KẺ CHIẾN BẠI
Gõ cửa đến ba, bốn hiệp, mà không thấy bóng ai, cũng không nghe ai lên
tiếng, tôi gọi to:
– Có ông chủ ở nhà không?
– Ai đó? Mạnh hả, đi tuốt xuống
đây.
Tiếng anh Thành nghe xa lắm, ở
mãi dưới bếp.
Tôi bước vào buồng khách và ngần
ngại đứng dòm ra sau. Thành, chắc hiểu ý tôi, nên bảo nữa:
– Đi xuống đây mà. Nhà không ai
hết.
Tôi quen nhiều với anh Thành, mà
không là bạn thân với anh ấy, nên tôi chưa xông pha nhà nầy lần nào cả, vì còn
phải giữ lễ với chị Thành.
Hôm nay, chắc chị Thành đưa con
về quê nghỉ mát, nên nhà vắng và anh Thành, chắc đang đun nước ngoài sau.
Nhưng đi đến nơi, tôi ngạc nhiên
hết sức: anh Thành mặc bi-da-ma, coi có vẻ trai thế kỷ hai mươi lắm, nhưng anh
ta lại đang đứng say sưa ngắm một cảnh non bộ, đặt ở giữa sân trong.
– Cha, có gắn hòn non bộ trong
nhà à? Sao không bao giờ nghe cha nói đến?
Tôi hỏi, sau mấy phút chưng hửng
nhìn bạn.
– Các anh hiểu gì mà nói cho
mệt. Không phải tôi gắn đâu nhé. Mới gắn gì mà rêu đã phủ xanh các gộp đá, mới
gắn, nó đâu được vẻ cổ kính như vầy. Số là cái ông nào đó, trước ở đây, chừng
như lâu lắm, đã tạo nên cảnh thiên nhiên nầy. Rồi ông đi hay chết mất, bộ giả
sơn truyền qua không biết bao nhiêu người, bị bỏ bồ lăn, bồ lóc, bây giờ mới
đến tay tôi.
Tôi nhớ, thuở tôi còn nhỏ, ông
tôi cũng chơi non bộ, nên tôi hơi biết thưởng thức món đó.
Quả thật, hòn núi giả nầy rất
đẹp. Nó đẹp vì đấp khéo. Những phiến đá, những khối xi-măng như là vứt bừa bãi
lên đó, không tố giác được công trình của tay người. Y như là một khối đá tự
nhiên bị nước đào mòn, khuyết đi một cách không lề lối. Nó lại đẹp vì vẻ cổ
kính của nó, Năm tháng, gió sương, mưa nắng đã thổi sanh khí vào hòn non bộ ấy,
tạo cho nó một sức sống mãnh liệt. Một lớp rêu xanh mịn, mướt lông nhung phủ
kín mặt đất và từ mỗi hốc đá, mọc ra, từ bao lâu rồi không biết, đủ thứ cỏ
rong. Nhìn hòn giả sơn, không khỏi nghĩ đến rừng núi thâm u, ngàn năm chưa thấy
dấu chơn người.
Tôi theo Thành vào nhà, cái nhà
lá nho nhỏ, mà anh gọi là thảo lư. Cái tiếng thảo lư nầy, cùng với mớ tranh Tàu
treo trên vách, khiến tôi thấy Thành có vẻ Tàu lắm, hay có ý muốn thành Tàu
lắm, một thứ Tàu đâu hồi cổ sơ, Tàu của thời Xuân Thu, Tàu đầy thơ mộng và đông
đúc những Tiên.
Tự nhiên là Thành cho tôi uống
trà Tàu. Thường thường, anh Thành uống trà hơi ấm thôi, uống cả ly lớn. Nay anh
và tôi uống chén nhỏ, nước trà thật nóng.
– Đó, anh hớp từng hớp, rồi đừng
nói gì, cứ nhìn cảnh rồi suy tưởng.
Lẽ cố nhiên là tôi không nói gì
trước người con trai biết ham thích sống ồn, sống hoạt, bây giờ biến thành một
ông Tàu ngậm ống điếu dài, hay một nhà Nho, móng tay dài cũng thế.
Tay nâng ngang môi chung trà
xưa, mà nét vẽ rất thanh đạm trên men ngà, Thành như chìm trong bồn cá Tàu giữa
bàn. Cá nhiều màu lượn quanh những thủy thảo mọc lên trên một nền sạn trắng và
đá biển, cũng hiểm hóc như hòn non bộ.
Chịu không nổi sự im lặng mãi,
tôi nói:
– Anh còn thiếu một món nữa mới
thành một ông Tàu hoàn toàn.
– Món gì?
– Chim.
– Phải, thiếu chim. Nhưng tôi
thấy chim lồng không đẹp, nên thôi không nuôi.
– Nhưng còn những cái nầy, không
ở trong lồng sao? Anh đem nước non, trời biển thu nhỏ lại trong một góc vườn,
một bồn kiểng, còn đẹp gì nữa.
– Ấy mà đẹp. Chính vì thu lại
được, nó mới đẹp. Mà thu lại là cả một nghệ thuật đấy nhé! Con chim thì thấy nó
ở trong lồng thật sự, có cái gì nhơn tạo trong đó, chán quá.
Anh coi như cây tùng và cây chùm
nụm ngoài sân kia, nếu tôi trồng dưới đất, nó sẽ lớn. Nhưng nó không đủ sức lớn
để trở thành cây cổ thụ trong rừng sâu.
Bây giờ tôi ép nó mọc trong
chậu, thiếu chất ăn, nó thành cằn cỗi như cây già trên núi. Coi hay lắm.
– Bệnh lao phổi có dính dáng gì
đến sở thích kỳ dị của anh chăng?
Anh Thành đau phổi đã ba năm
rồi, và nhờ khéo chữa nên đã khỏi.
Anh Thành ngả lưng lên ghế cười
ha hả:
– Anh lầm to, như bao nhiêu
người khác. Tôi vẫn có sở thích nầy từ lâu rồi, tôi vẫn chơi cá Tàu, non bộ,
cây cảnh. Tôi chơi từ cái lúc tôi còn đi đánh ten-nít, đi bơi lội kia. Không,
cái thú nầy không phải cái thú riêng của ông Tàu ủ rũ, hay ông già lụ khụ. Nó
vẫn đi đôi được với sự sống ồn, trẻ và hoạt.
Rồi đột ngột, anh hỏi:
– Dynamique dịch ra Việt ngữ là
gì?
– Tôi dịch không nổi tiếng đó,
anh cứ tạm nói là cường sinh đi.
– Không ổn. Nhưng tạm dùng vậy.
Anh có biết dân tộc nào cường sinh hơn dân tộc Nhựt Bổn không? Thế mà họ là
những tay chơi cây cảnh, non bộ sành nhứt đó.
Phải, bịnh tật làm cho con người
ủy mị, nhưng trò chơi nầy không ủy mị chút nào như nhiều người cứ tưởng và cứ
cho đó là món giải trí phong kiến và lạc hậu.
Ở đời có nhiều việc, mới xem,
ngỡ là trái ngược với nhau. Nhưng thật ra, nó đi đôi với nhau rất xứng. Ai bảo
thủ bằng dân Anh. Nhưng có phải là dân Anh làm cách mạng trước nhứt chăng? Ai
tin ma cho bằng dân Anh. Nhưng có phải là dân Anh làm việc có phương pháp và
suy luận khoa học nhứt chăng?
*
Trời nóng bức quá. Tôi đòi nước
đá.
– Không, anh chỉ được uống trà
nóng, trong thảo lư của bác Tàu cổ. Ta phải mín đàm cho nó đúng điệu. Cả một
nghệ thuật đấy. Như tôi, tôi xem tranh ảnh về Huế, thì thế nào cũng không khỏi
ngâm bài Nam bường
Nước non nghìn dặm ra đi…
Mượn màu son phấn đền nợ Ô, Ly…
và bắt thèm bánh lá chả tôm. Ấy,
phải có một sự hòa hợp như vậy. Cây sì-cú nầy, – vừa nói, anh Thành vừa chỉ
chậu sì-cú trên bàn, gần bồn cá -, riêng nó, không đẹp đẽ gì, mà thiếu thì
không được đâu. Cá Tàu phải đi với sì-cú.
*
Tối hôm đó, trời lặng gió. Trong
khi cá táp móng nghe bong bóc trong bồn, Thành thắp hai cây đèn cầy, gắn trên
hai viên gạch rồi đem đèn để phía ngoài kia, một cây sau hòn non bộ, một cây
khác, sau chậu tùng.
Thành, như là ở đời xưa hiện về.
Anh ngồi trên ghế bố, nhìn bóng dáng cái núi giả và cây tùng nổi bật lên trước
ánh đèn.
Tôi cả rỡn:
– Quả thật là: yêu ngày chưa
phỉ, lại yêu đêm.
– Đó, mới lòi chỗ dốt của anh
nữa. Người ta chỉ nhìn cây kiểng và hòn non bộ như vậy thôi. Ban ngày, con mắt
bị xao lãng vì những cái thấy khác. Vả, ban ngày cảnh thiệt xung quanh ta lớn
quá, khiến ta cứ nhớ, ta nhìn núi giả. Giờ đây, ta sẵn lòng quên và được quên
sự thật, chỉ thấy hình dáng của núi cao đứng sững trước mặt trời sắp lặn.
– Thi sĩ quá.
– Anh cứ mà chế nhạo, tôi không
cần dư luận của ai hết. Giống lắm.
– Giống cái gì?
– Giống núi thật.
– Anh có đi chơi núi rồi à?
– Cũng có chớ. Mà việc trèo núi,
ở đây, không dính dáng tới chỗ giống hay không. Giống là giống hòn núi thật,
trông đàng xa. Còn chi tiết trên núi, tôi chưa nói đến. Cả trăm hòn non bộ
trong nước Việt Nam, chưa dễ tìm ra được một hòn như vầy! Anh coi, các mỏm đá
không đều, không cân xứng như ở mấy hòn khác, không có vẻ nhân tạo chút nào.
Hoàn toàn giống thiên nhiên. Nếu chụp ảnh một mình nó, thì tôi đố ai khỏi lầm.
Còn cái cây tùng và cây chùm nụm nầy, nó giống hệt cây cổ thọ.
Tôi nhớ ông chú tôi hồi đó hay
chê dốt những người đem cây chùm nụm uốn thành hình con phụng, con công. Theo
ông, cây chùm nụm phải có dáng tự nhiên như cây mọc trong rừng. Theo ông, các
vườn Tàu, vườn Nhựt với những đường đi cong quẹo, với những xó ngạc nhiên, với
những cầu tre bắc ngang suối giả, đẹp hơn vườn Âu Châu nhiều.
Bây giờ, ta lại nói đến chi tiết
bộ giả sơn. Nếu không phải là một tay chơi sành lắm, thì không thể nào đắp nổi
một hòn non như vầy, các hang đá hiểm hóc, ăn sâu vào núi, trông bí mật lạ. Nó
trổ ra mặt hồ. Nếu có một chiếc xuồng nhỏ do một người bơi tẻ vào hang, thì ta
không khỏi nghĩ đến người Đào Nguyên lạc lối. Cái khe nước chảy dưới cầu, để đổ
ra hồ, có vẻ sống lắm. Tuy nó cạn, mà tôi, dường như, nghe nó thầm reo và tưởng
nó đang len lỏi, dò lần về mẹ nó là cái hồ lớn kia, chú tiều phu vai trĩu củi
và túp lều tranh đứng co ro đằng xa kia, thật là khéo lựa. Nó nhỏ vừa với sức
lớn của núi rừng. Có người dốt, mua ông Tiên lớn quá, hoặc cái nhà quá to,
trông nó luốt đi thành ra của họ, hòn non kêu lớn lên luôn luôn: “Ta đây giả,
ta đây giả”. Hai ông tiên ngồi đánh cờ trên thạch bàn, gợi những ngày không bợn
lo âu. Tôi tưởng như Bạch Hạc đồng tử bay gần đâu đó. Ngôi chùa rêu phủ đứng
cheo leo trên sườn núi đẹp vô cùng, không khác gì tranh thủy mặc Tàu. Tôi rất
yêu hình ảnh của nước Tàu cổ, nước Tàu với những tửu quán, trà đình với những
nhà ngói sứ, mái cong cong, với những văn nhơn bắt gặp thơ đề trên vách một
ngôi chùa xưa rêu phủ trong rừng tùng, nét chưa ráo mực, mà nàng tiểu thơ đề
vịnh đã lâu rồi…
Nói tới đó, Thành chỉ lên vách,
tôi nhìn theo, thì nhận ra một bức tranh, không, một tấm lụa, trên đó có viết
bằng chữ thảo, một bài thơ Tàu:
Khứ niên kim nhựt thử môn trung
…..
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Nét chữ bay bướm, tung hoành,
đẹp như một bức thủy mặc với những nét vẽ phác.
Tôi nhìn Thành trừng trừng, kinh
ngạc trước con người chưa đi thi Huế lần nào nầy, mà cứ nói đến những chân trời
xa.
– Hình như, anh ưa đi lắm thì
phải?
Tôi hỏi để chắc bụng về ý nghĩ
của tôi đối với mâu thuẫn kỳ dị trong con người nầy.
Thành không đáp ngay, chỉ đặt
bàn tay lên vai tôi, rồi gởi gấm:
– Các cụ ta xưa, nhứt là những
nhà Nho lỡ vận, thích non bộ, vì họ cố ý gạt gẫm lòng họ trong cảnh nước non,
trời biển bị thu hình, để nghe như đã tóm thâu trần giới được trong tay họ.
Tôi bỗng chợt hiểu rằng, giấc mơ
non xa, nước lạ của Thành, không phải do mộng đi bất toại mà có, mà chính là
kết tinh của mặc cảm nhỏ nhoi của đời anh.
Bình Nguyên Lộc
No comments:
Post a Comment