Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu
Chương
Mười Ba
Luân về tới Sài Gòn, xế chiều ngày 28 tháng
4 bằng xe đò từ Long Hải, sau hơn một tháng trời đi bộ, băng rừng, băng đồng,
lội sông, lội suối. Sài Gòn, trời nóng, người di tản từ các tỉnh khác về đông
nghẹt đường phố. Chợ búa tấp nập trong không khí lơ láo, hớt hãi. Dinh Độc Lập
bị một anh Trung uý phi công theo cộng sản làm phản, dội bom hôm qua. Người gặp
người, hỏi nhau vội vàng đi hay ở. Trong khuôn viên và chung quanh các tòa Đại
sứ ngoại quốc tràn ngập người, tay xách nách mang giấy tờ vật dụng. Cảnh sát
lưu thông đứng lửng thửng đầu ngã tư, không buồn thổi còi mấy chiếc xe ta-xi
vượt đèn đỏ. Lính tráng, quân xa đì đùng chạy lên chạy xuống, có vẻ dọn nhà hơn
là đi đánh trận. Quân VNCH, chủ yếu Sư Đoàn 18 cộng với số quân rã ngũ, đủ binh
chủng, từ miền Trung về, theo lệnh cấp trên dàn quân, đào chiến hào, làm vòng
đai án ngữ, bảo vệ Sài Gòn tại Xuân Lộc. Chính trường VNCH hỗn loạn, Tổng thống
Thiệu, sau mấy ngày ồn ào chửi Mỹ nuốt lời hứa, phản bội đồng minh, lên đài
truyền hình truyền thanh tuyên bố từ chức, giao trách nhiệm lại cho Phó Tổng
Thống Hương, một cụ già nho học, hứa sẽ ra tuyến đầu Long Khánh sát cánh bên quân
VNCH chiến đấu bảo vệ quê hương. Cấp lãnh đạo quân đội cũng chẳng hơn gì, hai
ba ông tướng thay nhau chức Tổng tham mưu trưởng, đọc quân lệnh cho lính chưa
nghe đủ đã trốn chui, bỏ chạy mặc cho quần thần ngơ ngơ ngáo ngáo. Tổng thống
Thiệu phủi tay, mang gia đình theo ông anh Đại sứ đến Đài Loan, chưa kịp mang
súng ra chiến trường Xuân Lộc như đã huênh hoang. Tướng Không quân Kỳ, làm tới
Chủ Tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương trong thời kỳ người cày có ruộng, thương phế binh
có nhà, lồng lộn căm
thù, tập họp dân chúng khu Tân Sa Châu, thề tử thủ biến Sài Gòn thành một
Leningrad. Lửa đốt đuốc Tân Sa Châu chưa kịp tắt thì ông đã cao chạy xa bay.
Chính phủ VNCH lúc này không hơn gì màn cuối của một tuồng hát chèo tệ mạc.
Trong túi áo ka-ki vàng đã ngả màu bùn đen,
còn được chút đỉnh tiền, Luân đón xích lô đạp về cư xá Lữ Gia. Không khác gì
mấy khu phố khác, đường Nguyễn văn Thoại từ ngã tư Bảy Hiền trở xuống, ùn ùn
người xe, đồ đạc chất đống vội vã xuống lên, dù trời đã về đêm. Trường đại học
Phú Thọ, bệnh viện Trưng Vương vắng tanh và tối đen như mực. Về đến nhà, chị
Hương ra mở cửa, nhìn cái thân người tàn tạ của Luân chưa nói tiếng nào, chị
khóc òa lên :
-
Trời ơi, ai cũng nghĩ là em chắc chết rồi !
Luân
vào nhà trước, chị Hương mếu máo theo sau. Luân bỏ túi xách xuống nền gạch :
-
Toàn về trển rồi hả chị ?
-
Nó về mấy ngày nay rồi, ở dưới này, người ta đâu đâu cũng bàn chuyện bỏ đi, tin
tức cho biết, mình sẽ mất. Chị không biết Toàn tính sao.
Luân
lặng lẽ nhìn ra sân, vài căn nhà đối diện hình như bỏ trống. Chị Hương cũng
nhìn theo :
-
Mấy nhà đó nghe nói đi đâu hai ba ngày nay rồi.
Tắm
xong, mặc tạm quần áo của Toàn, trên bàn ăn chị Hương đã dọn sẵn cơm. Chị ngồi
bên cạnh, Luân vừa ăn vừa kể chuyện những ngày ở Kontum và bỏ Kontum di tản.
Luân quăng người xuống giường, ngủ như chết cho tới sáng.
Ngày 29 tháng 4, nhóm Thành Phần Thứ Ba
công khai chường mặt, lợi dụng thời cơ, đòi giao quyền Tổng Thống cho Tướng
Dương văn Minh, coi là giải pháp tốt nhất, để có thể thương lượng với quân Cộng
sản giữ Sài Gòn. Ông Hương chán chường giao chức Tổng Thống cho Thượng Viện,
rồi Thượng viện cũng không biết phải làm gì hơn, mặc cho hợp hay không hợp
hiến, mời Dương văn Minh tuyên thệ Tổng Thống VNCH. Giáo sư Vũ văn Mẫu, thừa
lệnh lập nội các, thông báo chấm dứt sự có mặt của người Mỹ tại miền Nam, yêu
cầu toàn bộ sứ quán Mỹ phải rời khỏi Sài Gòn trong vòng 24 tiếng. Phần lớn các
Tòa Đại Sứ khác đã rời khỏi Việt Nam vài ngày trước. Người Pháp vẫn
còn ở lại, hình như đang đóng vai trò trung gian cho Cộng sản miền Bắc và chánh
quyền Tổng Thống Minh. Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cô lập hai đầu đại lộ Thống Nhất,
từng hàng xe buýt quân sự Mỹ nối đuôi nhau đưa nhân viên và gia đình họ ra phi
trường Tân Sơn Nhất. Người chen lấn người tràn ngập trong và ngoài sân, xe hơi,
xe honda bỏ bừa bãi, trên lề đường, sân cỏ.
Tình hình có vẻ căng thẳng quá, chị Hương
nóng lòng đón xe về Tây Ninh sáng sớm. Luân lấy xe honda len đoàn người xuôi
ngược qua nhà chị Quỳnh. Căn biệt thự đóng kín, cái cửa sổ nhìn ra phía đường
Phan Thanh Giản không còn mở tung, bay bay tấm màn tím nhạt như ngày nào. Luân
đẩy cổng vào sân, nhận chuông, chờ thật lâu, thấy không ai trả lời, anh trở ra
đường lên Hai Bà Trưng, hy vọng gặp anh chị trên nhà bác gái. Đến nơi, không
còn ai ở đó nữa, người đàn bà bên cạnh, mở cửa cho biết cả nhà đã bỏ đi từ tối
hôm qua, không biết là đi đâu. Luân trở ngược về Nguyễn Thiện Thuật, gia đình
Khánh Tường cũng đi rồi. Thẫn thờ về lại nhà, những người Luân quen, không còn
quanh đây nữa, Sài Gòn bỗng dưng trống vắng lạ lùng. Đêm càng về khuya, tiếng
người càng dồn dập ngoài đường phố nhiều hơn.
Sáng
ngày 30 tháng 4, Tướng Hạnh, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng của chánh phủ Minh, một
tướng nằm vùng Cộng sản Bắc việt, đọc quân lệnh trên đài phát thanh, bảo lực
lượng quân VNCH còn lại, giữ nguyên vị trí chiến đấu chờ lệnh. Người Mỹ cuốn
cờ, chiếc trực thăng cuối cùng, bốc ông Đại Sứ Mỹ và tùy tùng, rời nóc Tòa Đại
Sứ đúng 24 tiếng đồng hồ theo lời yêu cầu của giáo sư Vũ Văn Mẫu. Sự can dự của
người Mỹ trong cuộc chiến Quốc Cộng suốt gần 15 năm, tại miền Nam chấm dứt từ
giờ phút đó. Gần giữa trưa, xe tăng T54 Nga của Cộng sản Bắc việt, từ hướng xa
lộ ngang nhiên tiến vào Sài Gòn, cùng với một số bộ đội trong quân phục còn
thơm mùi vải, hộ tống theo sau ngơ ngơ ngác ngác. Trương cờ Mặt Trận Giải Phóng
Miền Nam, chiếc xe tăng càn ủi sập cổng sắt chính dinh Độc Lập, kéo lê xích sắt
trên sân cỏ xanh dầy chưa kịp cắt. Toàn bộ chánh phủ một ngày Dương văn Minh
cúi đầu thưa dạ, tên sĩ quan cộng sản xốc xếch, ký nhận đầu hàng. Ông Tổng
Thống đọc lệnh cho quân đội VNCH buông súng. Cơ đồ miền Nam giao lại cho Tổng
Thống Minh rã tan không đầy mấy phút đồng hồ lịch sử. Sài Gòn ngay ngày hôm đó
bị đổi tên. Sài Gòn của Luân, của bạn bè Luân đã không còn nữa. Sau đó, từng
hàng dài quân xa, từng hàng dài bộ đội, người nón cối, người nón tay bèo, lơ
láo rầm rập tiến vào đường phố Sài Gòn từ Bảy Hiền xuống, từ Thị Nghè qua.
Phường khóm, xuất hiện đám người, trẻ có già có, mang băng đỏ trên cánh tay,
chạy đôn đáo lăng xăng, dẫn đường chỉ lối cho quân cộng sản, khắp hang cùng ngõ
hẹp. Buổi chiều, Toàn, Hân, chị Hương xuống lại Sài Gòn, bọn họ ôm nhau ngẹn
ngào. Bàn chuyện bỏ đi, chị Hương quyết định ở lại, Luân, Toàn và Hân chạy
ngược chiều toán quân Bắc việt ra bến Bạch Đằng, người đứng nghẹt cả bến, nhưng
không có hay không còn một chiếc tàu hàng lớn nào. Bọn họ chạy lên Cát Lái, căn
cứ hải quân VNCH vắng tanh, năm bảy thanh niên mang khăn đỏ và súng M16 làm dấu
bảo không được vào. Tạm bỏ cuộc, ba người trở về nhà. Khóm phường đổi chủ,
thành phố ngập cờ đỏ sao vàng, nhạc quân hành không nghe được lời, tưởng như là
nhạc Trung Quốc, ra rả chói tai trên mấy ngọn cây trụi lá, mấy cột đèn vàng
không đủ sáng. Tượng quân nhân VNCH trước quốc hội bị đập xuống, người sĩ quan
cảnh sát anh hùng tự vận, không chịu đầu hàng, nằm yên lành trong bộ sắc phục
gọn gàng, giữa khu phố buồn tênh. Ở Sài Gòn vài hôm, Toàn và Hân từ giã Luân về
trên Tây Ninh.
Luân lang thang khắp đường phố Sài Gòn kiếm
sống. Theo lời vài người mới quen ở chợ cũ chợ trời, Luân lên Gò Vấp mướn xe
xích lô đạp chở khách. Sáng đi lên sớm, đặt tiền cọc cho chủ, lấy xe, chiều đem
xe trả, tính tiền. Đạp xích lô được không đầy một tuần lễ, người Luân nhuốm
bệnh, rủ rượi mệt mỏi. Chị Hương lo lắng nghĩ là bệnh, chứ không biết vì Luân
đạp xích lô, chị ra chợ tìm mua thuốc cảm về, bắt Luân phải lo uống. Luân nằm
trên giường hai ba ngày, không đứng dậy nổi. Khỏe lại, Luân thôi đạp xích lô,
lòng vòng ra các khu chợ trời Lăng Cha Cả, Hàm Nghi, Tổng Đốc Phương, tình cờ
quen Hồng, gốc Trung Uý Dược sĩ, nhà có tiệm thuốc Tây ở đường Cao Thắng, giờ
đã bị đóng cửa, trong lúc ngồi trốn mưa, tại cái xe sinh tố đầu Phạm Hồng Thái
và Lê văn Duyệt, gần bến xe Tây Ninh cũ. Hỏi thăm nhau, Hồng cũng di tản từ
Pleiku, theo đường số 8, có ghé Cung Sơn và kẹt ở ấp Đồng Cam. Luân và Hồng dễ
cảm thông nhau, khi cùng nhớ cái kỷ niệm đau thương mà cả hai trải qua. Luân về
nhà Hồng chơi vài lần, sau đó theo Hồng buôn bán thuốc tây lậu, khu Nguyễn Huệ
Lê Lợi, cái xe sinh tố hôm anh quen Hồng là nơi hẹn nhận thuốc, do một số bạn
bè của Hồng còn làm trong hai ba viện bào chế mang tới và giao thuốc cho những
người bán lẻ đặt mua. Hồng có lẽ thích thú khi bàn đến chuyện kháng chiến phục
quốc, trong những ngày có tin đồn quân VNCH vẫn còn tập trung trong rừng sâu,
kêu gọi dân chúng gia tham gia chống lại chính quyền cộng sản. Luân cũng có ước
mơ không khác gì Hồng. Dân chúng Sài Gòn tự do thoải mái trong những ngày đầu,
cán bộ các cấp lúng túng ngu ngơ vô luật vô lệ. Mạnh phường phường xử, mạnh
quận quận làm, xúm nhau vơ vét của cải tư công của Sài Gòn nói riêng, của miền
Nam nói chung, chuyên chở về Bắc bằng đường bộ, đường biển. Bọn trở cờ phản
chủ, mang băng đỏ trên tay, lùng vét tận tình, lập công chủ mới, đằng đằng sát
khí chừng như mang máu cộng sản trong người hơn cả người cộng sản thứ thiệt.
Nhờ theo Hồng, Luân kiếm được một số tiền
tương đối đủ sống, cà phê cà pháo qua ngày, đôi khi gởi chị Hương chút ít. Luân
không thường ăn cơm nhà, hay về trễ, tôi nghiệp chị Hương thui thủi một mình.
Luân chưa dám nghĩ đến ngày mai, cái mộng phải có danh gì với núi sông của những ngày khoa bảng không còn
nữa. Lam lũ sống còn, ngủ trưa vỉa hè, nằm đêm góc chợ, chống chọi nghịch cảnh
đổi đời, Luân không còn một khoảng trống nhỏ nhoi nào nữa để nhớ Hiên, cái tình
yêu vô tội đầu đời mà anh cố giữ, đã chết thật rồi. Toàn không mấy khi xuống
Sài Gòn, Luân cũng không buồn về Tây Ninh. Chút tình mới nhuốm, lòng dặn lòng
đừng vội buông xuôi với Khánh Tường, phút giây đã là ảo ảnh. Giòng mực xưa, tờ
thư trắng, cánh hoa ép vụng ép về, ngõ qua nhà ai đó hoa sứ rụng, tóc nào thả
bay đùa nắng, cái hôn lúng túng không dám hôn lâu, tất cả rã tan theo từng mãnh
vụn của đời mình. Luân cắn chặt môi, lòng anh nhiều lần đã khóc.
Sài Gòn bắt đầu có mưa, mưa tả tơi trên cờ
vàng sao đỏ, mưa vùi dập khẩu hiệu biểu ngữ cùng khắp phố phường. Cuối tháng
năm, Uỷ Ban Quân Quản thành phố Hồ Chí Minh, cái tên mới đặt của Sài Gòn, ra
thông cáo, ra lệnh cho quân nhân công chức VNCH, cấp bậc từ chuẩn uý, chức vụ
từ Phó Truởng Ty trở lên trình diện tập trung học tập cải tạo mười ngày. Nhân
viên các ngành, các bộ còn lại cùng với binh nhì, hạ sĩ quan, cảnh sát... học
tập chính trị tại chỗ. Luân xuống chợ cũ Hàm Nghi mua cái áo mưa lính cũ và vài
thứ lặt vặt, trong một ngày mưa tầm tã, lụt lội khắp chợ đầu tháng sáu. Từ giã
chị Hương, gởi lại chị tro cốt ba mẹ, nhờ chị thương tình lo liệu giùm, Luân
đến trường Trưng Vương trình diện, theo thông cáo ban hành, trước Hồng hai ba
ngày. Trong một đêm mưa dầm sau đó mấy hôm, Luân cùng đám người đi trình diện,
đến làng cô nhi Long Thành, cái chỗ không xa Sài Gòn bao nhiêu nhưng đoàn xe
chở họ đã chạy quanh co, lên xuống suốt đêm với hơn chục chiếc quân xa dẫn đầu.
Luân được thả ra cùng với vài trăm người
khác, sau ba năm bị nhốt trong trại tù cải tạo Long Thành. Mấy ngàn còn lại đã
bị đưa xuống tàu ra Bắc. Sài Gòn không còn thấy cờ Mặt Trận Giải Phóng, thiên
hạ bán buôn đủ thứ, quán cốc cà phê chiếm gần hết các lề đường. Sài Gòn vẫn
sống trong cái lơ láo thèm thuồng của bộ đội, công an cộng sản. Một số nhà gần
chị Hương bỏ đi, bộ đội dọn vào gần hết. Hai chị em mừng mừng tủi tủi, chị vẫn
còn được làm ở sở cũ, không khá lắm nên cũng chạy đầu nầy đầu nọ kiếm thêm,
chưa tính chuyện lập gia đình. Toàn thỉnh thoảng có xuống Sài Gòn, đang hùn xây
cất với mấy người trong Tòa Thánh Cao Đài. Hân vào làm cho bệnh viện tỉnh hơn
một năm nay. Anh Hùng, Tài còn kẹt trong trại cải tạo Ka Tum. Hòa đã tới đảo
Guam theo tàu Việt Nam Thương Tín. Luân đi rồi, chị Hương vẫn giữ nguyên hai
cái bình tro cốt ba mẹ Luân trên bàn thờ nhỏ trong phòng thường ngủ. Chị đã vội
vã, chắt chiu mua sắm đường mứt thuốc men đem gởi vào trại cho Luân, khi chính
quyền thành phố cho phép thăm nuôi, sau hai năm cấm ngặt mọi sự liên lạc với
người bên ngoài. Chị cho biết, Khánh Tường có đến tìm Luân hai ba lần sau khi nghe
tin cao nguyên di tản, thơ thẩn đứng ngồi không yên, hỏi chị phải làm sao bây
giờ. Lần cuối, chiều 26 tháng 4, Khánh Tường khóc với chị nhiều lắm, báo tin là
gia đình đã quyết định rời Việt Nam nay mai. Gia đình Khánh Tường có người anh
bà con cùng họ, làm việc cho toà Đại sứ Đại Hàn, vì không có nhiều nhân viên
người Việt cho nên Đại Hàn dễ dãi, cho anh được phép mang bà con gần theo về
Hán Thành trong tư cách tỵ nạn chánh trị. Thủ tục đã hoàn tất, chỉ chờ chuyến
bay qua thôi. Chị Hương thông cảm cho cô nàng, không còn cách nào khác, khuyên
Khánh Tường nên theo mẹ tốt hơn, biết Luân sống chết thế nào đâu mà nói chờ nói
đợi được. Khánh Tường còn nói cô Hảo, mẹ nàng, cũng nóng lòng nghe ngóng tin
Luân, nhưng thôi đành. Khánh Tường không trở lại mấy hôm sau thì Luân về tới.
Chị đưa cho Luân cái thư của Khánh Tường nhờ chị trao lại, nếu còn có dịp,
trong thư nàng xin Luân hiểu cho cái hoàn cảnh ác nghiệt này, nàng đã làm hết
những gì trong khả năng hạn hẹp mà mình có thể làm rồi, Khánh Tường lạy trời
lạy Phật cho Luân đọc được thư này, đau đớn mang tình yêu qua xứ lạ. Luân xếp
lá thư vào ngăn kéo bàn viết, mong Khánh Tường sẽ mau quên mối tình mà nàng cố
chờ, Luân thì chưa dám hẹn. Chị Trang, chị Quỳnh cũng vài lần, bồng bế thằng bé
Bảo tới nhà hỏi thăm tin tức của Luân, anh Hưng nhờ vài người bạn quen trong
quân đội thăm dò giùm, hy vọng là gặp Luân đâu đó. Chị Quỳnh không nói gì với
chị Hương về chuyện đi hay ở.
Luân đến tìm Hồng, anh ta đã được thả trước
vài tháng, trong đợt thả sĩ quan VNCH gốc bác sĩ, nha sĩ về, để làm việc cho thành phố. Luân lại theo
Hồng bán buôn thuốc tây, bọn họ trúng khá nhiều mối lớn. Tiền VNCH đã đổi thành
tiền Cụ Hồ miền bắc, Hồng móc nối, chia chát với vài đám cán bộ, công an lớn
cho nên công việc làm ăn của họ không gặp trở ngại cho lắm. Hồng bắt đầu bàn
với Luân chuyện vượt biên, băng Cam Bốt bằng đường bộ hay xuống miền Rạch Giá,
Trà Vinh ra biển. Rất đông người trốn bằng tàu bị bắt giam trong các trại tù từ
Nha Trang xuống tới Rạch Giá, phần vì bị gạt, phần đi thật nhưng bị bể. Công an
Cộng sản tại các tỉnh miền biển, có người trốn, trúng vố to, tịch thu chia chát
vàng bạc. Sài Gòn sinh ra nghề mới, mối lái lo vàng cho người vượt biên bị
nhốt, khám lớn Rạch Giá có vẻ ồn ào nhất. Rồi Luân và Hồng xoay qua móc nối mua
bán máy tàu, nào là ba đầu bạc, hai đầu xanh, mục đích kiếm đủ vàng mua một chỗ
trên chiếc tàu nào đó. Hai thằng lặn lội từ Bình Thuận, Bình Tuy qua Vũng Tàu,
Vàm Láng, từ Mỹ Tho xuống tận tới nông trường thơm Bình Sơn, khi phong trào đi
đăng ký bán chính thức, chỉ dành cho người Hoa, có chính quyền xã quận cho phép
và lấy vàng. Chuyện vượt biên hình như tự nó trở thành cái đầu đề mà người ta
nói tới trong quán cà phê, tiệm hớt tóc, tiệm phở, nhà hàng, văn phòng chính
quyền, chợ trời rạp hát, từ thường dân cho tới anh công an đằng đằng sát khí,
trước khi bàn việc khác. Không những người Sài Gòn đi mà người Hà Nội cũng đi,
nếu không có bắt bớ chắc không còn ai ở lại. Luân và Hồng xoay sở một vài vụ đi
bán chánh thức, qua người quen trong Chợ Lớn, nhưng không thành. Tin thằng bạn
cùng học sư phạm trước đây, mưu toan vượt tam biên, băng rừng theo đường biên
giới Lào Cam Bốt bị bắt nhốt ở Qui Nhơn, làm Hồng bỏ ý định đi đường bộ.
Luân nhận thư chị Quỳnh hết sức bất ngờ và
muốn khóc từ San Diego, Mỹ gởi về. Trong thư có tấm hình của hai vợ chồng và
thằng bé Bảo, bây giờ đã gần bốn tuổi trông ngon lành ra phết. Chị cùng anh
Hưng nấn ná chờ tin Luân cho đến chiều 27 tháng 4, ngày dinh Độc lập bị bom,
sau vài lần qua cư xá Lữ Gia. Nửa đêm đó, chị cùng gia đình xuống tàu từ cư xá
hải quân, sau lưng bến Bạch Đằng, cùng với gia đình của một số sĩ quan hải quân
cao cấp và viên chức quan trọng trong phủ Thủ Tướng ra đi, sau mấy ngày tàu đến
căn cứ Subic, Phi Luật Tân, ở đó vài tháng rồi vào Mỹ, đợt người Việt di tản
tới sớm nhất. Cuộc sống anh chị giờ tạm ổn, chị Trang đi học lại, cũng viết kèm
trong thư mấy hàng thăm Luân. Chị mong thư đến được tay Luân nhưng không dám hy
vọng lắm, chị khuyên cố gắng đi thăm thằng bé Bảo sớm chừng nào tốt chừng đó,
xem nó ra sao rồi, cần tiền thì cho chị biết. Luân hiểu chị Quỳnh muốn nói gì
khi chị viết những giòng cuối thư. Vài ngày sau Luân gởi thư trả lời, theo địa
chỉ ngoài bao, không dài, đôi hàng báo tin may mắn còn sống cho chị khỏi trông.
Lạc lõng trong cái thành phố không phải là của mình, Luân tiếp tục lê lếch sống
trên vỉa hè góc phố quen thuộc, ngày lại ngày qua theo dòng đời khốn khó.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment