Tuesday, May 2, 2023

Cuốn Sách Thiếu - Nguyễn Trọng Nghĩa

 

CUỐN SÁCH THIẾU





 

Tốt nghiệp đại học về nước, thất nghiệp, tôi đi bán chổi. Tôi nghĩ, chổi thời nào cũng cần. Cái gì có thể mất đi chớ chổi vĩnh viễn tồn tại. Xã hội càng văn minh, nghĩa là con người ta càng ở sạch thì càng phải quét nhiều. Và tôi đáp ứng. “Ê chổi!” – Người ta gọi tôi vậy. Tôi không thấy phiền hà gì với cái tên mới của mình.

Rảnh, tôi đọc và dịch Franz Kafka, thằng cha nhà văn mà tôi yêu thích. Tiếc là lúc về nước tôi chỉ kịp mua ba tập vì cái vé máy bay không cho phép tôi đợi đến ngày tập thứ tư trọn bộ bằng tiếng Nga của thằng cha in xong.

 

oOo

Một hôm tôi phát hiện cái bằng tốt nghiệp của tôi trong ngăn bàn bị lên mốc. Tôi đem đi bọc nhựa (còn gọi là ép plastic). Tay thợ ngắm nghía cái bằng của tôi, thốt:

-Tốt nghiệp M. Gorki năm 92? Vậy thì sau tui một năm. Tui dân Xurikov đây. Tuấn họa sĩ! – Hắn vỗ ngực – Tác phẩm đây! – Hắn chỉ sợi dây giăng sát mé tường treo mấy bức tranh.

Tôi biết Tuấn họa sĩ từ ngày đi bán chổi. Hắn hành nghề tại một góc phố sầm uất, vừa làm nghề bọc nhựa mọi thứ giấy tờ cho người bản xứ, vừa bán tranh cho khách nước ngoài. Tranh của hắn vẽ trẻ chăn trâu thổi sáo, thiếu nữ nón lá áo dài, hoặc cảnh bờ biển chiều có trăng lồng trong bóng cau (?!). Tôi thường nói chuyện với Tuấn họa sĩ những buổi đi bán ngồi nghỉ trưa dưới bóng mát nơi hắn hành nghề, loại chuyện bâng quơ của dân đầu đường xó chợ. Giờ nhớ lại ít nhất đã vài lần tôi với hắn gặp nhau ở Nga (Moscou), vì dân Xurikov đâu lạ gì với tôi. Xurikov là trường mỹ thuật có giá ở Nga. Tôi không rành cách giảng dạy, nhưng sinh viên trường rất tự hào, vì đơn giản họ là “dân Xurikov”. Tôi dòm tranh Tuấn nhận xét:

-Đang “về nguồn” hả?

-Về nguồn, phải về nguồn thôi!

oOo

Tôi nhập bọn với Tuấn họa sĩ. Vì có hộ khẩu thành phố nên Tuấn mướn cho tôi một chiếc xích lô.

-Chớ hộ khẩu của mày đâu? – Hắn hỏi.

-Hồi tao đi thì nó nằm ở Bộ Văn hóa, bây giờ không biết đâu.

-Vậy chừng chết làm sao chôn?

-Quan trọng là khi sống, còn chết rồi có liệng xuống sông Sài Gòn cũng không sao. Tao là công dân thành phố, sống đàng hoàng, không trộm cướp.

Tôi nhớ có một người quen, mẹ nó chết, nó đốt xác lấy tro ném xuống sông Sài Gòn. Người ta không thể liệng tôi xuống sông mà không đốt thành tro. Tôi nói với Tuấn họa sĩ ý này. Nó cười.

oOo

Tuấn họa sĩ rủ tôi tới nhà. Tôi tưởng nhà Tuấn ít ra cũng treo vài bức tranh trừu tượng, và những cuốn sách nghệ thuật nặng như đá đem từ nước ngoài về. Nhưng không, phòng nó toàn loại tranh nó treo bán ngoài đường phố và bừa bộn những chất liệu để sản xuất ra loại tranh ấy. Tôi hỏi nghệ thuật chân chính đâu, nó chỉ:

-Đây!

oOo

Hành nghề được mấy ngày thì tôi gặp lại I-van, thằng đệ tử. Bữa đó tôi đang nằm lim dim trên xích lô thì Tuấn họa sĩ lay tôi:

-Ê, dậy đưa thằng Nga ngố này tới Tacc

-Giá bao nhiêu, đã gút chưa?

-Rồi, mười đồng.

Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện, thằng “Nga ngố” mải mê xem tranh của Tuấn. Tuấn gọi nói:

-Này anh bạn trẻ, đi thôi!

Nó quay lại, và tôi nhận ra ngay thằng đệ tử ruột của mình.

Hồi học đại học tôi và nó ở chung phòng. Học bổng của tôi đủ sống trong khi học bổng của nó chỉ đủ gặm bánh mì với nước trà đường. Tôi phải nuôi nó, chẳng những thế tôi còn thường xuyên đãi nó món ăn Việt Nam. Khỏi cần phải nói nhiều vì món cá kho của ta với nó đã là cao lương mỹ vị. Khoản kế tiếp là khoản ăn nhậu. Nếu tôi uống bia thì ngoài phần bia ngồi uống với tôi, nó còn được thêm phần vỏ chai, mà vỏ chai là một nguồn lợi không phải nhỏ. Cứ vài ngày nó vác một túi vỏ chai đi bán. Nói tóm lại nó sống được một phần nhờ vào số tiền bán vỏ chai. Ở nhà tôi có thằng em út bằng tuổi I-van, cũng ngây thơ như I-van nên tôi coi I-van như em mình. I-van gốc nông dân, quê ở U-ran, một vùng giống như xứ Tây Nguyên của ta. Có lần nó dẫn tôi về quê nó nhân dịp hè, cả làng xúm lại xem tôi như xem người ngoài địa cầu. Sau này nó cho biết, tôi chính là người nước ngoài đầu tiên đến làng nó.

Nhờ có chút năng khiếu và có dịp thi thố trong phong trào toàn dân sáng tác văn học nên nó được chọn vào trường. Nó là niềm tự hào của cả làng.

I-van ngồi lên xe và tôi đạp. Đạp được một đoạn đường hơi dài mà tôi chưa biết bắt đầu cuộc gặp gỡ như thế nào cho sướng. Rồi không biết sao, tôi la lên:

-Ê thằng Nga ngố, đụ má mày, cái đồ hôligan!

Nghe chửi bằng tiếng mẹ đẻ, nó nhóng dậy day người ra phía sau làm xe lạng quạng suýt lật:

-Nờ Khia!  Jubtờvaijumát!

Tên tôi là Nghĩa nhưng người Nga không nói được chữ Nghĩa nên trong quãng thời gian năm năm đèn sách (nói cho oai chứ chơi nhiều hơn), tôi đành vui vẻ chấp nhận cái tên Nờ Khia.

Tôi tấp xe vô lề đường. I-van bước xuống thoi mạnh vào vai tôi làm mọi người đang tới lui tưởng chúng tôi đánh lộn, nhưng khi thấy tôi cười tươi thì họ mới biết bạn cũ gặp nhau. Thằng I-van nói:

-Ủa, mày không làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa sao?

-Không. Còn mày, chắc đang làm đại sứ tại nước tao hả?

Hồi còn học chung, mấy lúc ngồi uống bia nó hay nói đùa là sau này khi về nước tôi sẽ làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Thấy vậy tôi cũng phong cho nó cái chức đại sứ theo gương một nhà văn có tiếng cũng xuất thân từ trường của chúng tôi. I-van trả lời:

-Giờ tao đi buôn, và tao thấy nghề này thích hợp với tao.

I-van chộp được tôi như người đi đêm trong rừng chộp được cây đèn. Xứ nó đang thiếu hàng hóa, xứ mình dư, nó mua hàng hóa ở xứ mình về bán cho dân xứ nó xài là một việc làm có ích, dĩ nhiên có ích hơn nhiều so với số thơ văn nó sáng tác ra. Để mua đúng giá trị của món hàng, không bị bọn con buôn gạt gẫm và để làm người phiên dịch, thì đối với I-van không ai tuyệt vời bằng tôi. Vậy là tôi có nghề mới: phiên dịch, mua hàng đóng hàng cho I-van chở về Nga. Như vậy nước mình bán được hàng, I-van mua được đúng giá, tôi được trả công đúng mức.

Đời tôi dần dần phất lên. Bây giờ chiếc xích lô của tôi là để chở I-van, đúng hơn là để I-van chở tôi vì xem ra nó mê loại phương tiện giao thông thơ mộng này còn hơn mê làm đại sứ. Cảnh một thằng Tây chạy xích lô chở một thằng ta thường xuyên xuất hiện trong thành phố mà có lần một ký giả nào đã chụp hình in trên báo chính là cảnh thằng I-van chở tôi.

Một hôm tôi hỏi nó:

-Franz Kafka bên bển còn kiếm được không?

Tưởng nó mê hàng hóa quên sách vở, ai dè nó trả lời một câu nghe có thể tin được:

-Kafka thì hiếm lắm nhưng có thể tìm trong các bukinhik quen. Mày cần hả?

-Tao cần cuốn bốn, hồi về nước tao không kịp mua.

-Để chuyến sau tao tìm cho mày.

Nó về nước và từ đó không trở lại.

oOo

Dạo này đọc báo thấy Nga đang có chiến tranh. Không hiểu thằng I-van có nổi máu anh hùng cầm súng ra trận như đã một lần nổi máu làm thương buôn? Mà súng đạn nơi trận mạc thì khôn lường.

Tôi chưa trả chiếc xích lô, chắc sẽ quay về đậu chỗ Tuấn họa sĩ. Hắn vẫn còn đang hành nghề cũ. Cái giá sách nhà tôi vẫn còn thiếu một cuốn của Franz Kafka, cuốn bốn.

Nguyễn Trọng Nghĩa

Nguồn: văn học nghệ thuật – Từ trang DDQGHCUC

 

 

 

No comments: