Wednesday, October 5, 2016

Chuyện Ít Biết Về Bùi Giáng, Chăn Dê....- Vũ Đức Sao Biển


Chuyện ít biết về Bùi Giáng: Chàng chăn dê giữa núi rừng xứ Quảng

 
 


    Trong thơ, Bùi Giáng viết một cách lãng mạn “Anh lùa bò về đồi sim trái chín/Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim” nhưng thực ra Bùi Giáng chưa bao giờ chăn bò!

Theo những gì mà tôi ghi nhận được từ chuyến điền dã về ba huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn (Quảng Nam) để tìm theo dấu chân xưa của Bùi Giáng, ông chỉ chăn dê chứ không chăn bò hay chăn trâu. Đó là lời của những ông già bà cả kể lại. Ông Bùi Luân - em ruột ông, cũng xác nhận điều ấy. Những bài của ai viết về Bùi Giáng, nói chuyện Bùi Giáng đi chăn bò là sai lầm, võ đoán.

Những năm rời bỏ nhà cửa, lên núi đồi một mình chăn dê hình thành tâm thức cô đơn trong con người Bùi Giáng. Người xưa ở ẩn là tìm đến với thiên nhiên hoang sơ, tĩnh mịch. Bùi Giáng cũng vậy. Thời gian phiêu lãng đó cũng là nguồn cảm hứng bất tuyệt cho ông làm thơ sau này. Thời gian ấy quyết định gần như toàn bộ thi tứ và nội dung trong thơ Bùi Giáng. Không phải tự nhiên mà những nhan đề của các tập thơ ông đều mang theo những hình ảnh của núi rừng Quảng Nam như Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn, Chớp biển...

Bắt đầu từ năm 1952, sau thời gian chăn dê trên núi rừng, Bùi Giáng mới thật sự rời bỏ quê nhà ra đi. Ông ra đi, không quên gửi bầy dê lại cho chuồn chuồn châu chấu quê nhà.

Năm 1962, Mưa nguồn - tập thơ đầu tiên của Bùi Giáng mới ra đời tại Sài Gòn. Mưa nguồn hay chớp biển là những từ thông dụng trong ngôn ngữ nói của người Quảng Nam.

Nhà tôi ở hạ du sông Thu, dòng sông xanh biêng biếc quanh năm. Hôm nào có mưa nguồn thì ngày sau đó, nước tuôn về hạ du rất đục. Nghe một người Quảng Nam nói chuyện chớp biển hay mưa nguồn là bạn phải hiểu rằng người ấy đang nhớ quê nhà của mình.

Thơ Bùi Giáng có đủ hai tập Chớp biển và Mưa nguồn. Đặt nhan đề cho hai tập thơ như vậy có nghĩa là ông dù đang ở Sài Gòn nhưng rất nhớ về quê nhà - cố quận của ông. Đọc thơ của Bùi Giáng, người ta thấy hai từ “cố quận” xuất hiện nhiều lần. Bùi Giáng làm thơ là để thỏa giấc mơ về cố quận.

Hán - Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh giải thích: “Quận: Một đơn vị chánh quyền. Ngày xưa, người ta gọi phủ là quận”. Theo cách giải thích đó, cố quận trong thơ Bùi Giáng là quê nhà Quảng Nam của ông; là H.Duy Xuyên nơi ông đã trưởng thành; là làng Thanh Châu nơi ông được sinh ra; là thung lũng Trung Phước nơi ông sống với người vợ thân yêu đầu đời. Cố quận còn có thể hiểu là những nơi mà gót chân du mục của Bùi Giáng đã đi qua trên núi rừng Quảng Nam - từ Trung Phước của H.Nông Sơn đến đèo Le của H.Quế Sơn.

Nhưng tại sao Bùi Giáng lại nhắc nhiều đến cố quận như vậy? Ấy là vì từ lúc ra đi, ông đi biền biệt, không trở về quê nhà yêu dấu ấy nữa. Ông như con người tự lưu đày mình, đi xa quê nhà nhiều năm không về. Và cũng có lẽ ông chịu ảnh hưởng từ tác phẩm L’ exil et le royaume (Lưu đày và quê nhà) của Albet Camus.

Ông ở phương Nam, nhớ quê nhà tha thiết nhưng không muốn trở về, không dám trở về. Ông trở về quê nhà chỉ một lần sau ngày giải phóng. Ấy bởi vì ông muốn tránh nỗi đau tình khi nhớ về người vợ trẻ ngày xưa.

Nhảy xuống sông vì… giận vợ

Bùi Giáng đã từng có những ngày tháng hạnh phúc bên người vợ trẻ trung, xinh đẹp, nết na ở đất Quảng Nam. Bạn biết đấy, người Quảng Nam không yêu thì thôi; nếu đã yêu rồi, thì họ yêu cho đến chết; nếu đã say đắm, họ say đắm đến cùng! Cũng bình thường như bao lứa đôi khác, thỉnh thoảng tình cảm của Bùi Giáng và vợ cũng có những va chạm rất trẻ con. Họ lấy nhau khi còn quá trẻ; ông vừa mười chín và bà vừa mười tám tuổi. Ông Bùi Luân nhớ lại:

“Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số.

Trên chiếc đò bé nhỏ, chàng trai nói với người vợ trẻ:

- Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ thì tôi sẽ… nhảy ra khỏi đò!

Khách xuôi đò tưởng người con trai đùa dọa người vợ mảnh dẻ. Để nguyên quần áo, ngay lập tức anh gieo mình xuống giữa dòng sông Thu. Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo dòng nước hết chỗ mấy chục cây số đó, tới tận bến nhà”.

Bỏ qua chuyện cũ là chuyện gì? Đó là một chuyện hết sức tức cười. Ông Bùi Luân tiết lộ:

“Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi:

- Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Anh không cho con mua cá mua thịt...”.

Thì ra, Bùi Giáng đã... đi trước thời đại chúng ta về chủ trương bảo vệ môi trường, sinh thái. Ông hiểu một cách tuyệt đối thế nào đó về ẩm thực dưỡng sinh, nên chỉ thuận cho vợ ăn... rau cải, củ quả mà không cho phép bà ăn thịt gà, thịt bò - hai món thịt ngon nhất của vùng Trung Phước.

Người vợ mới mười tám tuổi không kham nổi tính khí kỳ lạ ấy của chồng, cũng không thể ăn chay một cách đơn điệu như vậy được, phải về... méc với bà già chồng! Chị ngồi đò dọc xuôi sông Thu trong khi ông... bơi theo dòng nước chứ không thèm ngồi đò! Họ giận nhau ngộ nghĩnh và trẻ con như vậy đó.

 
Vũ Đức Sao Biển
304Đen - Llttm

 

No comments: