Bác sĩ việt cộng
Sáng thứ
hai, thiếu úy Sơn, Trưởng Cuộc Cảnh Sát xã An Hòa kế núi Trầu, về họp Phụng
Hoàng ở Văn Phòng Thường Trực Quận. Họp xong, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát rủ tất cả
các Trưởng Cuộc xuống chợ uống càphê.
Sơn cùng
với 8 anh em khác, chen nhau lên hai chiếc xe Jeep chật cứng. Tình hình lúc này
tương đối êm nên vài ba tuần mới họp Phụng Hoàng một lần, và mỗi lần đi họp anh
em lại gặp nhau, rủ nhau đi uống cà phê cho vui, trước khi về lại xã.
Xã của
Sơn buồn hiu, trái trục lộ nên chẳng bao giờ có xe hơi chạy qua. Ghe tàu, hai
ba ngày mới có một chiếc qua lại, máy nổ xình xịch, chẳng bao giờ ngừng để
khách lên xuống. Chỉ phút chốc là chiếc tàu khuất sau rặng dừa nước, trả lại
cho trụ sở xã cái vẻ hiu quạnh, lạnh lẽo của những buổi chiều mênh mông, nhất
là những buổi chiều mưa mùa đông, có chút hơi lạnh từ trong rừng tràm Trà Tiên
thoảng tới.
Trên đường đi, đại úy Chỉ Huy Trưởng, vừa lái xe vừa nói lớn với Sơn, nhưng Sơn
hiểu là muốn nói cho mọi người cùng nghe:
– “Ê! Sơn. Sáng nay bên Biệt Khu họ hành quân ở mục tiêu cậu mày cho đấy. Nếu
có đụng thì hay lắm. Như thế là tin của mình cho chính xác. Bữa trước bên Quân
Đội cũng đã khen mình một lần về việc mình cho tin, họ hành quân bắn được thằng
Tư Ngọc.”
Ngưng một
chút, Chỉ Huy Trưởng nói tiếp: “Đ.M. Bắn được cán bộ kinh tài mà họ nói không
có tiền. Mình có đòi chia đâu, cho mấy thằng đi kích nó hưởng. Tụi nó có công.”
Thiếu úy Ra, Trưởng Cuộc ở xã Tư Ngọc hoạt động, nói:
– “Em nghi nhiều khi mấy thằng lính nó dấu, chia nhau. Ngay Bộ Chỉ Huy cũng
không biết. Nhiều khi họ cũng nghĩ như đại úy, chẳng lưu ý tới, cho mấy thằng
có công nó chia nhau. Bây giờ đang mùa cày, kinh tài thâu thuế máy cày nhiều
tiền lắm. Có khi bạc triệu như không. Con vợ thằng Tư Ngọc đeo vàng đầy mình.”
Sơn cảm thấy buồn cười bởi những chuyện mà Sơn, vì sinh ra và lớn lên ở Saigon,
không bao giờ Sơn có thể nghĩ ra được.
Chồng hoạt động kinh tài Việt Cọng trong mật khu. Vợ sống ngoài bờ kinh, dọc
lộ, vùng Quốc Gia. Tuần vài lần vợ giả đi đốn tràm để tiếp tế cho chồng. Chồng
thâu thuế cho “Cách mạng” lấy bớt đưa cho vợ. Vợ có tiền mua vàng đeo đầy mình.
Chừng đó không, cũng đủ vô tình tố cáo chồng với Quốc Gia. Nhìn con vợ, tin
tình báo nhân dân cũng biết là thằng chồng có tiền vì đang vụ mùa. Phục kích
bắn thằng chồng là vừa có tiền, vừa có công.
Mười tám tuổi, đậu tú tài xong, Sơn đang ngập ngừng trước nhiều ngã đường: Tiếp
tục học nữa? Đi lính: Võ Bị, Không Quân, Hải Quân… thì bỗng người dượng, chồng
của cô, đang giữ chức lớn trong ngành Cảnh Sát, khuyến khích Sơn nên đi Cảnh
Sát, vừa đỡ vất vã vừa đỡ “lạnh giò”. Cả nhà khuyên Sơn, và Sơn đi. Ra trường,
19 tuổi, về ở cái xã hiu quạnh này, ngày chỉ thấy rừng tràm mênh mông, đêm chỉ
thấy đèn dầu và trăng rất sang. Ở Saigon, Sơn ít khi thấy được trăng. Những đêm
trăng, Sơn ít lo, dễ bị phát hiện nên ít khi Việt Cọng tấn công.
Có lần, Chỉ Huy Trưởng nói: “Cụ Ngô nói Việt Cọng là Cọng Phỉ là đúng quá. Cách
mạng gì bọn này. Làm Cách Mạng là hy sinh còn tụi Việt Cọng chỉ lo quyền lợi
của chúng. Đốn tràm, tát đìa, thu thuế nông nghiệp chỉ nhắm vào lợi riêng.
Không là thổ phỉ thì là gì?” Lại có lần, ăn hủ tiếu xong, đang uống càphê, ông
ta nói: “Mấy ông biết không, mình đi đánh giặc ở đây là “giặc mùa”. Không phải
là giặc mùa như hồi Tây Sơn, Nguyễn Ánh mà là mùa lúa, mùa cày. Mùa lúa Việt
Cọng thâu thuế nông nghiệp, mùa cày tụi nó thâu thuế máy cày. Cứ đến mùa là nó
ra. Mình cứ thế mà đánh. Chắc ăn trăm phần trăm.”
Mấy hôm trước, Sơn ghi nhận được tin đồng bào đi đốn tràm cho biết có mấy tên
Việt Cộng xuất hiện ở khu rừng tràm cuối kinh Ô Môi, chưa rõ ý đồ. Có thể là
chúng đang chuẩn bị tấn công đồn bót hay một xã nào đó. Sơn lật bản đồ, chấm
tọa độ rồi làm công điện báo về cho Bộ Chỉ Huy. Bộ Chỉ Huy thông báo là bên
phía Biệt Khu đang thi hành “Chiến Thuật Diều Hâu” của Tướng Trưởng, cần có tin
họat động của Việt Cọng để chấm mục tiêu hành quân. Nếu họ hành quân, Sơn và
lính tráng của Sơn khỏi đi, đỡ vất vả và nguy hiểm. Từ hôm Sơn phối hợp với
nghĩa quân giải tỏa một đồn ở cuối xã, bị pháo kích, trung sĩ Lê Bình Thạnh,
phó cuộc của Sơn tử trận, Sơn đã buồn, hối hận vì tính hăng của mình, lại còn
bị chỉ huy trưởng rầy nên nên ít ham đi hành quân như trước.
Vừa ăn xong, bỗng Thiếu tá Thanh, Trưởng Phòng 3 Biệt Khu lái xe tới. Ông ta
vẫn ngồi trên xe, nói với vào:
– “Chỉ Huy Trưởng, vừa bắt được Bác sĩ Việt Cọng đấy. Tôi sắp bay vào trong. Đi
không? Nhanh lên.”
Chỉ Huy Trưởng hỏi lại:
– “Chỗ nào?”
– “Tọa độ ông cho chớ chỗ nào! Thằng John, cố vấn, được tin nó mừng lắm. Nó
cũng đi.”
Chỉ Huy Trưởng nói gấp, như sợ trễ:
– “Vâng, vâng, tôi đi. Tôi cũng đi. Tôi ra ngay bãi đáp, phải không?”
Thiếu tá Thanh nói “OK, OK” rồi đi ngay.
Chỉ Huy Trưởng quay qua nói với Sơn:
– “Công của ông đấy. Đi không? Đi cho biết đất đai của mình.”
Thấy Sơn gật đầu đồng ý, Chỉ Huy Trưởng nói đùa:
– “Đi là đi. Rủi máy bay trực thăng có sút cánh quạt đừng đổ thừa tui đấy nhé.”
&
Từ xa, Sơn đã thấy khói vàng bốc lên phía ngoài khu rừng tràm, chỗ đánh dấu bãi
đáp trực thăng, trong khi ấy Thiếu tá Thanh đang điện đàm với Đại Đội Trưởng,
chỉ huy đơn vị hành quân. Tiếng nói trong loa PRC phát ra rè rè, nhưng nghe
cũng khá rõ:
– “Không có đường vô rừng tràm, nước ngang tới bụng. “Đại Bàng” cứ ở ngoài bãi
đáp. Em cho dẫn tù binh ra.”
Máy bay vừa đáp thì Đại Đội Trưởng đã ra tới nơi, theo sau anh ta là một bà già
– nói cho đúng chữ như người ta thường nói là “Bà già trầu” – Quả thật là bà ta
đang ăn trầu, nhai trật trệu vì sún răng, miệng đỏ nước vôi. Thiếu tá Thanh
nhìn quanh rồi hỏi Đại Đội Trưởng:
– “Bác sĩ Việt Cọng đâu mày?”
Đại Đội Trưởng chỉ bà già, cố làm vẻ nghiêm trang, nói:
– “Dạ! Bà này. Bà già này là bác sĩ Việt Cọng.”
Mọi người
đều chưng hững. Cố vấn Mỹ thấy mọi người nhìn nhau, mặt đổi khác, nét vui vẻ vì
nghe tin bắt được bác sĩ Việt Cọng đều biến mất, thay vào đó là sững sờ. Anh ta
linh cảm một cái gì đó không ổn, bèn hỏi lại Thông Dịch Viên. Trung sĩ Thông
Dịch Viên chưa kịp nói thì Thiếu tá Thanh nói luôn bằng tiếng Anh, vẻ bực dọc:
– “Bà già
này là Bác Sĩ Việt Cọng. Mày có tin như thế không?”
Cố vấn Mỹ cười thành thật, trả lời:
– “Tao tin bà ấy là bác sĩ.”
Câu trả lời của cố vấn Mỹ làm mọi người cùng cười. Riêng Thiếu tá Thanh thì
cười gượng, nói, vẫn không hết bực dọc:
– “Tin! Tin! Đ.M. Cái gì cũng “tao tin”. Ngu bỏ mẹ. Bà ta đi học hồi nào mà ra
bác sĩ được!”
Rồi ông
ta quay qua Đại Đội trưởng, cằn nhằn: “Bộ hết chuyện giỡn rồi sao mậy? Mày đem
bà già này ra mày nói là bác sĩ?”
Đại Đội Trưởng trả lời, giọng vui, vẫn không hết nụ cười:
– “Bà ấy khai bà là bác sĩ thì em báo cáo như vậy. Đâu dám báo cáo láo. Thiếu
tá hỏi lại bà ấy coi.”
Thiếu tá Thanh quay qua bà già, nảy giờ vẫn đứng im, nhìn mọi người với vẻ sợ
hãi. Thanh nói:
– “Này, bà kia. Bà có phải là bác sĩ không?”
Bà già nghe hỏi tới mình, bỗng thấy sợ thêm. Bà ta khom người xuống, hai tay
chắp lại trước bụng, nói, giọng run run:
– “Dạ thưa . . .quan. Tui là bác sĩ.”
Thiếu tá Thanh nói như nạt:
– “Không có quan quyền nào ở đây cả. Tôi là thiếu tá, mấy ông này đều là… sĩ
quan. Bà cứ gọi bằng ông hay bằng anh cũng được.” Rồi ông ta hỏi một lần nữa,
gay gắt:
– “Có phải bà là bác sĩ không?” Không đợi trả lời, ông ta nói thêm:
– “Bác sĩ gì mà kỳ cục dzậy?”
Sơn cũng cảm thấy kỳ cục thật, và buồn cười nữa. Nghe tin bắt được Bác Sĩ Việt
Cọng, Sơn mường tượng hình ảnh một người đàn ông đạo mạo, chững chạc, đeo kính
trắng gọng vàng như các bác sĩ mà Sơn đã có dịp gặp ở Saigon, hoặc ít ra thì
cũng là một người đàn ông trẻ, mặc quần áo bộ đội, nhưng mặt mày sáng sủa,
thông minh. Có dè đâu là một “bà già trầu” như thế này.
Một lúc sau, sau khi đã hết bực dọc, thiếu tá Thanh mới ôn tồn hỏi:
– “Bà
bình tĩnh mà trả lời cho tôi. Trả lời thành thật thì tôi tha còn nếu bà khai
gian, khai tầm bậy thì bà đừng trách tôi. Thứ nhất, tôi hỏi, bà có phải là bác
sĩ Việt Cộng không?”
Nghe thiếu tá Thanh nói năng dịu dàng, ôn tồn, bà già bây giờ cũng bớt sợ, bình
tĩnh trả lời:
– “Dạ thưa… ông. Tui là Bác Sĩ… Việt Cọng mà tui không phải là Việt Cọng.”
Thanh cười:
– “Bà nói kỳ! Tại sao bà là Bác Sĩ Việt Cọng mà không phải Việt Cọng. Bà học
bác sĩ lúc nào, bà theo Việt Cọng lúc nào?”
– “Dạ thưa! Tui không phải là Việt Cọng mà chính họ bắt tui đi. Họ bắt tui làm
theo họ.” Bà già nói.
Thanh hơi bực mình vì cách nói dông dài, luộm thuộm của bà già, nói:
– “Bà cứ nói rõ đi. Bà học Bác Sĩ lúc nào?”
– “Dạ thưa! Tui học hành chưa tới đâu hết. Trào Ngô Đình Diệm, ở trên Quận gọi
Xã đưa người đi học “Cô mụ hương thôn”. Cả xã, chẳng bà nào có chữ nghĩa để đi.
Cuối cùng, ông Xã trưởng gọi tui, biểu tui đi học. Tui có học “Bình Dân Học Vụ”
hồi “chín năm” (1), cũng lõm bõm đọc được chữ Quốc Ngữ. Học xong ba tháng tui
về đỡ đẻ cho mấy bà trong xã, chờ Xã xây nhà hộ sinh xong thì giao cho tui. Bất
đồ ông xã bị Việt Cọng ám sát chết. Chương trình xây nhà hộ sinh không hiểu sao
cũng dẹp luôn. Tui cũng không còn được ăn lương chánh phủ nữa, đỡ cho ai thì
người đó trả tiền. Tui không có chồng con gì, sống cũng tạm đủ.”
Thanh nói gần như gắt:
– “Sống tạm đủ, vậy bà còn theo Việt Cộng làm gì?”
Bà già năn nỉ:
– “Dạ không! Mấy năm sau này đánh nhau dữ lắm. Xã di tản, rồi về, rồi lại đi,
có khi sáng về, chiều đi, có khi ở ngoài quận luôn, Xã gần như bỏ không. Nhiều
trận “cách mạng” Việt Cọng đánh nhau ở đâu, đem thương binh về để đầy trong
hang núi Mo-So, thiếu người chăm sóc. Họ không có bác sĩ. Chỉ có một y tá mà
tới mấy chục người bị thương. Họ cần người giúp đỡ băng bó vết thương, chích
thuốc cho thương binh. Biết tui có học ở bịnh viện, cũng biết băng bó, chích
thuốc, nên họ yêu cầu tui ra “phục vụ cách mạng”. Thấy thương binh đau đớn rên
la tội nghiệp nên tui ra. Với lại không ra cũng không được. Không ra họ qui là
phản động, bắt đi cải tạo ngay.”
Thanh hỏi, nôn nóng:
– “Vậy rồi bà đi lần lên bác sĩ?”
Bà già bây giờ đã hết sợ hẳn, binh tĩnh trả lời:
– “Dạ không. Được mấy năm, họ kêu tui đi học y sĩ. Họ biểu đi thì tui đi!”
– “Học ở đâu?” Thanh hỏi, “Đại Học Hà Nội hay Saigon?”
Bà già cười, mắc cở:
– “Có “đại học, học đại” gì đâu! Học trong Cục Rờ (R). Ba tháng là xong khóa.
Ban đầu, họ gọi là y sĩ. Sau đó gọi bác sĩ. Họ gọi sao, tui hay vậy”.
Chỉ Huy Trưởng nói, kinh ngạc:
– “Ba tháng ra bác sĩ. Học cái gì mà kinh khủng vậy? Y tá còn học cả năm. Học
xong bác sĩ, bà biết thêm cái gì? (2) Học như bà thì chỉ làm việc cho hãng
Tobia.” (3)
Mọi người cười vì câu nói đùa đó. Bà già không biết gì, cũng cười theo:
– “Trước khi đi học thì băng bó, chích thuốc. Học xong về cùng băng bó, chích
thuốc. Họ nói sau này ra Hà Nội học bổ túc. Bác sĩ từ y tá lên mới giỏi. Ngoài
Bắc, bác sĩ loại giỏi này nhiều lắm!”
Thanh cười:
– “Vậy bây giờ tôi đưa bà ra Bắc cho bà học lại nhé?”
Bà già chắp tay trước ngực, nói, miệng hơi mỉm cười:
– “Lạy Phật. Đừng đưa tui ra Bắc tội nghiệp tui. Tui không quen ở xứ người ta.”
Tới bây giờ Đại Đội Trưởng mới nói:
– “Bà là Việt Cọng mà lạy Phật gì! Bà xạo không?”
Bà ta nhìn qua phía Đại Đội Trưởng, trần tình:
– “Dạ tui theo đạo Phật thiệt. Lâu lâu có đi chùa. Hồi đánh nhau một trận, chùa
sập. Ông thầy chùa lấy tiền “bồi thường chiến tranh” trên tỉnh về cấp phát rồi
bỏ đi mất tiêu. Thành ra xã không còn chùa.”
Đại Đội Trưởng vẫn chưa hết tức giận:
– “Vậy Việt Cọng nó cho bà theo Phật sao?” Rồi anh ta lại đùa. “Phật là của
tui. Bà là Việt Cọng không có Phật Thánh gì đâu!”
Bà già nhanh nhẫu:
– “Dạ không, dạ không! Có lạy Phật tui nói thầm trong miệng thôi. Nếu họ nghe,
họ nói mê tín dị đoan. Họ phê bình dữ lắm, thành ra không dám nói “Mô Phật”.
Thanh cắt ngang:
– “Thôi việc đó biết rồi. Bây giờ bà phải nói rõ bà ở đơn vị nào?”
Bà già trả lời:
– “Sau này núi Mo-So trở thành trạm xá, họ giao cho tui cai quản. Trạm xá này
nhận chỉ thị, thuốc men từ tỉnh ủy Long-Châu-Hà”. (4)
Thanh hỏi:
– “Tại sao bà không ở trong trạm xá, về đây làm chi để bị bắt. Bà về công tác
gì?”
– “Dạ thưa” – bà già nói – “Tui không có công tác chi hết. Từ hồi ký Hiệp Định
tới giờ, ít đánh nhau, thường có tới thương binh nào thì họ đưa về cục Rờ (R)
hết, thành ra tui rỗi rãi. Hôm qua có mấy cán bộ từ Huyện xuống, họ đóng nơi
rừng tràm chờ thâu thuế. Tui theo họ, tính về Xã thăm bà con. Ra tới nơi thì
lính nhảy từ trên trực thăng xuống. Mấy ông kia chống cự bị bắn chết hết. Còn
tui hàng đầu.”
Chỉ Huy Trưởng hỏi:
– “Bây giờ bà muốn ở tù không? – Tù mấy năm? Già cả như bà chắc chưa hết hạn tù
đã “ngủm củ tỏi” rồi. Chính phủ tốn cái hòm.”
Bà già nói gần như khóc:
– “Xin
mấy… quan thương tui già cả tội nghiệp. – Tù chắc chết. Xin tha cho tui
kẻo tội trời!”
Thanh quay qua hỏi Chỉ Huy Trưởng:
– “Bây giờ tính sao, Chỉ Huy trưởng? Bắt nhằm bà già này, kẹt ghê! “Cải danh
hồi chánh” được không?”
Chỉ Huy Trưởng nói “Được”, rồi quay sang nói với bà già:
– “Bây giờ tôi làm giùm cho bà cái đơn xin hồi chánh. Bà đi học ba tháng ở
“Trung Tâm Chiêu Hồi” rồi về thôi, khỏi ở tù. Bà có thể xin cấp nhà trong “làng
Chiêu Hồi” để ở.”
Bà già “dạ” mấy tiếng, rồi hỏi tiếp:
– “Sao hồi chánh rồi lại chiêu hồi? Tui ưng chiêu hồi thôi. Nghe nói chiêu hồi
sướng lắm! Chỉ buồn là già rồi, không có con cháu, biết ở với ai!”
Chỉ Huy Trưởng giải thích:
– “Hồi chánh cũng là chiêu hồi, là về với Chánh Nghĩa Quốc Gia, không theo Việt
Cọng là Phi Nghĩa nữa. Đừng nghe mấy thằng Việt Cọng dụ dỗ ngon ngọt, kêu bằng
mẹ, mẹ, rồi theo nó. Có ngày máy bay bắn nát óc, không ai chôn. Nghe chưa?”
Tuy có khi nói như nạt nộ, nhưng Sơn thấy ai cũng tỏ vẻ tội nghiệp cho bà già.
Sơn nghĩ đến mẹ mình và thấy xót xa. “Người ta” vẽ ra thật đẹp hình ảnh “Mẹ
Việt Nam”. Chẳng qua là để tuyên truyền, lừa mị, phỉnh gạt. Còn người mẹ Việt
Nam đích thực thì được gì? Như bà già này đây hay như mẹ Sơn. Có con như mẹ Sơn
hay không có con như bà già này thì họ cũng cô đơn giống nhau. Con của đất
nước, con của Giang Sơn Tổ Quốc. Mẹ nuôi khôn lớn rồi con bỏ mẹ ra đi cầm súng,
ra chiến trường, đâu còn là con của mẹ!
Sơn bỗng thấy nhớ mẹ. Đã lâu lắm, Sơn không về thăm, mấy lần Sơn làm đơn xin đi
phép nhưng cấp chỉ huy vẫn chưa chấp thuận!
(1) “hồi chín năm”: Thời
kháng chiến chống Pháp (1945-1954)
(2) “Có thể” bà già nầy trầu là “sư mẫu” Nguyễn Tấn Dũng vì tới 30 tháng
Tư 1975, Nguyễn Tấn Dũng chỉ mới y sĩ, còn lúc ấy, bà già đã là bác sĩ rồi.
(3) “Tobia”, hãng bán hòm và lo ma chay ở Saigon trước 1975.
(4)
Long-Châu-Hà, tỉnh ủy thu hẹp của ba tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên của
Việt Cọng, trước 1975.
Hoàng Long Hải
(Trích từ
Hương Tràm Trà Tiên)
304Đen -
Llttm
No comments:
Post a Comment