Tuesday, February 26, 2019

Vài Cảm Nhận Khi Đọc Bài Thơ "Lời Thề Trên Phiến Đá" Của Trần Lê Phượng Loan - Nguyễn Cang


CẢM NHẬN KHI ĐỌC BÀI THƠ "LỜI THỀ TRÊN PHIẾN ĐÁ" CỦA TRẦN LÊ PHỰƠNG LOAN

                  
 
 

 
 
 
 
LỜI THỀ TRÊN PHIẾN ĐÁ

Khi những hạt nắng cuối cùng bốc hơi theo hạ

Em cố hái sợi chiều

đan áo ấm cho anh

Thu thức giấc ôm mình trở dạ

Heo may lọt lòng

thẽ thọt ru tình

trên chiếc lá hãy còn xanh

Anh kết lời thề trên phiến đá

hẹn thu sang

sẽ dìu em đi trên những cung đường phủ đầy hoa cỏ lau hồng

trong sắc dã quỳ vàng rực giữa mênh mông

trong mùi hương ngai ngái

dưới cái lạnh đầu đông

Em giấu hạ vào trong ngực áo

cất những hạt nắng vàng để sưởi ấm tình anh

trong những ngày đông lạnh

trong những ngày ta vắng nhau

Em chiết ánh hoàng hôn lấp lánh sắc màu

để nhuộm tím hương tình

để chờ ngày sum họp

Khi những cánh dã quỳ cong cớn níu gọi mùa trôi

là lúc thu đã chín

là lúc những chiếc lá cuối cùng trở về nguồn cội

là khi những cánh thiên di xé gió

bay về phương Nam

ấm áp xa xôi…

Chỉ có anh

để lời thề cạn khô trên phiến đá

đơn côi…

Trần Lê Phượng Loan

 

            Bài thơ "Lời Thề trên Phiến Đá" là một bài thơ hay. Thơ làm theo thể tự do, vần gieo cuối câu. Nội dung không mới nhưng cách trình bày thì mới. Lấy bối cảnh bốn mùa xuân hạ thu đông, để gởi gắm tâm sự buồn nhớ mênh mông, nghe cũng là lạ. Ngoài ra tác giả còn mạnh dạn sử dụng ngôn ngữ thi ca khá táo bạo nhưng không dung tục, quá  đà, vừa đủ chất lãng mạn, không thừa không thiếu. Thuật ngữ trong bài mang âm hưởng thi ca của các nhà thơ nổi tiếng: Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Trịnh Công Sơn... nên thơ hay khó diễn tả bằng lời chỉ cảm nhận thôi!

Thơ văn của các vị nầy được xếp vào trường phái siêu thưc. Trường phái nầy như một luồng gió mới thổi vào thơ văn truyền thống Việt Nạm, nó tồn tại và phát triển mạnh như dòng thơ mới trước đây. Những tác phẩm được ưa chuộng đã chứng tỏ tinh thần yêu thơ theo cách nầy. Người ta thường nói nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nhiều sáng tác rất hay, rất ăn khách nhờ sử dụng "sáng tạo" ngôn ngữ thi ca để ru hồn người, quên đi những đau khổ do chiến tranh gây ra trước 75, gợi hứng  cho những tâm hồn lãng mạn khi nghe  những ca khúc trữ tình  của TCS: Tuổi đá buồn, Một cõi đi về, Hạ trắng,Tôi ru em ngũ, Phôi pha v.v.

Tôi không biết tác giả TLPL có đọc nhiều, nghe nhiều những bài thơ, những tình khúc của những nhạc sĩ, thi sĩ kể trên không mà trong bài nầy tác giả sử dụng ngôn từ cũng mang âm hưởng mới, nhưng lại khác hẳn với các bậc tiền bối, nghĩa là thơ mang nét riêng TLPL. Sự cách tân nầy đã đem lại cho độc giả nhiều thích thú khi đọc những dòng thơ mới nầy.

Đọc lại 7 câu đầu:

Khi những hạt nắng cuối cùng bốc hơi theo hạ

Em cố hái sợi chiều

đan áo ấm cho anh

Thu thức giấc ôm mình trở dạ

Heo may lọt lòng

thẽ thọt ru tình

trên chiếc lá hãy còn xanh.

    Ta thấy tác giả sử dụng từ ngữ rất mới:

-Em cố hái sợi chiều.

"hái" là động từ chỉ hành động nắm bắt những tia nắng chiều vào tay, dĩ nhiên ở đây dùng nhân cách hoá, coi sợi chiều là vật hữu thể.

-Thu thức giấc ôm mình trở dạ.

Câu nầy có 7 chữ mà 6 chữ xếp vào từ ngữ đặc biệt. Tác giả nhân cách hóa mùa thu như một người  đàn bà tới kỳ sinh nở, ám chí mùa thu kéo tới bất ngờ, có mưa bay, gió cuốn (lúc giao mùa).

-Heo may lọt lòng.

Ở trên thì mùa thu trở dạ, ở dưới, heo may lọt lòng! Từ nào nghe cũng lạ cũng mới.

Vị ngữ: Thỏ thẻ ru tình,

Bổ nghĩa cho chủ ngữ mùa thu ở trên.

Và còn nữa những từ ngữ mới nằm rải rác trong những đoạn thơ còn lại, cho nên có thể nói tác giả đã sáng tạo nhiều từ ngữ mới lạ trong thi ca. Thực ra những từ ngữ nầy nếu đứng một mình thì không có gì lạ hết! Cái lạ là khéo sử dụng đặt đúng vị trí trong ý và lời thơ, làm tăng thêm cảm xúc nơi người đọc nghĩa là thơ có hồn.

Lời thơ như ngấm vào những trái tim đơn côi, lạc lõng. Chính  cách sử dụng thi ngữ nầy đã tạo ra những nét mới, phá vỡ ý thức tồn tại vật chất, để đi vào cõi siêu thực, với bao cảm xúc êm đềm làm thăng hoa tình yêu  nỗi nhớ, là nét riêng đặc biệt, một ưu điểm của tác giả TLPL. Lấy bối cảnh 4 mùa để lồng tình cảm. Mùa hạ em hái sợi chiều đan áo ấm cho anh, rồi em lại giấu mùa hạ vào ngực áo (để sưởi ấm lòng anh) trong khi chờ gặp lại vào mùa thu tới vì em tin chắc những lời thề anh viết trên đá là có thật. Anh và em sẽ nắm tay nhau đi trên con đường đầy hoa mộng có cỏ lau , bông dã quỳ vàng  rực rỡ trải dài mênh mông:

"Khi những cánh dã quỳ cong cớn níu gọi mùa trôi

là lúc thu đã chín

là lúc những chiếc lá cuối cùng trở về nguồn cội

là khi những cánh thiên di xé gió

bay về phương Nam

ấm áp xa xôi…

Chỉ có anh

để lời thề cạn khô trên phiến đá

đơn côi…"

      

  Trong đoạn nầy ta lại bắt gặp một số từ ngữ mới  "cánh dã quỳ cong cớn níu gọi". Tĩnh từ ghép "cong cớn" chỉ điệu bộ người con gái chua ngoa, đỏng đảnh, khi nói thì vênh mặt cong môi lên. Hình ảnh nầy được so sánh với những cánh hoa dã quỳ nở bung, biện pháp tu từ được sử dụng thật khéo léo gây chú ý cho người đọc. Động từ "níu" nghe rất hay, gợi hình ảnh, nguyên gốc có nghĩa là nắm giữ một vật gì, hoặc kéo vật đó xuống. Hình ảnh những bông dã quỳ  bung những cánh cong cớn ngã nghiêng như những cánh tay đang níu kéo mùa hạ trở lại cũng chính là lúc mùa thu đã chín. Đoạn tả cảnh kết hợp nhân cách hoá thật đặc sắc. Tiếp theo là "những chiếc lá cuối cùng trở về nguồn cội", cách diễn tả nầy nghe cũng mới lạ tai, thú vị, thay vì nói " những chiếc lá vàng rụng đầy gốc". Hình ảnh "chiếc lá cuối cùng" cho ta biết mùa thu đã chấm dứt! cũng là lúc "những cánh chim thiên di xé gió bay về phương Nam". Một lần nữa động từ "xé gió" được sử dụng thật hay, hiệu quả! Tại sao lại xé gió? Động từ chỉ hành động con chim bay vút vào không gian một cách vội vã kẻo mùa đông tới sớm sẽ không kịp bay về phương Nam tránh lạnh. Hình ảnh nầy củng cố thêm ý tưởng: mùa thu đã chấm dứt thật rồi ! Tác giả dùng một vài hình ảnh tựơng trưng để thắt chặt lý luận làm tiền đề cho đoạn kết tiếp theo. Xin các bạn hãy dừng lại, đọc chậm rãi đoạn thơ nầy để nắm bắt được ý tưởng của tác giả.

Nhưng hỡi ơi! khi mùa thu  thay lá, trơ cành xác xơ thì bóng dáng anh cũng biến mất nơi nào, chỉ còn lại phiến đá buồn, khô cằn, có ghi lời thề của chàng mà thôi!

Khi nói "lời thề ghi trên đá", tôi nghĩ ngay tới một cuộc hẹn hò rất vui vẻ, hào hứng và quan trọng của hai người trẻ đang yêu nhau. Cuộc tình tự không thể trao đổi hết ý bằng thư từ mà phải gặp mặt vì thơ không nói hết . Có thể đây là cuộc hẹn quyết định cuộc đời của người con gái khi tình yêu đã lên hương tới mức. Nay đã tới hồi quyết định, nàng muốn nói ước mơ sum hợp với người yêu. Người con gái đã chuẩn bị đan áo ấm cho chàng mặc, giấu cả khung trời mùa hạ vào ngực áo để sưởi ấm tình anh! Tình yêu tuy lãng mạn nhưng chân thật, dễ thương:

"Em giấu hạ vào trong ngực áo

cất những hạt nắng vàng để sưởi ấm tình anh

trong những ngày đông lạnh

trong những ngày ta vắng nhau".

Nàng vui tươi trẻ trung như mới yêu lần đầu. Nàng nôn nao "đợi chờ ngày sum họp". Cụm từ nầy nói lên ước nguyện sau cùng là tiến tới hôn nhân chấm dứt những tháng ngày chờ đợi lo âu. Động từ ghép "sum họp" đồng nghĩa với kết hợp hôn nhân. Vậy mà chàng không tới! Chuyện gì xảy ra tác giả không nói, để tự độc giả suy nghĩ tim câu trả lời. Tôi nghĩ đây là dụng ý của tác giả muốn lôi kéo bạn đọc theo dõi như chính mình là nhân vật trong truyện, một nghệ thuật sáng tác trong thi ca. Nhiều câu hỏi được đặt ra: biết đâu cuộc lỡ hẹn nầy sẽ đưa tới hậu quả khôn lường khiến người con trai phải ân hận về sau nhất là biến cố 75 đã cắt đứt tình yêu của bao cặp tình nhân đang yêu nhau tha thiết phải lìa xa một cách tức tưởi nghẹn ngào, làm dang dở mối duyên tình mà có khi xảy ra quá bất ngờ không trở tay kịp để suốt đời không gặp lại nhau, cũng không còn biết tin tức. Tự nhiên tôi thấy lòng mình dâng lên niềm cảm xúc: chua xót, tội nghiệp cho người con gái trong truyện (dù thật hay hư cấu). Tôi như đang thấy nàng nhìn trân trân phiến đá với những dòng chữ viết của người yêu mà tức tưởi, trách móc :" Tại sao anh không đến? Tại sao anh lỗi hẹn?". Nàng ngồi mãi trên phiến đá đợi chờ ...tuyệt vọng, cho tới khi hoàng hôn xuống thấp, bóng tối vây quanh . Ngoài kia biển vẫn gào thét đánh từng đợt sóng to vào bờ. Người con gái đứng lên uể oải lê bước chân nặng nề đi về phía con lộ cái. Trời chưa tối hẳn mà những luồng gió lạnh từ biển tràn về thật nhanh, nghe buốt tim gan . Cái đau trong lòng thêm cái lạnh bên ngoài làm cho nàng run lên từng chập. Về đâu biết về đâu ? Thân gái dặm trường biết nương tựa vào ai? Rồi đây nàng sẽ sống ra sao hay phải bơ vơ giữa chợ đời đầy nghiệt ngã gian nan, chàng có biết chăng? Nỗi lòng nầy lại trùng ý với nhạc sĩ Lam Phương khi ông diễn tả bằng những dòng nhạc đầy cảm xúc, nghe tê tái trong lòng:

"Về đâu anh ơi lúc tình còn sâu lúc hương trần đời vẫn chờ nhau giữa đêm thâu

Về đâu khi anh vẫn là nguồn sống, khi ánh xuân nồng vừa nhẹ vương lên má hồng...

Hẹn nhau qua hết một mùa phượng rơi nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay.

Thế thôi vui chi sống trong tình đầu, nhạc "chiều hành quân" nay biết gởi về đâu?"

 

Buồn ! Tác giả dùng biện pháp tu từ rất khéo. Câu chót: "Lời thề cạn khô trên phiến đá" chứa tĩnh từ ghép "cạn khô" thật đắc vị, chỉ sự chấm dứt câu chuyện tình đầy bất trắc, đau thương. Cái đặc sắc ở đây là tác giả không nói rõ ra mà dùng ẩn ngữ để độc giả tự tìm câu trả lời. Tôi cho rằng đây là bài thơ hay của Trần Lê Phượng Loan.

 

Nguyễn Cang (22/2/2019)

40 Năm Sau Cuộc Chiến, VN Đang Trở Thành Gì Của Trung Cộng - Mạnh Kim



40 năm sau cuộc chiến, VN đang trở thành gì của Trung Quốc?
 
 
 

Việt Nam là thuộc địa Trung Quốc? Không phải. Là chư hầu? Không đúng. Là quốc gia vệ tinh? Cũng sai. Vậy Việt Nam đang là gì với Trung Quốc? Khó có thể định nghĩa chính xác tính chất mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc kể từ sau khi hai nước bang giao bình thường sau cuộc chiến biên giới 1979. Có điều ai cũng thấy Việt Nam đang bị nhuộm đỏ trước hiểm họa “ngoại xâm mềm” bằng con đường kinh tế, từ Trung Quốc.

Từng ngày từng giờ, cơn sóng thủy triều đỏ Trung Quốc lan rộng và phủ kín Việt Nam, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau (chính xác là 54/63 tỉnh-thành). Theo Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nếu như trong 9 năm kể từ khi bình thường hóa (tháng 11-1991 đến tháng 12-1999), Trung Quốc có 76 dự án với tổng số vốn đầu tư là 120 triệu USD, thì 10 năm sau, đã có 657 dự án với tổng số vốn hơn 2,6 tỷ USD. Riêng về FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp), từ cuối năm 1991 đến nay, FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam liên tục tăng và tăng mạnh 10 năm trở lại đây, từ 572,5 triệu USD năm 2007 lên 2,17 tỷ USD năm 2017, trở thành nước thứ tư trong số các quốc gia có vốn FDI đăng ký tại Việt Nam (tạp chí Tài Chính 1-1-2019).

Trung Quốc hiện diện khắp nơi, đến mức gần như ngành nghề nào cũng có mặt, từ kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp ở Hải Phòng; kinh doanh bất động sản ở Tiền Giang; sản xuất giày ở Đồng Nai; luyện-cán thép ở Thái Bình; sản xuất tinh bột wolfram ở Quảng Ninh; linh kiện điện tử ở Đà Nẵng; ván ép ở Long An; đến gia công in phun, đồ họa, sản phẩm quảng cáo, dịch vụ quảng cáo ở Sài Gòn; và đặc biệt công nghiệp điện than (trong 27 quốc gia có dự án nhiệt điện than nhận đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ hai sau Bangladesh về công suất được cam kết đầu tư với 13.380MW, xếp thứ tư về tổng giá trị với 3,6 tỷ USD, tính đến tháng 7-2018) – dù rằng công nghiệp này gây ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng.

Trung Quốc còn thâm nhập dữ dội vào thị trường bất động sản. Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… chỗ nào cũng có mặt giới đầu tư bất động sản Trung Quốc, đặc biệt các dự án chung cư thuộc khu “đất vàng”. Tháng 4-2017, tập đoàn China Fortune Land Development mua lại cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus của VinaCapital với giá 65,3 triệu USD (Đại Phước Lotus là dự án khu dân cư có tổng diện tích 198,5 triệu hecta thuộc tỉnh Đồng Nai, giáp Sài Gòn). Tờ The Leader (19-9-2017) cho biết, tập đoàn Hong Kong Land cũng mua 64% cổ phần dự án nhà ở nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM; trong khi đó, Alpha King Real Estate Development JSC mua dự án khu phức hợp Saigon One Tower…

Trong 9 tháng đầu năm 2018, người Trung Quốc vọt lên đầu bảng tỷ lệ người nước ngoài mua nhà ở Sài Gòn. Không chỉ mua nhà, đất đai và khu nghỉ mát, Trung Quốc còn mua doanh nghiệp. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giới đầu tư Trung Quốc đã thực hiện 1.029 lượt góp vốn mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn hơn 800 triệu USD, chỉ trong năm 2018. Cùng với làn sóng đầu tư là làn sóng du lịch. Mỗi tuần có 500 chuyến bay chở du khách Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện có đến 10 hãng hàng không khai thác 30 đường bay từ 20 địa điểm Trung Quốc đến Việt Nam...

Đầu tư và du lịch giúp kinh tế tăng trưởng mà sao phải lo? Bởi vì, không như giới đầu tư các nước khác, sự có mặt Trung Quốc kéo theo nhiều điều không bình thường. Tháng 8-2018, Ủy ban tỉnh Khánh Hòa đã phải gửi văn bản khẩn, “đề nghị các bộ, ngành trung ương, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua công nghệ thanh toán điện tử”, nhằm chặn đứng sự thất thu thuế từ du khách Trung Quốc.

Dự án tuyến đường sắt cao tốc Cát Linh¬Hà Đông là một ví dụ khác. Dự án có tổng đầu tư 552 triệu USD (thời giá năm 2008) trong đó vốn ODA Trung Quốc là 419 triệu USD. Dự kiến công trình hoàn thành trong thời gian từ tháng 8-2008 đến tháng 11-2013 nhưng ì ạch mãi đến cuối năm 2015 mới xong (đến nay, đầu năm 2019, vẫn còn trong giai đoạn chạy thử nghiệm). Cái giá của sự chậm tiến độ là 339 triệu USD cộng thêm! Không chỉ vậy, tổng thầu Trung Quốc còn nợ các nhà thầu phụ Việt Nam đến 554 tỷ đồng. Tương tự, trong dự án Nhà máy gang thép Lào Cai với tổng đầu tư khoảng 340 triệu USD (Việt Nam góp 55%), một nhà thầu Trung Quốc cũng quịt tiền. Sau khi ký hợp đồng mua vật liệu và thuê công nhân Việt Nam san ủi mặt bằng, nhà thầu phụ này lặng lẽ biến mất! Dù vậy, Trung Quốc vẫn có ưu thế giành thầu và chiếm nhiều dự án trọng điểm chẳng hạn các nhà máy nhiệt điện. Có quá bất thường không?

Điều không bình thường là có rất nhiều công nhân Trung Quốc được thoải mái vào Việt Nam mà không cần hộ chiếu-visa. Con chuột cũng khó có thể lọt vào cửa khẩu huống chi hàng chục ngàn người! Cách đây 10 năm, năm 2009, tờ VietnamNet từng thực hiện phóng sự về những ngôi làng Trung Quốc mọc tại Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường bày tỏ “bất bình” trước sự “ngang nhiên” tuyên xưng chủ quyền của Trung Quốc đối với biển đảo Việt Nam nhưng về sự ngang nhiên xuất hiện của hàng chục ngàn người Trung Quốc ngay trên đất Việt Nam thì gần như không ai lên tiếng hoặc hành động gì, đến mức sự bất thường này được phép đương nhiên tồn tại. Cuối năm 2015, tại Đà Nẵng, hai cửa hàng do người Trung Quốc làm chủ thậm chí đã ngang ngược “tuyên xưng chủ quyền” bằng cách không bán hàng cho người Việt. Người Việt đang mất chủ quyền ngay trên chính mảnh đất quê hương mình? Điều bất thường nhất trong những điều không bình thường là một số khu công nghiệp Trung Quốc đã được bảo vệ như thể chúng nằm trên đất Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, chẳng người Việt Nam nào “không phận sự” được phép vào “cấm thành” Formosa!

Điều rất không bình thường, so với quan hệ kinh tế với các nước khác, là cách thức quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hãy đọc một đoạn trong bài viết “Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam trong 10 năm qua” của tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa (người hồi tháng 6-2018 đã được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc kiêm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc):

“Cùng với tăng cường xây dựng niềm tin chính trị, lãnh đạo hai nước luôn chú trọng đến xây dựng mối quan hệ kinh tế hiệu quả, thiết thực và đang được cụ thể hóa bằng những kế hoạch phát triển gắn kết hai nền kinh tế như “Hai hành lang, một vành đai”, “một trục hai cánh”, “hợp tác Vịnh Bắc bộ mở rộng”; hướng đến cân bằng trong cán cân thương mại; tăng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam...”. Cách viết này, của một “chuyên gia” thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho thấy một điều: quan hệ kinh tế Việt Nam với Trung Quốc còn được “hòa tan” vào quan hệ chính trị, liên quan đến vấn đề thể chế và chính sách đối ngoại “đặc biệt”. Nó giúp phần nào giải thích được những bất thường nói ở trên.

Cần nhắc lại, cách đây chỉ vài tháng, vào tháng 9-2018, khi tiếp Triệu Lạc Tế - Ủy viên Bộ Chính trị-Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng quan hệ Việt-Trung “đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử”! Trước đó, tháng 1-2017, trong chuyến công du Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, Nguyễn Phú Trọng cùng Tập Cận Bình cũng đã ra thông cáo chung, xác định hai quốc gia “đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung”; khẳng định quan điểm hai bên là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” trên tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Bắc Kinh có là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” của Việt Nam? Chắc chắn là không. Hà Nội đang trở thành gì đối với Trung Quốc? Dựa vào các phát biểu và tuyên bố chung chỉ có thể định tính được phần nào mối quan hệ hai nước, nhưng dựa vào những con số cụ thể thì có thể thấy rõ, Việt Nam đang lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc. 40 năm sau khi thâm nhập biên giới Việt Nam bằng quân sự, Trung Quốc đang đổ bộ kín mít đất nước Việt Nam bằng những đoàn quân kinh tế hùng hậu. 40 năm sau khi Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc, Việt Nam vẫn rất khó khăn tấn công sâu vào lãnh thổ nước này bằng con đường kinh thương. Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc. Con số mới nhất (11 tháng đầu năm 2018) là 21,6 tỷ USD (xuất sang Trung Quốc 38,1 tỷ USD trong khi nhập lại 59,7 tỷ USD).

Năm 1979, Hà Nội đã có thể dạy lại Bắc Kinh bài học mà Trung Quốc muốn dạy cho Việt Nam, nhưng sau 40 năm, Hà Nội dường như chẳng học được thêm gì cả, ngoài việc trở thành “đồng chí tốt” của kẻ thù. Sau 40 năm, Việt Nam chẳng là gì so với sức mạnh kinh tế lẫn quân sự mà Trung Quốc đang sở hữu. Biển Đông đang bị gặm nhấm lần mòn. Chủ quyền biên cương đang bị đe dọa. Cả “chủ quyền” kinh tế cũng bị thao túng. Thật chẳng tự hào gì khi Việt Nam đang là con nợ của Bắc Kinh. Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (3-9-2018), tác giả Vũ Quang Việt cho biết, ước tính nợ Việt Nam đối với Trung Quốc, tính đến năm 2018, (có thể) là hơn 6 tỷ USD. Bắc Kinh đang nắm Hà Nội trong lòng bàn tay? Riêng với cái nhìn của người dân Việt Nam, có vẻ như Hà Nội chẳng nắm được gì của Bắc Kinh cả! Với thực trạng này, ước vọng thoát Trung của người dân Việt xem ra là rất xa vời. Điều này có đáng để nghĩ và lo lắng cho số phận quốc gia?

 

Mạnh Kim (VOA)

304Đen – Llttm – BCT

*Ghi Chú: Xin đọc hai chữ Trung quốc là “Trung Cộng” – 304Đen

Năm Mậu Tuất Trôi Qua - vkp Phượng ngày nay


NĂM MẬU TUẤT TRÔI QUA

 



 








Tháng Giêng ra vô thẫn thờ
Tháng hai thao thức ngóng chờ cố nhân
Tháng Ba cúng lễ Thanh minh
Tháng Tư đau xót tình hình nước non
Tháng Năm thương nhớ mõi  mòn
Tình riêng Tháng Sáu vẫn còn đa mang
Cúng vong Tháng Bảy cầu an
Trung thu Tháng Tám sáng trăng đêm rầm
Mưa buồn Tháng Chin xót tâm
Tháng Mười nơi ấy lạnh căm Đông về
Tháng Mười Một dạ ủ ê
Tháng Mười Hai phải bộn bề lo toan…
Thời gian bay vút phũ phàng
Trăm năm Thiên định…Trời ban cõi nào?
Thôi đừng nghĩ chuyện mai sau!!!

 

Saigon / Giao thừa Tết Kỷ Hợi 2019
Vkp phượng ngày nay

 

 

Bài Phát Biểu "Tự Do Là Một Trách Nhiệm - Trương Duy Nghênh, Trí Đạt (dịch)


Bài phát biểu “Tự do là một trách nhiệm” gây sốt cộng đồng mạng tiếng Trung




 

Ngày 1/7, nhà nghiên cứu kinh tế học Trung cộng Trương Duy Nghênh đã tham dự lễ tốt nghiệp của Viện nghiên cứu phát triển quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh. Trong buổi lễ, ông có bài phát biểu đại diện cho giáo viên với chủ đề “Tự do là một trách nhiệm”, ông nói đẩy mạnh và bảo vệ tự do là trách nhiệm của mỗi người Trung cộng quan tâm đến vận mệnh của đất nước.


Bài phát biểu này được đăng trên Wechat của viện, tuy nhiên nó đã bị xóa trong chưa đầy 12 giờ sau khi đăng tải. Toàn văn bài phát biểu sau khi được đăng trên trang sohu. com, cũng đã bị gỡ xuống trong 24 giờ.


Những lời nói xúc động của ông Trương Duy Nghênh đã trở thành bài viết được sinh viên trường Đại học Bắc Kinh cũng như cư dân mạng muốn đọc nhất, bên cạnh đó cũng có nhiều tranh luận của cư dân mạng xoay quanh bài phát biểu này.

Viện nghiên cứu phát triển Trung cộng thuộc Đại học Bắc Kinh là một một viện học thuật có tính chỉ định, ngoài cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng thế giới Lâm Nghị Phu được nhậm chức Viện trưởng danh dự ra, thành viên hội đồng của viện bao gồm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Vương Kỳ Sơn, Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung cộng Chu Tiểu Xuyên, và giáo sư, Nhà kinh tế học nổi tiếng Chu Kỳ Nhân, Trương Duy Nghênh, v.v…
Dưới đây là nội dung bài phát biểu của ông Trương Duy Nghênh được lưu truyền trên internet:

Chào các em sinh viên! Đầu tiên xin chúc mừng các em đã tốt nghiệp!


“Người Bắc Đại” là một vầng sáng, kèm theo đó là trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm đối với dân tộc chịu bao khổ nạn chịu bao chà đạp của chúng ta.
Văn minh Trung Hoa là một trong những nền văn minh cổ xưa trên thế giới, đồng thời cũng là nền văn minh cổ xưa duy nhất được duy trì cho đến ngày nay. Trung cộng thời cổ đại có sự phát minh sáng tạo đầy huy hoàng, có đóng góp quan trọng cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng 500 năm qua, về phương diện phát minh sáng tạo thì Trung cộng không có gì nổi trội để khen. Chúng ta hãy dùng con số để nói rõ hơn. 

Theo thống kê của học giả Jack Challoner thuộc Bảo tàng Khoa học Anh, trong khoảng thời gian từ thời kỳ đồ đá (2,5 triệu năm trước) đến năm 2008, đã có 1001 phát minh lớn làm thay đổi cả thế giới, trong đó, Trung cộng có 30 phát minh, chiếm 3%.

30 phát minh này đều là xuất hiện từ trước năm 1500,  chiếm 18,4% trong 163 phát minh lớn trên toàn thế giới trước năm 1500. Trong đó, phát minh cuối cùng là bàn chải đánh răng được phát minh năm 1498, đây cũng là phát minh to lớn duy nhất trong triều đại nhà Minh. Từ sau năm 1500, hơn 500 năm toàn thế giới có 838 phát minh, trong số đó không có phát minh nào đến từ Trung cộng.

Kinh tế tăng trưởng nhờ những sản phẩm mới, công nghệ mới, ngành nghề mới không ngừng xuất hiện. Trong xã hội truyền thống chỉ có vài ngành nghề như nông nghiệp, luyện kim, làm đồ gốm, thủ công mỹ nghệ. Trong đó nông nghiệp chiếm vị trí chủ đạo. Hiện giờ chúng ta có bao nhiêu ngành nghề ? Theo sự tiêu chuẩn phân loại đa tầng quốc tế, chỉ riêng sản phẩm xuất khẩu, số ngành có mã 2 chữ có 97 ngành, 4 chữ là 1222 ngành, 6 chữ là 5053 ngành, và vẫn không ngừng tăng thêm. Những ngành mới này đều những ngành ra đời từ cách đây 300 năm, mỗi một sản phẩm mới đều có thể tra được nguồn gốc phát triển của nó.

Từ sau năm 1500 tất cả những phát minh lớn đều không đến từ Trung cộng

Trong số các ngành mới, lấy ngành sản xuất ô tô làm ví dụ. Ngành ô tô được những người Đức như Karl Benz, Daimler và Maybach sáng lập vào khoảng giữa những năm 1880, sau đó trải qua hàng loạt cải tiến về công nghệ, chỉ từ năm 1900 đến 1981, đã có hơn 600 mẫu đổi mới quan trọng (theo AlbernathyClark and kantrow, 1984).

Trung cộng hiện nay là nước sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, nếu như bạn viết một bộ lịch sử về sự tiến bộ của ngành ô tô, trên danh sách sẽ có hàng vạn nhà phát minh có tên tuổi, trong đó có người Đức, người Pháp, người Anh, người Italy, người Mỹ, người Bỉ, người Thụy Điển, người Nhật, nhưng sẽ không có người Trung cộng.

Dù là những ngành nghề truyền thống mà Trung cộng từng dẫn đầu từ trước thế kỷ 17 như luyện kim, làm gốm, dệt may, những phát minh lớn cách đây 300 năm, không có phát minh nào là của người Trung cộng.

Tôi muốn nhấn mạnh sự khác nhau trước và sau năm 1500. Trước năm 1500, thế giới phân chia thành những khu vực khác nhau, mỗi khu vực về cơ bản đều trong trạng thái đóng cửa, một kỹ thuật mới xuất hiện ở một nơi, thì sức ảnh hưởng của nó tới nơi khác là rất nhỏ, và cống hiến của nó đối với nhân loại cũng rất hạn chế.

Ví dụ như, năm 105, ông Thái Luân thời Đông Hán đã phát minh ra kỹ thuật sản xuất giấy, nhưng đến năm sau 751, kỹ thuật sản xuất giấy mới được truyền tới nước Hồi giáo, trải qua 300 – 400 năm mới truyền tới tây Âu.

Nhưng sau năm 1500, toàn cầu đã bắt đầu nhất thể hóa, không những tốc độ phát minh kỹ thuật mới được tăng nhanh, mà sự  phổ biến của kỹ thuật cũng gia tăng, một công nghệ mới xuất hiện ở nơi này, nó sẽ nhanh chóng được mang tới nơi khác, và sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nhân loại.

Ví dụ, năm 1886, người Đức phát minh ra ô tô, 15 năm sau, nước Pháp trở thành nước đứng đầu sản xuất ô tô, qua 15 năm nữa, nước Mỹ thay thế Pháp trở thành cường quốc về sản xuất ô tô. Đến năm 1930, tỷ lệ phổ biến của ô tô Mỹ lên đến 60%.

  Do đó, sau năm 1500, sáng tạo mới đã thực sự có tính so sánh giữa các nước, chất lượng ai tốt ai không tốt chỉ nhìn là biết ! Trong 500 năm trở lại đây, Trung cộng không có một phát minh mới nào đáng ghi trong sử sách, điều đó có nghĩa là chúng ta chưa làm được gì để cống hiến cho sự tiến bộ của nhân loại! So với tổ tiên thì chúng ta kém xa !

Tôi còn muốn nhấn mạnh vấn đề về dân số, dân số có nước nhiều nước ít, so sánh đơn giản giữa các nước về phát minh sáng tạo của ai nhiều sẽ không chính xác.

Sự sáng tạo mới phải tỷ lệ thuận với dân số, tại sao Trung cộng không thế?

Về lý luận mà nói, trong một điều kiện khác, một nước có dân số đông, thì sự sáng tạo sẽ nhiều, tiến bộ về kỹ thuật sẽ nhanh. Hơn nữa, tỷ lệ sáng tạo và tỷ lệ dân số là mối quan hệ chỉ số, không phải đơn giản là mối quan hệ tỷ lệ tương ứng. Có 2 nguyên nhân: thứ nhất, tri thức ở phương diện sản xuất có tính kinh tế và hiệu ứng lan tỏa quan trọng; thứ 2, tri thức ở phương diện sử dụng sản phẩm không có tính ngăn cản người khác sử dụng nó.

Những phát minh cống hiến cho nhân loại của người Trung cộng không tương xứng với tỷ lệ dân số của Trung cộng. Dân số Trung cộng gấp 4 lần dân số Mỹ, gấp 10 lần Nhật, gấp 20 lần Anh, gấp 165 lần Thụy Sĩ.

Nhưng thực tế, trong 500 năm, về phương diện phát minh sáng tạo, sự cống hiến của Trung cộng gần như con số 0, chưa cần so sánh với nước Mỹ, nước Anh, ngay cả con số lẻ của Thụy Sĩ cũng chưa đạt đến. Người Thụy Sĩ phát minh ra kìm phẫu thuật, máy trợ thính điện tử, dây an toàn, công nghệ chỉnh hình, màn hình LCD, v.v.

Công nghệ mực chống giả được Ngân hàng Nhân dân Trung cộng dùng để in tiền là công nghệ của Thụy Sĩ, bột mỳ Trung cộng sản xuất có 60%-70% máy móc gia công của công ty Bühler của Thụy Sĩ.

   Nguyên nhân do đâu? Lẽ nào là do gen của người Trung cộng? Hiển nhiên là không phải! Nếu không, chúng ta không có cách nào giải thích được sự huy hoàng của Trung cộng cổ đại.

Hiển nhiên là do thể chế và chế độ của chúng ta. Sức sáng tạo là dựa vào sự tự do! Sự tự do về tư tưởng và tự do về hành vi. Đặc điểm cơ bản của thể chế của Trung cộng đã hạn chế sự tự do của người dân, nó đã bóp nghẹt tính sáng tạo, giết chết tinh thần của các nhà khởi nghiệp. Người Trung cộng có sức sáng tạo nhất đó là vào thời Xuân Thu và thời Tống, đây không phải là ngẫu nhiên. Hai thời đại này cũng là thời đại người Trung cộng tự do nhất.

Trước năm 1500, phương Tây không sáng sủa, phương Đông thì mờ mịt, sau năm 1500,  một số nước phương Tây trải qua cải cách tôn giáo và vận động phổ cập kiến thức mới, họ đã dần dần hướng tới tự do và pháp trị, còn chúng ta lại đi ngược đường với họ.

Thể chế Trung cộng đã hạn chế sự tự do của người dân, cũng hạn chế luôn cả sức sáng tạo

Tôi cần phải nhấn mạnh, tự do là một chỉnh thể không thể tách rời, khi tâm hồn không tự do, thì hành động cũng không được tự do; khi không có tự do ngôn luận, thì tư tưởng không thể tự do được. Chỉ có tự do, thì mới có sự sáng tạo.

Lấy một ví dụ để nói rõ về điểm này. Ngày nay, rửa tay trước khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh đã trở thành thói quen. Nhưng năm 1847, khi bác sĩ nội khoa người Hungari Ignaz Semmelweis đề xuất bác sĩ và y tá phải rửa tay trước khi tiếp xúc với sản phụ, ông đã xúc phạm đến đồng nghiệp, vì thế mà bị mất việc, và chết trong một bệnh viện tâm thần lúc 47 tuổi.

  Quan điểm của Ignaz Semmelweis dựa trên sự theo dõi về sốt hậu sản, khi đó tại bệnh viện của ông có 2 phòng sinh, một phòng để phục vụ người giàu, do các bác sĩ và y tá giỏi chăm sóc, những bác sĩ này luôn đổi công việc giữa đỡ đẻ và giải phẫu; một phòng khác là để phục vụ người nghèo, do bà mụ đỡ đẻ. Ông phát hiện, tỷ lệ người giàu bị sốt hậu sản nhiều gấp 3 lần người nghèo. Ông cho rằng nguyên nhân là do bác sĩ không rửa tay. Nhưng cách nhìn nhận vấn đề của ông lại mâu thuẫn với lý luận khoa học thời đó, ông cũng không thể đưa ra những luận chứng khoa học để thuyết minh cho phát hiện của mình. 

Thói quen vệ sinh của nhân loại thay đổi thế nào? Việc này có liên quan tới phát minh máy in.

Những năm 1440, Johannes Gutenberg đã phát minh ra phương pháp in dấu. Loại máy in sử dụng phương pháp in này đã khiến cho sách vở bắt đầu phổ biến, nhiều người bỗng phát hiện, thì ra họ bị “viễn thị”, thế là nhu cầu về kính lại tăng cao. 100 năm sau khi máy in được phát minh, châu Âu xuất hiện hàng ngàn nhà sản xuất kính mắt, đồng thời cũng làm dấy lên cuộc cách mạng về công nghệ quang học.

Năm 1590, công ty sản xuất kính mắt Janssen Hà Lan đã lắp vài chiếc kính trong một cái ống tròn, và họ phát hiện những sinh vật quan sát qua những chiếc kính này được phóng to lên, từ đó họ phát minh ra kính hiển vi. Nha khoa học người Anh Robert Hook đã sử dụng kính hiển vi để phát hiện ra tế bào, từ đó tạo nên cuộc cách mạng khoa học và y học.

   Nhưng kính hiển vi thời đầu không cho hiệu suất cao, cho đến những năm 1870, công ty Carl Zeiss của Đức đã sản xuất ra loại  kính hiển vi mới, nó được chế tạo dựa trên công thức toán học chính xác. Nhờ vào loại kính hiển vi này, bác sĩ người Đức Robert Koch đã phát hiện ra vi khuẩn mà mắt người không nhìn thấy, và cũng chứng minh cho quan điểm của bác sĩ người Hungari Ignaz Semmelweis, từ đó lý luận về vi sinh vật và vi khuẩn học ra đời. Nhờ sự ra đời về vi khuẩn học này mà con người đã dần dần thay đổi thói quen, và tuổi thọ của con người cũng được kéo dài.

Chúng ta thử nghĩ: nếu lúc đầu máy in bị cấm sử dụng, hoặc là chỉ cho phép in ấn những gì đã được kiểm duyệt, vậy sách báo sẽ không được phổ cập, nhu cầu về kính mắt cũng sẽ không lớn, kính hiển vi và kính viễn vọng cũng sẽ không được phát minh nữa, ngành vi sinh vật học cũng không được ra đời, tuổi thọ dự tính của con người cũng sẽ không tăng từ 30 lên 70, càng không thể nào mơ tới thám hiểm không gian vũ trụ.

Không bảo vệ tự do thì không xứng với danh hiệu “người Bắc Đại”

Newton mất 30 năm để phát hiện ra lực vạn vật hấp dẫn, tôi mất 3 tháng để làm rõ định luật vạn vật hấp dẫn này, nếu tôi nói mình dùng thời gian 3 tháng để đi hết con đường của Newton, mọi người có thể cảm thấy buồn cười. Ngược lại, nếu tôi quay sang cười Newton, vậy thì chỉ có thể nói tôi quá vô tri!

Chúng ta thường nói, Trung cộng dùng 7% diện tích đất có thể trồng trọt để nuôi sống 20% người dân thế giới, nhưng chúng ta cần hỏi lại: Trung cộng liệu có thể làm được việc đó không? Nói đơn giản, chính là sử dụng lượng lớn phân hóa học. Nếu không sử dụng phân hóa học, e là một nửa người Trung cộng sẽ chết đói.

   Công nghệ sản xuất phân đạm đến từ đâu? Hơn 100 năm trước, nhà khoa học người Đức Fritz Haber và kỹ sư Carl Bosch của công ty BASF đã phát minh ra, chứ không phải Trung cộng phát minh ra. Năm 1972, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon, Trung cộng và Mỹ đã có thương vụ làm hợp tác đầu tiên, chính là mua 13 giàn thiết bị sản xuất Ure quy mô lớn nhất, hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, trong đó có 8 giàn máy là của công ty Kellogg.

Trải qua 50 năm, 100 năm nữa khi viết lại lịch sử phát minh trên thế giới, liệu Trung cộng có thể có tên trong đó. Chỉ có tự do, thì mới làm tinh thần và sức sáng tạo của doanh nghiệp của người Trung cộng mới phát huy hết khả năng, biến Trung cộng trở thành điển hình về sáng tạo cái mới.

Do đó, đẩy mạnh và bảo vệ tự do là trách nhiệm của mỗi người Trung cộng quan tâm tới vận mệnh của đất nước, và là sứ mệnh của người của trường Đại học Bắc Kinh! Không bảo vệ tự do, thì không xứng với xưng hiệu “người Bắc Đại”!

 
Trương Duy Nghênh, nhà nghiên cứu kinh tế học Trung cộng.

Trí Đạt (biên dịch) 

304Đen – Llttm