Saturday, February 7, 2015

Tết Về trên Vùng Cao Thanh Hóa - Nhóm Phóng Viên RFA


Tết Về Trên Vùng Cao Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa được xếp vào một trong những tỉnh rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những tỉnh có số gia đình nghèo đói nhiều nhất Việt Nam và có số cán bộ địa phương nhiều nhất Việt Nam. Tháng Chạp về, không khí đón Tết râm rang khắp mọi nơi, riêng một số huyện như Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Tết vẫn là một giấc chiêm bao ban trưa mà ở đó, cảm giác nửa say nửa tỉnh, nửa đói nửa buồn, nửa tồn tại nửa mơ hồ vẫn vây bủa.
 



Lấy gì mà ăn Tết?

Ông Hà, người Thái Trắng, sống ở Thường Xuân, Thanh Hóa, chia sẻ:

“Đời sống của mình thì giản dị đơn sơ nhưng mà hàng hóa đắt đỏ nên không có tiền sắm Tết đâu. Báo chí thì vẫn nói là đủ ăn, có Tết. Bây giờ hàng hóa nhiều, thịt gà nhiều nhưng mà đắt đỏ lắm, đâu có tiền, chỉ là tự cung tự cấp, miếng rau miếng thịt mình nuôi thôi, quần áo đẹp hay đồ trong lễ hội Tết thì không có, còn khó khăn nhiều lắm!”

Theo ông Hà, ngay cả trong ngày thường, việc kiếm đủ một ngày hai bữa cơm đã là quá khó khăn đối với bà con dân tộc thiểu số Thái Trắng, huống gì chuyện mua rượu, thịt về ăn Tết. Mọi năm, bà con dành dụm để ăn Tết nhưng năm nay không dành dụm được nữa vì diện tích đất canh tác đã bị co cụm, không đủ lúa để ăn, không thể nào dành dụm được mà có Tết.

Rút kinh nghiệm nhiều năm trước, bà con quyết không đón Tết nữa, nghĩa là không còn ý nghĩ thịt heo, dưa kiệu, bánh tét trữ trong nhà ba ngày Tết mà chỉ cần mua một chiếc bánh chưng về thờ ba ngày Tết là đủ. Mọi năm, để có được một cái Tết ấm áp, nhiều gia đình phải mua nợ, ghi sổ ở các đại lý và trả góp với lãi suất có khi lên đến 150% so với giá thị trường.

Đương nhiên việc bán trả góp như vậy đối với bà con là nhân đạo vì không có các cửa hàng này, bà con không biết lấy gì mà xài Tết. Nhưng ra Giêng, trả mãi cho đến gần hết năm mới xong món nợ. Cuối cùng, chuẩn bị Tết trở lại, phải ghi sổ tiếp tục món nợ khác, quanh năm suốt tháng lẩn quẩn trong sổ nợ, bà con sợ lắm!

Hiện tại, suốt ba tháng nay, bà con dân tộc thiểu số đã bắt đầu khan hiếm lương thực, chỉ ăn cơm khoai độn, sắn độn mỗi ngày hai bữa để cầm hơi. Thức ăn ngoài cơm chỉ có cà pháo dầm muối. Cũng may đây là món ngon của người thiểu số, chỉ cần ra ngoài rừng hái một rổ, về phơi hơi héo một chút rồi bỏ vào nước muối mà dầm cho đến khi trái cà chín ngấy trong nước muối, vớt ra ăn chung với cơm, vừa có vị chua chua, mặn mặn lại giòn giòn. Với bà con thiếu ăn, không có gì thú vị và ngon hơn món này trong những ngày giá lạnh. Nhưng món cơm cà cũng chỉ kéo dài chừng nửa tháng, sau đó mỗi khi ăn vào có cảm giác ợ chua và nóng cuống họng rất khó chịu.

 Hiện tại, người đồng bào thiểu số ở miền núi Thanh Hóa vẫn chưa có cảm giác Tết về, mặc dù hoa rừng đã chớm nở nhiều nơi, chim rừng cũng đã hót lảnh lót đón Xuân nhưng những mái nhà tranh vách nứa vẫn nằm heo hút nơi rừng sâu, vẫn im ỉm đóng cửa và khói lam chiều chiều ám gợi những bữa cơm đạm bạc, thiếu thốn, đói khổ. Với con người nơi núi rừng, Tết vẫn còn xa lắm, Tết vẫn chỉ mới về nơi thềm nhà của người có tiền, có quyền chức, Tết như một giấc mơ ban trưa, âm âm mùi vị nhưng không có thực.

Ông Hà cho biết thêm là hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình chưa trả hết nợ hợp tác xã, nợ chồng nợ chất, nợ từ nhiều năm trước tích tụ lại. Mỗi năm, người dân trả không biết bao nhiêu khoản thuế và nếu không trả thì các cán bộ địa phương sẽ dùng biện pháp mạnh, không ngoại trừ tịch thu tài sản. Thường thì tài sản của bà con cũng chẳng có gì ngoài chiếc xe máy hay chiếc xe đạp để đi làm. Bị tạm thu, thậm chí tịch thu thì coi như hết đường làm ăn.

Cán bộ nhiều như sâu bọ

Ông Trị, sống ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, chia sẻ:

“Khó khăn thực sự, họ không có gì luôn, đất trồng lúa nước cũng không có, chỉ có cây sắn, cây ngô thôi. Dân trí cũng thấp, họ ít được đi ra ngoài, họ không nghĩ được việc đi ra ngoài làm mà họ cũng chẳng biết được nghề gì để đi làm thuê, họ chỉ biết đi rừng kiếm củi về nấu ăn thôi!”

Theo ông Trị, Tết năm nay, bà con thiểu số miền núi đều rơi vào cảnh nhà trống hoác, nợ thuế vẫn chưa thanh toán hết, nhiều gia đình đọng nợ từ nhiều năm trước. Một cái Tết buồn đang đến. Kể từ năm 2000, nhà nước không thu thuế nông nghiệp với bà con nông dân nữa nhưng bù vào đó, các khoản dịch vụ thủy lợi, dịch vụ hợp tác xã lại tăng cao. Đồng thời, dịch vụ phục vụ Đảng, phục vụ cán bộ tăng vùn vụt khiến cho người dân chóng mặt.

Chỉ riêng khoản thuế đóng để nuôi cán bộ mà theo như ông Trị nhận xét là đông còn hơn sâu bọ, có nhiều xã có cả ngàn cán bộ, từ cán bộ đoàn, cán bộ cộng tác theo mảng, cán bộ phòng chống tham nhũng, cán bộ phòng chống tệ nạn, cán bộ hỗ trợ thu thuế… Kính thưa các loại cán bộ mà nhân dân chưa bao giờ bầu ra cũng như nhân dân chưa bao giờ nhìn thấy mặt họ nhưng tên tuổi của họ vẫn tồn tại và suất thuế mà nhân dân phải đóng để nuôi họ luôn là nỗi ám ảnh mùa gặt.
 



 
Nhiều vụ lúa, người nông dân chỉ thu hoạch chưa đến hai chục bao lúa, mọi vốn liếng dành dụm đều bỏ vào chưa tới hai chục bao lúa đó nhưng số lúa phải đóng thuế đã lên đến mười tám bao. Như vậy, bà con nông dân phải van nài, lạy lục cán bộ thu thuế ngay trên đồng ruộng để khất lại mùa sau sẽ đóng tiếp khoản nợ.

Thường thì đến mùa gặt, cán bộ xã xuống tận đồng ruộng, mang theo cân, bao và sổ thuế để khi bà con gặt lúa xong thì họ đọc luôn con số nợ và xúc lúa vào bao, bỏ lên cân để trừ nợ. Người nông dân đôi khi khổ qúa phải tổ chức gặt trộm vào ngày chủ nhật hoặc gặt vào ban đêm rồi giấu lúa sang nhà khác ít nợ hơn để dành dụm mà ăn mùa đói kém. Nói chung là việc thu thuế của cán bộ xã ở các huyện miền núi Thanh Hóa còn khắt khe và ghê gớm hơn cả việc sưu tô thuế thời phong kiến.

Sở dĩ có chuyện cay đắng này là do bộ máy cầm quyền địa phương quá đông, nhiều lúc nhúc như sâu bọ, mà họ chỉ là cán bộ cộng tác, không có lương chính thức của nhà nước nên việc thu thuế càng nhiều thì đời sống của họ càng phất lên, họ có cái để ăn nhậu, cà phê. Chính vì gánh cái ách thuế nhà nông quá nặng để nuôi cái ổ cán bộ lúc nhúc này mà người nông dân nợ nần triền miên, đói khổ triền miên.

Một mùa Tết nữa đang về trên vùng cao Thanh Hóa, hoa rừng đã nở trắng các rẻo đồi, khí trời thanh thoát, thơm tho. Nhưng lòng người vẫn còn u ám vì cái nghèo, cái đói, mùa Xuân vẫn chưa về nơi tâm hồn những đồng bào thiểu số đói khổ và chịu đựng.

Nhóm phóng viên RFA tường trình từ Việt Nam.
304Đen - Lượm lặt trên trang mạng
 

 

No comments: