống bây
giờ là một trường đua đầy cạnh tranh và mỏi mệt, con người cứ mải hơn
thua, giành giật để vươn lên nên nhiều lúc đẩy lùi cái nghĩa. Càng ngày cái
self-esteem hình như càng mạnh, nên con người càng lúc hình như càng cô đơn.
Cái chữ tình, cái chữ nghĩa khi còn vướng vít thì như một cái kén bọc lấy
những con người yếu ớt. Khi con người mạnh dần lên, vượt thoát ra khỏi những
trói buộc của thân phận, vươn mình ra khỏi những bảo bọc của gia đình, của
người thân, của bạn bè, đứng mạnh mẽ trong xã hội, có nhiều lúc vô tình hay cố
tình vứt đi hai chữ tình nghĩa cổ hủ trói buộc.
Để đến một lúc nào, thấy mình trong đám đông mà như ở trong ốc đảo.
Bây giờ đã mấy người tự hỏI :
Ngô nhật
tam tỉnh ngô thân :
Vi nhân
mưu, nhi bất trung hồ ?
Dữ bằng hữu
giao, nhi bất tín hồ ?
Nhiều lúc cũng tự mình thấy thẹn
khi quay theo cánh gió của đời sống, chính mình nhiều lúc cũng trở nên hời hợt,
và có những lúc tầm thường ích kỷ.
Từ một lúc nào, trong đầu óc con
người đã biến thành những cái máy tính hiện đại. Làm việc gì cũng nhằm
một mục tiêu gì đó. Ngay cả khi tìm đến thiền, đến tu học cũng chỉ nhằm
cho chính bản thân được thoải mái.
Các câu chuyện trong truyện Tàu,
các câu chuyện trong kiếm hiệp Kim Dung bây giờ xưa như thần thoại. Chẳng
ai dở hơi làm những hành động nghĩa hiệp như Quách Tĩnh, Kiều Phong; chẳng ai
yêu không tính toán như Đoàn Dự, A Châu. Làm những việc không có lợi
cho mình, chỉ có lợi cho người khác luôn bị coi là hâm. Không làm những chuyện
vì đồng tiền nhưng bất nghĩa thì được tặng cho chữ sỹ.
Dường như Luận Ngữ , vô hình
trung có một câu chợt trở nên thông dụng, nhưng lại bị ngầm sửa đi chữ cuối.
Thay vì “Nhân bất tri nhi bất uấn” lại trở nên “Nhân bất tri nhi bất ưu”, tức
là nếu người đời không biết thì lòng ta không lo lắng gì. Bởi vậy, nếu làm bậy,
mà che dấu được thiên hạ, thì lòng vẫn an nhiên tự tại, vẫn thơ thới ung dung.
Mọi thứ hình như đều có thể xiên
xẹo, đảo điên. Chỉ từ một chữ uấn, chuyển sang chữ ưu câu
nói đã ẩn hàm khác nghĩa. Nên từ một chuyện nhỏ dễ xé thành một chuyện to
; từ một chuyện đứng đắn, lại thành một chuyện tầm phào ; từ một cái tâm lành,
lại trở thành một cái tâm hư. Đời sống như thế có phải là đời sống hiện
đại hóa ?
Nếu bố tôi và bác T. còn sống
trong đời sống này, những lá thơ của bác gửi đến cho bố tôi có lẽ sẽ không phải
mỗi tuần một lá mà sẽ là mỗi ngày một lá. Hay cũng có thể là sẽ chẳng có
lá nào hết, mà bác sẽ năng đến thăm bố tôi hơn. Hai người sẽ ngồi bên
nhau, bên tách trà ngát hương hoa sói của mẹ tôi, và chắc sẽ chẳng nói gì
hết… vì có còn gì đâu để mà nói. Chỉ trầm ngâm thôi, lặng ngắm cái
tình cái nghĩa của mình, và của đời đang dần dần thành mây… thành khói…
Thiên Hương
Tháng chín
2008
1) Câu trong Luận Ngữ – Có bạn từ phương xa
tới thì còn gì vui hơn.
2) Gay – đồng tính luyến ái nam
3)Câu trong Luận Ngữ – Không làm bạn với kẻ không giống mình
4) Mỗi ngày ta xét ba điều: Làm việc cho ai có hết lòng không? Đối với bạn có
vẹn chữ tín không ?
5) Các câu Luận Ngữ trong bài đều trích từ Wikibooks tiếng Việt
No comments:
Post a Comment