Thursday, June 1, 2023

Tạ Tốn Thoát Y - Luong Huy - le

 

TẠ TỐN THOÁT Y

 

     Kim Dung có khoảng 14 cuốn truyện, có thể chia làm hai thời kỳ: trước Cô Gái Đồ Long (CGĐL) và từ cuốn đó trở về sau.



    Thời kỳ đầu truyện KD cũng chỉ là kiếm hiệp bình thường, tuy đã có những nhân vật độc đáo, hay những tình tiết éo le, vượt khỏi khuôn mẫu của xã hội Trung Hoa. Tiêu biểu là mối tình “Vòng tay học trò”, giữa Dương Qua và Tiểu Long Nữ. Thế nhưng, bố cục của truyện vẫn “thẳng đuột” và nhất là cách mô tả nhân vật vẫn mang tính ước lệ, cho dù nhân vật có những cá tính nổi bật, nhưng vẫn thiếu chiều sâu. Do đó, truyện KD thời đầu vẫn chìm trong kho tàng kiếm hiệp của Tàu.

Từ CGĐL trở đi, KD đã có đột biến, vượt qua khỏi hai điểm yếu kể trên, nhất là những nhân vật vẫn là những “kỳ nhân”, nhưng có những chiều sâu “rất người”. Với kỹ thuật “tân kỳ”, KD lột tả nhân vật như ta bóc củ hành củ tỏi, vứt bỏ dần từng lớp xiêm y bên ngoài, để độc giả phải hồi hộp chờ đợi, xem bên trong nhân vật còn có những gì tiềm ẩn hay bí ẩn… Thi vị hơn nữa, thì đó là nghệ thuật thoát y… người xem nín thở, nhưng tim đập mạnh dần, cuối cùng… toát mồ hôi…

Nhưng không chỉ có thế, người đọc thỏa mãn nhất, khi thấy một nhân vật có vô số những vỏ bọc khác nhau, đôi khi đối chọi, mâu thuẫn với nhau, nhưng sau cùng vẫn hiện hình là cái Đẹp, rất người, trần truồng, giản dị, nhưng lung linh như viên ngọc quý.

Tiêu biểu cho “kỹ thuật” đó là nhân vật Tạ Tốn, có một không hai. KD cho Tạ Tốn xuất hiện như một nhân vật từ Trời, tóc vàng mắt xanh, sức mạnh và võ nghệ bạt trời, trấn áp, và giết hết đám quần hùng tụ tập trên một hòn đảo, tranh nhau thanh bảo đao Đồ Long.

Nhưng Tạ Tốn không chỉ giết người một cách máy móc, mà cho phép đối thủ chọn môn võ giỏi nhất của mình để tỉ thí với ông ta. Nếu người đó thắng, sẽ không phải chết. Hơn thế nữa, Tạ Tốn còn kê ra những tội ác đáng chết của từng người, như thể ông ta là người Trời sai xuống để xử phạt thế nhân.

Ông ta làm thế chỉ để đoạt thanh Đồ Long Đao, để rồi tìm nơi hoang vắng, nghiền ngẫm tìm hiểu tại sao có lời nguyền là ai làm chủ thanh đao sẽ làm bá chủ thiên hạ… Thế nhưng, người đọc sẽ tự hỏi, tại sao một bậc kỳ tài như Tạ Tốn, làm gì cũng được, lại bỏ tất cả để đi tìm bí mật của một lời đồn đại? Những bí ẩn đó dần dần được sáng tỏ, từng lớp một…

Cuối cùng, Tạ Tốn đã đạt được mục tiêu: tìm ra kẻ thù đã gây tang tóc cho mình, giết cả gia đình của ông ta. Không những thế, thủ phạm lại chính là sư phụ của Tạ Tốn, hơn thế nữa tay ác nhân đó chỉ giết vợ con của học trò, Tạ Tốn, vì biết tay học trò giỏi này sẽ nổi điên lên, tìm mọi cách để trả thù, kể cả phá tan Minh giáo. Điều này mới chính là mục đích thật sự của sư phụ, Thành Khôn, hắn chỉ làm điều tồi bại đó chỉ để trả mối thù cá nhân với giáo chủ của Minh Giáo, người võ nghệ siêu đẳng mà hắn ta tự biết không thể nào đánh thắng…

Thế nhưng, để có thể xử tội Thành Khôn, lúc đó đã xuống tóc, ẩn núp ở chùa Thiếu Lâm, Tạ Tốn, đã bị mù phải thắng ba nhà sư “họ Khổ”, võ nghệ kinh người, nhờ hiếu ý của nhau như là một người, nên khi hợp lại thì không ai địch lại. Kể cả khi Tạ Tốn được sự hỗ trợ của Trương Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược, đánh mãi vẫn không thắng được ba nhà sư Khổ. Nhưng một phép lạ xảy ra: nhật thực – “Thiên cẩu nuốt mặt trời” – trời đất tối xầm lại… Trong khi 5 người kia quờ quạng vì không nhìn thấy gì, nên chỉ phòng thủ, thì Tạ Tốn nhờ đã mù từ lâu nên vẫn có thể thi triển võ công một cách bình thường… !!!

Đến khi chiến thắng, chỉ đi một đường đao là là có thể làm được một mà ông ta mơ tưởng mỗi ngày hơn 30 năm liền là lấy đầu tên ác nhân Thành Khôn. Lúc đó bỗng nghe văng tiếng tụng kinh của ba nhà sư “họ Khổ”, đột nhiên Tạ Tốn thấy tất cả mọi việc đều vô nghĩa, không những thế vô minh. Sư phụ ông ta, Thành Khôn, đã giết vợ con của học trò mình để trả mối thù riêng, thì chính Tạ Tốn cũng đã làm chuyện tương tự. Và, Tạ Tốn đã buông thanh đao Đồ Long và trở thành kẻ… đắc đạo…

Đó là ấn tượng của tôi về nhân vật Tạ Tốn, đã có từ buổi đầu, khi đọc Cô Gái Đồ Long trên báo hàng ngày, trên 50 năm trước… Quả thật tôi không nhớ rõ về nhân vật nào hơn nhớ về Tạ Tốn. Mới đầu là ấn tượng sợ hãi, vì y như rằng mỗi khi ông ta xuất hiện là có người mất mạng, trừ khi người đó rất là… khéo tu. Thế mà cuối cùng, Tạ Tốn hành xử như một đứa trẻ…

Lần đầu, khi đọc đến đoạn Tạ Tốn sám hối, hình như tôi đã nghĩ, nếu tôi là Tạ Tốn thì tôi sẽ chém đầu Thành Khôn trước rồi sau đó bỏ đao và… quy y cũng không muộn!!! Lúc đó, tôi mới chừng 14… dĩ nhiên phải nghĩ khác bây giờ…

Luong Huy-Le (facebook)

304Đen Llttm - sgtc

No comments: