Người Ni Cô Là Chị
Chợ xã, một cái xã không xa không gần quận,
nằm dọc theo bờ con sông lớn chảy xuống tận miệt sông nước miền Tây, nhà ngói
nhà tranh chen nhau giàu nghèo thấy rõ, từ đường lộ vào, hàng cây chùm ruột hai
bên phố chợ xanh xanh vàng vàng một màu lá nho nhỏ, không cao tàn rậm bóng mát.
*
Chị, người con lớn trong ba cô con gái trong
nhà, nhà chị có cái tiệm bán hủ tiếu và cà phê pha vợt vải duy nhất ở chợ xã,
tuổi chừng hơn mười tám mười chín. Chị đẹp nhất trong ba chị em, đều học trường
tiểu học ở làng, lên tới lớp Nhất, thi rớt đệ Thất trường trung học quận chị bỏ
học, ở nhà phụ bán tiệm. Hai cô em lúc nào cũng thấy tung tăng, tụ tập bạn bè
chơi đùa, leo trèo làm khổ mấy cây chùm ruột, đuổi chim bắt bướm khi chiều về
tan trường hay ngày hè ngày nghỉ, nhưng ít khi thấy chị, thỉnh thoảng chỉ ra
đứng trước cửa tiệm nhìn mông lung xa xa rồi thôi.
Chị đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ, dạ thưa, từ tốn,
vui vẻ nên người ở chợ ở xã đều mến, ai chọc ghẹo gì chị cũng cười trừ. Cũng có
nhiều anh chàng ngấp nghé tỏ tình nhưng chị nhẹ nhàng lịch sự từ chối. Trong xã
có ông sư già, trụ trì cái chùa nhỏ nghèo cũ kỹ cuối ấp chợ, sát bờ sông, cái
chùa dân xã thường tới cúng quảy, ngày Rằm ngày Vía, có lần coi tuổi coi tay
cho mấy chị em nói chị có số “sát chồng”
nhưng ai nấy nghe rồi cười cười, không mấy gì tin.
*
Một ngày đầu Hạ, chợ xã rộn rịp, pháo đỏ
rượu hồng, mừng đám cưới chị và người Trung Úy, đại đội trưởng lính Địa Phương
Quân đóng trên đồn lớn, đầu xã, một bên đường lộ trải đá tráng nhựa, lên tỉnh
xuống thành. Chị không về quê chồng làm dâu mà vẫn ở nhà, nhà từ đó có thêm một
người, người trong chợ xem ra ai nấy thấy hai vợ chồng hòa thuận thương yêu yên
lành, cũng mừng giùm.
Cuối Thu, sau ngày cưới chừng nửa năm,
không may, chồng chị tử trận, một đêm mưa dầm lớn khi quân du kích Việt Cộng từ
mật khu Hố Bò, Dương Minh Châu kéo qua, tấn công đồn ác liệt. Người ta đưa xác
chồng chị về chôn anh ở quê nhà miền tây sông nước. Cả chợ cả xã, ai nấy đều bùi ngùi thương xót
cho tình cảnh chị, tiệm đóng cửa mấy ngày, ít khi thấy chị ra ngoài từ đó.
*
Hơn hai năm sau, chị vào làm cô đỡ hương
thôn cho bệnh xá xã, sau khi học xong khóa huấn luyện dưới quận, cũng vẫn phụ
nhà bán buôn. Không lâu chị bước thêm bước nữa, lập gia đình với một anh giáo
viên, dân tốt nghiệp Sư phạm Sài Gòn, về dạy lớp Ba trường tiểu học nhà, chừng
hơn nửa năm, không phải đi xa, không phải làm dâu. Chợ xã một lần nữa rình rang
chung vui chúc mừng. Chiến tranh ngày càng lớn dần, dân xã ấp biết thấp thõm lo
thấp thõm sợ hơn trước. Một ngày hơn một năm sau, qua Tết, trên đường về thăm
nhà dưới Suối Cụt Củ Chi trở lên trường, không may chuyến xe đò sớm cán trúng
mìn của quân du kích Việt Cộng gài lại ban đêm trong mấy cái mô đất chặn đường,
nổ tung, người đi vừa chết vừa bị thương hơn hai chục, có anh giáo viên, chồng
chị trong số những người chết đó. Một lần nữa, tuổi xuân chưa quá, chị chịu
thêm cái tang chồng.
*
Người ở chợ, bây giờ mới chợt nhớ, họ bàn
tán lời ông sư già ở chùa về hai chữ “sát
chồng”, họ chưng hửng bảo nhau “chẳng
lẽ”, lúc này chùa vắng tanh, thiếu người nhang đèn, kinh kệ, không còn ông
sư già ở đó nữa, ông đã bỏ đi từ lâu lắm rồi. Bẳng đi một dạo, vắng chị, hai cô
em kế giờ đã lớn hơn trước, đều bỏ học, iếp tục phụ buôn bán như thường, tiệm
vẫn mở cửa, cũng sáng tới chiều nhưng không thấy chị ra vào nữa.
*
Bốn năm sau, có người ni cô còn trẻ, khăn
áo nâu sồng về mừng đám cưới cô con gái kế của chú thiếm tiệm hủ tiếu, bà con
chung quanh hôm đó, chưng hửng nhận ra, mà buồn, mà thương, người ni cô kia là
chị.
Thuyên Huy
No comments:
Post a Comment