Thế Rồi Một Buổi Chiều
III
Sáng hôm sau, khi Dũng thức dậy, ánh
nắng đã xiên qua cửa sổ, chiếu vào sân, ngoài gác khánh, tiếng chim buổi sáng
ca hót hòa với tiếng lá thông rì rào. Dũng ngồi vào chỗ có ánh nắng để sưởi, vì
trong người thấy lạnh buốt.
Qua cửa sổ, chàng trông ra một cái
vườn rậm rạp trồng toàn ổi và chuối. Dũng toan đứng dậy xuống gác xem xét, bỗng
có tiếng chân người bước lên bực thang. Sư cô tay cầm tích nước và cái chén
bước lên, thấy Dũng có vẻ mặt sợ hãi thì mỉm cười nói:
- Ông tha lỗi, tôi làm ông sợ. Nhưng
ông cứ yên tâm, sư bà tôi không ra vườn sau này bao giờ. Mời ông xơi chén nước
chè nóng. Đêm qua ông nghỉ yên?
Dũng thấy sư cô hỏi han ân cần, có vẻ
thân mật hơn hôm trước, nên cũng mỉm cười, đáp lại:
- Đa tạ sư cô, tôi vừa mới dậy được
một lát thì sư cô lên. Tôi chưa kịp định liệu việc gì.
- Ông chớ vội vàng, ông cứ tĩnh dưỡng
cho khỏe, vì rồi ông còn phải đi nhiều. Để tôi ra ngoài xem tình hình thế nào
đã.
Khi nhà sư đi rồi, Dũng ngồi yên một
chỗ, chờ đợi tin tức. Đợi lâu, chàng đoán lúc đó vào quãng mười giờ cũng chưa
thấy sư cô về. Bụng chàng đã thấy đói, mà ở nhà chùa phải đúng giờ ngọ mới được
ăn cơm. Chàng cũng không hiểu sư cô dọn cơm cho chàng ăn ra làm sao, bằng cách
nào. Rồi chàng mỉm cười một mình, lẩm bẩm:
- Chắc là cơm nắm, muối vừng. Ăn cơm
nắm và ngồi bó gối trong cái gác nhỏ hẹp này! Có trốn đi để khỏi ở tù thì mình
cũng không khác gì ngồi tù.
Rồi mệt quá, chàng dựa lưng vào
tường, ngủ thiếp đi. Có tiếng đập vào vai. Dũng thức giấc lơ mơ tưởng thấy một
người tiên nữ đương cúi nhìn mình. Chàng mơ màng giơ hai tay lên mỉm cười...
bỗng có tiếng:
- Tôi đây mà, mời ông dậy dùng cơm.
Dũng giật mình tỉnh hẳn, hơi thẹn,
nói chữa:
- Tôi ngủ mê quá... xin sư cô tha lỗi
cho.
Nhà sư hai má đỏ ửng, không trả lời,
đặt xuống sàn một cái khay trong có một liễn cơm, một cái bát và một đĩa vừng
rang.
Hai người cùng đứng yên một lúc. Dũng
nhìn xuống khay cơm, nói pha trò để che sự ngượng nghịu của hai người:
- Khổ, tôi chẳng khác gì đứa trẻ ốm
liệt giường, liệt chiếu.
Rồi chàng nghiêm nét mặt hỏi:
- Thưa sư cô, tin tức ở ngoài ra sao,
xin sư cô cho biết.
- Ông chưa thể đi được, mà có lẽ còn
lâu ông mới có thể đi được.
Rồi sư cô kể cho Dũng nghe rành mạch
vì cớ gì. Dũng lo lắng:
- Làm thế nào bây giờ?
- Làm thế nào? Thì ông hãy cứ lánh
thân đã. Ông hay nóng ruột vô ích. Ông có việc gì vội không?
- Tôi thì lúc nào cũng có việc vội.
Nhưng bây giờ chỉ có một việc cần nhất: đi trốn.
- ở đây không là trốn sao?
Dũng cũng vẫn đã nghĩ như vậy rồi,
nhưng chàng cho là ở đây không phải nơi trốn. Ngập ngừng, chàng trả lời:
- Thưa sư cô... nhưng...
Không thấy Dũng nói hết câu, sư cô
hỏi:
- Ông bảo sao?
- Thưa cô... sư cô tha lỗi cho, tôi
mang ơn sư cô, nhưng đời tôi, tôi có kể làm gì, tôi rất ngại cho sư cô. Tôi
biết rằng tôi ở đây được yên thân không sợ gì, nhưng tôi vẫn ngại. Sư cô là
người tu hành, tôi là một người... một người trần tục...
Chàng không dám nói hết câu. Sư cô ôn
tồn đáp lại:
- Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó, nhưng
đã là kẻ tu hành, thì cốt có lòng thương người, xin ông đừng quan tâm gì cả.
Việc này chỉ có trời, Phật và ông với tôi biết mà thôi, can gì ông phải nghĩ
ngợi. Vậy xin ông cứ an tâm và xin ông dùng tạm bữa cơm chay.
Hai người nhìn nhau; sư cô vội vàng
quay mặt đi, và lật đật bước xuống thang về chùa.
Nhất Linh
(còn tiếp phần 4)
No comments:
Post a Comment