Cơn Giận
Một buổi tối
mùa đông, chúng tôi ngồi trước lò sưởi, trong một căn buồng ấm áp. Tự nhiên
trong câu chuyện, một người nói đến những cơn giận tự nhiên đến tràn ngập cả
tâm hồn ta và có khi gây nên nhiều cái kết quả không hay. Rồi mỗi người đều bày
tỏ ý kiến riêng của mình.
Anh Thanh, từ nãy đến giờ vẫn lặng yên có vẻ
trầm ngâm, cất tiếng nói:
- Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc
nhỏ nhen không ai ngờ. Tôi biết hơn ai hết, vì chính tôi đã trải qua sự đó. Tôi
sẽ kể các anh nghe một câu chuyện mà cái kỷ niệm còn in sâu trong trí nhớ tôi.
- Xe khổ thế này mà anh lại
còn đòi cao giá.
- Xe thế mà thầy chê thì còn
thế nào nữa!
Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói
câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn
xe, gắt:
- Thôi, câm họng đi, đừng lải
nhải nữa.
Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ
có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta
nhiều quá. Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn
dám cãi lại tôi mà không sợ.
Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội
xếp tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo
tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp
vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.
- Ê! Đứng lại!
Người kéo xe dừng chân... Anh ta quay lại tôi
hớt hải van xin:
- Lạy thầy... thầy nói giúp
con... thầy làm ơn...
Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những
vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run
bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe.
Người cảnh sát tây đến, nói bằng tiếng ta hơi
sõi:
- Mày chết nhé! Mày sẽ bị
phạt!
Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo
im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.
- Người này kéo ông từ trong
phố ra hay ông đi khứ hồi?
Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe. Trong bóng tối của
vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn
cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không.
Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi
được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không
việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng,
mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:
- Tôi đi từ phố hàng Bún.
- Vậy phiền ông xuống xe.
Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh
quái:
- Allez! Đi về bót!
Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã
khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết
rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức
rung động trong người.
Tôi rùng mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn
nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cái xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc
nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ,
đánh đập vì thù hằn?
Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ
tôi bấy nhiêu. Qua ô Yên Phụ, nhìn thấy những thợ thuyền tấp nập làm việc dưới
ánh đèn trong những căn nhà lá lụp xụp, tôi rảo bước đi mau, hình như trông
thấy tôi họ sẽ biết cái hành vi khốn nạn và nhỏ nhen đáng bỉ của tôi ban nãy.
Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho
tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên
ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra
trước mắt.
Tôi nhất định đem tiền đến cho người xe kia để
chuộc tội lỗi của mình. Đến phố hàng Bột hỏi dò những người chung quanh xưởng
xe, tôi biết được anh xe bị phạt đêm hôm ấy là tên Dư, và ở trong một dãy nhà
quá ngã tư Khâm Thiên.
Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo
nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè,
xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà.
Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn những người gầy gò,
rách rưới như những người trong một cơn mê.
Người phu xe Dư ở trong ấy. Một bà cụ già gầy
giơ xương ngồi cắn chấy ở vệ hè chỉ cho tôi một cái cửa thấp bé ở đầu nhà. Tôi
cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào
tận trong mình. Có tiếng người đàn bà khẽ hỏi:
- Bẩm thầy muốn gì?
Khi mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà
vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng
bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai
cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà
thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.
- Bác Dư có nhà không?
- Bẩm, chú nó đi về quê vắng
từ hôm nọ.
Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi
biết họ không nói thật, tôi giảng giải:
- Không, cụ cứ nói thật cho
tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.
Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:
- Thế thầy đã biết việc chú nó
bị bắt xe hôm nọ?
Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói:
- Hôm ấy cai nó phải đem tiền
lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền
đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy
đâu ra mà trả. Thế là bị nó lột quần áo đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy
ạ. Khi về đây lê đi không đuợc nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.
Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói
theo:
- Nó còn bảo hễ không trả nó
sẽ bắt lấy thẻ.
- Thế bây giờ bác ta đâu?
Bà cụ trả lời:
- Đi ngay từ hôm ấy, mà không
biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám
về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ, nghe
đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp
thế nào mới bị bắt, chứ không cũng chẳng việc gì.
Tôi yên lặng, trong lòng náo nức.
Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:
- Tội cho vợ con chú đây, ốm
đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không?
Tôi đứng lại gần xem. Trên cánh tay người mẹ,
chỉ còn là một dúm thịt con đã nhăn nheo: đứa bé há hốc miệng thở ra, măt xám
nhợt. Người mẹ thỉnh thỏang lấy cái lông gà dúng vào chén mật ong để bên cạnh,
phết lên lưỡi của đứa bé.
- Cháu nó sài đã hơn một tháng
nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang
bảo cháu khó qua khỏi được.
Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở
khóc. Bà cụ già lê nhích lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại những cái tã rách
như xơ mướp.Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rướm nước mắt. Một cảm giác
nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ,
rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực.
Qua ngưỡng cửa, tôi va phải một người đàn ông ốm
yếu tay cắp một cái áo quan con bằng gỗ mới. Đến bên đường, tôi nghe thấy trong
căn nhà lụp xụp đưa ra tiếng khóc của hai người đàn bà. Đứa bé con đã chết.
Anh Thanh lặng yên một lát như nghĩ ngợi, rồi
nói tiếp:
- Cái kỷ niệm buồn rầu ấy cứ
theo đuổi tôi mãi mãi đến bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự
đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Và mỗi lần
tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, lại thấy đau đớn trong lòng, như có một
vết thương chưa khỏi.
Thạch Lam
No comments:
Post a Comment