CHIA TAY
1.- Cuối cùng chỉ còn mình chị
đưa con ra tàu. Cho đến lúc sắp đi, chị còn giục anh thêm mấy bận nữa,
một hai anh bảo “ thư thư, việc gì phải vội “.
Chùng chình mãi, đến khi thấy đã cận giờ tàu chạy, chị mới nói gắt “ hay
là anh ngại thì để mẹ con tiễn chân nhau, không lại nhỡ hết “. Khi ấy mới
nghe anh nói vớt : “ ừ, như vậy, cũng hay “.
Chị thừa biết tâm trạng của
anh. Lúc sắp sửa cho con bé có đủ hành lý đi du học thì anh vẫn mạnh bạo
đoan chắc “ nhất định cả nhà phải đưa con bé đi cho có khí thế, để nó thấy ba
mẹ lúc nào cũng đặt niềm tin nơi nó “, vậy mà lúc lên đường anh lại thối lui.
Tính anh vốn thế.
Miệng thì nói nghe hăng và dạn dĩ, nhưng lòng thì yếu xìu. Anh dễ mủi
lòng, chỉ sợ lúc con bé ngập ngừng bước chân lên toa, anh lại vỡ khóc òa ngay
tại ke ga, còn ra thể thống gì nữa. Cả buổi tối hôm qua và những tối
trước đó, con bé đã giành hết tình thương gửi lại bố mẹ.
Lúc nào con bé cũng ngồi vào
dương cầm dạo lên những khúc thánh thót. Nó lấp liếm phân trần : con cố
tập quen tay, để sang bên họ có bắt đàn thử thì con cũng đỡ gượng. Thế
nhưng anh nghe ngón đàn của con bé lạ lắm, mội khi có đâu nó như nấc lên từng
nốt thế này.
Anh hiểu con bé đang phân vân,
đong đếm từng ý nghĩ nên đi hay nên ở. Một đằng là tương lai, một đằng là
tình cảm, con bé vốn lúc nào cũng xán bên mẹ, được yêu chiều từng chút, nên chả
biết làm gì. Quần áo, sách vở, món ăn, môn học, tất tật đều do chị xoay
sở, định hướng và lôi kéo cho nó theo bàn tay sắp đặt của chị.
Huyết thống gia đình chị vốn
thế, người nào cũng đa mang chút máu nghệ sĩ. Gì thì gì cũng gọi là sắm
nổi cái dương cầm để đêm đêm thánh thót trải lòng mình theo những ngón tay
tiên. Có khi chị mê mẩn ngồi đó lướt phím mà hồn thì để bay bổng nơi đâu.
Ngày chị tập cho con bé nhưng
nốt đầu tiên, chị gắt ỏm tỏi : dào, nghe con đàn sượng ngắt, cứ như nện dùi đục
vào lỗ tai. Tập mãi tập mãi, con bé mới tạm thuần thục, chị nghiêng tai
nghe đã phán “ thế, phải nhấn nhẹ tay như thế mới ra hồn “.
Vậy là chị đóng tiền cho con
đi học, ôm cả lô cả lốc phần bài về luyện ở nhà. Lắm hôm, trời loáng
thoáng mưa ngoài hiên, chị nghe tiếng đàn của con mà ngỡ như cả hai đang nhập
vào thành một, lả lướt từng sợi xoáy buốt không gian.
Con càng đàn ngọt thì chị càng
lo tợn. Nghệ thuật không phải chỉ là món giải trí chơi chơi, ai đã vướng
một là phải đi tới, hay thà bỏ lửng ngay từ đầu. Huống gì con bé lại có
tài, thế mới ra nông nỗi khi chị bắt được cái tin người ta mở thi tuyển chọn
người du học ngành dương cầm.
Chị dỗ dành, nghiêm khắc và
nhất nhất hướng con bé vào con đường chị chọn. Chị đích thân đưa con đi
nộp đơn, theo dõi từng ngày từng giờ, hồi hộp mong danh sách có tên con
bé. Hôm có kết quả, chị mừng đến líu lưỡi, chỉ có việc bấm cái điện thoại
gọi báo tin cho anh mà chị cũng lẩn thẩn bấm hoài không đúng số.
Sau phải từ con bé giúp mới
gọi được, nhưng chị lúng túng không tự kể với anh. Phần con bé cũng chỉ
kịp ngắn ngủn “ bố ơi, con trúng tuyển rồi “ là òa khóc. Hai mẹ con về
đến nhà mắt còn đỏ hoe và run như người được trúng số.
Từ đó căn nhà vui hẳn lên vì
ngày ngày có tiếng đàn réo rắt của con. Lắm hôm vừa chạy xe vào ngõ đã
nghe lả lướt khiến anh ngẩn ngơ. Vào đến nhà, cả mẹ lẫn con đang ngẩn ngơ
thả hồn theo tiếng phím. Con bé lên tay rất nhanh, lại chăm, nên khi thì như
nức nở, lúc lại dào dạt tưng bừng.
Anh nghĩ giá tài năng này được
chắp cánh bay cao chả mấy chốc thành thiên tài đã hẳn. Chị cần cù chăm bón cho
con như người chăm ươm hạt mầm mới phát. Chẳng ai ngờ lại có dịp may cuộc
thi được mở ra để chọn người đi du học.
Anh đã lo, chị còn lo hơn, chỉ
sợ con bé một mình đi nước người, nấu ăn chả biết, giặt giũ chưa quen mà đà học
đâm trì trệ thì rất uổng. Cho nên hết lời to tiếng nhỏ, chị khuyên con và
bày vẽ cho nó từng chút. Càng gần ngày lên đường, chị càng sốt ruột thêm.
Có bà mẹ nào muốn bỏ con một
mình bơ vơ tự lo liệu, thế nhưng nếu cứ khư khư giữ chặt con bên mình thì biết
đến bao giờ con bé mới hết phụ thuộc gia đình để hòng nở mày nở mặt với bè
bạn. Cảm nhận được sự lo toan của mẹ nên con bé thường tìm cách làm giảm
nhẹ hoàn cảnh.
Một hai nó đoan chắc với chị :
mẹ đừng lo, trời sinh voi sinh cỏ. Con dẫu có tồ mấy đi nữa thì khi ra riêng
một mình cũng phải xoay sở, chứ chẳng lẽ lúc ấy lại gọi mẹ sang đỡ chân đỡ tay
cho con.
2.- Từ nhà chị ra ga
cũng gần. Không phải vì tiếc dăm mươi đồng tiền xe, nhưng ý chị muốn cùng
con đi chân để kéo dài thêm giây phút cuối gần cận bên nhau. Thậm chí chị
còn lĩnh nhận việc kéo cái va ly có bánh xe để con bé đi tay không cho nhẹ.
Thế nhưng con bé rất mực không
chịu. Hai mẹ con luôn đùn đẩy sang nhau, con bé phải thuyết phục mạnh :
chao ôi, con gần tự túc tự cường mà mẹ cứ sợ con mẹ vấp thì làm sao con đi
vững. Thế là con bé xin cầm lấy cái quai xách, lôi rột rột chiếc va ly to
đùng mạnh bạo đi.
Trong đầu chị băn khoăn : con
bé chóng lớn thế. Trông đã ra dáng thiếu nữ, nhưng lòng mẹ vẫn cố chấp
chỉ mong nó mãi nhỏ nhít như ngày xưa. Đến bây giờ chị mới nhận ra có lúc
chị đã hơi khắt khe với nó. Chả hạn, có bữa con bé giở hơi giở hướm nài
nì đòi xin bằng được ngủ với chị, chị đã gạt phắt đi còn trêu : con gái con nứa
lớn tướng, sắp lấy chồng đến nơi còn nũng nịu, khiến con bé đỏ rần mặt và ré bỏ
chạy một hơi.
Bây giờ nhìn tướng con lững
thững đi bên, chị thương không để đâu cho hết. Chị chỉ muốn ngưng quách ý
định cho nó đi để thỉnh thoảng được nghe nó ỉ ôi, xin xỏ như ngày bé.
Tiếng còi tàu thi thoảng vang ngân, chị tưởng có ai vừa bóp lấy trái tim chị
thật mạnh.
Chị âm thầm ngắm nghía con bé
và thầm phục sự can đảm của trẻ. So với tuổi nó, nào chị đã biết gì
đâu. Cả một đời không rời xa gia đình một bước. Ngày cưới anh, chị
khóc thê thảm, chỉ lo một mình sang nhà người, chị quê quệch để bên chồng chê
đần thì khốn.
Vậy mà bây giờ con chị tỉnh
queo. Nó chẳng ra buồn, cũng chẳng ra vui, nhưng xem chừng nó không thấy
sợ. Nó luôn khoe với chị : con đi chừng một hai năm sẽ về, mẹ buồn làm
gì. Người ta đi luôn chả sợ mất, huống là thời gian con xa nhà nhanh,
xoẹt cái hết ngay thôi.
Khốn nỗi chị không quyến luyến
vì sự vắng mặt của nó mà vì thiếu tiếng đàn của nó hôm mai. Chị nhớ đến
dáng nó ngồi rung rung theo ngón tay lướt trên phím, đôi khi nghiêng hẳn người
khi những dòng nhạc chảy miên man và chị cảm nhậm sự đam mê của con trước những
tiết tấu lắt léo và khó khăn lúc đó.
Vậy mà nó lướt qua được, trọn
vẹn như một người vừa xong đoạn đường chật vật. Sự khoan khoái của nó lây
sang chị ào ạt từng cơn, làm chị cơ hồ cũng ngẩn ngơ theo. Bây giờ tiếng
đàn ấy sẽ vắng chị một thời gian ít là một hai năm.
Liệu những đêm chợt thức giấc,
chị có tơ tưởng đến dáng con bé đang ngồi tập đàn khuya thật khuya và chị đã
buông lỏng hồn theo dòng nhạc đó. Những lúc ấy, hẳn chị sẽ nhớ đến con bé
thật nhiều. Chị khao khát được có nó cạnh bên để ôm chặt và hôn lên trán
tưởng thưởng tiếng đàn vừa khiến chị nôn nao và vui sướng.
3.- Chuyến tàu SE từ
phía Bắc vào nằm trên đường sắt số 1. Hai mẹ con vào ga kịp lúc tàu vừa
đến. Tiếng máy rùng rùng, dãy toa bụi bặm, dường như con tàu đang mệt lử,
sau một chuyến hành trình dài. Chị phụ giúp con đưa hành lý lên toa, ổn
định chỗ ngồi, con bé giục : mẹ về đi, tàu sắp chạy, chỉ dừng ở đây khoảng 5
phút.
Chị “ ừ mà, ừ mà “, nhưng vẫn
không muốn rời con. Chân mấy bận bước đi, lại đứng sầm hẳn lại. Chị
nhi nhô căn dặn : đi đường một mình, phải giữ gìn cẩn thận, hơ hỏng để mất tiền
thì chẳng biết lấy đâu thay vào. Con bé nói cho chị yên tâm : con nghe
mà, con lớn rồi, mẹ cứ tưởng là con còn bé cũng nên.
Chị nhìn sâu con bé, như chực
thu hút hết nét mặt nó vào tâm khảm vì chị biết rằng kể từ nay mỗi lúc mỗi
xa. Mấy lần tiếng síp lê của trưởng tàu thổi dọc theo toa thúc giục mọi
người chia tay để tàu lăn bánh.
Chị rối cả lên, rùng rùng bước
đi, nhưng lại cố níu lôi đứng lại. Con bé sốt ruột đun đẩy mẹ : mẹ về đi,
kẻo tàu chạy, mẹ quính quáng nhảy xuống lại vấp ngã. Nhưng mà lòng mẹ nào
nỡ để con đi một mình. Đến khi tàu cục cựa thì chị vòng tay ôm xiết con lần
cuối và nhanh nhẩu chạy thoát đi.
Hai bàn tay con bé giang thẳng
cánh lửng lơ nơi không trung khiến mắt chị mờ đi. Miệng con bé cũng tròn
xoe dường như chưa kịp phát gọn tiếng “ Mẹ “ và sụp ngồi xuống. Văng vẳng
đâu đây, cả chị lẫn con nghe mênh mang câu hát cũ “ biệt ly nhớ nhung từ
đây, ôi ! còi tàu như xé đôi lòng, người ra đi với nhiều nhớ mong… “.
Chị đứng lại nơi sân ga nhìn
con tàu tiếp đoạn đường. Từng toa lướt lướt qua, tiếng bánh sắt nghiến
trên ray như làm gẫy vụn từng tấc lòng của chị. Con bé trong toa cũng cố
nhoài nhìn theo bóng chị, chị lờ đờ đưa bàn tay vẫy vẫy theo.
Con tàu bịn rịn như chưa muốn
rời ga, nhưng không ngăn được lúc tiễn đưa đang diễn tiến. Đầu tàu đã mất
hút nơi khúc quanh, trong khi toa cuối chỉ còn là một khung chữ nhật đứng dọc
cũng đang dần dần lăn khỏi ghi.
Chân chị như nặng trịch, tai
chị bỗng ù căng, mắt chị như có làn nước mỏng mong manh che lấp. Chị nhìn
con tàu, nhìn hai đường ray hun hút như tấm lòng trải dài theo những bước đầu
tiên con chị chia tay.
Sân ga vắng dần, vẻ mênh mông
tràn lan trong cái nắng chấp chóa trên hàng cây, mái ngói và dãy hàng quán
trong ga. Chị có cảm tưởng có thể khuỵu xuống, nhưng thâm tâm lại nhắn
nhe chị phải cam đảm để đừng quị ngã.
Chị là người sau cùng rời khỏi
sân ga. Từ nay chị sẽ vắng con và vắng cả tiếng đàn của con bé.
ĐỖ THÀNH
304Đen – Llttm - VT
No comments:
Post a Comment