Tuesday, September 19, 2023

Má Ơi Má... Bình Nguyên Lộc

 

MÁ ƠI, MÁ!

 

Coi chừng té xuống mương!  Con Nhộng đứng khựng lại, ngơ ngác nhìn trời băng đôi mắt sâu trong đó không thấy tròng, và cả bọn đều cười rộ lên, một trận cười không ác ý.

Bình Nguyên Lộc 

 


Con Nhộng cũng cười hiền lành rồi hỏi: 

Mương gì, ởđâu? 

Mương mới đào. 

Con bé mù biết bạn hữu gạt mình, nên lại cười lặng lẽ rồi tiếp bước. 

Con Nhộng mù từ hồi mới lọt lòng mẹ, do sự dốt nghề của bà mụ vườn mà ra. Chứng mù này ở thôn quê ta, dễ thường có đến năm sáu đứa bé sơ sinh mắc phải, trong một trăm đứa bé ra đời. 

Các bà mụ vườn của ta không biết rằng công việc tối cần và đầu tay của các bà khi đứa bé lọt lòng là săn sóc đôi mắt của nó vì đôi mắt ấy đã bị nhiễm độc lúc lọt lòng. 

Những đứa bé mù chứng mù ấy, thuộc lòng từng hòn sỏi, từng bụi cỏ trong làng và bất kỳ cái mương mới đào nào, chúng nó cũng hay tin trước thiên hạ cả. 

Con Nhộng vầy đoàn với bạn hữu nó để đi xuống vườn của Hương thân Quới, ở cuối làng. 

Vườn đây là vườn cau. Xứ Đồng Môn này, cau trồng thành những sở to, như dừa ở Bến Tre, và có vườn cau đông đúc hằng năm, ba ngàn cây. 

Má mày uống thuốc đó có bớt không? 

Bà bị giựt té xuống đất. Thuốc mạnh lắm nhưng sao không thấy bớt. 

Mặc dầu mù lòa, con Nhộng phải làm để nuôi mẹ, vì má nó bại xụi tay chân đã ba năm rồi, cứ nằm một chỗ, không làm ăn gì được hết. 

Đoàn bẻ cau gồm toàn con gái nhỏ trong làng mà đứa lớn tuổi hơn hết, mới có mười bốn. 

Chúng nó có bảy đứa tất cả, toàn là con cái của cùng đinh, bởi thế chúng nó mới chịu làm một nghề mà đến cả những người lớn gan dạ nhứt cũng không dám làm. 

Giây lát sau, đoàn hái cau võ trang mỗi đứa một chiếc dao bầu, tới trước vườn Hương thân Quới. 

Chó trong nhà sủa vang lên, và một chị người nhà chạy ra mở cổng. Chị ta nói: 

Tụi bây cứ hái, rồi thòng xuống, có người rước cau dưới này. Đây, dây đây! 

Vừa nói chị ta vừa phát cho mỗi đứa một sợi dây nhỏ bằng ngón tay út, và phát tới con Nhộng, chị ta hỏi: 

Nhộng, má mày bớt không? 

– Không! 

– Trưa nay ở lại, tao cho ăn cơm. 

– Tôi phải về để đút cơm cho má tôi. 

– Tội nghiệp! 

Chị ta nhìn theo con bé mù lòa, thương nó lắm, nhưng không làm gì hơn được để giúp nó. Bọn bẻ cau chia vườn ông Hương thân Quới ra làm bảy khu, mỗi đứa một khu. Chị người nhà tranh đấu cho con Nhộng được cái khu ở gần cổng hơn hết, để tránh cho nó cái khổ phải đi tìm. 

Bạn hữu nó đều vui lòng giúp nó nên không ai tranh giành làm gì, mặc dầu khu này rất tốt, về phương diện hái cau, bởi không có cây cau tơ nào cả. 

Phải thấy cách chúng nó bẻ cau mới nhận thức được rằng câu tơ rất bất lợi cho chúng nó. 

Chị người nhà hô lên cho những người nhà khác đi rước cau, còn chính mình thì rước tại khu của con Nhộng. 

Con Nhộng cột một đầu dây dừa vào eo ếch nó, giắt lại cái dao bầu vào lưng quần cho thật chắc, tròng nài vào chơn, đoạn ôm cây cau gần hơn hết mà leo. 

Đây là một giai đoạn dễ, hễ quen là leo được như chơi. 

Cái khó, lên tới trên kia, mới gặp. 

Việc khó thứ nhất là thử cau: bé đại một trái cau ở bất kỳ buồng nào, dùng dao bầu bửa ra để xem coi cau đã “dầy” hay còn non. Nếu còn non thì phải để yên buồng cau đó. 

Con Nhộng không thấy đường, nên phải xem bằng cái lưỡi của nó. Tuy thế, không bao giờ nó lầm lẫn cả. 

Buồng cau thứ nhất được thòng dây xuống tới đất êm ru và chị người nhà tháo gỡ mối cột để con Nhộng rút dây trở lên. 

Chị ta bắt đầu nín thở vì cái trò hồi hộp đã khởi sự. Mặc dầu đã xem trẻ bẻ cau từ thuở bé, nghĩa là gần ba mươi năm rồi, chị ta vẫn nghe nghẹt thở mỗi khi chứng kiến cái cảnh trò hát xiệc của bọn này. 

Con Nhộng ôm chặt thân cây cau rồi dùng sức mạnh của nó mà đẩy cho cây cau lay động như là bị gió thổi ngả nghiêng vậy. Nó lắc một hơi thì chị Tám – người nhà – có cảm giác như là một luồng gió to đang thổi qua đây, vì cây cau ngã qua, ngã lại, thấy mà bắt sợ. 

Con Nhộng đưa tay ra không trung, chụp lấy ngọn của một tàu cau của cây kế cận, rồi nắm chặt cứng. 

Câu cau này mọc cách cây kia độ một thước sáu tấc, bị lôi kéo như vậy, nên cũng ngả nghiêng theo chiều của cây cau mà con Nhộng đang leo. 

Sức nghiêng của hai cây đều gia tăng vì cây này kéo cây kia, gia tăng mãi cho đến một lúc nào đó hai đầu cây cau gần dụm lại với nhau. 

Con Nhộng chỉ còn ôm cây cau có một tay, tay trái, còn tay mặt nó thì mắc níu tàu cau bên kia. 

Khi nó tính toán đã đến lúc, nó với tay mặt ấy qua, vừa với vừa buông cây cau đầu, vừa phóng mình qua cây kế. 

Chị Tám nhắm mắt lại, cúi mặt xuống, không hề dám chứng kiến cái phút giây ghê rợn ấy bao giờ. 

Chị đợi một hồi, không nghe có tiếng gì rơi xuống đất hết mới dám ngước lên mở mắt ra. Bây giờ con Nhộng đã ôm chặt cây cau thứ nhì rồi và đang bẻ một trái cau để thử. 

Trẻ con làm nghề hái cau ở xứ Đồng Môn này đều hành động y như thế cả, để tiết kiệm thì giờ và công tuột xuống, leo lên mãi, vì mỗi ngày chúng phải hái hằng trăm cây không hơi sức đâu mà leo từng cây như ở các nơi khác. 

*

Nhưng ngay như những đứa bé sáng mắt mà chuyển cây như vậy, cũng làm cho ta mọc ốc cùng mình rồi huống hồ gi con Nhộng không thấy đường thì sự tính toán thì giờ của nó bấp bênh là dường nào. 

Chị Tám thở dài, không còn lo cho con Nhộng nữa, mà lo cho chính thân chị. Nếu chị cứ ở mãi cho bà Hương thân Quới đế rước cau như thế này thì ngày kia, chị sẽ đau tim mất. 

Ở sáu khu kia, trẻ con cũng đang làm y như vậy, và cả bảy cái mạng này giống như bảy cái đại đồng chung treo bằng sợi chỉ mảnh. 

Tuy nhiên chị Tám cố nhớ điều này để tự trấn an: là tai nạn ít khi xảy ra lắm, năm ba năm mới có một đứa bé bị rủi ro. 

Qua khỏi tuổi nào đó, không làm nghề này được nữa, vì càng gần thành người lớn, trẻ con càng đâm nhát gan, với lại càng nặng cân, khó phóng mình từ cây này qua cây khác. Tai nạn lại chỉ năm ba năm mới xảy ra một lần thì có lắm thế hệ trẻ hái cau không hề gì cả, vì chúng chỉ hành nghề được có mấy năm thôi, giữa hai tai nạn nào đó. 

Nhưng càng cố nghĩ tới các sự kiện ấy để trấn an mình, chị Tám càng ghê rợn, vì hễ nghĩ thì nhớ, nhớ cái tai nạn rùng rợn nhất mới ác chứ. 

Năm đó con Khen, một đứa bé sáng mắt, bị té từ trên ngọn một cây cau lão xuống, thế nào mà ngọn dao bầu giắt lưng lại đâm lũng ruột nó, lòi phèo ra thấy mà ớn xương sống. Nó được chở đi nhà thương, nhưng khiêng bằng võng, đi bộ rồi sang qua xe bò, lâu lắc quá, tới được nhà thương Long Thành thì nó đã đuối sức vì máu ra quá nhiều ở dọc đường. 

Vả lại nó mà không chết vì sự mất máu, thì nó cũng chết vì dập phổi, dập gan. 

Con Nhộng cứ thử cau, hái cau, thòng buồng cau xuống, đoạn làm trò hát xiệc để chuyển qua cây khác. Nó lặng lẽ làm việc, không đùa giỡn vang rân như bạn hữu nó, có lẽ để tập trung ý tứ hầu tránh rủi ro. 

Chị Tám cứ van vái Trời Phật cho không có việc gì xảy ra, bởi tình cảnh gia đình con Nhộng hiện rất nguy ngập. Nó còn bé thế lại mang tật mù lòa, vậy mà nó vẫn là rường cột của gia đình nó. 

Ba nó chết cách đây bốn năm, và năm sau đó thì mà nó mắc chứng bại xụi. Và từ đó, chén cơm của hai mẹ con do chính nó kiếm lấy, bằng cái nghề nguy hiểm này vì trong làng không còn nghề nào khác để dành cho người mù lòa cả. 

Thím Hai, má con Nhộng mà có tiền đi nữa cũng không sống được, bởi nếu không có đứa con hiếu thảo của thím thì lấy ai đút cơm, rót nước cho thím, với lại lo cho những việc tầm thường song tối thiết cho thím như sự đại tiện, tiểu tiện. 

Chị Tám bỗng nghe ân hận đã giành rước cau của con Nhộng. Nếu rước cau của mấy đứa bé khác chị không phải lo đến như thế này. Chúng nó bất kỳ đứa nào cũng có thể gặp rủi ro hết, nhưng chúng nó còn cha còn mẹ, cha mẹ chúng nó lại khỏe mạnh chớ không phải là phế nhân như má con Nhộng vậy. 

Chị thề lần sau sẽ không dại mà đi theo ủng hộ con bé mù lòa này. 

Sáu người rước cau khác là bà Hương thân Quới với lại năm đứa con của bà. Họ khỏe ru vì họ không hề biết thương vay, không hay lo bao đồng như chị Tám, mà trẻ con bẻ cau cho họ lại sáng mắt, khó lòng mà thọ nạn. 

Chị Tám nhất định không thèm nhìn lên nữa. Công việc của chị ở dưới gốc cau, hễ thấy một buồng cau thòng xuống tới đất thì cứ việc rước lấy rồi mở dây. Chị mà có ngủ gục cũng làm tròn bổn phận như thường vì lần nào thòng cau xuống con Nhộng cũng gọi chị, mà cho hay. 

Nhưng không nhìn lên thì nhìn xuống đất, cảnh dưới đất càng làm cho chị rởn ốc. Cây cau nào cũng được rào bằng một hàng rào nọc thấp. Chủ vườn đổ rác trong hàng rào ấy cho nó thành phân hầu tốt cau, với lại để củng cố gốc cau nữa. 

Những cây nọc ấy hồi mới thì được cưa bằng đầu, nhưng gió mưa và năm tháng đã gậm mòn đầu nọc, thành ra cây nào bay giờ cũng nhọn hoắt, chĩa thẳng lên trời như để hăm dọa kẻ leo cau. 

Thật là khổ cho chị Tám không biết bao nhiêu. 

Chị lại tránh nhìn xuống, tìm đầu hàng rào mà ngắm để quên. Hàng rào trà rừng nhà ông Hương thân Quới rất đẹp, nên ngắm một lát là chị Tám quên được. 

Thình lình chị nghe sột soạt như tàu cau khô rụng ban đêm và đang rơi nhưng chưa tới đất: chị ngước lên thì vừa lúc ấy chị nghe con Nhộng kêu lên một tiếng thất thanh, kế đó nó rơi từ trên cao xuống. 

Chị Tám nhắm mắt lại ngay, giấu đầu giữa hai đầu gối của chị rồi kêu lên oái oái như ban đêm gặp ma. 

Con Nhộng không chết ngay. Thấy nó không thương tích gì, người ta khiêng nó về nhà nó, rồi chữa chạy theo trị liệu sai lầm xưa là cho uống mật gấu để máu bầm dễ tan. Nhưng nó vẫn á khẩu và bí đái suốt hai hôm. 

Đến hôm thứ ba, nó vụt kêu được một tiếng lớn: 

Má ới, má! 

Rồi tắt thở luôn. 

Bình Nguyên Lộc,

Tuần báo Lẽ sống, 1950. 

 

 

No comments: