VÌ SAO ÁO BÀ BA CẦN CÓ NĂM CÚC?
Ngày ấy,
tôi là một thợ may nghèo, chưa lành nghè nên chỉ dám mở một cửa hiệu nhỏ, nhận
đồ sửa quần áo là chính. Một lần, được một anh bạn thân tặng một quyển sách tự
học cắt may. Giọng anh vui vẻ: Thấy em khéo tay nên anh tặng em quyển này biết
đâu lại giúp được gì cho nghề nghiệp.
Từ đó tôi
bắt đầu học cắt may một cách say sưa.
Khi bước đầu
có chút kiến thức về nghề, rồi được nhiều người khuyến khích, tôi liều mở một cửa
hiệu khá to ngay trên mặt phố. Cửa hiệu của tôi khá đông khách. Ngoài ra còn có
cả hơn chục người tới xin học việc.
Chưa thật
sự có nhiều kiến thức và nghề cũng chưa cứng nên mỗi khi định dạy học sinh cắt
cái gì thì tối hôm trước tôi ôn luyện cái đó, nghĩa là theo kiểu “cơm chấm cơm”
như người ta thường nói. Vậy mà học sinh không hề phát hiện mà còn khen: Chị giảng
dễ hiểu như giáo viên vậy. Ngày ấy tôi thường rất tự hào.
Nhưng có một
lần…
Một bác
khách hàng đến may chiếc áo bà ba. Áo bà ba rất khó cắt mà tôi lại chưa cắt bao
giờ nên lưỡng lự muốn từ chối. Nhưng cuối cùng tôi liều nhận lời vì không muốn
mọi người biết là mình còn yếu kém, sẽ bị giảm uy tín.
Hôm cắt
chiếc áo bà ba, tôi đã thức trắng một đêm mò mẫm từng chút một, cuối cùng thì
nó cũng thành. Rồi khi may cũng vậy, tôi cẩn thận từng đường kim mũi chỉ, tự
tay là phẳng phiu rồi treo lên chiếc móc, ngắm nghía gật gù ra chiều thích thú.
Bác khách
hàng rất thấp, chỉ đến vai tôi nên chiếc áo ngắn cũn. Khi đơm cúc thấy chia khoảng
cách làm năm như thông thường thì quá dầy, vì vậy nên tôi quyết định chia làm bốn
cho cân xứng với chiếc áo. Làm xong việc ấy, tôi cảm thấy rất lý thú vì nghĩ
mình đã có một cuộc canh tân tuyệt vời, chắc hẳn sẽ được khách hàng ưng ý.
Đúng hẹn,
bác khách hàng đến lấy và mặc thử. Bác soi gương, ngắm trước ngắm sau rất lâu.
Tôi thì thót tim, chỉ sợ bác ấy chê xấu và bắt đền. May quá bác cởi ra và bảo
tôi cho vào túi. Tôi vui sướng như mở cờ trong bụng.
Đang gấp
chiếc áo tự nhiên bác ấy cầm tay tôi và bảo:
Ơ! Sao em
đơm cho chị có bốn cái cúc thế này?
Tôi giải
thích: Vì cái áo ngắn quá nên đơm năm cúc nhìn rất xấu. Em đã thử đặt rồi
nhưng nhìn rất vô lý! Đây là sự cải tiến của em đấy, chị biết không.
Bác hơi
cau mày: Nhưng từ xưa đến giờ không ai làm như thế! Áo thì phải có năm cúc
chứ em!
Tôi hơi phật
ý:
- Em đã
nói rồi. Đây là một cải tiến của em. Chị mặc trông đẹp mà.
- Nhưng áo
thì phải có năm chiếc cúc mới đúng. Cải tiến gì thì cũng phải tôn trọng
truyền thống em ạ.
Câu đi câu
lại nhưng có lẽ bác ấy cũng không phải là người quá khó tính nên đã nhận chiếc
áo với vẻ mặt không vui. Còn tôi thì thầm nghĩ, bác ta thật vô lý, đã làm đẹp
cho mà lại không biết điều.
Tuy trả được
chiếc áo, suốt cả ngày hôm đó tôi làm việc trong tâm trạng không thoải mái, bứt
rứt khó chịu và thắc mắc rất nhiều về cái áo, tại sao nhất định cứ phải là năm
cúc mà không phải là bốn hay sáu…
Hôm sau,
tôi về nhà lục tung hòm quần áo của mẹ lên và đếm gần chục chiếc áo cả cũ lẫn mới
và thấy cái nào cũng năm chiếc cúc cả. Nghĩ lại câu nói hôm qua của bác khách
hàng “cải tiến nhưng cũng phải tôn trọng truyền thống em ạ” tôi bỗng cảm thấy
hình như mình đã có điều gì không phải.
Từ sau
ngày ấy mỗi khi ra đường tôi thường nhìn chằm chặp những người già mặc áo bà ba
để đếm từng chiếc cúc như người lẩn thẩn. Và đúng là chiếc áo bà ba nào cũng có
đủ năm chiếc cúc. Lạ thế.
Nhiều năm
trôi qua, tôi bỏ nghề may chuyển sang nghề bán hoa tươi, quên dần bác khách
hàng năm xưa. Câu chuyện cũ cũng tưởng như trôi vào quá khứ.
Một buổi
chiều tôi đang cắt những tờ báo cũ để gói hoa cho khách, thì bất chợt nhìn vào
góc tờ báo có dòng chữ: Bí mật năm chiếc cúc áo.
Như người
chết đuối vớ được cọc, tôi cầm tờ báo đọc lấy đọc để.
Câu chuyện
kể rằng: Ngày xưa học trò toàn mặc áo bà ba, trên chiếc áo quy định năm
chiếc cúc là tượng trưng cho năm đức tính của con người: Nhân, Nghĩa,
Lễ, Trí, Tín. Mỗi lần thầy giáo gọi, học trò lên bảng đầu cúi thấp khoanh
tay trước ngực, khi trả lời không được, thầy giáo thường bắt trò vân vê 5
chiếc cúc áo và bắt nói về ý nghĩa của từng chiếc cúc một.
Chiếc cúc
áo trên cùng là chữ nhân (người thiếu nhân sẽ trở thành kẻ độc ác).
Chiếc thứ hai là chữ nghĩa (người thiếu nghĩa sẽ trở thành kẻ bội bạc).
Cứ như vậy cho đến chiếc cuối cùng.
Chao ôi!
Tôi vừa sung sướng vì đã giải được những thắc mắc của mình mấy chục năm nhưng lại
xấu hổ về sự thiếu hiểu biết của mình. Giá như ngày ấy tôi hiểu được ý nghĩ của
từng chiếc cúc áo thì đâu dám cả gan “cải tiến” cái áo bà ba thành bốn cái cúc
như vậy. Hóa ra, sự cách tân của tôi chỉ là một việc làm liều lĩnh và điên rồ.
Sáng nay
trời chớm Đông se lạnh, tôi mở tủ để lấy quần áo, tự nhiên tôi lại chọn cho
mình cái áo có đủ năm chiếc cúc để mặc và chợt nghĩ đến bác khách hàng thấp bé
ngày nào.
Bây giờ
không biết bác đang sống ở nơi đâu. Nếu đọc được những dòng này, xin bác hãy
quay lại gặp tôi ở cửa hàng hoa Minh Châu thuộc phường Hoa Chè, thành phố Sông
Phượng.
Gặp lại
bác, dù không còn làm nghề may nữa, tôi nhất định sẽ tưởng nhớ lại nghề cũ để
may đền bác một chiếc áo bà ba thật đẹp, có đủ năm chiếc cúc.-
Hồ Quỳnh Châu
304Đen – llttm- MT68
No comments:
Post a Comment