Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu - Chương Mười Lăm & Mười Sáu
Chương
Mười Lăm
Mưa dầm suốt hai ngày liên tiếp, mấy cánh
đồng khô cằn, trơ gốc rạ, bị xẻ năm xẻ bảy, ngang dọc đấp đê, đào kinh, trong
cái công tác thủy lợi của chính quyền thành phố, ngập nước cao lên hơn đầu gối,
bùn lầy trơn trợt. Đám cán bộ phụ trách công việc đành phải cho tạm nghỉ, chờ
nước rút. Cái xã ngoại ô, Xuân Thới Thượng, trước tới giờ, một đời đìu hiu
hoang vắng, nay bỗng dưng rộn rịp ồn ào như ngày hội. Xe hơi lớn nhỏ, chở dân
chúng đi làm công tác đào kinh, từ các phường khóm ở Sài Gòn lên, đông nghẹt,
chật cứng các dãy láng lợp tranh, dọc theo con đường đất ngang qua chợ xã. Luân
theo toán thanh niên của phường gọi là tình nguyện đóng góp, sau khi anh công
an khu vực đánh vần, giãi thích bổn phận của một người tù cải tạo, được chánh
quyền khoan hồng, trong đêm họp tổ thường lệ tại nhà ông tổ trưởng tổ dân phố
gốc người miền Bắc. Lần trước thì năm bảy ngày ở khu Lê Minh Xuân, lần này thì
khu Xuân Thới Thượng. May mà có Hiếu, con của một thiếu tá VNCH, làm việc ở
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, bị đày ra Cao Bằng Lạng Sơn, học giỏi nhưng
không được tiếp tục đại học vì lý lịch bản thân con nhà lính ngụy, coi Luân như
là anh, theo Luân và Hồng buôn bán thuốc tây, cho nên mấy ngày qua cũng đở
buồn. Hiếu có mấy thằng bạn cùng cở nhập bọn, chuyện nặng nhọc cuốc xẻng, ăn
uống Luân không cần phải lo, một tay Hiếu điều động sắp xếp. Dãy nhà Luân ngủ,
cách khu lực lượng Thanh Niên Xung Phong, có tổ chức quy củ giống như quân bộ
đội nhưng không thấy mang súng ống, một đám ruộng cao không mấy xa, đèn đuốc
sáng trưng, cờ xí biểu ngữ rợp trời, hò hát tung hô. Chung quanh đó, dân trong
xã, dựng lều chổng, che thiếc che tôn làm nên quán ăn, quán uống, mở nhạc
Trường Sơn đông Trường Sơn tây, ra rả suốt ngày. Người qua lại tấp nập từ xế
chiều cho đến gần khuya, cà phê thuốc lá, cháo vịt cháo gà, quên đi bó rau
muống luột, trộn chung với mấy trái cà chua làm canh của bữa cơm chiều lao
động.
Cầm cái giấy chứng nhận, có tham gia và lao
động tốt trong công tác thủy lợi tại Xuân Thới Thượng, Luân, Hiếu và đám bạn
của hắn, xách túi đồ tấp vào cái quán vắng, gần bên lề đường phía ngoài khu
Thanh Niên Xung Phong ở, kêu cà phê uống. Bọn Luân thong thả tán dốc, trời mới
mười một giờ trưa, chưa chịu đón xe về Sài Gòn. Mấy chiếc xe đò Hốc Môn, Bà
Điểm, mấy chiếc xe lam lộc cộc chở khách lên xuống liên tục, khách vẫn đứng
nghẹt trên đường chờ.
Luân
ngồi bó gối trên ghế nhìn Hiếu lăng xăng với hai ba cô gái đang đứng chờ xe
ngoài đường, bước đi bước ở. Quán bắt đầu đông khách dần, một nhóm Thanh Niên
Xung Phong, có trai có gái, áo quần xanh màu ô liêu, trông ngay hàng thẳng nếp
hơn đa số những anh chị khác, mà Luân gặp ngoài khu kinh đào hay vòng vòng khu
ăn uống này, trong mấy chiều qua. Luân chết lặng người đi, khi người con gái,
lấy cái nón tay bèo để lên bàn, tung những sợi tóc dài trong nắng, nhìn về
hướng Luân một cách tình cờ. Hiên đang ngồi đó, Luân chưa dám tin mắt mình là
sự thật. Hiên cũng đứng bật dậy, trố mắt kinh hoàng :
-
Anh Luân, trời ơi !
-
Hiên, có phải Hiên không ? Giọng Luân đứt quảng.
Hiên
quay qua nói nhỏ với người kế bên vài câu, rồi cầm nón đi qua bàn Luân, cắn
chặt môi để không phải bật khóc. Luân cố nén lòng, mắt rưng rưng đỏ. Cả hai gục
đầu không nói. Hiếu từ ngoài đường trở vào, Luân làm dấu cần nói chuyện riêng
một chút, Hiếu gật đầu kéo đám bạn ngược ra chỗ mấy cô gái, tự nãy giờ cũng
chưa chịu lên xe. Luân cố tìm trong ký ức còn xót lại, xem có một từ ngữ nào
đúng nhất để diễn tả tâm trạng mình, trong hoàn cảnh này không nhưng đành câm
nín. Hiên chợt trở về trước mắt Luân như cơn gió trở mùa lồng lộng, xô dạt
những hạt cát quạnh hiu tụ lại đôi bờ sông đời của những ngày tháng cũ. Hiên
ngẹn ngào lấy vành nón tay bèo còn thơm mùi vải mới lau mắt :
-
Anh Luân hiện ở đâu, cho Hiên biết được không ?
Luân
nhìn mông lung ra đường :
-
Ở nhà của Toàn.
Mấy
người đi cùng với Hiên lúc nãy, đứng dậy gọi Hiên, chỉ đồng hồ làm dấu. Hiên
sửa gọn lại tóc, đội vội cái nón lên đầu, buồn hiu nói nhỏ từ giã:
-
Hiên phải đi, trong tình cảnh này Hiên không nói được gì với anh, xin anh tha
thứ cho, về Sài Gòn Hiên sẽ đến thăm anh.
Luân
ngồi bất động nhìn theo bóng Hiên khuất dần, xen trong đoàn người lố nhố chờ xe
trên đường lộ, về hướng trại Thanh Niên Xung Phong. Hiếu đứng chờ nãy giờ, bước
vào mang cái túi xách của Luân lên vai. Luân thẫn thờ theo sau, nghe Hiếu nói
tiếng mất tiếng còn :
-
Trưa rồi...xe trống chỗ... mình về luôn... anh Luân.
Sài Gòn đã vào đông mấy ngày nay, trời
không thấy gì lạnh. Phố xá cũng xe cộ, bụi đường, cũng cờ đỏ sao vàng, công an
bộ đội. Chợ búa có thêm nhiều người miền bắc, gầy còm hốc hác mua nhiều hơn
bán. Chị Hương mua ở đâu về cho Luân cái áo len màu xanh dương đậm, đan bằng
tay thật khéo, một hai nhắc Luân mặc mỗi sáng ra đường, kẻo bị bệnh. Luân kể
chuyện gặp lại Hiên, trong đồng phục Thanh Niên Xung Phong trên Xuân Thới
Thượng, chị thắc mắc hoài mấy hôm, Luân thì dặn lòng cố quên nhiều hơn là nhớ,
không náo nức, không hớn hở chờ Hiên như cái thuở hai đứa còn thẹn thùng, vướng
vấp chân đi, từng bước tan trường.
Sáng
thứ bảy, Luân, Hồng và thằng Hiếu rủ nhau đi Gò Công, qua ngả Cần Đước, gặp vài
người quen bàn tính chuyện vượt biên tại bãi biển Tân Thành, khúc gần ranh giới
Mỹ Tho. Chuyện không rõ ràng gì cả cho nên ba người trở lại Sài Gòn sớm, thay
vì định ở đến xế chiều. Xuống xe tại góc đường Trần Quốc Toản, Nguyễn văn
Thoại, Luân cùng Hiếu thả bộ về, tạt vào nhà ngồi thăm hỏi mẹ Hiếu vài câu về
chuyến ra bắc thăm chồng, trong những ngày Luân và Hiếu đi làm thủy lợi. Đẩy
cổng chưa kịp vào sân, tiếng chị Hương vọng ra từ trong nghe rất rõ:
-
Em có khách, Luân ơi !
Luân
lầm thầm, bạn bè mấy đứa thường đến tìm, có lạ mặt với chị người nào đâu mà
khách với khứa. Luân lách mình tránh chiếc xe honda lạ, dựng che gần hết bên
ngoài khung cửa sổ, hờ hững bước vào nhà. Hiên đến tìm, trong lúc Luân đang ở
nhà Hiếu. Nói chuyện với chị Hương, nấn ná chờ. Hơn mười năm không gặp, cái háo
hức nhớ nhung, ray rứt của ngày xưa, hình như đã phôi phai dần và tan biến theo
năm dài tháng đợi. Hiên bây giờ không khác xưa nhiều lắm, cũng còn nụ cười tròn
duyên, nụ cười mà Hiên đã nói yêu Luân, trên gác trọ. Hiên ngậm ngùi trách
Luân, rồi trách mình, Luân lạnh lùng ngồi yên dù trong lòng anh bão rớt. Chuyện
gì của hơn mười năm qua giờ đã là chuyện của dỉ vãng, quá muộn màng cho hai
tiếng tại sao. Trời cũng sắp về chiều, hoàng hôn chừng như tím ngắt ngoài sân,
chùm hoa dại bám lơ lững cuối bờ tường buông xuôi héo hắt.
Hiên hối hả lăn đời vào những cuộc chống
đối, sau ngày Luân bỏ đi, Hiên tham gia vào ban đại diện sinh viên Văn Khoa,
manh nha ý tưởng phản đối tham nhủng, bất công của chánh quyền VNCH. Hiên nhiệt
tình hăng say, trở thành người quan trọng của Phong Trào Phụ Nử Đòi Quyền Sống.
Hân đã nhiều lần tỏ thái độ không đồng ý với việc Hiên làm, cũng như Toàn, Hiên
không nói gì, lần lần ít đến chơi và vắng bặt. Toàn có nhiều lần tâm sự với
Hiên, mong rằng sự bỏ đi đành đoạn của Luân, không phải là cái lý do chính để
biện minh cho những việc mà Hiên làm lúc bấy giờ. Dần dà Hiên nghiêng hẳn thái
độ, coi thiên tả là con đường đúng. Cộng sản miền bắc và nhóm trí thức cục R
miền nam có vẻ thành công, trong việc móc nối sinh viên chống đối chánh phủ
miền nam bằng nhửng ý niệm bất công, tham nhủng, lệ thuộc ngoại bang ... Sinh
viên thiên tả, thân cộng dẩy đầy, âm thầm núp lén trong khắp các trường dại học
Văn, Luật, Khoa học... Hiên bị bắt, vì áp lực chính trường Mỹ, hăm he duyệt xét
vấn đề viện trợ, Hiên được trả tự do cùng với một số sinh viên cộng sản nằm
vùng và thân cộng. Hồ sơ lý lịch nhóm này, mặc dù được thả, nhưng cũng rất dễ
dàng bị bắt lại, khó hành động hơn trước. Hiên về Tây Ninh thăm gia đình vài
ngày, rồi ngược lên Cầy Xiêng, Phước Ninh, ở đó Hiên vào Mỏ Vẹt, cục R, căn cứ
an toàn của Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, chiếm cứ một vùng rừng nước trong đất
Miên, cùng với nhiều nhóm khác cũng từ Sài Gòn lên. Học tập, huấn luyện, thỉnh
thoảng trở ra thành phố thi hành công tác, gài người móc nối cho chiến dịch hoc
sinh sinh viên vận, Hiên theo đám cán bộ cao cấp cục R ra bắc nhiều lần, cũng
có khi họp hành với Khờ Me Đỏ.
Cuối tháng ba năm 75, Luân trên đường di
tản về Nam, Hiên cùng quân cộng sản đến Lộc Ninh, học tập lần cuối, chuẩn bị
theo cái gọi là Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời miền nam, do Nguyễn Hữu Thọ đứng
đầu về Sài Gòn. 30 tháng 4, Chánh phủ Dương văn Minh đầu hàng, Sài Gòn mất,
Hiên trong tư thế chiến thắng, mang cờ ba màu Mặt Trận Giải Phóng miền nam,
trong quân phục cộng sản Bắc việt vào thành phố, có cái tên mà người dân Sài
Gòn từ chối không thèm gọi.
Hôm
gặp lại nhau trên khu thủy lợi Xuân Thới Thượng, Luân không ngờ Hiên hiện giữ
chức vụ, Tổng Đoàn Trưởng kiêm Bí Thư Tổng Đoàn 7 Thanh Niên Xung Phong, có
nhân số bằng một trung đoàn quân đội, chịu trách nhiệm trên toàn thành phố Sài
Gòn, bao gồm cả Hốc Môn, Củ Chi và vùng phụ cận. Hiên đã lập gia đình với một
cán bộ cao cấp trung ương, đại diện Đảng, chỉ đạo an ninh nội chính miền Nam,
khoảng hai năm trước, chưa có con, hiện ở tại căn biệt thự khá đẹp, góc đường
Phan Kế Bính, Phan Đình Phùng, chủ là giám đốc ngân hàng Pháp Á, bỏ đi hôm 29
tháng tư. Hân, Toàn đã dấu Luân một điều cho đến bây giờ, cũng chưa chịu nói.
Hai bác Lang, ba má Hiên, sau ngày gặp Luân trong bữa tiệc cúng nhà, gần mười
năm trước, không đồng ý chuyện Hiên yêu Luân, một thằng con nhà nghèo không cha
không mẹ. Hiên phản đối và tranh cải với ông bà suốt những ngày còn đi học.
Luân không nói gì về mình, cuối cùng đã có
thể cho phép mình làm một sự lựa chọn, một sự lựa chọn hai ngả rẽ đời không có
ai mất mác. Hiên yên phận, hạnh phúc hay đau buồn gì thì cũng vậy thôi. Bài thơ
Hai Sắc Hoa Ti-Gôn của TTKH, Luân hy vọng không phải
là nỗi niềm của Hiên, trong những đêm hoang lạnh hay những sáng quạnh hiu. Luân
van xin định mệnh đừng để mưa
bên chồng có làm em khóc
như bài hát tình, đang bị chính quyền buộc tội nhạc vàng ủy mị. Hiên không nói
nhiều về chồng, mà nói thật nhiều về những ngày của một thời để yêu. Hiên ra
về, đưa cho Luân tờ giấy có ghi địa chỉ nhà và số điện thoại. Luân cám ơn Hiên
đã đến thăm, cùng chị Hương đưa Hiên ra tới cổng rào, cái loa phát thanh trên
nóc lầu văn phòng phường, đọc bài ca ngợi thành quả thủy lợi của Tổng Đoàn 7
Thanh niên xung phong, nghe lồng lộng trong đêm, đám con nít quàng khăn đỏ vẫn
còn một hai, ca hát vang rân ngoài sân phường.
Hai chị em buồn buồn, đạp xe xuống bến Bạch Đằng hóng gió, chiều chủ
nhật, chợ Sài Gòn vắng người, hơi nóng buổi trưa vẫn còn phảng phất trên sông,
mặc dù trời có gió. Mấy ngày nay, chị Hương hỏi nhiều về chuyện vượt biên, bạn
bè cùng sở đã có vài người đi thoát, hiện ở Mã Lai, Nam Dương, làm chị lýnh
quýnh mỗi khi vào sở, tuy chị chưa nghĩ tới. Luân không nói gì nhưng định là
nếu có dịp chắc chắn, Luân sẽ báo cho chị và vợ chồng Toàn biết. Dựng xe trên
lề, cạnh bãi cỏ, Luân đứng giữ xe, chị Hương bỏ đi lại cái xe đẩy bán dạo, mua
vài bịch đậu phộng rang. Một cô gái lái xe honda, chạy chậm ngang qua, đến đầu
đường Nguyễn Huệ, chợt vội vã quanh vòng trở lại chừng như bị rớt mất gì đó,
Luân tò mò quay đầu lại nhìn. Liên dừng xe sát bên, máy vẫn còn để nổ, trố mắt
:
-
Anh Luân, phải anh Luân không ?
Luân
gật đầu, chưa kịp nói thì Liên tiếp lời :
-
Sao còn ở đây, Liên tưởng là anh đã đi lâu rồi !
Liên
tắt máy xuống xe, đứng cạnh Luân. Chị Hương cũng vừa trở lại, thấy Liên chị gật
đầu chào. Ba người bỏ ngồi xuống cái băng đá gần đó, chị Hương mời Liên đậu
phộng. Liên học cùng lớp sư phạm với Luân, bạn thân của Khánh Tường, đậu cử
nhân văn khoa, chuyển ngạch giáo sư như Khánh Tường, dạy trường trung học Nhà
Bè, khi Luân về Sài gòn học khóa Công Tố Viên. Họ thường đi chơi chung nhiều
lần, cho nên cũng tạm gọi là thân. Liên hoạt bát, cởi mở, dễ thông cảm. Luân
lắc đầu :
-
Di tản về quá trễ, không nghĩ là Sài Gòn mất, nên bây giờ ngồi đây. Còn Liên
thì sao?
-
29, 30, bệnh ông già tái lại, nặng quá phải vào nhà thương làm sao đi. Thằng em
út chạy ra bến tàu sáng 30, vậy mà thoát được, hiện ở Montreal.
-
Rồi có tính gì không ? Luân hỏi Liên thăm dò.
-
Có quen vài mối, đang chờ xem, còn anh Luân thì sao ?
-
Thử đi đăng ký bán chánh thức vài lần nhưng thất bại !
-
Anh cần Liên giúp gì, cho Liên biết ! Liên nhìn đồng hồ đeo tay, vụt đứng dậy :
-
Chết, trễ giờ đón bà già, hẹn gặp anh, bàn chuyện sau. Liên cầm bịch đậu phộng
chưa mở, kẹp tờ giấy ghi địa chỉ chào
chị Hương hối hả chạy đi. Hai chị em đạp xe về sau đó, chị Hương lầm bầm với tôi
trên đường
-
Ai cũng lo kiếm đường đi hết !
Luân
mĩm cười, không trả lời chị gì cả.
Chính quyền thành phố phát động ồ ạt và rần
rộ việc tản dân về các khu kinh tế mới, sau nhiều đợt thi hành chính sách triệt
hạ tư sản mại bản, chiếm nhà kiểm kê tài sản những
người bị liệt vào thành phần giàu có, trí thức, công chức quân nhân VNCH còn ở
lại. Nắm lấy cơ hội, cán bộ phường khóm, xã quận tha hồ tự tung tự tác, tịch
thu nhà cửa, chiếm đoạt của cải một cách công khai. Người nào chấp nhận buông
xuôi đi trước thì may mắn có một miếng đất cắm dùi, bùn lầy nước đọng, gần Sài
Gòn, Lê Minh Xuân, Bình Chánh Bình Điền. Ai chống đối, khiếu nại đi trễ thì lên
tận Bù Đăng Bình Long, Bà Rá, làm bạn đường với muỗi mòng rắn rít. Anh công an
khu vực có vẻ nhân từ, hiểu thông chính sách, mời Luân qua văn phòng phường,
bảo ráng xin làm công nhân viên nhà nước, để được ở Sài Gòn, nếu không, đợt
khai hộ khẩu tới này, vì là cải tạo viên, còn do chính quyền quản chế, phường
phải đề nghị cắt tên, Luân phải đi vùng kinh tế mới theo đúng chính sách khoan
hồng của cách mạng.
Luân vào làm nhân viên Cục Cầu Đường thành
phố, có văn phòng trên đường Cống Quỳnh, đối diện chợ Thái Bình, do sự giới
thiệu và bảo đảm của bác sỉ Lân, tù cùng chung tổ với Luân trong những ngày ở
trại Long Thành, với ông anh bà con chú bác làm Cục Trưởng. Công việc của Luân
thật ra chỉ là một thằng phu lục lộ, đẩy xe lấp ổ gà, hố nước, vét cống rãnh
nghẽn nước mỗi khi mưa xuống, ngập đường, vòng vòng quanh khu Triệu Đà, Chợ
Thiếc. Luân đưa giấy chứng nhận nhân viên cho anh công an khu vực vài ngày sau,
khi việc tái kiểm tra hộ khẩu và nghề nghiệp bắt đầu, anh ta cầm tờ giấy cười,
một cái cười khoái chí trên khuôn mặt khắc khổ thiếu ăn, mà Hiếu đã gọi là anh năm hoàng hôn . Hồng cũng khổ sở không ít ở phường
nhà anh ta, phải chấp nhận giao cái nhà lầu, trước là tiệm thuốc tây cho Ủy Ban
Nhân Dân Phường, dọn về căn nhà cây nhỏ trong hẻm chợ Bàn Cờ, để đổi lấy mấy
cái tên trong tờ hộ khẩu vàng đục thay vì phải lên rừng thiêng nước độc. Hồng
xoay sở được nhận vào làm cho Xí nghiệp Dược phẩm 1 hay 2 gì đó. Phần lớn việc
buôn bán thuốc tây, giao lại cho Hiếu chạy ban ngày, chiều về sau khi tan sở có
Luân và Hồng lo liệu.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment