CÓ ĐÊM NÀO BUỒN BẰNG
ĐÊM BA MƯƠI
Trong ngôi nhà nhỏ nằm trên ven bờ sông dài xa tít
mù xa. Không biết con sông này bắt nguồn từ đâu và đi về đâu mà dài ngút ngàn,
và quanh năm nước ngọt, trong xanh như dòng nước Sông Cửu Long nơi quê nhà.
Mười mấy năm rồi sống ở đây, nhưng ba người họ không thấy trên sông có sóng to
gió lớn. Về mùa giông bão thì mặt nước sông chỉ chao động, sóng dập dồn để rồi
sau cơn mưa gió thì mặt sông trở lại hiền lành bình bình, yên yên trơ gan cùng
thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của xứ này.
Ngoài xóm xa nhà họ ở, có chợ làng nằm trên mấy con
đường cái (xa lộ) xuyên qua các tỉnh (tiểu bang) xe cộ chạy qua lại không ngớt.
Chung quanh nhà họ, có trồng nhiều loại hoa, như là: đỗ quyên, thược dược, bông
bụp, huỳnh cúc, vạn thọ... cùng các giống hồng bông to, thơm ngát vào sáng tinh
sương, màu sắc rực rỡ kiêu sa đài các.
Ngôi nhà này họ mua của một gia đình người bản xứ
sống ở đây lâu đời từ khi gia chủ còn thiếu niên với cha mẹ... Bây giờ họ lớn
tuổi rồi không canh tác được nữa, nên chủ nhà bán rẻ lại, để vào sống trong
chung cư không xa lắm của người già ở ngoài chợ quận. Nhà được xây trên vuông
đất rộng chừng bốn mẫu. Xứ này nhà dù ở thành phố hay thôn quê cùng cốc đều
phải đầy đủ tiện nghi như: phòng ngủ, phòng ăn, phòng tắm, phòng gia đình, nhà
bếp... (đó là luật của sở kiều chánh). Bên ngoài nhìn vào người ta cứ tưởng là
cái nông trại nhỏ, chớ không nghĩ đó là nhà ở bình thường của thôn dân.
Trong nhà có ba người lớn, hai nam, một nữ trẻ nhứt
cũng khoảng sáu mươi hơn, còn hai người đàn ông tuổi đời cũng gần “thất thập cổ
lai hy” rồi. Cái tuổi mà ở xứ sở quê hương nghèo vì chiến tranh nối tiếp chiến
tranh triền miên, vì ngoại bang xâm lấn, vì cuộc nội chiến của hai miền Nam
Cộng Hòa và miền Bắc Cộng sản, thì họ thuộc về tuổi thọ. Còn trên những xứ giàu
tiền bạc, có thừa vật chất, tự do, tâm hồn sẽ thoải mái ung dung như ở Âu,
Mỹ... thì tuổi của họ cũng chưa phải là già mà mới vào trung niên thôi. Người
đàn ông trong nhà đó là ông, vợ ông là Bùi Hoàng Lan mà láng giềng gọi theo tên
chồng là Nhân. Người đàn ông kia là anh ruột của bà Nhân, đó là ông Bùi Vĩnh
Bảo, trọng tuổi nhứt nhà.
Trên vuông đất, ngoài ngôi nhà ở giữa, phía sau hè
còn có cái chuồng nuôi bốn con chó mực cao lớn, thuộc loại chó săn. Mặt mày
chúng lúc nào trông cũng dữ dằn, như sắp cắn xé đối phương trước mặt. Chúng
đánh hơi lạ lanh lẹ, sủa giỏi chớ không bạ đâu cắn phá đó, hoặc bạ đâu sủa đó,
hay tru tréo cả ngày. Đất nhà rộng mênh mông, nên họ nuôi nhiều loại gia súc
khác như: vịt, ngỗng, gà đi bộ (nuôi thả ăn lúa, bắp, côn trùng), gà lôi...
thường để lấy trứng, để ăn thịt chớ không có bán. Trong chuồng heo còn có mấy
con háo ăn, ú-na ú-nần kêu la eng éc tối ngày khi chúng muốn ra hay đói.
Vợ chồng ông Nhân, và ông Bảo, cả ba người họ đều
siêng năng trồng thêm các loại rau thơm để ăn sống, cải, bầu, mướp, bí, khổ
qua... Gia đình họ ở miền Nam nước Mỹ, nên thời tiết dễ chịu không quá lạnh như
mùa đông ở Chicago, và cũng không nóng thái quá vào mùa hè như ở vùng sa mạc
Arizona... Họ còn trồng các loại cây ăn trái như cam, bưởi, táo Mỹ (apple), xá
lị, táo Tàu, hồng giòn, hồng mềm, ổi, mận... Gầy giống các loại gia súc hoặc
rau cải, cây ăn trái... bằng cách là mua, đổi chác hay dân bản xứ trong vùng
gần nhà cho. Nếu nói chòm xóm ở gần, chớ thật ra chẳng gần chút nào, nhà này
cách nhà kia lái xe cũng phải mười lăm, hai mươi phút mới tới nơi.
Đến mùa cá lên, hai ông đi câu, đi bắt ở dọc theo
sông sau nhà. Cá bắt được lớp ăn tươi, lớp phơi khô hoặc làm sạch sẽ giữ trong
ngăn đá để dành ăn dài dài. Cho nên quanh năm suốt tháng, vợ ông Nhân ít khi
tốn nhiều tiền để mua cá, trứng gà, trứng vịt, hay gà vịt... ở chợ, ở tiệm như
những gia đình khác. Bà Lan thỉnh thoảng đi chợ Tàu, chợ Phi (trong vùng chưa
có chợ Việt) mua gia dụng nấu ăn mà chợ Mỹ không có bán, hoặc hiếm thấy bán. Bà
mua đồ hàng nằm (những đồ giữ lâu ngày) như là nước mắm, tôm khô, bún, hủ tíếu,
mì, cải bắc thảo, tương, chao...
Ở đây gia đình họ ăn cá thịt tươi, còn tôm thì đông
lạnh từ vùng biển chở lên bán. Đi chợ bà hay mua thịt ba chỉ để dành luộc làm
gỏi cuốn, trộn gỏi khô... Thịt đùi để kho rệu với trứng, với cá. Giò heo để hầm
với măng, củ cải tươi, hoặc măng khô, cải phơi khô...
Sau bữa cơm chiều hôm nay có canh hầm giò heo với
củ cải trắng, cá rô phi chiên sốt chua ngọt thêm rau cần, hành lá và ngò. Thịt
kho rệu, có trứng vịt và cá, món ăn này sẽ kèm với dưa giá, cải làm dưa... Gỏi
thì có trái su, dưa leo, củ cải đỏ, củ cải trắng xắt mỏng trộn tôm, thịt ba
rọi. Ngoài ra còn có bánh tét, bánh ít... mà chiều hôm qua bà Lan gói còn anh
và chồng ngồi phụ ngồi cột dây.... cho đến nửa đêm mới nấu bốn năm giờ đến khi
trời gần sáng bánh mới chín vớt ra treo lủng lẳng trên sào ngoài hiên nhà.
Gia đình bà Lan có bữa ăn tươm tất, vì hôm nay là
ngày cuối của năm, Ba Mươi Tết Nguyên Đán. Bà nấu mâm cơm cúng rước ông bà
chiều nay về mừng năm mới với cháu con. Hàng ngày thì họ ăn uống đạm bạc nấu
các món cá, rau nhiều hơn thịt. Không phải không có tiền, hoặc tiếc tiền, hay
hà tiện không dám ăn, mà kiêng cữ vì tuổi tác, cơ thể yếu ăn nhiều thịt thà dầu
mỡ dễ sanh bịnh: đường cao, mỡ cao, áp huyết cao... Cho nên để giữ gìn sức khỏe
khi nấu nướng bà cũng tránh những thức ăn có nhiều chất béo, ngọt quá, hoặc quá
mặn... Họ còn mua máy (treadmill) tập trong nhà, để phòng khi thời tiết nóng,
lạnh, gió, mưa không tiện đi bộ trên con đường mòn có cây cối rậm rạp, lá hoa
tươi thắm... vào mùa hè mát mẻ dọc theo bờ sông sau nhà, hay con đường cho
người đi bộ và xe đạp chạy gần lộ lớn. Tùy thời tiết có khi sẽ tập trong nhà.
Bôn đào khỏi quê cha đất tổ đã mấy mươi năm rồi,
nhưng vào những ngày Tết, ngày kỵ cơm cha mẹ vợ ông Nhân luôn nấu món này, món
kia cúng bái như lúc chưa rời nước. Nhà thường nhật chỉ có ba người, mà nấu ê
hề các món ăn, vì bà luôn nghĩ biết đâu bất chợt có thể tối nay, hoặc mai hai
con bà, có đứa sẽ ghé qua, hoặc cả hai anh em nó sẽ về thăm. Bỗng bà nhẹ thở
dài, mắt đỏ, lòng già cảm thấy hiu quanh nhớ thương con dâng trào.... Hai đứa
con về thăm cha mẹ không bao giờ có hẹn trước, mà chợt đi, chợt đến... bởi
trong hành trình nghề nghiệp luôn được bảo mật những việc làm của chúng.
Cái hương vị của chiều Ba Mươi Tết, cùng không khí
đùm bọc thương yêu của vợ chồng, anh em nương tựa sống chung mái nhà lúc tuổi
về chiều ở xứ người, khiến cho họ cảm thấy ấm cúng và càng thương yêu nhau hơn.
Ăn cơm chiều xong thì mặt trời đã lấp ló ở dãy đồi
sau nhà. Ông Nhân chồng bà Lan lúi húi đốt lò sưởi rồi ngồi uống nước trà xem
báo. Ông Bảo anh bà ngồi xem tin tức trong truyền hình, còn bà Lan thì lục đục
ở bếp thu dọn, chùi rửa chén bát, nồi niêu... để úp vào kệ, vào tủ gọn gàng
tươm tất cho nhà cửa sáng sủa trong những ngày đầu năm mới...
Nơi bà Lan đứng rửa chén kế bên khung cửa sổ lớn,
nhìn thấy được con sông xanh xuôi chảy lững lờ, in đáy nước những cụm mây vàng,
trắng, tím, hường, lam loang loáng trên sóng nước lã chã. Sóng vỗ theo chiều
gió vi vu, đưa âm thanh lào xào của cành lá cây hai bên bờ sông va chạm vào
nhau. Ôi màu nắng chiều đẹp rực rỡ, thắp sáng cả vùng toàn cây liên kiều
(forsythia, họ gọi là mai Mỹ) bên kia sông đã nở hoa vàng ối cả một cánh rừng
thưa... như huỳnh mai của quê hương xa lắc xa lơ của bà.
Cứ mỗi lần hoa liên kiều nhánh cành trụi lá, và khi
những nụ hoa chi chít xanh ngã vàng trên nhánh... thì bà Nhân biết sắp đến Tết
Nguyên Đán. Tuần trước đi chợ bà đã mua các loại bánh mứt, nhang, đèn, trà,
quả... để cúng ông bà trong ba ngày Tết. Và cả ngày nay bà cũng luôn dõi mắt ra
đường Cái... cố kiếm tìm thấp thoáng bóng hình hai đứa con trai có về với gia
đình trong đêm trừ tịch không? Bà nhớ chúng về thăm ông bà đâu giữa năm, đến
nay cũng hơn sáu tháng rồi... vẫn chưa tin tức gì của chúng cả. Bà cảm thấy nhớ
thương con vắng nhà, chớ không buồn hay hối hận khi chúng chọn cái nghề tiếp
nối con đường, mà cha mẹ đã đi qua còn dang dở!
Bỗng bà Lan chép miệng thở dài lẩm bẩm một mình:
- Mèn ơi, mới đó mà đã mấy mươi năm, kể từ khi vợ
chồng trốn chạy bỏ quê hương xứ sở! Và trên quê người, sau những năm tháng dài
bươn chải, vợ chồng bà chọn được cái nhà vừa ý, để sống hưu trí ở làng quê bé
nhỏ êm đềm ít người lai vãng này. Thiệt cuộc đời bà như một truyện phim dài,
một cuốn tiểu thuyết dầy chưa có đoạn kết... Bởi có những sự việc mình những
tưởng nó biến mất trong tâm hồn theo thời gian, theo năm tháng thăng trầm của
dòng đời! Nhưng không, nó vẫn nằm yên trong ký ức, để rồi chiều nay, dòng hồi
tưởng mãnh liệt cuồn cuộn sống lại trong lòng bà, như mới xảy ra mấy hôm trước
đây thôi...
Năm đó Bé Bùi Hoàng Lan khoảng bốn tuổi, vào đêm Ba
Mươi Tết Nguyên Đán, trời tối đen như nhuộm mực Tàu. Hoàng Lan ngon giấc ngủ
nằm chèo queo nghiêng mình ôm gối nhỏ quay lưng vào mẹ. Bỗng dưng bị những
tiếng động mạnh khiến cô giựt mình thức giấc! Nhưng nhà tối thui vì chiếc đèn
ngủ lúc nào cũng máng trên cây cột sau cửa buồng đà tắt ngấm tự bao giờ! Cô
nghe tiếng sột soạt, và nước chảy thấm ỉ ỉ... từ từ ướt cả lưng? Trong giấc ngủ
chưa tỉnh, chập chờn cô định gọi ba, nhưng bàn tay lạnh ngắt của mẹ chụp kín
vào miệng như ngầm bảo đừng lên tiếng...
Khi trời sáng, Hoàng Lan được vợ chú Sáu làm vườn
dắt ra sàn lẵng múc nước ở rạch lên tắm rửa, thay áo quần sạch sẽ cho cô. Nhưng
trên mình mẩy, ngón tay, ngón chân cô vẫn còn nhiều chỗ máu dính khô cứng!
Nhà hôm nay đông người hơn mọi ngày... Có những người
Lan biết mặt như bác Bảy Tửng có ghe bán thuốc bắc bên kia sông, ông Năm Sầu
Riêng bán bánh kẹo ở nhà máy chà lúa, bà Sáu thợ may áo dài, và vài người ở xóm
trong, vài người lạ khác cô chưa lần gặp?
Lan vẫn nhớ, đó là ngày cuối cùng của năm, ngày Ba
Mươi Tết Nguyên Đán! Đó cũng là ngày cuối cùng cô được nhìn thấy mặt cha mẹ nằm
trong cỗ quan tài sơn đỏ, và khi chiếc nắp đóng lại với hai hàng bạch lạp sáng
lung linh! Cô dẫy dụa, khóc và thét gào khan cả cổ! Tuổi thơ không hiểu
nhiều... nhưng linh cảm cho biết cô sẽ không còn thấy cha mẹ nữa... Bởi có
những kẻ độc ác nào đó đêm qua nhẫn tâm đã giết chết cha mẹ cô rồi!
Và kể từ hôm đó Hoàng Lan trở thành đứa bé mồ côi!
Cô không có dòng họ bên nội cũng như bên ngoại vì chưa lần nào gặp hoặc nghe
cha mẹ nhắc đến... Vì ba má cô là con một, mà ông bà hai bên đã qua đời từ lâu.
Chắc còn họ hàng ở đâu đó, nhưng cô không thấy tới lui hay nghe cha mẹ kể về
chú bác, cô dì hay cậu mợ... thăm viếng bao giờ.
Hoàng Lan chỉ biết vợ chồng bác Lê Thành Tài ở Sài
Gòn là anh em kết nghĩa với ba má. Hai bác là người thân duy nhứt mà năm nào
vào ngày Tết hay ngày giỗ đều dắt con về thăm. Có khi họ ở lại chơi năm mười
bữa, hay nửa tháng với gia đình cô.
Mỗi lần đến thăm, hai bác luôn đem về sách báo đặc
biệt nhứt là báo xuân cho ba, và quà bánh, hàng vải cho mọi người trong gia
đình. Khi ở đây, bác trai đi vườn, thăm ruộng với ba. Mẹ và bác gái thì quấn
quít bên nhau, hai bà nội trợ thường trổ tài nấu nướng các món, cho hai gia đình
có những bữa ăn ngon. Họ đổ bánh xèo nhân tôm, thịt gà bằm nhuyễn, có củ sắn
xắt dài như cộng giá. Cà nhà dùng đọt điều, lá cách non, đọt bằng lăng, hay cải
bẹ xanh... đựng trong cái rổ đan bằng tre có rau húng cây, húng lủi, rau cần
dầy lá, ngò rí, dắp cá, tía tô... Nhìn rổ rau xanh non nhẵn tươi hơn hớn, bác
Tài gái mỉm cười, khen: “...rổ rau xanh tươi phơi phới như cả mùa xuân...” rau
cuốn với bánh xèo, chấm với nước mắm chua ngọt và dầm ớt cay cay... Người miền
Nam ưa thích lắm...
Trên mâm cơm, thường thì ba và bác trai khề khà
chung rượu trắng, còn má và bác gái vừa cuốn bánh cho Lan, cho anh Nhân (con
trai của hai bác) cùng những món ngon khác... Họ ăn uống nói cười thật vui vẻ
và lúc nào cũng thân tình đối xử với nhau như anh chị em ruột thịt...
Mấy người lớn luôn kể lại, nhắc lại những câu
chuyện ngày xưa vui vẻ và ai nấy cùng cười ngặt nghẽo. Khi nhắc đến những
chuyện buồn thì mẹ và bác gái rướm nước mắt, còn bác trai và ba của Lan thở dài
có vẻ bùi ngùi, đôi khi như ngao ngán lắm...
Mấy người lớn còn to nhỏ chuyện trò, cười nói, thì
anh Lê Thành Nhân con trai bác cùng với Bùi Hoàng Lan đi bắt dế, bắt chim hay
thả diều với lũ trẻ hàng xóm gần chùa Phật kế bên nhà ở trong làng. Anh thường
cõng Lan nhảy qua những mương cạn nước cỏ mọc um tùm vì Lan sợ kiến, sợ chuột,
sợ rắn... không dám đi qua. Anh cũng đi bắt cào cào, và hái trái chín hoặc nhổ
cỏ đuôi chồn thắt hình con chó, con cào cào... cho, Lan thích lắm.
Ngày ba má Hoàng Lan qua đời! Chú Sáu làm vườn lật
đật đi Sài Gòn báo tin cho vợ chồng bác Lê Thành Tài hay. Họ bươn bả xuống lo
chôn cất cha mẹ của Hoàng Lan trong lặng lẽ! Sau lễ tang cha mẹ, cô cũng rời xa
nơi chôn nhau cắt rún về sống với gia đình Bác Tài!
Ông Tài làm thư ký bên Tòa Hành Chánh Gia Định. Bà
Tài làm giáo viên dạy ở trường Tiểu học Phan Đình Phùng. Nhà họ ở đường Nguyễn
Thiện Thuật, nên không xa sở làm của ông bà. Hai bác sống đời công chức bình
đạm, bác Tài gái là một phụ nữ đức hạnh, mô phạm, bác Tài trai hiền lành đạo
đức, không so đo hoặc tranh giành với ai... Nên gia đình ông bà có đời sống rất
là an vui, và hạnh phúc. Vợ chồng ông chỉ có người con trai độc nhứt là Lê
Thành Nhân lớn hơn Hoàng Lan bốn tuổi.
Nhà ít người, vợ chồng ông Tài không nhiều con cái.
Hoàng Lan con của bạn chí thân, nay gặp cảnh tang thương để con bé trở thành mồ
côi không nơi nương tựa, nên ông bà đem về dưỡng nuôi xem như con ruột của
mình. Để tiện việc học hành, và sớm nhạt nhòa nỗi đau thương của đứa bé, ông bà
Tài đã đứng ra làm thế vì khai sanh cho Hoàng Lan. Kể từ đó cô có cái tên mới
là Lê Hoàng Lan Chi (họ của bác Tài).
Lê Thành Nhân con trai của ông bà đang học lớp Đệ
lục ở trường Trung học Trương Vĩnh Ký, còn Lan Chi mới học lớp hai trường của
bà Tài đang dạy. Vì thế hàng ngày Lan Chi lẽo đẽo bên mẹ (bác Tài gái) hai buổi
đến trường.
Dù sống đầy đủ về vật chất và tình thương bên cha
mẹ nuôi, nhưng những đêm trở giấc, Lan Chi không làm sao khỏi thầm rơi lệ nhớ
lại những ngày tháng bên cha mẹ ruột sống an bình ở làng quê! Cô nhớ mẹ mình có
mái tóc đen, thật dài gần chấm đất. Bà thường gội đầu bằng lá liễu nấu với tro
bếp lóng lấy nước trong để nguội. Cứ mỗi lần gội đầu cho mẹ, thì mẹ gội đầu cho
con.
Mẹ cô thường bảo:
- Chải đầu khi tóc còn ướt thì dễ và ít bị đứt, bị
rụng.
Khi ngồi chải tóc cho con, mẹ hay thỏ thẻ rằng:
- Bé Hoàng Lan của mẹ da trắng mịn như lụa tơ tằm.
Mặt mày sáng sủa thanh tú giống bà nội. Bởi con giống ba, mà ba con thì giống
bà nội đó mà! Con có tóc mây giống mẹ vừa đen vừa nhiều... Bé Lan của mẹ sau
này trổ mã sẽ là một cô gái xinh đẹp. Con được sinh ra trong gia đình này...
thật cảm ơn Trời cao đã ban cho cha mẹ niềm vui, niềm hạnh phúc vô cùng to
lớn... sau ngày anh con rời nhà, để cha mẹ khắc khoải nhớ thương và chờ mong
trong tuyệt vọng!
Rồi mẹ trìu mến hôn lên tóc Lan. Ba cô thì luôn bận
rộn coi sóc và làm với thợ thầy nhứt là đến mùa lúa, mùa trái cây, mùa khoai,
mùa đậu, mùa cà... Quanh năm suốt tháng ít khi rảnh tay, bởi ông siêng năng cần
mẫn lo vườn ruộng, giữ gìn đất vườn mấy đời của ông cha để lại. Dù ông Bùi Đình
Đạm (ba của Hoàng Lan) sinh ra và lớn trong gia đình khá giả, riêng ông và bà
thuở chưa lấy nhau có ăn học sống ở thị thành... Nhưng vợ chồng ông thích nếp
sống bình dị ở thôn quê, là những người hiền lành luôn đối xử tốt với kẻ ăn
người ở làm việc sanh lợi cho mình.
Hoàng Lan là đứa con gái độc nhứt của ông bà. Dĩ
nhiên là cô luôn được cha mẹ cưng chiều. Và ông cũng luôn nhắc nhở vợ để ý, dạy
dỗ con trong việc học hành:
- Má nó thấy con Hoàng Lan tháng này học hành có
khá không? Tuần rồi gặp cô giáo của con, anh có hỏi thăm thì cô bảo con mình yếu
toán. Ngày xưa khi còn đi học, anh nhớ em là con gái mà giỏi toán nhứt lớp. Vậy
em hãy dạy kèm toán cho con đi...
Bà Đạm mỉm cười nhìn chồng để lộ chiếc răng khểnh
thật có duyên. Rồi xoay qua nói với con gái mình, nhưng cố tình chọc ghẹo
chồng:
- Bé Lan có biết không? Ba con ngày xưa đi học mà
lười biếng không chịu nổi.. Ổng chỉ vào lớp mới học bài, mới làm bài, dù thông
minh nhưng vì gấp rút thì dễ bị sai... Cho nên ba con thường bị hai cái hột
vịt, và cuối tháng nào cũng đội sổ bìa đen (hạng chót).
Nói đến đây, mẹ liếc ba rồi cười chúm chím tiếp:
- Ba con chỉ giỏi có làm luận văn và viết thư...
thôi.
Ông Đạm cười hề hề:
- Nhờ thế mà ba mới cưới được má con...
Thật sự lúc ấy Hoàng Lan khờ tịt với chuyện kể của
hai người! Nay nhớ lại, ngày đó đã qua quá lâu rồi, mọi sự việc đã đổi thay,
giờ đây cô thân cút côi sống với dưỡng phụ và dưỡng mẫu. Nhưng Hoàng Lan có cảm
tưởng như lúc nào cha mẹ cũng đang lẩn quẩn đâu đây, rất gần... khiến cô không
sao dễ dàng quên đi lúc sống chung với cha mẹ mình.
Cô vẫn nhớ và không sao quên được ngày đó lúc ba mẹ
còn sinh thời, có lần đi học về gặp cơn mưa lớn, nước sông dâng lên ngập đường
ngập sá, cô chạy theo chúng bạn lượm xoài ở vườn ông Cả Tám.... Ôi xoài non,
xoài cứng... rụng lềnh khênh đầy đất, và dưới mương cạn lé đé nước... có từng
chùm trái còn nguyên, có trái bị bể tung nằm trên bờ phơi ruột trắng... Trong
khi trời đang gầm gừ, giông gió thổi mạnh, làm cây cối quằn quại ngã nghiêng...
những tia chớp sáng chóa mắt, rồi những tiếng sét nổ ầm ầm như long trời lở đất,
gò nỗng cũng muốn bay đi.
Tan trường đã lâu, trời bị mây đen che phủ tối mờ
mịt. Ba má cô sốt ruột mong ngóng, nhưng con gái đi học vẫn chưa về. Sợ con té
sông, té rạch nên ông cùng người ăn kẻ ở trong nhà xách nón, mang áo mưa, đốt
đuốc đỏ trời chạy bổ đi tìm khắp nơi... Sau khi tìm được con, cha cô nổi giận
lôi đình, đánh cho một trận đòn nên thân.
Ông còn hầm hét:
- Ở nhà trái cây tươi ngon thiếu gì không ăn, tan
trường con không về nhà, mà chạy theo lũ bạn đi lượm xoài đầy cặp, đầy túi áo,
để cả nhà lo sợ...
Bị cha đánh đau quá, Hoàng Lan thiệt giận và ghét
cha mình lắm. Cô định bụng là từ nay không thèm ngó mặt ông nữa!
Nhưng hôm sau, trời còn lờ mờ sáng. Cô đang nằm
trong mùng nghe tiếng cha thì thầm với mẹ. Bởi mọi khi sáng sớm cha cô đã đi
ruộng chiều tối mới về đến nhà. Không biết tại sao hôm nay ông đi ruộng lại trở
về nhà sớm như vậy? Bỗng nghe cha cô bảo với mẹ:
- Hoàng Lan chưa thức hả? Mùa nước năm nay lớn quá,
nước tràn ào ào qua bờ mẫu, anh bắt được mớ cá nhảy ngược và mấy con cua kình
càng (loại cua đồng có hai càng lớn, màu tím sậm, ngọt thịt) còn sống vội đem
về đây, Hoàng Lan ưa cua này lắm, chút nữa con thức dậy, em nướng cho con ăn
nghe. Tội nghiệp, hôm qua nóng nảy anh đã đánh con nhiều chắc là đau lắm! Anh
thiệt hối hận, em nhớ pha nước muối xức mấy vết roi cho con, thôi anh trở ra
ruộng đây!
Cơn hờn giận tan biến, Hoàng Lan nhảy xuống giường,
phóng đến ôm chầm lấy cha khóc nức nở!
Ngày đó cách nay đã mấy mươi năm rồi! Giờ đây Hoàng
Lan cũng là Lan Chi đã thành thiếu nữ duyên dáng dễ nhìn. Bề ngoài cô mềm mại
yểu điệu như liễu, như mai, nhưng tâm hồn cuồn cuộn nhiệt tình, mạnh dạn như
cây tùng, cây bá. Cô còn có tánh nhẫn nại, cương quyết và chắc tâm chẳng kém
nam giới.
Cha mẹ nuôi của cô đã ở lứa tuổi ngoài năm mươi. Họ
có cuộc sống an vui đề huề bên hai con. Trước đó, Lan Chi nghĩ rằng đậu phần
hai, anh Nhân chắc sẽ theo học về Hành chánh, hoặc Sư phạm để nối nghiệp cha mẹ
mới đúng. Nhưng khi xong Tú tài hai thì anh tình nguyện vào trường Võ bị Đà
Lạt. Sau những năm tháng thụ huấn quân sự, huấn luyện ngành chuyên môn ở trong
nước “Quân trường đổ mồ hôi/Chiến trường bớt đổ máu...” anh còn được ra tu
nghiệp ở xứ người...
Khi trở về nước, Lê Thành Nhân như con đại bàng có
đôi cánh sắt, bay lượn trên bầu trời cao rộng muôn hồng ngàn tía của quê Nam
tươi đẹp gấm vóc. Anh như cá gặp nước như rồng gặp mây, xông xáo bôn ba trên
Bốn Vùng Chiến Thuật. Trong các vùng giới tuyến, khắp các ải địa đầu từ Nam ra
tận miền Bắc giáp biên giới Việt-Hoa! Toán quân anh đã âm thầm thao túng trong
lòng đất địch như chỗ không người, như vùng trời tự do quen thuộc của miền
Nam...
Riêng Lan Chi, cái chết tức tưởi không lý do minh
bạch của cha mẹ luôn nằm trong tâm tưởng, và nung đúc đốt cháy tâm hồn tuổi thơ
dại của cô cho đến trưởng thành... nên cô đã âm thầm quyết chọn cho mình cái
nghề, mà thuở đó ít có phụ nữ để ý đến! Yến Tử là bí danh trong “Biệt Đội Thiên
Nga” của Lan Chi. Hôm nay cô đang ngồi hỏi cung kẻ địch vừa ra đầu thú mười
ngày trước đây! Nhiệm vụ mà cô đã được thượng cấp giao phó cho.
Nghiêm giọng, cô bảo:
- Anh tên là gì, bao nhiêu tuổi? Cha mẹ, quê quán ở
đâu và có bao nhiêu anh chị em? Hãy nên khai thật, và khai rõ để chúng tôi có
thể giúp anh một cách hữu hiệu hơn...
Người đàn ông ăn mặc xốc xếch, lem luốc cát bụi, có
làn da trắng xanh, cánh tay bị thương còn treo trên chiếc khăn xếp xéo máng
trên cổ. Thân hình gầy gò tiều tụy, nhưng nét mặt ông ta trầm tĩnh cương quyết,
cao ngạo, giọng nói cứng chắc. Mắt là cửa sổ của linh hồn... cho nên ông không
sao giấu được nỗi u hoài hiu hắt... ẩn hiện trong đôi mắt đó.
Kinh nghiệm và trực giác đã cho cô biết rằng. Hắn
ta không phải là một người bình thường như là một tên để sai vặt, để liên lạc
hoặc làm những việc bình thường khác... Tướng mạo đó, ánh mắt đó ngầm cho cô
biết hắn phải là một cán bộ đã đạt được nhiều thành quả, hoặc là một cấp chỉ
huy...
Ông ta đang ngồi đối diện với Yến Tử trong căn
phòng nhỏ đơn sơ. Nhưng đã được trang bị những chiếc máy tinh vi thu hình, thu
tiếng nói... Sẽ chiếu ra, phát ra và truyền đi qua phòng khác tất cả những hành
động và lời đối đáp của cả hai người. Cô nghĩ, hắn ta là người từng trải, nên
cũng đã thừa biết việc này...
Đối diện với một phụ nữ trẻ tuổi có đôi mắt trong
sáng, lanh lợi, cái miệng nhỏ rất duyên dáng ở nụ cười. Ông ta không nói gì,
nhưng cũng thầm đoán được ít nhiều về người đối diện. Nhìn sâu vào mắt cô, ông
trầm tĩnh, rồi mím môi trả lời:
- Thưa cô, tôi đã ra đầu thú, thì không còn có lý
do gì phải giấu giếm nữa mà không khai thật. Tôi đã khai tất cả theo mọi câu
hỏi trong giấy tờ bao nhiêu lần, và gần như mỗi ngày...
- Tôi biết! Nhưng tôi muốn chính miệng ông nói ra
trước mặt tôi!
Ông ta hơi khựng! Bởi người phụ nữ có vẻ yếu đuối
nhưng giọng nói và đôi mắt hết sức sắc bén! Ông ôn tồn bảo:
- Cô muốn biết phần nào trước, thì xin hỏi. Tôi sẽ
thành thật trả lời tất cả những gì tôi có và tôi biết...
Yến Tử vờ như sửa lại cổ áo, nhưng thật ra cô đã
nhanh tay bấm mở chiếc nút của máy thu âm và thu hình nhỏ đã gắn trên đó:
- Được, Sáu Trường Sơn là bí danh của ông phải
không? Ông tên thật là gì, quê quán ở đâu...
Mặt Yến Tử đang hỏi cung nhưng có vẻ đăm chiêu suy
nghĩ khi nghe tên đảng viên Việt cộng ra chiêu hồi, mà thượng cấp vừa gởi đến
để cô lấy khẩu cung. Người này từ miền Bắc về, đang ngồi trước mặt cô khai thân
thế của mình... Đã mấy lần như dợm hỏi nhưng lại thôi, cô nghĩ để sau này tìm
hiểu rõ hơn hẳn hay, không gấp gáp gì!
Nhân viên ngồi làm việc bên trong đang theo dõi
từng cử chỉ của hai người, họ hết sức lấy làm lạ, nhứt là xếp của cô? Ông nghĩ,
đây đâu phải lần đầu tiên cô tiếp xúc với những tên cán bộ Việt Cộng chiêu hồi
có tầm vóc như hắn? Yến Tử là nhân viên của Cục Tình báo giỏi nhất, đã mấy năm
kinh nghiệm... và đang giữ trọng trách trong công việc này! Cô ta là người luôn
hoàn thành nhiệm vụ của mình ngoài dự tính của cấp trên, cả trong những lần
địch cài người phản gián cũng không thoát được cô...
Tên Sáu Trường Sơn này bị toán Thám kích của A3 bắn
gãy tay từ giữa tháng rồi. Hắn ta ra chiêu hồi, đang giữ trong biệt khu được
bảo vệ an toàn và bảo
mật.
Dư Thị Diễm Buồn
(còn tiếp phần 2)
Ghi chú: bài dài quá nên được chia
làm ba phần – xin tác giả miễn thứ
No comments:
Post a Comment