Wednesday, June 6, 2018

Đất Cũng Buồn Như Biển - Thuyên Huy



 Đất Cũng Buồn Như Biển

Thương Bảo, nhớ Hậu và chiếc ghe có thật ở bên cầu chữ Y - Sài Gòn của những ngày sau một chín bảy năm
 
 

 

    Bước ra mở cửa, thấy Hậu, chưa kịp hỏi han gì thì Trâm, đứa em gái út của Bảo đã khóc òa lên “anh Bảo chết rồi anh Hậu ơi”, rồi chạy vụt vào khuất hút bên trong, vẫn khóc, Hậu chết điếng, bần thần đứng yên một lúc, trong nhà lặng im, không đủ sáng dù ngoài đường nắng gần giữa trưa chói rực cả một khoảng sân trước, rụng đầy lá úa đầu thu một màu nâu khô đét.

     Hậu ngồi trên một trong mấy cái ghế gần cửa sổ nhìn ra ngoài, chờ, mẹ Bảo, bác Lộc gái tay vịn Trâm bước thấp bước cao đi ra, lặng lẽ ngồi kế bên, mắt ướt đỏ, một lần nữa Trâm lại khóc ấm ức, bà nắm tay Hậu run run, lập lại lời Trâm lúc ra mở cửa “thằng Bảo chết rồi con ơi”, Hậu cúi đầu nhìn xuống, không khóc, để mặc cho nước mắt lăn dài xuống môi mặn đắng, Trang không có ở nhà, đã qua chùa Tam Tông Miếu từ sáng sớm.

    *

   Hậu quen với Bảo từ những ngày đầu năm thứ nhất trường Luật, rồi thân nhau dần dần sau đó lúc nào không hay, gia đình Bảo tương đối khá giả, ba của Bảo, bác Lộc, làm thẩm phán của một tòa án ở Tuy Hòa hay Nha Trang gì đó, ở xế góc ngã ba Phan Đình Phùng - Nguyễn Thiện Thuật, căn biệt thự không mấy lớn, gọn gàng, có sân rào kín hoa Giấy đỏ, nhà có ba anh em, sau Bảo là hai cô em gái, Trang cô kế, Trâm cô út, cả hai là học trò trường Nguyễn Bá Tòng. Rủ ren cà phê cà pháo, thêm chút máu văn chương trong người, tập tành gởi mấy bài thơ tình lỡ tình câm, hết cho thi văn đoàn này thi văn đoàn kia, báo Trắng Đen rồi Tin Sáng, thỉnh thoảng được đăng lên, dù chưa hay ho gì nhưng cũng đủ làm cho họ có chuyện mà nói ngày này qua ngày nọ, từ hết gác trọ của Hậu, một cái gác cây lưng lửng cuối con hẽm cụt trên đường Petrus Ký đến căn phòng sau nhà, vắng một cỏi trời riêng của Bảo. Nhờ tánh tình ít nói, hiền hậu, hay cười, riết rồi cả nhà Bảo, từ bác gái cho tới hai đứa em đều coi anh ta như người trong nhà, đôi khi còn lo cho cái này cái nọ, cũng hai ba lần “tan trường về chung lối” với chị em Trang và Trâm, khi đón ở cổng chiều. Hậu gặp bác Lộc trai một hai lần, khi về thăm nhà, nghe hai tiếng thẩm phán, thấy cũng ngán nhưng không như mình nghĩ, bác vui tánh, từ tốn và dễ mến nên nói chuyện với bác, anh có phần dạn dĩ hơn, không như lời đám con của bác hù dọa.

    Đầu năm thứ hai, Hậu đổi qua học trường khác sau kỳ thi tuyển, anh rủ Bảo nhưng anh chàng nhất định học Luật, không như Hậu, Bảo học giỏi, ngay từ sau tú tài hai, dư sức đậu vào mấy phân khoa khác, Y Nha, Phú Thọ... nhưng anh không làm, thân rồi mới biết Bảo quyết định chọn con đường của bác Lộc, không còn học chung nhưng tình bạn từ trước vẫn vậy, cũng cà phê vĩa hè, cũng ly kem lạnh trong góc quán Mai Hương, nhìn áo ai bay ngoài đường phố chiều giữa trời Sài Gòn nắng đó rồi mưa đó. Trang đậu tú tài hai năm sau, lại chọn vào Luật giống như anh mình, vẫn còn những vui buồn bất chợt của ngày tháng cũ pha chút giận hờn làm dáng. Có nhiều đêm ngủ muộn, nằm nghe mưa nhỏ từng giọt, tiếng mất tiếng còn trên gác, thao thức trở mình, có cái gì vương vương vấn vấn là lạ trong hồn, Hậu bất chợt man mác nghĩ về Trang, mặc dù cố xua đi nhưng hình như “hồn lỡ sa vào đôi mắt em “ thì phải, chưa kể, Hậu giờ có nhiều lần nhìn trộm cô nàng hơn trước, nhìn trộm rồi vui một mình, và biết mình đã thương nhưng thương thầm từ đó, cứ như vậy mà thương “Lâu nay tôi thấy ở hồn tôi, Như có tơ vương tới một người, Người ấy… nhưng mà tôi chả nói, Tôi đành ngậm miệng nữa mà thôi!( Đinh Hùng)”, ngay cả chưa nghĩ tới chuyện nói với Bảo.

   

    Ra trường, Hậu xuống Long Xuyên làm việc tại cái quận nhỏ, Bảo tập sự ở văn phòng của một người luật sư quen, vốn là bạn của bác Lộc, làm chung công ty gì đó trước kia, Trang lên năm thứ hai, Trâm sắp thi tú tài một. Chiến tranh ngày càng lan rộng và khốc liệt hơn, tiếng bom, tiếng súng xem ra cứ kéo dài hơn là có phần giảm bớt, bạn bè vào lính, nhiều đi hơn là về, nhất là từ những ngày “mùa hè đỏ lửa”, từ lúc xuống Long Xuyên, Hậu ít có dịp về lại Sài Gòn, may là về Mỹ Tho thăm mẹ vài lần, tới đó rồi thôi, mẹ một mình ra vào quạnh quẽ, cái quạnh quẽ mà bà đã có nó bên mình từ ngày ba Hậu mất, đôi ba ngày rồi quày quã trở lại nhiệm sở, chuyến xe đò quen từ Long Xuyên về Sài Gòn ít khi có Hậu, thỉnh thoảng nhận thư Bảo cũng như vài câu của chị em Trang hỏi thăm, nhiều lần, định viết cho Bảo chuyện mình thương Trang nhưng rồi lại thôi, ngài ngại lần lựa chờ, qua Tết năm sau, Bảo báo tin vào làm cho Công tố viện, hẹn có ngày gặp lại ở Sài Gòn và cho biết thôi không còn làm thơ nữa.

      Buổi chiều, giờ học trò ra chơi, qua bên trường tiểu học tán dốc với mấy cô giáo cho vui, trở lại văn phòng, Hậu nhận được lá thư dầy cộm từ Sài Gòn của Bảo kèm theo thiệp báo tin Trang lấy chồng và mấy hàng mời Hậu về dự đám cưới đầu hè năm này, để tấm thiệp trên bàn làm việc, lặng thinh, nhìn ra ngoài chợ quận, nắng chiều xuống thấp trải một màu tím bầm, đâu đó xa xa vài tiếng súng lẻ loi vọng về ở phía miệt trời biên giới, bên chi khu có tiếng kẽng đổi gát, người lính nghĩa quân lái xe đứng hút thuốc chờ trước văn phòng, Hậu gật đầu, đứng dậy, một lẩn nữa nhìn trên bàn, thiệp cưới đỏ như màu máu, bỗng dưng buồn muốn khóc. Đầu hè đó ngày cưới của Trang, Hậu không về Sài gòn, ngồi ở văn phòng nghe tiếng ve sầu nhà quê lẻ bạn gọi nhau, buồn rười rượi, buồn ray buồn rứt.

    Trang lập gia đình với một Trung úy Bác sĩ Quân y trẻ, của sư đoàn 18 VNCH, cũng người Sài Gòn, con nhà giàu, có hai ba cửa tiệm buôn bán xe Honda trên đường Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lảo, bên hông chợ Bến Thành nhưng không may, chồng Trang tử trận ở Chơn Thành vào những ngày cuối năm 1975, không lấy được xác.  Bác Lộc, từ miền trung, về lại nhà sau khi quân VNCH rút bỏ mấy tỉnh Cao nguyên, chờ lệnh của bộ Tư pháp. Ba mươi tháng Tư 1975, miền Nam mất, cũng cùng số phận với những nhân viên viên chức, quân nhân của VNCH, Hậu vào trại tù Xuyên Mộc, bác Lộc vào trại Long Thành, sau đợt đổi tiền lần đầu, trước khi có đợt giải ra Bắc, vì bệnh loét bao tử quá nặng, bác đã chết trước khi công an nhà tù đưa đi bệnh viện, cũng may, họ chịu chở xác bác về giao lại cho gia đình, Bảo bị đưa lên Long Giao, không có mặt chịu tang cha. Gia đình bên chồng của Trang đã theo chuyến hạm nào đó của hải quân VNCH ra đi giữa đêm 29 tháng Tư từ bến Bạch Đằng.

    *

    Ra tù, Hậu bỏ Mỹ Tho lên Sài Gòn, lang thang theo đám bạn quen chung trường, còn ở lại kiếm sống,  loanh quanh mọi thứ ở đây, Sài gòn giờ xa lạ, nhớ căn nhà của Bảo, của Trang nhưng không đi dám ngang qua dù thầm mong là sẽ có lần. Một sáng sớm giữa thu, trời có chút mù sương nhè nhẹ, từ nhà trọ, một căn nhà cây vách ván miếng xéo miếng ngay, nằm dọc theo con đường xe lửa bỏ hoang, bên hông chợ An Đông, thả bộ ra đầu chợ Da Bà Bầu, đường Nhật Tảo, mang theo mấy kí lô đường, vừa mua lại từ một người  xuống xe đò bến Petrus Ký cũ, nhờ mấy chị bán hàng quen bán lại, đường vắng, chưa có mấy người, hai ba anh bộ đội miệng hút thuốc lá thả khói lặng thinh đạp xe ngang qua, hờ hửng nhìn, tới góc lề Minh Mạng, người đàn ông đang ngồi bệt, lui cui kéo tới kéo lui sửa sợi dây sên của cái xe đạp nằm ngã trên nền xi măng, vừa né qua một bên nhường đường vừa ngước lên, Hậu đứng khựng lại, cả hai buột miệng kêu lên cùng lúc “mầy hả Hậu, mầy hả Bảo”, trời bớt mù mờ, có chút nắng nhạt, Bảo dựng xe đạp sát bên gốc cây, hai người ngã người ngồi xuống, dựa lưng vào cánh cửa sắt của căn phố đóng kín, nhìn ra đường, nhỏ to, Hậu gặp lại Bảo hôm đó. Những ngày sau, cũng đành, Hậu một vài lần theo Bảo về nhà, rồi thôi, gặp lại nhau, có mừng có hỏi nhưng không trọn như ngày cũ, không ai nhắc gì tới chuyện xưa, Trâm chưa lập gia đình, Trang vẫn cái cười ngày đó nhưng ít nói hơn, hết rồi một thuở nào, cả hai chị em cũng lăn lóc, mai chợ này mốt tới chợ kia trước “cuộc đổi đời”.

    Không biết trong những ngày nằm tù ở ngoài này thế nào, nhưng từ khi được thả, chuyện vượt biển, bỏ nước ra đi, bằng ghe bằng tàu hay đường bộ qua Miên qua Lào trở nên rần rộ, từ Nam chí Bắc, người người, nhà nhà, ngoài chợ trên đường người ta hỏi nhau “đi hay ở” thay vì hỏi thăm sức khỏe, đã có nhiều người đi trót lọt, tới được Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, nhưng cũng có không ít thất bại bị bắt vào tù “tù vượt biên”. Nghe ngóng tin tức, đầu này đầu kia, nhiều khi ngồi bên đường, một vài lần Bảo hỏi Hậu có tính gì không rồi thở dài “chắc tụi mình ở lại đây, sống không nổi đâu”, Hết hè, học trò vào học trở lại, một hôm trời lấp lửng chiều, Bảo đạp xe đến, xem ra có vẻ “hồ hởi” khác ngày thường, hai người thả bộ ra ngã sáu Nguyễn Tri Phương, ngồi uống cà phê ở cái sạp bên lề đường, Bảo cho biết đã quyết định đem gia đình vượt biên, muốn có Hậu theo. Bảo nói sơ chuyện anh ta tính, đường đi nước bước ra sao, Bảo cần Hậu giúp một tay, Hậu chưng hửng nhưng thở phào mừng, cám ơn bạn.

    Qua bên kia cầu chữ Y, phía có ghe đậu dọc sông, chầm chậm dắt xe đạp xuống cái xưởng đóng ghe lớn gần bờ , thấy Bảo, năm ba anh thợ ở trần, mồ hôi mồ kê ướt đẩm, tươi cười chào, Hậu đứng nhìn ra con sông, tàu lớn ghe nhỏ, chất đầy đồ đạc, cờ đỏ sao vàng trên mui, trước mũi sau đuôi, xuôi ngược lên xuống, giờ này nước nửa lớn nửa ròng, cả mấy chục chiếc ghe, không lớn lắm, mới có cũ có chòng chành theo sóng, quay lại thấy Bảo đang nói chuyện gì đó với người đàn ông, làm dấu gọi Hậu. Bảo giới thiệu, chú tư Thiếp, chủ xưởng, còn Hậu là em bà con,  nếu Bảo bận việc, sẽ thay mặt tính toán mọi chuyện như đã làm từ hôm trước, bắt tay chú tư Thiếp từ giã, theo cái cầu ván đi bộ ra tới khỏi bờ chút xíu, Bảo đi trước, Hậu theo sau, tới một chiếc ghe mới đóng xong chừng hai phần ba, sơn một màu bùn đen như dầu hắc làm ra vẻ cũ kỹ, phần còn lại cây còn nặc mùi dầu, cột dây lủng lẳng sát bên, Bảo sờ tay, qua lại trên mui ghe, nhìn Hậu tủm tỉm cười “sao thấy được hông?”, Hậu vừa gật đầu vừa chợt hiểu ra, thì ra chuyện bảo tính là chuyện này. Trên đường về, đạp xe bên nhau, Bảo mới cho biết “chiếc ghe đó là do chính Bảo đặt đóng, đã trả phân nửa tiền”.

    Từ hôm đó, cứ cách một hai ngày thì chiều nào hai người cũng đạp xe qua cầu chữ Y coi ghe, chui lên chui xuống, rờ rờ rẩm rẩm hết tấm ván này tới tấm ván kia, ngồi trên mui, ăn bánh mì nguội nhìn ra con sông, mơ một ngày không xa theo sông ra biển rộng, không ai nói với ai tiếng nào. Một hôm sau khi đi lên Gò Vấp tìm mua máy tàu, Hậu theo về nhà Bảo, vì chiếc ghe sắp xong nay mai, Bảo muốn nói gì đó, trong nhà không có ai, Bảo cho biết ở đâu có tiền mà đóng ghe, chuyện mua “bải bến” xong hết rồi, đã đưa tiền cọc chút đỉnh, lúc ra về, Bảo đưa cho Hậu một cái hộp đựng thuốc tây giấy cũ, trong đó có mấy chục cây vàng, không người nào đếm, bảo Hậu cất để khi cần, nếu có trục trặc chuyện gì đó thì cũng còn mà tính, Bảo cũng nhắc lại, “chuyện này chỉ có hai người biết, gia đình Bảo tuyệt nhiên không biết gì ngoài chuyện chiếc ghe và chuyến đi sẽ tới” và như Bảo dặn cả nhà, không có Bảo, nếu có gì cần thì có thể hỏi Hậu.

    Hôm xuống xem chiếc ghe sắp xong về, bác chủ xưởng cũng hay, ông cho thợ lặn vớt bùn đen dưới sông, pha trộn màu mè gì đó, vừa trét vừa phết lên sườn, thêm mấy ngày nắng, trông như một chiếc ghe cũ, trên đường về, ghé ngang qua một cái quán nhậu, còn được công an cho phép bán ngay góc Trần Quốc Toản, ngó qua bên kia chợ Cá, lần đầu tiên Bảo uống bia, trước khi chia tay, Bảo đưa cho Hậu tờ giấy cho ghi địa chỉ của hai gia đình quen, những người sẽ cùng đi chuyến này. Cái máy tàu “ba đầu bạc”, được người cậu bà con của Bảo, trước là trung sĩ thợ máy bảo trì quân xa của Quân cụ VNCH bên Gò Vấp lắp xong, chú tư Thiếp cho chạy thử ngoài sông vài lần, lần nào cũng vậy, hai người, Bảo, Hậu đứng trên cầu ván xưởng đóng ghe nhìn theo vui muốn khóc. Đâu đó tạm xong, vài ngày nữa tới Tết, Hậu đón xe đò về Mỹ Tho thăm nhà vài ngày sau khi xin được cái giấy phép đi đường của công an phường, Bảo đưa Hậu ra bến xe xa cảng Phú Lâm, nhắc lên sớm.

     *

    Từ trên này nhìn xuống sông, nước lớn, chiếc ghe nhấp nhô, sợi dây cột vào cái cầu ván lắc lư theo chiều gió, chú tư Thiếp trầm ngâm, buồn buồn, giọng đôi khi có chút gì nghèn nghẹn, Hậu ngồi bất động ứa nước mắt, “trưa mùng hai tết, Bảo qua, ở lâu hơn mấy lần trước, không nhậu nhưng cũng sáp vô với đám thợ đang chén vô chén ra, trời giữa trưa, nắng nóng gắt, đám con nít tắm sông ồn ào, trèo lên nhảy xuống ở mấy chiếc ghe kế bên, Bảo bỏ xuống ghe, chun lên chun xuống rồi cởi quần dài, mặc xà lỏn, đứng trước mũi ghe, lấy thùng thả dây xách nước sông tắm ngon lành, thỉnh thoảng nói cười gì đó với đám con nít, không lâu sau, không thấy kéo thùng lên, Bảo chúi người ngã ùn xuống sông, ai cũng tưởng anh nhảy xuống lặn lội chơi, chập sau, chú tư Thiếp thấy lạ, đứng dậy, chưa kịp hỏi gì thì mấy đứa nhỏ mặt mày hớt hơ hớt hãi chạy lên la lớn, chú Bảo chìm đâu mất rồi, mọi người trên xưởng, bỏ chạy vụt xuống, mấy đứa nhỏ theo sau, đứng trên cầu ván nhìn, mấy người thợ nhảy ùn xuống sông, lặn xuống nước tìm, quanh một vùng lớn, không thấy Bảo, chú tư Thiếp cho người khác, đạp xe qua trụ sở phường gần đó báo, cuối cùng, gần tới chiều, toán cứu hỏa vớt được xác Bảo dính vào một mảng lục bình lớn, tấp vào bờ ở một khoảng cách hơi xa cầu”. Chú tư Thiếp ngưng ở đó, đưa tay dụi mắt, Hậu thẩn thờ, nhìn chiếc ghe rồi nhìn ra sông, nhìn theo đám lục bình tàn hoa tím đục, thổn thức khóc.

    Hậu đứng dậy, quay qua bên mộ bác Lộc trai, cúi đầu xá chào rồi đưa tay vịn nhẹ tấm bia mộ Bảo, nghèn nghẹn “mầy có biết là tao thương Trang nhưng không dám nói ra không?”, Hậu ngưng ở đó, sửa lại bó hoa, đẩy xe đạp bỏ đi ra hướng đường lộ, nghĩa trang Phú Thọ Hòa giờ này vắng tanh, dù Hậu đã ngồi bên mộ từ sáng sớm, những gì muốn nói với Bảo đã nói hết rồi, có chút mây xám nhạt đâu đó, xuống thấp xa xa, giữa trưa trời chưa chịu nắng. Trên đường về Hậu ghé qua nhà bác Lộc gái, vì hôm chiều chủ nhật rồi, anh đạp xích lô bên cạnh cho biết có Trâm đến tìm, nhắn lại là mẹ cô muốn gặp, cái cổng rào không còn đóng kín, sân trước ngập đầy lá khô, không thấy quét, dường như cây cỏ ở đây cũng buồn theo phận đời của gia đình Bảo, những người còn ở lại, vào nhà, bên trong phòng khách vẫn trống như nó đã trống từ sau ngày 30 tháng 4, bác Lộc gái và hai chị em ngồi lặng im nghe, Hậu cho biết sẽ lo mọi chuyện trong nay mai, cả nhà yên tâm, đừng lo lắng gì hết, ở không lâu, Hậu ra về, hai chị em theo ra tới cổng, bác gái đứng bên ngạch cửa trước nhìn theo, Hậu quay lại chào, Trang tay vừa khép cổng vừa nói nhỏ “anh nhớ cẩn thận nghe, rũi có chuyện gì thì cả nhà lo lắm”, Hậu gật đầu cười, đạp xe đi, nắng chiều rực lên hơi muộn ở cuối đường.

    Thương cho Bảo cũng như cảm thông tình cảnh của Hậu, chú tư Thiếp bằng lòng mua lại chiếc ghe, với giá cao hơn cái giá mà chú tính trước đây, trả lại hết số vàng Bảo đưa cộng số tính thêm, hứa sẽ giúp Hậu tìm đường khác, theo địa chỉ của hai gia đình mà Bảo đưa, báo tin Bảo mất, Hậu đến trả lại đủ số vàng mà họ đã giao cho Bảo trước đây, hẹn sẽ gặp lại khi nào tìm được mối khác. Vài ngày sau, Hậu đem số vàng còn dư lại đến nhà Trang, đưa gần hết cho bác gái, chỉ xin giữ lại chút ít cho mẹ ở Mỹ Tho, ai nấy cảm động muốn khóc, cả nhà nhất định không chịu bảo phải chia đôi, nói qua, nói lại, tiếng thương tiếng tội, cuối cùng bác gái mới chịu nhận, chiều đó, cũng lâu lắm rồi, sau ngày Sài Gòn mất, lần đầu họ đưa nhau ra một cái quán gần nhà, do ông cán bộ đảng nào đó làm chủ, ăn bữa cơm chiều, một bữa ăn buồn nhiều vui ít, có đôi lúc Hậu hình như muốn nói gì đó nhưng chần chừ, nhìn bác gái, nhìn Trang thật lâu rồi thôi, lặng thinh, chiều cũng chần chừ ngoài đường chờ tối.

    Tình cờ gặp lại chị Quyên, bà chị lớp trên thời trung học, dược sĩ, làm với hảng bào chế OPV cũ, được “nhà nước” giữ lại, qua chị, Hậu làm quen với chú năm Tiến, người đứng đầu trong nhóm tổ chức “vượt biên”, khá tin cậy và đã đưa nhiều chuyến đi trót lọt, từ Sài Gòn, nhờ vào thế có dường dây liên hệ gì đó cán bộ, công an, chị chỉ nhờ giúp là nếu sắp xếp được, cho chị theo, vậy thôi. Sau nhiều lần tìm hiểu, hỏi tới hỏi lui, theo chú năm Tiến xem “ta xi” đưa người, ở bến kia cầu nọ, Hậu quyết định chọn đường này, hai gia đình quen của Bảo, cũng bằng lòng ngay khi gặp lại Hậu.

    Qua Tết đó không lâu, giờ giấc, bải bến của chuyến đi tới, chừng khoảng không hơn một tháng nữa được chú năm Tiến cho biết, vừa để cho Hậu có thời giờ sắp xếp, trong thời gian qua, Hậu cũng giới thiệu thêm khách cho họ, đâu đó đàng hoàng tử tế nên chú đã không nhận tiền cọc của Hậu mà còn đưa cho chút đỉnh tiền “xăng nhớt”. Hậu về Mỹ Tho, mẹ nhất định không chịu đi, vì không chịu bỏ mộ ba Hậu cô đơn, không người chăm sóc, vã lại căn nhà cũng may, không bị tích thu nên vẫn còn chỗ ăn chỗ ở, giữ lại phần mình đủ ăn đủ uống chờ đi, Hậu gom đưa hết cho bà số tiền anh có, bên nhà Trang bác Lộc gái quyết định không đi, cũng giống như mẹ Hậu, bà không muốn bỏ bác trai và Bảo nằm cảnh “nhang tàn khói lạnh”.  Trước ngày đi mấy hôm, Hậu cùng với cả gia đình Trang lên thăm mộ bác trai và Bảo, ai cũng bùi ngùi, buồn buồn nhưng không khóc nhiều như trước, nếu còn thương xin phù hộ cho người ra đi bình an, đến nơi đến chốn, lúc ra về, đứng bên bác gái, trước hai nấm mộ, xá chào, bác lâm râm, hai chị em đang đứng nhìn trời nhìn đất, rồi khẻ cười ngó qua Hậu nói nhỏ “phải chi trong nhà bây giờ có thêm con nữa thì vui biết mấy”, bác ngưng ở đó, trưa trên đường đạp xe về, Hậu cứ man mán trong đầu hai chữ “không lẽ”, nhưng cũng có chút gì vui để tự nói với mình là “chắc sẽ không muộn”.

     *
 
 

    Sáng sớm, trời mù sương, lác đác đèn đường vỏ vàng một màu ma quái, chiếc “ta xi” cuối của đợt đầu đưa người ra tàu lớn, trên đó có chị em Trang và hai mẹ con người khác, nằm ngoài cửa Cần Giờ, ở bến Bình Đông, bên Rạch Cát đi rồi, Hậu hối hả bắt tay từ biệt chú năm Tiến, quày quả đạp xe trở lại nhà, để kịp lo lên chiếc “ta xi” của đợt thứ hai chờ, trước giờ trưa ở bến đò La Cai, vì chuyện “ăn chịu ăn chung” sao đó của đám công an ở  kho xăng dầu 18, Long Hòa, Cây Khô, việc đưa người đi chú năm Tiến phải chia làm hai đợt, hai toán sẽ cùng chờ nhau lên tàu ra đi khuya nay.  Qua cầu xóm Voi, dây sên bị tuột ra, Hậu vừa dựng xe đạp bên lề đường, xế dốc cầu, ngay dưới gốc cột điện không có đèn,  chưa kịp cúi xuống xem, chiếc xe vận tải quân đội “molotova” từ hướng hảng Sakybomi, trên chở hơn nửa xe bao bột mì và năm ba anh bộ đội súng ống, còn để đèn trước, phóng nhanh vượt cầu, đụng Hậu và cái xe đạp văng ra, lăn mấy vòng xuống sông, giữa màn sương mờ đục chưa kịp hừng sáng, chiếc xe bỏ chạy rồi mất hút ở cuối khúc quanh, đường vẫn không thấy một bóng người, trưa hôm sau, người ta tìm thấy xác Hậu tím bầm, lạnh ngắt, nổi bập bềnh ở phía khúc sông gần cầu chữ Y, không mấy xa nơi mà xác Bảo được tìm thấy trước đó.

    *
Ngồi trên đồi nhìn xuống biển, cũng buổi sáng cuối thu, sương đêm chưa tan, mù mờ cả một vùng dưới đó, người rục rịch ồn ào thức dậy bên dãy nhà kho cũ, được sửa sơ sài làm trại tỵ nạn cho hơn mấy trăm người Việt lớn nhỏ vượt biên, chị em lặng thinh, hai tháng qua, sau ngày tới Nam Dương cho tới giờ, cứ nhớ là dường như không ngày nào mà Trang không khóc, nhất là từ hôm không thấy Hậu có mặt trên chuyến tàu ra khơi, với mình, Trang tưởng chừng như “một nửa hồn đã mất”, giữa biển trời mênh mông, đến hay không đến nơi nào xem ra đều vô nghĩa, bất chợt một chút mưa bụi nhẹ lùa về ngang, Trâm đứng dậy bỏ đi trước, Trang vẫn ngồi đó, hai tay bưng mặt, một lần nữa rưng rưng mắt “Hậu ơi, kiếp nào mình mới được yêu nhau”.

 

Thuyên Huy
Bổng dưng muốn khóc giữa chợ chiều Torquay đầu tháng tư 2018

 

    

   

   

   

 

 

   

 

2 comments:

Hoa Pham said...

Đó là chuyện buồn xưa,quá khứ ....còn bây giờ chung quanh là bóng tối...Trốn chỗ nào đây ...?

Hoa Pham said...

Thật là những ngày u ám