Cảnh sát
và An ninh
Mời đọc một bài viết từ trong nước để biết
thêm về cái gọi là “công an trị” của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay.
Bộ máy công an Việt Nam bao gồm 2
lực lượng: cảnh sát và an ninh. Cảnh sát là lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ
và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; còn an ninh là lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ
an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và chính quyền.
Tuy nhiên, không phải ai cũng
biết điều này, ai cũng phân biệt được cảnh sát với an ninh. Bản thân tôi trước
kia cũng vậy, không để ý đến chuyện này, lý do chủ yếu có lẽ là vì mình chẳng
liên quan mắc mớ gì với họ cả.
Câu chuyện trong tù
Tôi chỉ bắt đầu để ý phân biệt giữa
cảnh sát và an ninh sau khi bị Công an Quảng Trị bắt lần đầu tiên vào ngày
25.12.2009.
Thời gian đầu ở trại tạm giam
Công an Quảng Trị, tôi bị giam cùng phòng với một “sếp” nhỏ trong hệ thống công
quyền. Anh ta tên là Nguyễn Thanh Trọng, sinh năm 1960, nguyên trạm phó Trạm
Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo, bị bắt vì hành vi mua ô tô từ Lào về rồi phù phép
giấy tờ để bán lại cho người khác.
Bình thường thì với những hành vi
phạm tội “nhỏ nhặt” như thế, người ta “chạy” khoẻ re. Kể cả khi bị bắt rồi thì
người ta cũng dễ dàng lo lót để được tại ngoại hầu tra, rồi chịu một mức án
treo nhẹ nhàng khi ra toà. Chính người bạn tù của tôi cũng nói với tôi vậy. Tuy
nhiên, do vị trí công tác của mình, anh ta từng một lần “can tội” làm mếch lòng
ngài Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ, và đó là lý do chủ yếu
khiến anh ta bị “hành” đến nơi đến chốn.
Làm việc với anh ta là những sỹ
quan thuộc khối cảnh sát; còn tôi, với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà
nước” khi bị bắt, lại là đối tượng của các sỹ quan an ninh.
Là một công chức lâu năm, lại làm
việc trong một môi trường tiếp xúc với đủ loại công an, nên người bạn tù của
tôi chẳng lạ gì họ.
Một hôm, sẵn bức xúc với mấy tay
cảnh sát điều tra làm việc với mình, anh ta tâm sự với tôi: “Bọn cảnh sát bây
giờ đúng là quá bẩn. Với cây gậy pháp luật trong tay, lại được phụ trách những
lĩnh vực ‘màu mỡ’ như buôn lậu, ma tuý, mại dâm, giao thông, kinh tế… nên thằng
nào thằng nấy đều mập ú, ăn chơi, nhậu nhẹt, bù khú tá lả. Có quyền, có tiền,
bị quyền lực tha hoá từng ngày nên chúng rất tham lam, tàn bạo, trắng trợn, lỗ
mãng. Nhìn chúng rất khó cảm tình.”
Ngưng một lát, anh ta tiếp tục:
“Còn đám an ninh thì nghèo hơn vì ít được tiếp xúc với kim tiền, ngoại trừ mấy
tay an ninh kinh tế, phụ trách những vụ án kinh tế liên quan đến an ninh quốc
gia, như lưu hành tiền giả chẳng hạn. Vì thế, trông họ lịch sự, đứng đắn và tử
tế hơn đám cảnh sát kia.”
Thay ngôi đổi thứ
Kể từ đấy, tôi mới bắt đầu để ý
quan sát và phân biệt giữa cảnh sát và an ninh. Rõ ràng là trong dân chúng,
danh xưng “sỹ quan an ninh” nghe vẫn oai hơn “sỹ quan cảnh sát”; trường Đại học
An ninh Nhân dân luôn “danh giá” hơn, với điểm thi tuyển đầu vào cao hơn trường
Đại học Cảnh sát Nhân dân. Quân phục sỹ quan an ninh trông đẹp, trang nhã hơn
quân phục sỹ quan cảnh sát. Bộ trưởng Công an và giám đốc công an các tỉnh,
thành đa phần đều xuất thân từ lực lượng an ninh.
Lực lượng cảnh sát thì quả đúng
như lời người bạn tù của tôi từng nhận xét. Điều khác biệt duy nhất hiện nay so
với thời điểm tôi ngồi tù có lẽ là họ ngày càng mập mạp hơn, tham lam hơn, tàn
bạo hơn, trắng trợn hơn, lỗ mãng hơn mà thôi.
Tuy nhiên, sự chênh lệch về “phẩm
giá” giữa cảnh sát và an ninh trong mắt tôi lại chỉ tồn tại trong một thời gian
ngắn ngủi. Càng ngày tôi lại càng thấy đám cảnh sát võ biền thực ra còn dễ chấp
nhận hơn đám an ninh trông có vẻ trí thức kia, không phải vì các sỹ quan an
ninh ở Quảng Trị đã không bảo vệ tôi trong vụ án của mình. (Dù họ có muốn như vậy đi chăng nữa
thì điều đó cũng nằm ngoài khả năng của họ.)
‘Thượng bất chính…’
Hình ảnh những tên cướp ngày mang
phù hiệu “Cảnh sát Giao thông” giờ đây đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người
dân Việt Nam. Dù vẫn là một hình ảnh phản cảm nhưng ở mức độ nào đó người ta
cũng “chia sẻ” với những tên cướp mang quân phục khi họ không úp mở rằng để
được cầm chiếc gậy ấy ra đứng đường, họ phải chạy chọt hàng trăm triệu, thậm
chí cả tỷ bạc.
Số tiền mà họ ăn cướp được chỉ
nằm lại túi họ một phần nào thôi: họ phải trích ra để rải từ đội trưởng đến
trưởng phòng CSGT, đến ban giám đốc công an tỉnh, đến lãnh đạo Bộ Công an. Để được
ngồi vào chiếc ghế của mình, đội trưởng CSGT phải lo chạy chọt trưởng phòng
CSGT; trưởng phòng CSGT phải lo “cống nộp” ban giám đốc công an tỉnh, ban tổ
chức tỉnh uỷ; ban giám đốc công an tỉnh phải lo “quà cáp” cho lãnh đạo tỉnh,
lãnh đạo Bộ Công an; lãnh đạo Bộ Công an phải lo lót Bộ Chính trị, Ban Bí thư,
Chính phủ, Quốc hội… tất thảy đều từ những đồng tiền ăn cướp của nhân dân mà ra
cả.
“Nhà dột từ nóc”, tham nhũng bắt
đầu từ chính những lãnh đạo chóp bu của hệ thống, bất kể đó là người vẫn ví von
“tham nhũng như ngứa ghẻ” hay đó là kẻ từng trịnh trọng tuyên bố “nếu không chống được tham
nhũng tôi xin từ chức ngay”. Tình cảnh “ngậm miệng ăn tiền” trong các vụ tham
nhũng không đơn thuần là điều mà đám cảnh sát chống tham nhũng vốn đã bị tha
hoá ưa thích: họ không thể hành xử trái với “chỉ đạo” của những thực thể nằm
ngoài sự điều chỉnh của pháp luật là “huyện uỷ”, “tỉnh uỷ” và “Bộ Chính trị”.
Nhìn chung, những viên CSGT kia,
cũng như những cảnh sát điều tra trong các vụ án hình sự, thường lợi dụng cây
gậy pháp luật mà “đảng và nhà nước” giao cho để dụ các khổ chủ, những “con mồi”
của họ, tuân theo “đạo lý”: “của đồng chia ba, của nhà chia đôi”.
‘Anh là ai?’
Trong khi đó, đối tượng của lực
lượng an ninh Việt Nam hiện nay xem ra chủ yếu là giới đấu tranh, những người
sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mình có để đổi lấy tương lai tươi sáng cho đất
nước, và… bà con dân oan, những nạn nhân bị cướp đoạt tài sản và bị đẩy vào
đường cùng.
Trong khi người Trung Quốc, kẻ
thù truyền kiếp của dân tộc, nghênh ngang khắp Việt Nam như đi vào chốn không người
mà vẫn không khiến bộ máy an ninh Việt Nam phải bận tâm thì hầu như bất cứ động
tĩnh nào của những người lên tiếng đấu tranh chống bành trướng Trung Quốc ở
Việt Nam cũng đều không thoát khỏi con mắt cú vọ của họ.
Lực lượng an ninh không chỉ sách
nhiễu, bắt giam, bỏ tù… những người dấn thân đấu tranh đòi tự do - dân chủ -
nhân quyền cho Việt Nam, mà còn sẵn sàng hành xử như những tên côn đồ khát máu
với họ. Chưa hết, an ninh cộng sản còn bày ra đủ trò cài cắm, mua chuộc, gây
chia rẽ… vô cùng thâm độc, xảo quyệt hòng phá hoại phong trào đấu tranh.
Bà con dân oan, những người phải
rời bỏ quê hương bản quán ra thủ đô “ngàn năm văn hiến” lay lắt vật vạ để đòi
quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền được sống, cũng là đối tượng
được bộ máy an ninh “chăm sóc” kỹ. Những vụ đàn áp nhằm vào dân oan do bộ máy
an ninh chỉ đạo vẫn thường xuyên xẩy ra, thậm chí ngay cả khi bà con đang ngủ trong lều bạt giữa thời tiết giá rét.
Trong bài “Đôi mắt người dân oan”, blogger Người Buôn Gió đã tả
cảnh một người dân oan bị mấy tay an ninh mặc thường phục hành hung và ngã
xuống ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, nơi chỉ cách “Lăng Bác” mấy bước chân. Ông
nằm bất động, với đôi mắt vô hồn, trống rỗng, ai oán, tuyệt vọng, không còn tha
thiết gì với sự đời… Lảng vảng xung quanh ông là những sỹ quan “an ninh nhân
dân” mặc thường phục, mang bộ mặt lạnh lùng, vô cảm.
Thanh kiếm của Đảng
Nhân kỷ niệm 70 năm hung thần
“Công an Nhân dân” ra đời, ban lãnh đạo Đảng CSVN vừa mới trao tặng Huân chương
Sao Vàng, phần thưởng “cao quý” nhất của chế độ, lần thứ 4 cho lực lượng mà họ
luôn ví von là “thanh kiếm của Đảng”.
Để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ
XHCN “dân chủ gấp triệu lần tư bản” và bảo đảm cho cỗ máy tham tàn, buôn dân
bán nước ở Việt Nam vận hành trơn tru, những “thanh kiếm của Đảng” mang tên an
ninh và cảnh sát kia đều nhằm vào đầu nhân dân theo cách này hay cách khác.
Điều khác biệt đáng kể nhất ở đây
là, trong khi lực lượng cảnh sát góp
phần đưa đến ngày tàn của hệ thống, bởi nó khiến cho bộ máy ngày càng ruỗng
mục, người dân ngày càng căm ghét chế độ, thì lực lượng an ninh lại không chỉ ra sức vùi dập bất cứ mầm mống
nào đem đến hy vọng cho tương lai của giống nòi, mà còn sẵn sàng dẫm đạp lên
những nỗi đau thê lương nhất của đồng loại.
Lê Anh
Hùng
304Đen -
Llttm
No comments:
Post a Comment