NỬA CHÉN NƯỚC CHÁO
Mặt trời chiều ráng đỏ, nằm
lơ lửng trên chòm cây bên kia sông. Những tia nắng chói xuống cỏ cây hoa trái
trên ngôi vườn của bà Tư Súng. Những chùm xoài cát đen rám nắng ửng hồng da gần
trên phần cuống. Trái nào trái nấy no tròn mơn mởn… Làm ai bơi xuồng qua ngang
nhìn thấy cũng không khỏi trầm trồ: “Chùm xoài già rọi thẳng da thấy phát
thèm…” Nắng trải mặt sông nước mơ màng phản chiếu màu ngũ sắc lấp lánh. Hiu hiu
gió thổi đám ô rô bên bờ sát mé nước cọ quẹt nhau phát ra âm thanh rào rào thật
êm tai, và đàn chim trao trảo nhảy nhót trên cây líu lo tìm trái chín.
Đường
đất dọc hai bên sông từ đầu làng đến cuối thôn, thấp thoáng những nam nữ học
trò chạy giỡn, cười nói sau giờ tan trường. Và trên sông lác lác những xuồng
ghe bơi chèo nhàn hạ. Ở cầu đình lố nhố những người rời tàu lên bến của chiếc
đò máy từ bốn năm giờ sáng chở khách ra chợ tỉnh Vĩnh Long. Âm vang tiếng tù và
còn rền vang trong gió đưa xa... báo cho dân làng biết tàu đã trở về…
Trong
cái làng quê Mỹ Đông hẻo lánh nằm cặp theo nhánh sông Tiền Giang, xa Quốc Lộ
Bốn đi đường lộ tẻ cũng phải 2 cây số. Còn dùng đường sông rạch cũng tròm trèm
khoảng đó. Làng thôn nầy tuy nằm ở địa điểm xa chợ, xa lộ lớn nhưng rất trù
phú. Nhờ thời tiết gió mưa quanh năm thuận hòa, cây trái tốt tươi luôn trúng
mùa. Thủy sản dồi dào có cá trắng (cá sông) lẫn cá đen (cá đồng) tươi ngon. Nếp
sống thôn dân an nhàn lạc nghiệp gia đình đề huề… Con cái của các gia đình dù
khá giả hay đủ ăn cũng đều được cắp sách đến trường. Cái làng nhỏ nầy còn có
nhiều hộ gia đình cho con em ra tỉnh thành học đỗ đạt nên người làm quan, làm
công chức các ngành nghề trong Chánh Phủ. Làng có đình, có chùa để dân cúng bái
tắm mát tâm linh bất cứ lúc nào và vào những ngày rằm, mùng một, ngày vía, ngày
lễ…
Bên kia
sông, gia đình chú Bảy Tửng có cậu Tâm Hùng học ở trường Trương Vĩnh Ký, và cô
Thu Hồng học trường Gia Long trên Sài Gòn. Cháu ngoại ông Cả Tám trong vàm Bà
Tứ, con của vợ chồng thầy giáo Nam cũng có mấy cô con gái đi học ở Vĩnh Long.
Sau đó cô con gái út Minh Thu của ông chuyển qua học trường nữ Trung học ở Cần
Thơ. Học xong chữ nghĩa cô đi học nghề và ra trường về làm việc ở bệnh viện
tỉnh nhà Mỹ Tho.
Dân
trong làng bịnh hoạn, hoặc tai nạn đưa xuống bệnh viện tỉnh chữa trị. Khi có
dịp gặp ông bà giáo Nam (ba má cô Minh Thu), hay ông bà Cả Tám (ông bà ngoại cô
Minh Thu) trong tiệc tùng tư nhân, hay đình đám trong làng thường được người ta
khen con cháu họ là người tốt. Bởi những người bịnh luôn được giúp đỡ tận tình
và mau mắn trong phận sự và việc làm của cô khi ốm đau đến bịnh viện nới cô
Minh Thu làm việc.
Trong
thôn làng mà “Tiếng hiền đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường”. Ông bà ngoại và ba má cô y tá Minh Thu thật
ai có cho tiền cho bạc họ cũng không vui lòng và hạnh phúc bằng có được đứa con
đứa cháu có nghĩa có tình giúp đỡ chòm xóm, láng diềng… khi người ta gặp ươn
yếu hoạn nạn như vậy.
Thôn dân
thật thà chân tình ai giúp họ một lần thì họ sẽ trả lại nhiều hơn. Cho nên mỗi
lần cô Minh Thu có dịp về thăm ông bà, cha mẹ thì cô luôn nhận được những trái
xoài chín cây ngọt lịm, rổ cam hay quít đầu mùa, bưởi mới có trái chiếng, tôm,
cá mới tát đìa bắt được. Khoai mới đào, trái đu đủ mỏ vịt vườn mới hái chưa ráo
mủ…Cô Minh Thu vui vẻ nhận và đáp lại bằng gói trà, phong bánh… có dịp mua ở
tỉnh thành. Người dân quê là như thế, họ đối xử với nhau bằng tấm chân tình. Đó
cũng nhờ vào sự giáo dục của gia đình và hoàn cảnh xã hội miền Nam theo Chánh
Thể Cộng Hòa có tự do, bình đẳng, đời sống cởi mở và lòng người tâm thành hướng
thiện. Họ tinh vào luân hồi trả vay ai ở hiền gặp lành, ác lai ác báo… Họ an
vui sống trong nghĩa nặng tình sâu giàu lòng vị tha bác ái theo thuyết nhà
Phật.
Chồng của Minh Thu
cũng không thoát khỏi. Gốc của Sĩ Điền là Giáo chức, sau tổng động viên là sĩ
quan trừ bị. Mặc dù anh đã bị thương giải ngủ, trở về dạy học lại từ 3 năm
trước (1972). Nhưng cũng không tránh khỏi kiếp nạn cải tạo đọa đày.
Tên Việt
Cộng quản giáo nơi trại anh ở tù, đã bảo:
- Nói cho cùng thì anh cũng là “nguy quyền”.
Anh từ “nguỵ quyền” rồi vào làm “ngụy quân” khi ra khỏi “nguỵ
quân” anh trở lại làm “nguỵ quyền” có đúng không? Như vậy các anh là
thành phần ưu tú và là con cưng của “Mỹ Ngụy” cần phải đi cải tạo để mở
mang trí óc u mê chứa đầy bơ sữa của các anh…
Thiệt là hết nói nổi! Chứa đầy thức
ăn tốt thì u mê cái gì? Chứa gươm đao, lưỡi lê, mả tấu mới là đáng sợ cần đi
học tập cải tạo thì mới đúng, mới phải chớ! “Thiệt cái lưỡi không xương
nhiều đường lắt léo/ Cái miệng không vành nó méo tứ tung” mà. Con thỏ, con
dê, con nai ăn củ cải, ăn rau. Con cọp,
sư tử, beo, con cáo ăn thịt sống, ăn thịt đồng loại chớ chúng có ăn rau, ăn cỏ
bao giờ? Thiệt đúng là như vậy!
Đất nước
tan thương! Gia đình ly tán bởi sự trả thù bằng mọi hình thức của đảng Cộng sản
Việt Nam chụp phủ lên đầu lên cổ người miền Nam. Người nữ y tá Minh Thu đó cũng
theo vận nước nổi trôi như bao nhiêu đồng nghiệp khác, và người dân miền Nam!
Ông bà ta thường nói: “Khi vận xuôi thì đi bán muối/ Muối cũng có giòi”
Chồng cô bị đày đi cải tạo, không biết bao giờ mới trở về. Với chế độ mới, và
ảnh hưởng chồng vừa là “Nguỵ quyền” vừa là “Ngụy quân” ở chế độ
cũ. Cho nên bây giờ cô chỉ là “Nhân viên lưu dụng” thôi.
Vào thời
Cộng Hòa, hai vợ chồng là Công chức bình thường như gia đình Minh Thu. Có hai
đứa con nếp sống họ hết sức tươm tất. Tuy lương phạn của hai vợ chồng không
được bao nhiêu, nhưng họ cũng dành dụm mua được cái nhà. Trong nhà có người
giúp việc, có truyền hình, tủ lạnh và tiện nghi... Thỉnh thoảng (tháng nào cũng
có đôi ba lần) được cha mẹ họ hàng hai bên tiếp tế cho con gà, con vịt, nếp,
gạo, trái cây vườn…
Từ ngày
Việt Cộng vào, đổi tiền, đuổi nhà, lấy đất chia 5 xẻ 7 cho nhau… Dân chúng lầm
than khốn khổ ai cũng tự lo lấy thân còn không đủ, thì cha mẹ, họ hàng đâu còn
dư dả mà cho con cho cháu. Vì thế nguồn cung cấp giúp đỡ của gia đình cha mẹ
hai bên của Minh Thu không còn như trước nữa. Hàng tháng nhà nước cấp cho nhân
viên lưu dụng mười mấy ký gạo. Đôi lần trong tháng bán rẻ cho ký cá, ký mắm …
hoặc bầu bí tịch thu được của những người lén mua bán bên ngoài vòng kiểm soát
của chúng mà thôi.
Bây giờ Minh Thu đã hai màu tóc, cứ
ba tuần phải nhuộm đen một lần. Còn Sĩ Điền chồng nàng thì tóc bạc phơ phơ...
nhưng anh không chịu nhuộm đen như vợ.
Anh chớp
chớp mắt, miệng cười chúm chím, rồi bảo với các con và vợ rằng:
- Tôi không nhuộm tóc, vì muốn mình mái tóc
trông có vẻ phong sương như mái tóc của tài tử điện ảnh Đoàn Châu Mậu ngày xưa!
Nghe nói Minh Thu hấy chồng con mắt
có đuôi, trề môi dài cả thước, giả giọng Bắc Kỳ:
- Ối ông bà ông vải ơi! Ông chồng tui bị cải tạo
mười mấy năm giời, lượm được cái mạng sống về với vợ con là phước đức ông bà để
lại rồi. Nay già cúp bình thiếc rồi mà còn mơ giống tài tử đóng phim nữa đấy!
Hiếu
Minh đức con trai của hai vợ chồng cười hì hì nhìn cha. Rồi cậu ta gật gù:
- Ba nói đúng đó! Ba con ngày xưa có thua ai
đâu! Bây giờ ghi tên xin làm tài tử đóng phim vai ông ngoại ông nội còn được
chớ mẹ! Trông ba vẫn còn phong độ lắm lắm mà…
Sĩ Điền nheo mắt thông đồng với
thằng con. Thằng ma lanh nầy hiểu ý cha gật đầu rồi lớn họng cười ha hả. Giọng
cười hào sảng như tuôn ánh sáng. Rồi làm bộ vỗ trán, cúi mặt ra điều suy nghĩ:
- À, có chớ, con quên nữa là dạo nầy ba hơi
lãng tai một chút thôi! Có đúng không mẹ?
Minh Thu
nghe tật mới của chồng liền sáng mắt, liếc xéo:
- Đúng, đúng… Ba con dạo nầy lỗ tai điếc ngắt
hà! Ổng điếc là khi nào mẹ nhờ ổng giúp dùm điều gì như là phụ kê chiếc tủ, làm
dùm cái giàn ngoài hiên sau cho dây bầu leo, đổi dùm vị trí cái giường… Ổng
ngồi chần dần gần đó mà nín khe, làm thinh không trả lời rồi lờ đi không làm
dùm. Nếu mẹ càm ràm nhắc lại thì ổng tỉnh bơ bảo: “Tui có nghe em nói gì đâu…”
Nhưng nồi đất nồi đồng ơi, khi mẹ con mình nói lén, nói xấu ổng nhỏ xíu ở trong
buồng mà ổng nghe hết trọi…
Thế là
hai cha con cười hô hố muốn vỡ cả nóc nhà. Kẻ nào đang uống nước đứng gần đó
cũng bị sặc tùm lum… Thì ra Sĩ Điền cố tình toa rập với thằng con chọc ghẹo có
cớ cho vợ đay nghiến mình để cả nhà cười cho vui…
Ở nhà
thờ, Thánh đường họ còn trang hoàng quy mô hơn, có tiệc tùng lớn, có văn nghê,
có những bài thánh ca, những bài nhạc Tết.
Chương trình Giáng Sinh, Tết trên các đài truyền hình toàn nước Mỹ vang
vang suốt đêm ngày trong mùa Giáng Sinh và Tết từ đầu tháng 12 cho đến giữa
tháng 1 năm mới… Lễ Giáng Sinh và cái Tết thật sự phồn vinh của xứ người làm
Minh Thu chạnh lòng nhớ đến mùa Giáng Sinh đầu tiên, khi giặc tràn vào chiếm cứ
miền Nam.
Năm đó
gần ngày lễ, ngày Tết, Minh Thu hy vọng được sự khoan hồng của nhà nước sẽ dễ
dãi trong việc thăm nuôi chồng trong vòng lao lý tội tù của giặc. Cô quên đi là
chế độ Cộng Sản theo chủ nghĩa vô thần, nên Giáng Sinh Tết nhứt có nhằm nhò ảnh
hưởng gì đến họ đâu.
Ba mẹ
con cô đùm túm đi thăm nuôi chồng, cha trong tù! Lúc về bị trận mưa mẹ con ướt
loi ngoi. Thời tiết cũng thay đổi theo cơ trời vận nước sao? Vào mùa Giáng Sinh
mà tiết trời thiệt là lạ lùng. Ẩm ướt, nước ngập đường ngập sá phải lội bì bõm
qua những bờ mẫu để ra Quốc lộ trở về nhà cho kịp trong ngày. Gió hắt hiu lành
lạnh giống như vào mùa nước nổi khoảng tháng 8, tháng 9 Âm lịch vậy. Rồi tiếp
theo mấy hôm liền không thấy mặt trời. Không gian xám đen, ủ dột… Mưa lất phất,
rỉ rả cả đêm lẫn ngày. Cây trái hoa màu ủng nước nên mùa màng thất bát… Dân đói
khổ lại càng khốn đốn thêm!
Minh Thu
ôm con trong vòng tay mà nước mắt chan hòa! Có lẽ mắc đám mưa hôm đi thăm cha,
mà thằng Hiếu Minh con trai cô 5 tuổi bị nóng sốt hai hôm nay. Thằng bé mắt
nhắm nghiền, môi ửng đó khô nứt rướm máu, trán hâm hấp nóng, hơi thở mệt nhọc…
Mặt mày tái nhợt… Khi trở mình cháu thoi thóp gọi “Ba ơi!” Ôi, có nỗi đau khổ
đoạn trường nào hơn khi người mẹ đang ôm rì đứa con đang quằn quại trên tay,
hơi thở thụp thò như đang đi lần vào cõi chết!
Thuốc
men từ Việt Cộng tràn vào đến giờ thiếu nguồn cung cấp viện trợ của Âu, Mỹ nên
đã cạn dần. Kho thuốc ở các bệnh viện gần như trống không. Các nhà thuốc tây tư
nhân đều bị nhà nước tịch thu.
Ở khu
trị bệnh trẻ em lúc nào cũng có đứa chết vì dịch bịnh “Sốt xuất huyết”
đang hoành hành lên cao độ ở trong vùng! Minh Thu ngoài lục lạo tìm kiếm thuốc
cần thiết cho bịnh của con được thứ nào hay thứ đó. Cô tan nát cõi lòng… Chỉ
còn có một nơi để cô bám víu và hy vọng là cầu xin khấn nguyện với Ơn Trên mà
thôi…Bởi thấy gia cảnh chị Huyên con gái ông Hào Các ở xóm trong làng. Năm đó
chưa đầy 6 tháng 3 đứa con chị chết trong dịch “Sốt xuất huyết”. Chị Huyên phát
“sảng”! Thẫn thờ như người mất trí khiến cô càng thêm hoảng hốt lo sợ hơn!
Minh Thu
buông tiếng thở dài thườn thượt… Âu cũng là cái số của mỗi con người! Hiếu Minh
năm nay đã ngoài 30 tuổi rồi. Tuổi nầy ở quê nhà khi xưa thì không còn là tuổi
thanh niên. Nhưng ở đây ăn uống đầy đủ, hít thở không khí trong lành, học hành
đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp vững chắc, không âu lo, không sợ sệt. Được
sống trong một nước có hoàn cảnh tốt. Con người thật sự được hưởng tự do. Nên
Hiếu Minh tướng tá cao lớn, khỏe mạnh không thua dân bản xứ. Cậu ta còn thừa
hưởng mặt mày khôi vĩ, tánh tình hào phóng, yêu đời, an phận cho hiện tại như
nếp sống của cha mẹ, nên cậu ta rất hạnh phúc.
Chiều
nay, Hiếu Minh đi làm về sớm đưa ba mẹ qua làng bên khoảng 45 phút lái xe. Để
dự lễ sinh nhựt của bác Hiến bạn của ba cậu hồi cả hai còn đi học, chưa lập gia
đình.
Ông bà
Hiến có 3 đứa con đã thành nhân ở xa. Lễ Tết họ mới về thăm cha mẹ. Hai đứa con
của Sĩ Điền đứa gái lớn và thằng trai út cũng có gia đình ở xa. Vì thế hai cặp
bạn già cuối năm hẹn hò mừng sinh nhật và lễ Gáng Sinh để có cớ gặp nhau mà hàn
huyên tâm sự...
Đêm nay
sau khi ăn uống thì đã mười giờ hơn. Vợ chồng Sĩ Điền và đứa con trai từ giã
ông bà Hiến để về nhà. Đây đâu phải là lần đầu, mà cứ vài tháng thì họ hẹn gặp
nhau vào chiều cuối tuần nào đó. Khi nhà ông bà Hiến khi ở nhà vợ chồng Sĩ
Điền. Họ đãi nhau những món ăn đậm tình quê hương: Khi là bánh xèo, gỏi cuốn.
Khi gỏi tôm thịt trộn với dưa leo, củ cải đỏ, củ cải trắng, trái su để rau thơm
xắt nhuyễn, đâu phộng rang đâm bể hai bể ba trên dĩa gỏi. Bánh khọt. Có khi ăn
cơm với khô lăng phòng nấu canh chua bằng con mẻ với bắp chuối, để nhiều ngò
gai xắt nhuyễn. Có thêm cá kho tộ rắc tiêu cay và măng xào lòng gà vịt. Có khi
thì cháo vịt luộc chấm nước mắm gừng… khi thì cháo cá...
Hiếu
Minh nhớ kỳ rồi mẹ cậu đãi hai bác món cháo lòng… Nên vẫn nhớ và sau đó cứ
thỉnh thoảng nhắc mẹ nấu cho ăn. Gần như nhiều người đã biết, là kể từ hồi
người Á Đông vào Mỹ ào ạt nhứt là người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản sau năm 1975…
Thì những món như tim, gan, phèo, phổi, huyết, lá mía, lá lách, cật, ruột già,
ruột non, dồi trường… của con heo, lò heo không còn cho không, hay bỏ thùng rác
như trước nữa, mà họ bán.
Hôm đó,
bà Minh Thu mua lòng heo mỗi thứ một ít về nấu nồi cháo lòng đãi vợ chồng ông
Hiến. Làm ông bà ngạc nhiên lắm.
Bà Hiến
bảo:
- Nè bà Điền, bọn tui thật sự ngạc nhiên về món
cháo lòng bà đãi hôm nay. Ngạc nhiên không phải là mấy món trong bụng con heo.
Mà cái đặc biệt nhứt là món dồi heo bà làm… Ông Hiến tôi ưa dồi heo lắm… Chúng
tôi đã ăn trong các nhà hàng và nhiều nơi nhưng không hợp khẩu vị như món dồi
heo bà làm...
Ông Hiến
cũng khen ngon như vợ, khiến khổ chủ Minh Thu cảm thấy vui nhưng đôi mắt nhìn
trời xanh lác đác mây trắng may qua cửa sổ. Bà nhẹ mỉm cười, rồi chậm rãi tiết
lộ với bà bạn già:
- Nhớ khi còn học nghề ở Sài Gòn, lúc đó tui và
ông Điền đã quen nhau. Học trò ở quê, cha mẹ nghèo vì giặc giã thiếu thốn trăm
bề... Nên đâu có tiền đãi nhau ăn thịt bò bít-tết, tôm hùm, vi cá, bào ngư, hay
ổ yến ở các nhà hàng Tây, nhà hàng Tàu sang trọng… Nên chỉ cuối tháng, dành dụm
mỗi đứa ăn được tô cháo lòng ở chợ Vườn Chuối, và đi xem phim Tàu rẻ tiền chiếu
thường trực, hoặc phim cũ đã chiếu đáo đi đáo lại nhiều lần ở các rạp trong
thành phố thôi thì cũng hạnh phúc lắm rồi...
Sĩ Điền
nhìn vợ bùi ngùi thương cảm, mủi lòng. Nhưng cũng gượng cười nhướng nhướng mắt
với Ông Hiến.
Ông Hiến
cười đồng tình với bạn:
- Bọn nầy cũng có khác gì với hai người đâu.
Ông bà còn thỉnh thoảng đèo nhau đi ăn cháo lòng, xem xi-nê. Còn tụi nầy chỉ
uống nước mía thôi, mà còn trốn chui, trốn nhủi… Rủi gặp hai cậu em lém lỉnh ma
lanh của bả mà bắt gặp hăm he về méc ông bà già thì phải lo lót cho hai thằng
ranh con đó sạch hầu bao, chớ đừng nói còn tiền để hai đứa uống nước mía.
Bà Hiến nguýt chồng, càm ràm:
- Ông cứ ngắt ngang hoài hà. Hãy để cho chị
Minh Thu kể đi.
Minh Thu
tiếp:
- Bà bán cháo lòng ở chợ Vườn Chuối đó làm dồi
heo ngon “số zách” nên rất đắt khách. Hôm nào đi trễ là không còn cháo mà ăn.
Qua đây rồi, đôi khi tôi vẫn còn nhớ hương vị dồi heo của bà bán cháo lòng đó
mà phát thèm… Tôi cố gắng làm theo trí nhớ của mình, và cứ làm đi và làm lại
nhiều lần rút kinh nghiệm… Hai gia đình mình thân mấy chục năm thì ông bà cũng
biết tôi nấu ăn dở òm chớ có bằng ai đâu! Nhưng chồng con ăn quen rồi nên cảm
thấy vừa miệng… Cho dù có dở đi nữa cha con ổng cũng không dám chê. Bởi nếu chê
thì tui không thèm nấu cho ăn nữa...
Bà
Hiển mắt sáng ngời, cười nói với bạn:
- À, thì ra như thế! Dồi bà làm ngoài nêm nấu
khéo léo ra, trong đó bà còn gói ghém một chút hương vị của tình yêu nữa. Cho
nên ngon hơn nhiều người khác làm là đúng rồi! Thiệt là ăn ngon quá chừng chừng
đi thôi. Nhưng bà làm cách nào, làm ơn truyền nghề cho tui với nghe…
Minh Thu cười vui:
- Thì có gì đâu, tôi cứ mua thịt heo 3 phần
nạc, 1 phần mỡ đem về xắt ra, rồi tự bằm lấy (không nên xây trong máy, nó sẽ
nhuyễn dồi sẽ mất ngon). Đem trộn với ớt, sả, củ hành (bằm nhuyễn) và tiêu hột.
Ướp tất cả với muối (đừng dùng nước mắm), đường, bột ngọt và một chút (1
muỗng canh) rượu trắng. Để chừng 30 phút, rồi dồn vào ruột trừu mua ở tiệm Mỹ,
họ dùng dồn sausage, như dồn lạp xưởng và cột lại từ khúc dài ngắn tùy ở mình.
Xong rồi trụng rửa vào nước xôi. Lấy cây nhọn đầu xâm cho hơi trong dồi xì ra.
Đem nướng lửa than hồng, hay chiên. Chờ nguội xắt ra để vào cháo lòng ăn ngon
ngất! Nhớ phải dùng cây nhọn xâm để khi chiên hay nướng dồi không bị nổ văng
tùm lum. Làm dồi không khó, nhưng cực nhứt là lúc dồn thịt vào ruột, và nêm nếm
thế nào hợp khẩu vị nhiều người ăn là thành công.
Gặp nhau
thường, ấy vậy mà mỗi lần đưa tiễn khách ra cửa. Họ từ giã nói năm, mười phút
mà vẫn còn quyến luyến nói hoài không dứt... Kẻ về chưa chịu bước lên xe vội,
còn gia chủ thì cũng chưa muốn vào nhà. Hiếu Minh còn lạ gì hai bác với cha mẹ
mình. Câu ta đề xe nổ máy, mở hơi nóng để chỗ ấm cho cha mẹ, và kiên nhẫn ngồi
chờ…
Xe rời
sân nhà ông bà Hiến, nhẹ nhàng lướt qua một số con đường cắt ngang, cắt dọc để
đến khúc quẹo có bảng chỉ dẫn, thì bắt vào xa lộ đi thẳng về nhà. Minh Thu nhìn
những hàng cây hai bên đường da mốc cời, lá lưa thưa đã ngả màu xanh sậm pha
trộn ánh đèn đường vàng võ. Trông tiêu điều xác xơ vì một số lá thu nhuộm vàng
đã rơi rớt từ giữa mùa. Nhưng ở đây thời tiết dễ chịu, nên cây cối không trơ
cành trụi lá vào mùa đông lạnh lùng có tuyết phủ cả mùa đông như vùng Chicago,
Michigan, Visconsin… Như ở vùng trời Trung Tây hoặc miền Bắc của nước Mỹ. Bầu
trời tối đen như nhuộm mực tàu Long Tể. Những cánh chim trời bay nhanh về tổ để
tránh né cơn gió đêm hắt lạnh của đầu mùa đông, mặc dù nơi đây là miền Nam nước
Mỹ, nổi tiếng khí hậu ôn hòa…
Từ CD
tân nhạc phát ra giọng hát ngọt ngào những bài nhạc Giáng sinh, nhạc mừng xuân.
Những nam nữ ca sĩ nầy có lẽ đã thành danh trong nước lúc Hiếu Minh chưa chào
đời mà ba má cậu đang trầm tư lắng nghe với nét mặt u buồn đầy hoài niệm về một
thời xa xưa, thời thanh xuân nơi cố quốc: “…Mùa Noel đó chúng ta bên nhau,
giáo đường/ Mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu/… Mùa Noel sau chúng ta nói câu
giã từ…/…Nhưng nay mùa Noel đến rồi/
Từng đêm em, anh nguyện cầu/ Cầu cho hai đứa thương nhau/…Hôm nay giáo đường
vang tiếng kinh cầu.../… Nửa đêm anh lê bước cô đơn trở về/ Gặp nhau chỉ để
thương đau/ Yêu nhau chi rồi xa nhau…”
Minh Thu ngồi dựa
lưng vào băng xe. Mắt nhắm nghiền như đang ngủ. Nhưng nàng nhẹ giọng khen:
- Anh Khoa hát hay quá! Chưa ca sĩ nào có giọng
trầm ấm đặc biệt lôi kéo, ru hồn thính giả như thế nầy.
Sĩ Điền
cũng góp lời:
- Em hãy lắng nghe Giao Linh ca bài “Mùa Sao
Sáng” sau đây, thì sẽ nhớ xưa nhiều hơn, và hiu hắt tan nát cõi lòng...
“Một mùa sao sáng
đêm Noel Chúa sinh ra đời/ Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên
vui…/…Gặc tràn vào quê hương tôi/ Giặc diệt đàn chiên Kitô…/…Ôi những vì sao lẻ
loi…/ Một mùa đông giá hang Bê-Lem Chúa sinh ra đời/… Một trời đầy sao chiếu
sang Ngôi cao…/… Đất nước nầy đầy sáng đức tinh Chúa trên trời cao…”
Rồi
những bản nhạc xuân nối tiếp: “Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng… Trên xóm làng
cất tiếng hát ca vang…” Rồi bài nhạc xuân khác: “Hoa lá nở thắm đẹp làn
môi hồng/ Xuân đến rồi đây nào ai biết không/… Tay trong tay những cánh thiệp
đầu xuân…” Và tiếp theo là những bài nhạc xuân sau năm 1975 sáng tác ở hải
ngoại, rộn ràng náo nức thiết tha làm xao xuyến lòng kẻ tha hương trong những
mùa xuân ở xứ người, như bài “Xuân Nơi Đây” của nhạc sĩ Võ Tá Hân mà gia
đình Sĩ Điền năm nào đó đã nghe trên đài BBC (Luân Đôn) phát thanh đêm ba mươi
Tết: “Xuân nơi đây không mai vàng đua nở/ Không hoa đào tắm ánh nắng xuân/
Không cụ đồ ngồi viết liễn/ Không trẻ thơ đốt pháo vỗ tay mừng…/…Xuân nơi đây
có rượu ngon bánh ngọt/ Có thiệp xuân chúc phúc chúc an lành/ Có nỗi buồn của
người xa xứ/ Đón xuân về hồn thổn thức bâng khuâng…”
Xe chạy
bon bon sắp bắt vào xa lộ. Máy sưởi (heat) trong xe phà hơi ấm và ngoài trời
giá lạnh căm căm cho những bộ hành co ro trong chiếc áo ấm chạy băng qua đường
ở trạm cây xăng, hay chợ 7 Eleven...
Tiếng
bánh xe cọ sát mặt đường thắng gấp rít lên ghê rợn. Nhồi tiếp theo sau tiếng
“Rầm! Rầm…” Xe chạy ngược xuôi dồn cục ái ngại nhìn qua cửa xe. Một vài bộ hành
dừng lại xa xa đứng nhìn. Và chưa đầy năm phút, thì tiếng hụ còi của xe cảnh
sát, xe chữa lửa, xe cứu thương hối hả chạy đến hiện trường vừa xảy ra tai nạn…
Minh Thu chợp mắt định thần nhìn
quanh… nàng không biết mình đang ở đâu? Tại sao nằm ở đây?
-
Mẹ tỉnh rồi, con mừng quá! Ba không gì? Xe mình bị xe người ta tông vào,
mẹ có nhớ không?
Minh Thu hốt hoảng như sực nhớ. Nàng
mở to mắt nhìn con từ đầu xuống chân, lập bập hỏi:
- Con có sao không? Ba thế nào, ổng đâu rồi?
- Con không sao cả mẹ à. Mẹ hãy bình tĩnh, ba
không gì và được đưa đi chụp hình chưn coi xương sóc có sao không?
Minh Thu
đã nhớ và lấy lại bình tỉnh phần nào. Nhưng mắt nàng luôn nhìn ra cửa mong chờ
chồng trở lại thấy mặt, nàng mới yên lòng. Nhưng mình mẩy ê ẩm nặng chình
chịch. Tứ chi rã rời, muốn giở chưn lên nhưng không sao nhút nhích được. Tự
nhiên dòng nước mắt chải dài xuống má. Thằng con lấy khăn giấy chậm nước mắt
cho mẹ:
- Con xin lỗi mẹ. Ba người xe mình giờ không
sao cả. Mọi việc xui qua rồi ở năm cùng tháng hạn mẹ à… Xin mẹ đừng buồn.
Minh Thu
hỏi qua dòng lệ:
- Còn xe kia thế nào?
- Con không biết, nhưng họ đụng xe mình rồi xe họ
bị lật ngược văng vào lề bên kia… Con nghĩ rủi nhiều may ít cho những người
trong xe đó.
Minh Thu
thở dài! Nàng lơ đãng đưa mắt nhìn quanh. Bệnh viện thưa vắng người từ bịnh
nhân cho đến nhân viên. Dù bịnh nhân nằm viện nhưng họ cũng nhờ bác sĩ giúp đỡ thu
xếp cho họ được về nhà những ngày lễ lớn để xum họp với gia đình, qua lễ sẽ trở
lại. Trừ những bịnh cấp cứu, nhân viên cũng ít hơn ngày thường… các phòng làm
về hành chánh không nhiều người tới lui rộn ràng như những ngày thường. Chỉ có
rải rác nhân viên chuyên môn y tá, bác sĩ… trực thôi.
Giường
ông Sĩ Điền nằm, được đẩy trở lại kế giường vợ. Sau khi đi chụp hình chân tay
mà bác sĩ nghi ngờ xương của ông có thể bị xây xát…
Minh Thu
rướm nước mắt hỏi chồng:
- Ông sao rồi, có gì không ông?
Để trấn
an vợ:
- Có gì đâu, bà an tâm đi bộ xương già của tôi
coi vậy mà chắc lắm.
Đi sau
giường ông Điền là một thanh niên trẻ. Mang bảng tên “Bác sĩ Hưng Nguyễn” đang
đứng xem hồ sơ của Sĩ Điền.
Trầm
ngâm nhìn những tấm hình vừa chụp xong, ông lên tiếng bảo:
- Thưa bác, bác hai chịu khó tạm ở lại đây đêm
nay. Sáng mai nếu các thử nghiệm không có gì thì hai bác về được. Và giờ bác
gái, chân tay chỉ trầy trụa bên ngoài nhưng cũng phải đến phòng quang tuyến để
chụp hình cho chắc ăn nghe bác…
Minh Thu
nhẹ gật đầu. Nãy giờ bà nhìn vị bác sĩ trẻ không chớp mắt nhứt là nghe giọng
phát âm tiếng Việt của ông rất rành rọt không sai chạy một mảy may nào. Ông nói
tiếng Việt giỏi hơn đám con bà nhiều. Các con bà đôi lúc chúng phát âm đỡ hơn
các người Tàu Chợ lớn nói tiếng Việt một chút thôi. Hoặc chúng nói như nói
ngọng!
Bỗng bác
sĩ Hưng bảo:
- Thưa bác sanh năm nào, ở đâu và làm nghề gì
lúc xưa…
Minh Thu
uể oải trả lời:
- Tôi sanh năm… Ở Cần Thơ… Và làm Y tá ở bịnh
viện Mỹ Tho…
Bác sĩ Hưng, bỗng châu đôi mày, nhìn
bà Minh Thu, nhẹ giọng:
-
Thưa bác, năm 1978 bác còn làm ở bịnh viện Mỹ Tho không?
- Có, ông nhà tôi đi cải tạo về, đến tháng 5
năm 1979 chúng tôi mới bồng bế vượt biên...
Ngày cận Giáng Sinh, theo lẽ
bà Minh Thu và chồng con về nhà. Nhưng bà phải ở lại vì xương ống quyển bên
phải của bà bị nứt và bắp thịt ở đó bị sưng lên. Bà bị ngã xỉu trong lúc ngồi
ăn sáng…
Bác sĩ
Hưng trưa hôm đó về nhà tắm rửa, ăn qua loa và ngủ một chút thì lật đật vào
bịnh viện ngay. Thay vì ông được nghỉ một ngày sau đêm trực vừa qua.
Ông Sĩ
Điền thấy vợ mình ốm ròm mà không biết sao bị cao máu, chất béo nhiều trong mỡ,
và bị cả đường nữa.
Hai gia
đình người con ở xa về ăn Tết với cha mẹ. Năm nay họ thay cha thay anh chăm sóc
mẹ nằm bệnh viện suốt từ hôm gặp tai nạn cho đến qua ngày Tết. Ngoài con và
chồng bà Minh Thu săn sóc cho bà, nhân viên trong bệnh viện còn thấy có bác sĩ
Hưng luôn túc trực bên bà.
Bệnh
viện vào những ngày lễ Giáng Sinh, kế đến Tết Dương Lịch thật sự chĩ có bác sĩ
và nhân viên chuyên môn làm việc mà thôi. Nhưng riêng bác sĩ Hưng không phải họ
hang , hay quen biết mà luôn trực tiếp bên giường bịnh của bà Minh Thu (ông Sĩ
Diền và các con ra vào săn sóc cho vợ, cho mẹ đều thấy như thế) bác sĩ Hưng lo
đủ mọi việc một cách tận tình chu đáo về trị liệu cho bà mà khả năng ông có thể
làm được… Ông trực tiếp gọi bác sĩ chuyên môn hỏi thăm, theo dõi về bịnh của
bà. Ông nhờ những đồng nghiệp giúp đỡ bà trong phần hành của họ...
Bà Minh
Thu được chuyển qua nhiều phòng trị bịnh đặc biệt khác nhau. Gia đình chuẩn bị
tinh thần cho chuyện không may xảy đến cho bà trong cơn bịnh ngặt nghèo kéo dài
gần nửa tháng rồi. Một số nhân viên trong bịnh viện thấy sự đôn đáo, tận tình
săn sóc và quan tâm, lo lắng… của bác sĩ Hưng về bịnh của bà Minh Thu ai cũng
tưởng bà là thân nhân của ông. Gia đình của bà Minh Thu biết ơn bác sĩ Hưng tận
đáy lòng về sự giúp đỡ tận tình mẹ và vợ của họ trong thời gian trị bịnh bà ở
đây. Ông Sĩ Điền nghĩ vợ ông có phước phần nên dù không quen biết mà được giúp
đỡ quá tận tình của bác sĩ Hưng. Để rồi bà Minh Thu trở về nhà sau cơn bịnh kéo
dài hơn ba tuần ở bịnh viện... Và những tháng tiếp nối ra vào bệnh viện: Tái
khám, thử nghiệm... theo dõi bịnh.
- Hello, hello… xin hỏi nào vị bên kia đầu dây?
- Thưa má con là Hưng đây...
Bà Minh
Thu vui vẻ:
- Bác sĩ Hưng đó à? Cảm ơn con mấy hôm rày má
khỏe. Con đang ở đâu mà gọi vậy?
- Con sẽ ghé qua thăm một chút. Vì trên đường qua
bệnh viện làng bên trở về, vậy con sẽ nghe má...
Bà Minh Thu vui vẻ:
- Hãy ghé qua chơi ăn cơm chiều luôn. Ba con đi
thăm thằng Út mấy bữa mới vừa về. Ổng có mua chả mực, hào sống, chả tôm... Má
sẽ nướng hào, chiên chả, hấp bánh hỏi... cho cha con cuốn bánh tráng rau sống
uống bia nghe. Thằng Hiếu Minh đi làm cũng sắp về tới rồi đó…
- Suốt thời gian nhà tôi trị bịnh ở đây, bác sĩ
là người chăm sóc tận tình nhứt để bịnh bà ổn định mà trở về với gia đình. Ơn
đức nầy chúng tôi không bao giờ quên…
Bác sĩ Hưng mỉm cười, từ tốn lễ phép
trả lời:
-
Dạ thưa hai bác, suốt cuộc đời nầy cháu cũng không bao giờ quên!
