Friday, September 22, 2023

Một Quãng Xuân Thì - Ấu Tím

MỘT QUÃNG XUÂN THÌ

 

Mùa xuân năm ấy hoa xác pháo rụng đầy sân. Năm ấy trời bỗng trở rét hơn mọi năm, buốt vào xương thấm vào tận tủy.

 


Hoa xác pháo ở Bảo Lộc

Tôi lên Bảo Lộc vì gia đình bị bắt hồi hương lập nghiệp, không đi cũng chẳng xong. Thì đi. Sẵn có mảnh đất trồng sẵn trà, café, chúng tôi hân hoan về vườn cuốc đất.

Đang ở Sài Gòn, nóng thì hừng hực, mưa thì chĩnh đổ, được lên sống miền đất đỏ cao nguyên còn gì bằng. Trời lúc nào cũng hây hây gió mát, ngay cả giữa trưa, cây cỏ xanh ngăn ngắt, đến cả hoa dại cũng đẹp. Con gái ai cũng xinh, làn da trắng mịn màng, má đỏ, môi hồng đôi mắt đen nhanh nhánh. Thêm các cô gái Thượng lạ lùng “xấu đem dấu, đẹp mang khoe”, nghĩa là các cô còn trẻ chưa có chồng không cần mặc áo, các cô đã có chồng phải mặc áo vào.

Mấy tháng đầu còn vui đời sống mới, đi lang thang thăm nhà nọ nhà kia, nhìn những ánh mắt thán phục “người SàiGòn lên chơi” của các cô hàng xóm, vài tháng sau biết rõ buồn vui. Khí hậu có mát mẻ thật nhưng buồn không tưởng nổi, nhà này cách nhà kia cả mấy phút đi bộ, không nghe tiếng gì ngòai tiếng lá xào xạc, tiếng chó sủa khi có ai đi ngang. Đã thế trời lại mau tối, đèn đóm khi có khi không. Điện được phát từ máy phát điện của nhà thờ chính. Khi có dầu máy chạy, mua dầu không được máy đi ngủ ngon lành. Máy thì ngủ, người còn thao thức với đèn dầu, đèn khí đá.

Con người có chân chất, củ mỉ cù mì thật, nhưng soi mói phải biết. Người trẻ soi mói kiểu người trẻ: “thằng đó khoái con nhỏ đó” – “Con nhà bà X đã có người bỏ chè” – “Con ông Y trả của không thèm lấy chồng, ế cho mà biết” – “Anh A bị bồ đá, phải bỏ Đà -Lạt về nhà ôm hận”. Người già soi mói kiểu người già: “Khiếp, chẳng biết thân rơm rạ cứ hão sự chòi cao, cái nhà bà B bưng trầu xin con dâu bị chúng hắt ra cửa, chiều con cho lắm vào” – “Ông T vừa cho con vào học Sài Gòn đấy, nay mai là cậy được rồi” v.v. Tất cả chỉ quanh quẩn chuyện lấy vợ gả chồng cho con, con gái quá hai mươi tuổi chưa có ai sang nhà dạm ngõ là khổ sở lắm. Những gia đình có con trai lo cho con đi học, không vào Sài Gòn cũng lên Đà Lạt, lại thêm chiến chinh, người vào lính kẻ vương vất công danh, nên chuyện trai thiếu gái thừa trên vùng cao nguyên đất đỏ rất khủng hoảng.

Sau hiệp định Geneve người Bắc di cư vào Nam, một số cha xứ mang con chiên lên vùng cao nguyên lập nghiệp. Mỗi giáo xứ có một ngôi thánh đường riêng, Tân Hà, Tân Bùi, Thánh Tâm. Tiếng chuông nhà thờ mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều mỗi tối điểm xuyết thêm vào nỗi buồn của miền cao nguyên đất đỏ, mưa mù.

Ở Sài Gòn nhà cửa san sát, chòm xóm người Nam có sao nói vậy không khách sáo như người miền Bắc, nhất là trong xứ đạo, ngoài tình họ hàng ruột thịt, còn thêm tình người làng. Tôi mất gần hai tháng để nhớ phải gọi ai là ông, ai là bác, ai là chị ai là cô. Có người râu dài thật dài, đi đứng run rẩy nhưng chỉ là vai anh của tôi, có người trẻ cỡ tuổi mình lại phải gọi ông xưng cháu. Tôi chỉ gần gũi với gia đình bác M. anh con cô con cậu với ba tôi. Xa Sài Gòn mới biết, đời sống vùng cao nguyên khác hẳn. Muốn đi chợ, nhà thương, bưu điện, hay mua vé xe đi đâu, đều phải ra huyện Bảo Lộc. Huyện cách khoảng hai đến ba cây số, người dân thường dùng phương tiện “đi bộ”, sang hơn chút nữa dùng xe lambretta. Cần thiết lắm người ta mới ra ngoài ấy, còn thì quẩn quanh với mấy cái chợ xép trong làng.

Buổi sáng sau hồi chuông nhất, khí trời lành lạnh, mây xam xám buồn buồn, đi bộ ra chợ Tân Bùi cùng chị N. con của bác họ tôi là thú vị nhất, vừa đi vừa nói chuyện cười đùa. Lâu lâu người Thượng đi ngược chiều, hai chị em phải ngừng lại cho họ đi qua. Người Thượng không bao giờ đi sánh đôi, cứ người này tiếp bước người kia. Họ địu con đằng sau lưng, đầu con bé, thằng bé lắc lư theo nhịp bước. Màu da họ xậm hơn người Kinh tiếng nói líu lo như chim hót, tôi cứ thắc mắc, trời lạnh sao các cô gái không mặc áo. Chị N nói tôi nghe: “Sanh em bé xong, họ nhúng xuống nước suối nên lớn lên sức chịu đựng của người Thượng dẻo dai hơn mình”.

Đi với chị tôi học được nhiều điều mới lạ, chị dạy cho tôi tên hoa, tên cỏ, nhìn mây thế nào để biết mưa giông đang đến, ngửi mùi gió thế nào biết trời sẽ lạnh hay không. Dọc hai bên đường đi, những bụi hoa quì vàng rực rỡ, thoang thoảng hương ngai ngái, cùng những bụi phù dung cao hơn người, xếp hàng chào đón. Hoa quì giống hoa hướng dương, tôi đã thấy ở Sài Gòn, nên không để ý nhiều bằng hoa phù dung, có người còn gọi là hoa bại họai, cái tên nghe cứ sờ sợ là. Hoa phù dung lá xanh không ngăn ngắt, mà như vương bụi trắng, lại gần, trên mặt lá có lớp lông tơ mịn, điểm vài lá úa vàng khô gần gốc, tăng thêm vẻ cô độc lạ lùng. Nụ tròn to bằng trái cà pháo, he hé màu ngà pha hồng phơn phớt. Buổi trưa trên đường từ chợ về nhà, hoa đã nở to lắm rồi, nhiều lớp cánh mong mỏng đu đưa đùa gío. Quá trưa những đóa hoa đậm dần, đậm dần, sắc trắng ngà làn da con gái buổi sáng, thành màu hồng xỉn héo tàn, càng về chiều những đóa hoa càng nhợt nhạt và cụp hẳn xuống dưới bóng chiều tím âm u. Lúc ấy nếu ngắm bụi hoa sẽ thấy lòng chùng xuống, buồn hơn mưa bụi bay.

Phù Dung đẹp mong manh vậy đó. Trong nhà có con gái, không ai dám trồng trong vườn hay làm hàng rào vì sợ không may mắn cho con. Thế mà chị N. của tôi, len lén chăm sóc một cây trong góc vườn, khuất sau dậu trà tiên. Chị học xong trung học, ở nhà giúp bác tôi làm chè, nuôi tằm, hái cà phê. Cuộc đời chị quẩn quanh trong xứ Thánh Tâm, từ ngày bác tôi bỏ Sài Gòn về làm cho Ty Canh Nông tỉnh Lâm Đồng. Tôi thân với chị lắm, những lần họa hoằn về Sài Gòn cùng bác, hai chị em có vài tối thủ thỉ chuyện trò. Tôi hiểu chị có trái tim mẫn cảm, dấu diếm chút tự ti con gái “nhà quê”. Chị không đẹp, nhưng duyên dáng dịu hiền, gần chị tôi hít lấy hít để mùi hương lạ toát ra từ chị. Về Bảo Lộc tôi mới biết hương cỏ, hương chè, hương hoa cà phê đã tẩm vào thân thể chị hương thiên nhiên huyền hoặc đó.

Những tờ thơ chị viết, tôi giữ kỹ lắm:

“Bảo Lộc ngày…, tháng… năm

Em ơi,

Đọc thơ em viết cho chị xong, lòng chị mướt như vườn trà sau cơn mưa phùn buổi sáng. Những sườn đồi xanh biêng biếc, buổi sáng rực rỡ ánh dương hồng, buổi chiều ngậm ngùi chân mây tím. Trời đất thật gần. Chị thấy những đám mây mang mưa đến dần từ ngọn đồi bên cạnh. Nhìn những người hái chè vội vàng chạy trú mưa, chị thản nhiên cho mưa vương tóc, gội đầu đã có cỏ ngãi hương.

Trên đồi chè luôn có vài cái chòi để người ta trốn mưa trốn nắng, vào đó để mở gói cơm, gói xôi ra ăn bữa trưa. Em ở Sài Gòn khó tưởng tượng ra miền Đông đất đỏ phải không? Khí hậu lạ lắm em ạ, trời có nắng thì nóng ơi là nóng, chỉ cần cơn gió nhẹ em đã cảm ra ngay cái rét cóng vào xương. Vì khí hậu như thế nên ai cũng biết đan. Mua được len mới để đan rất khó, người ta dùng áo len cũ tháo ra, giặt, phơi rồi đan thành áo kiểu mới. Hình ảnh những sợi len cũ hong ngoài sân nắng cứ lâng lâng thế nào, cũ gột rửa thay đổi thành mới, những mắc sợi len đan vào nhau từ hai que đan, được gọt bằng cật tre, đan lâu ngày mồ hôi tay thấm vào lên nước bóng lưỡng.

Khác hẳn với hình ảnh hong tơ. Tơ chị nhắc đây là tơ tằm em ạ, bên cạnh những đồi chè là những ruộng dâu được trồng để nuôi tằm. Con tằm mới lần đầu nhìn thấy ghê lắm, kinh lắm y như con sâu, nhưng khi biết nó rồi em sẽ rất thích, giữ nó trong tay man mát là. Từ khi mua trứng về phải để đèn ấp cho tằm nở, trứng tằm bé lắm chỉ bằng đầu tăm, khi nở ra chỉ thấy hằng hà những cái đầu tăm nhúc nhích, lúc ấy lá dâu hái về chỉ được dùng lá non, đã phơi khô nước, thái thật nhuyễn cho vào cái đĩa trẹt (dẹp) chỉ một đêm thôi cái đầu tăm phồng lên gấp ba, “Eo ơi con sâu!” chị đã la lên như thế lần đầu.

Nuôi tằm vất vả lắm, không khéo giữ gìn là tụi nó lăn ra chết. Khéo có nghĩa là phải giữ nhiệt độ vừa đủ ấm, trời Bảo Lộc lành lạnh, nên phải để đèn trong phòng nuôi tằm, phải có màn cửa vừa vặn thế nào cho ánh sáng mặt trời không suồng sã rọi vào phòng, tằm chỉ cần ánh sáng dịu nhẹ xuyên qua kẽ lá. Chỉ cần hai tuần đầu lau, thái lá dâu, sau khi tằm lớn vừa đủ chỉ việc cho lá vào nong tằm, chị quên kể thêm là từ cái dĩa trẹt sâu lúc nhúc sau khoảng hai tuần đã thay bằng cái nong đường kính rộng gần một thước, khoảng một tháng thành ba cái nong cho đến khi tằm ăn rỗi đã thành hơn mười nong. Tằm ăn rỗi là khi tằm ăn nhiều thật nhiều, vào phòng nuôi tằm em nghe tiếng rào rào như mưa, tụi nó ăn nhanh lắm, ăn đến nỗi cả thân mình dài khoảng ngón tay đeo nhẫn của chị căng tròn lên da mỏng dính trong suốt, chú nào màu vàng cho tơ vàng, chàng nào màu trắng cho tơ trắng. Lúc này khổ lắm vì phải tìm đủ dâu cho các anh chàng ấy ăn, ăn không đủ no là tơ không đủ đẹp.

Khi tằm đủ chín, là khi những cái né được mang ra. Né là cái giàn được kết bằng cành khô cao khoảng hơn một thước, làm thành từng bậc cách nhau cỡ một gang tay. Tằm được rải đều đặn lên né và chúng tự tìm chỗ chui vào nhả tơ. Khi kén vàng, kén trắng kết hình xinh xinh như quả trứng chim là khi mình phải mang tất cả những giàn kén ra phơi nắng. Nắng càng to tơ càng óng mượt. Mùa phơi kén, đi dọc đường làng đẹp lắm, không khí mát lành lạnh, màu nắng vàng hực hỡ, nhảy múa trên đám dây tơ hông, mọc quấn quýt trên dậu trà tiên, ẩn hiện những né kén tằm tạo nên bức tranh góc cạnh đẹp lạ lùng.

Mùa kén chín là khi mình phải ươm tơ ngày đêm, không lấy tơ ra ngay, chú tằm cắn kén chui ra, hóa bướm bay đi mất em ạ. Tằm bay đi, có nghĩa là người nuôi tằm lấy tơ mất trắng cả vốn lẫn lời. Ươm tơ tại nhà rất thô sơ. Chỉ cần một cái motor để kéo guồng tơ đóng bằng gỗ dạng hình tròn, nằm bắt ngang trên một thau nước nóng sôi (hình dung cái ròng rọc kéo nước từ giếng lên), đủ làm chết con nhộng trong kén, ngay khi thả vào. Sợi tơ từ trong kén được những con suốt hình dạng giống như lõi chỉ bằng gỗ, xếp thẳng đứng, giàn hàng ngang xoay tít, nuốt vào bụng kéo lên guồng tơ. Ngày xưa chắc chắn người ta phải dùng chân đạp cho guồng và suốt chuyển động.

 

Ươm tơ không dễ dàng như vũ khúc chị đã xem và có thể em cũng đã được xem. Hình ảnh các cô gái mặc áo tứ thân, hai tay cầm hai đôi đũa, gõ vào nhau tạo nên thanh âm lóc cóc, theo tiếng nhạc:” Ươm tơ tằm ta kéo tơ dệt áo…”.

Nhà neo người có lúc không dám bỏ đi ăn, chỉ một tích tắc thôi là những ngày hái dâu nuôi tằm đổ sông đổ biển.

Chị có đọc trong sách viết về tơ tằm, người ta bảo tơ phụ thuộc vào dâu. Lá dâu cho tằm ăn dày dặn tươi tăn thế nào, thì tơ dệt lụa chắc bền mềm mại thế ấy. Ngồi ươm tơ nhớ câu “Kiếp tằm phải nhả tơ” ” Kiếp tằm phải vương tơ” mà thương. Có ai khoác lên người vuông lụa mà nhớ đến thân tằm?

Chị N.”

Đọc thơ của chị nhẹ nhàng thanh thản, nhưng khi có mặt bên guồng xa, nhìn chị ươm tơ, nhìn giọt mồ hôi đổ xuống từ chân tóc, tôi cảm thấy lồng ngực mình nặng trĩu. Đúng như chị viết, ươm tơ thật, hoàn toàn không giống như trên sân khấu, diễn viên múa tươi cười chúm chím. Trước mắt tôi, trước thau nước bốc hơi nóng nghi ngút. Hai tay của chị, bị hơi nóng làm cho ửng đỏ, phải thoăn thoắt gắp tơ, hướng tơ vào suốt chỉ ngay khi vừa thấy mối đầu, nếu không làm thế, tơ sẽ bị rối bán không được giá cao. Ngoài trời dù có lạnh, nhưng những giọt mồ hôi cứ tuôn dài xuống mặt chị, mái tóc nghiêng nghiêng vài sợi miết vào da. Đêm thinh lặng, tiếng guồng xa đều đều róc rách, có lần trái sầu riêng rụng trên nóc nhà, làm hai chị em giật mình, nhìn nhau cười chia xẻ. Chị hay thủ thỉ kể lể mọi chuyện cho tôi nghe nhưng không bao giờ kể gì về bạn trai hay những điều tâm tình bạn gái. Có lần đánh bạo tôi hỏi: Chị có bồ chưa? hai má chị đã đỏ, lại đỏ au thêm, rồi trả lời: “Chị nhà quê ma nó thèm.”

Nhìn hai bàn tay của chị tôi thương quá đỗi, màu vàng của nhựa chè thấm vào những vết da nứt không sao xóa hết, dù đã dùng chanh để rửa. Tôi hay cầm tay chị, thoa nhẹ lên chỗ da ram ráp, ước gì nó biến mất đi, để chị không bị đau khi lạnh. Nhiều lần chị suýt xoa: “tay em mềm quá”, tôi xấu hổ khi chị nói thế, tôi cảm thấy có tội khi chị nói thế. Chị hay dành làm giúp tôi, những việc tôi chưa quen làm, khi đi ra rẫy cùng nhau.

Bác trai tôi lang bạt kỳ hồ, vài tháng ở nhà, vài tháng biến mất không biết bác đi đâu. Có lẽ từ điều này khiến bác gái tôi giận chồng, không muốn chị tôi có bạn trai, không muốn chị tôi lấy chồng, ngay cả cấm chị không được làm dáng hay chau chuốt cho mái tóc làn da. Bác cứ bảo: “Ở vậy mà sướng con ạ, đi tu đi cho có phước. Lập gia đình chỉ vướng nợ vào thân”. Tôi biết chị tôi không thể nào đi tu được, tôi biết tâm hồn chị luôn mong chờ ấp ủ một tình cảm êm đềm, làm sao một người như chị có thể đi tu, đọc lại lá thơ:

“Bảo Lộc ngày… tháng… năm

Những đồi dâu đồi chè đầy ấp mộng tưởng thiếu nữ mộng mơ của chị, lá chè nõn xanh, hương cỏ ngãi hương dìu dịu màu mây trời thanh thanh, ướp mật hoa café thơm ngát. Chung quanh nhà chị ở, tòan là cây cà phê, hương hoa cà phê nồng đến nỗi sau một đêm quên đóng cửa sổ, buổi sáng chị bị say không thức dậy được, ai nào biết trong hương hoa cũng có chất làm mình say em nhỉ.

Những cây cà phê lá xanh ngăn ngắt, lá xanh hơn chuỗi ngọc bích xưa bà ngọai chị đeo trên cổ. Bà là người Hà Nội, giọng bà nhỏ nhẹ ngọt ngào, bà thích mặc áo dài lụa, quấn khăn nhung. Chuỗi ngọc bà đeo chị rất thích, trước khi mất, bà tháo ngọc rời ra từng hạt, cho các con, các cháu giữ làm kỷ niệm. Hạt ngọc ấy là chiếc nhẫn chị đeo trên ngón tay áp út. Hạt ngọc có lúc lẫn vào với trái cà phê chưa chín. Lẫn vào những cành cà phê nặng chĩu hạt trong vườn.

Hoa cà phê trắng, trắng ngọc trắng ngà, trắng lung linh nắng, trắng xóa ngút ngàn, trắng thẹn thùng e ấp, trắng như trăng vời vợi đêm trong. Chị thích ngắm vườn cà phê mùa hoa nở, mỗi ngọn gío thổi ngang làm hoa xôn xao chao đảo, làm hoa cuống qúit tỏa hương. Hương ngọt như chén thạch ngày hè, hương làm đớ lưỡi không thốt nên lời ca ngợi. Cảm giác của chị khi đứng một mình giăng tay nhắm mắt hít hương hoa trong khu vườn cà phê bát ngát.

Cây cà phê to thật to như cây mít cũng có, cây lùn vừa vừa như cây trứng cá cũng có, tụi nó giống nhau ở chỗ những tàng lá vươn dài, những nhành mong manh nhưng sức chịu đưng dẻo dai. Không dẻo dai làm sao cưu mang nổi bao nhiêu là hoa là trái. Đến mùa cây cà phê đơm hoa, trên cành chi chít nụ là nụ, những nụ nhỏ dài thanh thanh như nụ hoa dạ lý, đơm từng chùm dọc theo kẽ lá, những con bướm bay lượn tung tăng đua cùng ong hút mật. Khi hoa kết hạt, cánh hoa héo dần tàn tạ, hạt nhô ra đẹp nõn nường, và kiến bắt đầu gầy tổ. Chị ghét những con kiến đi từng bày rồng rắn, có khi nó rớt lên tóc, bò xuống gáy cắn đau lắm cơ, kiến vàng vườn cà phê nổi tiếng là dữ.

Có vườn cà phê, sợ nhất là mấy con chồn, tụi nó làm hang dưới đất cắn nát rễ cây, làm cây yếu dần rồi chết. Mỗi lần đi dọn cỏ trong vườn nếu thấy cái hang tròn tròn là phải hun khói đuổi chồn cho bằng được mới thôi, những lần ấy vui lắm, cả một góc vườn xôn xao. Chồn có lọai chồn hương có lọai chồn hôi, gặp con chồn đèn là tim chị nhảy thót, nó cứ thấy đèn là mò tới, có đêm mang đèn dầu đi sang nhà hàng xóm về, gặp chồn đèn chị ném cả đèn mà chạy. Con chồn có đôi mắt ma quái thấy ghê lắm, cái màu đỏ đỏ vàng vàng kỳ cục. Thế mà nhiều người lại thích cà phê cứt chồn, họ trả giá cao hơn gấp ba lần cà phê thường. Người ta bảo hạt cà phê lấy được từ phân chồn ngon hơn cà phê hái trên cây! Theo chị thì mấy con chồn ma mãnh đợi ban đêm leo lên cây, lựa tìm những trái chín ngon lành ăn thỏa thích sau khi đã tiêu hóa hết phần ngọt ngào của trái, chúng thải ra hạt. Dĩ nhiên hạt từ trái ngon, phải ngon là đúng rồi. Cái lợi từ những hạt cà phê cứt chồn không bù lại được cái hại từ sự phá phách của chúng.

Hái cà phê có cái thú của leo trèo. Ai cũng có thể hái cà phê, thấp thì hái nhánh thấp, cao thì với nhánh cao, đàn ông con trai leo lên thang, đàn bà con gái tìm nhánh vừa tay mà hái. Cái túi vải bên hông, lựa cành nào trái đỏ thật nhiều vin xuống thấp tha hồ lảy trái. Cả nhóm người, vừa là gia đình vừa là họ hàng đến giúp công, nói cười rôm rả. Dĩ nhiên lâu lâu phải một mẻ nhảy choi choi vì đụng tổ kiến vàng.

 


Sơn nữ hái cà phê – Ảnh Le Travel

Có trái cà phê rồi, mang phơi thật khô, xàng, xấy, xẩy vỏ đi chỉ còn lại hạt, những hạt cà phê có màu vàng thật nhạt pha chút nâu đất xỉn, mùi ngai ngái chua chua. Lúc trái còn tươi màu đỏ, nhấm nháp phần thịt mỏng tanh của trái, có vị ngòn ngọt pha chút chan chát ở đầu lưỡi, phần hạt cà phê chả có vị gì, chỉ nhàn nhạt chán ngắt. Thế mà rang xong, xay nhuyễn, dùng nước nóng lấy những tinh túy trong tâm cà phê ra nó lại cho vị đắng lạ lùng. Đắng quyến rũ, đắng nghiện ngập, ai đã uống cà phê mà không nhung nhớ, ai đã không từng một lần bước vào quán cà phê.

Vị cà phê trong sách vở, khi các bộ lạc châu Phi tìm ra, đã được xem là linh dược, với chị nó là vị tưởng nhớ, vị nhớ nhung. Pha cà phê có đôi lúc là một nghi thức. Nước phải thật sôi tráng cái tách. Cho cafe vào phin, cho tí nước sôi vào vừa đủ thấm cà phê. Đậy phin lại đếm thật chậm đến hai mươi, hay nghêu ngao hát:

Người đâu gặp gỡ làm chi.
Trăm năm biết có duyên gì hay không?

Mở nắp phin, cho nước sôi vào, đặt phin lên cái tách vẫn còn ấm. Đặt cái tách vào cái chén đựng nước sôi để giữ độ nóng.

Chị ngắm từng giọt cafe rơi nhẹ.

Tình yêu không tí tách
Tình hổ phách long lanh

Nhẹ nhàng nhấc phin ra khi chưa rời giọt cuối.

Đong ngọt ngào óng ánh
Vào vị đắng cuộc đời

Nâng tách lên môi để biết.

Còn đậm đà tình cũ
Dù tháng ngày tàn phai.
Chừng như chút gió rét
Rừng thông xưa lùa về
Chừng như tiếng giày gõ
Ngoài cổng cũ rêu khô…

Chị tưởng tượng có một mối tình để ấp ủ nhớ nhung khi ngồi uống café một mình thú vị ghê em nhỉ.

Chị N.”

Và mùa Xuân năm ấy, mùa Xuân hoa xác pháo rụng đầy sân, mùa Xuân chấm dứt quãng xuân thì đời chị.

Sáng hai mươi tám Tết tôi hí hửng sang nhà bác chuẩn bị gói bánh chưng, xộc vào bếp, bác gái đang dang tay tát chị, bác rít lên: “Con khốn nạn, mày làm nhục tao, làm nhục tổ tiên ông bà, ai thằng nào hả con mất nết”

Chị ngồi xệp dưới đất, bên cái bồ xấy chè, hai tay che trước mặt, tóc xổ tung. Biết tôi vào, chị ngước lên nhìn, nước mắt nhòe nhoẹt, thẫn thờ lắp bắp: “con xin mẹ”

Bác gái tôi tiếp tục tru tréo, dù tôi đã chạy đến bên chị: “Mày đi ngay với tao lên cha, tao đuổi mày ra khỏi cửa, nhà tao bao đời nay có ai đốn mạt như mày, có ai bôi tro trát trấu lên mặt như mày, có ai không chồng mà chửa như mày, đồ…”

Tôi không nghe thêm gì hơn, ôm chị vào lòng hứng đỡ dùm chị cơn phẫn nộ từ bác đổ xuống. Bác như nổi điên lên, quấn tóc chị vào tay, ghì đầu chị vào cột, đánh, đấm, phang, làm bất kỳ động tác nào bác có thể làm được, để trút hết cơn giận dữ vì sợ tai tiếng thị phi, vì sợ miệng đời mai mỉa, sợ… gì gì nữa tôi không biết hết, nhưng rõ ràng những nỗi sợ hãi ấy che hẳn tình mẹ con của bác. Nhìn mặt bác, tôi sợ bác giết chị mất. Tôi kéo chị đứng lên, lôi chị ra khỏi nhà, dùng lối sau chạy lên đồi chè, vào trong chòi ngồi khóc. Mặc chị khóc nức nở, tôi vuốt tóc chị, dòng tóc mây dài chưa cột được chân ai, đã siết vòng oan trái.

Nhìn đồi chè vắng lặng, xanh biên biếc một màu, lung linh hình ảnh chị. Chị đội nón lá, chiếc gùi đeo sau lưng, tay thoăn thoắt hái, chùm lá chè trong tay chị hất ra sau, xoáy thành đóa hoa êm ái rớt vào gùi vừa tuần trước, nay chị thảm, chị sầu rũ rượi. Trong gió, vừa hôm trước, thoáng tiếng chị cười rộn rã pha lê, giọng chị nói róc rách suối reo, hôm nay tiếng nức nở nghẹn ngào. Chị yêu thiên nhiên, trân trọng mầm sống ngọn cỏ, nhành hoa, nay chị đang đau đớn vì mầm sống nẩy sinh ngay trong lòng chị, phi lý. Tôi nghĩ chị có quyền chọn lựa một điều gì đó cho riêng chị, chỉ riêng mình chị biết.

Tôi không nói gì, chị đã thôi khóc: “Em không khinh chị sao?”

Tôi lắc đầu.

Chị nắm tay tôi nhìn vào mắt tôi nhẹ giọng: “Chị muốn có con”

Tôi gật.

Tôi theo chị đi cùng bác đến nhà xứ, bác tôi bắt chị xưng tội với cha. Nét mặt chị trắng bệch bạch lạp trả lời: ” thưa cha con không biết” khi cha hỏi ngườI ấy là ai. Bác tôi đỏ mặt xấn đến định đánh chị. Cha ngăn lại, bảo bác và tôi ra ngoài hiên đợi. Tôi đợi lâu lắm khi cha cho gọi bác vào, biết chị cần có tôi, tôi lặng lẽ vào theo. Cha khuyên nhủ bác thương lấy chị, cha sẽ gởi chị đến ở với các sơ đang làm công tác truyền giáo cho đồng bào Thượng. Nơi ấy chị sẽ được chăm sóc khi đến ngày khai hoa nở nhụy.

Tinh mơ hai mươi chín Tết, tôi đưa chị đi, bác tôi không nói một lời, không thèm nhìn mặt chị. Những đóa phù dung chưa nở. Tôi nghĩ không nở sẽ không tàn.

Mùa xuân năm ấy hoa xác pháo rụng đầy sân. Năm ấy trời bỗng trở rét hơn mọi năm, buốt vào xương thấm vào tận tủy. Năm ấy cách nay đã 26 năm, tờ thơ chị viết cho tôi cách nửa địa cầu vừa nhận được.

