Wednesday, October 24, 2018

Bần Cố Nông - Nhân Trần


Bần cố nông
 
 
 

Tôi không có ý định phân biệt chủng tộc, giai cấp, học vấn, nghề nghiệp gì đó. Nhưng mà nói thật, từ khi đất nước đi theo cái của nợ xã hội chủ nghĩa hay chủ nghĩa cộng sản này đã san bằng mọi con người thành những người nghèo như nhau. Họ lấy tiêu chí bần cố nông làm trung tâm đánh giá đạo đức và nhân phẩm. Một thời cứ ai không thuộc diện bần cố nông thì bị quy là địa chủ phản động, tư sản mại bản, tiểu tư sản, là những kẻ bóc lột người rồi ra sức sai bần cố nông đi tịch thu tài sản, công hữu hóa, hợp tác hóa.

Mà cái bọn bần cố cũng ghê gớm chẳng kém, có gì hay, hay cả đời mơ ước cũng không dám lấy về làm của riêng mà xung công tự đắc coi là của mình. Con trâu của ông Bá vào hợp tác xã cũng là của mình. Trong khi mình cả đời cũng chỉ biết cầm cái cuốc chứ đếch bao giờ dám mơ tới con trâu.

Điều ấy khiến tôi nhớ lại câu chuyện thằng Bờm. Nó chỉ có cái quạt mo mà khi được đổi những ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi… thì nó chỉ cần có nắm xôi mà thôi. Đọc các phân tích của các bậc học sĩ đức cao trọng vọng nói rằng, đó là một sự chân chất thật thà không cầu danh lợi của nông dân Việt Nam chân đất như Bờm. Nhưng tôi cho rằng kẻ như Bờm có lẽ trong đầu hắn không hề có các khái niệm đó. Các khái niệm mà chỉ bọn nhà giàu và giới thượng lưu mới có. Cho nên có cho chúng, nhồi nhét vào đầu chúng, chúng cũng không biết để làm gì. Bần cố nông là như vậy.

Thế thì làm sao có thể xây dựng được xã hội nào tốt đẹp hơn xã hội của bần cố? Những kẻ ăn trên ngồi chốc, những người thuộc tầng lớp cao trong xã hội bỗng chốc hoặc bị thủ tiêu hoặc bị đè xuống đáy tận cùng của xã hội không đáng làm một con người. Nghe nói để trở thành đảng viên, những con người ưu tú của xã hội, lãnh đạo đất nước cũng phải xét tới ba đời làm bần cố mới được kết nạp. Vậy thì đất nước sẽ đi về đâu do những bọn tận cùng xã hội dẫn dắt? Một xã hội được dẫn dắt bởi những kẻ nghèo về văn hóa, nghèo về vật chất, nghèo về kiến thức thì chẳng biết còn cái gì có thể nghèo hơn được nữa. Khi mà mọi quy chuẩn đạo đức truyền thống và hiện đại bị triệt tiêu chỉ còn lại một mớ nghèo nàn chung chung hỗn độn.

Thời phong kiến vua chúa lấy “Tam cương, ngũ thường” làm thước đo đẳng cấp của con người, kẻ dưới phải kính trọng kẻ trên, trông người trên mà hành xử như một chuẩn mực đạo đức. Mọi hành vi phải được chứng giám của trời đất, quỷ thần và nhân tâm. Thời hiện đại lấy phẩm chất thượng lưu phương Tây làm tiêu chuẩn mà tiêu biểu là phong cách quý tộc của Hoàng gia Anh, Nhật, Vatican… khi trông họ, cả loài người hiện đại đều ngưỡng mộ, bởi trong họ toát nên vẻ đẹp quý phái mà mọi người đều mơ ước.

Ở ta chính vì bần cố lãnh đạo nên ra đường trông mặt mũi ai cũng len lét giống bần cố. Cái mơ ước chân chính nhất của bần cố là có được quyền thế để sĩ diện hão với đời. Ngoài ra nó chẳng ước gì khác. Cho nên người ta ai cũng muốn vào nhà nước, ai cũng muốn làm lãnh đạo rồi chẳng biết làm gì tiếp theo. Ra đường hay trong bàn nhậu người ta nói chuyện tìm cách hạ bệ nhau, nói xấu nhau như một thú vui tiêu khiển. Người ta nói chuyện làm thế nào để có nhiều tiền và tự tôn vinh giá trị bản thân. Cuối cùng lại quay về “chuyện ấy”.

Tôi cũng được sinh ra trong một gia đình có truyền thống bần cố nông không biết bao nhiêu đời. Có lẽ đời ông mình, bố mình tự hào bao nhiêu trong cái xã hội tôn vinh bần cố ấy thì tôi lại ghê tởm nó bấy nhiêu. Tôi đã từng trình bày điều này với nhiều người, họ nói tôi phủ nhận công lao tiền nhân, bôi nhọ quá khứ. Họ dẫn chứng bằng xương máu anh hùng, bằng công lao tiền bối, bằng giải phóng, độc lập, hy sinh, mất mát. Rồi họ chốt hạ bằng câu: nếu không thì làm sao có được mày như ngày hôm nay.

Ồ, hóa ra hy sinh của họ để có được tôi như ngày hôm nay? Để có được những con người như tôi nghèo nàn về tri thức, nghèo nàn về nhân phẩm, nghèo nàn về văn hóa và cả nghèo nàn về tư cách đạo đức, tư cách pháp nhân.

Nhìn những nước láng giềng coi người Việt Nam sau hàng cả loài chó, ghi riêng chữ Việt là cấm ăn trộm, lấy nhiều, lãng phí, bừa bãi. Thấy những người Việt ào ào ra nước ngoài lao động tay chân, đĩ điếm, làm những công việc tận cùng của xã hội khi người ta chẳng còn thèm động tay động chân tới. Những con người ra khỏi Việt Nam không dám tự coi mình là người Việt, ấy thế khi về nhà họ tự hào kể nể những điều trông thấy và dấu nhẹm những việc mình làm. Một phẩm chất bần cố được nuôi dưỡng từ khi có chính quyền coi bần cố là tiên phong, là lực lượng lãnh đạo xã hội.

Tôi cũng được nghe người ta kể về giấc mơ đến Mỹ, Nhật, Hàn, châu Âu. Những giấc mơ phải cho con cái ra nước ngoài và nếu có thể thì đừng bao giờ trở về nữa. Và tự hỏi sao lại có những giấc mơ quái quỷ như vậy nhỉ? Mỗi gia đình có người đi tư bản là niềm tự hào vô cùng tận, là công đức chín đời của tổ tông, là niềm vui sướng vô bờ bến của các đấng sinh thành. Mà có lẽ, theo tôi đó là tư duy mong muốn được đổi đời thoát xác khỏi cái kiếp bần cố bắt đầu từ việc tiếp xúc với văn minh phương Tây, hít thở bầu không khí của thế giới loài người tiến bộ: “đi một ngày đàng học một sàng khôn”.
Bất kể các thể loại văn hóa của các nơi tư bản ấy sang chúng ta đều được săn đón trong sự hồ hởi và bao dung không một chút hoài nghi về chất lượng. Trong khi chả ai muốn học cái “sàng khôn” của anh em xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba, Venezuela…

Thì ra, trong sâu thẳm tiềm thức họ vẫn coi đó là các nơi mọi rợ, thế giới chậm tiến của nhân loại và chính Việt Nam cũng nằm trong top đó. Vâng, cha ông tôi đã hy sinh xương máu để có được những “thành quả” như vậy. Thật là uổng công sống một kiếp người!
Chúng ta thừa hưởng một trong những phẩm chất tồi tệ nhất của bần cố là không dám nói ra những gì mình nghĩ và không dám viết lên những gì mình suy tư.

 
Nhân Trần
23-10-2018
304Đen – Llttm - TD

No comments: