Chuyện về người giữ
16 tấn vàng của VNCH vừa qua đời tại Thái Lan
Ông Lê Quang Uyển, người có trách nhiệm giữ 16 tấn
vàng của Ngân Hàng Quốc Gia (NHQG), tài sản của Việt Nam đã qua đời tại Chiang
Mai, Thái Lan thọ 81 tuổi. Ông sinh Tháng Chín năm 1937 và mất ngày 26 Tháng
Giêng năm 2018. Nhân dịp 49 ngày ông mất, tôi xin có bài sau đây.
Trong giới kinh tế tài chính, nhất là vào những năm
chót của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ai cũng biết đến Thống đốc trẻ
tuổi của Ngân Hàng Quốc Gia là ông Lê Quang Uyển.
Sau khi tốt nghiệp HEC (Hautes Etudes Commerciales)
tại Paris năm 1960, ông Lê Quang Uyển về Việt Nam phục vụ. Ông đã làm một thời
gian ngắn làm cho Ngân Hàng Pháp Á (BFA – Banque Francaise de l’Asie). Sau đó
ông Lê Quang Uyển cũng như nhiều chuyên viên trẻ khác cũng bị động viên vào
quân đội và lên đến cấp bậc đại úy.
Từ quân đội ông được chuyển sang ngạch “chuyên viên
Phủ Tổng Thống,” một ngạch công vụ của VNCH dành cho các chuyên viên trẻ, có
học thức và nhiều tương lai. Họ được đào tạo để trở thành các nhà lãnh đạo
tương lai trong ngành kinh tế, tài chính, giáo dục; các công ty của chính phủ –
nhà đèn, công ty đường, Air Vietnam,… Và sau này có thể có những trách nhiệm
cao cấp trong chính phủ. Ngạch này được thành lập từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm
để kéo các chuyên viên giỏi phục vụ cho chính phủ VNCH.
Trong cương vị này, ông đã tham gia nhiều chuyến đi
của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có chuyên viếng thăm Manilla. Sau này
ông đã được đề nghị giữ ghế thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia.
Người ta nhớ nhất về Thống Đốc Uyển là những việc
sau:
Chuyện Tín Nghĩa Ngân Hàng (TNNH hay Con gà đẻ
trứng vàng), một xì-căng-đan thời VNCH
Lúc đó Tín Nghĩa Ngân Hàng là một trong những ngân
hàng có tiếng tại Việt Nam, có nhiều chi nhánh tại Sài Gòn, Chợ Lớn và tại các
tỉnh (năm 1969, sau khi đậu cao học kinh tế tôi có về làm tập sự tại ngân hàng
ở VN và được gởi đi nhiều chi nhánh để biết về các nghiệp vụ tài chính ngân
hàng).
Ban thanh tra ngân hàng của Ngân Hàng Quốc Gia có
trách nhiệm theo dõi các nghiệp vụ cho vay của mọi ngân hàng có mặt tại Việt
Nam. Một người trong nhóm thanh tra có báo cáo “sơ hở” trong quy trình cho vay
của Tín Nghĩa Ngân Hàng và việc này đã trở thành xì-căng-đan tài chính tại Việt
Nam. Ông Nguyễn Tấn Đời, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tín Nghĩa Ngân Hàng đã
dùng một số bộ hạ, người thân tín trong gia đình để vay các tín dụng. Ông quên
rằng những việc làm này cũng khó mà qua mắt các thanh tra ngân hàng của Ngân
Hàng Quốc Gia. Những người đi vay mà tài sản quá thấp làm sao có thể thế chấp
để đi vay một số tín dụng khổng lồ của Tín Nghĩa Ngân Hàng. Thật ra thì ông
Nguyễn Tấn Đời đã sử dụng những người này, đứng tên vay tiền cho cá nhân ông,
rồi ông dùng số tiền tín dụng này để đầu tư cho cá nhân ông.
Thời đó chưa có tin học hay máy computer, nên muốn
kiểm tra phải tới tận nơi và khám xét trực tiếp các hồ sơ cho vay (các sổ sách
và tính toán đều làm bằng tay hoặc bằng máy NCR). Thống Đốc Uyển đã trình Tổng
Thống Thiệu và thảo luận với ngành cảnh sát hình sự để giúp Ngân Hàng Quốc Gia
đánh giá các hồ sơ cho vay của Tín Nghĩa Ngân Hàng.
Thống Đốc Lê Quang Uyển đợi lúc ông Nguyễn Tấn Đời
đi nghỉ ở Đà Lạt, để gởi các thanh tra ngân hàng làm cuộc truy tìm các hồ sơ
tín dụng gian lận của Tín Nghĩa Ngân Hàng. Các thanh tra chặn mọi cánh cửa của
Tín Nghĩa Ngân Hàng ở bến Chương Dương không cho hồ sơ thoát ra ngoài. Trụ sở
Tín Nghĩa Ngân Hàng không xa Ngân Hàng Quốc Gia, có lẽ độ 1,000 m và cùng ở Bến
Chương Dương. Qua việc kiểm tra này, các thanh tra đã tìm thấy các hồ sơ tín
dụng “dởm.” Lúc đó ông Nguyễn Tấn Đời là một tổng giám đốc ngân hàng rất mạnh,
có nhiều người che chở và việc kiểm tra sổ sách của Tín Nghĩa Ngân Hàng là một
kỳ công – phải được tổ chức như một chiến dịch quân sự.
Qua việc thanh tra này ông Lê Tấn Đời đã bị đưa ra
tòa. Ông bị tuyên án và phải vào khám Chí Hòa. Như thế, Thống Đốc Lê Quang Uyển
đã làm đúng trách nhiệm của NHQG là thanh tra chặt chẽ hệ thống ngân hàng
thương mại dưới quyền ông. Qua việc này, ông đã chận đứng các lạm dụng trong
ngành tài chính.
Việc giúp các chuyên gia khối kinh tế tài chính –
gởi đi làm việc tại các bộ
Một khó khăn của VNCH trong những năm 1970 là thiếu
ngân sách và khó tuyển mộ chuyên viên vì lương thấp. Trong kinh tế, muốn có
thăng bằng ngân sách thì chính phủ sẽ bán một số công khố phiếu ra cho công
chúng. Với tiền công khố phiếu, chính phủ dùng bù đắp thâm hụt ngân sách.
Ngân Hàng Quốc Gia có nhiệm vụ tham gia vào các
chính sách tiền tệ và có đóng góp qua việc mua một số công khố phiếu của chính
phủ. NHQG mua một số công khố phiếu và tiền lời của công khố phiếu được bỏ vào
một quỹ của Ngân Hàng Quốc Gia. Thống Đốc Uyển quyết định dùng số tiền lời này,
để trả lương cho nhân viên kinh tế tài chính – mà lúc đó VNCH đang rất thiếu –
và cần một số lời được chia cho nhân viên của Ngân Hàng Quốc Gia. Qua việc này,
ông thống đốc giúp bồi đắp vào chỗ hổng tài trợ chuyên viên, mà trước đây cơ
quan USAID tài trợ nhưng ngân khoản viện trợ lại ngày càng giảm. Qua việc này,
một số chuyên gia đã được gởi đi làm tại các bộ như Tài Chính, Nha Thuế Vụ hay
Bộ Kế Hoạch, nói chung mọi nơi cần chuyên gia.
Ông cũng có chương trình kéo các chuyên viên tài
chính ngân hàng trẻ gia nhập NHQG, gầy dựng nhân sự cho tương lai ngân hàng.
Một số người trẻ, có khả năng và có tay nghề được tuyển mộ vào NHQG làm trong
văn phòng thống đốc.
Ngoài việc dùng quỹ tiền lời công khố phiếu, Thống
Đốc Uyển còn sử dụng Quỹ Phát Triển (QPT) Kinh tế Quốc Gia mà ông làm chủ tịch
Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) gởi các chuyên viên của QPT đi giúp các bộ. Quỹ Phát
Triển là một chi nhánh – thành phần của NHQG được vốn của Hoa Kỳ (USAID) trợ
giúp. Ngoài việc tái tài trợ các ngân hàng phát triển Việt Nam (Ngân Hàng Phát
Triển Kỹ Nghệ, Ngân Hàng Phát Triển Nông nghiệp, SOFIDIV…) Quỹ Phát Triển Kinh
Tế Quốc Gia có một số chuyên viên trẻ được gởi đi trợ giúp các Bộ Kế Hoạch, Bộ
Tài Chính qua việc tham gia vào công tác xây dựng Kế Hoạch Phát Triển Hậu
Chiến, nhất là sau khi Hiệp Định Paris được ký kết.
Thống Đốc Lê Quang Uyển cũng cố vấn cho Tổng Thống
Thiệu chọn người trong khối kinh tế tài chính, trong đó có việc giới thiệu ông
Nguyễn Văn Hảo vào Quỹ Phát Triển và sau này làm phó thủ tướng đặc trách về
kinh tế tài chính.
Giữ 16 tấn vàng cho Việt Nam
Trong những ngày chót của VNCH, Hoa Kỳ muốn VNCH
đưa 16 tấn vàng gởi dự trữ tại Ngân Hàng Trung Ương tại New York (một việc làm
bình thường vì đa số các nước đều có trương mục với ngân hàng FED New York).
Sau khi bàn bạc, Thống Đốc Lê Quang Uyển quyết định gởi các thoi vàng qua Thụy
Sĩ, tại Ngân Hàng Banque International Ressettlement – BIR ở Basle.
Theo kinh nghiệm thế giới, nhiều chính phủ Âu Châu
trước đây, khi bị Cộng Sản xâm chiếm họ đã gởi vàng dự trữ tại đây để tránh
chiến tranh và sau này giữ được tài sản quốc gia. Một kế hoạch đã được lập lên
để chở 16 tấn vàng sang Thụy Sĩ chứ không phải sang Hoa Kỳ. NHQG đã cho mướn
một chuyến may bay để chở số vàng này qua Thụy Sĩ.
Trong lúc hỗn loạn của những ngày miền Nam sắp mất,
phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích và máy bay được mướn chở vàng không thể
đáp xuống Tân Sơn Nhất, vì vậy kế hoạch gởi vàng qua Thụy Sĩ không thực hiện
được.
Vào những ngày chót, một số nhân viên ngân hàng cấp
cao đều được cấp Walkie Talkie để dễ liên lạc với nhau nhằm bảo vệ tài sản cho
Việt Nam. Thống Đốc Lê Quang Uyển tử thủ trong NHQG và chỉ mở cửa NHQG khi Cộng
Sản mang nhiều xe tăng đến định bắn vào NHQG.
Cộng Sản lúc nào cũng phao tin đồn là cựu TT Nguyễn
Văn Thiệu đã mang 16 tấn vàng đi nước ngoài trong khi nhiều người cũng kể công
về việc giữ số vàng này. Vậy sự thật ra sao? Bài báo sau đây của nhân chứng nói
về kiểm tra vàng tại NHQG do báo Tuổi Trẻ đăng:
Bài viết của tác giả Huỳnh Bửu Sơn trên tờ Tuổi Trẻ
trích đoạn như sau:
“…Những ngày đầu Tháng Năm, 1975, tôi vào trình
diện tại Ngân Hàng Quốc Gia ở 17 Bến Chương Dương, thủ đô Sài Gòn cùng các đồng
nghiệp khác, chỉ thiếu vắng một vài người. Chúng tôi được lệnh của Ban Quân
quản Ngân hàng Quốc gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày mọi
người đều phải có mặt tại cơ quan.
Lần kiểm kê cuối cùng… Việc kiểm kê kho tiền và
vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên cảm thấy không
có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần
kiểm kê cuối cùng đối với tôi, kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho chính
quyền mới. Tôi không lo âu gì cả vì biết chắc rằng số tiền và vàng nằm trong kho
sẽ khớp đúng với sổ sách.
Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân
Hàng Quốc Gia vẫn được chúng tôi quản lý một cách tuyệt đối an toàn. Cần nói
thêm là các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa
thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định
kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn.
Đại diện Ban Quân Quản là một cán bộ đứng tuổi,
khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong suốt quá trình kiểm kê là một anh bộ đội
còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện. Anh hay nắm tay tôi khi
trò chuyện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt – chỉ huy phó đơn
vị tiếp quản Ngân Hàng Quốc Gia.
Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân Hàng Quốc Gia
vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất. Có ba loại
vàng thoi: vàng thoi mua của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED); vàng thoi mua của
một công ty đúc vàng ở Nam Phi – Công ty Montagu; và vàng thoi được đúc tại
Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do quan thuế tịch thu từ những
người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.
Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi
thoi nặng 12-14kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là
9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được
đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng
qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh
đi.
Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt
trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát
hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau… Ngoài giá trị của vàng
nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều
lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo
dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê
do bộ phận điện toán (computer) của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và
hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho. Kết thúc, ai nấy
đều vui vẻ thấy số lượng tiền và vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách điện toán
từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc
bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít
nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại.
Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc
của những người đã từng làm việc tại Ngân Hàng Quốc Gia…”
Tác giả Huỳnh Bửu Sơn cũng liệt kê từng tủ và từng
hầm kho tàng. Và cuối bài viết, ông ghi: “Tổng cộng: 1.234 thoi vàng.”
Qua
việc bảo tồn tài sản quốc gia, việc này cho thấy là các công chức của NHQG và
người đứng đầu là Thống Đốc Lê Quang Uyển đã làm việc một cách nghiêm túc – với
tinh thần trách nhiệm của một công chức. Đó là niềm hãnh diện cho VNCH, không
bỏ chạy (tình thần trách nhiệm) và rất trung thực. Thống Đốc Lê Quang Uyển là một tấm gương soi sáng
cho thế hệ trẻ – cho tinh thần trách nhiệm của công chức miền Nam.
Thống Đốc Lê Quang Uyển và tù cải tạo
Ông Uyển, cũng như nhiều người khác, đã phải đi cải
tạo trên 3 năm trong Nam (1975-1979). Trái với ông phó thống đốc Ngân Hàng Quốc
Gia là ông Dõng, ông Uyển không trình diện liền khi Cộng Sản kêu gọi thành phần
nội các ra trình diện học tập (họ không biết là thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia có
hàm bộ trưởng.) Ông Phó Thống Đốc Dõng đã ra trình diện và bị chết trong trại
tù Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa. (Tôi còn gặp bà Dõng tại Sài Gòn sau khi bà bị
trục xuất ra khỏi nhà tại NHQG, khi tôi đi cải tạo về vào năm 1979).
Ông Uyển là một sĩ quan VNCH cấp bậc đại úy và đã
ra trình diện khi Cộng Sản gọi các sĩ quan cấp đại úy trình diện. Ông bị đi tù
cải tạo 3 năm.
Ông Lê Quang Uyển đã đi Pháp cùng vợ vì bà vợ, chị
Geneviève LyLap (một huynh trưởng nữ hướng đạo hệ Scout et Guide de France, bà
là công dân Pháp và là nhân viên Tòa Đại Sứ Pháp tại Sài Gòn).
Năm 1981, ông Uyển tham gia vào ngân hàng Banque
Indosuez. Ông được gởi làm giám đốc chi nhánh tại Saudi Arabia và ở đây đến
1990. Ông đứng đầu chi nhánh “Al BankAl Saudi Al Fransi” (Saudi French Bank),
ngân hàng duy nhất của Pháp tại Ả Rập Saoudi. Sau 1990, ông Lê Quang Uyển được
phái đi làm cho nhiều chi nhánh của ngân hàng Indosuez tại nhiều nước khác
nhau.
Ông Lê Quang Uyển đã về hưu tại Chiang Mai, Thái
Lan. Ông là hình ảnh một công chức VNCH có tư cách và có tinh thần trách nhiệm
rất cao. Trong dịp 49 ngày ông qua đời (ba má và gia đình ông Lê Quang Uyển
theo đạo Cao Đài), tôi viết vài hàng này để đề cao tinh thần trách nhiệm của
cựu Thống Đốc Lê Quang Uyển.
Với tư cách một chuyên viên trẻ đã từng có thời
gian làm việc với ông, tôi xin thành kính chia sẻ nỗi buồn với chị Uyển trong
sự mất mát này và cầu mong ông sớm được về miền Cực Lạc.
(TS. Đinh Xuân Quân)
California, Chủ Nhật, 18 Tháng Ba, 2018
(*) TS
Đinh Xuân Quân là cựu nhân viên Quỹ Phát Triển trực thuộc NHQG. Ông là cựu giáo
sư Đại Học Luật Khoa, Ban Kinh Tế, Đại Học Saigon (khóa 1974-1975). Hiện nay
ông là chuyên gia, cố vấn kinh tế cho Liên Hiệp Quốc (UNDP+World Bank) và USAID
tại nhiều nước như Afghanistan, Iraq, Indonesia…
304Đen –
Llttm - MT
No comments:
Post a Comment