Tạp bút Lê Ký Thương
HỒN SÁCH CŨ
Tôi chẳng nhớ cái máu mê sách cũ đã ”lậm”
vào người mình lúc nào… Hễ có tiền trong túi là phần xác dắt phần hồn tôi đến
các cửa hàng sách cũ rẻ tiền trong thành phố. Ở đó, tôi có thể tìm mua được
những quyển sách năm xửa năm xưa mà mình cần hay mình thích, với giá hợp túi
tiền khiêm tốn của mình. Những quyển sách này hiếm khi được đứng đàng hoàng
trên kệ. Chúng thường nằm lăn lóc dưới nền nhà, bụi bám đầy ”người”, có khi
thân hình còn nguyên vẹn, có khi rách một vài trang, có khi áo quần (bìa) nửa
còn nửa mất, hoặc bị lột sạch, mùi ẩm mốc xông lên khiến mình có cảm giác không
còn mũi để thở. Chúng giống như những đứa con rơi. Mà chúng bị bỏ rơi thật! Vì
chủ nhân của chúng không cần chúng nữa, để trong nhà cũng vô tích sự, lại thêm
chật nhà, chi bằng bán cho mấy bà ve chai được đồng nào hay đồng đó. Rồi mấy bà
ve chai lại đem bán ký cùng giấy, báo loại cho các cửa hàng sách cũ… Nhờ thế,
những người mê sách cũ như tôi mới có duyên may gặp được… ”người tình trong
mộng”.
Rước quyển sách về nhà, trân trọng đặt nó
lên bàn, ngồi lật từng trang, cẩn thận vuốt những nếp nhăn cho thẳng, dán lại
những chỗ rách cho lành, tôi thấy phảng phất trên đó một bàn tay ngà ngọc hay
một bàn tay thư sinh đã từng lật từng trang để đọc với niềm say mê, những câu,
những đoạn đắc ý thì gạch bút đỏ hay đánh dấu bên lề. Rồi tôi hình dung khuôn
mặt thể hiện tình cảm vui, buồn, yêu, giận khi họ bắt gặp những tình tiết trong
cuốn truyện… Những cuốn sách xưa, có lời tặng ghi trang đầu, cho tôi biết
rằng ngày tháng năm đó có một chàng yêu một nàng mà không dám trực tiếp tỏ
tình, bèn mượn sách đưa duyên… Mà chàng hay nàng đó bây giờ đã có cháu kêu bằng
cố, nếu lập gia đình trễ cũng lên chức nội ngoại, hoặc đã thành người thiên cổ.
Mới hay thời nào sách cũng ”hỗ trợ tích cực” cho những mối tình đầu, dù mối
tình không thành, nhưng cũng là một kỷ niệm đẹp. Đúng là ”lật trang sách cũ,
thấy hồn người xưa”.
Thật đáng khâm phục trí tưởng tượng phong
phú bằng nhà văn Trần Huiền Ân. Anh mua được một quyển sách cũ từ một bà ve
chai – quyển Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, in
lại tại Pháp năm 1954, do Văn Mới xuất bản và phát hành tại Việt Nam. Chính hai
câu ca dao: Có trầu mà chẳng có cau, làm sao cho đỏ miệng nhau thì làm
viết trên trang đầu quyển sách cùng tấm thiệp chúc Xuân của một người đang ở
trong Trại học tập cải tạo gởi về cho vợ con kẹp bên trong nó, đã gây niềm hưng
phấn cho anh viết truyện ngắn Người chứng ít lời in trên báo
Thanh Niên cách đây gần chục năm. Truyện vừa đến tay bạn đọc thì tòa soạn báo
nhận được lá thư của một nữ độc giả nhận mình là cháu kêu bằng chú của nhân vật
chính trong truyện, nhân vật đó cùng gia đình đã định cư ở Mỹ. Mặc dù truyện
hoàn toàn hư cấu, nhưng lạ lùng thay, cuộc đời của nhân vật chính lại giống hệt
đời thật của người chú cô độc giả kia! Đây không phải là một giai thoại mà là
chuyện thật trăm phần trăm.
Sách cũ còn cho tôi biết được thời kỳ tiếng
Việt còn phôi thai, cha ông chúng ta viết, học như thế nào. Giở bộ An Nam sử
lược(2 quyển) của cụ Trần Trọng Kim, sách giáo khoa dành cho lớp sơ học, in
lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1916, chúng ta sẽ thấy câu văn tuy dài lê thê, hết
”cái sự” này đến ”cái sự” nọ – có lẽ cách diễn đạt này bị ảnh hưởng tiếng Pháp
thời bấy giờ – nhưng mỗi dấu phẩy, dấu chấm trong từng câu rõ ràng, dứt khoát,
không hề có câu què. Bây giờ, thỉnh thoảng đọc vài cuốn sách hay bài báo của
vài vị có học hàm, học vị, đang ngon trớn bỗng gặp một câu què hay chữ tắt, chữ
ngược chặn đường, tức cành hông, giống như mình đang say mê lái xe rượt theo
một bóng hồng bất ngờ gặp đèn đỏ ở ngã tư đường! Lúc đó, đành tự trách mình
không theo kịp ”đà tiến triển của tiếng Việt” chứ sách báo ngày nay đều có
người đứng tên biên tập hẳn hoi kia mà. Cái đèn đỏ có tội vạ gì đâu mà trách,
nếu mình biết rõ luật đi đường?
Sách cũ cũng dạy cho tôi biết được nhân
cách của người làm sách thời xưa. Cầm quyển Thơ Hậu Vân Tiên của Nguyễn
Bá Thời tân soạn, loại sách dành riêng cho giới bình dân thích truyện thơ,
tuồng tích ngày xưa, đọc xong rồi vất, thấy ngay nơi trang bìa: Tổng phát hành:
Thuận Hòa, xuất bản: Phạm Văn Thình, bên lề trái ghi ”Nhà buôn Thuận Hòa
- 54, đ. Tháp Mười – Cholon, bên lề phải ghi ”Bổn này ông Phạm-văn-Thình
đã nhường đứt bản quyền lại cho tôi: Trần-văn-Sửu”. Nhà buôn Thuận Hòa của ông
Trần Văn Sửu chuyên tổng phát hành ”các thứ thơ, tuồng hát bộ, bài ca, tiểu
thuyết của nhà xuất bản Phạm Văn Thình”. Thật rõ ràng và trung thực, tuy lúc
bấy giờ không có ”Luật xuất bản” và ”Luật bản quyền”!
Bạn là người mê sách cũ, chắc chắn sẽ có
khi mua được những quyển sách có bút tích, chữ ký (và cả triện son) của tác giả
đề tặng ông A bà B, cả những tác giả nổi tiếng và những người được đề tặng nổi
tiếng. Khi gặp những quyển sách này, không phút giây chần chừ, tôi mua ngay,
cho dù đã rách nát, hay đã có trong tủ sách. Tôi mua nó với ý nghĩ luôn nằm sẵn
trong bụng là chỉ tốn vài ngàn, nhiều nhất là vài chục ngàn (hiếm khi), nhưng
mình ”cứu vớt” được linh hồn một quyển sách. Một quyển sách góp mặt với đời,
ngoài danh xưng là đứa con tinh thần của tác giả còn có công sức đóng góp của
nhiều người. Nào là người biên tập của nhà xuất bản, thợ xếp chữ, người sửa
morasse, ”xếp ty-pô” (bây giờ là nhân viên ở khâu chế bản, bình phim),
thợ nhà in, người làm ra giấy in, kim, chỉ khâu, keo, hồ dán… Tác giả hãnh diện
vì nó, sung sướng ngồi viết tặng từng người đáng kính, từng người thân yêu, bạn
bè mà không hề nghĩ rằng có một ngày nào đó, vì duyên cớ nào đó, nó bị vất ra
cửa hàng sách cũ! Thật tiếc thương cho số phận những quyển sách đó và đáng trân
trọng mang nó về tủ sách nhà mình.
Tháng 4/2002
SÀI GÒN – SÁCH
Sài Gòn bây giờ có nhiều nhà sách lớn, luôn
luôn đông khách. Sách đủ thể loại, phong phú, đa dạng. Đó là địa chỉ thường đến
của những người nhận sách là bạn đồng hành của mình – từ em bé đến người già,
người của thành phố hay khách vãng lai, người Việt sống ở nước ngoài về thăm
quê hương, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hay chỉ là khách du lịch…
Những nhà sách lớn ở trung tâm thành phố còn là nơi dành cho khách dạo chơi một
vòng, hưởng chút hơi lạnh cho thư thái tâm hồn khi bị cái nóng ở nhà hay đường
phố làm mệt người, khó chịu.
Xưa nay, tôi có thú vui đến nhà sách để
nhìn ngắm và chọn mua những quyển sách văn học mới xuất bản mà mình ưa thích
được bày bán trang trọng trên kệ. Bắt gặp một quyển sách trình bày đẹp từ bìa
đến ruột, nội dung hợp với sở thích của mình, tôi luôn có cảm giác như vừa gặp
người bạn tri âm, không thể cầm lòng mà không mời về nhà để hàn huyên tâm sự.
Nhưng cái quyến rũ tôi hơn chính là mùi colophan
của những trang sách mới ngày trước. Mỗi lần vào Nhà sách Khai Trí (bây giờ là
Nhà sách Sài Gòn 2) hay Nhà sách Liên Châu (bên hông Nhà thờ Đức Bà, đối diện
với Bưu Điện Thành phố) chuyên bán loại sách livre de poche, là tôi cầm
ngay quyển sách mới đưa trước mũi hít một hơi thật sâu để tận hưởng mùi hương
của sách như tận hưởng mùi hương của người tình.
Nhà xuất bản bây giờ thì nhiều và những
người làm sách tư nhân hay các Công ty Văn hóa liên kết với nhà xuất bản nhiều
gấp bội. Nhưng liệu có mấy nhà xuất bản (nhà nước) – nơi biên tập và cấp giấy
phép xuất bản “bảo đảm bằng vàng” được thương hiệu của mình? Thỉnh thoảng báo
chí lại phát hiện ra một hai quyển sách trông rất sang và rất đẹp của một nhà
xuất bản tầm cỡ nhưng “hồn Trương Ba da hàng thịt”! Sách mà cũng có đồ giả, đồ
dỏm như rượu bia, thuốc lá, bột giặt trong nền kinh tế thị trường thì đáng buồn
nôn thật!
Trước 1975 ở Miền Nam, mỗi lần bước vào
hiệu sách, chỉ cần nhìn thấy tên nhà xuất bản như Yễm Yễm Thư trang, Thanh Tâm,
Nam Chi tùng thư, Khai Trí, Cảo Thơm, Thời Mới, Tuổi Hoa, Nguyễn Đình Vượng, Lá
Bối, An Tiêm, Trình Bầy… là người mua an tâm, không sợ mua lầm hàng kém chất
lượng. Mỗi nhà xuất bản đều có mục đích và tôn chỉ hoạt động, không có chuyện
vàng thau lẫn lộn.
Theo tôi, hai nhà xuất bản hoạt động mạnh
có tiếng vang, gây được nhiều thiện cảm và uy tín nhiều nhất với người đọc,
người viết, người dịch là Lá Bối và An Tiêm. Người điều hành hai nhà xuất bản
này lại là hai tu sĩ Phật giáo. Những người mê sách nào chẳng có những quyển
sách giá trị như: Xứ Trầm hương (Quách Tấn), Sử ký Tư Mã Thiên
(Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch), Anna Karénnine (LéonTolstoi – Nguyễn
Minh Hoàng dịch), Chiến tranh và Hòa bình (Léon Tolstoi – Nguyễn Hiến Lê
dịch) và những tác phẩm khác của các nhà văn như Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân… của
nhà Lá Bối. An Tiêm thì xuất bản “sách đời” nhiều hơn, đa số là những kiệt tác
văn học nước ngoài với những dịch giả uy tín, như Anh em nhà Karamazov (Dostoievski,
Trương Đình Cử dịch), Kim các tự (Yukio Mishima, Đỗ Khánh Hoan dịch), Câu
chuyện dòng sông (Hermann Hesse, Phùng Khánh dịch), Người đàn bà trong
cồn cát (Kobo Abé, Trùng Dương dịch), Tố Như thi (thơ chữ Hán của
Nguyễn Du, Quách Tấn dịch)… và những tác phẩm của Đại sư Suzuki mà nổi tiếng là
bộ Thiền Luận (ba tập).
Sách thời đó xếp chữ chì, in typô. Thợ xếp
chữ ở các nhà in thường chỉ có trình độ văn hóa cấp 2 bây giờ, học ở trường nửa
buổi, học việc nửa buổi, nên những trang bài vỗ bản đầu tiên luôn luôn bị bỏ
dòng, nhảy chữ và chi chít lỗi chính tả (morasse), vì thế nhà in nào cũng có
“thầy cò” (correcteur). Thầy cò là một nghề được các nhà in trọng vọng. Nhờ vậy
sách của nhà xuất bản uy tín hiếm có lỗi chính tả, nếu có thì luôn luôn có bản
đính chính kèm theo lời xin lỗi tác giả và bạn đọc. Điều này không những thể
hiện tính nghiêm cẩn mà còn là đạo đức của người làm sách.
Nhà in có kiểu chữ đẹp nhất hồi đó là Kim
Lai Ấn quán, mà chủ nhân chẳng ai khác chính là cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc. Bây
giờ, tuy rất quen thuộc với những kiểu chữ vi tính, nhưng khi xem lại những
quyển sách in ở nhà in này, chẳng hạn như cuốn Giai thoại làng Nho của
chính cụ Lãng Nhân, tôi vẫn còn mê kiểu chữ đó.
Một trong những người nổi tiếng làm sách
đẹp, sách giá trị ở Sài Gòn trước 1975 là ông Thanh Tuệ, chủ Nhà xuất bản An
Tiêm. Ông là một “con người chịu chơi” như chàng Alexis Zorba trong lãnh vực
làm sách, là người đầu tiên xuất bản tập thơ Mưa nguồn của “trung niên
thi sĩ” Bùi Giáng và Đêm nguyệt động của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (Sao
Trên Rừng).
Tôi nhớ vào khoảng 1964, khi ông Thanh Tuệ
đang trên đường đi đến nhà in chăm sóc tập thơ Đêm nguyệt động thì bị
tai nạn xe phải nằm bệnh viện. Sau đó, xuất hiện một mẩu tin trên tạp chí Văn
với cái tít thật hay: “Đêm nguyệt động… động thầy Thanh Tuệ”. Nếu ai có
cơ duyên đọc tập thơ này sẽ biết thầy Thanh Tuệ “chịu chơi” đến cỡ nào!
Sau 1975 ông Thanh Tuệ hoàn tục và lập gia
đình. Năm 1981 ông cùng gia đình sang Pháp định cư, nhưng cái máu mê làm sách
đẹp sách hay vẫn không thay đổi được. Đầu năm 1990, sau khi ổn định cuộc sống
gia đình, ông làm sách trở lại. Làm sách Việt bên Tây ít người đọc, ông sang Mỹ
hợp tác với những người Việt làm sách có uy tín, in và phát hành ngay trên đất
Mỹ. Mới đây, trung tuần tháng 8, ông lại sang Mỹ để gặp các thân hữu bàn việc
kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nhà xuất bản An Tiêm, không ngờ bệnh siêu vi gan
C tái phát và mất ngay tại bệnh viện bang California. Vĩnh biệt một người tài
hoa mê làm sách đẹp!
Tôi đã từng mê sách của An Tiêm. Cách đây
hai năm, tôi và vài người bạn có dịp gặp lại ông Thanh Tuệ khi ông về Việt Nam
thăm người thân. Gặp nhau, ông chỉ toàn nói chuyện sách đẹp, sách hay. Với ông,
việc xuất bản một quyển sách cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một tác phẩm mỹ
thuật.
Nói đến một quyển sách đẹp, thiết nghĩ phải
kể đến tài của người trình bày bìa. Câu thành ngữ tốt gỗ hơn tốt nước sơn
có lẽ không thể buộc vào một quyển sách được. Trước 1975, ở Sài Gòn có những
họa sĩ trình bày bìa sách nổi tiếng như Đinh Cường, Nguyễn Trung, Hoàng Ngọc
Biên, Hồ Thành Đức… Họa sĩ Đinh Cường chuyên trình bày bìa cho các nhà
xuất bản Lá Bối và An Tiêm. Họa sĩ Hoàng Ngọc Biên là người đầu tiên ở Miền Nam
được cử đi học ngành đồ họa ở Mỹ, làm việc ở Trung tâm Học liệu, chuyên trình
bày bìa sách của cơ quan này và Nhà xuất bản Trình Bầy. Mỗi họa sĩ đều có style
trình bày riêng, nhìn vào bìa sách là ta biết ngay, không lẫn được.
Hơn mười năm qua, công nghệ chế bản và in
thâm nghập vào nước ta, cụ thể là Sài Gòn – cái nôi của ngành này – ngày càng
hiện đại hơn, nên các phương tiện này đã hỗ trợ cho các ấn phẩm mang tính mỹ
thuật cao. So với một quyển sách in bây giờ với một quyển sách in trước “thời
mở cửa” khác nhau khá xa. Nhiều tác phẩm, nhất là tác phẩm văn học dịch, được
tái bản trông hết sức “quyền quí cao sang”. Ngẫm ra vẫn “con người đó”,
vẫn mang tâm hồn đó, nhưng được “make up” có nghề, có lương tâm, làm tôn vẻ đẹp
thì dễ lay động trái tim của đối tượng hơn là “mặc áo vải thô, đi chân đất”.
Nhiều người quan tâm đến sách có tâm trạng
băn khoăn chỉ sợ trong thế giới nghe nhìn ngày nay, e rằng sách in một ngày nào
đó không còn chỗ đứng. Nhưng tôi không nghĩ mối lo đó sẽ thành sự thực khi mà
thế giới vẫn còn có người mê sách in đẹp và những người làm sách đẹp.
Sài Gòn/2004
SÀI GÒN – ĂN
Sài Gòn – ăn suốt ngày suốt đêm, ăn tận
hang cùng ngõ hẻm đến các nhà hàng sang trọng. Vì Sài Gòn là thành phố không
bao giờ ngủ.
Người ta ăn do nhu cầu bao tử – ăn để lấy
sức làm việc, ăn do giao tế và… một lý do thời thượng là ăn do công việc làm
ăn. Vì thế dịch vụ ăn (uống) không ngừng phát triển và luôn luôn đổi mới trong
thế cạnh tranh hết sức sinh động.
Xưa nay, Sài Gòn được xem là “đất lành chim
đậu”, người tứ xứ – Tây có, ta có – đổ về tìm cơ hội làm ăn sinh sống, tham
quan du lịch, nên có nhiều tiệm ăn, nhà hàng chuyên kinh doanh đặc sản nổi
tiếng từng vùng, từng miền trong nước như: các món ăn Huế, mì Quảng, nem Ninh
Hòa, gỏi cá Cam Ranh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, hủ tíu Nam Vang, chả cá
Lã Vọng… đồng hành với những nhà hàng chuyên kinh doanh các món ăn (uống) Pháp,
Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Brazil, Tây Ban Nha,
Mexico, Mỹ, Úc… Bên cạnh đó là những tiệm ăn và nhà hàng chay dành cho Phật tử
và những người thỉnh thoảng chán chê thịt cá. Có thể nói Sài Gòn bây giờ là một
“hiệp chúng quốc” ăn (uống). So với xưa kia, Sài Gòn chỉ biết cà ri Ấn Độ hay
sang trọng hơn là “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”.
Bước chân ra khỏi nhà là đụng ngay chuyện
ăn. Gánh hàng rong, xe phở, xe hủ tíu… ngay đầu hẻm. Đi khắp các nẻo đường
trong thành phố, kể cả các huyện ngoại thành, không nơi nào là không thấy ăn.
Ăn ngày, ăn đêm. Một người bạn ở nước ngoài về Sài Gòn, lần đầu tiên đi tìm địa
chỉ người bạn mới quen trên Internet, tìm mãi nhà nàng không ra mà chỉ thấy
toàn nhà… hàng, bèn tức cảnh sinh tình: “Đi đâu cũng thấy nhà hàng/Đi hoài
chẳng thấy nhà nàng ở đâu!”. Anh bạn cho biết ở nước ngoài người ta không
ăn như ở Sài Gòn của mình, và Sài Gòn trước kia không ăn như Sài Gòn bây giờ.
Do cạnh tranh, nhiều tiệm ăn, nhà hàng có
những chiêu tiếp thị hết sức “ấn tượng”, nhất là những nơi bán bê thui. Nửa
buổi sáng, nhìn thấy xác một con bê bị chặt đầu lột da, xiên qua chiếc dùi sắt
trên lò nướng, đặt ngay trên lề đường trước cửa nhà hàng thì mới thấm được chân
lý “con người thông minh hơn con vật”!
Nhiều nhà hàng bán thịt thú rừng trưng biển
ngay trên tường rào quảng cáo đủ loại thú rừng. Một hôm, anh bạn từ Tây nguyên
– nơi rừng còn có chỗ cho thú sinh sống qua ngày – xuống Sài Gòn dạo chơi một
vòng, thấy những tấm bảng to đùng liệt kê cả nhím, trút, heo rừng… bèn thốt:
“Dân Sài Gòn giỏi thiệt, bây giờ nuôi được cả thú rừng quí hiếm này
để kinh doanh. Tay thợ săn tài ba ở địa phương tôi, hú họa lắm mới bẫy được một
con heo rừng”. Còn nhớ năm nào, trong một số tiệm ăn, nhà hàng có dán tờ bích
chương của tổ chức bảo vệ đời sống hoang dã với nội dung: “Bắt nó trong
rừng/là vi phạm luật/bán nó cho nhà hàng/là vi phạm luật/giết nó/là vi phạm
luật/ăn thịt nó/cũng là vi phạm luật”, bây giờ không còn những câu khẩu
hiệu như vậy nữa. Nhưng những quán bán thịt rừng vẫn tồn tại và khách thích
thịt rừng (dù thịt giả) vẫn thản nhiên ăn.
Bước vào chốn ăn (uống), tôi thích nhìn…
cách ăn, chứ không phải “nhìn miệng”, của người khác. Có người sung sướng khi
được ăn và cũng có người vì một lý do nào đó chẳng sung sướng gì khi phải ăn,
nên chỉ ăn lấy lệ. Ở những nhà hàng thì thấy rõ cách ăn nhất. Nhiều bàn “ăn vô
tội vạ”, nghĩa là họ kêu thức ăn (uống) tràn lan, ăn (uống) không hết vẫn phải
thanh toán tiền, biết thế nhưng họ vẫn (và luôn luôn) xem là “chuyện thường
ngày ở huyện”, trong khi toàn xã hội vẫn còn rất nhiều gia đình thuộc diện “xóa
đói giảm nghèo”. Người phương Tây trong chuyện ăn (uống) kỵ nhất là “con mắt to
hơn cái bụng”. Nếu lỡ ăn không hết thì mang về chứ không bao giờ để thức ăn
thừa lại bàn, đối với họ như thế là mất lịch sự, không tôn trọng nhà hàng mà cụ
thể là đầu bếp và những người phục vụ. (Trừ thói quen lịch sự của dân Pháp, khi
uống lúc nào cũng chừa một tí ở đáy ly mới là “lady/gentlement”). Còn ta
thì vì “sĩ diện” hoặc vì đâu phải tiền túi mình bỏ ra mà tiếc.
Nhưng đâu phải riêng gì người phương Tây,
dân tộc ta cũng có truyền thống văn hóa trong ăn (uống) từ ngàn xưa. Điều này
thể hiện qua câu tục ngữ “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Khi ăn thì phải
nghĩ đến cái bụng của người khác trước khi lo cho cái bụng của mình. Những nước
văn minh nông nghiệp quan niệm hạt gạo là hạt ngọc trời ban, nên từ đời này sang
đời khác cha mẹ dạy con cái từ khi biết cầm muỗng, cầm đũa phải vét sạch trơn
chén cơm khi ăn xong, giống như người phương Tây phải dùng miếng bánh mì vét
sạch dĩa thức ăn.
Nói thêm về cách ăn của một số người Sài
Gòn bây giờ ở những bữa buffet – một loại hình ăn uống từ phương Tây du nhập
vào nước ta và đang nở rộ, có cả buffet chay. Ăn buffet là ăn theo sở thích và
tùy sức, ăn hết những gì mình lấy trên đĩa. Nhưng có người, có gia đình cố ăn
cho “đáng đồng tiền bát gạo” bỏ ra nên có cảnh ăn xong rồi xoa bụng than quá
no, đứng dậy không nổi hoặc bỏ mứa thức ăn đầy bàn! Thường những bữa buffet có
nhiều người phương Tây dự, không hiểu khi thấy cách ăn như thế họ nghĩ gì?
Ông bà ta dạy: Học ăn, học nói…, còn
người phương Tây thì có câu: Hãy cho tôi biết anh ăn ra sao thì tôi sẽ nói
anh là người thế nào”. Nhưng thiết nghĩ, cách ăn xét về mặt xã hội không
đáng lo bằng mục đích ăn. Nếu ăn theo kiểu “sống để ăn” hay ăn “để công
việc làm ăn được trơn tru” – một hiện tượng đang tồn tại và liên tục phát triển
giữa một thành phố đang quyết tâm phấn đấu trở thành thành phố văn minh hiện
đại, thì e rằng xã hội ta sẽ ngày càng nhiều hơn những con người… “quá
khổ”!
Sài Gòn/2005
304Đen – Llttm - VV
No comments:
Post a Comment