“Bảo Lộc ngày… tháng… năm

Em khỏe không, lại sắp đến Tết, chị gởi em gói chè hoa sói vườn nhà, gói cà phê chị hái từ cái cây già nhất trong góc vườn, gần cái hang con chồn có lần chị cùng em hun khói, và nhất là tấm lụa tơ tầm cho em may áo dài mặc Tết. Em đừng cười chị viết lan man như ngày nào từ cây dâu nuôi tằm sang cây cà phê rồI sang đồi chè em nhé. B’Lao vẫn như thế, vẫn chè, cà phê và tằm

Đồi chè vẫn là nơi chị tìm đến, vào căn chòi nhỏ ngày xưa nơi hai chị em khóc cười tâm sự, nhớ em. Chị thôi không ươm tơ nữa, bán thẳng kén cho người ta em ạ, lớn tuổi rồi không còn nhanh nhẹn như xưa. Cây sầu riêng chị cũng bảo cháu Tuấn chặt đi rồi, “sầu riêng chi mà nặng đến thủng cả nóc nhà” – chị vẫn nhớ câu em nói đó thấy chưa.

Em có nhớ những đêm làm trà, nhớ những củ khoai mật, những trái bắp vừa bẻ trong vườn vùi tro, ngon không thể nào tả được không em? Xa quê hương thế nào em chẳng nhớ em nhỉ.

Quanh nhà chị bây giờ trồng hoa sói, hoa ngâu. Những chùm hoa màu vàng, hạt nhỏ li ti, hương không nồng nhưng khi ướp vào trà, trà tỏa hương ngào ngạt. Cháu Tuấn của chị bây giờ làm hết mọi chuyện chè cháo thay chị. Em còn nhớ cái nồi luộc chè ngày xưa hai chị em cứ bảo to như cái lò luyện tội, Tuấn nó nhấc lên nhẹ nhàng, anh chàng ra vẻ xốc vác lắm, thương mẹ lắm, cứ bảo: “mẹ đừng làm gì cho mệt, con chỉ đụng một cái là xong”. Ngay cả khi dần chè, chị có leo vào dẫm cháu cũng bảo: “Mẹ nhúng vào làm gì, con cuộn chè lại đập vài cái còn hơn mẹ dẫm cả giờ”

Cháu nó thế đấy em ạ, niềm hạnh phúc vô biên của chị. Chị cứ áy náy nợ em cái ngày em đưa chị ra khỏi làng đi trốn, em khốn khổ vì chị, em đau lòng vì chị, mà chị chẳng biết nói sao cho em hiểu, chị không đau khổ gì cả, không sợ hãi gì cả, chị chấp nhận cái điều chị chọn lựa cho cuộc đời của chị. Không may mắn có chồng, ít ra chị có quyền được làm mẹ phải không em? Chị nhớ ơn em đã không khinh rẻ chị dại dột một giờ, chị tạ ơn em đã giúp góc đời thiếu phụ của chị nhẹ nhàng hơn. Chị phải kể em nghe nguồn hạnh phúc chị có bây giờ, em vui với chị em nhé.

Em còn nhớ bài Nhã Ca thứ nhất của Nhã Ca không? Bài thơ từ thời con gái chị thuộc lòng, đến bây giờ vẫn trong lòng chị.

Tôi làm con gái
Buồn như lá cây
Chút hồn thơ dại
Xanh xao tháng ngày
Một lần qua đây
Rồi không trở lại
Ôi mùa xuân này
Tôi làm con gái
Đời như heo may
Tình bằng cỏ dại
Giận hờn không khuây
Tôi làm con gái
Một lần yêu người
Một lần mãi mãi
Bao giờ cho nguôi
Bao nhiêu tuổi đời
Bấy lần thơ dại
Buồn không ai hay

Vẫn bấy lần thơ dại, vẫn ngậm ngùi không hay. Và chị vẫn bần thần lắng nghe âm điệu giao hưởng của từng mùa, mỗi tiết. Nếu được trở lại, chị vẫn lập lại y như thế.

Chị N.”

Chị của tôi vẫn thế, vẫn mẫn cảm nhẹ nhàng, vẫn yêu thương mê đắm trời đất chung quanh. Tôi bây giờ đã biết thưởng thức hương vị chè như chị, ngậm vào đắng chát đầu lưỡi, nuốt vào ngọt lịm tâm hồn. Tôi sẽ viết thơ hỏi chị còn trồng hoa phù dung nữa không? Bên đây muốn trồng loại hoa này, phải đặt mua với giá rất đắt.

Ấu Tím

Nguồn: Ebook truyện ngắn

Từ trang DĐQGHCUC

  

No comments: