Friday, February 20, 2015

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu (Chương Mười Bảy) - Thuyên Huy


Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu – Chương Mười Bảy

 
 
 
Chương Mười Bảy

 
    Qua Tết, trưa chủ nhật mùng năm, Liên tới nhà rồi cùng Luân ra tiệm hủ tiếu Kim Tháp, một cái nhà có cây cối bao quanh, giữa cánh đồng, trên đường đi Bình Chánh, cách xa cảng Phú Lâm không xa lắm. Người ăn đông nghẹt, trẻ già lớn bé, honda, xe đạp, xe hơi đậu kín cả khoảnh đất trống ba bốn bờ đê ruộng. Gió đồng nội thơm mùi rạ khô, thổi hiu hiu mát rượi, dù trời giữa trưa đầy nắng. Liên cho Luân biết thêm rất nhiều chuyện vượt biên, từ tàu bè bãi bến tới mối lái giá cả. Liên nhận thư Khánh Tường đôi lần, thư nào cũng ngậm ngùi nhắc Luân. Liên giới thiệu cho Luân một chỗ đáng tin cậy, vì là người bà con, có tàu đánh cá ở Gò Công muốn bán và một người tên Ba Hảo, có thể lo được chuyện mua bãi dễ dàng. Liên không biết giá cả ra sao, đưa cho Luân địa chỉ để liên lạc. Phần Liên, người anh bạn dì, trước 75 là sĩ quan dù, bị thương trận An Phú Đông, giải ngũ trước ngày cộng sản chiếm miền nam, không đi tù học tập, khai lý lịch thầy giáo về quê ngoại Bến Tranh, trồng xoài, hiện có hùn hạp với chiếc tàu đánh cá chạy lên xuống Vàm Láng Bến Đáy, chờ dịp ra khơi.

    Chị Hương về Vên Vên ăn tết, không biết nói gì với Toàn, Luân vừa gặp Liên hôm trước, hôm sau Toàn và Hân xuống Sài Gòn. Họ đã không thấy nhau từ ngày Luân đi tù cải tạo. Có lẽ chị Hương cũng cho Toàn biết, chuyện Hiên đến thăm, cho nên Toàn không hỏi han gì, chỉ khuyên Luân nên quên đi thì tốt hơn. Hân không ngờ Hiên theo cộng sản quá nhanh như vậy. Suốt mấy ngày ở Sài Gòn, Luân đưa Toàn đến gặp Hồng cho biết bạn bè với nhau, Toàn đồng ý trên nguyên tắc, mọi việc để Luân lo liệu. Nghe bọn Luân bàn chuyện, chị Hương luôn nhắc, nhớ đừng bỏ chị.

Từ trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Thái Bình về, Liên ghé nhà đón Luân, chạy xe dọc theo chiều Phan Thanh Giản, ra góc đường Yên Đổ ăn bún bò. Nhà chị Quỳnh bị tịch thu từ lâu, tấm bảng sơn vàng chữ đỏ Công Ty Quốc Doanh Hóa Chất Đồng Nai, dựng che gần hết hàng rào gạch, sân trước trơ trụi dăm ba cây bắp vàng úa lá, buồn hiu hắt. Liên hớn hở cho Luân biết, đã nói chuyện với ông ba Hảo rồi, chỉ còn gặp Luân là xong. Ăn xong, vào nhà trả tiền, trở ra thấy Liên tay vịn tay lái xe honda, tay kia chỉ chỏ với ai đó ngồi trong chiếc xe du lịch đậu sát lề quá, làm Liên không ra xe được. Luân vội vã chạy tới, cùng lúc với người con gái trên xe vừa mở cửa bước ra.

- Ủa Hiên ! Luân buột miệng gọi.

Hiên khựng lại nhìn Luân, rồi nhìn Liên gật đầu chào.

- Anh Luân, trời ơi không hẹn mà gặp.

Liên vẫn còn đứng kế bên xe honda, quay nhìn Luân, hướng mắt về phía Hiên ra dấu. Hiên cười nhẹ :

- Xin lỗi, để Hiên nói anh Tuân lui xe lại một chút.
 
 
 
 

   
Người đàn ông đứng tuổi, trong quân phục bộ đội thẳng nếp, không mang quân hàm cấp bậc, chưa kịp ra xe, thấy Hiên làm dấu, cho nổ máy xe lui lại, cố chừa khoảng trống. Hiên mời Luân và Liên ngồi lại uống thêm nước cho vui, chồng Hiên, anh Tuân bắt tay Luân lấy lệ. Hiên cho chồng biết, Luân là bạn rất thân, lâu ngày không gặp. Hiên hỏi Luân nhiều thứ, vô thưởng vô phạt, Luân chỉ cười tìm đủ chữ trả lời, không nói gì với chồng Hiên. Tuân cũng ngồi làm thinh, thỉnh thoảng gục gặc đầu xã giao dò xét. Uống thêm vài ngụm nước, Luân chào vợ chồng Hiên bỏ đi. Trên đường về, Luân kể sơ cho Liên nghe, sự liên hệ giữa Hiên và anh ta trong những ngày tháng nhọc nhằn xưa cũ. Chị Hương từ tỉnh xuống, Toàn nhắn tin bác sáu trai mất. Luân xin được giấy phép đi đường, nhờ sự giúp đở của anh công an khu vực, về Tây Ninh dự đám tang. Tây Ninh bây giờ xơ xác quá, đường phố tiêu điều vắng tanh. Quẩn quanh chỉ thấy công an bộ đội. Bác sáu gái ôm chầm lấy Luân khóc sướt mướt, cái quan tài lạnh lùng âm u trước hàng nến lung linh mờ ảo. Con bác, không còn ai ở đây, anh hai mù xa bên trời Pháp, người chị kế di tản từ Đà Lạt về, chưa kịp bao lâu, đã bỏ Việt Nam tới Gia Nả Đại. Luân quỳ trước quan tài, thương cho bác trai lẻ loi, ba mẹ Luân còn chút may mắn hơn khi nằm xuống, dù gì cũng có Luân và miếng tang trắng. Giáo dân trong khu nhà thờ, thay nhau từng nhóm đọc kinh cầu nguyện. Xe tang đưa bác trai ngang qua cổng chánh thánh đường, chuông ray rứt đổ nhịp liên hồi, Luân dìu bác gái đi kế bên, nhiều người theo sau khóc. Vị linh mục già chủ lễ ném nhánh hoa huệ trắng xuống mồ làm dấu thánh giá, cho bác đi bình an. Rồi bác gái ở lại một mình, cũng như mẹ Luân đã đơn chiếc một mình, trong căn nhà tranh le lói đèn khuya, đếm tháng ngày còn lại.       Xế chiều, Luân qua nhà Toàn, hắn dẫn Luân đến văn phòng xã, trình xin phép tạm trú qua đêm. Hai thằng thức nói chuyện mãi mê, cho tới khi Hân thức dậy sửa soạn đi làm, mới biết là đêm qua không ai ngủ. Sáng mượn xe đạp của Toàn, chạy qua thăm ba má anh Hùng, ba anh cũng bị bắt đi học tập, nhưng được thả về sớm vì bệnh bao tử nặng. Sương thôi học, vào làm bệnh viện tỉnh với Hân, anh Hùng còn trong trại tù Katum. Tài thì bị chuyển đi Bình Long vì chống đối lệnh quản giáo. Bạn bè không bao nhiêu, đứa đã vùi thây ngã xuống cho chiến tranh, rồi bây giờ người tan tác đọa đày khi có hòa bình. Luân đến gặp bà cô của Toàn, bà cô già yếu lắm rồi so với ngày xưa. Bà vò đầu, tưởng không còn gặp Luân nữa. Luân vội vã ra bến xe trở xuống Sài Gòn ngay chiều hôm đó, không kịp vào chợ Thương Binh thăm ông nội Hòa, vì phải ghé Vên Vên để gặp ba má Toàn, căn nhà trơ vơ giữa cánh đồng khô gốc rạ. Hai bác đưa Luân ra ngã ba, chờ chuyến xe chót từ Tây Ninh xuống, anh du kích ngồi gát trong cái chòi canh trước trụ sở xã, nhìn Luân soi mói.
 
 
 

    Suốt đêm, Luân và Hồng, theo chú ba Hảo coi đổ người đi, từ Cầu Ông Lảnh. Sau lần Liên đưa đến gặp chú ba Hảo tại nhà, ở cuối đường Nguyễn Cư Trinh, chú ba thường dắt Luân theo, mỗi khi đi gặp mối mai bàn chuyện vượt biên. Chú ba Hảo, đã có lúc làm tới Trưởng Ty Cảnh sát dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hai người con trai lớn, sĩ quan cảnh sát VNCH, theo tàu Việt Nam Thương Tín tới đảo Guam, cùng chuyến với Hòa. Người con gái còn lại, do chú đưa đi, tới Nam Dương hai tháng trước đây, ngày đầu Luân vào làm nhân viên Cục Cầu Đường. Sáng dậy, chị Hương cho biết, tối hôm qua Hiên đến tìm Luân, chờ một lúc lâu không được, gởi lại mấy cái giấy mời, xem đoàn ca múa Bông Sen từ Hà Nội vào, trình diễn tại Nhà hát Thành phố, Quốc Hội của VNCH trước 75 và nhờ chị nhắn là muốn gặp Luân có chuyện. Mỗi lần nhắc tới Hiên, Luân thật sự đau nhói cõi lòng, anh có thể dấu người nhưng không dối được mình, Hiên vẫn còn là một cái gì lẩn quẩn quanh Luân, như cơn đau của một vết thương chưa lành hẳn. Cơn đau chợt về buốt nhói trong những đêm lạnh đầu đông hay một chiều mưa chập chùng, mưa hớt hãi. Hiên có chồng, cái dấu chấm cuối câu xuống hàng Luân phải bỏ, ở đoạn chót câu chuyện tình đầu đời. Luân yên lòng với số phận và mong rằng Hiên cũng không khác gì Luân. Chiều thứ bảy, Liên đến chơi, đưa cho vài cây vàng mà chú ba Hảo gởi, gọi là phần dư của Luân. Trong thời gian qua Luân có giới thiệu dăm ba người khách cho chú ba, họ đã tới Mã Lai trên chiếc tàu từ Nha Trang vào. Thấy giấy mời trên bàn, cô nàng rối rít rủ chị Hương một hai đi xem, Luân đành phải theo. Hiên có mặt, ngồi cạnh Luân trên hàng ghế theo giấy mời đã ghi, không thấy chồng. Chị Hương và Liên nhìn Luân e ngại, Hiên có vẻ tự nhiên và vui hơn những lần gặp trước. Đêm ca múa chẳng có gì đặc biệt, nhóm người làm văn nghệ miền bắc này chỉ cố chứng tỏ cái tài nghệ điêu luyện, được Đảng và Nhà nước tập tành, nặc mùi chánh trị, không thua kém gì miền nam. Hiên nói với Luân nhiều hơn là xem hát, Hiên than phiền cuộc sống hiện tại, trách móc định mạng, có lúc mong được trở ngược giòng đời, mơ ngày tháng cũ trong đó có bạn bè xưa và mối tình đầu chớm nở thơm lâng lâng mùi hương cau, sau góc vườn nhà tranh cuối chợ. Luân nén lòng cố nghe, dường như có đôi lần Hiên thổn thức. Đêm hát kết thúc không quá khuya lắm, Hiên có người tài xế chờ, ba chị em Luân hờ hững chào, vội vã qua đường, phố vẫn còn nhiều người lang thang, rời rạc theo đàn vạc ăn đêm kêu sương buồn bã.

    Gần mười tháng, tính từ ngày đi cải tạo về, chuyện toan tính vượt biên vẫn còn dẫm chân tại chỗ, chưa thấy dấu hiệu gì sáng sủa. Luân tạm xin nghỉ việc với Cục Cầu Đường, nhờ cái giấy chứng nhận bệnh phù thủng tái phát mà anh Lân, làm sao đó, có được do bác sỉ trưởng người miền bắc, bệnh viện Nguyễn văn Học cấp. Luân thoải mái đi tới đi lui, anh công an khu vực thường ngồi uống cà phê chung, tiền Luân trả, sau giờ làm việc, tưởng thật bảo Luân ráng lo thang thuốc.

Luân bị Đoàn 10 Công an bắt cùng với chú ba Hảo, tại ngã ba Cây Khô, khúc nhánh sông chia hai, ngả về Sài gòn, ngả về Kho xăng dầu 18, trên đường theo chú ba bằng ghe máy đuôi tôm. Công an tạm giữ vì lý do, không phải người địa phương, không có giấy đi đường, nghi ngờ muốn vượt biên, tại chỗ đóng quân của họ, trên bờ sông cả buổi sáng, rồi đưa về cho công an quận Nhà Bè. Chú ba Hảo tỉnh bơ, Luân thì lắng lo cuống quýt. Người chạy ghe máy chở chú ba và Luân, nhà ở Cần Giờ, trở lại Sài Gòn, chú ba dặn dò anh ta đôi ba điều gì đó. Ngủ tại trụ sở công an Nhà Bè qua đêm, sáng hôm sau, một người đàn ông với dáng dấp có chức tước, vào gặp anh Trưởng Ban, lãnh hai chú cháu ra. Về tới chợ Sài Gòn, cả ba vào nhà hàng Givral ăn sáng. Luân không buồn hỏi người đó là ai, chú ba cũng không màng nhắc tới.

    Công an mấy ngày nay trông ra bận rộn, ban ngày thì càn quét chợ trời, dẹp chỗ này chỗ khác mọc lên. Ban đêm thì đuổi xô người vô gia cư ngủ lề đường, gốc cây, xó chợ, tràn về thành phố từ những vùng kinh tế mới, nơi chỉ có đất hoang khô cằn và cỏ hoang rừng rậm. Họ coi thường lệnh lạc, gọi là chuyên chính vô sản rồi thì còn sợ gì mất mác, vợ chồng con gái nheo nhóc, tắm rửa, nấu ăn, giữa thanh thiên bạch nhật, chia ô chừa chỗ trên hộ khẩu lề đường, thực hành quyền nhân dân làm chủ. Giai cấp vô sản hy sinh cái vô sản ba đời cho Đảng trong ba mươi năm chiến cuộc, cuối cùng chỉ là tay trắng, không nhà, không đất, thua cả gã ăn mày của miền nam Mỹ ngụy. Luân cùng Hiếu bỏ cái xe sinh tố đầu góc Phạm Hồng Thái, dời điểm hẹn giao thuốc về quán cà phê, gần rạp hát Khải Hoàn, Hồng gần như chỉ lo chạy kiếm thuốc. Những lần Luân bỏ đi đó đi đây, một tay Hiếu quán xuyến, không mất đồng bạc nào.

    Bẳng đi vài tuần,  không thấy Liên đến chơi, chắc là đi rồi, thôi thì cũng cầu mong cho cô nàng trót lọt, không ngờ hôm ngày lễ ăn mừng chiến thắng 30 tháng 4 của chánh quyền thành phố, Liên đạp xe tới, mặt buồn hiu, chiếc tàu đánh cá của ông anh họ, lính dù, đã bị tạm giữ, không cho ra khơi vì không chịu xin giấy phép lại, cô nàng phải chạy đôn chạy đáo kiếm vàng lo lót. Luân chưa kịp ngăn, Liên đã hỏi chị Hương về việc Luân bị công an bắt mấy hôm trước, chuyện này anh dấu không cho chị hay, Liên nghe chú ba Hảo nói lại, khi xuống nhà bàn chuyện giá cả cho ai đó. Chị Hương trách sao không cho chị biết, để rủi có gì còn kiếm đường chạy chọt.

Thuyên Huy

(Còn tiếp)

 

 

No comments: