Saturday, June 16, 2018

Người Đi Chân Đất - Phi Ngọc Hùng


Người đi chân đất
 
 

Năm 1954 đeo tàu há mồm vào Nam. Ngày 30 tháng tư đứt phim, đu tàu hải quân qua đất tạm dung làm người di tản buồn. Năm 1999, lão hoài cố quận với giấc hương quan luống mẫn canh dài, lão về Bắc trước thăm thổ ngơi bản quán. Trong cái tâm cảm liêu xiêu nhằm vào cái tuổi ngọn cỏ gió đùa, ngồi trên máy bay lão chìm đắm trong dòng nhạc của một thời tôi sẽ đi không ngừng, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam

      Thế nhưng bước vào phi trường Nội Bài, dòm gã bò xanh ngồi trong cái chuồng cu xét giấy tờ mặt lạnh như tiền, giọng vô cảm, lão quên tiệt Trịnh Công Sơn ngày nào đã rong ruổi để mình phiêu lãng quên mình lãng du, để quên chuyện non nước mình.

       Khươm mươi niên sau, nhè cái tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi bất chi lão tương chi, sẵn cái mạch quê hương bản quán vạn kiếp tha hương nghìn đời thê thảm ấy. Lão tay xách nách mang…mang theo cả Hạ Chí Trương cùng vợ dại con thơ quay quả về lại lần nữa để làm một chuyến dối già. Lần này lão vào Nam trước, chả là miền Nam là nơi chốn đã nuôi dưỡng lão từ cái tuổi lên mười cho đến cái tuổi tam thập nhi lập.

       Trước khi hồi cố hương, lão nhen nhúm một bài viết với tựa đề: Quy cố quận. Khi ấy vì hẻo chữ, lão chưa biết tiêu pha chữ nghĩa thế nào để văn dĩ tải đạo. Xuống phi trường Tân Sơn Nhất, dòm cái chuồng cu, lại vẫn hồn ma bóng quế gã bò xanh năm xưa, vẫn bộ mặt lạnh như tiền, giọng vô cảm khiến lão người ngợm cứng đơ như bùi giời. Thề đứa nào nói láo ông táo đội nồi cơm, bút một túi, giấy một túi có đấy, bỗng không lão tịt. Trong mấy ngày đầu, lão tịt mít chả vặn chữ véo câu khỉ gì. Ngay cả nhúm thơ của Hạ Chí Trương cõng theo làm hành trang, lão cũng đánh rơi rớt ở dọc đường với…trẻ lãng du, già về cố xứ vì gặp đám trẻ cười hỏi ta: Khách đến từ đâu?

      ***

      Mấy ngày sau,…khách đến từ đâu có mặt ở quán nhạc Ân Nam, đây là một phòng trà nhỏ như phòng trà Đêm Mầu Hồng với Phạm Đình Chương, Thái Thanh ngày nào. Ca sĩ trẻ từ ngoài Hà Nội vào, từ đầu chí cuối họ chỉ hát nhạc vàng. Đâu đó lạc lõng có Hồng Vân xưa thật xưa đang Ngậm ngùi vói Huy Cận…cây dài bóng xế ngẩn ngơ, hồn em đã chín mấy mùa thương đau,  (…) cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

     Thì lão nhớ nhà trong điếu thuốc, khói huyền bay lên cây. Bèn mò vào hành lang phía sau có cái bàn, cái tàn thuốc và một gã ở cái tuổi nửa đời nửa đoạn ngồi ở đấy.

     Gã khẽ đánh mắt một cái và bắt chuyện với lão:

      – Tôi thích câu cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

     Dòm gã có một chút lãng đãng, khuôn mặt chìm lắng…mấy mùa thương đau. Lão chắc mẩm chạy trời không khỏi nắng gã xưa kia không nhảy dù cũng thủy quân lục chiến chi đây. Đang muốn quên chuyện non nước mình lại gặp người lính cũ thân quen của một thời chinh chiến. Thế nên làm như quen thuộc, lão vun chuyện để làm thân:

      – Trước 75 anh ở đâu?

      Ý đồ lão là ở đơn vị nào, đóng quân ở đâu, đại thể như ở Huế hay Sài Gòn chẳng hạn. Gã thẫn thờ như gà rù giữa buổi đồng vắng, rồi trả lời ngay đơ:

      – Tôi ở Hà Nội.

     Lão đang “ngơ ngác như bò đội nón”, thì gã, giọng nghe vừa nặng vừa chối tai:

     – Tôi vào đây công tác.

     Lão ứ hự vì đụng phải người Hà Nội hôm nay thứ thật chứ còn khỉ gì nữa. Trong một thoáng bất chợt, trong lão vạy vọ một bài viết nào đấy viết về một cái gì đó và bật ra cái tựa đề: Người đi chân đất. Lý sự gì có cái tên “phê như con tê tê” này là chuyện sau. Chuyện bây giờ lão đang mải hí hoáy viết lên giấy điện thoại của gã: 01675244101 và điện thư: phamngocminh@yahoo.com để…giao lưu văn hoá. Lèo hèo thì ấy là “động tác giả” mà lão họp lóm được từ thằng em họ bên nội trong những ngày đầu.

      Hậu sự là lão…”chuột rút dần”  và …”chạy mất dép luôn”.

      Thì như đã nói giấy một túi, bút một túi, những gì thằng em họ hành ngôn hành tỏi đều được lão tha ma mộ địa trong cơn động kinh với chữ nghĩa qua chuyến đi. Đại thể đùm đậu như “sành điệu củ kiệu” hay “nhậu tới Quách Tỉnh thì về” (tỉnh với dấu ?)…

      ***

      Mấy ngày sau lão đi thăm họ hàng hang hốc…trong hốc trong hang theo thể loại con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi…

      Số là xưa kia khu Bàn Cờ số nhà với một hai cái suyệt, suyệt trên suyệt dưới…Nay họ hàng lão nhà cửa nằm trong bát quái trận đồ với ngách, ngõ như nhà số 26 ngách 6 ngõ 76. Lão dục dặc với thằng em sao họ hàng mình cứ chui vào ngõ ngách như…chuột vậy. Vì cứ theo người trong nước nhà mặt phố bố làm to mới hợp…phong thủy. Thằng em tươi tớp xưa rồi Diễm ơi vì bây giờ kinh tế thị trường thì nhà mặt tiền ngoài phố là “nhà ống, xe máy, kinh tế vỉa hè”, hiểu nôm là nhà cho thuê bày hàng ra bán ngoài vỉa hè mới ngon. Lão cãi um lên mấy ngày nay lão dòm thấy nhà ống, xe máy, kinh tế vỉa hè đông như nêm cối nhưng vắng như chùa bà Đanh là sự cố gì. Nó chưa kịp trả lời thì trâu dong bò dắt thế quái nào chả biết nữa đập vào mắt lão bảng hiệu với chữ Việt trong sáng của tiệm giầy với Giầy xấu giá cao và tiếp đến là quán nhậu với cái tên bí hiểm: Thích Thịt  khiến lão bí ngô bí khoai. Lão đang định hỏi thì…

       Thì đang đèo lão trên xe, thằng em quẹo vào con ngõ nhỏ sâu hun hút, quẹo trái, rẽ phải tới quán cà phê vườn. Lão ngẫm nguội con đường nhỏ tí ít ai biết đến, lại đâm đầu ngõ ngách ngoắt ngoéo ấy vậy mà khách đông như ruồi, lão vặn óc nghĩ không ra. Vừa ngồi xuống, nó dàng dênh quán cà phê để ngồi đồng hoá bụt thì đầy rẫy ở đầu đường cuối ngõ. Riêng quán nhậu có đò còn đấy để lão và nó có dịp “bia tô rượu bát”. Lúc này nó mới cho lão hay Sài Gòn nay hơn mười triệu dân…dân thất nghiệp “đông như quân Nguyên” nên mới đẻ ra quán cà phê, quán nhậu. Thêm nữa với kinh tế thị trường quá độ, hàng quán tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa…một ngày nào đó.

      Ra xe, thằng em đèo lão đi thăm hai nhà giầu nhất họ, nhà hai ba lầu, của chìm của nổi không kể. Chỉ kể mẫu sô chung là cái khoá cổng sắt to khiếp, khoá Mỹ thua xa và cái sân, nhìn gạch lát sân là biết gia cang gia thế…khổ chủ thế nào rồi. Khổ chủ đây thuộc dạng nhất phe nhì đảng nên đông địa tợn, cái giầu được “rất tâm trạng” qua bộ trường kỷ khẩm địa to như cái long sàng. Làm như nhà ở gần kho đạn Gò Vấp, gặp Việt kiều họ nổ tung trời với…tâm sự của bên thắng cuộc. Họ nổ đủ kiểu đủ cách, như vừa đi Tây, đi Tàu về, kèm theo thời gian, thời giá nên họ than…tốn kém quá. Với khổ chủ khác, lão ngồi nhũn như con chi chi không dám hó hé chuyện bên Mỹ vì chỉ sợ họ lấy đô la vo viên búng cho rỗ mặt. Vậy mà cũng không xong, đợi lão ngồi không cho đã rồi, họ rình rình quăng lựu đạn, mảnh đạn văng tứ tung rằng ngoài cái nhà này, họ còn hai ba cái nhà khác nữa. Ấy vậy mà họ chả nhắc nhỏm gì đên…nhà xác, nhà quàn gì sất cả.

      Một trong hai nhà này, năm 1999 lão dòm thấy trên tường treo bằng tưởng lục, bằng ban khen với ngôi sao đỏ, chỉ thiếu…bằng liệt sĩ. Nay những giống giuộc ấy không còn nữa, thay vào là cái tủ kính nho nhỏ ghim trên tường. Trong có chai Whiskey Chivas Regal 18 năm và Johnnie Walker Black Label 12 năm. Lão rọ rạy chắc là có đổi mới tư duy chi đây nhưng không tiện hỏi người anh em xã hội chủ nghĩa. Ngu gì mà hỏi!

      Gặp buổi mây chiều gió sớm, lão để cái đầu đẩy đưa về nhà bà cô lão mà vợ chồng lão đang trú ngụ. Nhà trong con ngõ vắng, sáng tinh mơ có ông rao âm ỉ: Ai mài dao mài kéo đây. Ừ thì lão còn tìm lại nghiệp ngão và tiếng rao từ nửa thế kỷ trước của người miên Nam sáng nắng chiều mưa trong những buổi sáng im ắng của con ngõ buồn hiu. Hay bà người Nam với cái đòn gánh đầu này buộc bó chổi, đầu kia buộc bó quạt. Bà rao lanh lảnh: Ai mua quạt nan, chổi lông gà đây. Nhìn bó quạt, lão nhủ thầm một ngày bà bán được bao nhiêu cái quạt để…đánh ruồi không đủ nuôi miệng cóc!.

      Lúc ấy lưng lửng chiều, lão lại lay lách chuyện một ngày vợ con lão đi chợ mua cá, thịt cho nhà bà cô để góp gió thành bão. Phiên chợ chiều vắng khách của những người buôn đầu chợ bán cuối sông. Tiện nội lão gặp một bà cụ bán cá, trên cái mẹt vỏn vẹn chỉ có ba con cá. Mỗi con bốn chục ngàn, trong khi một bát phở bảy chục ngàn. Mua bán xong, nhìn bà cụ gầy còm, đen đủi, mặt mũi nhăn nheo, tiện nội lão hỏi cụ tuổi thọ bao nhiêu? Cụ bà trả lời: 60. Tiện nội lão muốn ngã ngửa người ra vì mình cũng 60. Tiện nội lão chạnh lòng, quay sang con hỏi có nên gửi cụ ít tiền ăn trầu chăng. Con gật đầu vì đang ngẩn ngơ sao có bà cụ bằng tuổi mẹ nó mà già lão, nghèo khổ quá vậy (sau này cháu kể lại cho mẹ nghe). Thế là tiện nội lão dúi vào tay bà bán cá hai trăm ngàn tiền ông Hồ. Mắt bà ngơ ngác nhìn lên làm như chuyện không có thật và bà lúng búng: Sao cô tốt quá vậy. Hai mẹ con lẫm đẫm đi về, quay lại, vẫn thấy bà bán cá người Nam hóng mắt già nua nhìn theo trong một chiều nhạt nắng.

      Một ngày gặp đồng môn…Đồng canh đồng tuế thế đấy nhưng gần như có thể nói ai nấy đều…cóc cụ hơn lão. Mà chuyện nào có ra chuyện trong một ngày gặp lại, thảng như với khứa trường cũ bạn xưa này tóc bạc da mồi, răng lợi cái còn cái mất, nhưng vẫn còn bám víu già thì già tóc già tai, già răng già lợi, đồ chơi không già. Hoặc giả với khứa bạn cũ trường xưa kia tai điếc đặc, hỏi chuyện xưa neo tàu ở Phú Quốc thì trả lời mới đi Côn Đảo về, làm như vẫn còn luyến tiếc những ngày tù cải tạo. Với trăm năm bia đá thời mòn, ngàn năm bia rượu vẫn còn trơ trơ thì cả chục mống ngồi trơ ra đấy với bia bọt vì còn hơi sức đâu mà ực rượu. Qua đồng chiều cuống rạ, bằng hữu ăn uống khua khoắng nguều ngoàng như xẩm bị mất gậy. Bỗng không lão có cảm nhận mỗi khuôn mặt bạn bè dường như đánh mất một nỗi gì ấy. Lão đoán chừng mỗi người mỗi mang tâm trạng của John Steinbeck với Của chuột và người (Of Mice and Men), như John Steinbeck đã viết dùm bạn lão: Họ phải bám vào mảnh đất của mình để sinh tồn.

      Trên xe con về nhà…nghĩ lại 17 năm trước với tháng ngày đắp đổi, thiên hạ sự vì cơm áo gạo tiền trước mắt nên chấp nhận chuyện gì đến nó sẽ đến. Trong một vũng tang thương nước lộn trời ngày ấy, lão cũng về một tháng, đi từ Bắc chí Nam, chỉ nghe một hai lái xe củng quẳng chuyện ruồi bu nào đó. Nhưng lần này khác, các lái xe cứ nói um tướng cả lên, um tùm nhiều quá đến nỗi lão không nhớ. Chỉ nhớ những chuyện có ấn tượng như con bò, hay bò xanh như chuyệm đa nguyên, đa đảng bằng vào câu thành ngữ dân gian  thời hiện đại: “Con bò có một cái u, đàn ông một vợ thì ngu như bò”. Ngày ấy, với đám anh em họ, lão còn phải ăn nói dè chừng nên khi rày lão câm như thóc vì nhỡ lái xe là bò xanh thì bỏ bu. Làm như có ngẫu cảm, lái xe kể chuyện …

      Nhân chuyến Tổng thống Obama từ Hà Nội vào Sài Gòn. Lái xe được một ký giả Nhật thuê bao để làm phóng sự. Lái xe…lái xe vào cổng Tân Sơn Nhất bị công an chặn lại, và leo lên ngồi cạnh tới nơi máy bay của Tổng thống Obama hạ cánh để thả ông ký giả xuống. Công an ra lệnh lái xe…lái xe tới chỗ đậu riêng biệt. Trên xe, công an làm việc với lái xe với lý lịch có sẵn cầm tay từ hồi nào. Sau đó viên chức ngoại giao đưa ông ký giả đi họp báo, lái xe ngồi ở phòng đợi với hộp cơm hộp. Ăn cơm công an cũng ngồi đọc báo…ngó chừng. Lái xe giẹo giọ cả chuyến thuê bao của ký giả Nhật, ngồi không có tiền đấy nhưng hồi hộp quá mạng, chả ham tí nào vì sợ vãi đái ra quần.

      Từ đấy, từ lúc bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất đến khi leo lên phi cơ về lại đất tạm dung. Lão gặp nhiều khuôn mặt của thời thế, từ lớp sĩ phu Bắc Hà hay Nam Hà. Bất cứ nơi chốn nào, lão cũng nghe om thòm chuyện thế sự thăng trầm quân mạc vấn. Như cụ Vũ Hoàng Chương đã để lại bài thơ sau cái tết của ngày 30 tháng tư sáng chưa sáng hẳn tối không đành, gà lợn om sòm rối bức tranh. Tạm hiểu là tuỳ theo khuôn mặt của thời thế, những om thòm chui vào tai lão cũng khác nhau. Thế nhưng cũng không thiếu những động tác giả, thảng như ông đại tá công an hưu trí xếp thằng em họ (nó cũng là công an hưu non) chẳng hạn, ông cứ nhè cuối tuần kêu nó ra quán nhậu để nó trả tiền, để nghe ông chửi đổng. Theo nó, ông đại tá này thuộc thể loại không chửi không được vì không theo kịp trào lưu tiến hoá của đại chúng đang bất mãn.

      Trở lại với bạn bè, lão có ba thằng bạn về hưu, về mảnh đất đồng bái quê mùa này tím mảnh đất một thước hai thước để đợi ngày ngủ với giun với dế…Đụng đến tha ma mộ địa sông kia rày đã nên đồng, chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai, kết cục cả ba cũng theo chân cụ Vũ cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn, nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh. Ấy là chưa kể một trường cũ bạn xưa, đồng liêu,…đồng chí với Huỳnh Tấn Mẫm, năm 75 ở lại để làm nhân chứng cho cuộc chuyển mình của đất nước. Nay cũng ăn không ngồi rồi, ngồi đợi bạn cũ trường xưa từ đất khách quê người về để kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ, lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

       Đến tao đoạn này, bỗng dưng lão…liên hệ tới ông bạn đang ở mảnh đất tạm dung với lão. Ông là người cõi trên, hết xuân sang hạ, khi xuống núi nghe chim kêu trên cành, lúc lên non ngắm mây đi trên giời. Ông ngồi không, ngồi đồng rồi lên cơn đồng thiếp cậu bắn súng lục, cậu bơi thuyền rồng rồi khơi khơi đòi giải thể…đảng của các đấng đỉnh cao trí tuệ. Nếu như một ngày nắng hạ, vắng gió thiếu mây, ông người cõi trên bước xuống cõi trần ai nghe chuyện lái xe vời bò xanh thì ông…vãi đái ra quần ngay.

      Đụng đến trần ai khoai củ làm thế nào để giải thể…đảng ta, lão phải hỏi người của đảng ta cho ra nhẽ. Lão đè thằng em một thời đánh khăng đánh đáo với lão ở Hà Nội, sau là phóng viên kinh tế tờ Nhân Dân. Thằng em trả lời cái một: Kinh tế xụp là xong.

      Hôm sau, thằng em bia tô rượu bát đưa cả nhà lão tới nhà con gái nó ở bên kia cầu xa lộ cũ, nhà ở tầng 14 của một cao ốc cao mấy chục tầng thuộc quận 2, một quận đang phát triển của Sài Gòn. Nhà hai phòng gọn ghẽ, giàn bếp điện tử sáng loáng với những nút là nút, như condominium deluxe ở Mỹ, càng ở cao càng đắt tiền. Mở cái tủ lạnh xịn toàn Hamburger, Pizza, hỏi ra lão mới choáng vì cuối tuần vợ chồng đi chợ Cosco, sau đó đi tiệm cơm Tây, cơm Ý nên lão ngẫm nguội cháu mình là…tiểu đại gia chi đây. Gì mà trong tủ lạnh toàn đồ ăn Mỹ, sau lão mới hay con của cháu gái lão học trường quốc tế, học phí giá bèo 1000 đô một tháng. Trường tên gọi tiếng Việt là…là “Văn miếu”.

      Vì ở cùng quận 2, lão ghé thăm thằng bạn, thằng này sau 75, bảy lần vượt biên không xong đành ở lai nín thở qua sông. Vậy mà nó lặn rồi ngoi lên hồi nào mới hay. Qua điện thư nó hòm hõm mua nhà cũ sửa lại, đợi có giá bán, tiền lời một cái nhà bằng cả năm lương của lão. Tiếp đến nó xây khách sạn 5 tầng thuộc loại 5 sao gì đấy rồi từ đấy phất lên. Biết lão thích canh cua đồng, nộm rau muống, nó điện về là có ngay.

      Nhà nó nằm trong khu Thảo Điền, lái xe óc bóc khu này toàn là nhà của đại gia như Toàn đô la, Mậu euro. Xe đậu trước nhà nó, lão ngỡ sai địa chỉ vì: Giờ ạ! Nhà như cái lâu đài. Ngoài cổng lão dòm thấy ông bảo vệ đang ngồi xổm bắt kiến đuổi ruồi. Ông bảo vệ hộ tống lão vào trong sân, trên bậc tam cấp đá cẩm thạch, thằng đại gia đang cười cười chờ đón…, Lão muốn đấm vào mặt nó vì nhủ thầm giầu thì giầu vừa phải thôi, giầu thế chó này thì chơi vơi ai. Nó mở cánh cửa dầy nửa gang tay, nhìn tổng quát đồ đạc gì cũng quá khổ. Nó đưa lão lên lầu hai, phòng trưng bày đồ cổ như viện bảo tàng. Nguyên lầu ba là phòng con nó. Nó than con nó không học trường làng mà học trường Văn Miếu từ nhỏ nên tiếng Việt không được sõi lắm. Lên sân thượng nó xằn xò nhà nó nhỏ nhất trong khu Thảo Điền này và chỉ nhà đại gia thứ thật: Mẹ ơi! Như Tử Cấm Thành ở bên Tàu. Bấm nút thang máy xuống phòng ăn, trong thang mày nó khiêm cung, khiêm tốn rằng cái của nợ này nó xây chỉ mất hai triệu đô. Ngồi vào bàn ăn, lão uống rượu Louis 13, ăn nộm rau muống mà mồm miệng như nhai rơm nhai rạ vậy.

      Trên đường về, lão đành thẩn thơ, thơ thẩn nhìn ra ngoài đi tìm những dấu tích của một thời trong cái tâm trạng bây giờ già rồi, trí nhớ kém cỏi, chỗ còn chỗ mất, lờ mờ như khói, lãng đãng như sương. Trí nhớ mù sương của lão đang thẩn thẩn thơ thơ trên đường phố thì đập chát vào mặt với hết Khu phố văn hoá đên Phường văn hoá.

      Bèn bày biện cái thiếu văn hoá của mình với thằng bia tô rượu bát. Nó cười tít:

      – Anh là người đi chân đất.

      “Ngốc như con ốc” cách mấy, lão hiểu là đụt rồi, là chả hiểu gì sất văn hoá của mảnh đất này nên lão tính phải…đi Hà Nội ngàn năm văn vật tham quan một chuyến.

      Trong cơn đồng bóng chữ nghĩa, lão đặt tên bài viết Người đi chân đất là thế.

      ***

      Đưa lão ra Bắc tả phù hữu bật là thằng mất nguyên một hàm răng và thằng em bia tô rượu bát. Thằng của nợ này thuộc dạng ực “nhậu tới Quách Tỉnh thì về”, hiểu nôm là nhậu tới bến, nhậu tới…bất tỉnh. Năm thì mười thoảng nó cứ “bò lồm cồm như cua” mình có thời trong bộ công an. Làm như ngại lão rét, nó động viên tinh thần lão:

      – Em không “máu” đâu.

      Tiếp, nó “ăn cơm trước kẻng”:

      – Hà Nội thì em “chùm sò”.

      Riêng thằng em mất nguyên một hàm răng với điếu kêu tốn thuốc. tạm hiểu là chuyện của nó “tê tái con gà mái” lắm. Số là nó ở trong đội phòng không tên lửa. Nó “thông thống có đầu có cuối” là ngồi trong xe com-măng-đô theo dõi phi cơ Mỹ bằng ra-đa nhưng bị thằng Mỹ phá sóng, màn ảnh tối thui. Đang nhí nhoáy điều chỉnh, màn ảnh vừa sáng lên thì phát hiện một chấm đen bé li ti. Nó hô hoán: Địch tới.

      Vừa hồ hỡi xong nghe ầm một tiếng chát chúa. Hoả tiễn Mỹ nhè xe bọc sắt chơi một quả, đồng đội trong xe chết không còn một mống, nó bị văng ra ngoài nằm thù lù một đống như mả Đạm Tiên. Trước đó, mẹ nó vì thương con nên xúi nó lên Việt Bắc đào ngũ. Nhưng nó sợ liên lụy đến gia đình nên đành đội mũ cối, đi dép râu vào Nghệ An trấn thủ lưu đồn. Nó bị quại nguyên con một trái hoả tiễn Made in USA, Người vực nó lên là bạn nó, thấy nó máu mê đầm đìa, mặt nát bét như tương bần, răng lợi văng mất tiêu, mồm ói ra máu đỏ lòm, rồi người ta đưa nó đi. Ngỡ nó…đi rồi, nhanh nhẩu đoảng, thằng bạn điện về nhà báo tin nó hoá kiếp là liệt sĩ rồi. Thế là xuýt tí nữa nó được leo lên bàn thờ nấp sau quả trứng ngắm con gà khoả thân. Bị hoả tiễn Made in USA chơi cho một quả thừa sống thiếu chết, vậy mà nó không chống Mỹ mà lại quay sang chống…bác đảng ta. Nó chống bác và đảng cực kỳ hơn cả cực kỳ đến độ Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày…xách điếu cày chạy vắt giò lên cổ, chạy tuốt luốt qua…Mỹ luôn. Ngồi với nó, câu trước câu sau là bôi bácbác, chả hiểu có phải vì…mất nguyên một hàm răng chăng. Chỉ có điều nó nói chuyện có hơi rối và ngúc ngắc nên lão không nhớ. Mà chỉ nhớ nó bôi bác…bác bằng vào…chuyện của cụ Phan Khôi:

     “…Năm 1988, lúc ấy những người có chút lòng ưu thời mẫn thế tự nhiên cứ tìm đến nhau, rất hồn nhiên và vì trong nhóm chưa ai bị gây khó khăn. Tú Sót đến tôi (cụ Phan Khôi) chơi. Ông thử tôi bằng một vế đối: Bác bôi tôi, không bằng tôi bôi bác.

      Ông chơi chữ thật hóm ở hai chữ cuối: bôi bác. Bôi bác là hai chữ rời thì nghĩa khác, là một từ kép thì lại nghĩa khác, bác là bác nọ lại là bác kia. Tôi hỏi đã ai đối chưa.

Tú Sót bảo Hữu Loan đối rồi, và đọc: Mày ăn dân hết nước, dân ăn mày.

      Thú thật nghe xong tôi khoái trá lạ lùng. Quan hệ bác với tôi đã được Hữu Loan chuyển thành mày với dân. Đem chữ mày (ông Hồ) đối lại với chữ bác (ông Hồ). Chữ hết nước đã tài, nhưng “mày ăn dândân ăn mày” khiếp quá. Chữ ăn mày là thần bút, ăn mày là từ kép nghĩa đã hay, là hai chữ rời thì quá tuyệt. Quan hệ ăn thịt nhau

(Œil pour œil, dent pour dent) là quan hệ kẻ thù. Đúng là Hữu Loan…”.

       Quên! Thằng em bôi bác trên cũng là thằng phóng viên kinh tế chết tiệt của tờ Nhân Dân khi lão hỏi làm thế nào giải thể đảng ta thì nó trả lời cái kịch: Kinh tế xụp là xong. Nó cũng là anh của thằng chết bầm chết toi với kinh tế thị trường quá độ, với nhà ống, xe máy, kinh tế vỉa hè tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa một ngày nào đó…

      Ra Hà Nội, thằng em mất nguyên một hàm răng đưa đi ăn phở Thìn ở 13 phố Lò Đúc. Theo nó Thìn là tên ông chủ tiệm, tiệm phở mới chỉ xuất hiện ở Hà Nội cách đây 30 năm. Năm người ngồi xuống (trong đó có vợ con lão), nhân viên phục vụ tới hỏi: Ăn gì. Chưa kịp há mồm gọi phở tái gân hay chín nạm gấu thì người phục vụ…biến mất, lát sau bưng ra năm bát phở. Mặt lão đực ra như ngỗng ỉa, thằng em giựt giọc phở Thìn chỉ có một loại phở tên: Phở tái lăn. Vừa nói nó vừa móc túi trả tiền và lôm côm: Ấy là: Văn hoá trả tiền. Là văn hoá của người Hà Nội hôm nay là phải trả tiền trước. Nhìn xuống sàn nhà đầy rau thơm, giấy lau, thêm nữa nước phở hơi bị đục, bánh phở nhai như bánh cuốn Thanh Trì, thịt khô, không ngọt vì vậy bát phở lão ăn thấy dở òm.

     Lão phăm phở nhiễu nhương trên với thằng em bia tô rượu bát, nó vén môi nói chữ:

     – “Đời rất dở nhưng mình vẫn niềm nở…để nức nở bên bát phở”.

     Một ngày, lão ghé thăm thằng em họ bên ngoại, nhà thằng em năm tầng có thang máy, phòng nào cũng có máy camera nhòm ngó lão túi bụi làm lão chột dạ vì cái bệnh…cầm nhầm từ khi còn bé tí, nay cái tay nó giở chứng thì bỏ bu. Bởi lão không biết sao nó có cơ ngơi bự sự này nên hỏi, thằng em chỉ ba bức tượng trong phòng khách…

     Đó là ba con khỉ của Nhật: Con bịt mắt, con bịt tai, con bịt mồm.

     Bèn không hiểu, hỏi đến cu ti củ tỉ hoá ra thằng em là thanh tra của cung đình Ba Đình, vui chuyện nó kể lể chuyện đi thanh tra vụ cá chết ở miền Trung. Đoàn thanh tra có ba người được cả một đại đội công an bảo vệ, vũ khí ngập răng làm như sắp đi đánh Trường Sa không bằng. Gì mà cả một đại đội công an, trộm nghĩ thằng em có lạc quan tếu quá chăng! Mắt tròn dấu hỏi? Nó chắc như cua gạch là đúng 174 người.

     Lại hỏi tiếp thằng em tìm thấy gì và báo cáo với cung đình Ba Đình ra sao?

     Thằng em chỉ vào bức tượng con khỉ con bịt mồm.

     Với vũ khí ngập răng làm như sắp sửa đánh Trường Sa không bằng…Lão ăn mắm ngắm về sau về cái xương gà khó nuốt của Tào Tháo là Trường Sa. Nó lụng bụng:

     – Thế nó mạnh quá, làm gì được đây anh!?

     Thế là…anh ngọng luôn.

     Giờ tí trèo qua giờ ngọ hồi nào không hay, thằng con khỉ bịt mồm lấy xe Porch láng cóong sáu chỗ ngồi chở lão tới quán bún chả Hương Liên mà Tổng Thống Obama đã tới ăn ở đường Lê Văn Hưu. Leo lên gác, nó mở mồm rúc ráy chuyện bún riêu nhà, cà hàng xóm là chủ quán được điện thoại đặt cọc giữ chỗ cả tháng trước với danh sách đồ ăn thức uống, chủ quán ngỡ có…đám cưới. Ngày đó, tầng trên tầng dưới đông nghẹt những khách là… bò xanh. Dưới con phố Lê Văn Hưu, đàn ông đàn bà nhàn tản đi lại làm như không có gì xảy ra và không một ai biết các ông các bà đều là… bò xanh.

       Rất ngay tình bún chả…chả ngon gì sất bởi nhẽ người Hà Nội thanh lịch xưa ngâm thịt nướng trong bát ôtô với mắm giấm, đồ chua, ớt tỏi. Rồi gắp từng miếng thịt, nhúm bún, rau vừa miệng vào bát ăn cơm. Còn người Hà Nội Thanh-Nghệ Tĩnh hôm nay ắt là không có bát ăn cơm, cả đĩa bún và rau được tống vào bát ôtô đựng thịt như…ăn phở. Khổ nỗi bát phở mà nước dùng là…nước mắm nên lão chả…mặn tí nào.

       Với chuyện bò xanh ẩn hiện như ma trơi, lão có chuyện của lão với nhãn kiến vi thật, hiểu nôm là nhìn thấy mới cho là thật. Là mới hôm qua đây, để tìm về cội nguồn, lão đưa cô con đến chùa Trấn Quốc để con gái rượu lão hay biết 1472 năm trước: Ai là người lập nên nước Đại Việt, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Tới Văn Miếu, lão muốn con gái lão thấy tận mắt nền nho học cách đây cả nghìn năm là Văn Miếu, là trường Quốc tử giám với nền khoa cử xưa với thi hội, thi đình, với ông cống, ông nghè. Sau đấy lão để cái đầu đất một mình về thăm ký ức, phảng phất trong trí nhớ như sương khói bấy giờ của lão là hòn đảo có điện Văn Xương Đế Quân, nơi các thầy đồ tới xin sâm trước khi đi thi. Thế là lão đưa vợ con vào đền Ngọc Sơn.

      Ra khỏi đền, lão ngồi nghỉ ở ghế đá, dòm qua bên kia đường là đài tưởng niệm với hàng chữ: Tổ quốc ghi ơn…gi ấy. Tiện nội lão cho hay qua mạng lưới thông tin trước đó ở Mỹ, ở đài tưởng niệm kia đã có một hai nhóm đấu tranh dân chủ tụ họp…họp báo bỏ túi nên muốn chụp hình vì là…hàng độc. Tiện nội lão bước qua bên đường, đang chụp thì có tiếng loa oác oác…vì còi xe, tiếng máy xe lão không nghe rõ. Và chỉ thấy tiện nội chạy như vịt về và lóng chóng: “Cái loa nó đuổi em” – “Em có thấy bò xanh không”. – “Không, em chỉ nghe cái loa nó nói cấm không được chụp hình”. Dòm qua đường, với nhãn kiến vi thật, là nhìn thấy mới cho là thật…Thật ra lão có nhìn thấy bò xanh khỉ nào đâu. Vắng tanh vắng ngắt. Quái thật, hay đài tưởng niệm người chết có…ma.

       Chợt nhớ ở Sài Gòn mới đây, nhà thơ Lý Đợi chụp hình bảng tên đường Trường Sa cạnh kinh Nhiêu Lộc để làm phóng sự. Đang bấm máy cách cách thì hai bò xanh lái xe Honda đầm sầm vào nhà thơ. Ông ngã dập mặt, chúng giật cái máy ảnh chạy mất tiêu. Về nhà nghỉ, lão thở như bò thở kể chuyện bò vàng cho thằng em rằng hú vía: Lão…không bị mất cái Nikon, tiện nội lão nếu có…bị xe đụng chắc cũng…chả sao.

       Nghe chuyện ăn bún chả Hà Nội như ăn…phở Thìn, thằng em mất nguyên một hàm răng đưa đi ăn phở Bát Đàn để người đi chân đất biết thế nào là: Văn hoá xếp hàng. Trên đường, nó hặm hụi phở Bát Đàn không phải là phở gia truyền vì chỉ có mới đây, tiệm nằm trên phố Bát Đàn gần hồ Hồ Kiếm nên có cái tên ấy. Tới căn nhà bé bằng lỗ mũi ở số 42, người Hà Nội xếp hàng dài cả 10 m có hơn, thấy lão ngán ngẩm, thằng em đưa vào quán cà phê trước cửa. Theo tập tục người phục vụ quán cà phê đi bộ sang tiệm phở bê phở về, mỗi bát phở họ tính thêm năm ngàn. Trên bàn có thìa nhôm, đĩa dầu cháo quẩy, nhưng tuyệt không có rau thơm, chanh, tương ớt. So với phở Thìn, phở Bát Đàn nước trong hơn, thịt đậm đà hơn nhưng bánh phở vẫn như bánh cuốn.

       Ăn xong, lão ra ngoài đường hít thuốc và mục sở thị người phục vụ cà phê làm việc ngắn gọn với người phục vụ phở: Năm bát đây – Còn 40 nữa – Quên – Quên khôn vậy. Mặc dù “dốt như con rối” lão cũng…rối ren ra 40 là tiền dầu cháo quẩy. Họ nói chuyện với nhau giọng Bình Trị-Thiên nghe nặng, chối tai như người Hà Nội ở quán nhạc Ân Nam hôm nào. Không những thế, kèm theo đối thoại cụt ngủn là hai tiếng chửi tục địt mẹ liên tục, đặc trưng của người Hà Nội hôm nay nói riêng và người Bắc nói chung. Đợi họ thao tác văn hoá chửi thề xong, chả biết mồm miệng ăn mắm ăn muối gì chả biết nữa, lão há mồm: Phở hơi mặn thì phải. Người phục vụ phở củng quẳng: Mặc kệ. Rồi quay ngoắt qua bên kia đường, không quên quẳng lại đường mưa ướt đất hai tiếng…

      Khổ nỗi tiếng khác câu, những câu chửi tục của người Bắc sắp có dưới đây trên đường xưa lối cũ tìm về cơ ngơi thổ quán mà lão bị chửi cho rỗ mặt, chửi cho mục mả…

      Thêm một lần, lão phăm phở với thằng em bia tô rượu bát…bát phở hơi mặn, thằng em lại cười như nghé lão đúng là người đi chân đất và nó chứ bự: Phở mặn là truyền thống của phở Bát Đàn. Thế là mặt lão bẹt ra như bánh xe xẹp lốp với…truyền thống phở mặn. Bỗng không lão hoài cố nhân đến ông bạn nhà báo Lê Thiệp đã đi vào thiên cổ, cũng ở nơi chốn này, ông ngồi ở phố Bát Đàn để có bài lưu cảo: Ăn phở Hà Nội.

      “…Trên con đường trở về chỗ trọ, tôi thấy lỗi tại tôi trăm bề. Tôi đã đổi, đã thay chứ Hà Nội của tôi vẫn thế, vẫn là Hà Nội của nửa thế kỷ trước. Nơi đây, thời gian ngưng lại. Tôi nhìn lại gốc cây sấu được quét vôi trắng. Nó vẫn y như cây sấu của tôi ngày xưa. Tự nhiên tôi phá ra cười. Ngày xưa, ông Sartre nhìn thấy một gốc cây xù xì mà phát hiện ra chủ nghĩa hiện sinh. Tôi vừa nhìn thấy gốc cây sấu, đã phát hiện ra là ở Hà Nội yêu dấu của tôi, thời gian ngưng lại mà đôi khi lại còn đi giật lùi….”.

       Đang cách rách đến đây, thằng em bia tô rượu bát rủ đi Hạ Long qua ngả Nam Định. Đi Nam Định làm khỉ mốc gì, bèn lõ mắt ra, nó không nói. Xe chạy hướng tây-nam qua Hà Đông, nhìn nhà cửa hai bên phố nó dục dặc đất ở đây đắt như quỷ vì Hà Đông nay thuộc về Hà Nội. Ra khỏi thành phố nhà nào cũng hai ba tầng lợp mái ngói đỏ. Trên sân thượng có nhà hóng gió, mái…ngự trên bốn cọc sắt cũng cũng mái ngói đỏ luôn. Bèn tỏ lòng ngưỡng mộ mô-típ hiện đại, nó cười tít đấy là…mái tôn sơn đỏ.

       Xe bon bon trên xa lộ cao tốc, ông bạn nhà báo họ Lê cứ bám cứng lấy lão qua …nơi đây, thời gian ngưng lại với Hà Nội yêu dấu của tôi, thời gian ngưng lại mà đôi khi lại còn đi giật lùi….Qua làng mạc, quả thật thời gian như đi giật lùi vì những căn nhà lá xác xơ nằm bên vệ cỏ vẫn còn đấy. Qua những thị xã, hàng quán lơ thơ nghèo nàn có tên quán thịt chó mèo, quán tiết canh ngan hay quán cơm phở vắng khách, trống hoác. Qua cánh đồng xẫm nước có nghĩa địa làng, lăng mộ quét vôi vữa vàng kịt, đỏ ệch, miếu đền đổ nát như muốn trơ gan cùng tuế nguyệt. Đàn trâu năm sáu con gầy nhom, da bạc phếch ngơ ngác bên vệ đương nhìn thời gian như ngưng lại.

       Dòm cột cây số từ thời Tây: 87 km, lão mới biết Hà Nội-Nam Định không tới một trăm cây số.  Xe tới phố Bà Triệu, nó mới nói cho hay là trở về phố xưa. Nó muốn lão về thăm căn nhà cũ của nó mà thời bao cấp gọi là căn hộ. Trước kia, lão chỉ hiểu căn hộ là nhà được chia ra làm nhiều căn, buồng bằng những vách ngăn. Nhưng căn hộ của gia đình nó ngay trước mắt lão đây là một huyễn hoặc và lão không tin ở mắt mình…

       Ngách vào nhỏ hẹp, bề ngang vừa vặn bằng cái ghi-đông xe đạp, vừa đủ cho một người lách vào. Cuối ngõ là cái cầu thang tối thui. Lên hết cầu thang ẩm thấp, va vào mắt lão là 9 m vuông cho gia đình nó với 7 ngừời. Phòng không có điện, không có cửa sổ, âm u, lạnh lẽo khiến lão có cảm tưởng bước vào nhà tù. Bốn bức tường gạch loang lổ tù túng và nóng nực. Nóng đến nỗi chiếu phải ngâm nước cho ẩm ướt để dễ ngủ, lát sau chiếu khô cứng như mo nang, chiều chiều anh chị em nó ngồi ở lề đường hóng gió.

       Rời nhà, nó dẫn qua bên đương gặp thằng bạn cũ còn lại ở con phố này.

       Năm nay là năm 2016, bạn nó có cái quán nước chè vối bên lề đường. Quán không phải là quán nước của thời Tự lực văn đoàn với chõng tre có mái che, dăm ba nải chuối, lọ kẹo vừng, cái ấm tích mà đơn độc chỉ có 4 cái ghế thấp tịt, gác cạnh cái bàn nhựa là cái điều cày. Trên bàn có phích nước chè cáu bẩn, và…tập số đề.

       Thằng em đưa lão đi thằm đền Trần thờ 14 vua Trần. Tới Thành Nam của Trấn Sơn Nam cũ, một trong Tứ trấn của người phương Nam chống người phương Bắc. Nhà thờ Khoái Đồng, một ấn tích của những nhà truyền giáo phuơng Tây, trong đó có Alexandre de Rhodes, người đã tạo lên chữ quốc ngữ. Ấy vậy mà người trong nước đã phá đi mộ Alexandre de Rhodes. Sài Gòn đã mất một di tích lịch sử, cũng như một địa danh: Lăng Cha Cả. Đầu trở xuống cuống trở lên nhờ có chữ Việt, lão mới lôm côm được với chữ nghĩa, nếu còn như với chữ Nôm thì…thì lão không dám nghĩ nôm na tiêp nữa!

       Rời Nam Định, không còn xa lộ cao tốc nữa, xe rẽ phải chạy trên Quốc lộ 10 đi Hạ Long, hướng về thị xã Thái Bình cách Nam Định 20 km. Qua cầu, tự đằng xa bên phà Tân Đệ ngày nào chỉ mờ nhân ảnh trong một cõi đi về. Về tới thị xã Đống Năm là nơi bà cụ lão có tiệm bán vải vóc ở đấy vào thập niên 50. Thị xã Đống Năm cách làng Thượng Tầm 5 km là nơi lão oe oe chào đời 72 năm trước. Lão nói với lái xe táp vào quán bên đường để mua chút quà quê nội là bánh cáy. Đúng là số ruồi vì số là già hay đái giắt, lão mò mẫm ra bụi cây sau quán để tè một bãi thì…Thì sau lưng lão có mợ nào ở lỗ nẻ nào chui lên, mợ đang vén mồm chửi lão te tái. Mợ chửi lão còn hơn cả các cụ ta xưa chửi mất gà. Nghĩ cũng hay, mợ chửi có bài có bản, nào là: Tiên sư tổ bố nhà mày nhá, để ông, để bà dậy cho thằng giá đái bậy biết nhá!. Nhá nhem rồi, mợ chửi lão như vặt thịt: Cha năm đời mười đời bố cụ nhà mày nhá, để ông, để bà lấy dao cắt buồi mày, để ông, để bà bỏ thỏm buồi mày vào nồi, đun sôi sùng sục, mày múc ra mâm, mày ăn ngấm ngầm cho tới tam đại, tứ đại nhà mày nhá! Tiên sư tổ bố thằng già đái bậy!.

       Bố khỉ! Thế là…bố già tịt không bậy bạ được nữa. Chỉ khổ…thằng con!

       Dòm bảng chỉ đường bên phải là Ninh Bình với phủ Lý Nhân, lão lại nắn no tới cụ Nguyễn Khuyến với một chiếc thuyền câu bé tẻo teo, lại đẩy đưa tới chèo thuyền trong hang động Trường An với thịt dê núi, lão nói với thằng em khi về sẽ ghé qua để bia tô rượu bát. Gần tới Hải Phòng, lão dòm thấy cơ xưởng sản xuất hàng điện tử chữ Tàu to đùng, dưới có hàng chữ Việt tên cơ xưởng: Tần Thủy Hoàng. Cổng vào có bò xanh đứng gác, mặt mũi khẩn trương, quần áo thẳng nếp đứng thẳng như thằng người gỗ. Trong xưởng, building cửa sổ kính gương xanh lè, trong sân, cần cẩu cao nghệu.

       Qua thị xã Vĩnh Bảo, xa xa hơn một chút là mảnh đất chơ vơ, là nơi làm vôi của người Việt mình. Những tảng đá vôi mang từ Ninh Bình về. Đá vôi được đập bằng búa tạ, xe cải tiến chở vôi vụn tới những cối xay bự sự hơn cối xay lúa, thợ gò lưng đẩy cái cần cối xay vòng vòng dưới trời nắng chang chang. Ngay đó là nhà máy vôi thời Tây bị bỏ hoang, nửa cột ống khói còn lại nghiêng qua một bên…bên bờ hiu quạnh.

      Ra khỏi thị xã đã quá trưa, bảng chỉ đường đi Tứ Kỳ là tỉnh địa đầu của Hải Dương, quê ngoại lão, xe ghé vào đấy để ăn rươi bảy món và dưa phong của Hải Dương tròn to bằng quả bòng. Đĩa chả rươi vàng ươm với thì là, vỏ quýt sắt nhỏ, vì đang “đói như trái chuối” nên lão ăn thấy ngon kể gì như những ngày còn bé. Ngon như đĩa rau muống luộc với rau kinh giới, với bát canh rau muống dầm sấu hôm nào ở Hà Nội.

       Cơm trưa xong, xe chạy qua Hải Phòng, xế chiều tới Bãi Cháy, bạn bè cũ thằng em bia tô rượu bát làm việc ở đấy đợi sẵn trong quán vì đã được nó điện thoại từ trước. Ở Hạ Long, bạn nó là quan chức, lại là đại gia nên được hít thuốc thả dàn trong phòng riêng có máy lạnh, trên bàn nghễu nghện hai chai Whiskey chờ bữa tiệc trường phùng tác hí. Lần đầu tiên trong đời lão được ăn những hải sản như cá ngựa biển, tôm bề bề, rít biển…Thằng em càm ràm bạn bè nó từ lớp ba sau thành thành danh nhờ tốt nghiệp trung cấp. Nó luôm nhuôm vậy, nhưng lão thấy có một hai anh bề ngoài sáng sủa, hoạt bát, lại đẹp giai nữa, họ dám từ lớp ba nay là tiến sĩ không biết chừng. Như anh trẻ măng ngồi trước mặt lão, khởi đầu chỉ làm thợ hồ xây cất, được giấy ban khen, vào đảng, rồi được cất nhắc lên cấp lãnh đạo và xuýt tí nữa bắt được cái ghế thứ trưởng. Chả biết nghiệp ngão thế nào, lão mường tượng đến anh em trẻ đang ngồi đây với nhất phe nhì cánh được ngồi ở cung đình Ba Đình. Họ thay thế cho các đấng đỉnh cao trí thuệ đã “già như quả cà” thì hay biết mấy. Chỉ nhiễu sự một nỗi, nhiều anh em đây, khi nói cứ lẫn lộn “n” với “l” hay “l” với “n” mới rõ khổ. Nên lão cứ tiếc hùi hụi.

      Trước khi bay vào Sài Gòn, thằng em là nhà báo nên cũng “cà phê tí tách” lắm. Nó bồ bãm câu thành ngữ sau 54 của những tay chơi Hà Nội: “Cà phê Lâm toét, Vân Hương mỹ tửu, trà Thái bác Tuyên” (Tuyên Quang). Thế là nó dẫn cả nhà lão tới cà phê Lâm toét ở 60 Nguyễn Hữu Huân để…cà phê tí tách. Qua giai thoại ông chủ quán tên Lâm mặc dù toét mắt nhưng mắt rất tinh đời về hội hoạ, những hoạ sĩ như Bùi Xuân Phái, Nam Sơn thường cấn tranh để trả nợ cà phê. Ngồi trong quán, lão như hoà nhập vào thời gian, không gian với người xưa năm cũ, hồn ở đâu bây giờ. Để rồi lão để hồn đi hoang một ngày nào đó, bốn chục năm sau chẳng hạn, con gái lão cùng chồng con trở lại quán cà phê của một thời này. Và con gái lão nao nuốt với cháu ngoại lão: Ngày xưa ông ngoại đã ngồi ở đây với…cụ Lâm toét. Nói cho ngay ấy chỉ là hoang tưởng, không thật. Nhưng thật ra lão đang vặn vẹo rộn cả người vì một lần con gái đi phố đã vũm vĩm với mẹ: I love Việt Nam. Ừ thì nghĩ cho cùng cũng ấm áp cho một chuyến đi.

      Ra khỏi quán, dọc hai bên đường là những quán cà phê rải rác giống như đường St Germain des Prés của Paris có quán Les Deux Magots, Café de Flore với Pablo Picasso, Van Gogh. Với lão, con phố Nguyễn Hữu Huân là con đường cà phê của Hà Nội với Hà Nội mùa này … vắng những cơn mưa…(nhạc Trương Quý Hải)

      ***

  Về lại Sài Gòn hôm trước hôm sau lão đi Vũng Tàu…

      Xe qua Long Thành, con phố dài cả mấy cây số, quán xá nghèo nàn chen chúc nhau, nhìn vào hàng quán trống vắng chổng chơ với bàn ghế, trong lão như trống rỗng Cũng như ngoài Bắc, dòm ra ngoài cửa kính xe, lão bùi ngùi nhìn những căn nhà xiêu vẹo giữa đồng vắng. Ừ mà gọi là nhà cũng chả hẳn là đúng, ấy chỉ là căn liếp, mái lá gồi bơ vơ giữa đồng không mông quạnh trong gió lộng. Lão không thấy trâu bò và người đâu cả, họ như biến mất trong cõi nhân gian phù thế này. Trong tâm thái đi tìm thời gian đánh mất, lão chạnh lòng với người xưa cảnh cũ nào đâu tá, ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu. Với Đi tìm thời gian đánh mất, Marcell Proust chỉ đi tìm thời gian đánh mất qua cây cầu đầu làng của mình. Riêng lão…lão còn đi tìm người trăm năm cũ nữa, Như tới Bà Rịa, lão ngược thời gian theo chân chúa Nguyễn 374 năm trước đã di dân vào đây khai khẩn đất đất hoang. Từ mảnh đất địa đầu mới có Biên Hoà, Châu Đốc trải dài xuống Cà Mau. Người về từ trăm năm như lẩn quất ở dãy núi Thị Vải trên kia, hay đâu đây ở mảnh đất dưới này, xưa thật là xưa có tên của người Khờ-me là: Mỏ Xoài.

       Bỏ lại đằng sau những dấu ấn của một thời xa xưa, trở về với thực tại, trên đường lão không thấy bò xanh, bò vàng (cảnh sát giao thông) đầy đường như ở ngoài Bắc. Chợt nhớ lại lái xe ngoài Hà Nội kể chuyện một lần được thuê bao từ Bắc vào Nam. Đến Sài Gòn cũng nhận thấy in hịt như lão. Lái xe hỏi lão ấy là lý sự gì, đang “im như con chim” thì lái xe thủng thẳng như ông từ vào đền là vẽ người dễ, vẽ ma khó. Lão lại là người đi chân đất nữa mới đau! Thêm nữa, thực mục sở thị theo cơ ngơi thổ địa với tùy ngộ nhi an, ngoài Bắc xây nhà thờ, trong Nam dựng chùa, Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng chùa chiền trong Nam nhiều hơn nhà thờ ngoài Bắc, có thể trong chốn ta bà, bá tánh đang nấp bóng dựa cửa thiền môn chăng? Chuyện trăm năm sông núi vẫn còn, nghìn năm bia rượu vẫn còn như xưa thì: Sài Gòn Heineken, Tiger, Hà Nội bia hơi, bia sệt. Bắc-Nam đều thích ực rượu thuốc. Riêng thịt chó cả hai miền đều hẩu sực.

  Có rượu là có tửu đồ, trên đường về thành phố mang tên xác người, lão bắt “con dế” gọi thằng bạn như gọi đò sang và hẹn nó ở hẻm 189 Cống Quỳnh. Con hẻm dài hơn trăm thước có năm sáu quán thịt chó. Để dục phá thành sầu dụng tửu binh, lão chọn quán thịt chó Vũng Tàu với cầy quay bốc lửa vì bạn lão là người miền Nam. Còn quán thịt chó Nam Định với nguyên cái đùi thịt chó nướng như đùi trừu con để hồi sau sẽ phân giải. Thằng bạn lôi trong túi xách ra chai rươu đế cất tại nhà vì sợ rượu…“đểu”.

      Ngồi thì lì trong quán nhậu, lão hoài đồng vọng với thằng bạn với nỗi niềm cố thổ ai ra bến nước trông về Bắc, chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng. Và rì rầm về chuyến đi từ Nam ra Bắc với ngẫu sự của cuộc đổi đời, nó lực đực triết lý củ khoai: Đời chó thật! Chỉ còn thịt chó là dễ thương. Trầm luân trong bể phù sinh một lát, nó tắp lự không nói gì…Lão leo heo là tổ tiên thằng bạn năm trăm trước đến đây khai khẩn đất hoang để có mảnh đất miền Nam này. Nay với tang thương ngẫu lục, thằng bạn xem như đã mất đất. Với Sài Gòn đã thay da đổi thịt nên không còn của thằng bạn người miền Nam nữa.

       Sài Gòn hôm nay đang đi vào quá khứ. Sài Gòn ngày mai sẽ thuộc về cổ sử.

       Đang gà gưỡng đến đây, nó lại lôi trong túi xách ra hai hũ mắm thái Châu Đốc. Hoá ra tuần trước, thằng bạn Nam kỳ lụi hụi về miền Tây mua mắm ruột cá lóc cho thằng bạn Bắc kỳ nhậu trong khi nó nghèo lõ đít. Lão lại lây lất chuyện tiện nội lão với bà bán cá trong phiên chợ chiều, chả phải khoe mẽ gì, lão cũng dúi dấm vào tay thằng bạn nhậu ít tiền để uống rượu…“sạch”. Nó với khí khái của người miền Nam gạt đi, cúi đầu ực tiếp. Bố khỉ! Thế này thì chuyện nọ bức dư đồ thử đứng coi với thôi để rồi ta sẽ liệu bồi rồi ra sẽ chẳng đi đến đâu! Thôi thì cũng đành rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng (thơ Nguyễn Bá Trác).

      Hôm sau, lão mò ra đường Hồng Thập Tự bán sách cũ trong cái tâm trạng đi săn đồ cổ với của đi tìm người. Sách không còn bày bán bên lề đường nữa mà nằm trong ba, bốn tiệm như tiệm tạp hóa, đảo mắt tìm chỉ thấy sách in lại của Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê…Tìm về đường Lê Lợi với nhà sách Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương. Chuyện là khi trước, vào nhà sách Khai Trí lão ngộp người với những sách là sách, nay cũng như tiệm tạp hoá, họ bán sách lẫn lộn với đồ chơi trẻ con. Lần mò vào kệ sách sử học, đất nước với cả nghìn năm, loe ngoe chỉ có sách in lại từ Tập san Sử địa trước 75, sách của sử gia miền Bắc hoàn toàn vắng bóng. Chỉ có bốn năm cuốn của Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Duy Chính, những nhà sử học ở ngoài nước viết về sử Việt trong những ngày vắng gió chiều hôm. Đảo qua kệ sách văn học, với số dân gần một trăm triệu, sách vở đếm không quá mười đầu ngón tay với Tô Hoài, Phùng Quán, Bảo Ninh…

      Lão cắc củm chả cần phố văn hoá, văn hoá phường với đống rác bên cạnh mà là văn học, sử học quê nhà. Nếu họ để sử học, văn học nhếch nhác như văn hoá phường, phố văn hoá với lưu danh muôn thuở, lưu xú ngàn năm, người Hà Nội có tội với lịch sử.

      Trong cơn đồng bóng với chữ nghĩa, lão sàng chữ ra câu, sẩy câu ra chữ để chữ nghĩa bò lổm ngổm dầy đặc như ruồi bu ấy thôi. Cứ nho táo với vô nhân bất tri, hiểu nôm là không ai không biết nói chuyện với người Hà Nội thà vén quần nói chuyện với đầu gối sướng hơn. Vì họ đâu biết rằng cả tuần nay, lão dòm thấy văn hoá Hamburger, văn hoá Starbucks đang bò lổm ngổm đầy ngoài đường phố.

      ***

      Tu chùa chẳng bằng tu nhà, ăn ở thật thà mới là chân tu thì…thì cả tháng nay lão quên khuấy mình có người tình đã mặc áo nâu sòng ở nhà không số, phố không tên của Sài Gòn xưa cũ. Cả tháng nay đi khắp Sài Gòn đầu đường cuối ngõ, cũng như hôm nay đây, bước ra khỏi tiệm sách, nhìn con phố với dòng người qua lại, đường Lê Lợi với con đường tình ta đi ngày nào, lão hong hanh mắt tìm không ra một tà áo dài với…

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

                                                                                             

Thạch trúc gia trang

Lập thu, Bính Thân 2016

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

 

 

No comments: