TIẾNG ĐÀN NGƯỜI MANG ĐI
Viết cho một người, nếu đọc được sẽ
biết nhân vật “anh” trong truyện là ai
Nhà nghèo, tại một ấp nhỏ ven bìa chợ làng, cha mẹ gần nửa phần
đời, nghèo vẫn nghèo. Nghèo nhưng ham học, thuộc bài, đếm số cộng trừ, thuộc bản
cửu chương tới mười hơn bạn, thầy cô một lòng thương một lòng mến. Nhờ trời
thương, cuối lớp Nhất, anh đậu vào Đệ Thất trường tỉnh, một nơi xa tít mù xa ấp
nhà. Lên tỉnh học, vốn tứ cố vô thân, năm này qua năm kia, may có được vài người
bạn cùng lớp, cũng thân nhà quê, quen đâu đó, anh theo chân quá giang, sống đời
ở trọ hết nơi này tới chỗ khác.
*
Đầu năm lên Đệ Nhất, ông thầy dạy toán giới thiệu, anh dọn về
chỗ ở trọ khác, thầy này cũng đã giúp anh có chỗ dạy kèm thêm cho mấy đứa con của
vài ông bà công chức trong tỉnh vừa đậu vào trường tỉnh từ năm Đệ Nhị, nhờ đó
mà đở cho gia đình, lo chuyện tiền bạc, hy vọng năm cuối trung học này, không
phải lang thang xóm ngoài phố trong nữa. Chỗ trọ mới, xế ngã ba đường tới trường
không xa, một căn nhà gạch nhỏ khuất mình đàng sau dãy hàng rào cây sa – bô –
chê già, không rậm rạp lắm, che bóng hai ba cụm bông Sứ trắng pha chút vàng nhạt,
lưa thưa trên sân, người chủ khá giả bỏ trống, để vậy, thường ở dưới Cần Thơ,
ít khi về.Từ cửa sổ phòng trước có thể nhìn thấy người xe đi về ngoài đường lộ
và nhất là thấy rõ mồn một căn nhà lầu, kín cổng cao tường, đối diện phía dãy
phố bên kia đường.
*
Chiều xuống thấp,
đêm chập choạng lên đèn, ngay từ ngày đầu dọn về, chờ mai vào học, ngồi nhìn ra
sân, văng vẳng bên đó vọng sang, tiếng đàn dương cầm từ trên lầu căn nhà, réo rắt,
du dương thanh thoát mấy bài tình ca quen thuộc “lá đổ muôn chiều, mộng dưới
hoa, thu vàng, ngậm ngùi...” làm anh ngơ ngẩn, thả hồn theo mà khen thầm. Không
biết tiếng đàn này có từ bao giờ nhưng từ đó, chiều nào cũng như chiều nào,
đúng giờ, tiếng đàn vang lên, ngay cả trong những ngày mưa, bận gì, lo gì, anh
cũng phải ngồi ở cửa sổ, sách vở bút mực, xếp lại, chờ nghe cho tới bài cuối
cùng, để rồi tiếc nuối khi tiếng đàn ngưng bặt, đêm nằm ngủ vẫn còn ray rứt nhớ,
vậy mà thành thói quen, hễ cứ chiều xuống là đi ra đi vào chờ, hơn là con nít
chờ mẹ đi chợ về.
*
Người con gái căn
nhà lầu, rồi thì ra, cùng học chung trường, sáng nào cũng vậy, anh phải đứng
nép khựng lại, chưa bước ra cửa, bên đó cổng mở, người con gái đi ra, tay cặp
tay nón, nói qua lại gì đó với một cô nàng khác, cũng áo trắng đôi tà, đứng chờ
từ nãy giờ rồi bên nhau khúc khích cười tới trường, giữa đám học trò ồn ào trên
đường, sau đó mới đi. Tan trường, đứng khuất ở một góc hiên bên cạnh gốc cây
Phượng già um tùm lá, của cái quán nước ngay đầu cổng trường, chờ hai cô trên
đường về, qua ngang, chầm chậm đi sau, từ xa, tới nhà cánh cổng căn nhà lầu mở rồi khép kín lại, lạnh
lùng như mọi ngày, cô bạn thong thả bỏ đi dần mờ xa đầu dốc, đám học trò con
trai lớp lớn đạp xe ngang, giành nhau mời “đưa em về”cười ngặt nghẽo, em lắc đầu
không chịu về.
