CÓ ĐÊM NÀO BUỒN BẰNG
ĐÊM BA MƯƠI 2
Trong trung tâm đều biết trong lúc A3 cùng đồng đội
theo dõi địch quân trên đường từ Bù Đớp di chuyển về miền Thủ Thừa mà cả tháng
nay bám sát để bắt sống. Và họ cố tình chừa một kẽ hở cho kẻ địch ra đầu thú!
Hai bên trải qua trận ác chiến dữ dội một mất một còn. Những tay mơ nằm vùng đã
bị hốt trọn ổ cùng với hai tên khác (từ miền Bắc vào) ba tên bị bắn chết. Còn
tên cáo già Trường Sơn này có lẽ cùng đường đưa tay xin chiêu hồi, thì bị đàn
em của A3 bắn gãy tay.
Kẻ bắn tên Sáu Trường Sơn đưa tay lên chào, rồi
nghiêm chỉnh báo cáo trước mặt thượng cấp:
- Thưa Thượng cấp những con cá câu bắt được phải
chặt kỹ, chặt vây hoặc đập đầu. Để chúng nguyên vẹn lành mạnh nếu lỡ tay sẽ sẩy
mất! Em chưa thịt nó để trả thù cho đồng đội là nó may mắn lắm rồi.... Thưa
thượng cấp, em xin chịu xử phạt theo quân kỷ...
Lạnh lùng lầm lì nhìn đàn em, người chỉ huy lùng
bùng trong cổ họng:
- Không thi hành đúng chỉ thị của thượng cấp mà còn
ngụy biện? Anh hãy xuống làm việc với ban Hai đi (ban an ninh)...
Cuộc chiến quốc Cộng mỗi ngày càng sôi động gay go.
Thanh niên tình nguyện tòng quân diệt giặc. Quân nhân trừ bị ở các ngành nghề,
về hành chánh cũng được gọi tái ngũ...
Trong thời chiến chinh, sinh mạng của quân nhân
thật mong manh! Nhưng người người vẫn tiếp nối đi làm phận sự và nghĩa vụ của
mình. “Đất nước lâm nguy/ Thất phu hữu trách.” Họ có nại hà chi những trận đánh
lẻ tẻ, hay trận đánh lớn... Biết bao nhiêu chiến sĩ miền Nam đã hy sinh vì bảo
vệ gia đình và lãnh thổ! Còn giặc thì bất chấp mọi thủ đoạn, pháo kích vào
thành phố, trường học, đặt mìn giật sập cầu, đào đường sá... Gây tóc tang
thương vong [cho] không biết bao nhiêu người dân vô tội!
Rồi cũng vào chiều ngày Ba Mươi Tết năm đó, Yến Tử
đang ngồi bực tức thở dài! Bởi việc khai thác lấy khẩu cung tên cán bộ Việt
Cộng Sáu Trường Sơn chưa xong, thì nay cô lại được lệnh điều đi làm công việc
khác!
Công tác của cô lần này là giúp cho chiến hữu A3
(bí danh thượng cấp của cô) đang bị thương nặng! Mà cô có nhiệm vụ phải lo và
giữ an ninh cho A3. Cô bực bội, tức tối tự hỏi: “Tại sao cấp trên cắt đặt cho
cô làm một chuyện không phải là chuyên nghiệp của mình? Trong quá trình công
tác cấp trên giao cho, lúc nào cô cũng thi hành suông sẻ, chưa vấp phải điều gì
sai trái hay tắc trách! Cô cũng đâu phải là bác sĩ, không phải là y tá, không
phải là trợ tá... thì cô biết gì để săn sóc một thương binh mà giao cho cô
nhiệm vụ vô duyên này?”
Cô lật đật đi tìm xếp để hỏi cho rõ nguyên nhân?
Nhưng đến nơi thì thư ký bảo là thượng cấp đã đi công tác! Yến Tử hết sức bực
mình, lòng buồn bã trở lại phòng làm việc... bởi dù muốn dù không, cô cũng phải
thu xếp mọi giấy tờ cần thiết để bàn giao cho người khác!
Bàn giao xong mọi việc, Yến Tử uể oải ra về! Cô lầm
bầm lén rủa: “Thiệt tình, ngày mai mình sẽ đi nuôi ông thần thừ A3 trời đánh
thánh đâm nào đây?” Tức mình, cô cũng không thèm thắc mắc hỏi thăm kẻ đó là ai,
có mặt tròn mặt méo ra sao? Nhưng cho dù cô có hỏi cũng không ai biết, và dù có
biết chắc chắn họ cũng không nói với cô! Đã bao năm rồi, từ ngày làm tình báo,
cô chỉ nhận việc qua giấy tờ, hoặc mật mã truyền đạt qua một người khác rồi thi
hành!
Trong lòng Yến Tử đang ấm ức và không phục đây nè!
Vì sự bất ngờ thay đổi việc làm chưa xong này. Cô chép miệng thở dài thườn
thượt, nhưng đành phải chịu thôi, mình chỉ còn có nước là thi hành lệnh trên
chớ biết làm sao bây giờ!
Đã mấy năm lăn lộn trong nghề, có khi Yến Tử công
tác ở những nơi phồn hoa đô hội, khi thì trà trộn trong đám dân bụi đời theo
đám ăn chơi như phòng trà, vũ trường, khi ở các quán rượu (bar) của Mỹ và Việt.
Khi cô theo toán quân lên vùng cao nguyên, khi làm thường dân bán buôn trong
vùng quê hẻo lánh xa làng, xa chợ... Nguy hiểm và gian nan bao phủ trùng trùng,
nhưng cô không lùi bước không đắn đo. Vì con đường này cô đã chọn, nên không
chút do dự hay ngại ngùng, cứ hướng về phía trước mà thi hành, mà tiến tới...
Quê Nam nơi nào cũng cây xanh lá thắm, hiền hòa êm
đềm tươi đẹp. Cận vùng Đồng Tháp Mười cô đã đi qua bao nhiêu ruộng lúa chín sai
hột, oằn bông, vàng cả cánh đồng bao la bát ngát không thấy đâu là bờ mẫu, đâu
là ranh. Đồng Tháp thưa thớt dân cư, nhưng nhiều ruộng nương, kinh rạch, ao,
đìa... Nguồn tôm cá thủy sản trời cho không làm sao hết được. Cá nhiều đến nỗi
dùng cái chén cô cũng có thể vớt được những con cá sặc bướm hám ăn, lúc ngồi
rửa chén ở cầu ao.
Yến Tử theo cha mẹ nuôi sống ở thành thị đã hơn 20
năm rồi. Nhưng miền quê nơi chôn nhau cắt rún đầy ấp ngọt ngào tuổi thơ bên cha
mẹ vẫn còn rõ nét trong trí nhớ. Cô luôn thầm mơ ngày nào quê hương tàn bóng
giặc, sẽ trở về sống đời còn lại bên miếng vườn nhỏ của ông cha để lại cho cháu
con, để gần gũi bên mồ mả mẹ cha. Đôi lúc cô nghĩ rằng: Chắc tròn đời kiếp này
mình sẽ không thương yêu ai ngoài hai đấng sanh thành, cùng anh và cha mẹ nuôi!
Nghĩ vẩn nghĩ vơ, khi ra khỏi nhiệm sở thì phố xá
đã lên đèn. Sài Gòn bao giờ cũng “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Và vầng
trăng lưỡi liềm nằm vắt vẻo trên nền trời tối đen, xa xa lấm tấm chi chít những
giề sao. Nhưng trăng non và sao li ti trên cõi trời tối đó, không thể nào làm
mờ nhạt ánh đèn điện muôn màu rực rỡ, lấp lánh của Sài Thành hoa lệ mệnh danh
là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
Cô thong thả đi bên lề đường gần khu chợ Bến Thành,
và qua ngang công viên Quách Thị Trang. Theo phố sá dọc ngang hai bên đường là
những hàng quán buôn bán sầm uất quanh năm, từ sáng sớm cho đến giờ giới
nghiêm. Trên các cửa tiệm này là những căn lầu cao bốn năm tầng, được chủ ngăn
chia làm nhiều phòng cho Mỹ mướn. Đây là một trong những khu phố về đêm ồn ào
và nhiều màu sắc nhứt của Sài Gòn.
Nhìn các hàng quán bán nhiều các món ăn, phải bình
thường thì cô ghé qua ăn xong rồi về tắm rửa leo lên giường tìm giấc ngủ bình
yên, trong những khi không muốn ăn cơm nhà. Nhưng hôm nay gặp bực bội đã no
rồi, còn ăn gì được nữa mà ăn! Yến Tử nhớ đến ba má ở nhà, cô ghé hàng bán chè,
bánh quen thuộc thường mua. Ông bà không sanh ra cô, nhưng đã nuôi nấng hoạn
dưỡng và thương yêu cô như cha mẹ ruột của mình, không hề câu nệ hay có những
lời lẽ nghi kỵ con ruột, con nuôi.
Cô dừng lại mua mỗi thứ hai, ba phần, nào là chè
khoai môn chan nước cốt dừa, bánh da lợn, bánh khoai mì nướng, khoai nấu, chuối
bao nếp nướng, chuối chiên... Để khi buồn miệng ông bà có mà ăn liền.
Nghe tiếng chuông, nhìn ra cửa thấy con về đến, bà
Tài vui vẻ bước ra đon đả hỏi:
- Sao hôm nay con về sớm vậy? Chắc chưa ăn gì phải
không, thôi hãy vào ăn cơm luôn đi, mẹ đã nấu xong rồi.
Lan Chi bước vào cửa, chào mẹ, chào cha:
- Thưa ba con về rồi.
Ông Tài ở nhà sau đi lên thấy con:
- Mấy thuở con về đúng giờ cơm. Mẹ nó lấy thêm chén
đũa con ăn luôn cho vui.
Ông chợt nhẹ giọng, rồi quay sang vợ:
- Từ ngày anh em bây ra trường đi làm đến nay. Gia
đình bốn người mình ít khi có dịp được ngồi chung ăn cơm chiều như thuở các con
còn đi học. Cái thằng Nhân cả tháng rồi ba cũng không thấy mặt mũi nó? Đi công
tác ở đâu mà lâu quá vậy? Ờ, bà à con có nói với bà là đi đâu, và chừng nào về
không?
Bà Tài vừa bới cơm vào chén, vừa nhìn chồng cười:
- Thằng con đi công tác đây đâu phải lần đầu mà ông
lo. Nó là con trai mà lo làm chi cho mệt...
- Con trai hay con gái gì cũng vậy! Cha mẹ lo cho
con là bổn phận là thiên chức mà. Tui cũng biết nam nhi chí tại bốn phương...
Bỗng ông dừng lại, rồi bảo:
- Mà này, con đã lớn rồi bà có nhắm chỗ nào để cưới
vợ cho nó chưa? Con gái bà giáo Hào trông cũng xinh lắm. Hay con gái út của anh
Thẩm phán Trung? Con nhỏ vừa xong Cán sự điều dưỡng, đang làm ở bệnh viện Hồng
Bàng ngoài Chợ Lớn đó... Con cái lớn phải dựng vợ gả chồng chớ, để nó lông bông
hoài không tốt đâu đó...
Bà Tài cười tươi, nhưng cũng nói:
- Bộ tui không sốt ruột sao! Tui thật sự muốn cưới
vợ cho nó lắm. Nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện vợ con, thì nó lắc đầu quầy quậy
như đỉa gặp vôi. Thiệt là bực mình hết sức, lần này về nhứt định tôi bắt nó
phải lấy vợ mới được...
Rồi bà mỉm cười, nhìn qua Lan Chi:
- Còn con gái của mẹ, chừng nào mới chịu lấy chồng
đây? Con đã hăm mấy tuổi rồi nghen. Phải tính chuyện hôn nhơn đi con, nhớ lúc
còn đi học thì anh em bây nói chưa có sự nghiệp. Nay đã có công ăn việc làm
vững chắc rồi, thì phải nghĩ đến chuyện chồng con đi chớ, kẻo trễ thì lỡ thời
đó con.
Lòng thương yêu lo lắng của cha mẹ, Lan Chi cảm
thấy ấm lòng và cảm động, nhưng cô bảo:
- Phải có người chịu thương con mới được chớ ba mẹ.
Nhưng thật lòng hiện nay con chưa nghĩ hay có ý muốn lập gia đình. Sống với ba
mẹ như vậy là hạnh phúc nhứt đời rồi, còn có gia đình riêng chi cho thêm mệt!
Ông Tài đưa chén cho vợ bới thêm cơm, cười nói:
- Ba mẹ thèm ẵm cháu lắm, hai anh em bây cũng đã
lớn. Thằng Nhân Tết này cũng ngoài ba mươi chớ còn nhỏ nhích gì nữa. Còn con
thì cũng đã đến tuổi lập gia đình rồi. Nếu không thích mai mối, vậy thì có quen
với ai cứ nói, để ba má tìm hiểu gia đình người ta mà gả con.
Lan Chi nhỏ nhẹ, bẽn lẽn cúi mặt:
- Cảm ơn ba mẹ lo, con hứa nếu quen với ai sẽ báo
cho ba mẹ biết.
Ăn cơm xong, Lan Chi phụ mẹ rửa chén bát rồi đi
tắm. Dòng nước trong mát từ chiếc đuốt chảy ra, làm cô cảm thấy dễ chịu vô
cùng. Cộng vào lòng thương yêu sự lo lắng chân tình của ông bà Tài đã khiến cho
cô không còn khó chịu khi nghĩ đến sáng ngày mai phải đi săn sóc một kẻ “Vô
duyên không tiền thưởng/Không lạp xưởng mà cho...” nào đó bị thương! Nghĩ đến
đây cô bật cười thành tiếng, và cảm thấy thỏa thích hả hê cho những ý nghĩ rủa
xả chí lý dễ thương của mình!
Yến Tử đến trình giấy tờ cá nhân và giấy giới thiệu
của cấp trên cho ban an ninh biết lý do và thời gian mình ra vào ở khu dành cho
bịnh nhân đặc biệt này! Nhân viên trực cho biết, A3 vừa xong ca mổ cắt bỏ chân
trái từ ống quyển trở xuống. Bịnh nhân còn nằm trong phòng giải phẫu để theo
dõi. Phải chờ hai giờ sau mới chuyển đến phòng hồi sinh.
Cô thở dài, nghe nao lòng khi nghĩ đến chắc là anh
ta bị thương nặng lắm! Nhưng bỏ đi, vì hơi sức đâu cô lo chuyện người dưng, chỉ
cần tròn bổn phận cấp trên giao phó là đủ rồi. Nhìn đồng hồ tay cô thở ra, giờ
thì chỉ có nước ngồi đây chờ đợi thôi.
Lan Chi định thần, cảm thấy mình mẩy toát mồ hôi
lạnh, khi nhìn rõ bịnh nhân cô phải chăm sóc và giữ an ninh! Trời ơi, nếu không
biết anh ta thì khi đến đây thấy người nằm mê, chỉ còn hơi thở thoi thóp là A3
cô phải chăm sóc. Đó là bí danh của anh chớ ngoài ra không biết gì nữa hết!
Vì bí mật của nghề nghiệp bắt buộc như thế! Không
ai biết ai, có khi ngồi gần bên nhau, làm việc với nhau hằng mấy năm trời nhưng
sự bảo mật, họ không bao giờ biết người đó là có bí danh đó, có công tác đó...
nhứt là những công việc riêng tư của mỗi người.
Tâm hồn Yến Tử bấn loạn! Hai tay cô đeo cứng thành
giường bịnh, cho khỏi ngã qụy! Đã hơn ba năm, phải đã ngoài ba năm từ ngày về
nhận việc anh là thượng cấp, mà cô không hề hay biết gì hết! Cô cảm thấy tâm tư
xác xao, mỏi mệt, và cơ thể rã rời! Còn anh (A3) nằm đó bất động, mắt nhắm
nghiền, mặt tái xanh như xác chết! Trên người anh chằng chịt nào ống dẫn nước
tiểu, ống vô nước biển, ống chuyền máu... toát mồ hôi, châu thân như rã rời...
và nỗi lo sợ khiến cô muốn ngất xỉu!
Yến Tử giựt mình kéo nhẹ tay áo để xem đồng hồ, cô
mới biết mình đã dựa đầu vào thành giường thiếp đi gần mười lăm phút. Dù bước
chân chim của y tá lanh lẹ, lăng xăng nhẹ nhàng vào theo dõi bịnh nhân... nhưng
cũng đã làm cho cô tỉnh giấc ngủ không thoải mái!
Bỗng cô thấy bịnh nhân chớp đôi mi mắt mấp máy, lờ
đờ, vô hồn... Yến Tử nắm chặt tay, và kề miệng mình sát bên tai anh, khẽ hỏi:
- Anh đã tỉnh rồi! Anh đã tỉnh rồi phải không? Em
là Lan Chi đây... Lan Chi đây, anh có nghe em nói không?
Anh ta không trả lời, mắt chậm chạp khép lại trong
bóng đèn ngủ tỏa ánh sáng mờ ảo mắc trên tường. Yến Tử hoảng hồn bấm chuông...
y tá và bác sĩ chạy tới. Họ xem xét, chẩn mạch, anh mệt nhọc thì thào trả lời
bác sĩ, cô cố ý lắng nghe, nhưng không nghe được. Rồi anh nhắm mắt lại.
Bác sĩ quay sang cô, bảo:
- Xin cô đừng lo, ông ấy đang còn say thuốc ngủ,
dần dần khỏe lại và sẽ bình phục. Ổng đã mất hết một chân cô có biết không? Xin
lỗi, chúng tôi đã hết sức cố gắng để giữ lại. Nhưng xương giập nát nhiều đoạn
nên không giữ được... Chờ vết thương lành hẳn, chúng tôi sẽ gởi qua trung tâm
chỉnh hình làm chân giả cho ông. Nếu có thể, xin cô nói để người nhà chuẩn bị
tâm lý. Bây giờ ổng ngủ rồi, nếu cần gì cô cứ bấm chuông gọi...
Lan Chi ngồi xuống ghế cạnh giường! Mắt anh nhắm
nghiền lại, hai dòng lệ mỏng chảy dài trên đôi gò má xanh xao tái nhợt. Không
biết an ủi anh thế nào? Cô nắm chặt bàn tay anh như ngầm nói rằng: “Anh hãy cố
gắng lên, rồi đâu cũng sẽ vào đó! Em cũng buồn và đau xót như em mất đi một
phần thân thể của chính mình. Nhưng sự mất mát này xứng đáng, xứng đáng lắm anh
ơi...” và dòng lệ nóng cũng chảy dài xuống má cô.
Lan Chi thẫn thờ nhớ lại từ khi được bác Tài nhận
về làm con nuôi. Tính đến nay đã hơn hai mươi năm rồi. Thành Nhân và Lan Chi
sống chung dưới một mái nhà hạnh phúc có cha mẹ lo lắng thương yêu chiều
chuộng. Mặc dù họ không cùng cha mẹ sanh ra nhưng cả hai thương nhau như anh em
ruột thịt. Nhớ khi cô còn nhỏ, lúc mới đến chưa quen đường thuộc lối. Mẹ bận
việc, anh thường đưa rước cô khi đến trường, lúc tan học. Có bánh trái anh em
chia cho nhau. Anh dẫn đi chơi, dỗ dành khi cô buồn, giải đáp chỉ dẫn cho cô
những bài toán khó, những bài luận, những câu hỏi gút mắc. Anh thương yêu và
luôn xem cô như là em gái của mình.
Khi cả hai anh em khôn lớn. Việc làm của Thành Nhân
cả mẹ và cha đều không rõ ràng cho lắm. Họ cứ tưởng anh ra trường quân sự, rồi
được chuyển qua làm việc về hành chánh ở Bộ thôi. Đến khi con gái Lan Chi đậu
xong phần hai, trong gia đình từ anh cho đến cha mẹ đều gợi ý và khuyến kích cô
học ngành Sư Phạm, hoặc ngành Y.
Họ nghĩ rằng đó là hai cái nghề thích hợp cho nữ
giới. Lan Chi chỉ vâng dạ cho qua để cha mẹ và anh được vui lòng. Chớ cái chết
thê thảm của hai đấng sanh thành đã khắc ghi trong tâm trí người con gái này,
khi còn là đứa trẻ mới bốn, năm tuổi. Cô đã chọn cho mình con đường để đi rồi,
không một ai và không vì một lý do gì có thể lay chuyển được cô!
Để rồi bất ngờ một hôm Thành Nhân nhận được giấy tờ
của nhân viên xuất sắc đã huấn luyện nhuần nhuyễn kết quả vượt bậc qua mỗi lần
thi tuyển. Do bên trung tâm chuyển đến công tác trong ngành, thì anh mới biết
Yến Tử đó là cô em gái Lan Chi của mình!
Nhiều khi chỉ thị giao công tác hiểm nguy nhọc nhằn
cho em, anh cảm thấy ái ngại. Nhưng đó là phận sự của cô phải làm, bởi ai đã
chọn cho đời mình vào “Đội Thiên Nga” thì coi như là ngõ cuối của đoạn đường
đời, việc sanh tử chỉ cận kề trong chớp mắt, hiểm nguy và pháo đạn vô tình...
Đã biết như vậy, và đã được khuyến cáo trước khi vào nghề... nhưng từng lớp
thanh niên an nhiên, bình thản tiến tới không ngại ngùng lùi bước việc họ đã
chọn.
Còn vợ chồng ông Lê Thành Tài bàng hoàng sửng sốt
được tin con trai độc nhứt của mình bị thương và mất đi một phần thân thể! Bà
khóc bù lu bù loa, ông cũng buồn đau, nhưng mở lời khuyên vợ:
- Bà đừng buồn nữa mà có hại cho sức khỏe. Mỗi
người có số cả, con mình bị mất một chân cũng may mắn và hạnh phúc quá nhiều so
với những người tử trận ngoài chiến trường, có người còn mất luôn cả xác nữa
kìa... Thôi thì để nó lành lặn đâu đó yên ổn rồi thì đi hỏi cưới vợ cho nó, tuy
là cái họa nhưng lại là cái phước cho gia đình mình đó bà à...
Bà Tài là người đàn bà hiền lành từ tốn. Nghe chồng
nói bà nghĩ cũng không sai, nên cơn buồn qua mau mà lo chăm sóc bổ dưỡng trong
việc ăn uống nghỉ ngơi cho con.
Hôm nay Thành Nhân đã khỏe nhiều, nhưng anh vẫn còn
ốm lắm, da không còn quá tái nhợt nữa. Và bụng anh biết đói, miệng anh biết
thèm ăn uống thì từ đó mỗi ngày, anh dần dà khỏe mạnh, linh hoạt hơn. Trông mặt
mày anh khởi sắc, tóc anh được hớt ngắn, râu ria được cạo sạch sẽ. Anh được
nhân viên tập dùng hai cây tó để đi ra đi vào phòng vệ sinh (khi chuyển ra trại
ngoại khoa).
Rồi Lê Thành Nhân được xuất viện trở về sống với
gia đình có cha mẹ, có em gái chăm sóc chu đáo. Anh cảm thấy đời mình rất ưu
đãi, hạnh phúc. Nhưng riêng Lan Chi nhận xét cảm thấy trong đôi mắt ngời sáng,
cương nghị tràn đầy niềm tự tin và sức sống của anh mình như luôn vương vướng
lớp sương mờ!
Sau hơn một năm dưỡng thương, giờ đây Thành Nhân có
thể giải ngũ vì thương tật của mình. Đó cũng là sự mong muốn của cha mẹ anh, vì
giặc giã xảy ra bao nhiêu cảnh thương vong hàng ngày trên báo chí từ các chiến
trường tới tấp đưa về, đã làm ông bà sợ hãi cho sự an nguy của con mình.
Một hôm cha mẹ đi vắng, Thành Nhân hỏi:
- Lan Chi nè, theo em thì anh nên giải ngũ hay trở
lại làm việc?
Lan Chị hơi ngạc nhiên vì ông anh mình là người tự
tin, ít khi đem tâm sự nói với ai, hoặc nhờ người khác quyết định việc gì đó
của anh ta. Cô nhìn sâu vào mắt Thành Nhân, bảo:
- Sao lại hỏi em, em làm gì mà quyết định cho anh
được? Chỉ có anh quyết định cho mình thôi.
Nói đến đó cô ngập ngừng, rồi mỉm cười tiếp:
- Nhưng nếu là em, thì em sẽ đi làm lại! Anh đã
khỏe mạnh rồi mà. Chân anh mất nhưng tâm hồn và lý trí anh vẫn còn nguyên vẹn
chớ có sứt mẻ gì đâu? Vả lại ở nhà anh sẽ buồn chán, không thoải mái và cảm
thấy là mình không còn khả năng làm việc, mình là người thừa thãi, vô dụng...
Nói đến đó, cô dừng lại cười khì chọc quê:
- Và em cũng nghe lòng mình xốn xang khi thấy anh
ngồi bên cửa sổ nhìn khói thuốc bay, rồi làm thơ thương mây khóc gió bắt em
phải làm độc giả thì khổ cho em lắm lắm! Anh cũng biết, chúng ta đã được tôi
luyện rồi, em chỉ muốn nhắc nhở anh thôi! Còn việc trở lại công tác hay giải
ngũ là do anh quyết định cho mình đi. Em có ý kiến, sau này gặp chuyện gì không
vừa ý thì anh sẽ đổ thừa cho con nhỏ này xí xọn, chuyên môn xúi dại... như mấy
lần trước thì phiền lắm đó!
Thành Nhân thấy cái mặt vắc hất có vẻ dỗi hờn, ngoe
nguẫy của cô em thì không nhịn được, bật cười thành tiếng. Lan Chi nguýt anh,
càm ràm:
- Chớ không phải sao mà anh cười vui như được quà
Tết vậy? Nhớ hồi anh còn học năm Đệ nhị. Chị Thu Hà con ông Chủ sự Kiêm lúc đó
ở ngang nhà mình. Chị để ý, và có dịp thì luôn hỏi thăm em về anh. Khi em về kể
lại, nghe xong anh khoái chí tử thấy bà. Hai người còn nhờ con nhỏ này làm liên
lạc đưa thư qua, thư lại cho nhau nữa. Sau đó việc của anh chị bị đổ bể. Má của
chị Thu Hà qua méc với ba má mình. Trước mặt ba má anh thiệt là tệ quá đi thôi!
Dám làm mà không dám nhận, cứ chối bay chối biến, đổ hết tội lỗi cho người ta.
Làm em bị một trận đòn muốn tét da, tét thịt! Cho đến bây giờ nhớ tới em còn
thấy đau và tức mình muốn chết!
Nghe Thành Nhân lớn tiếng cười ha hả... Lan Chi nổi
nóng háy anh con mắt có đuôi, nạt vãi:
- Xì, đến bây giờ anh chẳng những không hối lỗi, mà
còn cười ha há, hô hố, cười sặc sụa, cười muốn vỡ cả nóc nhà nữa! Vô duyên! Bộ
vui lắm sao mà cười...?
Còn sặc sụa hụt hẫng trong tiếng cười, Thành Nhân
quơ quơ tay bảo:
- Vui lắm, vui lắm chớ sao không? Nghĩ lại đi, bộ
em tốt bụng giúp anh đó sao? Cao xanh ơi! Mỗi lần đưa thư dùm em cũng đã được
bao nhiêu tiền em nhớ chớ? Tiền ba mẹ cho anh không dám ăn bánh, dành dụm được
đem hối lộ cho em hết... còn bao nhiêu gói ô mai, gói xí muội, bao nhiêu chầu
«xi-nê-ma» và sau đó phải bao em ăn uống nữa! Em là đứa nổi tiếng tham ăn và ăn
hàng vặt như chúa chổm? Còn phía bên Thu Hà mỗi lần nhờ vả em chuyển tin tức,
thư từ chắc em cũng xơi tái của cô ta không ít, có đúng không? Được lời như vậy
không biết ơn anh thì chớ, em nghĩ lại coi có bị thiệt thòi, hay bị ức hiếp gì
đâu... mà sao cứ nhớ chuyện cổ lỗ sĩ đó trong bụng hoài vậy?
Giữa sự cãi nhau bốp chát không ai chịu thua ai,
nhứt là cô em gái lanh miệng này! Nhưng trong tâm hồn mỗi người đều rộn nở niềm
vui, niềm hạnh phúc không tên... mà họ chưa bao giờ nghĩ tới...
Thành Nhân trở vào làm việc, và được chuyển qua
ngành khác ở Bộ chỉ huy của Trung tâm. Cha mẹ rất vui mừng khi biết hai con làm
cùng sở. Cứ sáng thì anh chở đưa Lan Chi đến chỗ làm rồi chạy qua sở mình (chỉ
cách có con đường), chiều ghé qua rước em về rất tiện lợi.
Có khi trời trong, nắng ráo cả hai đi dạo xem những
buổi trời chiều hoàng hôn xuống bên kia sông Thủ Thêm. Hai anh em ngồi trên
băng đá ngắm nhìn mặt trời có màu vàng nghệ, hình bầu dục như quả trừng gà,
treo lơ lửng giữa nước mây... ánh nắng chiều phản chiếu trên mặt nước sông sóng
sánh lăn tăn... tỏa óng ánh những sắc màu tươi vui rực rỡ. Thành Nhân trầm ngâm
châm thuốc hút chẳng nói chẳng rằng, không ai biết anh ta đang nghĩ gì? Trong
khi cô em Lan Chi tâm hồn phới phới trước cảnh chiều tà, ánh hoàng hôn gần tắt
thoi thóp trải chập chờn trên cây cối lá hoa bên kia sông... Thật tuyệt vời, cô
nghĩ rằng trên thế gian này dù có họa sĩ tài ba xuất chúng đến mấy, cũng không
làm sao họa được bức tranh thiên nhiên sống động này...
Có khi Thành Nhân chở em ghé qua tiệm ăn chiều
trước khi về nhà... hoặc cả hai cùng xem chiếu bóng ở rạp. Có lần xem phim «The
Bridge On The River Kwai» (Bên Cầu Sông Kwai), một phim dài hậu chiến tranh! Đã
vãn hát ra khỏi rạp Lan Chi vẫn còn ngậm ngùi, xót xa những chiến binh bị đày
đọa trong lao tù và đi làm cây cầu qua sông Kwai... Không cầm được nỗi đau
lòng, mắt đỏ hoe... cô vẫn còn thút thít khóc!
Thành Nhân nhẹ giọng:
- Em khóc hả, tại sao? Nghề nghiệp đã tôi luyện em
thành một nhân viên thạo việc, giỏi về nhiều mặt, cứng rắn, kiên cường, quyết
tâm... Nhưng nghĩ cho cùng, anh thấy dù sao cũng không tránh được tâm tư yếu
mềm của nữ giới...
Hụt hẫng trong dòng lệ, Lan Chi bảo:
- Phải, bởi em là một phụ nữ nên không làm sao
tránh khỏi sự tha thiết của con tim bằng xương bằng thịt! Chuyện phim xem hôm
nay buồn quá anh à, nước mình chiến tranh mãi như thế này... em nghĩ chắc là
mình sẽ không lập gia đình đâu...
Dư Thị Diễm Buồn
(còn tiếp phần 3)
Ghi chú: bài dài quá nên được
chia làm ba phần – xin tác giả miễn thứ
No comments:
Post a Comment