Saturday, February 28, 2015

Thiên Hùng Ca Dựng Một Ngọn Cờ - Huỳnh Văn Phú


Thiên Hùng Ca Dựng Một Ngọn C

Nếu người chiến binh TQLC Hoa Kỳ hãnh diện vì những chiến thắng mà họ đã đạt được trong quá khứ tại Belleau Wood, Iwo Jima, Inchon,… thì hiện tại, bất cứ người lính TQLC Việt Nam nghèo khổ nào của chúng ta cũng đều có quyền hãnh diện khi tạo được một chiến thắng vàng son nhất, lẫy lừng nhất ở Quảng Trị ngày 16 tháng 9, năm 1972.
 
 


Chiến thắng của TQLC tại thành phố này vĩ đại quá, vượt hoàn toàn tầm mức của những chiến thắng từ trước đến nay tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Chắc chắn không có một ngòi bút nào dù tinh tường và tài ba đến đâu có thể lột tả hết những vẻ vang của chiến trận này. TQLC đã chiến đấu dũng cảm, phi thường với sức chịu đựng gian khổ vô bờ bến trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt để hoàn thành mục tiêu to lớn của quân đội, của quốc gia và có lẽ của cả thế giới tự do nữa: chiếm hoàn toàn thị xã Quảng Trị vào lúc 12 giờ ngày 16 tháng 9, 1972.

Với chiến thắng đó, người lính TQLC của miền Nam đã khiến cho tướng Võ Nguyên Giáp phải bật khóc và những huyền thoại bao quanh ông ta đã tan thành mây thành khói. Bây giờ, ông là một bại tướng còn thê thảm hơn bại tướng De Castries của Pháp quốc ngày nào ở chiến trường Ðiện Biên Phủ. Nhưng nhắc đến điều ấy làm gì ở đây cho tốn giấy mực, chỉ biết rằng canh bạc cuối cùng của Hà Nội vung ra trên chiếu đã cháy, cháy tan ra tro bụi như những xóm làng, nhà cửa của dân chúng Quảng Trị: 5 Sư đoàn chính quy CSBV đã bị TQLC đánh tan.

Ðây là một trận chiến làm thay đổi hẳn bản chất chiến tranh Việt Nam đã kéo dài quá lâu trên phần đất khốn khổ này. Chiến trường rộng quá, oai hùng quá và có nhiều chi tiết quá, cần phải có nhiều cây bút mới có thể ghi lại hết được. Người viết chỉ với cố gắng cá nhân ghi lại một cách tóm lược những nét hào hùng của các đơn vị TQLC đã tham dự trận đánh để kịp lên khuôn số báo 1 tháng 10, 1972.

1. Chiếc bánh trung thu xẻ đôi

Cổ thành Ðinh Công Tráng Quảng Trị được xây dựng từ thế kỷ 19. Có lẽ khi xây thành này, các kiến trúc sư của nhà Nguyễn đã nghĩ đến hình ảnh một cái bánh Trung Thu vuông vức. Tuy nhiên, những người lính TQLC khi tiến đánh chiếm chiếc bánh Trung Thu này chưa hề nếm qua mùi vị của mùa bánh Trung Thu năm ấy.

Kể từ ngày tiếp nhận khu vực hoạt động chung quanh thị xã Quảng Trị do Sư Ðoàn Nhảy Dù bàn giao lại, Lữ Ðoàn 258/TQLC của đại bàng Ðồ Sơn (Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh, lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 258/TQLC) đã tiến đánh gay go, chiếm từng tấc đất trên một chiến trường kinh khiếp nhất. Ba mặt tấn kích, từ ngã ba Long Hưng tiến lên theo hướng Ðông Bắc, từ bệnh viện Quảng Trị đến “Vòng Ðai Xanh,” và từ phía Bắc, từ nhà thờ Tri Bưu sang đường Lê Văn Duyệt đến sát Cổ Thành. Chiến trường kéo dài giữa những cơn mưa pháo ngất trời suốt ngày đêm của địch cho đến ngày 9 tháng 9, 1972, giai đoạn “dứt điểm” bắt đầu cho một chiến thắng vinh quang trong quân sử TQLC được hoàn tất 7 ngày sau đó.

Ðại bàng Lạng Sơn (Tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh TQLC) ra lệnh cho Ðồ Sơn và Bắc Ninh (Ðại Tá Nguyễn Năng Bảo, lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 147/TQLC) phải “tapi” trong trận đánh này. Thế là chiếc bánh Trung Thu (Cổ Thành Quảng Trị) được xẻ làm đôi. Nửa phía Nam của chiếc bánh thuộc Lữ Ðoàn 258/TQLC với các Tiểu Ðoàn 1, Tiểu Ðoàn 2 và Tiểu Ðoàn 6/TQLC chịu trách nhiệm. Còn nửa phía Bắc thuộc Lữ Ðoàn 147/TQLC với các Tiểu Ðoàn 3, Tiểu Ðoàn 7 và Tiểu Ðoàn 8/TQLC. Nỗ lực chính để tiến đánh “biểu tượng lịch sử và chính trị” này là Tiểu Ðoàn 6/TQLC ở phía Nam và Tiểu Ðoàn 3/TQLC ở phía Bắc.

2. Một cuộc thăm dò

Lữ Ðoàn 258/TQLC quyết định tung Tiểu Ðoàn 6/TQLC của Thái Dương (Trung Tá Ðỗ Hữu Tùng, tiểu đoàn trưởng TÐ6/TQLC) làm nỗ lực chính để thanh toán nửa Cổ Thành phía Nam. Chỉ có nửa cái bánh thôi, nhưng bánh dai quá, dai như người đàn bà góa bụa lâu ngày. Bánh có đủ loại vũ khí AK, CKC, B40, B41, đại pháo 130 ly, 82 ly không giật, hỏa tiễn và cả tăng yểm trợ.

Thái Dương ngồi trong hầm chỉ huy sát trụ sở xã Hải Trí, sau nhiều đêm thức trắng, tính toán kế hoạch quyết ăn cái bánh cho kịp mùa Trung Thu này. Nhất định phải thăm dò xem trong ruột bánh còn có những gì nữa. Nghĩ là làm ngay. Ðêm 23 tháng 8, một toán 6 người do chàng ca sĩ tân cổ giao duyên Tôn Tẩn (Trung Sĩ Trịnh Thành Tẩn) chỉ huy được Thái Dương giao nhiệm vụ thám sát góc Ðông Nam Cổ Thành. Thái Dương đi một đường dặn dò Tôn Tẩn:

-Thám sát thôi, không được nổ súng nghe. Nhớ chưa? Tôi nhắc lại đây chỉ là một cuộc thám sát thăm dò tình hình địch chứ không phải là cuộc đột kích tiêu diệt địch.

-Dạ, tôi nhớ kỹ rồi.

Tôn Tẩn dạ một tiếng và ra đi. Tôn Tẩn không cưỡi trâu, không biết phép tàng hình nhưng Toán Thám Sát của Tôn Tẩn nhanh hơn những con sóc, ẩn hiện như những bóng ma, len lỏi qua những ổ chốt của địch, vượt rào, chui kẽm gai đến 21 giờ đêm thì Tôn Tẩn dẫn Toán Thám Sát trở về an toàn và báo cáo:

-Tại góc Ðông Nam Cổ Thành có hai cách vào. Một cách thì chui lỗ chó, lỗ chó này do bom đục từ trước. Cách khác thì leo lên Cổ Thành đã bị sụp một mảng lớn cách lỗ chó khoảng 20 thước. Tụi nó ngồi trong hầm, thắp đèn nói chuyện suốt đêm. Chúng gác kép, đổi vào giờ lẻ và đi dưới giao thông hào.

Thái Dương ngồi nghe im lặng, lông mày nhíu lại. Ðầu dây mối nhợ là đây. Ðược rồi, cứ để đó. Tất cả trông cậy vào mình ta. 10 năm có mặt trên khắp chiến trường, bây giờ là giây phút quyết định. Trước hết, ta phải thanh toán cho xong cái “vành đai xanh” cái đã.

Tài, đại đội trưởng Ðại Ðội 4, xung phong nhận lãnh nhiệm vụ này. Tài “ủi bãi” từ trường Nguyễn Hoàng xuống phía Nam rồi ngược lên phía Bắc hoàn tất công tác lẹ làng. Tài được coi như “công và thủ” vững vàng nhất. Xong rồi, bám chặt ở đó, “clear” vòng ngoài cho sạch cái đã. Sau đó, lại còn phải đặt chốt ở MACV nữa mới chắc ăn.

1.      3. Lập một đầu cầu

Kế hoạch dứt điểm Cổ Thành Quảng Trị bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 9 tháng 9, 1972. “Song Cửu” mà, hai con số 9 thì nhất định phải tốt thôi. Chàng Hương Giang (Thiếu Tá Nguyễn Ðăng Hòa, tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 1/TQLC) của đơn vị Quái Ðiểu xua quân ủi từ bệnh viện Quảng Trị lên chiếm Ty Cảnh Sát Quốc Gia. Chốt địch tử thủ ở đây cứng ngắc, cứng hơn sắt, từ nhiều ngày qua đã gây khó khăn không ít cho Mãnh Hổ ở thời gian trước. Nhưng bây giờ sắt gặp phải kim cương cứng nhất trần gian, chốt đành phải bung ra. Quái Ðiểu nuốt trọn Ty Cảnh sát Quốc Gia trong khi Trâu Ðiên (Tiểu Ðoàn 2/TQLC) vung cặp sừng nhọn hoắc nhảy vào “vòng đai xanh” thay thế cho “Ðồ Sơn con” (Ðại Úy Ðịnh, đại đội trưởng/Ðại Ðội 3/TÐ6/TQLC) để từ đó húc vào nhà thờ lớn Quảng Trị và trường Trung Học Phước Môn Teresa. Dấu vết câu chuyện tình “Love Story” bây giờ chỉ còn lại ngôi nhà lầu hai tầng đổ nát.

Liễn và Thọ ủi khu vực này nhanh quá, tuyệt vời quá! Khi Trâu Ðiên nổi điên lên thì phải biết, đất đá cũng không còn. 15 chiếc tăng T.54 ở làng Thanh Lê kia mà còn chưa thấm vào đâu sá chi cái lũ chốt chết đói này. Sau khi giao “vòng đai xanh” cho Trâu Ðiên, “Ðồ Sơn con” nhận lãnh một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: xâm nhập và đánh chiếm Cổ Thành. Một là ta còn sống, bắt cái mai bạc chuyến này, Ðệ Ngũ Bảo Quốc có rồi, hai là ta nằm xuống, cũng là cố Thiếu Tá nhưng cái màn gắn lon trong tư thế nằm đó, ta chẳng bao giờ ham. Nhất định ta phải hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Ðồ Sơn con cương quyết như thế.

Ðêm 9 tháng 9, 1972, toán thiết lập đầu cầu tại góc Ðông Nam Cổ Thành là 6 quân nhân thuộc Ðại Ðội 4/TÐ6 gồm các anh: Trung Sĩ Trình, B1 Tải, B2 Sơn, B2 Tâm, B2 Châu và B2 Chương. Trình chỉ huy toán này. trung sĩ mà, một hạ sĩ quan bảnh nhất của Ðại Ðội 4. Chỉ có 6 người thôi, 6 người đi tiên phuông cho một chiến thắng lịch sử. Chiếc máy C.25 mang theo được cho vào hệ thống của Ðại Ðội do Ðồ Sơn con chỉ huy luôn.

Cơn bão Flossie còn dai dẳng và làm trời tối nhanh hơn. Dưới hào, sát bờ tường Cổ Thành, nước dâng cao. Toán thiết lập đầu cầu bò đi như những con rắn. Ðêm đen quá, chả trông thấy gì hết. Không thấy càng tốt, cứ bò, bò nghiêng, bò ngửa và bò sấp. Hào nước đen ngòm ở trước mặt, góc Cổ Thành lờ mờ trong bóng đêm. Lặn hay lội qua? Trình lưỡng lự một giây. Thôi, lặn cho chắc ăn. Trình mừng thầm trong bụng. Lỗ chó đây rồi. Ở phía sau, cách đó 50 mét, hai trung đội của Ðại Ðội 3 đã sẵn sàng. Thật lẹ, Trình chui đầu tiên vào lỗ chó ở góc thành. Lần lượt 5 người kia trong toán của Trình cũng chui vào theo. Trong vòng 20 giây, hàng loạt AK và B.40 nỗ ầm ầm. Trình và Tải chết ngay tại giao thông hào khi vừa lọt vào phía trong nội thành. B2 Châu và B2 Chương bị thương, chỉ còn B2 Sơn và B2 Tâm. Sơn chụp chiếc máy C.25 báo cáo về cho Ðồ Sơn con:

-Vào được rồi nhưng 2 chết, 2 bị thương.

-Bám chặt, sẽ tiếp tay ngay.

 

Trình và Tải bị Việt Cộng lôi xác kéo vào trong. ÐM, chúng mày muốn cái gì, chơi cha hay sao mà kéo xác bạn bè ta? Sơn chửi thầm một câu và bình tĩnh giữ chặt lỗ chó. Sơn thấy thời gian chờ đợi tiếp viện thật dài. Súng địch nổ sát bên tai nghe nhức óc. Sống chết có số, Sơn quyết bám chặt lỗ chó như con hào bám cứng chân đê. Tao mà bám ở đây, bạn bè tao lên xong thì bọn mày chết hết. Sơn thì thầm một mình.

4. Một láng cuối cùng

Ở phía sau, từ khi nghe B2 Sơn báo cáo, Ðồ Sơn con xua gấp hai chàng Thiếu Úy Khen và Ðạo dẫn hai trung đội vượt qua hào nước tiến vào lỗ chó và leo qua bờ thành. Ðịch phản ứng dữ dội. Bao nhiêu hỏa lực chúng đều dồn về mặt này. Bất chấp, Thần Ưng (danh hiệu của TÐ6) điên người lên rồi, Ðạo và Khen dẫn quân xâm nhập vào trong nội thành. Bắc quân đâu có ngờ rằng đánh đêm cũng là “nghề” của chàng, những chàng Cọp Biển gan lì trong những người lính gan lì trên thế giới. Và trận chiến hãi hùng nhất, kinh khiếp nhất xảy ra trong đêm từ 20 giờ 30 đến 7 giờ sáng hôm sau giữa Cộng quân và hai trung đội của Tiểu Ðoàn 6/TQLC.

Thiếu Úy Khen đã bị thương cùng 9 người khác và 9 người hy sinh. Ðó là cái giá mà Ðại Ðội 3/TÐ6/TQLC phải trả trong đêm 9 tháng 9 để đổi lấy 100 thước vuông đất tại góc Ðông Nam Cổ Thành. Ðất đắt giá quá, đất được cấu tạo bởi xương máu của các anh chiến sĩ Thần Ưng dũng cảm. Ðất ở đây quý hơn đất trên cung trăng. Còn lại một trung đội bám chặt ở đó, có Trời xuống gọi cũng không nhả ra sá gì lựu đạn, đại pháo 130 ly và CKC bắn tỉa. Ai ở đâu ở đó, không thể nào tải thương được. Tải thương làm sao được ở giờ phút ấy. Thái Dương tuy có đau lòng nhưng vẫn phải quyết định tàn nhẫn hơn. Ðêm 10 tháng 9, toàn bộ đại đội phải vào theo. Xâm nhập theo vết dầu loang và theo cái lối “đeo kính râm” (đánh đêm).

Thái Dương và Sông Hương theo dõi từng giây phút một các đứa con trong trận đánh để đời này. Lâu lắm rồi, chàng ta không tài nào ngủ được, bây giờ tựa lưng vào hầm thở phào một phát. Coi như xong được 60% công tác.

- Ðẽo từng hố một nghe. Chạm chốt nào thì đẽo ngay chốt đó. Ðẽo hết.

Sông Hương nói máy, mặt lạnh như tiền. Chốt gan lì quá, chỉ có 3 thước thôi. 3 thước thì đẽo theo 3 thước, 1 thước thì đẽo bằng lưỡi lê. Quy luật đã quá rõ ràng. Ðánh xong trận này để lừng danh một thủa.

Ðêm 13 tháng 9, Tài điều động Ðại Ðội 4 tiếp tục xâm nhập vào được hết trong Cổ Thành. Thái Dương thở ra một hơi dài nhưng rồi khựng lại, chỉ thở được có nửa hơi thôi. Cổng Nam và cổng Tây của Cổ Thành còn sờ sờ ra đó, chưa thanh toán xong thì chưa thể nào thở thoải mái được. Láng bạc cuối cùng được tung ra.

Ngày 14 tháng 9, Thái Dương tung đại đội của Trung Úy Ðức đánh cổng chính Nam Cổ Thành. Trước đó, Liễn của Trâu Ðiên cũng đã đánh bật được chốt ra khỏi trường Phước Môn Teresa rồi. Sừng Trâu Ðiên mài kỹ quá nên Cộng quân đành đội nón cối từ giã mái trường đi về ngủ với Bác và Ðảng của chúng. Thế là bên hông trái đỡ lo, suốt ngày 14 tháng 9, Ðại Ðội 2 đã diệt lần diệt mòn các toán chốt địch để tiến lên cửa Nam.

-Ðem mụ đàn bá góa (chiến xa M.48) thổi ngay vào cái hầm kia.

Một người lính Thần Ưng bật cười khan. ÐM, đàn bà góa đái hay thật. Ðái đâu cháy đó. Ðái bằng máy điện tử mà không “khai,” không chính xác sao được. Rồi M.113 phun lửa tiếp tục nhào lên. Cả bờ thành phía Nam khói lửa ngất trời. Ðến 16 giờ 15 trong ngày, một trung đội của Ðại Ðội 2 đã bám xong bờ phía Nam, diệt từng hầm, từng hố một. Suốt đêm hôm ấy, Ðại Ðội 2 đã chiếm trọn góc Tây Nam Cổ Thành.

5. Khi Sơn Dương trở về mái nhà xưa

Mặt trận ở phía Nam Cổ Thành thế là coi như đã xong được 80% rồi. Ðại Bàng Ðồ Sơn của Lữ Ðoàn 258/TQLC chỉ mừng thầm trong bụng thôi. Mặc dù không nói ra nhưng ông đã nắm chắc phần thắng trong tay. Ngược lại, bên Lữ Ðoàn 147/TQLC hai Ðại Bàng Bắc Ninh và Phúc Yên (Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Lữ Ðoàn Phó) lòng nóng như lửa đốt. Nóng nhất vẫn là anh Năm Robert lửa (biệt danh của Tr/Tá Phúc). Mà không nóng sao được dẫu rằng ông đánh giặc rất “phong thái.” Vừa đánh giặc vừa uống la-ve mà, lại vừa ngâm thơ nữa.”Say sưa nghĩ cũng hư đời. Hư thời hư vậy, say thì cứ say.”

Chương Thiện (Thiếu Tá Cảnh, tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 3/TQLC) và Kiến Hòa (Thiếu Tá Kim, tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 7/TQLC) cũng nôn nao không kém. Mẹ kiếp, bánh Trung Thu gì mà phía Nam là hai cái “trứng vịt,” còn phía Bắc thì trơ ra “khúc lạp xưởng,” khó nuốt quá đi thôi. Robert lửa còn khôi hài đen một phùa trước khi Bắc Ninh xua Tiểu Ðoàn 3 và Tiểu Ðoàn 7 thanh toán vùng đất đã định. Chương Thiện tuy còn mới nhưng rất ngon lành. Làm nỗ lực chính chiếm nửa cái bánh Trung Thu ở phía Bắc mà không ngon lành sao được. Chương Thiện quyết sống mái phen này. Thạch Sanh, Sơn Dương và Nhân nên chọn thằng nào để dứt điểm đây? Chương Thiện gọi Dương (Trung Úy Dương, đại đội trưởng Ðại Ðội 4) lại hỏi:

-Quê anh ở Quảng Trị, phải không?

-Dạ đúng như vậy.

-Anh và Thạch Sanh ủi ngay vào chỗ này.


Chương Thiện đi một màn dặn dò chiến thuật vượt qua “khe” chị Quý (Hào nước sát Cổ Thành). Cổ Thành chỉ là một người đàn bà góa. Tuy lúc ban đầu khó tán thật nhưng một khi đã tán được rồi thì chỉ đâm một cái là tuốt luốt. Ráng đi.

Thế là Sơn Dương trở về mái nhà xưa. Nhà của ta ở trước mặt đây này, bên phải con đường số 5 cách Cổ Thành chỉ có 200 thước. Chốt địch đã ở trong ngôi nhà thân yêu của ta từ mấy tháng qua. Chốt lì lợm quá, không lẽ thổi bay mái nhà nơi ta đã sinh ra và lớn lên? Ðau lòng lắm nhưng biết làm sao hơn! Sơn Dương cho lệnh chiếc M.48 thổi một phát. Cả một vòm trời nghiêng ngả, gạch ngói vỡ tan. Dương thấy mình ứa nước mắt. Trung đội đi đầu của Dương tiến lên trám chốt của ta vào.

Trong khi đó các chiến sĩ Hùm xám của anh Tư Kiến Hòa ủi phăng phăng vào nhà thờ An Hòa kẹp cứng ngắc hông bên phải để cho Tiểu Ðoàn 3 dễ dàng dứt điểm. Ðánh đêm, lại phải đánh đêm. Với chiến trường bây giờ thì bóng đêm không còn là kẻ thù của ta nữa mà lại là bạn của ta. Nhưng mà khổ ơi là khổ, dọc đường tiến quân của Sơn Dương, những mái nhà tôn ngã nhào, nằm che lấp cả lối đi. Chỗ nào cũng thấy tôn là tôn, mỗi bước chân đi là một lần gây tiếng động. Cộng quân từ góc Ðông Bắc Cổ Thành hễ cứ nghe tiếng động chỗ nào là nổ súng như mưa vào chỗ đó.

-Cẩn thận và nhẹ nhàng một chút.

Sơn Dương nói máy, dặn dò con cái, mặt cau lại như táo bón lâu ngày. Ðêm 14 tháng 9, Dương cho trung đội của Thiếu Úy Ðức băng qua đường Lê Văn Duyệt bám ngay vào bờ thành phía Bắc, diệt xong các ổ chốt và nằm tại đó nghi binh cho đến 2 giờ khuya. Ðến 3 giờ sáng, Dương lại kéo Ðức về bờ thành phía Ðông để xâm nhập mặt này. Mỗi người 15 quả lựu đạn, vượt qua “khe chị Quý” để trèo lên bức tường mà lọt vô nội thành. Bấy giờ là 5 giờ 30 sáng, đại đội của Thạch Sanh cũng dẫn quân xông vào trong đêm đó. Lũ chuột bất ngờ quá, không kịp chống đỡ. Sơn Dương vừa đánh vừa tiếp đạn từ bên ngoài thành tiến ồ ạt từ mặt Ðông sang mặt Tây của nội thành suốt trong ngày 15 tháng 9.

6. Dựng một ngọn cờ

Phải nói rằng các chiến sĩ Thần Ưng đã xâm nhập phía Nam Cổ Thành với mưu lược, tính toán kể từ đêm 9 tháng 9 để từ đó làm chủ vùng đất trách nhiệm một cách phi thường và tuyệt vời thì Tiểu Ðoàn 3 cũng đã đánh chiếm nửa chiếc bánh Trung Thu mặt Bắc một cách siêu việt. Siêu việt vì chỉ trong vòng có 24 tiếng đồng hồ mà đã hoàn tất nhiệm vụ.

Trở lại đêm 15 tháng 9, sau khi chiếm được góc thành phía Nam, Ðại Ðội 2 của Tiểu Ðoàn 6 nhận lệnh từ Thái Dương:

-Ðóng cái nút lại ngay trong đêm nay (chận bít cửa Tây Cổ Thành).

Cho dù không có lệnh của Thái Dương đi nữa, Ðức cũng phải làm và làm được chuyện đó. Ðến 21 giờ 30 thì Ðại Ðội 2 của Ðức đã đóng kín hoàn toàn cửa Tây. Riêng Ðồ Sơn con thì từ hai ngày qua lo thanh toán trong ruột Cổ Thành. Cái nhân của chiếc bánh Trung Thu chẳng còn gì nữa, những pass bom dội xuống chỉ cách “đứa con đầu” chừng 100 thước. Vâng, chỉ có 100 thước, khoảng cách đó đối với quả bom 1,000 cân Anh đâu còn một thước nào an toàn nữa. Thế mà Ðồ Sơn con vẫn đánh. Trên thế giới này có sự yểm trợ nào liều lĩnh đến thế nếu không phải là chiến trường do TQLC điều khiển? Các trận giao tranh vẫn tiếp diễn với cường độ khốc liệt suốt đêm 15 tháng 9. Ðêm đó đối với Cộng quân thật dài, chúng cố níu kéo lại một vài phút giây để còn thở, còn tưởng nhớ đến gia đình, đến Bác và Ðảng đang ngồi ôm mặt mà khóc ở ngoài đất Bắc xa xôi kia.

Ðúng 9 giờ sáng ngày 16 tháng 9, 1972, hai Tiểu Ðoàn 6 và 3/TQLC đã làm chủ hoàn toàn Cổ Thành Quảng Trị. Những người lính TQLC đã ăn xong chiếc bánh Trung Thu sau 7 ngày dứt điểm oai hùng. Tàn quân của Hà Nội như một đàn vịt chạy về phía Tây, cố vượt qua Tòa Hành Chánh Tỉnh để sang bên kia bờ sông Thạch Hãn. Nhưng đã muộn quá rồi! Trâu Ðiên và Ó Biển đã kẹp lại ở hai đầu Nam Bắc dọc theo đường Trần Hưng Ðạo hốt gọn hết trong buổi sáng hôm ấy.

Khí thế của các chiến sĩ TQLC bừng bừng dâng cao như các đợt sóng thần phủ xuống đầu lính Bắc quân những nỗi kinh hoàng. Lời thề của tên trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 48/CSBV tử thủ Quảng Trị: “Còn Trung Ðoàn 48 này thì còn Cổ Thành Quảng Trị” đã bị những lớp Sóng Thần TQLC cuốn đi nhận chìm xuống đáy bùn đen của dòng sông Thạch Hãn. Ðâu còn có chiến thắng nào vượt lên trên chiến thắng này của TQLC trong ngày huy hoàng đó. Vậy thì còn có ý nghĩa gì nữa để tôi phải ghi kết quả trận đánh ở đây?

Bây giờ chỉ còn là giây phút dựng cờ.
“Cờ bay, ôi ngọn cờ bay.” 12 giờ 45 ngày 16 tháng 9, 1972, ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ, biểu tượng của Quốc Gia được dựng lên tại cửa chính Tây của Cổ Thành Quảng Trị. 6 chiến sĩ TQLC đã làm công việc trọng đại đó là các anh Nguyễn Phúc Ðịnh, Trần Văn Vân, Bùi Ðăng, Sơn Keo, Nguyễn Nho và Trần Văn Kiệt thuộc Tiểu Ðoàn 6/TQLC. Cũng chính giờ phút ấy, tại cửa Ðông Cổ Thành, Tiểu Ðoàn 3/TQLC cũng đã dựng ngọn cờ chiến thắng lên cao.
 

 


Từ Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn, Thái Dương nhìn qua đám bụi mù của cơn mưa pháo địch từ phía Ðông Hà còn rót xuống Cổ Thành Quảng Trị, lá cờ màu vàng tươi với ba sọc đỏ bay phất phới trong gió, nổi bật lên nền trời đổ nát của thành phố dấu yêu đã trở về với miền Nam. Ta chỉ cắm lá cờ khi nào lá cờ ấy bay vĩnh viễn trên trên phần đất Quảng Trị này. Thái Dương nói thầm như vậy và ông ngước nhìn một mảng trời qua khung cửa. Giờ này là giờ Ngọ, giờ của chiến thắng, giờ phút ghi nhớ đời đời. Bóng mặt trời đã đi đâu? Lá cờ chói lòa vinh quang đã che lấp tất cả những vinh quang nào có trên trái đất này.

Chiếc radio mang theo đã được người lính cận vệ mở ra từ lúc nào. Thái Dương lắng nghe tiếng người xướng ngôn Ðài Phát Thanh Sàigòn đọc công điện của Tổng Thống VNCH ngợi khen các chiến sĩ TQLC:

“Tôi trân trọng yêu cầu đại tướng chuyển đến Trung Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn 1 và Quân Khu 1, Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Ðoàn TQLC cùng toàn thể đơn vị trưởng và chiến sĩ đã đánh tan quân Cộng Sản xâm lược ra khỏi Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị lời ngợi khen nồng nhiệt nhất đồng thời lòng khâm phục vô biên của toàn thể chính phủ tại Dinh Ðộc Lập sáng hôm nay 16 tháng 9, 1972. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước những chiến sĩ đã hy sinh cho Ðại Nghĩa Dân Tộc và tôi sẽ đến thăm anh em.”


Thái Dương ngồi xuống ghế, châm điếu thuốc đầu tiên trong ngày. Và tại Cổ Thành, lá Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ đang bay phất phới trong gió.

Quảng Trị, 22 tháng 9, 1972
 Huỳnh Văn Phú

304Đen – Lượm lặt trên mạng

 

 

Căn Nhà Bên Kia Sông - Thuyên Huy


Căn Nhà Bên Kia Sông

 Để nhớ  người có căn nhà màu lá úa bên kia sông bến đò chợ Cẫm Giang – Tây  Ninh tên Quyên

 
 


Tôi đứng bên này sông ngó theo
Chuông tan trường giục chuyến đò nghèo

Chiều buông thay nắng vương trên áo
Em nón nghiêng bờ vai tóc yêu

 
Cụm Sứ cuối mùa xếp lá thưa

Nhà em hờ cổng khép tiếng mưa
Tôi thèm con sóng về bên đó

Bên đó giờ này em ngủ chưa

 
Rồi cứ những chiều ra bến sông

Nhìn theo hoa Sứ rụng xuôi dòng
Tôi yêu khung cửa màu lá úa

Ai ngồi đọc sách muộn bên song

 
Mang mối tình thầm tôi bỏ đi

Tha phương đời chưa có lần về
Trắng đêm thức với dòng sông lạ

Nghe sóng xa bờ vọng cố tri

 
“Công hầu khanh tướng” tay trống không

Tôi tìm về lại nơi bến sông
Căn nhà quen cũ không còn đó

Có lẽ giờ em đã theo chồng

 

 
 










Tôi hỏi người chèo đò năm xưa

Giặc tràn về xóm một đêm mưa
Hoa Sứ nhà ai tan tác rụng

Em chết trời chưa kịp thay mùa

 
Mộ em nằm đó giữa trời tang

Bia đề chưa kín trọn đôi hàng
Ngậm ngùi chôn ẩn tình từ đó

Từ đó một đời tôi lang thang.

 Thuyên Huy

 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu (Chương Mười Tám) - Thuyên Huy






Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu- Chương Mười Tám
 

 


Chương Mười Tám

 
     Mưa Sài Gòn không nhiều bao nhiêu, miền Tây lại ngập lụt, nhất là khu Long An, Định Tường, Kiến Phong, Mộc Hóa. Qua ngã ba Rạch Miểu không xa về Long An, từ ngõ vào Thủ Thừa, nước dâng cao tràn ra tới ngoài quốc lộ 4, con đường đá lởm chởm vào chợ Thủ Thừa, ghe chèo ghe máy thay xe chở người ra vô. Đứng trên cầu Đúc Long An, khách đón tàu đò về Bến Đá, Kiến Tường có thể xuống tàu, không cần phải đi tới bến dưới chợ. Dãy nhà ven sông, mực nước cao tới nóc, dân sống hai bên bờ, dựng sàn trên nóc ăn ở một cách bình thường, dùng xuồng ba lá chèo lên chèo xuống, từ nhà sau tới nhà trước thản nhiên nhàn hạ. Luân, Hồng và chú ba Hảo bỏ ý định đi Bến Đá, trở lại Sài Gòn khi vừa tới ngã ba Rạch Miểu, xe đò miền tây sắp hàng dài chờ lượt mình, vì chỉ còn nửa bên đường chạy được. Họ rẽ vào quán cháo lòng Tư Đố, kêu vài tô dằn bụng trước khi về, mưa rớt từng chập rời rạc, trời Phú Lâm chưa thấy nắng.
 
 
 
 

Tới đầu đường Hậu Giang, chú ba Hảo ghé qua nhà người quen, gần trường trung học Đồng Nai, Luân và Hồng chạy ra chợ Thái Bình tìm Hiếu, phụ nó chút đỉnh. Vừa tới nơi, Luân hơi ngạc nhiên, thấy Liên đang chờ. Luân ngồi xuống bên cạnh, Hồng chào Liên rồi bỏ vào bàn trong kêu cà phê. Liên lo lắng ra mặt nhìn Luân  

- Anh Luân nhớ Ly, con nhỏ con của bà dì Liên không ?

Luân gật đầu, Liên nói tiếp :

- Nó nghe lời mấy ông, mấy bà trong trường sao đó, tình nguyện đi thanh niên xung phong, lao động kinh nghiệm một năm, trở về sẽ được kết nạp Đoàn Đảng gì đó, mới hy vọng có tương lai, vì lý lịch gốc con cái nhà lính ngụy...Ly là con bé mà Luân hay chọc mắc cở hoài, mỗi khi theo Liên và Khánh Tường cùng đi chơi, trước năm 75, khi bọn họ sắp hết năm thứ hai sư phạm. Luân nóng lòng ngắt lời Liên :

- Chuyện gì xảy ra ?

Liên có vẻ ngập ngừng :

- Nó đang ở trong tổng đoàn của chị Hiên đó, bị thằng đoàn trưởng, dân tập kết, làm khó dễ đòi chuyển con nhỏ lên khu kinh tế mới Bù Gia Mập. Nó về khóc bù lu bù loa với bà dì, làm gia đình Liên điên đầu theo. Liên ngừng ngang đó nhìn Luân.

Hiểu ý Liên, Luân cười thoải mái :

- Bây giờ muốn anh nói giùm một tiếng chớ gì ?

Liên ấp úng :

- Liên có hỏi ý chị Hương, Liên ngại quá khi phải làm anh khó xử, nhưng Liên hết cách rồi, nhờ anh nói giùm chị Hiên, để Ly được ở lại gần nhà.   

Liên làm Luân khó xử thật, nhưng cái khó xử của Luân, so có thấm vào đâu với những tình cảm chân thành, gói ghém cho nhau mà Liên cũng như chị Hương và nhiều người quen khác nữa, đã giúp anh can đảm sống. Luân đồng ý không đắn đo, hẹn đến tìm Hiên.

    Sáng thứ bảy, Liên lấy xe honda đón Luân đến nhà Hiên trên đường Phan Kế Bính, anh bộ đội gát trước cửa cho biết Hiên không có nhà. Nghe tiếng lào xào, anh Tuân, chồng Hiên bước ra, chào Luân nói, Hiên đã đi kiểm tra trên khu Lê Minh Xuân lúc sáng sớm. Luân tấp xe vào lề đường viện Hoá Đạo, mua thêm xăng, quyết định đi Lê Minh Xuân, vì đường lên đó không xa.

Luân phải ngừng xe vài lần, hỏi thăm hai ba căn nhà trên đường mới tìm ra được doanh trại của đoàn thanh niên xung phong Lê Minh Xuân, nằm bên kia đầu cầu xi măng mới xây. Anh đoàn viên trẻ gát văn phòng vào trong không lâu, Hiên đẩy cửa bước ra, gật đầu chào Liên, Luân bỏ Liên ngồi đó, đi cạnh Hiên dọc theo con đường xi măng trước dãy nhà. Nắng buổi sáng lên ngập cả sân, phảng phất mùi bùn từ mấy con kinh ngang dọc mới đào khó ngửi. Đi cạnh Hiên, cả hai đều im lặng, một lúc lâu Luân mới mở đầu câu chuyện.

Luân nhìn Hiên chầm chậm :

- Anh đến nhờ Hiên giúp giùm cho một người quen, việc này có lẽ không khó lắm, anh không biết là nói ở đây có tiện cho Hiên không ?

Hiên dừng lại chờ Luân cười thật tươi :

- Ngày xưa, Hiên đã hứa cho anh cả cuộc đời, Hiên không do dự, thì bây giờ giúp anh một việc nhỏ, dù cho đó là việc gì, Hiên không hứa được với anh sao ?

Đôi ba anh chị đoàn viên đi ngang, đưa tay chào Hiên theo kiểu quân đội, Hiên e thẹn nhìn Luân, đáp lễ họ. Luân chưa kịp tiếp lời, Hiên nói nhỏ trên đường quay lại văn phòng, mặc dù không có ai quanh đây :

- Chiều mai, Hiên ở nhà chờ anh, nếu được nhờ anh mời cả chị Hương, chị Liên, mình đi ăn cơm chiều một bữa  cho vui, rồi cho Hiên biết muốn Hiên giúp chuyện gì luôn.

Đến cửa, Hiên chào Liên lần nữa, rồi nhắc Luân :

- Anh Luân nhớ đến, Hiên chờ.

Luân và Liên đẩy xe honda ra cổng, Hiên đứng nhìn theo chưa chịu vào văn phòng. Hình như cơn sóng ngậm ngùi xưa, đang xô giạt mấy viên đá cuội đời, sát lại nhau bất chợt trong lòng Luân đâu đây.

Chiều chủ nhật, Luân, chị Hương và Liên tới nhà Hiên, như đã hẹn. Hiên lăng xăng mừng rỡ đón, chồng Hiên ra Hà Nội họp từ trưa hôm qua, nhà không còn ai, anh bộ đội được phép nghỉ gát vài ngày. Liên e ngại đứng ngoài, chờ chị Hương đi vòng quanh sân, cỏ xanh và nhiều hoa băng-xê tím. Hiên cũng nhìn theo, chị Hương buột miệng :

- Nhà Hiên đẹp quá !

Hiên khẻ lắc đầu :

- Nhà của người ta, chớ đâu phải của mình chị Hương !

    Chị Hương có lẽ lỡ lời nên cười xòa, không nói thêm gì. Ba người vào phòng khách ngồi chờ, tấm hình Hồ Chí Minh mặt mày rạng rỡ treo trên cao, chính giữa tường làm lòng Luân đau nhói. Hiên vội vã khóa cửa, bốn người kéo nhau đến một quán cơm bình dân trên đường Đinh Công Tráng. Hiên ăn uống nói cười vui vẻ với chị Hương và Liên, tưởng chừng như lâu lắm rồi, chưa có được lần nào. Luân cố làm vui theo, Hiên tiếc nuối nhắc lại chuyện xưa một lúc, Liên nóng lòng đưa mắt, nhìn lén Luân nói thầm. Gần xong bữa cơm, Luân bắt đầu bàn với Hiên việc của Ly, rắc rối mà cô nàng đang gặp. Hiên chăm chú nghe, rồi nhìn Luân ngọt ngào hỏi  - Anh muốn Hiên làm gì cho cô Ly đây, ở lại đoàn thì đâu có gì khó... hay là !

Hiên ngừng một chút, không đợi Hiên tiếp lời, Luân nói liền theo :

- Anh nghĩ, tùy Hiên lo giùm, Ly ở lại đoàn, gần nhà là tốt lắm rồi.

Hiên đứng dậy giành trả tiền bữa ăn với chị Hương :

- Thôi để Hiên tính lại xem cách nào tốt nhất, Hiên sẽ giải quyết nay mai, không để anh chờ đâu.

Liên buột miệng :

- Cám ơn chị Hiên nhiều.

    Đêm xuống, đường phố bắt đầu đông người lại qua, Sài gòn vắng mưa mấy ngày nay, oi ả trong cái nắng đầu mùa hạ. Luân đưa Hiên về, Liên chở chị Hương rẽ ở đầu Lê văn Duyệt. Đến nhà, Hiên nhìn Luân ngập ngừng, buồn thiu không nói, Luân đành ở nán lại, dù gì chăng nữa, mình vẫn còn vương vấn đâu đây chút nghĩa chút tình. Hiên lúng túng thu mình trên cái ghế xa-lông bọc da, đối diện Luân trong phòng khách, ngó ra đường, ngậm ngùi như lần gặp Luân trong quán lá trên khu Xuân Thới Thượng. Hiên kể chuyện đời mình, cái cuộc sống buông xuôi tưởng một đời lặng yên không ngờ vụt bừng lên như cơn bão lốc, từ ngày gặp lại Luân. Hiên cho Luân xem tấm hình chụp chung, có Hân, có anh Hùng, Toàn, Tài trong bữa tiệc tất niên năm đệ nhất, trước cổng trường, giờ đã phai màu mà Hiên cố giữ như là một báu vật đời, đếm ngày tháng đi qua trong hy vọng. Luân nghe cũng chạnh lòng, Hiên buồn buồn :

- Không hiểu ngày xưa, chưa biết gì, tại sao Hiên thích bài Hai sắc hoa Ti-gôn của TTKH.

- Thơ là thơ, đời là đời, anh nghĩ Hiên cứ coi như định mạng an bày, có đớn đau, có thương tiếc cũng đã muộn màng rồi, thôi thì hãy vui, quên đi mà sống.

- Hiên xin đọc lại đoạn thơ, đời Hiên bây giờ gói trọn theo từng chữ một Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân lạnh nhạt của chồng tôi, mà từng thu chết từng thu chết, vẫn dấu trong tim một bóng người. Hiên vừa đọc vừa ấm ức khóc.

Luân yếu lòng, cầm lấy tay Hiên vỗ về an ủi, Hiên ôm chầm lấy Luân tức tưởi gọi tên :

- Hiên làm sao đây, Hiên phải làm sao đây, anh Luân ơi ?

Luân vuốt đôi sợi tóc ướt mềm nước mắt, buông dài trên mặt Hiên, lặng câm, nghe môi mình chợt mặn, hình như anh đã khóc. Kể cho Hiên nghe những nhọc nhằn của đời mình để thấy không ai buồn hơn ai, từ cái thất vọng tột cùng khi không thấy tên, trên bảng kết quả tú tài hai, cái câm nín bỏ đi như trốn chạy khỏi Tây Ninh, cái lăn lóc nuôi thân với hai bàn tay trắng đến cái chán chường trên đường di tản về nam, cái rã rời đạp xe xích lô dưới mưa tơi tả. Nỗi vui hớn hở của Hiên, khi nghe thầy Ngôn gọi tên Luân, lên lãnh phần thưởng lớp nhất trường làng, không khác gì niềm vui khó tả của Luân, khi anh Hưng báo tin Hiên được thả, sau mấy ngày bị giam tại Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành. Luân cố quên Hiên, sau ngày Hiên bỏ đi, nhưng vẫn cầu mong nơi mà Hiên ở còn một chút mặt trời. Hiên lấy khăn lau nước mắt, gượng cười. Luân đứng lên nhìn mông lung ra đường, đêm ngoài kia vắng ngắt, tiếng chuông nửa đêm của nhà thờ Đức Bà tan tác trong gió lạnh. Luân hôn vội lên tóc Hiên ra về, một lần và một lần thôi, bóng Hiên chìm sâu trong mắt Luân như bóng chim khuất dần trên đỉnh cao, ngàn trùng xa cách.

 

Thuyên Huy

(Còn tiếp)


 
 

Ăn Mày Cửa Phật - 304Đen


ĂN MÀY CỬA PHẬT

 
 
 


Có một ông Lão kéo một xe gạo nặng nề đang lê bước trên đường vừa đi vừa thở hổn hển...Trong có vẻ rất mệt bánh xe chao đảo va vào một cục đá bên đường , làm cả xe gạo đổ nhào xuống hết...Ông lão cố hết sức nâng xe gạo lên , nhưng trong tình thế bất lực và mệt mõi mồ hôi nhẽ nhại , trời thì nắng chang chang...Thế là Ông ngồi bệch xuống đất luôn...

 Trong khi nhìn xung quanh , Ông thấy một ngôi Chùa , bên ngoài ngôi Chùa là những chiếc xe ô tô đang dựng san sát nhau , trước cảnh tượng nhìn thấy như vậy , vẻ mặt Ông có vẻ đăm chiêu và phiền não . Ông suy nghĩ và nói thầm: "người vừa sinh ra thì đã giàu..có kẻ làm lụng vất vả cả đời lại chẳng có gì !?"

Một người phật tử nghe thấy và nói: "Ông đã đến cửa Phật sao không vào thành tâm cầu nguyện, lại ngồi đây than thân trách phận !" Ông có thấy chùa Phúc Lai bên kia đường không.. cô Gái chỉ , ông Lão dõi mắt nhìn theo ...

 Tôi nghe bảo Chùa đó rất thiêng , chả thế mà khách thập phương cứ kéo đến ùn ùn ..." Ông xem kìa , ô tô đậu san sát trước cổng Chùa ! theo lời chị dẫn tận lòng của cô Gái , ông Lão nhờ cô Gái trông giúp mình xe gạo và bước từ từ vào bên trong Chùa theo tiếng Chuông ngân…đứng trước mắt ông là cảnh tượng một số người khác nhau chấp tay và đang lãm nhãm cái gì đó trong miệng không biết ?..Còn khói nhang thì lan tỏa nhiều nơi ... ?

 Đứng từ xa nhìn Ông có vẻ ngơ ngác ,một Vị tăng bước tới và nói.."Thí chủ lần đầu tiên đến đây phải không ? ..."

Ông Lão: " Vâng ! thưa Thầy lần đầu con đến nơi cửa Phật nên chẳng biết cầu nguyện ra làm sao ? mong Thầy chỉ dạy !..."

VỊ Tăng : "Thí chủ thỉnh cầu điều gì ? ông Lão quay nhìn những người kia và nói : " Con cầu xin đức Phật ban phát sự Công bằng !?..."

Vị Tăng : "Công Bằng ư !? ..."

Ông Lão: "Vâng ! thưa Thầy... Con sinh ra trong một Gia đình nghèo khổ..bần hàn không được học hành tử tế ,từ bé đã phải tự mưu sinh..Lớn lên lấy một người vợ nghèo và nai lưng làm lụng như trâu bò , để nuôi bầy con nheo nhóc . Cuộc đời khốn khổ cơ hàn cứ thế bám theo Con dai dẵng..Trong khi có biết bao nhiêu người khác sinh ra trong một Gia đình giàu sang , chẳng cần cố gắng mà vẫn sống suốt đời trong nhung lụa..Như vậy, không Công Bằng !! "

Nếu đức Phật linh thiêng xin Người hãy ban cho Con một ít may mắn của những người kia !

Vị Tăng : "Như người kia ư !?"

Ông Lão : "Chỉ cần nhìn họ là đủ biết họ giàu sang Quý phái cở nào rồi !"...Nhưng người nghèo khổ như Con không thể hiểu nỗi họ làm gì mà giàu sang lắm vậy ?

Vị Tăng: "Cái đó ta không biết ? nhưng khi tới đây họ cũng chỉ là Ăn mày cả thôi !!"

Ông Lão:" Ăn mày ư ? thưa Thầy !…"

Vị Tăng: "Đúng ... Ăn mày Cửa Phật !"

Ông Lão:" Nhưng nhìn họ giàu sang Quý phái có thiếu gì mà phải đi ăn mày !?…"

Vị Tăng : "Sống trên cõi đời này mấy ai thỏa mãn với những gì mình đang có . Không tin Thí chủ cứ lại gần họ xem !..."

Ông Lão tò mò đi tới gần mọi người , ép sát và lắng tai nghe thử họ đang nói gi ?...

 -Một anh chàng thanh niên lớn tuổi mặc áo vest , thắt cà vạt trong rất chỉnh tề và lịch sự nói: "Cầu xin đức Phật cứu giúp công ty con khỏi bị phá sản , hàng trăm Gia đình công nhân đang trong chờ vào Công ty..Đang trông chờ vào sự chèo lái của con…mô Phật !..."

 - Một người Phụ nữ bên cạnh lớn tuổi khóc thút thít và nói :" Xin người rũ lòng từ bi cho con sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác..Xin người đừng để con phải chịu những cơn đâu hành hạ , dày vò..."

 - Một cô Gái trẻ tuổi đứng gần đó khuôn mặt có vẻ buồn rầu ủ rủ cũng nói : "Năm nay con đã gần 30 tuổi , mà vẫn chưa có người yêu thương..Con vô cùng buồn tủi ,con chỉ xin Ngài linh thiêng cho con chút dung mạo để con tìm được một tấm chồng..xin Người ban phước, mô Phật ! ..."

Ông Lão nghe những lời ấy mà lòng cảm động rơi nước mắt..Ông nói lên một tiếng .".Tội nghiệp quá !..." Và đứng dậy bỏ đi tới chổ Vị tăng ngồi.

"Thưa Thầy họ cầu xin rất nhiều điều hóa ra họ toàn là ăn mày thật…Con cứ nghĩ trên đời này ai cũng Hạnh phúc hơn con , chứ ai biết được họ cũng có nhiều nỗi Khổ đến thế !..." ..Ngẫm ra Con còn có nhiều điều hơn họ như : sức khỏe , sự vô tư chẳng hạn..,!

 Vị Tăng :" Đúng vậy ! Cuộc đời công bằng với tất cả mọi người..An phận với thực tại và cố gắng hết sức mình để tự mình hóa giải những khó khăn trong cuộc sống. Đó mới chính là một cuộc đời Hoàn mỹ .... !!!

Ông Lão nghe xong Tỉnh ngộ ..Tiếng chuông vẫn vang trong không gian ngày một xa dần ...

 
Không đề tên tác giả

304Đen – Lượm lặt trên trang mạng