*
Anh quen cô bạn của người con gái căn
nhà lầu, thường đứng chờ đi học chung trước cổng một cách tình cờ vào một trưa
thứ bảy, không về quê như mọi khi, gặp nhau tại tiệm sách của gia đình thằng bạn
quen chung học lớp, trắng trẻo bảnh trai, ngoài phố chợ. Không dè, cô ta lại là
bạn gái của hắn, thế là vui cả làng, cô cho biết cả hai người học cùng năm Đệ
Nhất, người con gái đó là người đàn dương cầm mà anh nghe mỗi chiều và là con một
trong nhà, cha mẹ làm chủ nhiều cửa hàng ở Sài Gòn. Về nhà trọ, cũng buổi chiều,
anh bất chợt thấy yêu tiếng đàn và yêu cả người đàn, rồi từ hôm đó, anh thức
khuya hơn trước, không thức vì mớ sách ngổn ngang mùa thi mà vì khung cửa sổ
nhà bên đó, anh đã biết yêu rồi.
*
Qua cô bạn gái của
thằng bạn chung lớp, anh quen người con gái nhà lầu, sau đêm lửa trại liên trường
tỉnh, rồi có dịp cùng đường tan trường về, không hẳn là sánh bước, lần nào cũng
vậy, tới nhà, người con gái chỉ mĩm cười chào nhẹ, rồi nhanh chân bước vào
trong, cánh cổng cứ lạnh lùng khép kín lại. Trước Tết, sau nhiều ngày nhiều đêm
trằn trọc nhớ trộm mơ thầm, anh viết cái thư tỏ tình thật dài, rất dài, đọc đi
đọc lại, sửa tới sức lui, cất đó, chờ qua Tết xong, sẽ tìm dịp hay nhờ ai đó
đưa giùm.
*
Buổi chiều, sau Tết
vào học lại, từ quê nhà lên, như thường lệ anh ngồi bên cửa sổ háo hức, nhìn
qua căn nhà lầu chờ nghe tiếng đàn của người con gái mà anh đã biết tên, cánh cổng
nhà vẫn vậy, khép kín và khép kín. Nắng ngoài sân tắt mất từ lâu rồi, anh cũng
chờ lâu rồi, đêm xuống đen, ngoài đường đã lên đèn, anh lặng người đi, bên đó vắng
im, không có tiếng đàn, anh đứng dậy, đẩy cửa sổ rộng ra, nhìn qua lần nữa, căn
phòng trên lầu mù mờ, cửa sổ không thấy mở. Vào học, không thấy người con gái
căn nhà lầu đi học, cô bạn giờ đi một mình, không còn chờ trước cổng.
*
Cũng một buổi chiều, chút lửa nhỏ trên bếp vừa đủ để anh
nghẹn ngào đốt lá thư dài chưa kịp gởi, người con gái căn nhà lầu đã theo gia
đình rời tỉnh về dưới Sài Gòn vài hôm sau ngày bải trường. Vẫn còn đâu đây, lẻ
loi tiếng ve sầu gọi bạn muộn màng, dài lê thê nảo nuột. Căn nhà có chủ mới, sắp
dọn tới nay mai và cũng từ hôm đó, anh bắt đầu sợ tiếng đàn dương cầm.
Thuyên Huy
Hạ mà tưởng
chừng như thu 2022
No comments:
Post a Comment