Cuối Năm Bánh
Chưng Bánh Tét
Cuối năm, những ngày tháng
chạp sương mù, mùi hương cải ngò, cúc tần, vạn thọ và mùi hương trời đất thức
dậy, đây cũng là khoảng thời gian mà khi bước ra ngõ, người ta thi thoảng bắt
gặp những tiếng rao rất quen thuộc, thân thương của người bán hương, bán chiếu,
bán hoa, bán đèn và bán bánh chưng, bánh tét, bánh tổ. Nếu như món bánh tổ chỉ
có ở Quảng Nam, Huế và Quảng Trị, thưa thớt ở Quảng Ngãi thì bánh chưng, bánh
tét thuộc về món truyền thống, hầu như khắp đất nước, nơi nào cũng có món này.
Nếu như miền Tây Nam Bộ có món bánh tét chuối, bánh tét ngọt thì miền Trung có
món bánh tét nhưn đậu xanh, nhưn thịt heo và miền Bắc lại thiên về bánh chưng
nhưn thịt đủ các loại.
Đâu rồi
hồn vía Tết xưa!
Một người tên Liên, chuyên
gói bánh chưng bỏ mối vào mùa Tết ở Đông Hà, Quảng Trị, chia sẻ:
“Càng ngày càng ế ẩm, hồi
xưa mỗi cái Tết tôi nhận đặt cả ba đến bốn ngàn cặp bánh chưng. Hồi đó bốn, năm
trăm ngàn một chỉ nhưng mỗi cặp bánh chưng cũng được hai ngàn đồng. Nhưng một
năm hai năm trở lại đây, kinh tế ngày càng khó, người ta lựa từng cặp bánh
chưng nhiều khi mình nát cả lòng bởi bao công sức của mình đổ vào… Bữa nay thì
tôi nhận được có một ngàn rưỡi cặp thôi. Có ba loại bánh, dao động từ bốn đến
sáu ngàn đồng mỗi cặp. Tết này hy vọng đủ tiền mua đồ Tết cho con chứ chẳng
mong làm vàng như hồi xưa.”
Theo bà Liên, với thâm niên
làm bánh chưng, bánh tét gần ba mươi năm nay, đặc biệt là làm bánh tét bỏ mối
vào dịp Tết với số lượng từ vài ngàn đến vài chục ngàn cặp bánh tét, bà cảm
thấy chưa bao giờ nghề làm bánh tét lại chịu mai một và có nguy cơ giải nghệ
như vài năm trở lại đây. Người ta vẫn thờ bánh tét ngày Tết rất nhiều trên bàn
thờ so với những năm trước, số lượng mua vẫn rất cao nhưng nguy cơ bỏ nghề của
người làm bánh tét lại rất lớn, mới nói ra nghe rất nghịch lý nhưng trên thực
tế là vậy.
Sở dĩ người làm bánh chưng
bánh tét có nguy cơ bỏ nghề vì nói về bánh chưng, bánh tét phải nói đến truyền
thống làng quê Việt Nam với lũy tre làng, bụi chuối, mụt măng, ảng nước mưa đậy
liếp tranh và những dòng sông trong vắt. Đây là chất liệu để làm nên đòn bánh
tét, chiếc bánh chưng ngon, đẹp và ý vị. Những thứ này nếu thiếu, sẽ thiếu rất
nhiều thứ trong chiếc bánh chưng, đòn bánh tét.
Bà Liên lấy một ví dụ, khi
gói bánh tét, người ta dùng nếp hạt được cất từ mùa trước, nếp hạt tròn, mẩy và
thơm. Nhưng hiện tại, với lượng thuốc trừ sâu và thuốc kích thích sinh trưởng
quá nhiều, hạt nếp, hạt đậu xanh vẫn căng tròn, mẩy bóng nhưng lại vô vị, chẳng
có mùi thơm nếu không muốn nói là nó chứa độc tố quá nhiều. Cộng thêm lá chuối,
ngày xưa, không khí trong lành, tàu lá chuối xanh ngát và sạch sẽ, khi gói
bánh, chỉ cần rửa sơ qua rồi lau sạch, hơ lên bếp cho dịu lại là có thể gói
bánh, còn bây giờ, lá chuối dính đầy bụi bẩn, phải rửa nhiều bận nên chẳng còn
mùi lá chuối, mùi hương của đất trời trong lớp vỏ bánh.
Nhưng đáng sợ nhất vẫn là
dây buộc bánh, ngày xưa, chỉ cần ra bụi tre, chặt một cây tre thật đẹp, vừa tới
tuổi chẻ lạt và đoạn ra từng khúc, sau đó chẻ lạt mỏng, hong lên khói bếp cho
sạch lớp lông tơ là coi như đã có một bó lạt buộc bánh tét rất chuẩn. Từ lá đến
lạt, đến hạt nếp đều sạch, thơm nên chiếc bánh sẽ rất thơm, đặc biệt là nguồn
nước chưa bị ô nhiễm dùng để vo sạch nếp cũng là một trong những chất liệu làm
cho bánh đẹp, ngon, sạch.
Ngược lại, bây giờ ngày công
chẻ lạt và giá tre quá cao, thậm chí không còn những người biết chẻ lạt cũng
như không còn tre để chẻ lạt bởi người ta phá bỏ những bụi tre để làm nhà,
người làm bánh phải buộc bằng dây nhựa, dây thun, mối nguy hiểm, độ độc hại
trong chiếc bánh sẽ tăng cao so với trước. Chính vì vậy, chiếc bánh không còn
hồn vía như xưa.
Nhưng vì yêu nghề, vì giữ uy
tin mấy mươi năm làm nghề và vì lương tâm của một người làm bánh, bà Liên chấp
nhận kiếm được ít lãi để mua tre chẻ lạt, mua nếp sạch và mua lá chuối ở những
vùng quê hẻo lánh, thậm chí lặn lội lên núi để mua lá chuối, lá dong về gói
bánh. Chính vì yêu nghề, yêu cái cảm giác bụi bặm và có chút gì đó phiêu bồng,
liêu xiêu đất trời tháng chạp khi chở giỏ bánh đi bỏ mối mà năm nào bà Liên
cũng nhận tất cả các mối cũ để làm bánh Tết.
Chở Tết
dong ruổi với cái nghèo
Có một người nghèo không
biết Tết/ Mang lì chiếc áo độ thu sang/ Có đứa trẻ thơ không biết khóc/ Vô tình
bỗng cất tiếng cười vang… Những câu thơ ám ảnh cuộc đời của một người làm bánh
tét tên Hoàng, ở Lao Bảo, Quảng Trị, ông nói:
“Tôi đi bán bánh chưng bánh Tét cũng được hai
mươi năm nay rồi, nhưng mà ngày xưa đường 9 vắng vẻ lắm, giờ thì đông người
hơn. Kinh tế có vẻ lên nhiều nhưng thực ra không lên gì. Con người ngày càng
lạnh lùng, ngày xưa người ta mua một cái bánh có vẻ ấm áp lắm nhưng giờ thì họ
lạnh nhạt với nhau. Ngay cả cái bánh, ngày xưa người ta buộc bằng lạt tre nhưng
giờ cột bằng dây nhựa, hạt nếp cũng không chất lượng như ngày xưa. Nói chung
giờ người ta chạy theo thị trường để kiếm tiền, không hồn vía như xưa nữa.”
Theo ông Hoàng, cái lãi suất
cao nhất của một người suốt đời gắn với Tết như ông là vốn sống, sự trải nghiệm
của cái nghèo lì lợm và sự bền bĩ của những kiếp lầm than trên mảnh đất quê
hương cố cựu của ông. Bản thân ông với hơn ba mươi năm làm bánh tét bán Tết,
trải qua nhiều nghề phụ như bán nhang đèn, bán chiếu và trầm giác, ông cảm nhận
được một điều chua xót là quê hương ông chưa bao giờ khá hơn trước, nếu không
muốn nói là đi thụt lùi.
Khi người ta có một chiếc xe
máy, xây được căn nhà, thay vì học cách ứng xử cho sạch sẽ, lịch lãm hơn để
tương xứng với những thứ mà mình cố công tạo dựng, người ta đâm ra hách dịch và
tham lam, muốn có nhiều hơn nữa, đạp qua đồng loại để làm giàu và sống rất cẩu
thả, ăn nói bổ bả, vô vắn hóa, hành xử thiếu tính người, coi đồng bạc quá lớn,
đó là cái giá mà con người phải đánh đổi với vật chất. Và khi vẻ bề ngoài hào
nhoáng phủ lên quê hương của ông, cũng là lúc con người quay cuồng trong vật dục,
mất hết hồn vía, ý nghĩa của ngày Tết trở nên mờ nhạt và vô hồn.
Nếu như ngày xưa, có thể là
vì thiếu thốn, nhưng bên cạnh đó, vì đời sống nội tâm sâu sắc hơn, cảm thức về
Tết đậm đà, thi vị hơn nên việc ngồi bên ngọn lửa bập bùng của nồi bánh chưng,
bánh tét đêm giáp Tết có chút gì đó thiêng liêng, mùi hương tháng Chạp quyện
với khói bếp như đang dẫn dắt tâm hồn con người về đứng dưới mái hiên nguồn
cội. Còn bây giờ, chuyện nấu bánh tét diễn ra qua quýt, chóng chầy, làm cho qua
chuyện. Phần chính của ngày Tết vẫn là lo kiếm tiền mà quà cáp cho cấp trên,
sếp cỡ nào thì tặng quà đắt tiền cỡ đó. Điều này đâm ra người nghèo thì nhà
trống hoác trống huơ, người có quyền chức thì bia chất cả kho, ra Giêng lại kêu
đại lý đến bán.
Có đôi khi, ông Hoàng chở xe
bánh đi dọc đường 9 Hạ Lào để bỏ mối bánh Tết, sương mù buổi sớm, âm thanh thời
công nghiệp và nhiều thứ hàng hóa Tết của Trung Quốc nhan nhản trên thị trường
cứ như một thứ bóng ma đè lên tâm hồn ông. Ông có cảm giác mình và những người
lao động nghèo giống như đã bị những cơn gió độc thời đại thổi dạt về cái Tết
của thời xa lơ xa lắc, Tết của thuở ông chưa biết buồn. Và những cơn gió độc
mangh tên Đút Lót, Tham Nhũng, Chà Đạp, Mua Chuộc, Ngoại Bang Trung Cộng vẫn
đang cuồng xoáy trên đường đi của người bán bánh chưng, bánh tét ngày Tết.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt
Nam.
(304Đen – Lượm
lặt trên trang mạng)
No comments:
Post a Comment