Người Cộng Sản Cô Độc -
Chương Mười Tám
Chương Mười Tám
Ngày chị Trâm đến Nam Dương cũng
là ngày ông Hựu bị xử 25 năm tù. Báo chí nhà nước chỉ đăng bản án mà không nói
thêm chi tiết khác. Công an giải ông ra ở tù ngoài Bắc theo đoàn xe của quân
đội chuyển tủ lạnh, truyền hình về Hà Nội. Bà vợ ông nhất trí với mẹ không chịu
theo chồng, thà làm người " sinh Bắc tử Nam ", quen rồi với son phấn
Sài Gòn suốt bao năm qua, đã gọi là đổi đời rồi, tại sao phải về chịu cảnh mưa
rừng gió núi Yên Bái Lạng Sơn. Vài ba chuyến thăm nuôi coi như cũng gọi là trọn
tình trọn nghĩa, bà theo gương Tố Hữu thương đảng hơn thương chồng, thương Mác
hơn thương Cha.
Linh ngồi khóc tức tưởi một mình trong góc phòng. Căn nhà vốn quạnh quẽ
bây giờ lại càng hoang vắng hơn, kể từ ngày Bon vào tù. Những tưởng về Hà Nội
là mong cứu được chồng, nhưng Linh không thể ngờ cái gọi là tình đồng chí của
bao nhiêu năm trời hy sinh cho Bác cho Đảng, một sớm một chiều chỉ là lời nói
rỗng tếch. Linh chán chường nhìn quanh nhà, tường vôi từ bao nhiêu mùa qua đã
phai màu hoen ố. Cành bông hướng dương bằng vải cũng đã úa vàng bụi bám. Đôi
khi Linh muốn bắt chước người Sàigòn tin vào hai chữ định mạng nhưng lại không
muốn bó tay, vì tới giờ phút này, cũng giống như Bon, Linh vẫn còn cố tin vào
sự sáng suốt của Đảng ưu việt. Cuộc chiến thắng thần thánh giải phóng miền Nam
cũng và sẽ là cuộc chiến thắng thần thánh đánh gục bọn người hủ hoá tham ô.
Linh uể oải đứng lên nhìn qua khung cửa sổ trước nhà, tiếng con nít gọi nhau
chơi đuổi bắt phía bên sân chung cư Nguyễn Thiện Thuật kéo dài tưởng chừng như
tiếng ma gọi hồn rùng rợn. Chén cơm nguội để trên bàn ăn từ xế trưa giờ cứng
khô như hột muối hột. Quanh quẩn đâu đây vài con muỗi hoang gọi đàn nghe rõ
từng âm điệu một. Đứng tựa lưng vào tường, Linh tiếp tục khóc, ở một góc trời
xa mây u ám chừng như mưa, mặc dù mùa này Sàigòn vẫn còn vắng mưa. Anh công an
khu vực lái xe honda chầm chậm chạy ngang, thư thả nhìn vào, Linh chợt thấy
lòng buồn tủi.
Bổng chợt Linh thèm gặp lại chị Trâm. Lâu lắm rồi không thấy chị đến
chơi, không biết chị có biết tin Bon bị bắt và Linh đang cô đơn đau khổ lắm hay
không. Từ ngày Bon bị bắt, Linh đến sở làm thất thường, khi làm khi nghỉ. Đồng
chí giám đốc sở, người miền nam dân Gò Công đông, gọi Linh lên văn phòng ông
vài lần, không phải để phê bình kiểm thảo mà an ủi Linh, khuyên Linh cố gắng
tìm cách cứu Bon. Linh nghe mà tan nát cỏi lòng. Cái thành đồng miền nam tên
bác bỗng dưng xa lạ, xa lạ hơn cả thành phố Mạc Tư Khoa ngày đầu tiên Linh đến.
Linh nằm vật xuống giường, không biết là nàng nên ngủ hay thức trong cái im
lặng của căn nhà trống không mông quạnh. Ngoài đường có chút gió chiều thổi
luồng qua khung cửa, Linh thiếp đi từ đó.
Chiều chủ nhật, trên đường về nhà sau khi vào tù Phạm Đăng Lưu thăm Bon
như thường lệ, Linh ghé vào khu chợ trời
trong hẽm rạp hát Nam Quang, ngay góc đường Lê Văn Duyệt- Trần Quý Cáp tìm mua
vài vỉ thuốc ho nước ngoài, để mai đem vào cho chồng. Bon bỗng nhiên bị ho dữ
dội hai ngày nay, giọng nói khàn đi, tiếng mất tiếng còn. Lần nào vào thăm
chồng xong, ra khỏi cổng nhà tù là nước mắt Linh ràng rụa. Lần nào cũng kéo nón
lá che khuất mặt sợ người bên đường trông thấy. Sàigòn vẫn dập dìu xe cộ, rộn
rịp cờ đỏ sao vàng nhưng không còn nghe tiếng nhạc quân hành âm điệu đàn anh
Trung quốc như những ngày đầu rầm rập bước chân. Linh đẩy xe đạp lên lề đường,
đứa con gái bán chợ trời làm dấu giá cả, Linh gật đầu. Cách đó không bao xa,
hai ba người đàn ông ăn mặc theo kiểu miền bắc, quần ka ki xanh ô liêu Nam
Định, đầu đội nón cối vải bộ đội cũ mèm, cái nón mà đa số đồng chí cán bộ cao
cấp đã vứt trong kẹt tủ hay sọt rác từ lâu rồi, đang mần mò đếm tiền trả cho
người thanh niên bán đồng hồ đeo tay kiểu mới. Linh bỏ gói thuốc vào túi xách,
hờ hững đẩy xe đạp ra đường. Nắng chiều vẫn còn hâm hấp nóng dù bây giờ là
những ngày giữa thu. Linh đạp xe ngược lên đường Phan Thanh Giản, chưa kịp dừng
xe ghé vào chợ Bàn Cờ, vợ của ông Hựu từ trong một tiệm vàng gần đầu chợ đi ra.
Linh không chắc lắm vì đã lâu lắm rồi nàng ít khi gặp bà ta, tuy nhiên Linh cứ
gật đầu chào, vợ ông Hựu cũng gật đầu chào lại. Bà dừng lại chờ Linh dựng xe
đạp sát gốc cây bên lề đường. Một lần nữa bà chào Linh :
- Chào cô Linh, lâu quá không gặp !
Linh vừa quàng cái nón lá trên tay
cầm xe đạp vừa ngẩng đầu lên đáp :
- Chào chị Hựu, chị vẫn khỏe chứ ?
Vợ ông Hựu lắc đầu :
- Cũng giống như Linh, chị em mình
có gì đâu mà khỏe.
Bà ngừng chốc lát rồi rùng vai tiếp
:
- Bon thế nào rồi, có hy vọng gì
không ?
Linh chán nản:
- Chạy gở khắp chỗ rồi, chắc cũng
đành phải vào nhà tù như anh Hựu thôi chị ạ !
Nhắc tới Hựu, Linh thấy bà không có
vẻ gì lo nghĩ cả, bà thản nhiên bảo :
- Mình có làm thì mình chịu, Đảng lo
cho Đảng, đồng chí lớn lo cho đồng chí lớn, không đủ thời giờ đếm tiền cho họ
nữa, thời giờ đâu mà xót thương những con vật thế thân như bọn nhà mình. Thôi
thì giờ thân mình mình lo em ạ!
Linh khẻ liếc trộm vợ của ông Hựu từ
trên xuống dưới, quần áo bà mặc trông rất đắt tiền, không giống như Linh, vẫn
những thứ cũ, có từ ngày còn làm ở xưởng dệt. Hai người hỏi han nhau thêm vài
chuyện khác không đầu không đuôi một lúc rồi từ giã. Vợ ông Hựu trước khi bỏ
đi, viết cho Linh địa chỉ nhà bà và của một người bà con quen đang công tác tại
sở tư pháp thành phố để Linh có thể nhờ được gì không. Bà đi một khoảng khá xa,
không quên quay lại nhắc Linh nếu rảnh cứ đến nhà bà chơi. Linh đứng nhìn theo,
bà đưa tay đón chiếc xích lô trống chạy ngang qua rồi khuất dần sau đám người
và xe cộ từ phía ngả tư đổ xuống. Hình ảnh của vợ ông Hựu từ trong tiệm vàng ra
ở đầu chợ Bàn Cờ ám ảnh Linh suốt trên đường về.
Linh lần mò dưới đáy cái rương đựng quần áo bằng gỗ trong góc phòng, lôi
ra gói giấy nhỏ hơn nắm tay, bao trong bao ni lông màu vàng đục và có giây
thung quấn chặt chung quanh. Cầm gói giấy trên tay, Linh ngồi xuống ghế, nhìn
quanh quất như sợ có người trông thấy, mặc dù nhà đã đóng kín cửa và không có
ai khác ngoài cô ta. Nhìn mấy miếng vàng chiếu sáng theo ánh đèn điện trên trần
nhà Linh rươm rướm nước mắt. Nàng chợt nhớ tới lời của chị Trâm, lúc đưa số
vàng này cho Linh "...đừng cho Bon biết, chỉ có hai chị em mình thôi, em
cất đi để phòng khi có việc cần xài tới sau này...".
Linh ôm gói vàng trong lòng, nằm dài
xuống giường, nàng để mặc cho mắt mình nhắm lại trong niềm vui phút chốc. Đêm
xuống từ lâu, tiếng con nít rủ nhau đi xem truyền hình tại quán cà phê của bà
tổ trưởng dân phố vang dội cả một khoảng đường. Tiếng gõ tre của chiếc xe bán
hủ tiếu dạo kéo dài lê thê, ray rứt như tiếng mõ cầu kinh buồn não nuột.
Cuối hè, trời Sài gòn bắt đầu có mưa. Mưa như trút nước hai ba ngày
không dứt, phố xá trắng xoá một màu, từ
ngả tư Hàng Xanh về Khánh Hội. Từ
hôm gặp vợ ông Hựu ở chợ Bàn Cờ về, Linh cứ suy nghỉ miên man về chuyện đi gặp
người quen của bà ta và chuyện mấy cây vàng trong rương. Mỗi lần vào thăm Bon,
Linh muốn nói với chồng việc này, nhưng lại cứ do dự không nói ra. Trong đớn
đau, chán chường Bon không buồn hỏi han gì cả. Niềm hy vọng cuối cùng mà hai vợ
chồng Linh cố tin và cố chờ là sự sáng suốt của Toà Án, của người bạn chánh án
mà Bon đã từng chia đôi hạt gạo ướt sũng trong hầm dưới cái mưa lạnh cắt da của
rừng Trường Sơn hun hút. Ông Hựu bị giải ra Bắc hơn tháng trời rồi, mà vụ Bon
vẫn chưa đem ra xử, nhiều lần Linh lên hỏi thì tòa án cho biết còn chờ lệnh từ
Thành Uỷ. Bây giờ Linh mới hiểu ra rằng, có toà hay không có tòa, trước sau
trên dưới gì cũng do Đảng mà thôi nhưng Đảng đã thật sự bỏ quên họ từ ngày Linh
về Hà Nội kêu oan rồi. Vài ba hôm nữa trời sẽ vào thu, nghĩ tới ngày Bon bị đày
ra Bắc trong rét lạnh rừng cao, Linh rấm rứt khóc thương chồng khốn khó, Linh
quyết định dùng số vàng mà chị Trâm đã cho.
Linh theo vợ của ông Hựu đến chờ gặp người bà con làm việc trong sở tư
pháp thành phố mà bà đã giới thiệu trong lần gặp nhau ở chợ Bàn Cờ. Hai người
ngồi lặng thinh trong quán nước Givral, nhìn ra đường, hơn mười giờ sáng rồi mà
vẫn chưa có nắng, bến Bạch Đằng cứ khi ẩn khi hiện trong sương sớm. Người theo
người hối hả qua đường mù mờ như những bóng ma, khung cửa kiếng của quán nước
đọng từng giọt hơi sương, thỉnh thoảng rớt dài xuống rồi chợt dưng ngừng lại
không khác gì nước mắt ai vừa khóc. Linh bất giác thở dài ngao ngán, nhìn ly
nước coca đắt tiền trên bàn, vợ ông Hựu trông vẫn vui cười như trước. Ngồi
trong quán không lâu bao nhiêu thì người bà con của vợ ông Hựu tới. Ông tên
Duẩn, cũng cở tuổi ông Hựu, nói giọng bắc Hà Nội như Linh, trông cởi mở và lịch
sự hơn một số cán bộ Đảng trong chánh quyền mà Linh đã từng gặp qua. Linh không
dám nói nhiều, mọi việc cứ để cho vợ ông
Hựu sắp xếp. Theo như lời ông cho biết, ông là người cao cấp của viện Kiểm Sát
Nhân Dân trung ương, từ Hà Nội vào làm việc với sở Tư Pháp thành phố Hô Chí
Minh về việc bắt giữ người. Ông sẽ về lại Hà Nội nay mai để báo cáo kết quả cho
trung ương. Linh nghe ông nói mà lòng thầm cám ơn vợ ông Hựu. Lúc từ giã, ông
an ủi Linh và hứa giúp tới cùng, Linh cám ơn ông nhiều lần. Linh bước ra khỏi
quán nước trước, vợ ông Hựu và người bà con theo sau, hình như đâu đây Sài Gòn
vừa có chút nắng ấm.
Hôm ông Duẩn về Hà Nội, đúng theo lời hẹn, Linh cẩn thận gói năm cây
vàng trong bao giấy đen đem đến nhờ ông lo liệu giùm. Linh chẳng buồn nghĩ ngợi
về chuyện số vàng sẽ mất hay còn. Ngày nào Bon còn nằm trong tù thì còn hay mất
cũng không có ý nghĩa gì đối với Linh. Tiễn Linh ra khỏi cổng nhà, ông Duẩn đưa
cho cô địa chỉ nhà và chi tiết sở làm của ông, dặn dò trong khi chờ công việc
tiến hành, nếu cần và nếu có về Hà Nội thì cứ đến tìm ông. Mấy hôm sau Linh đến
nhà vợ ông Hựu, ngài ngại hỏi về việc quen biết với ông Duẩn, nhất là tại sao
bà không nhờ ông Duẩn giúp cứu chồng. Vợ ông Hựu cho biết, tội của Hựu nặng quá
vì số tài sản không dấu vào đâu được và nhất là không chia đồng đều cho ông lớn
hơn, dù ông Duẩn có tài giỏi tới đâu cũng đành bó tay. Nghe lời giải thích của
bà, cộng với số vàng không gọi là nhiều mà Linh đã đưa, Linh cảm thấy cô vẫn
còn có lý do mà hy vọng. Cho dù có mất mát đi, đối với cô bây giờ chẳng có gì
để mà tiếc rẻ.
Học trò đã nghỉ hè từ vài hôm trước, phượng nở đỏ rực khắp đường trong
cái nắng chang chang sau những ngày mưa tầm tã. Người phát thư đến sớm hơn
thường lệ, trao cho Linh cái điện tín của ông Duẩn gởi vào từ Hà Nội. Linh hối
hả mở ra xem, nửa mừng nửa lo, ông Duẩn cho biết đã đem vụ án của Bon báo cáo
với đồng chí chủ tịch viện Kiểm Sát và mấy đồng chí có thẩm quyền bên bộ chính
trị, có kết quả sẽ cho Linh biết ngay. Xem xong, lâu lắm rồi Linh mới thấy hình
như mình đã cười, một cái cười đơn lẻ. Linh vẫn không cho Bon biết chuyện mình
đã làm trong những lần vào tù thăm chồng sau đó. Vợ ông Hựu cũng ghé tạt vào
thăm Linh đôi ba lần rồi vội vã đi ngay, không màng nếm chút nước trà đậm đen
trong cái tách lạnh tanh cũ mèm mà Linh rót ra mời, Linh không thấy buồn vì ít
nhất bà cũng còn chút tình lo nghĩ tới. Ngày hai buổi đạp xe đạp từ sở làm về,
Sài Gòn, cái thành phố mà vợ chồng Linh chọn làm nơi sống hết phần còn lại của
đời mình đã trở thành chật hẹp và vô nghĩa. Những con đường cây dài bóng mát lá
me bay, nô nức ngựa xe, rộn rã tiếng cười của tháng ngày mới vào Nam bây giờ
chỉ là một đôc đạo, từ nhà ở đường Nguyễn Thiện Thuật đến nhà tù Phạm Đăng Lưu,
con đường quen duy nhất còn lại trong hồn Linh.
Chiều chủ nhật, sau lần thăm chồng ra, về ngang nhà thờ Chúa Cứu Thế
trên đường Kỳ Đồng đúng lúc giờ lễ chiều, người có đạo đứng đông nghẹt tới
ngoài sân. Tiếng chuông từng hồi ngân dài làm Linh tự dưng chùng bước, cô che
mặt đẩy xe đạp dựng sát vào một góc rào ngoài cổng lặng lẽ nhìn lên tượng chúa
bên sáng bên tối trong cái nắng cuối chiều, bất chợt Linh tức tưởi khóc theo
từng cái dấu làm thánh giá của những người xem lễ. Thứ hai đầu tuần, toà án cho
biết sẽ xử vụ án của Bon vào hai hôm tới đây, Linh hớt hãi ra nhà Bưu Điện
chính, gọi điện thoại cho ông Duẩn, ông cho biết đã biết tin rồi nhưng chưa
thấy ông chủ tịch viện Giám Sát trả lời chính thức sự việc. Linh như người mất
hồn bước khập khểnh xuống đường, miệng lầm thầm lập đi lập lại ba tiếng
"trễ mất rồi". Linh băng đại qua đường, chiếc xe jeep công an chạy
ngang bóp kèn chỉ chỏ. Linh đứng một mình giữa cổng vào nhà thờ Đức Bà mặc cho
thiên hạ lại qua, đưa tay bưng mặt nói thầm "lạy chúa".
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment