CUỘC ĐỜI
CŨNG KHÔNG QUÁ TỆ
Hồi trẻ tôi mê đọc sách Triết,
chủ yếu là Triết tây. Tôi không nhớ mình lấy đâu ra thời gian mà đọc Triết vì
tôi theo con đường khoa học. Rảnh thì đọc, đọc chen vào những lúc mệt mỏi vì
học những con số. Đọc thư thả, chẳng có gì thúc ép miễn cưỡng. Đọc để biết, để
thỏa mãn tri thức, và cũng không loại trừ đọc để lấy.. le (có phần chiếm ưu
thế). Đọc một lần chưa hiểu, đọc lần hai, lần ba,… những hầu như tôi không ngẫm
nghĩ về Triết cho cuộc đời của chính mình.
Vũ Thế Thành
Tôi thấy ông bà triết gia nào
nói cũng có lý, dù quan điểm của họ chọi nhau chan chát. Đọc Triết, tôi học
được cách lý luận, cách diễn đạt ý tưởng trừu tượng của Triết học, và cũng
không loại trừ học được cách ngụy biện rất…hàn lâm. Tôi ngưỡng mộ tất cả.
Bên cạnh những khám phá về triết
học là phát biểu của vài triết gia về thời sự. Mỗi sáng họ thư thả xem tin
chiến sự trên truền hình, bên tách cà phê, bánh croissant, phó mát, jambon, và
cũng có thể cao hứng làm tình trước khi gay gắt lên án chiến tranh, Đó là thời
buổi mà “Make Love, Not War” lên ngôi ở Tây phương. Uy tín của họ lớn lắm. Một
lời phát biểu, cả triệu triệu người theo. Sau này tôi nhận ra, những trí óc
siêu việt của họ chưa bao giờ chạm đến gốc rễ của Huế Mậu Thân, của Đại lộ kinh
hoàng, của tiểu học Cai Lậy, hay cô nhi viện Long Thành,…
Những năm sau 75, tôi vẫn đọc
sách Triết. Đọc để giết thời gian, nhưng lần này, đọc để ngẫm nghĩ về Triết học
và cuộc đời của chính mình.
Thập niên 80, khi đời sống ở mức
thê thảm, có thời gian tôi làm job 2 với nghề xích lô. Những lúc ế độ, nằm vắt
trên trên xe, tôi lại ngẫm nghĩ về triết học và cuộc đời. Những giá trị đạo đức
tưởng như rất bình thường lại trở thành vấn nạn, tạm gọi là “thức thời”. Nói
những điều không muốn nói, làm những điều không muốn làm. Con người đôi khi
phải “thức thời” thỏa hiệp với vùng xám để tồn tại, để đắp điếm bổn phận với
gia đình. Nhưng đâu là ranh giới giữa vùng Xám và vùng Đen? Tôi không tìm thấy
lời giải đáp từ mấy ông triết gia siêu việt. Tôi từ bỏ Triết học.
Nếu hiểu Triết học là một nhận
thức về cuộc đời, rồi sống với nhận thức đó. Tiếc thay, tôi lại tìm thấy câu
trả lời “Xám – Đen” từ người đàn bà mù chữ – Mẹ tôi – Bà không biết diễn
đạt, chỉ biết cư xử quê mùa như bản chất tự nhiên. Cách sống đơn sơ lại là mẫu
mực, mà cho đến giờ, vẫn là lời cảnh báo mỗi khi tôi toan tính nhập nhằng giữa
Đen và Xám.
Trong tùy bút “Sài gòn muộn
màng”, tôi đưa Sartre vào trại cải tạo (VC), cho Nietzsche vượt biên trên con
thuyền (ọp ẹp), và để Miller cãi lộn với má mì bia ôm. (thật ra, tôi cho Miller
ra đường Huyền Trân Công Chúa ngả giá với những cô gái đứng đường vì hồi tôi
đạp xích lô chưa có bia ôm). Trong những hoàn cảnh đó, biết đâu họ sẽ có lời
giải đáp Xám và Đen – Lời giải đáp cho riêng họ.
Với tôi, những hình ảnh đó là
ước lệ cho sự rời bỏ triết học. Giới tinh hoa góp phần làm thăng tiến xã hội,
mà cũng khởi xướng cho sự băng hoại – Tuổi đời chồng chất, tôi nhận ra rằng, số
người (tinh hoa) làm thăng tiến thì ít, số làm băng hoại lại nhiều. Họ làm băng
hoại bằng những suy tư đầy mộng mị, xa rời thực tế, nhưng diễn đạt bằng những
ngôn từ tuyệt hảo, diễm lệ, lôi cuốn đám đông vào cõi không tưởng, làm mồi
cho những tham vọng điên cuồng. Tàn cuộc chiến mới thấy lịch sử đôi lúc
thật cay nghiệt.
“…Triết lý thực sự ở ngay chính
cuộc sống của mình, của riêng mình trong mọi tình huống. Điều quan trọng là
phải sống với nó, chứ không phải nói để người khác sống, còn mình thì sống kiểu
khác…”, tôi đã viết như thế trong “Sài Gòn muộn màng…”.
Tùy bút “Sài Gòn muộn màng…” tôi
viết cách nay đúng 5 năm. Viết xong, tôi lại “tự ý đục bỏ” cả ngàn chữ “lý sự”
về Triết học trước khi đưa vào tuyển tập “Sài Gòn, một góc ký ức”. Viết tùy
bút, với tôi chỉ là hồi tưởng lại một chút cảm nhận của riêng tôi, chứ không
phải lập luận để thuyết phục người đọc (đó là lý do vì sao tôi cắt bỏ ngàn chữ
“lý sự”). Mà thuyết phục với mục đích gì, thuyết phục cho ai nữa bây giờ ở tuổi
xế chiều này?
Tôi thấy mình gần gũi hơn với
Triết Đông – Cảm nhận về cuộc đời, chứ không lý luận về cuộc đời.
Gần 48 năm trôi qua rồi đấy!
Trong cơn bão nghiệt ngã của đời người, đôi lúc tôi cũng tìm thấy đâu đó một
chút tình người, chia sẻ khi hoạn nạn giữa những người đồng cảnh ngộ. Tôi cũng
nhận được chia sẻ hiếm hoi đến từ vài người “Bên thắng cuộc”. Sự hiếm hoi đó
không xuất phát từ chủ nghĩa nào cả – Đừng nói đến hòa hợp hòa giải con mẹ
gì đó ở đây – Hiếm hoi đến từ tình người.
Tôi mượn câu nói trong tiểu
thuyết “Một đời người” của Guy de Maupassant để kết thúc status này: “
Cuộc đời như bà thấy đó, cũng không quá tệ”.
Đúng vậy! Cuộc đời cũng không
quá tệ. (Vtt)
Mời đọc đoạn cuối của tùy bút “
Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn”.(Vtt)
Vũ Thế Thành, Sài Gòn 28/04/2023
———————————-
Một thời triết lý vụn đã qua
“… Em hỏi tôi có đọc sách triết
không, về Sartre, Miller… gì gì đó. Tôi đã gạt mấy cha nội triết gia này ra
khỏi đầu tôi hơn bốn mươi năm rồi em. Tôi muốn J. P. Sartre vô trại cải tạo để
tự tìm ra con người ổng là ai. Muốn Henry Miller nói chuyện tay đôi với má mì ở
quán bia ôm. Muốn Nietzsche đứng trên con thuyền nhỏ giữa sóng to gió lớn và
hải tặc để ông ta hét toáng lên Thượng đế đã chết!… Cứ
nhìn vào cuộc đời của mấy ông triết gia thì biết, điều họ nói và cái họ làm
thật khác xa. Những lý luận của họ chỉ thích hợp ở trường học, ở tháp ngà
nghiên cứu, nơi mà họ thư thả hệ thống hóa những luận thuyết.
Triết lý thực sự ở ngay chính
cuộc sống của mình, của riêng mình trong mọi tình huống, mọi lẽ sống… Nhận thức
được về nó. Không nhận thức được thì cảm nhận nó. Điều quan trọng là phải sống
với nó, chứ không phải nói để người khác sống, còn mình thì sống kiểu khác.
Một khi con người còn biết chút
chia sẻ, còn có chút lòng trắc ẩn, thì đời đâu quá tệ, phải không? Không quá
tệ, nhưng đi theo được nguyên tắc đó suốt đời mình, không phải là điều dễ dàng.
Tôi là độc giả thầm lặng của facebook CLB cuộc chiến chống ung thư,
nơi những con người tuyệt vọng chia sẻ với nhau từng mẩu hy vọng. Trong đó có
một status thế này: Cha tôi đã không qua khỏi, còn
một ít thuốc giảm đau, bạn nào cần, tôi xin tặng lại. Đọc mà
nhòe cả mắt…
Quyển sách cô bạn tặng, Tình yêu bên bờ vực thẳm, bản dịch của Huỳnh Phan Anh,
chỉ lật vài trang đầu, tôi đã nhận ra một Remarque quen thuộc: … Hãy để tôi đi, nàng thì thầm. Ravic không nói gì, siết chặt tay
nàng hơn nữa. Ravic có cảm tưởng nàng không trông thấy chàng, và xuyên qua
chàng, dường như nàng đang nhìn vào cõi xa xăm nào đó, trong đêm tối trống
vắng.
Con người trong tác phẩm của
Remarque thường là những số phận bị săn đuổi, với những ước mơ, tính toán thật
giản dị và tử tế. Tử tế với những người bạn tình cờ biết nhau một đêm, tử tế cả
với chính kẻ thù của mình. Con người bị săn đuổi, nên lúc nào cũng vội vã, họ
cảm nhận được giá trị của chia sẻ, của khoảng khắc tồn tại và yêu thương.
Một thời triết lý vụn đã qua,
mọi thứ đã lụi tàn trong ngọn lửa “đồi trụy và phản động”. Hồi trước đốt sách,
nhưng liêm sỷ còn kháng cự ít nhiều. Bây giờ liêm sỷ bị thiêu rụi bởi thực
dụng, bởi đạo đức giả, bởi diêm dúa của đồng tiển và quyền lực. Con người bị
cầm tù bởi hiệu ứng Stockholm mất rồi!
Trong Một thời để yêu, một thời để chết, tôi nhớ lõm bõm câu
(đại ý): Không cần phải cứu vãn những giấc mơ, mà phải cứu vãn niềm tin.
Niềm tin còn, thì giấc mơ tự nó sẽ phục hồi.
Bốn mươi ba năm rồi đấy! Cuộc
đời có khi tràn ngập những tuyệt vọng, nhưng đúng là niềm tin cần được cứu vãn.
Tôi cần niềm tin. Đất nước này cần niềm tin. Niềm tin sự thật sẽ không bị
vùi lấp. Niềm tin cái xấu sẽ bị đào thải: Nước nâng thuyền, nước cũng có thể
lật thuyền.
Vũ Thế Thành, Đà Lạt, cuối tháng tư 2018
(Trích đoạn “Sài Gòn muộn màng
của em cũng không còn” trong tập tùy bút “ Sài gòn, một góc ký ức và bây giờ”,
tái bản 2021)
No comments:
Post a Comment