Thursday, March 15, 2018

Mùa Xuân Trong Dĩ Vãng - Hai Hùng SG


Mùa xuân trong dĩ vãng
 
 

Trên vọng gác của căn cứ nơi đơn vị đóng quân , Châu mân mê trong tay tấm thiệp xuân , hình vẽ được in trên tấm thiệp  người lính đứng nghiêm bồng súng, miệng cười tươi , tay  nâng cánh chim bồ câu trắng chuẩn bị xoải cánh tung bay vào bầu trời tự do , thấp thoáng xa xa cánh rừng thưa trên dảy núi chập chùng ,hình vẽ gần hơn  một cội Mai già hoa nỡ vàng rực , vài hình bóng các cô gái đồng bào dân tộc thiểu số đang du xuân trên con đường làng , sau hàng rào hoa kẽm gai anh lính chiến vẫn dõi mắt về chốn xa  nơi hậu phương  .

Mãi nhìn tấm thiệp chúc xuân không thấy chán , Châu thầm ước :

” Phải chi đơn vị cho mỗi người thêm một tấm thiệp nữa thì hay biết mấy , tiếc thật mình gửi thiệp này đi rồi sẽ không còn thấy hình ảnh thật đẹp của người lính với mùa xuân nữa rồi ” .

     – Chèn ơi , Châu mày đang gác mà hồn để đâu đâu vậy , nhớ bà xã rồi phải không? , tao đến nãy giờ mà mày không hay , thiệt tao sợ mày luôn .

    Nghe tiếng Tôi trách móc thằng Châu giật mình , nó dấu vội tấm thiệp xuân vào cuốn nhật ký Châu liền phân trần :

      – Mầy làm thầy bói hồi nào hay quá vậy ? Tao nhớ lúc mình chưa vào lính tụi mình còn vô lăng Ông Bà Chiểu đưa tay cho ông thầy bói mù sũ quẻ ,  bộ mầy học lóm nghề tử vi của ổng hay sao mà đoán trúng phóc vậy ?

  Tôi đắc chí , lên mặt với thằng Châu :

   – Mầy hổng biết thiệt hả , lúc trước tao xin ông ta có 2 trang cuối  của cuốn sách tử vi thôi đó , nếu được thâu nạp là đệ tử giờ này đời tao chắc chắn lên hương rồi , dễ gì mầy thấy tao ở đây với mầy như bây giờ .

    Thấy tôi nói chuyện như người “cõi trên” , thằng Châu nó kéo tôi xuống mặt đất liền:

   – Thôi dóc tổ đi ông ơi , tao có nhớ vợ con một phần , nhưng nhớ ba má tao có phần nhiều hơn mày ơi , không khí tết cận kề mà không biết ba má tao sống ra sao , thôi đành thôi trời sanh voi sanh cỏ chứ biết làm gì bây giờ .

  Nghe thằng Châu nhắc người thân trong gia đình nó , trong lòng tôi áy náy vô cùng vì tự dưng gợi lại cho nó cái nỗi buồn trong ngày giáp tết .

  Ông bà Năm cắt cỏ chỉ có hai thằng con trai để nối dõi tông đường , Châu được sinh ra trong ngôi nhà lá nghèo nàn , quanh năm ông bà Năm sống tạm bợ với đồng tiền cắt cỏ mướn cho ông Tám xe ngựa , ngày nào cũng vậy mới tờ mờ sáng sau khi uống xong ly cà phê đen từ quán cà phê của Bà Tư ở đầu ngỏ , hai ông bà lụm cụm kéo chiếc xe có hình dáng giốmg như xe ngựa , thay vì dùng ngựa để kéo xe , vì nhà quá nghèo nên ông Năm đã phải làm thay phần việc của con ngựa , ông đưa vai vào kéo xe thay cho ngựa , giao kèo giữa ông Tám chủ đàn ngựa đua ở trường đua Phú Thọ và ông bà Năm một ngày phải cắt bốn bao cỏ đủ loại mang về  giao cho ông Tám , nếu ngày nào hơn bao nào thì ông tám trả thêm tiền bao đó , lương cắt cỏ ông bà Năm sẽ được phát vào ngày hai mươi lăm hàng tháng . Thật tội nghiệp cho ông năm,theo những người hàng xóm thuật lại  từ ngày  bà  Năm  mang  bầu thằng Báu em trai của thằng Châu  , ông Năm mừng rơn hôn vào bụng bầu của bà năm , rồi  tuyên  bố chắc nịch :

  – Từ nay bà cứ ở nhà nghỉ ngơi , để tui đi làm một mình được rồi , nhớ cẩn thận kẻo động thai tội nghiệp con .

  Vì muốn có thêm tiền tẩm bổ cho vợ con , ông Năm kéo xe đi thật xa , đến chiều về khi mặt trời ngấp nghé ẩn mình vào đường chân trời , thì  trên xe ông Năm đã chất cao nghiệu những bao cỏ xanh um. Khi về gần đến nhà kéo xe lên con dốc dài, một mình ông gò lưng thở dốc ông bám chặt đôi chân xuống mặt đường nhưng không thể nào đưa cái xe vượt qua cái dốc dài nọ , ông loay hoay mãi may nhờ có những người khách bộ hành thấy ông vất vả họ xúm lại phụ ông đẩy cái xe về đến nơi. Có một hôm về đến cái dốc này trong khi trời mưa thật lớn , bầu trời đen ngịt, gió giật từng cơn , chỉ còn một mình ông Năm với chiếc xe đầy cỏ ướt sũng nước mưa , ông xoay sở như thế nào không biết khiến xe cỏ lật ngang  , đồng thời cái càng xe hất ông văng xa gần ba thước . Ông nằm bất tỉnh trong cơn mưa , may nhờ hôm ấy tan sở ba tôi vừa về đến ngang đây thấy ông Năm thoi thóp nằm trong vũng nước cạn , không kể mưa gió ba tôi quăng vội chiếc xe đạp sườn nhôm vào bụi tre gai bên vệ đường , chạy đến sốc nách dìu ông Năm vào hàng hiên căn nhà gần dó , chủ nhà cũng hào hiệp không kém ba tôi , ông cùng vợ đem khăn lau khô cho ông Năm , rồi thay đồ xức dầu nóng , còn trao cho ông Năm và ba tôi hai ly trà tàu nóng hổi bốc khói thơm lừng . Khi trời dứt cơn mưa cả 3 ông già cùng nhau dọn dẹp đưa chiếc xe cỏ về đến nhà, sau khi biết đầu đuôi câu chuyện , bà Năm hai tay xoa xoa cái bụng bầu miệng thì ríu rít :

    – Chời ơi , thiệt là  ” dợ ” chồng tui mang ơn hai ông anh có tấm lòng nghĩa hiệp quá sá cở , gặp người khác mưa gió như vậy họ chưa chắc dang tay cứu ông Năm nhà Tui , xin hai anh nhận một xá này gọi là tạ ơn đã cứu mạng chồng tui .

  Người hàng xóm tốt bụng đáp lời :

– Gì mà tạ ơn bà Năm ơi , bà làm tụi tui ngại quá , chòm xóm với nhau không hà , à sẵn bà vợ tui nấu nồi cháo cá ở bển , tôi về đem qua cho ông Năm ăn giải cảm .

    Nói xong ông ù chạy nhanh trở về nhà , còn lại nơi đây ba tôi hỏi han tình cảnh gia đìmh ông bà Năm , khi biết rõ ông bà sống rất chật vật trong nghèo khó , với đồng lương công chức cũng không khá giả gì ba tôi cũng giúp ông bà Năm hàng tháng một số tiền để ông bà bớt cơ cực phần nào , khi nghe cái ý định của ba tôi như thế , vẻ mặt ông bà Năm ngời lên niềm hân hoan rồi bà Năm đáp lời :

  – Mèn ơi , chú Chín tính như vậy thiệt tình hổng biết lấy chi đền đáp , dợ chồng tui cảm ơn chú chín dữ lắm à nghe .

  – Bà vợ tui nói ” dậy ” chí phải đó chú chín , kiếp này tụi tui mang ơn chú lắm , nếu có kiếp sau tui nguyện trả lễ chú chín đúng mức luôn đó “

– Thôi mà ông bà Năm ơi , anh Hai lúc nãy ảnh nói đúng đó , lối xóm mà , tối lửa tắt đèn có nhau , có gì đâu mà ông bà Năm ngại ngùng  rồi ơn với nghĩa  , thôi tui xin kiếu nha , bửa khác tui sẽ đến thăm …

    Đêm về trên cao độ vùng Tây nguyên , sương khuya lạnh ướt mọi vật , tiếng côn trùng rả rích trong đêm nghe buồn não ruột , đồng đội của tôi đang chìm vào giấc ngủ bình yên . Trên vọng gác thép súng lạnh cóng trong tay , chiếc áo jack ket không ngăn nổi cái lạnh bên ngoài khiến tôi run lẩy bẩy sau những đợt gió thổi qua. Chăm chú nhìn qua màn sương mỏng trên bầu trời những ánh sao đêm đang lập loè chiếu sáng , cố xua đi cái lạnh tôi quan sát toàn bộ vị trí nơi mình gác , không phát hiện được những bất thường , an tâm tôi luồn tay vào túi rút gói thuốc lá châm một điếu hút cho ấm lòng. Việc này là điều cấm kỵ trong khi gác , nhưng với cái khí hậu khắc nghiệt này khiến tôi phá lệ làm càn , tôi chụm hai tay thật kín khi hút thuốc để tránh thành mục tiêu bất đắc dĩ của họng súng vô hình nào đó .

  – Ầm ..ầm… Tiếng mìn claymore ngoài vòng kẽm gai phòng thủ nổ vang lên , rồi tiếng súng nổ liên thanh từ các vọng gác kế cận nhắm vào ánh sáng loé lên nơi quả mìn phát nổ , tôi giật mình và theo phản xạ tôi cũng xổ một tràng đạn về hướng trên , tiếng ai đó vang lên :

  – Ngừng bắn , ngừng bắn ..

  Hàng loạt trái sinal cầm tay được phóng lên thắp sáng cả một góc trời , những cánh dù trắng nhỏ đong đưa trong gió soi sáng cho toán tiền sát viên ra khám phá mục tiêu.

  – Ô ông ba mươi to lắm anh em ơi . Nào  phụ mình khênh  vào , hay lắm tết này mình có món ” Thịt cọp kho nước dừa rồi “, úi giời nó nặng bỏ bu luôn .

  Sáng hôm sau , các đơn vị bạn gần đó đổ xô đến căn cứ chúng tôi để tận mắt chiêm ngưỡng ông ba mươi , có người tỏ ra am tường về loài ác thú này họ nói :

  – Mấy anh cắt râu cọp và đốt bỏ đi,  mấy anh em người thượng họ nói nếu râu cọp này gói trong áo của mấy cái mụt măng trong rừng thì vài tuần nó sẽ tiết ra chất sền sệt cực độc không thua nọc rắn hổ mang , nên tốt nhất đốt bỏ liền để tránh bị người khác lạm dụng hại người .

  Chúa sơn lâm nằm bất động trong sân đơn vị chúng tôi , chú cọp này nặng gần trăm ký . Anh em lóc da , lóc thịt rồi chia đều cho mỗi phòng ban mỗi nơi nhận thịt về tùy nghi sử dụng , riêng bộ da và xương tôi nghe nói được tháp tùng  Trực thăng UH1A  chở về bán cho mấy người Hoa ở Qui Nhơn họ làm thú nhồi bông và nấu cao hổ cốt . Tiền thu được các xếp chúng tôi  cho mua sắm  những món hàng thực phẩm  dùng cho ngày tết , trưa hôm ấy trên chiếc trực thăng tiếp tế , đơn vị chúng tôi có đầy đủ món ăn thức uống cho ba ngày tết .

    Trên cao độ này chúng tôi ngại nhất là chuyện tắm giặt , vì đường đi để ” Hạ sơn ” rất nguy hiểm , chúng tôi phải đi theo lối mòn với những cái dốc cao rợn người , chỉ cần sơ xẩy là té lăn bò càng như chơi. Mưa thì trơn trợt , trời nắng thì những hòn đá cuội cản lực ma sát trên đường đi , lắm lúc cả đám té chổng gọng ,nhưng đi riết thì cũng quen. Tôi còn nhớ một lần nọ thèm ly cà phê nóng phía dưới phố , sau ca gác tôi rủ rê thằng Châu xuống núi hưởng một chút thú vui nơi hạ giới , trên đường đi thằng Châu trượt chân té xuống thốn cả đôi chân , đau nhức vô cùng mặt mày nó nhăn nhó như khỉ ăn ớt. Đường đi xuống còn một đoạn dài tôi đành phải cõng nó trên lưng , lần mò một đoạn mồ hôi ra như tắm , lựa nơi tương đối bằng phẳng tôi đặt thằng Châu xuống , nó vừa rời khỏi lưng tôi , tôi có cảm giác như Tôn Hành Giả vừa thoát khỏi ngọn núi do Phật tổ như lai đè năm nào .

  Trong lòng bối rối , không biết làm sao thoát ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan này , thời may có một nhóm thanh niên thiếu nữ người Ba na đi tới , thấy cử chỉ bất thường của chúng tôi một người trong bọn họ vội hỏi :

  – Jơ , mấy anh trai có làm sao không ?

  Như bắt được vàng tôi kể đầu đuôi câu chuyện cho họ nghe , các cô gái nghe xong cười rú lên rồi họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Ba na làm tôi sượng sùng không hiểu họ nghĩ gì , mà tại sao lại cười , nhìn khuôn mặt chúng tôi lúc nấy giờ trông thảm hại , anh thanh niên lúc nảy giải thích :

  – Mấy cô cười anh đó , anh cõng bạn không xong  , nếu lấy vợ Ba na làm sao cõng vợ qua suối , qua nương để làm rẫy  được .

  Tôi ngượng chín người ,trong bụng thầm nghỉ :

  ” Thấy mạnh hiếp yếu hé , lấy thịt đè người hé “.

  Tôi chưa kịp phản ứng sau câu nói của chàng thanh niên nọ , anh ta nói tiếp :

  – Mấy anh em tụi mình lên núi phát rẫy làm nương trồng cây bắp  , thôi để chúng mình thay phiên cõng giúp , anh đi trước dẫn đường .

  Vậy là ước ao uống ly cà phê với tiếng nhạc xập xình không thành , đoàn người chúng tôi vật vã sau gần hai giờ mới trở về đến nơi. Tôi cảm ơn các chàng trai cô gái Ba na dễ mến kia , để đền ơn  họ tôi tặng cho các bạn ấy một số gạo sấy và dăm ba hộp thịt. Các bạn từ chối nhưng tôi cố ép như thể hiện lòng biết ơn , họ cảm động nhận lấy , họ xiết tay tôi thật chặt rồi lần lượt từ giả ra về , riêng các cô sơn nữ duyên dáng gật nhẹ đầu chào kèm theo những nụ cười thật tươi khiến lòng tôi xao động ngất ngây khôn tả. Tôi cố nhìn theo hướng của họ di chuyển và thầm mong có ngày đẹp trời nào đó khi thằng Châu bình phục chúng tôi sẽ đi theo hướng đó để đến nói lời cảm ơn lần nữa , nhân tiện có dịp thắt chặt thêm tình cảm với các cô sơn nữ kia .

    Sáng hai mươi lăm tết , trong giờ chào cờ và sinh hoạt đơn vị , ông thượng sĩ già trịnh trọng thông báo :

  – Ngày mai có biệt đoàn văn nghệ từ Sài Gòn ra giúp vui , anh em ăn mặc chỉnh tề , lịch sự, đây là chương trình cây mùa xuân chiến sĩ , họ mang theo cái tình cái nghĩa của đồng bào nơi hậu phương ra cho chúng ta , nhất cử nhất động anh em cố gắng đừng làm những gì khiến họ không vui để giữ thể diện cho đơn vị . Anh em rõ chưa nào ?

  – rõ……….

  Nghe tin này ai trong chúng tôi cũng nôn nao khôn xiết , vì lâu lắm rồi chúng tôi chưa được nhìn các bóng hồng của Sài Gòn hoa lệ , không nghe được giọng miền nam quen thuộc , đêm ấy cả đơn vị ai nấy cũng thao thức mong sao trời mau sáng để được diện kiến với người Sài gòn .

    Sáng hôm sau , khi ánh bình minh vừa hé ở phía đàng đông , từ xa tiếng cánh quạt trực thăng như xé gió vọng đến  , khi thấy rõ mồn một cả hợp đoàn 5 chiếc tiến đến gần bãi đáp dã chiến , lòng chúng tôi rộn ràng hồi hộp cố nhìn cho rõ những con chim sắt khổng lồ chỉ sợ những hình ảnh này sẽ vụt mất đi như trong giấc mơ , gió cuốn bụi bay mịt mù khi những con chim sắt đáp xuống yên vị . Lần lượt các cô gái văn nghệ sĩ rời trực thăng tiến thẳng về hội trường của căn cứ , tiếng vỗ tay chào đón vang lên cả góc trời , cái vẫy tay chào , cái huýt gió đầy phấn khởi của những chàng Tân binh trẻ tuổi , khiến  không khí núi rừng bỗng rộn rịp tưng bừng …

  Sau một ngày tập dợt lại cho nhuần nhuyễn các tiết mục , chiều đến mọi người ăn uống sớm hơn mọi bữa , tắm rửa kỹ lưỡng , có những anh lính diện bộ đồ quân phục mới cáu chưa mặc lần nào , nếp ủi hồ thẳng tấp  khiến pli quần  áo bén ngót như dao cạo  , rồi có chàng địu đàng chút xíu , họ  lôi những chai dầu thơm dấu kín dưới đáy chiếc ba lô ra xịt lên khắp người mùi thơm nồng lan tỏa trong không khí khiến tôi có cái cảm giác như nghe mùi nước hoa các cô gái sử dụng trong snack bar ở Sài gòn dạo nào .

    Khi ánh đèn phụt tắt , một chút lắng động trong không gian , âm thanh duy nhất trong lúc này là tiếng chạy của chiếc máy phát điện nỗ ầm ầm nơi cuối căn cứ .

Khi đèn rực sáng ,  trên sân khấu xuất hiện dàn đồng ca , họ hát  những bài ca ngợi quê hương đất nước & con người  , từng tràng pháo tay tán thưởng sau mỗi bài hát chấm dứt.

      Từng lời ca tiếng nhạc vang lên , ánh đèn màu nhấp nháy  , tuy âm thanh ánh sáng không đầy đủ như ở rạp hát nhưng với chúng tôi như thế thật là hạnh phúc lắm rồi , càng về đêm không khí càng tưng bừng , các anh lính trẻ ban chiều còn nhút nhát nhưng khi những điệu nhạc lời ca đã thấm vào lòng thì mấy anh chàng xung phong lên sân khấu nhảy nhót theo các cô ca sĩ thật hào hứng  không khí vui tươi được kết thúc đúng 0 giờ ,ai cũng tiếc nuối  ngẩn ngơ có người còn than thở :

  – Đúng là thời gian qua mau như tên bắn, mới đó mà kết thúc rồi . Tiếc thật !

  Đêm ấy hầu như cả đơn vị thức trắng đêm ,  chủ và khách cùng nhau chia nhóm ra trò chuyện , ăn uống , xin địa chỉ của nhau để sau này còn thư từ cho nhau. Vậy đó mới gặp nhau chưa được bao lâu thì mọi người đành phải chia tay từ biệt , lúc này tâm trạng của Ngưu Lang ,  chức nữ ngày xưa gặp nhau một lần trong năm rồi chia tay như thế nào thì không rõ , chứ cái buổi chia tay với biệt đoàn văn nghệ với đơn vị chúng tôi cũng tràn đầy nước mắt. Với chúng tôi những giọt nước mắt cảm động rơi rớt trên gương mặt non choẹt của những chàng trai khi thấy cái tình nghĩa  hậu phương dành cho mình quá lớn , năm hết tết đến ở Hậu phương ai cũng tất bật lo cho gia đình nhà của , vậy mà các anh chị em nghệ sĩ dành thật nhiều tình cảm cho những người lính quanh năm đối mặt với gian lao , với chết chóc , họ đã đem lời ca tiếng nhạc sưởi ấm cho anh em chúng tôi nơi tiền đồn heo hút gía lạnh này thì làm sao các chàng trai trẻ kia cầm được nước mắt. Còn các anh chị em văn nghệ sĩ họ thật sự đến với chúng tôi bằng cả tâm huyết của những con người , họ yêu thương đồng loại , khi thấy điều kiện sống của anh em nơi tiền đồn , thấu hiểu sự cô đơn thiéu thốn tình cảm của những người chọn binh nghiệp làm con đường đi cho mình.Riêng  các anh chị em trong biệt đoàn  cũng đã khóc , khóc trong hạnh phúc vì đã thấy  chúng tôi ăn  món ăn tinh thần quý hiếm này do họ mang đến từ hậu phương  một cách cuồng nhiệt nhưng không kém phần trân quý .

  Khi những chiếc Chinook ( Xi Núc)  rướn mình quạt tung bụi mù rồi trườn đi trên không trung , ai nấy trong đơn vị chúng tôi đều buồn rầu ủ rủ , dường như chúng tôi vừa đánh mất vật gì vô giá mà chưa biết bao giờ mình sẽ tìm lại được .

    Còn lại ít phút giây sau cùng của năm cũ sắp trôi đi , đứng dưới sân cờ trong căn cứ  ngước nhìn bầu trời tối đen như mực  , chúng tôi đếm ngược thời gian khi chiếc đồng hồ dạ quang đeo trên tay của xếp chúng tôi chỉ đúng không giờ , không ai bảo ai đồng thanh hô to :

  – Chúc mừng năm mới , Happy new year .( PH&HA hô to)

    Ông Thượng sĩ già xử lý thường vụ của đơn vị thắp ba cây nhang thơm to tướng ông đứng trước bàn thờ cúng giao thừa tôi thấy ông miệng lâm râm khấn vái cắm nhang xong ông chắp tay sá bốn phương tám hướng , ông cầu xin hương linh tiền nhân , anh linh các chiến sĩ đồn bào đã bỏ mình vị quốc vong thân , ông tha thiết cầu xin các đấng thiêng liêng gia hộ cho non nước yên bình , anh em trong đơn vị được an lành may mắn trong năm mới . Tiếng pháo được đốt lên , tiếng nỗ chát chúa loé sáng trong màn đêm , mùi thuốc pháo thơm nồng khién chúng tôi nhớ lại những mùa xuân trong quá khứ .

  – Ô anh em nhìn kìa , bên tiểu đoàn y bắn pháo bông kìa , mấy chả ở bên đó chơi xộp quá , năm nay xếp mình tiết kiệm chỉ cho xài pháo thường thôi .

  Nhìn theo hướng tiểu đoàn y rồi quay sang hướng đơn vị z , các nơi thi nhau dốt pháo cúng giao thừa . Bất chợt tiếng máy cassett từ Hầm truyền tin vọng ra bài hát Happy new year do ban nhạc abba bất hủ trình bày , thật sự chúng tôi cảm thấy thích thú trong lòng khi được thưởng thức bài hát thật hợp tình hợp cảnh lúc này .

  Tụ tập tại hộ trường căn cứ , xếp lớn vui mừng chúc tết đơn vị và tất cả mọi người, ai cũng được xếp lì xì cái bao đỏ chét mà dày cộm . Rồi rượu chát , champa được khui nổ lốp bốp , bánh tét bánh chưng dưa hành củ kiệu đầy đủ , cây mai to lớn nằm giữa hội trường , bấy nhiêu đó thôi khiến chúng tôi thật sự ấm lòng khi sống xa gia đình trong mùa xuân năm ấy …

Xuân thoáng qua , cái tết vừa tàn thì thằng Châu nó phát điên lên khi nhận được bức điện tín do người bà con đánh đi từ Sài gòn gửi lên . Họ cho nó hay tin trong một lần chở cỏ về gần đến nhà , chuẩn bị rẽ vào ngõ hẻm để kết thúc một ngày vất vả cắt cỏ mưu sinh , ông bà Năm và thằng Báu không còn nữa , họ đã đi thật xa …

  Cầm tờ giấy nghỉ phép thường niên mười ngày trên tay , mắt ngấn lệ thằng Châu quảy cái ba lô nó chào tạm biệt tôi :

  – Tao về lo tang lễ cho gia đình , chắc là không kịp nhưng cũng phải về , mầy ở lại mạnh giỏi , nhớ cẩn thận giữ mình nghe mậy , mấy ngày nay hai bên đấu pháo với nhau tao thấy ớn quá .

  Tôi làm ra vẻ anh hùng :

  – Ối pháo phiết nhằm nhò gì mầy  ơi , trời kêu ai nấy dạ?, ai cũng có số hết , nhưng mầy đừng lo , ông thầy bói mù Lăng ông Bà chiểu phán rồi mầy hổng nhớ hả .

  Đang rầu chuyện gia đình , vậy mà khi nghe tôi nói chuyện theo cái giọng tưng tửng bất cần đời thằng Châu cũng suýt bật cười khi tôi nói tiếp :

  – Năm đó xem quẻ xong ổng còn xem tướng tao nữa đó , ổng nói dáy tai tao dài như tai Phật sống thọ lắm , nghe nói đâu khoảng trăm ngoài thì mới có thể chầu ông bà , còn mạng tao là Trường lưu Thủy , ổng giải nghĩa là con sông chảy dài    không bao giờ hết nước , sau này hậu vận khấm khá lắm .

  Nghe đến đây thằng Châu ráng gân cổ cãi lại tôi :

  – Nữa sợ mầy luôn , lúc nào cũng bói toán , khá đâu chưa thấy ỉ y coi chừng đó mầy ơi , thôi tao đi đây thằng quỷ , nhớ cẩn thận nghe mậy …

  Tiễn chân thằng Châu hạ san quay về cỏi ” trần tục ” , nào tới giờ hai đứa tôi sống , ăn , ở cùng chung trong căn hầm trú ẩn này , hôm ấy thiếu hình bóng nó tôi cảm thấy mình cô đơn thật sự dẫu rằng quanh đấy còn nhiều đông đội , đêm đó nhìn lên nóc hầm qua ánh đèn vàng vọt tôi thấy hai con thằn lằn đùa giởn với nhau , chúng thật sự hạnh phúc khi có đôi có bạn , tôi chợt thèm cái hạnh phúc thật đơn sơ như hai chú thằn lằn kia , vì lúc nào chúng cũng có đôi có bạn .

  Sau này khi quay trở về đơn vị , thằng Châu nó kể lại cho tôi :

  – Tao về đến nhà thì mọi việc đã an bày , nhìn trên bàn thờ ba tấm ảnh của người nhà , nét mặt trong tấm hình có vẻ như vui mừng thấy tao trở về .

Dì bảy người bà con bạn dì với bà năm cắt cỏ đứng ra lo hậu sự , trong lúc thuật lại diễn biến tai nạn dì Bảy  nói :

  – Đó Châu coi , mấy người tài xế lái xe mà nhậu nhẹt rồi cầm lái là gây họa cho mình và cho người nữa . Tội nghiệp anh chị Năm với thằng Báu , nạn nhân bất đắc dĩ của thằng cha này , cảnh sát làm ăn kết và tống giam nó rồi , thiệt xui xẻo  thôi con đừng buồn.

  Đưa vợ con về sống  trong căn nhà của ông Bà Năm để sớm hôm nhang khói thờ phượng , ngày Châu trở lại đơn vị nó cứ dùng dằng trong lòng nửa đi nửa muốn ở lại , biết được nỗi buồn của chồng mình , không để chồng phải mang tiếng xấu trong thời chinh chiến , vợ thằng Châu nhỏ to tâm sự , phân tích phải trái Khiến Châu xiêu lòng và nhận ra phiá trước còn đồng đội , còn quê hương .

  Ngồi trên chiếc xe đò của hảng Phi long Tiến lực , Châu vẫy tay chào người vợ thân yêu và đứa con bé bỏng , nó thầm cám ơn Bà Sáu má vợ của nó đã sinh một đứa con biết rõ câu tục ngữ :

  – Nợ nước , trước tình nhà .

    Trước thềm xuân Nhâm thìn , đêm giao thừa này chắc câu chuyện tôi vừa kể cho các bạn nghe có lẽ nó in hằn mẵi trong tôi cho đến ngày rời xa cỏi tạm này

Viết xong 3/1/2012

Hai Hùng SG

304Đen – Llttm - VT

 

No comments: