Mẹ ơi! Tháng Bảy lại về, nhân
mùa Vu Lan báo hiếu, lẽ ra hình ảnh mẹ được nằm trên những trang báo trang
trọng với những lời tán dương, công lao mẹ, thì con lại phải dùng một đề tài
khác xúc phạm đến mẹ, ngoài ý muốn của con. Phải chăng chúng ta đã sinh lầm
nơi, lầm thời, trong một cái ao bùn, để xót xa thấy thân mẹ bị lấm lem, danh dự
mẹ bị chà đạp!
Tôi mồ côi cha từ năm lên sáu.
Mẹ ôm con về bên ngoại, chịu lại cảnh nghèo khổ như trước lúc mẹ lấy chồng.Từ
đấy một giọt sữa, búng cơm, đôi guốc, manh áo, cuốn tập đến trường, tất cà đều
do sức lực của mẹ tôi, từ những giọt mồ hôi, qua những ngày nắng mưa ngoài
đường phố, và cả những đêm mẹ ôm tôi, mà tôi thường nghe những giọt nước mắt
nóng chảy xuống trán mình.
Mẹ không được học hành, không có
chữ nghĩa, nên lớn lên việc mưu sinh chỉ trong cậy vào đôi tay, hai bàn chân
chạy và đôi quang gánh trên vai, buôn bán hàng rong quanh năm, để tối về có bát
cơm, miếng bánh cho con. Đây là một cái nghề đang bị lên án, cái nghề không có
sản xuất, không làm nên của cải vật chất cho xã hội. Năm ấy người ta quyết tâm
làm sạch đường phố, người buôn thúng bán bưng được vận động bỏ thành phố đi về
nơi hoang dã để làm giàu hay làm đẹp mặt, đủ chỉ tiêu cho tổ quốc. Tuần nào,
phường khóm cũng có những buổi xuất quân với những đoàn xe lếch thếch chất đầy
giường tủ, chăn chiếu, bu gà, xe đạp ra đi.
Hồi đó, phong trào Hợp Tác xã
nông nghiệp phát triển khắp nước, coi như kế sách hay quốc sách đưa đất nước
đến chỗ giàu mạnh, được nể nang được gọi là …cường quốc! Nhà nào có con trâu,
đám ruộng thì được xếp xã viên cấp cao, vô sản chính chuyên thì đem thân thế
trâu cày. Đã vậy việc phân bố nhân sự, như thói quen lâu nay của xã hội này, mà
một thằng làm, ba thằng chỉ huy, với các danh vị đã được quy định, ngồi mát ăn
bát vàng. Chủ nhiệm HTX ở nhà ngói đỏ, đi xe máy, các ban bệ ngồi không uống
trà, tán gẫu, nhưng đến kỳ chấm công đã ngốn hết điểm của xã viên. Tôi thương
mẹ tôi vất vả, cuối mùa, phần gạo mang về không đủ ăn.
Nhìn thằng con da bọc xương,
quen với sắn khoai, suốt năm chưa hề có một miếng cơm cá vào mồm, mẹ tôi trăn
trở là “làm một cuộc cách mạng” quyết vượt qua quốc sách mang con trở lại thành
phố. Móc nối được với một bà chị họ có thân nhân được phước báu, ra được nước
ngoài lại có “gia đình cách mạng,”bảo bọc cho mẹ con tôi về thành phố, chỉ cần
mỗi tối có một xó xỉnh để ngủ qua đêm. Thương mẹ tôi vất vả, bà cô đem mẹ tôi
về cho coi sóc một bãi giữ xe của gia đình bà. Mẹ tôi cảm thấy vui, vì tuy giầm
mưa giải nắng, luôn lo chuyện kiểm soát vì sợ mất xe, nhưng được cái hai mẹ con
có chỗ dung thân và không còn ôm bụng đói.
Nhưng phụ trách quán xuyến một
bãi giữ xe có dễ không?
Mẹ tôi than phiền khi một công
việc có mùi tiền, là có ruồi nhặng. Trước hết là Phường, Khóm, đồn công an
Phường, có khi ở Quận còn chiếu cố xuống Phường kiếm ăn.Rồi dân phòng, an ninh,
thằng bá vơ nào mặc quân phục cũng có quyền ghé qua bãi xe chìa tay xin đểu,
ngắt xé một tí. Thằng nào cũng có lý do như xe hư cần sửa, sắp về Bắc thăm nhà.
Việc chung cần yểm trợ như Đại Hội Đảng viên cấp Quân, Liên hoan kết nạp vào
Đảng hay mừng anh Ba lên chức.Trong xã hội hiện nay bọn này đầy nhan nhản, ung
dung, phè phỡn mà không hề có chút mặc cảm ăn xin, ăn mày!
Thấy công việc ngày ngày càng
khó khăn, mà mẹ tôi là thân đàn bà yếu đuối, đôi khi không có bản lãnh để đối
đầu với bọn ma quỷ dương gian, bà cô tôi dự định sang bãi giữ xe cho một ông
cán bộ về hưu, và đề nghị mẹ tôi mở một quán ăn nhỏ bên lề đường gọi là cho có
“độc lập, tự do..” từng trãi với sinh hoạt đường phố thời nhiễu nhương này,
kinh nghiệm lâu nay cho biết trong khu phố bọn ruồi, kiến lúc nào cũng có mặt,
không dễ gì mà có “độc lập, tự do”.
Kinh nghiệm của những quán ăn
trong thành phố, trước hết mở ra là để vỗ béo cho viên chức quan lại. Tô phở
đặc biệt, ly cà phê sữa hay xô đa hột gà, bao thuốc lá đầu lọc ghi sổ hay là
thay vào một cái cười giả lả chào…huề. Ông thuế vụ ngày này quyền hạn cũng
không thua gì công an, thỉnh thoảng cả bọn ghé qua, coi như của nhà mà bọn
chúng có quyền hạn được thụ hưởng . Đây là “tập đoàn’ không làm mà có ăn, không
đổ mồ hôi mà có bia bọt.
Liệu không xong với bãi giữ xe,
mẹ tôi thưa vói bà cô xin cho được tá túc là quý, còn việc mưu sinh kiếm ăn,
xin để tự lo liệu.Mẹ tôi quyết tâm chọn “độc lập, tự do bằng cách làm chủ nhân
một gánh cháo huyết, thong dong trên đường phố. Bà nói đây là một nghề “nhẹ
gánh,” vì không máy ai mặc quân phục và vây quang gánh cháo của bà để húp sùm
sụp, hay nỡ lòng nào ngữa tay xin tiền của bà. “Con mẹ bán cháo huyết” là vai
vế mạt hạng trong xã hội này rồi. Thế mà mẹ tôi vui, bà cho biết cũng có lúc
ngồi chưa nóng đã bị đuổi chạy sút dép.
Vậy mà mấy hôm nay, bọn đài, báo
nhà nước gán cho nghề nghiệp và phẩm giá của mẹ tôi là loại… ký sinh trùng.
Tôi xin phản đối kịch liệt cái
thái độ miệt thị, chà đạp phẩm cách của mẹ tôi cũng như hàng trăm nghìn người
buôn bán bưng, đã sống lương thiện, có nhân cách bằng công lao tự thân, không
bóc lột, sống bám, hút máu ai! Lớn lên, tôi thấy mẹ tôi là người lương thiên,
chưa hề nhận sự lợi nhuận nào mà không do công sức của mình, chưa hề sống bám
vào sức lực của người khác. Bà kiếm miếng ăn chật vật, từ những giọt mồ hôi của
mình, từ đôi chân trần mải miết trên đường
Ký sinh trùng là một sinh vật
sống trong hoặc trên vật thể khác. Nó xử dụng nhựa cây, máu mủ, da thịt của
sinh vật khác để sinh tồn, có khi lấn lướt và giết chết vật thể mà nó đang phải
nương tựa. Đó chính là loại tầm gửi, cây leo. Là loại trùng nó chỉ gây nguy
hại, là cây, nó chẳng cho hoa cho trái cho đời…
Cứ mở mắt mà nhìn rõ xã hội này,
đứa nào không động chân, động tay, ngồi mát ăn bát vàng mà xây biệt phủ, sắm xe
đẹp, có hầu non, con năm ba đứa du học, cái mặt phinh phính đầy mỡ, cái bụng
phệ vì bia thì chính chúng là loại ký sinh trùng, trăm thằng không sai một đứa.
Trong xã hội độc tài, đảng trị này, chúng đầy nhan nhãn, ra ngõ là gặp, nhắm
mắt túm áo cũng được vài ba thằng. Tính từ năm 2011, đã có 3,6 triệu nhân vật
loại nảy.
Mẹ tôi chỉ là một tầng lớp thấp
kém nhưng luôn giữ lòng lương thiện, là một người trong hằng trăm nghìn người
buôn thúng bán bưng, sống nhờ giới bình dân và đường phố, nhưng giới này không
ăn hại, sống bám vào ai. Họ không có quyền lực gì để nhũng lạm ngân sách của
nhà nước, lấy từ tiền thuế của dân như các tổ chức ăn hại của đảng, như tổ chức
đảng cộng sản ăn bám của dân … Họ không có thẻ đảng để tham ô, không có thế
lực được bao che để bòn rút đục khoét ngân sách quốc gia, họ không có vũ khí
hay quyền lực trong tay để cướp đất cướp nhà.
Mẹ ơi! Nhất định mẹ không phải
là loại ký sinh trùng! Trong đất nước này, bây giờ vàng thau lẫn lộn, đứa
gian manh mang danh đạo đức, phường trộm cướp đọc diễn văn yêu nước thương nòi,
kẻ lương hảo bị đạp xuống bùn đen. Đời mẹ chưa lợi dụng một ai, chưa hút
máu mủ ai, được ai cõng trên lưng, hưởng thụ thành quả của người khác làm ra.
Trên đời này, không thiếu gì
bọn sán lãi, đích thị là loại ký sinh trùng, toàn là thứ tầm gửi, ăn đậu ở nhờ
trên lưng tổ quốc, bòn rút của công, nhưng ca tụng nhau như những anh hùng đầy
kỳ tích.
Mẹ ơi! Tháng Bảy lại về, nhân
mùa Vu Lan báo hiếu, lẽ ra hình ảnh mẹ được nằm trên những trang báo trang
trọng với những lời tán dương, công lao mẹ, thì con lại phải dùng một đề tài
khác xúc phạm đến mẹ, ngoài ý muốn của con. Phải chăng chúng ta đã sinh lầm
nơi, lầm thời, trong một cái ao bùn, để xót xa thấy thân mẹ bị lấm lem, danh dự
mẹ bị chà đạp!
Huy Phương
Từ trang DĐQGHCUC
No comments:
Post a Comment