Giặc Mùa
Năm 1787,
Nguyễn Ánh (sử gọi là Nguyễn Vương) từ Xiêm La về chiếm đất Gia Định (tên gọi
chung miền Nam hồi bấy giờ), củng cố việc cai trị rồi cho quân đánh phá đất Qui
Nhơn là căn cứ địa nhà Tây Sơn. Đích thân Nguyễn Ánh ra đánh Qui Nhơn ba lần,
kéo dài khoảng chục năm. Tuy nhiên, cứ mỗi năm, Nguyễn Ánh cho binh tướng giong
thuyền ra đánh phá, quấy rối nhà Tây Sơn vài bận.
Việc quân lính Nguyễn Ánh ra đánh miền Trung là phải dùng thuyền, nên phải chờ
tới gió mùa. Về mùa đông, gió mùa đông bắc (gọi là gió Bấc) thổi mạnh, thường
có gió lớn, có khi có bão, lại rét buốt thì binh lính được nghỉ ngơi. Chờ khi
hè tới, có gió mùa tây nam thổi tới. Gió nầy gọi là gió Nồm, hay còn gọi là gió
Nam (“May được nồm nam cơn gió thổi” – “Con cuốc vào hè” – Nguyễn
Khuyến), thuận buồm xuôi gió, quân chúa Nguyễn ra đánh phá vùng Qui Nhơn.
Vì chờ có
gió mùa thổi mới đem quân đánh nhau, nên sử gọi là “giặc mùa.”
Người dân
thấy cảnh anh em nhà Tây Sơn tranh giành nhau, cũng ngán. Vã lại xứ Đằng Trong
là đất đai chúa Nguyễn, do các chúa cho khai phá mà có, nên lòng người còn nhớ
ơn chúa Nguyễn lắm. Sau khi bị nhà Tây Sơn đánh đuổi năm 1775, chúa Nguyễn chạy
vào Nam, người dân vẫn mong có ngày chúa Nguyễn lại trở về, nên hồi đó có câu
ca dao:
Lạy trời cho nổi gió Nồm
Để cho chúa Nguyễn kéo buồm
thẳng ra.
Đó là nói chuyện giặc mùa ngày xưa.
Thời kỳ tôi ở Rạch Giá – Kiên Giang, cũng có giặc: hai bên Quốc Gia – Cộng Sản
đánh nhau theo mùa, tôi cũng gọi là “Giặc Mùa”.
Về Kiên Giang được ít năm, theo dõi tình hình Việt Cộng hoạt động ở đây, tôi
nói với nhân viên:
“Mình đi
đánh giặc ở đây cũng là giặc mùa. Tới mùa cày, (tiếng địa phương), chúng nó
(tức là Việt Cộng) thua thuế máy cày; tới mùa lúa (tức mùa gặt, tiếng địa
phương), chúng nó thu thuế nông nghiệp. Cứ mấy chỗ có máy cày đang cày, mấy cái
cà-tang (chỗ gom lúa) mà rình tụi kinh tài, thế nào cũng trúng mục tiêu. Chắc
ăn.”
Kiên Giang đất rộng người thưa, tình hình hơi yên ổn một chút, mặc sức làm
ruộng, dân chúng tương đối sung túc. Việc làm ruộng ở đây cũng theo mùa, mỗi
năm có hai mùa: Mùa cày và mùa gặt, – thường gọi là mùa lúa -. Tụi Việt Cộng
cũng theo đó mà thu thuế. Chúng nó thu “ác” lắm, dân tình nhiều khi không khỏi
ức lòng, “chảy nước mắt”.
Ở vùng Cái Sắn, bên phía kinh Thạnh Tây (dinh điền Cái Sắn phần lớn nằm dọc
theo kinh Thạnh Đông. Kinh nầy chạy theo trục lộ Rạch Giá – Hà Tiên. Phía Cờ
Đỏ, thuộc Long Xuyên, cũng có một con kinh song song với kinh Thạnh Động, tên
là kinh Thạnh Tây. Tới mùa lúa, sau khi gặt xong, lúa gom lại thành vòng tròn
rồi cho xe máy cày chạy cán lên lúa, hột lúa rời ra. Sau khi xóc rơm quăng đi,
lúa gom hàng đống, có đống cao như ngọn đồi, người ta gọi là cà tang lúa.
Cà tang, có lẽ là tiếng Miên.
Đêm khuya, Việt Cọng từ phía Thạnh Tây, Cờ Đỏ tìm ra mấy cà tang lúa bắt chủ
ruộng đóng thuế nông nghiệp. Không ai muốn yên thân mà không đóng thuế cho Việt
Cộng được. Không đóng thuế thì bị chúng bắt, bị tù, có tiền chuộc mới được tha.
Khi tôi về vùng nầy khoảng từ cuối 1972 đến khi “đứt phim”, chưa thấy ai bị
giết, có lẽ kinh nghiệm sống cho người dân biết phận mình là phải đóng thuế,
chẳng ai tránh được.
Bên phía tây, là xã Tân Hội, quận Kiên Tân, tỉnh Kiên Giang thì dân làm ruộng
bên phía đồng Huệ Đức (quận Huệ Đức, tỉnh Long Xuyên). Đồng Huệ Đức sát xã Tân
Hội. Tình cảnh dân chúng cũng vậy. Chuyện bên nầy, tôi sẽ kể sau, khi tôi viết
về xã Tân Hội. Độc giả muốn đọc xin chờ bài sau.
Nói chung, toàn bộ tỉnh Kiên Giang – tỉnh lúa gạo và cá, tình cảnh dân chúng
giống nhau. Tư Trạng, quê ở Vàm Rầy, xã Đức Phương, quận Kiên Lương, có kể
nhiều chuyện cho tôi nghe. Trước hết là chuyện Tư Trạng làm nghề chủ dựa (vựa)
tràm.
Nhà Tư Trạng kế nhà chị Tư Nết. (tên Tây là Annette). Dân chúng không rành tiếng
Tây, gọi tắt là chị Tư Nết, vì “chị” ấy thứ Tư, con ông chủ Ri (tên Tây là
Henry – dân chúng cũng gọi tắt). Nhà ông chủ Ri ở Vàm Rầy đã bị phá mất, chỉ
còn cái nền gạch và mấy ngôi mộ trắng nằm gần đó. Hằng năm có người chăm sóc,
sơn quét đàng hoàng.
Hồi nhỏ,
Tư Trạng cắp sách đi học với chị Tư Nết trong ấp nên hai người có quen biết
nhau. Tò mò về gia đình vợ ông đại tướng thủ tướng, tôi hỏi chuyện Tư Trạng
nhiều lần, khi anh ta bị bắt giam vì tội làm giao liên cho Việt Cộng.
Làm giao liên cho Việt Cộng?!
Nói nghe
dữ dằn, to chuyện chớ có gì đâu, chẳng qua là sự việc như vầy:
Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm “lãnh đạo Quốc gia”, Tư Trạng làm lính Bảo An, bị
Việt Cộng bắn bị thương, què một tay. Về quê ở Vàm Rầy, Tư Trạng làm nghề chủ
dựa (vựa) tràm. Dân vào rừng đốn tràm, về bán lại cho chủ vựa. Chủ vựa gom lại,
chờ người đến mua chở lên Saigon để người ta đóng cừ làm nhà. Trong Nam người
ta đóng cừ bằng tràm. Ngoài Trung, ngoài Bắc đóng cừ bằng tre. Tre cũng như
tràm đóng xuống đất, cả trăm năm không mục, nhà khỏi bị lún.
Công việc
đốn tràm, nói nghe thì dễ, nhưng khó khăn lắm.
Mùa đông
không ai đi đốn tràm, mưa gió cực khổ. Tới mùa hè mới đi đốn tràm nhiều. Cây
tràm ở trong rừng tràm, ai có sức thì cứ vô trỏng mà đốn, chẳng cần phép tắc gì
của phía Quốc Gia cả, xã cũng như quận, tỉnh. Chỉ lâu lâu, mấy thầy chú viên
chức xã ấp, cảnh sát đi nhậu thì xin ông chủ vựa ít tiền mua mồi hay mua chai
rượu trắng hay két bia; có khi họ cùng nhậu chung, vui vẻ cả làng. Chẳng thấy
ai thắc mắc. Về phía Việt Cộng mới khổ. Trước hết là không cho đốn tràm. Chúng
nó phổ biến câu:
Đốn tràm
khô đâm mồ chiến sĩ
Đốn tràm
xanh rước Mỹ về nhà
Chiến sĩ nói ở đây là Việt Cộng, du kích, hạ tầng cơ sở, xã đội, huyện đội,
v.v… Bị chụp cho cái mũ “Rước Mỹ về nhà” là tội “phản cách mạng”, “Việt Gian
bán nước”, chỉ có nước chết mà thôi!
Thực ra, Việt Cộng không cho đốn tràm là vì hai lý do:
Trước hết là chỗ tụi nó ẩn núp, di chuyển. Dân chúng đốn tràm làm nhiều chỗ
rừng tràm thưa ra, Việt Cộng khó được chỗ ẩn núp, che dấu tốt. Thứ hai, đốn
tràm mà không đóng thuế, thì bọn chúng mất quyền lợi. Khi chúng bắt được dân
đốn tràn lậu (lậu là với chúng nó), một là tịch thu dao rựa, có khi bị tịch thu
xuồng, bị cưa xuồng ra làm hai. Đây chỉ là thứ xuồng ba lá, chèo tay. Có khi
chúng nó bắt dân đem vô rừng giam, vô mật khu, đã có người bị bắt đi, ba bốn
năm không nghe tin tức gì. Chắc là “xong đời” rồi.
Nói về
quyền lợi, không hẳn là “quyền lợi cách mạng” đâu mà nhiều khi chính là quyền
lợi riêng của đám cán bộ, cơ sở hạ tầng. Chỉ có bà con thân nhân của chúng,
chúng mới cho đốn tràm. Đốn tràm phải “đóng thuế cho cách mạng”, “góp phần đánh
thắng Mỹ, Ngụy” như chúng tuyên truyền, hoặc phải tiếp tế cho chúng. Hàng đem
vào cho chúng là thuốc rê (cho du kích), thuốc điếu Ruby (cho cán bộ), bột
ngọt, càphê, đường, muối, vải vóc, xà bông, khăn lau mặt, khan tắm … Riêng phần
chủ dựa (vựa) lâu lâu nhận được cái tin nhắn, hay cái thư viết tay, nhắc nhở
phải “đóng thuế cho cách mạng”.
Cũng đôi ba lần, Tư Trạng đóng thuế cho chúng mà không báo cáo với phía Quốc
Gia. Vậy Tư Trạng có tội, bị Quốc Gia bắt là ở điểm đó.
Nói chung, ai làm giao liên, đóng thuế, tiếp tế cho Việt Cộng đều bị Quốc Gia
bắt cả, nếu họ không khai báo với chính quyền xã, ấp. Dân quê thì đã dốt mà lại
nhát gan, nghĩ là mình có đóng thuế, tiếp tế, Quốc Gia không biết thì thôi, ai
lại “Lạy ông tui ở bụi nầy” cho thêm phần rắc rối, lôi thôi, nhiều chuyện, có
khi ngồi tù lãng xẹt.
Dân đốn tràm, nhiều khi cũng ức tình vì tụi Việt Cộng bất công, nên lén lút báo
tin tức Việt Cộng cho Quốc Gia hay mấy đứa “có thân nhân theo Việt Cộng” đốn
tràm thả giàn, muốn bao nhiêu đốn bấy nhiêu, chở khẳm ghe, còn “tụi tui” phải
đóng thuế từng cây tràm, sót một cây cũng không được với chúng, lại còn mấy
thằng dê…”.
“Dê thì
tụi nó làm chi mày?” Nghe hỏi, cô gái mắc cở, ngó đi chỗ khác, cười.
Thằng Tư Sang mới tệ. Vợ nó ở thị trấn Hà Tiên, nó làm du kích ở đường giây
1-C, trên kinh Kháng Chiến. Con Hoa, con gái mới lớn, con ông Tư ở ấp Lung Lớn,
cựu can phạm, đi đốn tràm trong rừng, bị nó đè ra hiếp dâm. Không cho nó hiếp,
nó không cho đốn tràm. Vậy mà khi vợ nó vô rừng thăm, nó còn kể cho vợ nghe.
Con vợ nổi tam bành, tới nhà con Hoa đánh ghen, chưởi cho con nhỏ một trận,
khiến con Hoa mắc cở với hàng xóm, mấy ngày đóng quán càphê, không dám mở cửa
bán, sợ chòm xóm người ta cười.
Vợ chồng
ông Tư cũng xấu mặt với dân trong ấp. Và lại còn sợ chính quyền quốc gia, sợ
xã, ấp nữa. Họ biết có liên hệ với Việt Cộng, sẽ bỏ tù. Đã bị Việt Cộng hiếp
dâm, lại còn sợ Quốc Gia bỏ tù! Còn cái khổ nào hơn cái khổ nầy?!
Biết tụi nó tiếp tế cho Việt Cộng, nghĩa quân, thám báo chi khu, cảnh sát, có
khi phối hợp, có khi “làm ăn riêng”, chận bắt.
Chuyện bắt giao liên đâu có dễ. Năm, sáu giờ sáng, dân đã chèo xuồng vô đồng.
Muốn bắt, lính tráng phải dậy từ hai, ba giờ, lặn lội vô trong kinh, chờ dân đi
ngang, xem đúng mục tiêu mới hô dừng lại xét. Chưa kịp xét thì bọn giao liên
tiếp tế đã thả hàng xuống nước, trôi mất, lại mất công toi!
Giả như
có bắt được thì họ khai là mang theo để dùng. Ra tới Ủy Ban An Ninh cũng tha mà
thôi. Mọi việc rồi cũng như cũ, chán vô cùng. Nhưng không lý cứ để cho tiếp tế,
dân không thấy kết quả, chẳng thèm báo cáo với xã ấp nữa. Việt Cộng ăn cho no,
ngủ cho ngon, đủ thứ càphê, thuốc lá đã đời rồi cầm súng đi phục kích bắn phe
ta?
Tư Trạng bị bắt vì có người khai y ra. Số là vì Việt Cộng “lập chiến công mừng
sinh nhật bác Hồ” nên đêm 18 rạng ngày 19 tháng 5 năm 1974, huyện đội Hà Tiên
tấn công xã Vàm Rầy, không chiếm xã vì xã nầy không có trụ sở. Không phá trụ sở
xã thì chúng bèn phá trường học. Trường sơ cấp xã có ba lớp, bị B-40 bắn sập cả
ba. Cuộc Cảnh Sát và Phân Chi Khu đóng chung trụ sở, thiếu úy Trực, phân chi
khu trưởng, cùng thiếu úy Phan Trí Huệ, trưởng cuộc Cảnh Sát, hai người lảnh
chung một quả bêta, cùng chết với nhau. Đại úy Danh Lol, trưởng ban 2 Chi Khu
Kiên Lương, kéo trung đội nghĩa quân về đầu cầu Vàm Rầy cố thủ ba ngày, Việt
Cộng không tiêu diệt được, bèn rút chạy khi bị một tiểu đoàn của trung đoàn 16
tới giải tỏa.
Sau trận đánh, nhiều người bị phe Quốc Gia bắt. Bắt người nầy, người nầy khi
người kia, người kia khai người nọ, tùm lum. Tư Trạng cũng “dính chấu”.
Tư Trạng kể:
– “Hồi xưa tui làm lính mà khỏe. Bây giờ bị thương về làm dân khổ lắm ông ơi!
Một cổ hai tròng. Muốn làm ăn thì phải đóng thuế, tiếp tế cho mấy chả ở trỏng.
Đóng thuế, tiếp tế thì bị Quốc Gia bắt bỏ tù. Tiếp tế còn nhẹ tội. Đóng thuế
như tui, tiền lớn, đâu dám khai với Quốc Gia, sợ bị tội nặng nên phải dấu. Tụi
nó ở trỏng thâu thuế ác lắm, đâu có vừa chi.”
“Ông nhớ con Sáu Lánh không? Tui làm chưa tới mười công ruộng mà cha con nó bắt
đóng thuế nông nghiệp năm chục ngàn. Năm chục ngàn, đâu phải nhỏ, coi như hết
ba phần tư huê lợi rồi. Tui không chịu đóng, cha con nó giữ ghe tui lại ba
ngày, lúa không phơi được, bị ẩm, hư hết. Khóc chảy nước mắt! Cha con nó cùng
xóm với tui, lạ chi nhau. Vậy mà theo mấy chả ở trong rồi làm khó dân, đòi cho
được tiền, nói là tiền của “cách mạng.” Cách mạng chi? Biết nhau quá mà. Mặt
mũi nào! Cuối cùng, tui phải chạy tiền cho cha con nó để đem ghe đem lúa về.
Chuyến đó coi như lổ trắng tay.”
Sáu Lánh, Phan Thị Lánh là con gái Bảy Lơi, – Phan Văn Lơi -, trước kia nhà
cũng ở Vàm Rầy. Khi Sáu Lánh 16 tuổi, mê cải lương, một tối thứ bảy, tới nhà Tư
Sậm ở cuối “Xóm Biển” coi cải lương trên TV. Khuya về, bị con trai Tư Sậm đè ra
hiếp dâm trong trường học. Cha là Bảy Lơi thưa kiện tới tòa án Kiên Giang nhưng
không có kết quả, không được bồi thường gì hết, trong khi con trai Tư Sậm vẫn
nhởn nhơ vui chơi. Nhà Tư Sậm, chủ bốn cái ghe đánh cá, có tiền lo lót xong đâu
đó cả rồi nên bình chân như vại.
Tức mình, Sáu Lánh bỏ vô bưng theo Việt Cộng. Được ít lâu, thấy theo Việt Cộng
có cơ khấm khá, vừa có tiền, vừa có quyền nên Sáu Lánh rủ cha cùng theo.
Cuối năm 1974, dân Vàm Rầy báo tin Bảy Lơi bị máy bay trực thăng bắn bị thương,
đang điều trị ở bệnh viện tỉnh Châu Đốc.
Uở! tại
sao Bảy Lơi không về nằm bệnh viện của Nguyễn Tấn Dũng. Bảy Lơi chê Ba Dũng kém
tay nghề giải phẩu hay Bảy Lơi chỉ là du kích, cán bộ kinh tài xã, không đủ
“tiêu chuẩn” để điều trị tại bệnh viện huyện đội.
Phe Quốc Gia biết tin, nhưng đường sá xa xôi, đò giang cách trở, chẳng muốn qua
Châu Đốc nắm đầu Bảy Lơi về trị tội. Dù có công khó đi xa bắt về, ra tới Ủy Ban
An Ninh tỉnh, biện lý cũng tha nên cho chìm xuồng câu chuyện Bảy Lơi.
Nghĩ lại phe Quốc Gia cũng buồn cười. Dân của mình, theo Việt Cộng, cũng chẳng
có biện pháp chi. Việt Cộng bị thương
thì lo chăm sóc, điều trị vết thương cho mau lành. Lành rồi, nó lại vô bưng cầm
súng đánh lại mình!
Cộng Sản thì “cách mạng triệt để”, phe ta thì ba lơi khơi. Nghĩ cho cùng, thua
cũng phải!!!
hoànglonghải
(Từ
“Hương Tràm Trà Tiên”)
304Đen -
Llttm
No comments:
Post a Comment