Vợ chồng ông Sĩ Điền và con trai lấy
làm lạ nhìn bác sĩ Hưng ngạc nhiên quá đỗi! Cả ba người mở to mắt chờ nghe, vì ông
ta nói đến đó rồi bỏ lửng! Bác sĩ Hưng cười nhẹ tiếp:
-
Thưa bác Minh Thu, bác còn nhớ nửa đêm năm đó bác ẫm con trai bác từ bên
phòng cấp cứu bệnh viện Mỹ Tho chạy băng qua lộ để đến trại bịnh nhi đồng
không? Cái năm mà dịch bịnh sốt xuất huyết lan tràn. Bác còn nhớ không thưa bác?
Hai cha con Hiếu Minh chưng hửng nhìn nhau!
Còn bà Minh Thu thì nét mặt đăm chịêu như cố nhớ lại thuở xa xưa.
Rồi bà
vỗ trán:
- À, tôi nhớ ra rồi. Năm đó ông xã tôi còn
trong tù. Thằng con trai tôi đây (bà chỉ Hiếu Minh) bị bịnh. Tôi ẵm nó vào nhà
thương khám xong họ nghi nó bị sốt xuất huyết bảo chờ xe chở qua phòng cấp cứu
trẻ em…Nóng lòng nên tôi xách hồ sơ ôm con chạy bộ. Vì từ phòng cấp cứu người
lớn qua phòng nhi đồng không xa lắm. Chỉ băng qua con đường Định Bộ Lĩnh cắt
bệnh viện và nhà bảo sanh. Lúc đó, khoa nhi nằm trong khu sản khoa, chạy bộ một
mạch là tới ngay. Lo sợ cuống cuồng cho con tôi quên cả dép giầy… Đến nơi làm
thủ tục cho thằng nhỏ xong. Nghe chân rát định thần nhìn xuống mới biết chân
đạp phải đá sỏi, miểng chai… bị xây xát máu chảy tùm lum. Giờ nhớ lại còn phát
sợ. Vậy mà đã hơn 30 năm rồi! Thiệt thời gian qua mau quá!
Bà Minh
Thu hơi lấy làm lạ, nhìn bác sĩ Hưng rồi chẫm rãi:
- Ờ mà sao bác sĩ biết chuyện đó vậy?
Vợ chồng Minh Thu và đứa con trai đang
chuẩn bị sẵn sàng đồ đạc để ra xe về nhà. Giờ khi nghe bác sĩ Hưng nhắc lại
chuyện xưa thì không ai còn hối thúc nhau mau lẹ như hồi mới đến nữa. Mà họ
cùng hướng mắt nhìn về phía bác sĩ Hưng chờ đợi?
Bác sĩ
Hưng có dáng người cao ráo. Ốm nhưng hồng hào khỏe mạnh, nước da không trắng
lắm cũng không đen. Tóc hớt ngắn, vầng trán cao, mày rậm, mi cong, mắt to nhưng
lúc nào cũng như vương vướng u buồn... cho dù ông ta đang vui vẻ cũng vậy.
Miệng vừa tầm, khi cười rất có duyên để lộ hàm răng trắng đều, được nằm trên
khuông mặt chữ điền. Ông chớp chớp làn
mi, mắt buồn buồn nhìn ra cửa sổ như hình dung lại những gì của một thời đã
qua. Ngoài trời nắng lụa lung linh trải trên cây cỏ, gió hiu hiu. Bầu trời một
màu xanh ngát, điểm lác đác vài cụm mây trắng mỏng.
Bà Minh
Thu sốt ruột hỏi nhỏ như nhắc khéo:
- Sao bác sĩ biết việc xa xưa của tui năm đó
hồitôi còn làm việc ở bệnh viện Mỹ Tho? Chớp mắt đã mấy mươi năm rồi. Nếu không
có một vật gì đó, một cảnh gợi ý nào đó… thì tôi quên bẵng đi mất! Nay bất chợt
bác sĩ hỏi, khiến tôi bàng hoàng như vừa tỉnh cơn mơ. Và những chuyện ngày xưa
lại ào ạt trở về trong hồi tưởng của tôi. Thiệt tội nghiệp quê hương của chúng
ta chinh chiến triền miên. Cũng tại bọn tay sai của Cộng sản mà ra cả... cho
nên dân tình mình chịu biết bao khổ sở lầm than… Tình thế hơn sức người nên khó
thay đổi được... Cuộc nội chiến Quốc Cộng trên quê hương kéo dài và thật quá
tàn khốc! Biết bao nhiêu người phải hy sinh!
Ông Sĩ Điền nghiêm mặt:
-
Khó thay đổi được, người dân phải xả thân vì nước không đổ lỗi cho tình
thế. Nam nhi trượng phu thời Cộng Hòa thẳng ngay, nên họ chết vì đất nước, máu
chảy đỏ trên sa trường! Đó là những người anh hùng của Miền Nam, của đất nước
chúng ta bà à...
Bà Minh Thu thở dài, mắt u buồn:
- Sau những ngày tháng giặc tràn vào gia đình
tôi khổ lắm! Tôi làm ở bịnh viện một tháng lãnh chỉ có mười mấy ký gạo (nhà
nước bảo phải thắt lưng buộc bụng). Lúc đó dân miền Nam xác xơ dù họ không bảo,
không buộc cũng không có mà ăn. Má tôi đột ngột qua đời sau lần đổi tiền! Chồng
tù tội, con trai trong cơn bịnh hiểm nghèo… Nhà thiếu trước hụt sau đói khát
thường xuyên… Đồ đạc tư trang bán lần bán hồi để sống và thăm nuôi ổng…
Nói đến đó bà Minh Thu Thở dài não
nuột, Hiếu Minh lanh miệng:
- Mẹ, chuyện xưa quá rồi thôi bỏ đi. Nhờ Ơn
Trên không phải giờ gia đình mình yên ổn lắm rồi sao.
Vì cậu ta sợ mẹ mủi lòng khóc và
nghĩ ngợi nhiều đến chuyện buồn xưa rồi trở bịnh thì phiền lắm.
Bỗng bác
sĩ Hưng nắm chặt lấy hai bàn tay của bà Thu Minh, giọng nghẹn ngào xúc cảm:
-
Bác thật sự không nhớ cháu sao? Cháu là thằng bé lúc đó khoảng tám chín
tuổi ôm mảnh mền rách, chạy lúp xúp theo bác qua trại nhi đồng đó. Bác nhớ
chưa?
Bà Minh Thu khựng lại! Mắt nhìn trời
xa qua cửa sổ… Rồi bà quay lại nhìn chầm chập bác sĩ Hưng. Nhưng rồi bà lắc đầu:
- Tôi thật sự không nhớ! Có vậy sao? Lúc đó khi
biết Hiếu Minh nghi bị sốt xuất huyết, tôi đã điếng hồn rồi thì còn tâm trí đâu
mà biết đến những chuyện chung quanh…
Bác sĩ
Hưng cúi đầu, nhẹ giọng:
- Cháu là đứa con mới ra đời bị bỏ rơi! Nhờ vào
từ tâm của các bà phước lượm về nuôi. Nên cháu sống ở cô nhi viện từ bé. Khi
giặc vào, cô nhi viện không còn nguồn tài trợ nào để giúp đỡ. Nên bọn cô nhi
lớn như chúng cháu tản lạc khắp nơi để kiếm sống… Có đứa đi xin, có đứa đi bươi
rác, ở lang thang nơi gầm cầu, bến xe, nhà lồng chợ… chờ người ta ăn rồi thì ăn
đồ còn lại… Một ngày kia cháu bị bịnh vất vưởng không thuốc men chi cả. Cháu đi
lần vào nhà thương thí và té trước cửa bịnh viện. Nhờ có mấy người y tá thương
tình cho thuốc men và vào nằm bịnh viện. Họ bảo cháu ngồi chờ xe đưa qua bênh
trại bịnh trẻ em. Thấy bác ôm con chạy đi, bà y tá bảo cháu chạy theo để qua
bển... Cháu có biết gì đâu, không có một mảnh giấy lộn trong người, nên bà y
công chỉ vào phòng trống nằm ngủ… Cháu đói quá! Đói đến ngất xỉu, nếu lúc đó
chết có lẽ cháu chết vì đói chớ không phải chết vì bịnh!
Vợ chồng Minh Thu và thằng con quên
về, mà chăm chú lắng nghe. Giọng đều đều u buồn của bác sĩ Hưng kể tiếp:
-
Sáng hôm sau khi tỉnh lại, cháu thấy giường bên có em nhỏ đang nằm ngủ
với dáng điệu mệt nhọc như đang bị sốt. Chừng năm phút sau, cánh cửa phòng bật
mở, người y tá ăn mặc chỉnh tề bước vào với xách tay nào nước lọc, nào bình
thủy… Bà liếc nhìn cháu rồi bước thẳng đến giường em bé kia. Cháu nằm xoay
người vào tường mà nghe hết những lời ngọt ngào, khuyến dụ, trìu mến của bà mẹ
khuyên bảo con uống thuốc, uống nước… Thì ra bà y tá đang làm việc ở bệnh viện
và em bé nầy là con trai bà. Cháu len lén nhìn thấy bà mẹ rót trong bình thủy
ra. Mùi thơm của cháo nóng bay toả căn phòng. Bà y tá nói với con: “Con còn
yếu lắm. Bác sĩ bảo chỉ uống được nước cháo thôi. Vì nếu ăn vật cứng vào sẽ làm
hại đến ruột nguy hiểm lắm. Nên cháo nầy mẹ nấu thật nhừ, rồi nghiền cho
nhuyễn. Dùng vải thưa lược cho hết lợn cợn của cháo. Mẹ chỉ lấy nước cho con uống
đỡ. Con chịu khó uống nghe con! Khi hết bịnh về nhà, mẹ nấu cơm kho cá, kho
thịt cho con ăn…” Thằng bé ậm ự rồi uống chén nước cháo! Sau đó bà nhúng
nước khăn lau mặt, lau tay cho con. Cháu thật sự thèm muốn cử chỉ dịu dàng trìu
mến đó của bà, của một người mẹ! Bỗng bà y tá đó xoay qua cháu, rồi bà hỏi: “Cháu
nằm trị bịnh hả, có biết bịnh gì không? Nằm ở đây chắc là cũng bị bịnh như con
của bác rồi. Nhà cháu có ở gần đây không…” Lúc đó cháu mủi lòng rướm nước
mắt, nghĩ đến phận mình và ước mong có mẹ săn sóc như bà y tá săn sóc con mình.
Cháu không nói gì chỉ gật và lắc đầu trả lời bà thôi. Cơn đói lại hoành hành
bào bọt cái bao tử của cháu không chịu được! Cháu phải kéo vội mảnh mền tả tơi
dẻo nhẹo nhét đè vào bụng, ép và co thúc chân lại cho qua cơn đói. Không biết
bà y tá có biết không? Nhưng bà bưng qua chén nước cháo mà bà trút hết từ bình
thủy ra. Bà nhẹ tay đỡ đầu cháu lên, kề vào miệng cho cháu uống hết nửa chén
nước cháo…
Nói đến
đó, bác sĩ Hưng sụp xuống bên bà Minh Thu đang ngồi, dáng điệu ông như đứa trẻ
đang quỳ bên mẹ.
Ông lạc
giọng:
- Sáng
hôm sau cháu bỏ bịnh viện tìm về bến đò nơi tụ tập những đứa trẻ không nhà như
cháu. Và như có sự an bài của Ơn Trên, vào ngày nọ, giữa đêm tối, cháu thấy
nhiều người xuống chiếc ghe, cháu cũng chạy theo… Phật Trời hộ độ đưa đẫy cháu
yên bình đến bến bờ tự do. “Nửa chén nước cháo của bác mãi ở trong lòng cháu
và nó đã nung đúc tinh thần cháu trong lúc cháu gặp khó khăn hoặc yếu đuối…
Cũng nhờ nửa chén nước cháo đó, cháu mới có ngày hôm nay. Cháu luôn cầu nguyện
được gặp lại bác…”
Nghe
tiếng xe, ông Sĩ Điền dừng tay cắt bỏ những bông hoa héo trên bụi hồng trước
sân. Quay ra nhìn, ông cười tươi ra mở cửa cho hai chiếc xe của hai thằng con trai
Hưng và Minh quẹo vào nhà.
Bởi sau
lần tai nạn vào nằm bệnh viện, rồi các bịnh khác tới tấp đến với bà Minh Thu vợ
ông. Ai cũng tưởng bà gần đất xa trời! Nhưng có lẽ nợ trần còn vương vấn. Giờ
đây gia đình của ông bà có thêm thằng con trai nghĩa nhân. Còn bác sĩ Hưng nơi
xứ lạ quê người không còn cô độc nữa! “Nửa chén nước cháo” nghĩa tình đó, mà
giờ đây ông đã có cha mẹ và các em. Ông được hưởng hạnh phúc ấm êm của gia đình
như những người sanh ra may mắn trên cõi đời nhiêu khê nhiều hệ lụy nầy.
Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
Email: dtdbuon@hotmail.com
ĐT: (530) 822 5622
No comments:
Post a Comment