Đôi mắt đen tròn, sâu thẳm của
nhà sư ngồi đối diện rộng mở xa xôi, không chút biểu lộ vui buồn, khiến đôi lúc
thiếu phụ cảm thấy câu chuyện của mình lọt thỏm xuống một đáy nước mênh mông.
Bà băn khoăn nhắc lại:
–Thầy trụ trì chùa này trước đây
là… thầy Giác Hải?
–A Di Đà Phật… Bây giờ vẫn là
thầy Giác Hải.
–May quá!
Thiếu phụ định nói thêm “Thầy
cho tôi gặp thầy ấy được không ?” nhưng nhìn dáng vẻ điềm nhiên đến lạnh lẽo
của nhà sư trẻ, bà ta lại hỏi như vu vơ:
–Thầy Giác Hải vẫn khoẻ chứ?
–Dạ… thầy ấy vừa đi Huế.
Thiếu phụ thoáng hụt hẫng. Bà
rảo mắt nhìn quanh. Đã gần hai mươi năm qua, nhưng cảnh quan ở chùa xưa chẳng
nhiều thay đổi. Phía xa xa, bên ngoài khuôn viên của cổng chùa vẫn thấy rõ ngôi
mồ đơn chiếc của nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng một thời gắn liền cùng trầm luân
đất nước, mà có lẽ những vòng hoa, những hương khói chỉ rộn lên vào những ngày
lễ hội. Trong sân chùa, những chiếc lá vàng rơi xào xạc từ những tàn cây râm
mát đọng lại trên thành giếng cổ, như có đó tự bao giờ. Nơi đây, hình như thời
gian chỉ làm đổi thay một điều kinh khủng duy nhất: con người. Dù là người cửa
Phật hay chốn chợ đời…
Chừng không kìm được cảm xúc,
thiếu phụ xoay hẳn vào câu chuyện chính.
–Chùa đây… trẻ như thầy còn có
ai không?
–Xưa cũng gần chục người. Lớn
lên có người đi học xa, có người hoàn tục…
–Thầy xuất gia từ nhỏ chứ?
–A Di Đà Phật… chùa này ai cũng
vậy.
Thiếu phụ lại lặng im trong giây
lát, như lén nhìn kỹ vào gương mặt nhà sư trẻ để tìm kiếm một điều gì. Rồi nhẩn
nha, bà kể lại một câu chuyện:
Vào ngày xuân năm ấy, một đôi vợ chồng trẻ
cùng một đứa con nhỏ chừng ba, bốn tuổi đến lễ chùa này. Trong lúc hai vợ chồng
đang thắp hương khấn Phật đứa bé được bỏ mặc chạy nhảy, đùa nghịch quanh quẩn
bên các pho tượng, chuông mõ trong chùa. Đến chừng ra về, đứa bé vẫn cứ nằn nì,
chẳng chịu đi. Tưởng con ham thích cảnh lạ, nên hai vợ chồng nhẫn nại đợi chờ.
Thế nhưng, đến chiều tối, đứa bé vẫn không cho cha mẹ bồng. Sau một đêm, rồi
nhiều đêm khác gởi lại đứa bé cho nhà chùa, hai vợ chồng trở lại đón con. Nó
vẫn một mực đòi ở lại. Thầy trụ trì bảo rằng, đứa bé có căn tu. Thôi cứ để nó ở
lại cửa Phật hẳn hay… Đứa bé mặc nhiên xuất gia từ đó.
-Vì biết sự việc, trước ngày,
thỉnh thoảng tôi vẫn ghé thăm chú tiểu đó. Nhưng rồi cuộc sống, có những đổi
thay nhất định, phải đi xa… Dễ hơn 15 năm mới trở lại quê hương, ghé thăm chùa
tôi rất băn khoăn: không biết chú tiểu ngày ấy giờ ra sao?
Nãy giờ nhà sư mới sửa lại dáng
ngồi, châm trà mời khách. Thiếu phụ cảm nhận trong đôi mắt sâu thẳm nhà sư như
lần đầu có làn sóng xao động nhỏ.
–A Di Đà Phật… Câu chuyện này
thỉnh thoảng tôi cũng có nghe. Cứ tưởng chuyện hồi xa xưa, không có thật.
–Thầy biết chuyện này à? Đây là
chuyện hoàn toàn sự thật. Thầy trụ trì Giác Hải kể lại ra sao?
–Tôi cũng không nhớ rõ thầy Giác
Hải kể lại hay ai kể. Nhưng khi còn nhỏ, các chú tiểu ở đây ai cũng biết chuyện
này, và nghĩ đó là giai thoại như chuyện pho tượng, cái giếng cổ, cái chuông
đồng… trong chùa. Nhưng nếu nó là câu chuyện thật thì cũng có điều rất đáng băn
khoăn…
–Thầy băn khoăn điều chi?
–Nếu là thật, trong gần hai mươi
năm nay, chúng tôi cũng phải có lần nhìn thấy cha mẹ của chú tiểu ấy trở lại
tìm thăm.
–À, thầy không tin là lẽ vậy…
Câu chuyện của thiếu phụ lại
tiếp tục liền mạch.
Có lẽ điều này là định mệnh. Bởi sau khi đứa
con nhỏ ở lại cửa chùa, thì đôi vợ chồng này lại xảy ra những việc bất hoà, mỗi
người một ngả… Khoảng một năm sau đó, người chồng có gia đình khác. Người đàn
ông ấy có thể đã quên đi chuyện cũ. Nhưng người mẹ thì không. Chắc chắn là
không… Chỉ có một điều nghiệt ngã, cuộc đời đưa đẩy người mẹ ấy đến một nơi rất
xa…
–A Di Đà Phật…
Câu chuyện xem chừng đã làm nhà
sư trẻ chú ý nhiều hơn. Nhà sư hỏi:
–Câu chuyện thật rõ ràng, không
như tôi nghĩ. Nhưng thí chủ đây với bà mẹ ấy là sao mà biết rõ quá vậy?
–Là… người quen.
–Bây giờ người mẹ đâu rồi? Đã
vậy, tôi nghĩ cũng nên giúp bà ta tìm lại người con. Để biết chú tiểu ngày ấy
vẫn còn ở đây hay đi nơi nào khác?
–Thầy… thầy hứa giúp tôi nghe!
Thiếu phụ không giấu được vui
mừng, níu tay áo nhà sư.
–A Di Đà Phật. Nếu giúp được,
chỉ đơn giản là hỏi thầy Giác Hải chứ không ai khác.
–Thầy nói đúng quá, chỉ có vậy…
Mà làm sao đây nhỉ? Nay mai tôi lại đi rồi!
Thiếu phụ không nói nữa. Bà ta
bỗng rảo ánh mắt quan sát nhà sư một cách mạnh dạn hơn. Bà như muốn bộc lộ thêm
một điều gì khác. Nhưng cái gợn sóng nhỏ trong ánh mắt của nhà sư đã tan biến
mất, trở lại xa vắng như trạng thái ban đầu, khiến bà e ngại.
Bất chợt, xen lẫn giữa tiếng
kinh tụng chiều rời rạc vọng lên từ chánh điện, có tiếng điện thoại réo vang…
Cái âm thanh hối hả ấy lấn lướt,
buông thả vào khoảng không gian u tịch của ngôi chùa hẻo lánh càng nghe rờn rợn
như một dự báo chẳng lành.
Nhà sư nghe điện thoại xong trở
lại chỗ ngồi, trầm mặc giây lát rồi lên tiếng:
–A Di Đà Phật, thầy Giác Hải vừa
viên tịch tại Huế.
Thiếu phụ cảm thấy hai chân minh
rã rời như không đứng dậy nổi. Nhưng bà hiểu: ngay từ phút giây này, cánh cửa
quá khứ của chùa xưa đã đóng sập lại. Và trước mặt bà, nhà sư trẻ chừng trở
thành pho tượng gỗ…
Trần Trung Sáng
Nguồn: Da Màu
Từ trang DDQGHCUC
No comments:
Post a Comment