Sunday, October 23, 2016

Dốc Hố Le Và Xa Cát Của Ngày Xưa - Lâm Quang Khải


Dốc Hố Le và Xa Cát của ngày xưa
 
 

Dốc Hố Le, một địa danh ngày xưa tôi mãi nhớ, vì dốc này có từ thời trước 1965, sau đó Mỹ sửa lại con đường này; dốc trở thành như mọi dốc, không khác lạ như thời xưa.

Bà con hết thấy dốc ”như hố” ở khu rừng cây le ( một loại tre) nữa rồi. Quốc lộ 13 từ Chơn Thành đi lên, gần tới ngả ba quẹo trái vô Xa Cát thì tới cái dốc này. Vì nguyên nó là một cái hố lớn nằm chắn ngang quốc lộ, nên đường xuống dốc và lên dốc khá thẳng đứng, vừa xuống dốc , chạy con đường ngang dưới đáy  năm mười thước gì đó, lại chạy lên ngay.

Ba của tụi tôi, ông cho xe chạy thật lẹ xuỗng dốc và chạy lên dốc ngay. Đám trẻ này tụi này ”thót cả cái bụng và nghe nhồn nhột nữa đã lắm”, cả bọn cười hả hê ! Từ chợ Thủ lên tới đây, qua một đoạn đường rừng chồi, tới khúc này là rừng già, tới đây là rừng cây le, qua dốc Hố Le này, được vui cười thỏa thích, tụi này chuẩn bị quẹo trái vào Xa Cát, lòng hớn hở vui lên.

Măng le là một đặc sản của Xa cát (thời tôi biết), măng nó ở ngọn cây tre chứ không ở gốc như loai măng thường, đồng bào Thượng lắc cây tre, ngọn măng rớt xuống họ lượm măng đem bán.

Và nay, với sự biến đổi môi sinh, ( hình như) măng le đã biến mất khỏi vùng này chăng ? sao tôi vào Google tìm mà không thấy nhắc tới.(?)

Qua ngả ba, đi đoạn hai ba cây số là tới cái lâu đài xưa mà Má và ông bà ngoại và gia đình cùng ở; điệp khúc về căn nhà này, Má ru và ca mãi, bọn tụi mấy đứa con nghe hoài mà vẫn còn thấy hay… như chuyện cổ tích thần tiên vậy. Chúng tôi đi dưới lô cao su rạp mát, Khi mùa hột cao su rụng , nghe tiếng nổ lốp bốpnhư pháo nổ ngày xuân.

Ông ngoại tôi xuất thân từ Yên Luông Đông, Gò Công lên đây lập nghiệp. Ông Cố tôi xuất thân làm ruộng rẩy gì đó. Trước một ngàn chín trăm bốn mươi, ông Ngoại, ông đột phá xa ruộng đất củ, đi lập nghiệp ở phương xa. Ông đậu Brevet, học y tá và lên Hớn Quản Lộc Ninh mà lập nghiệp. Sau làm ăn khá vững, ông đem ông Bảy, ông Mười lên luôn, chỉ để ông Tám ở lại quê nhà làm ruộng, lảnh phần săn sóc Mẹ già, ông Cố thì mất lúc nào tôi không biết.

Má tui kể lại, ông Ngoại tui dóc dáng người cao lớn, đẹp trai, nghe nói tui là đưa cháu giống ông nhiều ( nhưng hổng có đẹp trai à nhen). Điều tôi nghe kể về ông Ngoại mà từ nhỏ, tôi rất là khoái, ở điểm là ông nổi tiếng rất cưng chìu vợ, và vợ ông đẹp. Hình có tự thuở 1940, sao bây giờ thấy vẫn còn đẹp quá ! Hồi đó tôi nhớ là chỉ năm bảy tuổi gì đó, mà ”nổi máu mộng mơ” muốn giống ông ngoại về điểm này ( hì hì)… lớn lên mà có vợ mà đẹp lại ‘thơm’ chắc tui ”hun riết”… Thôi bỏ qua chuyện con nít đi nhen…

Nghe Má tui nói, sau đó ông ngoại về chợ Bến Cát cất một cái nhà khá lớn, vì đây là quê của bà Ngoại tui. Thời đó mà nhà có xe hơi, tài xế, cho Bà Ngoại tôi đi Charner Saigòn mua sắm. Ông làm việc cho Pháp nên ảnh hưởng văn hóa Pháp, nhà có thêm một dãy nhà cho tài xế và bồi bếp ở. Tôi hồi bé xíu khoái nuôi chó lắm, khoảng năm sáu tuổi, nên chưa phép được nuôi chó, nên nghe má kể đám chó của ông bà ngoại nghe mà ham. Đám chó đó tên là : Cốc trên, Tăm bết, Bi na , Sô cô la, chó mực… nghe mà chảy nước miếng.

Đôi khi đi về Xa Cát chơi, có đi ngang qua nhà ở Bến Cát này. Lúc đó khoảng năm 55, năm 56 gì đó, nhà này bị tụi Tây lấy rồi, và sau, đó là một trại lính Bảo An.

Đi ngang qua nhìn, cũng còn thấy bóng dáng  của ngày xưa:

“Lối xưa xe củ hồn thu thảo

Nền củ lâu đài bóng tịch dương”.

Thôi quẹo lại, đường vô Xa Cát nhen… Kể câu chuyện bồi bếp nghe cho nó vui. Má kể lại, bửa đó có ông tây chủ sở lại chơi với ông ngoại, thì anh bồi chạy vô lấp bấp thưa… Mơ xừa mơ xừa, đờ or, có một con bớp (boeuf) mà il n’ny a pas con bớp, xe cơm un chien mà lớn hơn con chien, nó man gé moi man gé vous … nói vậy mà ông Tây và ông ngoại hiểu, vác súng ra để bắn con cọp . ( Ông ơi ông, ở bên ngoài có một con, anh ta không biết kêu con cọp tiếng tây bằng tên gì nên nói… giống như con bò, mà không phải là con bò, như là con chó, mà nó lớn hơn co chó, nó ăn tui, nó ăn ông, ông tây biết là con cọp đó.)

Từ quốc lộ mười ba đi vô , hai bên đường là lô cao su ngút ngàn. Đi vô ba bốn cây số phía bên trái là nhà ông bà ngoại xưa, một khoảng đất trống hai ba mẫu, trồng cỏ, và có một căn nhà rất lớn hai tầng coi bề thế. Ông Ngoại tôi thì về hưu ở Gò Công rồi. Còn Má con tôi về đây, như về lại nhà xưa của Má, những kỷ niệm thơ mộng ngày xưa, cũng như đi hành hương vậy.

Đi tiếp đến năm bảy cây số gì đó, đến một làng nhỏ, đó là văn phòng của sở cao su C. E. X O (để tôi hỏi lại và nói sau) khác với những sở cao su Michelin dưới Dầu Tiếng, Bến Súc. Tụi tui lên nhà ông Bảy, ông là em ông ngoại tôi , có Ông Ba ( cậu của má tui) Dì hai Ân, chồng của dì tôi lại kêu bằng Bác Hai Xem ( vì ông lại là vai anh chú bác của Ba tôi) Về rừng thay vì như nhà quê, mà lại ăn gà tây; bà Bảy tui nấu đò ăn ” gu” vừa tây, món Việt nam lại hết sẩy.

Mấy ông Cậu, bà Dì thương chìu tụi tôi. Nhất là tui, vì khoái nuôi thú vật, sau đó mấy ông thêm sự góp ý của mấy dì xúi thêm, thôi thì, sóc, chồn, khỉ vượn và cả mển ( loại nai nhỏ) gởi về nhà ( bên bến sông Bạch Đằng, Bình Dương tôi nuôi ”đã” luôn. Dĩ nhiên là lần lượt gởi hết con này, chết thì gởi tiếp con khác . Khi tôi lớn lên, lúc đó ”xém” một chút nữa nuôi voi rồi, có người hỏi cho tôi một con voi con, tính bắt nuôi, nhưng hỏi ra con voi con đó, mỗi ngày uống một thùng sữa hai mươi bốn hộp sữa con chim, nghe ”sợ quá” nên thôi….hú vía!.

Tổ chức của sở cao su của người Pháp sao thấy ”ham quá”. Họ có trường học riêng cho dân, có bịnh viện riêng, một tổ chức hòan mỹ. Nội cái chổ tắm suối đường đi Minh Thạnh, tổ chức xây cất đẹp đẽ đâu ra đó . Bên dòng suối chảy, họ đào vô làm chổ tắm, có diện tích khoảng bằng hay lớn hơn một hồ bơi mà ta thường thấy bây giờ (lúc đó là 1956- 58 ).

Lúc hơi lớn lớn, tui tự hỏi, đời sống người nghèo ở phố chợ, so với dân cạo mủ ai sướng hơn ai ? Tôi tự trả lời là nhân công cạo mủ cao su thanh nhàn hơn. ( sở cao su của Ba tôi ở Kiến An bên giòng sông Thị Tín). Tôi thấy người dân cạo mủ họ đi làm bốn năm giờ khuya gì đó, chín mười giờ họ về nghỉ ăn trưa, mười hai giờ làm lại, hai giờ trưa thì nghỉ . Sau đó họ vui chơi, trai gái đánh bài ăn ”hun”, chuyện thiệt mà tui thấy đó. Có một sự thật, một câu vè của sở cao su, tôi có hỏi ai có nhớ không ? không ai trả lời, hoặc họ không biết hay họ ngại, tôi không hiểu, câu đó như vầy,

“Trời mưa ướt lá cao su, ướt l.. chị cạo mủ, ước cu.. anh cặp rằng..”

Tôi nghe họ ca , họ đọc quịt tẹt ra như vậy. Bạn có biết là, theo quan niệm văn hóa tiến bộ (quốc tế bây giờ) có sao họ nói như vậy không ? Họ cho là sự thật, và cái gì tự nhiên là đẹp, dĩ nhiên , nói những sự việc đó mà không trơ trẽn mới là hay! Và họ chê nền văn học Trung Quốc, chỉ có cuồn sách Nhục Bồ Đoàn là hay, bởi vì, sách đó đã hiện diện mấy ngàn năm nay, và giờ vẫn còn đó, và nó dám nêu lên một vấn đề rất tự nhiên của con người; mà cả một xã hội né tránh, không dám bàn đến, đó là tứ khoái, bốn chử : ăn, ngủ , đ., ỉ. Lẽ ra tôi viết thẳng ra cho là rất tự nhiên ( theo tôi), mà tui không dám!…văn hóa ơi, là văn hóa!

Nói đến mưa, tôi rất thích liên khúc mưa rừng. Đối vơi tôi nó rất hay, và vì tôi thích và sống với núi rừng hai mùa mưa nắng, nghe ”đã” lắm nhưng tuyệt nhiên là không buồn, vì các bạn ơi,lòng vui cảnh có buồn đâu bao giờ, hả bạn?. Tiếc là văn phong tôi chưa đủ trình độ để tả cảnh mưa rơi. Tôi có đọc câu chuyện mà về mưa, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tả, rất là hay.

Tiếng dội vào nơi đâu

Người về nơi thăm thẳm

Tiếng dội trong hồn nhau. (TNT)

Những cảnh củ người tôi kể bên trên, phần đông là họ đã dạo chơi miền tiên cảnh. Còn lại nơi lòng tôi những lắng động tình xưa , khi thân này về với cát bụi, những cảnh giới đó về nơi đâu?

“Lắng chuông ngân đầu cỏ,

Người không hay một thoáng Vô Vi…”( Trích)

 

Lâm Quang Khải

(Trích Biên Khảo Tỉnh Bình Long)

304Đen - Llttm

 

 

No comments: