MỘT ĐỊA CHỈ HOA
Tôi đến tiệm bán hoa danh tiếng
nằm trên con đường thanh lịch nhất của thành phố năm phút sớm hơn giờ mở cửa.
Lưới sắt buông kín, khóa đồng lớn tướng, cửa tiệm thấp thoáng, im lìm và mờ tối
ở bên trong, tôi phải đứng chờ chú Tư là người mở cửa, ngoài hè đường.
Buổi sáng đầu năm lạnh, mặc dầu
những ánh nắng thứ nhất của một vòm trời thành phố vào xuân đã dấy, khiến tôi
nghĩ đến giấc ngủ đêm qua của mình, giấc ngủ phảng phất buồn rầu, tôi một mình
giữa biển đêm buốt lạnh mênh mông, như thế, đã ba năm, từ ngày nhà tôi mất. Ném
ý nghĩ đi xa hơn, trong sớm mai hắt hiu, tới cái thế giới lộng lẫy màu sắc của
những chùm hoa núi đang đổ đèo, xuống dốc, mà một phần, lát nữa, xế trưa, sẽ về
tới cửa tiệm này, một hình ảnh trái ngược lại đến với tôi là cuộc đời mình,
nhạt phẳng và không màu, mãi mãi tôi chỉ làm cái việc bán hoa, gửi hoa tặng của
khách hàng đến từng địa chỉ. Và mình thì không bao giờ là một địa chỉ của hoa,
tôi nhủ thầm, đầu óc tối nghiêng và hẫng lặng đi trong khoảnh khắc. Nghe thấy
trái tim mình đập thật xa, đâu đó, trong lồng ngực chết. Cảm thấy một xao xuyến
lặn chìm. Thấy mình đang đứng đây, một mình, với mình, trong cái khởi đầu trống
trơn của một ngày và buổi sáng lạnh chạy dọc hè phố, như một tà áo mỏng.
- Bà tới lâu chưa?
Tiếng chú Tư làm tôi giật mình.
Sáng nay, chú Tư mặc một cái ao len cũ. Chú gầy và già. Chú quê mùa, ở ngoài
mọi lối sống có những chùm hoa tặng, không thích hợp chút nào với một tiêm hoa
danh tiếng, thời thượng, có truyền thống và tín nhiệm hoa, với chủ nhân là một
người đàn bà tây phương trí thức. Mặc dầu vậy, chú Tư đã sáng sáng mở cửa tiệm
này trước tôi từ thật lâu. Từ hai mươi năm. Còn tôi, tôi chỉ đi làm từ ngày nhà
tôi mất.
Tôi đáp, quên được buổi sáng
lạnh quanh mình và giấc ngủ đêm qua buồn rầu phảng phất.
- Năm phút.
Chú Tư cúi lom khom, tra chìa
khóa vào ổ:
- Hôm nay thứ hai. Chắc vắng khách.
Chú Tư có lý. Hoa thường được
gửi tặng tấp nập vào những ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật, và thưa thớt hơn những
ngày thường.
Tôi đáp:
- Tuy vậy, chú đừng quên là còn một số hoa
đặt từ chiều thứ bảy chưa gửi. Hôm nay nhằm nhiều sinh nhật. Lại còn hoa
cho một tiệm hàng mới mở. Và hai đám cưới nữa. Chúng mình cũng không rảnh
rỗi lắm đâu.
Khung cửa sắt rít lên, biến lẫn
vào lòng tường trên cao. Chú Tư tránh sang một bên cho tôi bước vào. Chú hỏi:
- Hôm nay hoa có về?
Tôi gật:
- Đã có điện tín. Trưa nay hoa tới. Nhiều
hồng và cẩm chướng. Chú nhớ sửa soạn.
- Được. Bà Françoise có dặn gì khác?
- Bảo chú chờ bà đến.
Chú Tư cau mày, như cái việc chờ
người chủ mà chưa biết chờ để làm gì làm cho chú ta khó chịu.
- Lúc nào?
Tôi nhún vai:
- Không rõ. Chắc lát nữa, gần trưa. Những
buổi sáng lạnh như hôm nay, bà Françoise của chúng mình thường tới muộn.
Tôi đến ngồi xuống cái ghế quay
sau bàn làm việc, mặt bàn trải nỉ xanh, lồng kính lạnh lẽo, với tấm hình nhỏ
xíu của nhà tôi ở một góc, đối diện với bàn giấy lớn của bà Françoise với những
cuốn sách xếp chồng cao ngất, nơi bà Françoise ngồi đọc, lặng ngắt hàng giờ bất
động, hoặc tiếp những bạn bè tây phương của bà là những đại sứ, tùy viên văn hóa
các sứ quán, họ phục sức rất nghiêm chỉnh, đĩnh đạc, và tới bằng nhữing chiếc
xe hơi đen bóng có cờ hiệu sứ quán đậu trước vỉa hè.
Ngoài hè đường, nắng sáng đã rực
rỡ hơn. Những chiếc xe hơi nối đầu thành hàng cùng với những tấm lưới sắt của
tiệm bách hóa Ấn độ, tiệm sách, quán nước phía bên kia đường được đồng loạt rút
lên. Chú Tư từ nhà trong đi ra nhiều lần với những bó hoa mẫu được cắm vào
những cái bình đặt trong tủ kính. Có hoa, cửa tiệm tươi sáng hẳn. Ban mai hắt
hiu như một tà áo mỏng ấm áp. Tôi ngồi chống tay lên cằm, bâng khuâng với tâm
trạng riêng tây của mình đến chín giờ là giờ của những nhánh hoa mừng cho một
đám cưới ở trong Chợ Lớn phải được gửi đi. Cuốn sổ đặt hàng mở rộng trước mặt,
tôi cố gắng tập trung thần trí vào công việc, mỗi bó hoa được đưa ra khỏi cửa
tiệm là một tên người một địa chỉ hoa được gạch đi bằng bút chì màu đỏ trong
cuốn sổ đặt hàng. Buổi sáng hôm nay, hoa tặng không có văn chương kèm theo. Tôi
đánh máy mấy tấm danh thiếp những lời chúc tụng khách hàng để lại, chỉ thấy những
câu mừng chúc thông thường. Ở nhiều trường hợp khác, hoa được gửi đi với những
lời lẽ nồng nàn gấp bội. Người ta dùng hoa để bầy tỏ tình yêu. Hoa thay chữ.
Hoa là những lá thư tình, và trên những tấm danh thiếp, như nương theo tiếng
nói mở đường của hoa, là những câu tỏ tình đằm thắm nhất. Từ ít lâu nay, điều
tôi nhận thấy, một cách buồn rầu, cho hoa, là phần lớn những đời hoa ra đi từ
cửa tiệm này chỉ còn được dành cho giao thiệp tầm thường vụ lợi. Thành phố đã
bớt đi, mất đi cái không khí lãng mạn một phần nào. Và nếu hoa là tiếng nói lớn
nhất của tình yêu, ở thành phố này, người ta đã tỏ tình, đã yêu nhau bằng trăm
ngàn phương cách khác. Vai trò mở đường, đưa tin của hoa chừng như càng ngày
càng mờ nhạt càng thu nhỏ lại.
Mười giờ. Hai mươi bốn bông hồng
nhung của một chủ tiệm khách sạn Ý Đại Lợi gửi mừng nữ chủ nhân một quán hàng
có âm nhạc và trình diễn khỏa thân ngày khai trương cửa tiệm được gửi đi, chấm
dứt cho công việc giao hoa ngày đầu tuần của tôi về những địa chỉ được ghi nhận
mấy ngày trước. Một bóng dáng cao lớn hiển hiện làm tối sầm khung cửa. Bà
Françoise tới. Bằng dáng đi khỏe mạnh của một người đàn ông, với những tiếng
giày đanh đanh lộp cộp dội mạnh trên nền nhà, bà tới bắt tay tôi, kêu trời trở
lạnh làm bà váng vất khó chịu. Bà hỏi tôi đêm qua, vào lúc tảng sáng, có nghe
thấy tiếng trọng pháo nổ rền từng hồi ở hướng đông bắc thành phố. Tôi trả lời
không. Tôi nghe thấy, thật gần, những khung kính phòng tôi rung rinh vì sức
dội, bà Françoise nói, tình hình xem chừng lại rắc rối lắm, bà nói thêm, đoạn
trở lại bàn giấy bà ngồi xuống, chỉ còn mái tóc màu tro và khuôn mặt đầy những
nếp nhăn ở cao hơn những chồng sách đã che khuất gần hết cái thân hình mập mạp
của bà. Chúng tôi không nói chuyện gì với nhau nữa. Vây bọc bởi hoa, trong bầu
không khí yên tĩnh kéo dài hai buổi liên hệ giữa tôi và bà Françoise từ mấy năm
nay là như thế, với nhữn g phút im lặng nín thinh của hai người đứng tuổi, cùng
sống một mình như nhau, nhìn cuộc đời quẫy động chung quanh bằng cặp mắt đã phủ
nhiều bóng rợp. Trong hai chúng tôi, đều có những cánh rừng đã ngủ, những mặt
biển đã yên, những dòng suối đã chết. Và hoa là hoa của đất trời, của loài
người, không phải của mình. Một cuốn sách được mở ra, với mái tóc bà Françoise
cúi xuống. Cái việc đọc sách của bà khô khan, chăm chú, buồn rầu, như bà chỉ
đọc những hàng chữ thôi mà không đọc truyện. Sách hết là một rung động, sách
chỉ còn là chiếm cướp và làm đầy những giờ trống phẳng. Cặp mắt đầy bóng rợp
của bà Françoise như thế. Cặp mắt nhìn hoa thật thành những chùm hoa giấy.
Một lúc thật lâu như thế. Rồi bà
Françoise buông sách, gọi chú Tư từ nhà trong ra, nói chú Tư phải đi theo bà
đến nhà riêng một người bạn đồng hương với bà, trang hoàng, bằng hoa suốt khắp
tầng dưới, tầng trên cho ngôi biệt thự mở tiếp tân vào lúc buổi chiều. Trước
khi đi, bà Françoise hỏi tôi:
- Chúng mình có chậm muộn của ai không?
Tôi chỉ tay xuống những vệt bút
chì đỏ gạch chéo trên mấy trang sổ đặt hàng:
- Thưa không. Tất cả đã được gửi kịp.
Bà Françoise nhún vai, giọng đều
đều:
- Tiệm chúng ta được tín nhiệm vì thế.
Tôi nói:
- Vâng, vì thế.
Dăn dò tôi thêm một vài công
việc lặt vặt, trong đó có việc giao trả mấy cuốn sách cho một người bạn Hoa kỳ
lát nữa tới lấy, rồi chủ nhân vẫy tay gọi chú Tư đi theo. Bà Françoise ra khỏi
tiệm chừng mười lăm phút thì tôi nhìn thấy qua thấp thoáng những bông lay dơn,
những chùm cẩm chướng, người đàn ông đứng đó, bên kia hè đường.
Sự xuất hiện đột ngột làm tôi
giật mình. Không cần nhíu mày định thần, tôi cũng nhận ra ngay người khách hàng
quen thuộc của riêng tôi, người khách hàng im lặng, không tên, mặc dầu từ lần
cuối cùng ông ta đến tiệm hoa tới bây giờ, khoảng thời gian cách biệt đã trên
dưới một năm gì đó. Người đàn ông cầm trong tay một cuốn sách mỏng. Ông ta đứng
đó, trên một hè đường đã đông đúc người qua lại, mà tôi vẫn nhìn thấy được thật
rõ, trừng mắt mơ màng, nét mặt trầm lặng và cái dáng đứng bất động tạo thành
một tách rời biệt lập dứt khoát với xung quanh. Ông ta nhìn sang tiệm hoa. Và
tôi chờ đợi ông ta vượt qua đường, đi tới nơi mà một năm trước đây, ông ta là
khách hàng quen thuộc của tiệm hoa danh tiếng này. Phục sức đơn giản nhưng
thanh lịch, cái thanh lịch của một người đàn ông trí thức và thầm kín kiêu
hãnh, khổ người tầm thước, với dáng đi nhanh nhẹn, khỏe mạnh là sự trái ngược
hẳn lại với ánh mắt mơ mộng lãng mạn, người khách hàng không tên của chúng tôi,
suốt mười hai tháng của một năm ngoái hoa, đã bước chân vào cửa tiệm này, tôi
nhớ lần nào cũng vào buổi sáng cuối tuần, khoảng mười một giờ. Tôi tiếp khách
tặng hoa thật nhiều. Từ các em nữ sinh gửi hoa cho thầy học họ. Đến những tuổi
già Tây phương, tuy lụ khụ rồi vẫn còn thật lịch sự với xa gần thân hữu bằng
hoa. Riêng người đàn ông đang đứng ở hè đường bên kia là người khách hàng âm
thầm và lặng lẽ nhất.
Những lần đầu tiên đến tiệm, ông
ta còn nói một vài lời. như bà làm ơn thế này, bà làm ơn thế nọ. Và trả tiền
rồi, lần nào cũng không quên cám ơn rồi mới quay gót đi ra. Những lần sau,
nghĩa là từ khi ông ta biết chắc tôi biết chắc ông ta muốn có một bó hoa nhất
định như thế nào rồi và gửi tặng đến một địa chỉ nhất định nào rồi, ông ta có
vẻ như nhận thấy mọi lời nói đều dư thừa, không cần thiết nữa. Chỉ cúi đầu chào
khi bước vào. Và cúi đầu thêm một lần nữa khi quay gót lặng lẽ đi ra. Suốt một
năm liền như thế, với người khách hàng khá lạ lùng của tôi, hoa chỉ được gửi
đến cho một người, lần nào cũng như lần nào, bằng những khoảng cách thật đều
đặn là buổi sáng ngày thứ bảy. Địa chỉ cho những bông hoa tặng là một con số lẻ
đường Hồng Thập Tự. Người nhận hoa tất nhiên là một người đàn bà. Một lần đi
qua đường Hồng Thập Tự, tôi đã bất chợt nhìn thấy cái số nhà ấy trên một thành
cổng sắt đóng kín. Bên trong là một biệt thự. Mái ngói đỏ và tường vàng tươi
thấp thoáng ẩn hiện sau những tàn cây lớn. Phút đó, tôi đã nhớ ngay đến người
khách hàng mỗi ngày thứ bảy của tôi, và nghĩ đến những bông hoa tặng của ông ta
phải vất vả vượt qua một cánh cổng sắt mới vào tới được người đàn bà sống trong
ngôi nhà đó. Cũng lần đó, bị thúc đẩy bởi một tò mò bất chợt, tôi bảo xe ngừng
lại trước biệt thự năm phút, hy vọng nhìn thấy mặt người đàn bà được tặng hoa.
Nhưng cánh công sắt đóng kín. Không chừng những bông hoa tặng trong một cái
bình nào đó đã héo rũ. Hoặc đau buồn hơn, chúng bị ném vào thùng rác.
Người đàn ông tặng hoa hàng tuần, không gửi theo danh thiếp, và tôi ước đóan
được hai điều. Thứ nhất, hoa đến, người đàn bà trong ngôi biệt thự đã biết rõ
người gửi là ai. Thứ hai, những bông hoa buồn rầu được gửi đi từ một người gửi,
mà nét mặt khép kín chỉ chuyển từ trạng thái nghiêm trang sang trạng thái trầm
lặng là một biểu hiện của một tình yêu mới cháy bùng từ một phía, từ phía bên
kia chưa đỏ lửa, chưa dông bão. Cũng có thể đó là một tình yêu đã có nhưng tan
vỡ, và hoa là ước mong được hàn gắn lại. Cũng có thể người đàn ông chỉ gửi hoa
mà không ao ước gì hơn. Cho mà không cần nhận lại. Mở một đường hoa mà không
mong hoa mở thêm một đường về. Cũng có thể là hoa đã có một lịch sử, hoa đã là
một biểu tượng riêng biệt nào đó chỉ có chàng và nàng biết được, và ở trường
hợp này, hoa đã là tiếng nói, một người nhận và một người gửi đã nói chuyện với
nhau như thế, những chuyện xưa cũ, trước sau, một đời của họ mà tôi không tài
nào tìm hiểu được. Tình yêu muôn mặt và người ta cũng có trăm ngàn cách yêu
nhau, đằm thắm thiết tha, nồng nàn, mặc dầu cách biệt. Tất cả đều có thể. Nhưng
suy luận cuối cùng của tôi về một năm hoa tặng của người đàn ông không nói, là
nếu có một tình yêu nào đó ở ông ta với người đàn bà trong ngôi biệt thự, tình
yêu đó đang trải qua một thử thách khốc liệt. Đang cheo leo trên một sợi dây.
Đang chênh vênh trên một bờ vực. Và hai người chưa tìm được cho nhau một ngôn
ngữ mới. và hoa là trung gian cho một đợi chờ.
Sự thật như thế nào? Tôi không
hiểu rõ được. Những bông hoa tặng kia là hoa vui hay buồn? Của một đi tới hân
hoan hay của một ngừng đứt tuyệt vọng? Chỉ biết rằng thình lình vào khoảng đầu
tháng chạp năm ngoái, đúng vào tháng hoa núi, hoa đồi từ cao nguyên nườm nượp
về với một Nguyên Đán thành phố, người đàn ông trầm lặng, không tên không đến
tiệm hoa như mỗi buổi sáng thứ bẩy nữa. Ông ta biến mất. Bà Françoise không chú
ý gì đến khách hàng mà cũng nhận thức được sự vắng mặt đột ngột này. Bà ta hỏi
tôi, ông thân chủ ít nói của chúng mình sao không thấy lại. Tôi chẳng biết trả
lời thế nào hơn là có lẽ ông ta đau, đi xa, hoặc là đã chết. Những lý do khác:
đường hoa mở đi cho tới một lúc nào chân của hoa đã mệt, tiếng của hoa đã đứt,
lời của hoa đã lạc, và giữa hai người, chỉ còn một cánh cổng đời cao ngất, càng
ngày càng cao ngất mãi, cho đến một lúc nào những nhành hoa kiên nhẫn không còn
đủ sức vượt qua. Cuối cùng hoa nói gì cho người. Hoa không nói. Cuối cùng, hoa
làm được gì cho người? Câu trả lời là ít nhất ở một trường hợp, hoa không làm
được gì cho người. Và hiệu năng của hoa và huyền thoại về hoa đã chết.
Bây giờ, sau một năm mất tích,
người đàn ông lại xuất hiện, lại từ một phương xa, lại từ một cõi chết trở về.
Dưới ánh nắng đầu năm, ông ta đứng đó, trầm tư nhìn sang nơi chốn cũ, ông ta sẽ
đi thẳng hay sẽ vượt đường sang? Tôi hồi hộp chờ đợi. Kết quả là buổi sáng hôm
nay, mười hai bông hồng nhung mà tôi đích tay lựa chọn trong những bông tươi
mởn, đằm thắm nhất đã được một người đàn ông lại gửi lại cho một người đàn bà
về cái địa chỉ hoa xưa là ngôi biệt thự ở đường Hồng Thập Tự. Khi trả tiền
xong, người đàn ông ấy thốt nhiên mỉm cười với tôi.
Ông ta đặt cuốn sách xuống bàn,
trước mặt tôi:
- Tôi mua biếu bà cuốn sách này. Những bông
hoa được bà gửi dùm đi từ nơi này là những bông hoa suốt đời tôi không
quên.
Người khách hàng mà tôi không
biết tên. Cám ơn ông về cuốn sách. Cuốn sách với riêng tôi là nhành hoa quý
nhất. Có phải là cuối cùng tôi đã được hân hạnh dự phần vào sự thành tựu tuyệt
vời nhất của một đời người đó không, một đời người ở đó những chùm hoa tặng đã
mở lại một con đường mới.
Mai Thảo
No comments:
Post a Comment