ÁO MẸ NÓ
Nhớ cái áo bà ba ngã màu bùn của mẹ
Ba mất năm nó lên lớp Tư, nhà nghèo vẫn
nghèo nhưng tạm đủ ăn như trước, mẹ ở vậy, không bước đi bước nữa, tiếp tục
chấp vá nhọc nhằn một mình với nghề trồng cải bẹ xanh, ở miếng đất lớn cỡ chừng
chục sân nhà, xéo cuối ấp, được bà bác già tu tại gia, không chồng con cho, từ
những ngày ba còn sống và chạy qua chạy lại giúp bà khi đau khi ốm, miếng đất
được trời thương, gần một con rạch nhỏ như cái mương vườn trầu, nước lúc nào
cũng đầy cũng trong, nên mẹ nó đở phần tưới chiều tưới sáng, cải tốt, ngồi bán
trên chợ xã, đông người mua nên hai mẹ con tạm gọi có cái ăn cái mặc, không
phải rách rưới. Cuối năm lớp Nhất, đèn dầu đèn chong nhưng nhờ nó chịu khó học
và cũng cùng với mẹ, bữa cơm nào cũng khấn vái ba, phù hộ, nên nó thi đậu vào
lớp đệ Thất trường tỉnh.
*
Ngày bải trường, nghỉ hè cuối năm, cũng như
năm trước, năm đệ Thất, mẹ lên tỉnh từ sáng sớm, khiêm nhượng đứng nép mình ở gốc cây phượng già bên kia đường, xế chỗ
cổng trường một khoảng xa, chỗ cũ. Chuông tan trường reo lên vang rân, trong
đám đông nghẹt học trò túa ra như bầy ong vỡ tổ, nó chạy nhanh ra tìm mẹ, nắm
tay bà cười thành tiếng.
Tiếng học trò nhà ở tỉnh, cười giỡn xúm
xích với gia đình, nào xe hơi, xe gắn máy, áo quần người nào người nấy thẳng
thốn lụa là, cách chỗ mẹ con nó nghe rõ mồn một không xa. Đứng chờ xe về nhà, bất
chợt nó nhìn mẹ, cũng cái áo bà ba sờn tím bạc, cái quần đen ngã màu bùn che
chưa trọn gót, cũng đôi dép Nhật cũ, cái nón lá ngả màu, bộ đồ đã mặc khi lên
tỉnh đón nó về năm trước, tự dưng nó thấy có chút gì đó nhói đau nhè nhẹ, đâu
đó trong lòng khó tả, khác hẳn năm trước, nó vô tư nói cười không nghĩ gì. Xe
đò tới, lên xe rồi, nhìn lại phía sau, đám học trò con nhà giàu vẫn còn đó, nó
thấy buồn buồn.
*
Năm đệ
Tứ, vào ở ký túc xá không lâu, sau mấy năm ở đậu nhà người lạ, hết chỗ này tới
chỗ khác, được ba của thằng bạn thân, nhà giàu cùng lớp giới thiệu tới làm phụ
bưng chén bưng tô cho khách, vài tiếng đồng hồ mỗi chiều tan học về tại một
tiệm cơm của người dì bà con hắn ta ở gần khi nhà thờ tỉnh, xa ký túc xá độ
chừng hai chục phút đi bộ, hai bác chủ hiền hậu, thương người, chỉ dạy tận
tình, đôi khi khuyên nhủ chuyện học chuyện hành, còn trả tiền cho nó rất hậu
hĩ. Làm như vậy, vài tháng sau, trước ngày nghỉ Tết năm đó, buổi chiều tan học,
sau khi chào từ giã về quê, với mớ tiền dành dụm, không nhiều nhưng cũng đủ, nó
ra tiệm vải trong nhà lồng chợ tỉnh mua hai sấp vải màu, áo tím đậm màu trái
cà, quần đen tuyền màu mực, đem về làm quà cho mẹ.Trên đường đi bộ từ chợ về ký
túc xá, chân này đánh chân kia, nó cười vui như trúng số, cái ước mơ nhỏ nhoi,
quê mùa, một ngày nào đó nếu có được của nó đã thành sự thật.
*
Hè thì
không nói gì, mẹ vẫn đầu tắt mặt tối với gào nươc, đám cải, đội nắng che mưa,
nó cũng xếp sách, cất viết, theo bà, phụ hai tay hai chân, nên không nhắc gì
tới mấy xấp vải, nhưng mấy mùa Tết năm sau, không dám nhưng có đôi ba lần, lần
lựa rồi e dè hỏi sao mẹ chưa may quần áo mới, dưới chái hiên nhà sau, ngồi ăn
cơm chiều, có canh cả bẹ và cá lìm kim dưới rạch, mẹ cười tươi nhìn nó, gió lùa
chút nắng muộn tạt vào ngang, mặt mẹ giờ đã có nhiều lằn nhăn hơn trước, bảo
chưa cần, khi nào may nó sẽ biết ngay.
*
Hai mẹ con ngồi ăn bánh mì, với mấy lát thịt
đồ hộp của Mỹ mà nó đi bộ hỏi đường mua từ chợ Cũ Sài Gòn, hôm đi xem kết quả
Tú Tài Một về, sau chái hiên nhà, buổi chiều trời còn nắng, báo tin nó thi đậu,
mẹ mừng khôn xiết, chấp tay van vái bốn phương tứ hướng, lầm thầm gọi ba, cám
ơn trời phật ông bà, thương xót, lúc bấy giờ bà mới bảo nó, bà chờ ngày này từ
mấy năm rồi, ngày mai mẹ sẽ may quần áo mới, vừa nói vừa cười, chút vạt nắng
tím hồng chiều còn sót lại, lùa ngang phớt qua, trên đầu bà những sợi tóc thưa
bạc màu sương khe khẻ đưa, tóc cũng vui lây.
*
Hôm đưa nó ra đường, chờ đón xe lên tỉnh
tựu trường đầu năm đệ Nhất, mẹ mặc chiếc áo bà ba màu tím trái cà và cái quần
đen tuyền màu mực mới đưa nó đi. Xe đò tới, lên xe, xe chạy một khoảng xa, nó nhìn
lại, mẹ đứng đó vẫy tay, tà áo bà ba màu tím hoa cà phất phơ nép gió sớm, nó rươm rướm khóc.
Thuyên Huy
Viết lại từ một chuyện cũ 2023
No comments:
Post a Comment