Nhà thơ và vị khách không mời
Nhà thơ còn có biệt danh hung thần gác cửa
ngôi đền văn học nghệ thuật, từng là nỗi khiếp sợ một thời của giới văn nghệ
sĩ. Còn khách là chàng thư sinh khoảng 17-18, nom hiền lành, thuộc giới dân
nghèo thị thành, giọng Huế dễ thương.
Bây giờ ta hãy nói tới vị chủ nhân ngôi biệt
thự nổi tiếng 76 Phan Đình Phùng – Hà Nội, góc sân vườn có cây táo một thời um
sùm.
Ông ngồi đó một góc khuất trong phòng khách.
Ông không nhớ mình ngồi như thế này từ bao lâu rồi, mấy tuần, mấy tháng hay cả
năm rồi cũng nên. Ông có cảm giác căn phòng dường như theo ngày tháng cứ rộng
thêm ra. Bên ngoài chiều chưa xuống hẳn mà bóng tối đã phủ quanh mình. Ông đang
chờ tiếng xe máy rồ, tiếng ô tô đỗ xịch ngoài sân… Rồi sau đó là tiếng gõ cửa
khi e dè, khi vội vã gấp gáp. Ông có thói quen cứ nghe cách gõ cửa cũng đoán
người cần vô gặp mình thuộc loại người nào. Nhưng những tiếng gõ cửa quen thuộc
đó lâu rồi không trở lại với ông. Ông chợt cười mỉa khi nhớ lại câu thơ cổ:
“Bần cư trung
thị vô nhơn vấn
Phú tại thâm
sơn hữu khách tầm”
Ông thừa biết người ta trước đây đến với ông
không phải vì giàu hay nghèo mà vì chiếc ghế quyền uy ông đang ngồi. Bao trùm
lên ông bây giờ là sự cô đơn khủng khiếp. Ôi, một khi quyền uy đã hết.
Bỗng một tiếng nói nhẹ nhàng giọng đặc Huế
vang lên bên tai ông: Không phải do quyền uy đâu ông bạn ạ. Có người uy quyền
còn cao hơn ông khi về vườn, người ta đâu có cảm thấy cô đơn như ông.
Ông giật mình nhìn vô chỗ vừa phát ra tiếng
nói nghe có vẻ quen thuộc như từ một thời xa xăm nào vẳng tới. Bóng một thư
sinh mảnh mai đang đối diện với ông. Một học sinh cấp ba chăng? Một trong những
học trò năm nào cũng phải làm đề thi bình luận những bài thơ của ông. Nhưng không
phải. Không học sinh nào mà dám ăn nói ngang xương kiểu đó.
Cậu là con nhà ai mà vô nhà không gõ cửa. Và
không hẹn trước.
Cửa ông để ngỏ. Mà tôi không phải khách xa
lạ. Ông không nhận ra tôi là phải. Chính tôi từ lâu, cũng không nhận ra ông. Từ
cái ngày ông từ Huế lên chiến khu nhận những chiếc ghế, tuy chưa lớn như sau
này, nhưng ông bắt đầu thay đổi từ đó. Ngay từ hồi đó ông đã cảm thấy “đường ta
đi tám thước rộng thênh thang”. Câu thơ như vận vào số mệnh của ông. Lúc nãy
tôi cứ sợ mình nhầm nhà, nhầm người. Trông ông xuống cấp quá. Tôi không nói về
thể chất mà tinh thần. Nom ông tiều tụy.
Phải chi trước kia câu nói xúc phạm vừa rồi
sẽ bùng ra cơn sấm sét trên đầu người khách trẻ. Nhưng ông đổi giận làm lành.
(Thật tình hắn ta nói trúng quá).
Tôi biết chứ… Cần có thời gian để quen với
môi trường mới. Nhưng một lần nữa, tôi muốn biết mình đang đối thoại với ai
đây.
Người khách trẻ cười nhẹ: Vậy đã có bao giờ
ông tự hỏi mình là ai không? Mình từ đâu tới? Và bằng cách nào mình ngồi trên
chiếc ghế một thời ai cũng sợ? Có phải ông đang cần người nói chuyện. Ông vui
lòng tiếp tôi chứ? Tôi không có ác ý gì với ông đâu. Tôi chỉ tiếc…
Nhà thơ nhìn người đối thoại có ý muốn hỏi.
Vâng, tôi tiếc nhưng quá muộn rồi. Không ai
làm lại cuộc đời với tuổi ông bây giờ. Song cũng có vài ngoại lệ. Có người
trước lúc ra đi đã hồi tỉnh ăn năn. Tỷ như ông Sáu Thọ, suốt quãng đời làm
chính trị của mình, ông ta giết người không gớm tay mà toàn là đồng chí. Lúc
biết mình sắp chết, ông ta bỏ ra mấy ngày đi thăm các nạn nhân may còn sống
sót. Thực ra cũng chẳng vớt vát được gì. Nhưng cảm thấy lòng thanh thản đôi
chút trước lúc ra đi. Họ gọi là lúc lương tâm chợt thức tỉnh.
Cuộc đời vốn rộng lượng và công bằng. Ông có
biết quyền uy quá lớn đã giết chết tâm hồn và tư cách nhà thơ ở ông. Có người
hình dung ông là một vị hung thần, tay trái cầm bút làm thơ, tay phải múa thanh
long đao tả xung hữu đột trên mặt trận văn nghệ, tư tưởng, miệng thét ra lửa,
tất cả anh em trong giới, già trẻ, cả những tài năng lớn đều bạt vía kinh hồn.
Nhà thơ cố giấu đi sự giật mình, gượng hỏi:
Tại sao lại có chuyện tay trái, tay mặt ở đây?
Thì nhà thơ chẳng từng tuyên bố mình chỉ làm
thơ để phục vụ cách mạng. Ông có câu thơ “bất hủ” chứng minh điều đó. Người
khách trẻ đọc:
“… Trái tim đó
Rất chân thật
chia ba phần tươi đỏ
Anh dành
riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ
và phần để em yêu”
Rạch ròi chi li đến thế là cùng. Đảng may mắn
có một đảng viên như ông, nhưng không ai biết ông đã góp phần tích cực đưa Đảng
chóng tới hồi kết thúc. Ai cũng biết Đảng đang duy trì sự sống bằng bạo lực chứ
không phải bằng niềm tin của người dân. Ngừng một lát khách chợt hỏi:
Có bao giờ ông thảng thốt không nhận ra mình
không? Hay nhận ra mình là 2 con người hoàn toàn khác nhau không?
Cậu có thể nói rõ hơn không.
Lúc mới bước vào con đường tập tễnh làm cách
mạng, ông là một chàng thư sinh đáng yêu. Viết về con chim bị nhốt chết ông có
những câu thơ:
Đã chết rồi
con chim của tôi
Con chim nho
nhỏ mới ra đời
Hôm qua nó
hãy còn bay nhảy
Chỉ một ngày
giam đã chết rồi!
…
Một tiếng kêu xuất phát từ một trái tim nhân
hậu. Thế mà chưa đầy 20 năm sau, cũng chính con người hiền lành có cái tên là
Lành đó đã thét ra lửa:
Giết, giết
nữa. Bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng
đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền
lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ
tịch, thờ Xitalin bất diệt.
Rõ ràng không ai nghĩ hai bài thơ của cùng
một tác giả. Như con bài có lá mặt lá trái. Bài sau là của một “thi sĩ” như con
thú đang khát máu. Mà máu ai? Bài thơ viết khoảng những năm 55 – 56, thời gian
đó không có đế quốc Pháp, Nhật, Mỹ hay cả ngụy… Vậy là máu của đồng bào, đồng
chí của mình. Đó là khởi điểm cho một vị hung thần xuất hiện. Và nhà thơ hô hào
lấy máu đó để cúng ai, thờ ai? Thờ những tên bạo chúa cũng say máu đồng chí,
đồng bào của mình và máu nhân loại. Thật là khủng khiếp. Vậy mà cả một thời
người ta gọi Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc! Nhà phê bình nổi tiếng Hoài
Thanh nói: “May mà thời đại ta có Tố Hữu” nhưng chắc chắn câu nói đó không phải
từ đáy lòng ông ta thốt lên. Người đời chắc không ai nỡ trách nhà phê bình. Mỗi
người phải tìm cách tự cứu mình. Nhân đây xin nói thêm với ông điều này. Trước
mặt ông không ai dám nói thật. Ông không có bạn bè để tâm sự. Người ta kể lúc ở
chiến khu Việt Bắc, anh em văn nghệ sĩ đang ngồi quanh một bàn café chuyện trò
rôm rả, chợt thấy ông tới ngồi cùng, kẻ trước người sau tìm cớ cáo lui hết, bỏ
lại một mình nhà phê bình Hoài Thanh ngồi lại… chịu trận. Điều đó chứng tỏ mọi
người vừa sợ vừa không thích ông. Thời đó và cả sau này không ai dám nói thật,
viết thật. May ra lúc cận kề cái chết Nguyễn Khải có “Đi tìm cái tôi đã mất”,
Chế Lan Viên với những tập Di cảo 1, 2… những lời tâm huyết, vừa như những lời
sám hối…
Một lát, người khách trẻ chợt hỏi:
Có bao giờ ông tính sổ không?
Cậu bảo tính sổ gì?
Người ta lúc về già thường ngồi tính sổ mình
được và mất những gì. Ông được nhiều chứ? Bao nhiêu người (tôi nói những người
trong nghề làm thơ và làm cách mạng) tài giỏi hơn ông và công lao cũng hơn ông.
Nhưng ông may mắn hơn họ. Ông có tất cả. Khi nhà thơ cộng với người làm chính
trị thì sự khôn ngoan quỷ quyệt của nó hơn người làm chính trị suông.
Về gần cuối đời lẽ ra theo sự sắp đặt của
cánh Lê Duẩn, Sáu Thọ ông sẽ làm Tổng Bí thư, nhưng cái vụ giá lương tiền ông
phụ trách nó làm hại ông. Không may cho ông nhưng may cho Đất nước. Nhưng suy
cho cùng cái vụ giá lương tiền lại cứu ông.
Cậu nói thế ý nghĩa là sao?
Ông mà ngồi trên cái ghế Tổng Bí thư, không
biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sẽ có vô vàn những chuyện quái gở khi nhà thơ làm
kinh tế. Ông có nhớ sau vụ lũ lụt năm nào, chín tỉnh bị lụt chết hết lúa mới
cấy ông bắt các tỉnh bằng mọi cách phải phủ xanh hết các cánh đồng. Người ta
biết không thể làm được, nó trái với quy luật thiên nhiên nhưng rồi lãnh đạo
các huyện, các tỉnh ai cũng sợ, phải làm theo ý ông. Kết quả mấy chục tấn thóc
giống thành cỏ dại. Dân đã đói càng đói thêm. Do đó có người nói Tố Hữu chỉ
trồng mây trồng gió thôi, chứ trồng lúa dân không có cám mà ăn. Đó chỉ là nói
sơ qua chuyện trồng lúa. Ông có nhớ chuyến sang Pháp theo lời mời của báo Nhân
đạo không?
Có chứ. Một chuyến đi buồn nhưng đầy ấn
tượng. Cậu biết gì trong chuyện này?
Khi bạn đưa ông ra cánh đồng lúa mì xanh tốt,
bạn khoe, lúa chúng tôi tốt nhờ hai yếu tố, hai chữ S: Sol và Soleil (đất và
mặt trời). Nhà thơ tươi cười. Các bạn có hai chữ S, trong khi ở Việt Nam chúng
tôi có tới ba chữ S kia. Bạn nghe, cố đoán xem chữ S thứ ba kia là gì.
Có người thoáng nghĩ chữ S kia là Sang (máu).
Nhưng chẳng lẽ người ta bón lúa bằng máu hay sao, dẫu là máu động vật. Chuyện
kỳ quái nên không dám nói ra. Tất cả đành chờ nhà thơ giải thích. Nhà thơ chờ
một lát dường như cố ý gây kịch tính rồi thủng thẳng nói: Ngoài Sol và Soleil
chúng tôi còn có một chữ S quan trọng hơn đó là… Sosialisme! (Chủ nghĩa xã
hội).
Có người nghi ngờ, có người ngạc nhiên vẻ
thán phục. Họ không biết ở Việt Nam trong dân gian có giai thoại về bốn chữ
này. Xã hội chủ nghĩa là “xuống hố cả nút”, “xấu hơn cả ngụy”, “xóa hết chữ
nghĩa”, “xếp hàng cả ngày”, “xạo hết chỗ nói”… Ông đừng giận, chuyện dân gian
mà. Đến bây giờ thì chắc ông đã thấm thía điều đó rồi. Tuy là chuyện dân gian
nhưng nó lại là hiện thực. Đấy là chưa nói trong từ Sosialisme ở Việt Nam còn
có cả máu nữa. Rất nhiều máu. Máu của nhân dân, của các đồng chí, của những
người yêu nước. Ông lập ra cả một binh đoàn cầm bút suốt mấy thập niên “động
viên” con em người ta ra trận, còn tính mạng mình và con em mình thì được bảo
vệ chăm sóc chẳng khác các hoàng tử công chúa. Năm 79, khi kinh tế Việt Nam
đang ở mức khốn cùng nhưng nhà thơ Tố Hữu yêu cầu các nhà văn phải “nhận ra
nhịp đi của lịch sử để thấy dân tộc đang ở chóp đỉnh, chóp nón của thời đại”.
Đúng là cái nhìn chỉ có ở những người ngồi trong biệt thự, được phục dịch không
thiếu một thứ gì. Người ta cho lúc đó cái bụng chứ không phải cái đầu hay trái
tim của nhà thơ nói. Thật ra phải nói đó là những cái chóp lộn ngược mới đúng.
Rồi cũng từ Pari về, ông nói với bạn bè, đồng chí đồng nghiệp: “Tôi vừa đi sang
Pháp về với một sự buồn và khinh bỉ. Nếu không gặp những người cộng sản bình
thường, (dường như chỉ có dân Cộng sản mới chơi được với nhau thôi. Vì đó mới
là lương tâm của thời đại) thì mất bao nhiêu (người nghe chẳng hiểu ông nói mất
bao nhiêu là mất cái gì?) … Giờ là trắng trợn, thô lỗ. Thời của anti, trên cả
anti. Không còn gì là giá trị nữa (Theo “Dĩ vãng phía trước” – Ngô Thảo)
Những lời nói đó nếu bạn nghe chắc họ nghĩ Việt Nam đang như một Thiên đàng. Họ
không biết rằng người Việt Nam (miền Bắc) đang ở chóp đỉnh của sự tàn bạo và
dưới đáy của sự nghèo đói khốn cùng. Lẽ ra ông phải là nhà thơ siêu thực mới
đúng. Có người nói nên đổi tên tập thơ “Máu và Hoa” là “Máu và Thơ” thì câu thơ
của nhà thơ Xuân Sách viết về chân dung “Máu ở chiến trường, thơ ở đây”
có lẽ đúng hơn. Thơ của Tố Hữu và máu của nhân dân. Thơ Tố Hữu được giảng dạy ở
các trường từ tiểu học tới các lớp trên. Tiếp tục đầu độc những đầu óc còn non
trẻ. Còn máu người dân nhuộm đỏ các chiến trường hoặc trộn lẫn với bùn đen.
Một lần khác ông nói với anh em văn nghệ sĩ:
“Thực tế của ta bây giờ là rất đẹp, có thể nói là tuyệt diệu. “Cứ thế mà ghi
chép, thậm chí sao chép cũng được!”. Người ta nghĩ Tố Hữu đứng trên mây mà nói
chuyện đời, chuyện văn. Cứ như người lên đồng, mê sảng.
Khi viết bài thơ “Em ơi Ba Lan”, ông
chỉ thấy mùa xuân với sương trắng nắng tràn trên đất bạn. Hiện thực một đằng,
ông viết một nẻo:
“Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch
dương sương trắng nắng tràn
Ta đi nghe
tiếng mùa xuân dậy
Một giọng thơ
ngâm một tiếng đàn”.
Mọi thứ sao mà đẹp thế. Câu thơ giàu âm điệu
và hình ảnh càng làm tăng thêm hình ảnh một đất nước Xã hội chủ nghĩa huy
hoàng, hạnh phúc. Bài thơ đúng là mẫu mực của trường phái hiện thực xã hội chủ
nghĩa. Không chê vào đâu được. Ông có biết con đường bạch dương trong thơ ông nó
khác với hiện thực của đất nước Ba Lan không? Ở dưới những con đường bạch dương
sương trắng nắng tràn đó ngập tràn xương máu của người dân Ba Lan hàng mấy thập
kỷ đứng lên đòi dân chủ, tự do, đòi độc lập, đòi thoát khỏi bàn tay sắt của
Liên Xô. Và mỗi lần như thế, hàng ngàn xe tăng Xô Viết đã tràn vào. Xe tăng thì
không có chuyện chở hoa và bánh mì… Dưới bánh sắt của nó là máu của Nhân dân Ba
Lan “anh em”. Có 20.000 người lính Ba Lan bị chôn sống trong cánh rừng Ba Lan
thời Xitalin.
Nếu mọi người tin vào những câu thơ trên của
nhà thơ chắc sẽ không bao giờ có chuyện cả khối Đông Âu Xã Hội Chủ Nghĩa sụp
đổ…
Ông lãnh đạo văn nghệ suốt mấy chục năm trời,
ông có biết vì sao Việt Nam không có tác phẩm đỉnh cao trong khi cuộc sống ngồn
ngộn chất liệu. Có thể kể ra bao nhiêu rào cản, cấm kỵ đối với nhà văn, chỉ nói
một cách đơn giản như nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Ta không viết cái sự thực
xảy ra mà viết cái ta muốn nó xảy ra”. Khi nhà thơ trẻ mới nổi lên Phạm
Tiến Duật viết: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” thì được ca ngợi. Từ xưa
tới nay đường ra trận có lúc nào, ngày nào, mùa nào là đẹp đâu, dầu đang là mùa
xuân đi nữa. Nhưng nó là câu thơ viết đúng điều ta muốn nó xảy ra. Để “động
viên” hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người ra trận. Nhưng khi tác giả viết “Khói
bom lên trời thành một cái vòng đen/ Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng… Có
mất mát nào lớn bằng cái chết/ Khăn tang vòng tròn như một số không…”. Câu
thơ cuối vào hạng tuyệt cú. Người đọc có thể nghĩ xa hơn một chút. Nó như một
lời dự báo cho số phận của dân tộc.
Không ngờ bài thơ là một “tai họa” chứ không
phải là “một tai nạn nghề nghiệp” bình thường giáng xuống đầu nhà thơ. Một khám
phá tài tình, phải nói là giỏi thì bị đánh tơi bời, bao nhiêu hứa hẹn con đường
thăng tiến của nhà thơ trẻ tài hoa bị xóa sổ, nhà thơ bị lên án… vì đã nói đúng
điều đang xảy ra… Như vậy thì hỏi làm sao có tác phẩm đỉnh cao. Một đòi hỏi phi
lý không thể nào có được khi một nền văn nghệ sinh ra để phục vụ Đảng, phục vụ
chính trị, một đường lối chính trị đầy sai lầm, chưa nói là lạc đường, lạc lối.
Trong lúc đó ở Paris hào hoa thơ mộng, nhà
thơ lớn Huy Cận viết: “Gì vui bằng những ngày đánh Mỹ”! Hãy đi hỏi từ em bé
chăn trâu tới người nông dân cày cấy đánh Mỹ có vui không. Họ sẽ trả lời cho
nhà thơ biết. Tôi dám chắc nhà thơ lớn chưa có một ngày ra trận! chẳng biết
chiến tranh ghê tởm đến mức nào! Mà nghĩ cho cùng cũng phải. Ngồi ở Paris bên
cốc cà phê bánh ngọt thì có thể đánh Mỹ muôn năm. Ngồi ở Paris làm thơ ca ngợi
đánh Mỹ trong khi máu xương thanh niên và nhân dân ngập sông núi Việt Nam.
Xitalin từng khen nhà báo Ilja Erenburg, mỗi
bài của nhà báo có sức mạnh như một binh đoàn. Nhà thơ Tố Hữu cũng có một dàn
đồng ca, một binh đoàn với những tên tuổi lớn đã góp công đầu làm nên chiến
thắng cùng với sự đau khổ, mất mát tột cùng của nhân dân. Nhưng với người nước
ngoài họ chỉ thấy mặt “tích cực” qua dàn đồng ca với người nhạc trưởng sống
trên mây. Có nhà thơ Cuba có câu nói nổi tiếng: “Nếu thế giới tạo ra được
nhiều Việt Nam”. Và có người còn lãng mạn hơn: “Ước sao một sáng thức dậy
trở thành người Việt Nam”.
Họ đâu biết, mỉa mai thay, chỉ mấy thập niên
sau, hàng trăm, hàng ngàn người Việt giàu có đã đưa cả gia đình chạy ngược sang
nước Mỹ vốn đối nghịch về lý tưởng. Họ đã từ giã cái lý tưởng cao cả xã hội chủ
nghĩa mà cha, anh và bản thân họ đã suốt đời xả thân thờ phụng. Bây giờ chắc
chắn không còn một ai trên thế giới ước mơ “tạo ra được nhiều Việt Nam” và ước
sao một sáng thức dậy “trở thành người Việt Nam”. Quả là chuyện bi hài… xưa nay
hiếm.
Nhân đây cũng xin nhắc lại câu thơ trong bài
“Tạm biệt” như một lời di chúc. Chắc ông vừa mới viết. Một câu tưởng để đời: “Sống
là cho mà chết cũng là cho”.
Hãy nói những thứ ông cho lúc còn sống. Là
nhà thơ, ông đã cho người đọc những gì. Trước hết ông có một loạt mấy chục bài
thơ ca ngợi, tôn cụ Hồ là cha già dân tộc lúc đó chỉ mới ngoài 50, tôn ông cụ
lên làm bậc thánh. Vì được phong thánh quá sớm, ông cụ lãnh đủ những năm tháng
bị đày đọa sau này. Ở đây cần mở dấu ngoặc, sau Nghị quyết 9, ông đã bỏ ông cụ
mà rẽ ngang sang tập đoàn Lê Duẩn, Sáu Thọ lúc đó đang ở thế áp đảo. Một bước
rẽ ngoặt ngoạn mục thường thấy ở những kẻ cơ hội coi đạo lý bằng không.
Ông còn có những bài thơ ca ngợi Mao và
Xitalin những tên bạo chúa giết người không gớm tay. Ông khóc Xitalin với những
câu:
“Thương cha
thương mẹ thương chồng
Thương mình
thương một thương ông thương mười”.
Một người có trái tim yêu ghét bình thường
không ai có kiểu tình thương phi nhân như thế. Nếu là giả cũng không ai tin mà
thật thì quá bậy. Nhưng tôi nghĩ lúc đó ông viết thật. Cũng có nhiều nhà thơ
khóc: Trong số đó có những nhà thơ lớn, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tế Hanh… nhưng
chắc hầu hết họ khóc giả, như những người khóc mướn trong một đám tang. “Khóc”
để lấy điểm. Xét cho cùng họ đáng thương hơn là đáng trách. Còn ở ông thì
không. “Nhà thơ lớn” đã khóc thật, đau thật.
Còn nhiều thứ ông “cho” khác nữa. Trong vụ
Nhân văn giai phẩm ông đã ra tay tàn độc với anh em. Nặng thì bị đi tù, nhẹ hơn
đi cải tạo. Hàng trăm, hàng ngàn văn nghệ sĩ, trí thức khốn khổ, khốn nạn dưới
bàn tay sắt và trái tim lạnh lùng của ông. Và hàng ngàn, hàng vạn con cháu của
họ hệ lụy theo. Cộng sản không có kiểu chu di tam tộc như thời phong kiến xưa,
nhưng những hệ lụy của nó, con cháu, anh em họ gánh chịu thì thật khủng khiếp
từ đời sống vật chất tới tính thần.
Thấy nhà thơ ngồi im, người đối thoại bèn dịu
giọng. Xin lỗi, chuyện thật mất lòng, mong ông đừng giận. Đó là một phần những
cái “cho” khi ông còn đang sống, đang trên ghế quyền uy. Còn chuyện ông bảo ông
sẽ cho khi đã từ giã cõi trần ai này. Ngoài nắm tro tàn ra mọi người ai rồi
cũng có từ người ăn mày cho tới vua quan. Thi nhân khi chết còn để lại sự
nghiệp văn thơ. Ông nghĩ rằng thơ ông sẽ bất tử ư? Cái này còn chờ cỗ máy thời
gian khắc nghiệt trả lời. Nhưng là nhà thơ chắc ông đã sớm nhận được dự báo.
Văn thơ phục vụ chính trị sẽ chết trước hoặc chết ngay khi tác giả ra đi. Giải
thưởng văn chương Hồ Chí Minh ông nhận được, nói như nhà văn Nguyễn Khải, e đó
cũng chỉ là những tấm bia đặt lên mộ chí… Ông đừng buồn. Lỗi không phải ở tài
năng ông. Lỗi ở cái lý tưởng ông đã đi theo, phụng sự suốt đời… phụng sự một
cách quá ư đắc lực… Thậm chí vượt ra ngoài trái tim nhà thơ, vốn sinh ra để yêu
cái đẹp, tôn thờ Chân Thiện Mỹ. Thi nhân không ai ác. Nếu Nero, Tần Thủy Hoàng
là nhà thơ chắc chắn không có chuyện đốt cả kinh thành và chôn sống hàng ngàn
học trò. Gần đây có cuộc gặp giữa ông với nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ mấy lần chạy
trốn khỏi Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa. Cuộc gặp gỡ thú vị giữa hai người với hai
vị thế khác nhau. Giữa “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”. Nhưng ông có dám
nói như nhạc sĩ Phạm Duy không: “Tôi có chết đâu, âm nhạc tôi vẫn sống mãi
trong lòng dân tộc tôi”. Một câu nói đầy tự hào của một nhạc sĩ tài hoa có rất
nhiều bài ca để đời về lòng yêu thương da diết đất nước.
Người khách trẻ chợt hỏi:
Ông có ý kiến gì về bức thư của ông Nguyễn
Khắc Viện gửi ông không? (1)
Mãi một lát nhà thơ già mới nói, một câu trả
lời khá bất ngờ.
Cậu có biết ông Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư
nói về tay Nguyễn Khắc Viện thế nào không? “Nước này mà có hai thằng Nguyễn
Khắc Viện thì tan nát mất”.
Người khách trẻ nở nụ cười tỉnh queo; tôi còn
biết một câu thú vị hơn: May mà Đảng chỉ mới có một tay Linh chứ có hai thì
phải có mấy hội nghị Thành Đô, và đất nước này sẽ ra sao chắc ông quá biết.
A, thằng này láo. Nhưng ông cố nén lại cơn
giận như núi lửa sắp phun trào và chợt cảm thấy rùng mình… Ừ, dường như có một
sự thật phũ phàng đâu đó…
Rồi không để nhà thơ hồi tỉnh. Người khách
trẻ chợt hỏi:
Chắc ông biết ông Nguyễn Khắc Viện còn gửi
một bức thư cho Trung ương Đảng (2).
Ông nghĩ sao về con người ấy. Chờ một lát không
thấy nhà thơ trả lời người khách trẻ nói tiếp: Thôi, tôi không đẩy ông vào chỗ
khó. Ông đã lún quá sâu vào ý thức hệ ông tôn thờ suốt đời. Tôi nghĩ ông Nguyễn
Khắc Viện là một kẻ sĩ nhập cuộc. Một kẻ sĩ tử vì Đạo. Đạo tôi nói đây là Đạo
yêu nước, đạo lý làm người. Ông biết rồi đó. Khi viết thư gửi cho Trung ương
Đảng đề nghị giải tán Đảng… Ông ta biết mình phải làm gì. Ông chuẩn bị khăn
gói, không phải để lên đường tìm một cuộc cách mạng khác hay hơn mà chuẩn bị vô
tù. Theo tôi, đó là một hành vi dấn thân quá đẹp, cao thượng hiếm thấy trong
giới trí thức xưa nay. Điều đó cũng đủ chứng minh ông ta đã biết cái lý tưởng
mình dâng hiến gần trọn đời đến nay là như thế nào rồi. Mọi sự lầm lỡ đều có
thể hối cải nếu ta còn chút ít thời gian. Chỉ còn 1/3 lá phổi, nhưng bù lại
Thượng đế đã cho ông lòng dũng cảm, một trái tim yêu nước vĩ đại và một cái đầu
sáng suốt biết tìm cho mình con đường phải đi vào lúc xế chiều của cuộc đời.
Ông ấy không còn thời gian, không còn sức để tìm một cuộc cách mạng khác mà chỉ
còn thời gian, còn sức để làm cuộc cách mạng cho đời mình.
Trong một bài thơ của ông có một câu đầy “ấn
tượng”: “Miền Bắc Thiên đường của các con tôi”. Một cái nhìn phiến diện,
qua cảnh sống của mình, gia đình mình, đánh giá mức sống của cả một nước, trong
lúc nhân dân đang ngụp lặn trong cảnh đói nghèo…
Nếu ông có một cái nhìn khác, một tầm nhìn
khác sáng suốt, khoa học hơn, ông sẽ không tiếp tục con đường sai lầm của mình
cho tới tận cuối đời.
Có lúc nào đó ông hối tiếc mình tự đánh mất
mình không? Và từng có một sự trải nghiệm đau đớn tinh thần về sự mất mát đó
không?
Chủ nhà nhìn người khách trẻ vẻ lạ lùng:
Tại sao cậu lại nghĩ tôi tự đánh mất mình?
Không trả lời ngay câu hỏi của chủ nhà, chàng
thanh niên suy nghĩ một lát rồi như tự nói với mình.
Giá đừng có cuộc gặp gỡ lịch sử quái đản đó
thì hôm nay tôi vẫn là tôi, giá hồi đó ông chỉ làm thơ, hay làm bất cứ một nghề
gì khác… Nhưng trong lịch sử cũng như cuộc đời không có chữ nếu. Tất cả đã an
bài. Số mệnh đã đặt ông trên đường ray… chắc chẳng phải chờ tới lúc này ông mới
thấm thía: Tàn cuộc rồi tất cả chỉ là mộng ảo…
Nhưng cậu là ai? Tôi phải biết tôi đang đối
thoại với ai đây.
Xin đừng nôn nóng. Trước sau gì ông cũng sẽ
biết tôi là ai, từ đâu tới. Trước khi trả lời câu hỏi của ông, tôi xin kể ông
câu chuyện…
Chuyện chú khỉ cộc đuôi. Truyện viết cho trẻ
con nhưng người lớn đọc cũng có cái thú riêng. Có một chú khỉ cộc đuôi đầu đàn
thường dẫn cả đàn vào như hình với bóng. Ngày nọ, trên nương ngô bỗng xuất hiện
các bù nhìn đầu đội nón, tay vung vẩy cành tre, mặt mày bôi xanh bôi đỏ như các
quan văn quan võ phường tuồng. Mỗi lúc có gió cái roi vung tít lên. Bầy khỉ lớn
nhỏ sợ hãi chạy dạt ra xa. Riêng cộc đuôi không sợ, chú mon men tới gần rồi
nhảy phóc lên vai bù nhìn. Lột chiếc áo bù nhìn mặc cho mình. Chú lột tiếp
chiếc mũ đội lên đầu. Chú nhảy xuống đất, sẵn còn mấy đĩa bột màu chú nhúng cả
hai tay vào rồi bôi lên đầy mặt. Xong đâu đấy, chú nhặt chiếc roi vung vẫy,
phóng như bay tới các bạn. Kìa cả bầy đang từ xa chờ chú. Cô bé yếm trắng vẫn
đứng đầu hàng. Cộc đuôi vừa chạy, vừa hớn hở vừa vung tít chiếc roi. Ồ mà sao
lạ thế? Chú càng chạy thì khoảng cách giữa chú và bầy đàn càng xa. Các bạn cứ
lùi dần cho tới lúc cả bầy bỗng quay lưng chạy biến đi, chúng chen nhau, xô
nhau lao như thác vỡ bờ. Tiếng kêu chí chóe vang lên cả góc rừng chiều. Cô bé
yếm trắng lúc này lại chạy trước cả đàn. Cộc đuôi càng cố sức đuổi theo thì cả
bầy ngày càng bỏ xa chú hơn… Cộc đuôi không nhớ rõ đã băng qua bao nhiêu khoảng
rừng thưa rừng dày, lội qua bao nhiêu lạch cạn suối sâu, vượt qua bao nhiêu
thác ghềnh, mãi tới lúc mặt trời khuất núi, chú chợt nhìn chung quanh không còn
bóng dáng một ai nữa. Chú hiểu là không còn mong gặp lại bầy đàn. Chú phục
xuống nằm khóc một mình.
Đêm. Quanh chú giờ này chỉ có cây rừng và núi
đá lặng im với những tiếng động khi gần khi xa. Đâu phải những tiếng động của
rừng cây êm ả như mọi khi, tiếng cành cây gãy, tiếng bước chân nhẹ nhàng của
các chú thỏ có tật ăn khuya, tiếng côn trùng rí rích dưới lớp lá khô… những
tiếng đêm quen thuộc. Không, mỗi tiếng động lớn nhỏ bây giờ đều kèm theo hình
thù cái mõm sói với những chiếc răng nanh nhọn hoắt, những cặp chân đầy vuốt
nhọn sắc từ trong bóng tối âm u bí ẩn, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng nhảy ra quắp
lấy chú. Đói, khát, mệt và buồn, chú ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trong
giấc ngủ nặng nề đầy mộng mị, thỉnh thoảng chú lại giật mình đánh thót, tưởng
chừng như mỗi gốc cây hiện nguyên hình một con ác thú. Chưa bao giờ chú thấy cô
độc như lúc này…
Chú thức dậy rất sớm, khi tiếng chim rừng đầu
tiên lảnh lót. Bốn bề vẫn im ắng như tờ. Mệt và khát, chú lần ra suối, những
con suối rất đỗi quen thuộc chảy giữa các khe núi. Chú đứng trên bờ vục mõm
xuống, bỗng giật mình lùi phắt lại. Dưới lòng suối trong veo hiện ra một hình
thù kỳ dị đang trừng trừng nhìn chú. Một con vật vừa là chú vừa không phải chú.
Một con khỉ mang râu đội mũ, mặt mày xanh đỏ dữ dằn, cứ như muốn chồm lên vồ
người trên bờ. Hoảng quá, chú kêu rú lên chạy bán sống bán chết…” (3)
Ông thấy không. Chuyện vui và đáo để. Nhiều
người một khi có chức trọng quyền cao sẽ thay đổi đến nỗi bạn bè không nhận ra
mình và chính mình cũng không nhận ra mình.
Nhà thơ cố giấu tiếng thở dài: Vậy… anh là
ai?
Ông không còn nhớ những năm 30, 35 thế kỷ
trước, có chàng trai xứ Huế hàng ngày hay lui tới các hiệu sách: Nguyễn Chí
Diểu, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn đọc cọp các sách của Mác – Engel – Lênin sao?
Những năm tháng đó chủ nghĩa Mác rất đẹp, tưởng như là cứu tinh… Ông nhớ lại
đi.
Người khách trẻ nói thêm, giọng buồn: Tôi nhớ
gần đây trên mạng có một câu khá hay “Nếu Tố Hữu làm nghề cắt tóc thì thơ ông
ta hay hơn”. Nhưng thôi, tất cả đã qua rồi. Cuốn biên niên sử cuộc đời của nhà
– thơ – cách – mạng đã khép lại.
Nhà thơ đứng bật dậy, chẳng biết ông muốn
chạy trốn khỏi mình hay tới bên chàng trai ông vừa chợt nhận ra. Nhưng người
khách trẻ đã biến mất. Còn mình ông ngồi lại với bóng tối vây quanh mình. Phía
trước là hư vô… và xa xa, xa nữa là con đường hầm. Cuối đường không phải tràn
ngập ánh sáng mà là bóng đêm đen kịt, mờ ảo bóng những tên hung thần suốt đời
ông tôn thờ, họ nhìn ông như kẻ xa lạ…
____
(1) Bức thư của Nguyễn Khắc Viện
gửi Tố
Hữu
Ngày 30-11-1986
Kính gửi anh Tố Hữu
Hôm nay nhân xem lại vài bài dịch thơ anh trong Anthologie de la
littérature vietnamiene (Tuyển tập Văn học Việt Nam), thấy không thể không gửi
cho anh bức thư này.
Anh Tố Hữu ạ! Trước kia đọc thơ, dịch thơ anh cảm hứng đằm thắm bao nhiêu
thì nay thấy ngán ngẩm bấy nhiêu. Anh bảo làm bí thư vẫn không bí thơ, chúng
tôi thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo.
Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền, là chôn vùi luôn sự nghiệp
thơ trong lòng nhân dân. Rút lui đi, anh Tố Hữu, cứu lấy nhà thơ Tố Hữu. Anh sẽ
trở lại với cuộc sống bình dị của một nhà thơ, chan hòa với anh em, anh em
chúng tôi lại đón anh với tấm lòng trân trọng quý mến. Xuân này anh sẽ chen vào
đám đông đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đồng Kỵ chứ không tiền hô hậu ủng
nữa.
Anh mà trở lại Trung ương, Bộ Chính trị, thì bài báo đối ngoại đầu năm
tôi phải viết sẽ là bài “La mort d’un poète” (Cái chết của một nhà thơ). Chắc
không được đăng, nhưng ít nhất cũng được truyền trong một số bạn.
Vài lời chân thành của một người đã từng yêu thơ của anh, và mong được
mãi mãi giữ lấy tình cảm thắm thiết ấy.
Kính thư
Nguyễn Khắc Viện, 8 Nguyễn Chế Nghĩa, Hanoi
(2) Trước Đại hội 7, Nguyễn Khắc
Viện đã gửi thư lên Trung ương, phân tích, khi tư bản hoang dã đầu tư ồ ạt vào
nước ta thì chúng sẽ phá hoại môi trường, “nỗi thống khổ và thời gian không cho
phép chúng ta trù trừ thỏa thuận được. Đảng nên tự giải tán, giao chức năng
quản lý cho nhà nước làm chủ tập thể cho nhân dân”. Đảng sẽ trở thành Đảng đối
lập với chính quyền (đã làm ăn với tư bản), đấu tranh để bảo vệ môi trường cho
đất nước. Như thế Đảng sẽ sống mãi trong lòng dân tộc.
Những gì Đảng đã
làm được trước đó cho dân tộc sẽ còn mãi mãi…
(Theo Nhà báo Lê Phú Khải)
(3) Trích trong tập truyện “Chú khỉ cộc đuôi” – Văn Biển
Văn Biển
304Đen – Llttm - TD