Thursday, February 14, 2019

Có Đêm Nào Buồn Bằng Đêm Ba Mươi 3 - Dư Thị Diễm Buồn


CÓ ĐÊM NÀO BUỒN BẰNG ĐÊM BA MƯƠI 3


 
 

Thành Nhân thở dài không nói gì, cả hai đi đến chỗ gởi xe, lấy xe về nhà. Trời gần khuya, có trăng lưỡi liềm như lưỡi hái của tử thần... treo lơ lửng ở phương tây, chiếc vespa chở hai người chạy vùn vụt trên đường hướng về nhà. Gió mát rượi, đường phố thưa thớt người... lác đác vài kẻ buôn gánh bán bưng những món ăn khuya như chè, cháo... cũng nhanh chân về kẻo đến giờ giới nghiêm!

Dù trở về làm việc, nhưng Thành Nhân không còn đi công tác xa, và vắng nhà dài hạn như dạo trước khi anh bị thương nữa. Còn Lan Chi thỉnh thoảng đi đây đi đó đôi ba ngày, hoặc tuần lễ mà thôi. Ông bà Thành Tài đã lớn tuổi, nên xin hưu trí để hưởng tuổi già, sau mấy mươi năm bận rộn với việc làm. Bây giờ gia đình họ an vui, hạnh phúc theo ngày tháng thoi đưa, nhưng ông bà Lê Thành Tài vẫn canh cánh trong lòng bởi hai đứa con lớn xồng xộng mà vẫn chưa đứa nào chịu thành gia thất.

Có một hôm trên bàn ăn cơm chiều, ông Thành Tài vui vẻ lên tiếng nói với vợ và hai con:

- Mấy ngày trước ba có gặp ông Huỳnh Tứ Việt, có lẽ Thành Nhân và Lan Chi chắc không biết họ đâu, còn bà thì có còn nhớ ông bà Việt không vậy? Ổng xin tui hôm nào vợ chồng được qua thăm nhà mình. Ý ổng muốn hỏi dọ ba má coi Lan Chi có chỗ nào chưa, để cưới cho con trai thứ của ổng. Cậu Huỳnh Thuận Hòa cũng cỡ tuổi Thành Nhân, mười mấy năm trước đi học bên Pháp, khi ra trường thì làm ăn ở bên đó. Nghe nói khá lắm, gia đình người ta cũng thuộc hàng gia thế giàu có. Lan Chi ưng con ổng, nếu muốn ở đây thì ổng bả sẽ mở cho cửa hàng làm ăn. Còn chịu theo chồng qua Pháp thì càng tốt, vì bên đó đã có sẵn cơ ngơi cả rồi...

Bà Tài hài lòng cười tươi, góp ý:

- Ờ, vậy hả? Vợ ông Việt thì tui mới gặp trên chùa vào rằm tháng rồi. Bà ấy có tiền mà bình dân, con người độ lượng, hay làm ơn làm phước. Họ thuộc về gia đình gia giáo, đạo đức. Chỗ này má cũng thấy được đó Lan Chi, con nay cũng đã lớn rồi thôi thì bằng lòng đi...

Bỗng quay qua con trai:

- Còn thằng Nhân cũng vậy! Chỗ này không được, chỗ kia không được... kén chọn riết không biết bao giờ mới thành hôn đây? Thôi thì con để ý con gái nhà ai cứ cho ba má biết, để ba má lo cho...

Lan Chi đỏ mặt cúi xuống và lẹ cơm vào miệng. Ra ngoài xã hội về học lực, về tài trí cô không thua kém ai, nhưng bản chất của người con gái Á Đông vẫn còn trong cô, nên mỗi lần nghe cha mẹ, hay ai nhắc nhở đến chuyện lấy chồng cho mình thì cô đỏ mặt tía tai lỏn lẻn bỏ đi nơi khác.

Thành Nhân không nói gì, ậm ừ với cha mẹ, ăn qua loa rồi ra ngoài chiếc băng đá kê bên tàn cây mận đốt thuốc hút. Nét mặt trầm tư, đôi mắt buồn nhìn trời mông lung xa vắng qua làn khói thuốc tỏa bay...

Ngày đó rồi cũng đến, bởi hai bên có hẹn trước, nên hôm nay gia đình ông bà Việt cùng với cậu con trai tên Hòa và đứa con gái út đến thăm gia đình ông bà Tài. Họ vừa bước vô nhà thì hai anh em Thành Nhân cũng đi làm về tới. Bà Tài chận con lại ngoài cửa trước, bảo đi thẳng vào nhà chào hỏi người ta.

Mấy người lớn nói chuyện rất tương đắc. Anh chàng đi coi mắt vợ xem mòi cũng vừa lòng đẹp ý lắm, dù chỉ mới lần đầu gặp cô con gái xinh xắn dễ nhìn Lan Chi. Ông bà Tài thì mừng thầm trong lòng, chắc mẻm là con gái mình cũng vừa ý chàng thanh niên hoạt bát, mặt mày sáng sủa, bảnh trai, có phong cách này rồi...

Tiễn khách về xong, ông bà Tài cũng lật đật lên chùa cúng sao kẻo trễ, chỉ còn hai anh em ở nhà. Lan Chi thấy anh mình ít nói hơn mọi ngày, vẻ mặt lầm lì đen thủi đen thui như trời sắp xập xuống! Anh ngồi hút hết điếu thuốc này, đến điếu khác «điếu lật gộng, điếu động quan» cả mấy giờ rồi. Cô hỏi đến đâu anh trả lời đến đó, chớ không ba hoa chích chòe, chọc ghẹo em như mọi khi.

Thấy mặt anh đăm chiêu có vẻ khác thường, Lan Chi liền pha hai tách nước trà còn nóng hổi bưng ra cho mình và cho anh, mỗi người một tách... Ngồi xuống ghế đối diện với anh, cô e dè rồi nhỏ giọng hỏi:

- Anh Hai, hôm nay có tâm sự hả? Hãy nói cho em nghe đi, cứ nói ra biết đâu em có thể chia sẻ với anh. Nói đi anh, nếu có chuyện gì buồn anh nói ra sẽ cảm thấy dễ chịu hơn [là] giữ trong lòng sẽ khó chịu lắm...

Thành Nhân không trả lời. Anh hít mạnh điếu thuốc rồi phà làn khói trắng tỏa bay trong gió. Bỗng từ chiếc máy hát của nhà hàng xóm, ngân nga vọng đến bài hát có lời ca buồn vời vợi:

“Chuyện tình của tôi xa lắm tự lâu rồi tôi không bao giờ nhắc đến.
Nhưng bỗng một hôm trên đường ra phố thị tôi gặp lại em ngày nào...
Nàng nhìn tôi, đôi mắt thật bâng khuâng...
Cũng đôi mắt này năm xưa lạc vào hồn tôi...
Trong những đêm không ngủ, tôi nhìn khói thuốc bay...”.

Bài «Đôi Mắt Người Xưa» của nhạc sĩ Ngân Giang do Chế Linh hát. Giọng ca thê thiết của ca sĩ đã làm cho tâm hồn Lan Chi bồi hồi xúc động. Mặc dù tâm tư cô không vướng bận chuyện gì về tình cảm. Nhưng cô chợt thở dài, nói bâng quơ:

- Thiệt tình, giọng ca sao mà não nuột quá trời! Ai có tâm sự buồn mà nghe cái giọng... của ca sĩ này thì càng thêm thúi ruột mà chết sớm.

Thành Nhân dụi điếu thuốc đang hút chưa hết:

- Lan Chi, em thấy anh chàng Hòa coi mắt em hôm nay thế nào? Có lọt mắt xanh của em không?

Cô chưng hửng khi nghe hỏi. Nhưng cô mỉm cười vui vẻ trả lời anh:

- Em có nhìn hắn đâu mà biết mặt mũi ra sao? Nên không biết trả lời với anh thế nào đây? Mẹ bảo chào người ta thì em vào chào, cho mẹ vui lòng vậy thôi.

Thành Nhân nhìn thẳng vào mắt em:

- Thiệt vậy à, nhưng theo nhận xét của anh thì hình như em đã chấm anh chàng Hòa đó rồi?

Lan Chi vẫn thản nhiên, ỡm ờ nói giỡn:

- Ủa thiệt bộ anh thấy vậy hả? Sao em không biết cà! Nhưng xin lỗi nghe, anh đã đoán sai rồi! Không phải anh ta, mà người khác, em đã có đối tượng rồi anh Hai ơi...

Đến phiên Thành Nhân ngạc nhiên quá đỗi! Anh mau miệng lắp bắp hỏi Lan Chi:

- Ai vậy, anh có biết không? Anh ta làm việc ở đâu, không làm chung sở với chúng ta chớ?

- Anh hỏi chi vậy? Chuyện của em mà “Thiên cơ bất khả lộ”!

Chợt Lan Chi ngừng nói, nhìn anh mình hỏi:

- Mà nè anh Hai à, anh còn nhớ cái ông chiêu hồi tên Sáu Trường Sơn không hả?

Thành Nhân vừa ngạc nhiên vừa khó chịu! Anh ta hằn học bảo:

- Bộ em vẫn còn liên lạc ông ta hả? Ông đó là người em để ý, em thương à?

Lan Chi tự nhiên, trả lời:

- Không, không phải vậy đâu. Bởi ông Sáu Trường Sơn sanh cùng quê quán với em. Ông ta cũng họ Bùi, nên em muốn gặp ông ta một lần để hỏi thăm xem có bà con chi không? Sao có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy? Mà anh có thấy đó là sự trùng hợp không anh Hai?

Không ai biết trong lòng Thành Nhân đang nghĩ gì? Anh ta như không nghe em mình nói mà nổi nóng, lồng lộng lên:

- Em trông hiền lành mà không ra gì! Quen người đàn ông này chưa xong thì muốn tìm hiểu về người đàn ông khác... Em làm anh quá thất vọng! Thôi thì cứ ưng đại ông Hòa coi mắt hồi sáng cho rồi đi. Để được qua Tây ở! Đó không phải là mộng ước của em và các cô gái thời nay muốn lấy chồng ngoại quốc, hoặc sống ở ngoại quốc sao?

Lan Chi cũng không vừa, trở giọng nạt tưới hột sen:

- Anh thiệt là vô duyên hết nói nổi! Em có hỏi chuyện riêng tư gì của anh không? Em quen với ai, hay em muốn ưng ai thây kệ em. Đó là quyền tự do cá nhân của em, chớ có mắc mớ gì tới anh đâu mà anh xía vô? Sao anh nhiều chuyện quá vậy?

Không kềm chế được, Thành Nhân nói nhanh:

- Sao không mắc mớ? Tại vì anh đã yêu em!

Lan Chi mở to mắt há hốc miệng! Không còn tự chủ được nữa, toàn thân như không vững... tay run rẩy buông rơi tách trà xuống nền gạch bể toang nước văng tung tóe... cô ngồi qụy, úp mặt xuống bàn... bật khóc!

Các viên chức từ trên xuống dưới trong Trung tâm đã lần lượt rút đi hơn cả tháng nay. Mẹ của Thành Nhân đột ngột qua đời, cha anh đang đau nặng và vợ lại sắp đến ngày sanh, nên anh cứ trì hoãn đến giờ thì đồng đội đã ra đi hết rồi...

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 giặc tràn vào! Hai vợ chồng Thành Nhân, Lan Chi đều bị kẹt lại! Họ đoán biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho bản thân, nếu cả hai đi trình diện với bọn giặc Cộng. Giữa lúc nước non tan đàn vỡ nghé, ồn ào, bề bộn, xáo trộn ở mọi ngành nghề. Cơ quan chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa đã thất thủ bỏ ngõ, sau lời kêu gọi của Dương Văn Minh!

Lợi dụng lúc hỗn loạn, đêm ba mươi, Thành Nhân đem cha và vợ trốn về quê của một cộng sự viên ngày xưa tá túc. Đó là vợ chồng anh Sáu Điền (bị thương tật đã giải ngũ). Từ sau giải ngũ, họ trở về quê và hiện là cư dân ở bãi biển Vàm Láng (Gò Công). Thành Nhân đến tá túc với vợ chồng anh Sáu, sống ẩn nhẫn để chờ ngày vợ sanh con xong, sẽ tìm đường ra đi.

Những ngày sống ở Vàm Láng, vợ chồng Lan Chi né tránh, trốn chui trốn nhủi bọn cách mạng 30 tháng 4 dòm ngó, chỉ điểm, lùng bắt thật là mệt mỏi. Giữa khuya thì Thành Nhân theo tàu đánh cá ra khơi chiều tối mới trở về. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, chờ thời cơ để bôn đào. Dẫu biết rằng có trăm phương ngàn thứ khổ nạn trên đường vượt biên. Nhưng họ đã quyết định vì hàng vạn rủi ro cầm bằng cái chết, chỉ có cái may duy nhứt vượt thoát mới tồn tại. Họ vẫn không thay đổi ý định, quyết tâm chờ chuyến trốn bỏ quê hương của đôi vợ chồng Thành Nhân.

Sau tang cha một trăm ngày (3 tháng 10). Đứa con trai Thành Tâm được sáu tháng thì vợ chồng Lan Chi theo gia đình anh Sáu Điền cùng họ hàng thân thuộc và một số ngư dân, vượt biên theo ngã Vàm Láng cũng vào Đêm Ba Mươi (Âm lịch). Đêm không trăng sao, tối trời để đoàn người vượt biển dễ dàng trốn thoát...

Nhưng “Họa vô đơn chí/ Phước bất trùng lai” nỗi buồn khổ tột cùng luôn kề cận bên đôi vợ chồng này! Biết rằng cuộc trốn chạy nào mà không đau khổ, mất mát? Nhưng một mất mát quá lớn đã đến với họ! Đứa con trai đầu lòng tên Thành Tâm chưa tròn tuổi, chưa biết kêu cha, gọi mẹ, chưa biết đau khổ, chưa biết sự lường gạt, chua ngoa, tàn độc của lòng người, của cuộc đời thì đã dìm thây trong lòng đại dương!

Bởi trên đường vượt biên, tàu họ đi đã hơn nửa tháng trời, nổi trôi lênh đênh trên biển vì tránh gió bão, rồi bị lạc phương hướng. Xăng dầu dần dà khô cạn... Hơn bốn chục (40) thuyền nhân đói khát bịnh hoạn nằm la liệt, vì hết lương thực, hết nước uống...

Vợ chồng Thành Nhân cầm cự cho đến ngày thứ tám, thì Lan Chi không còn sữa, và chồng cô ngất xỉu vì lấy máu cho con bú! Thằng Bé Thành Tâm đã vĩnh viễn ra đi! Những người cùng tàu không còn hơi để hỏi han, chia buồn, cha mẹ không còn nước mắt để khóc! Thành Nhân đôi mắt vô hồn như cắt từng đoạn ruột tự tay thả con mình vào lòng biển khơi! Lan Chi mắt trắng dã! Nàng chìm trong cơn mê sảng bởi cái đau đớn tột cùng của mẹ mất con...

Chuyến vượt biên trên tàu của anh Sáu Điền được vào trại tạm cư Ga-Lăng (trại tập trung của Liên Hiệp Quốc thành lập trên một hòn đảo của Indonesia, cho thuyền nhận tỵ nạn cộng sản ở vùng Đông Nam Á) chỉ còn được hai mươi bảy người. Già, trẻ, bé, lớn đã chết trên biển mười ba người! Những người còn sống sót như được một lần tái sinh!

Như bao nhiêu thuyền nhân khác đến đảo, sau khi khai xong hồ sơ lý lịch cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc. Thành Nhân và Lan Chi trong thời gian trống trải, chờ đợi qua nước tạm dung, họ dạy Anh văn cho những thuyền nhân đang chờ định cư...

Vào một buổi trưa trời đẹp nắng. Thật bất ngờ, có hai nhân viên người Hoa Kỳ cùng ngành ngày xưa, bay từ Mỹ đến bốc Lan Chi và Thành Nhân đi ngay trong hôm đó trước sự ngạc nhiên, mừng rỡ vô cùng của họ và những người chung quanh. Một sự bất ngờ hạnh phúc ngoài dự liệu, nên cả hai chỉ kịp từ giã vợ chồng anh Sáu Điền, người đã giúp đỡ gia đình họ suốt thời gian dài trong nước, và vượt biên... Chớ không có thời gian để họ giã từ những người cùng hoạn nạn thừa chết thiếu sống trong chuyến hải hành.

Vào thập tniên tám mươi (1980) ở Mỹ muốn có một cuốn sách Việt ngữ để đọc thật khó khăn... phải gởi mua ở tận bên Pháp! Sau bữa cơm chiều Thành Nhân đang dở từng trang sách mới mua ra xem, đọc xong phần tiểu sử tác giả, chàng chợt giựt mình, lẩm bẩm “oan gia lại gặp nhau” nữa rồi! Lan Chi đang rửa chén thấy chồng vừa chăm chú đọc sách, vừa nhỏ to một mình, nàng hỏi:

- Tác giả viết có hay không, mà anh có vẻ suy tư quá vậy, còn thì thầm một mình nữa?

- Chưa đọc hết, nên không biết hay dở. Nhưng em lại đây xem, cuốn hồi ký này anh thấy có gì là lạ? Anh cảm tưởng như chúng mình có quen biết với tác giả?

Hai vợ chồng Lan Chi quyết tâm tìm kiếm nhà xuất bản để hỏi thăm, và khó khăn lắm mới biết được số điện thoại của tác giả. Thế rồi hai bên hẹn và tìm gặp nhau ở tháng sau.

Trái đất tròn mà vẫn hẹp lắm! Nhờ Ơn Trên hộ độ, nơi xứ lạ quê người Lan Chi tìm được người anh cùng cha mẹ với nàng thất lạc đã mấy chục năm! Đó là người Việt Cộng hồi chánh Sáu Trường Sơn!

Số là Bùi Vĩnh Bảo có biệt danh là Sáu Trường Sơn xa nhà từ thuở trai trẻ. Anh theo tiếng gọi của quê hương đi chống Pháp, Bùi Vĩnh Bảo lớn hơn cô em gái Bùi Hoàng Lan một con giáp (12 tuổi). Cô chào đời được hai năm thì anh cô đi theo Thanh Niên Tiền Phong, và khi lãnh thổ chia đôi tập kết ra Bắc. Để mấy chục năm sau Việt Cộng nổi dậy, lấy tên là Giải Phóng Miền Nam đã giết cha mẹ anh Sáu Trường Sơn. Vì ông bà không chịu theo bọn nằm vùng và giúp đỡ cho chúng...

Khi trở về Nam, Bùi Vĩnh Bảo tìm lại nguồn cội của mình. Anh được người tá điền thân tín của cha, trước khi qua đời đã kể hết những chuyện xảy ra của gia đình cha mẹ! Cõi lòng tan nát, từ đó cho đến khi miền Nam rơi vào tay cộng sản... anh đã khổ công âm thầm tìm kiếm cô em gái thất lạc của mình. Nhưng bóng chim tăm cá! Bởi cả hai anh em mỗi người một nơi và đều thay họ đổi tên.

Lan Chi quay về thực tế khi chồng đưa chiếc khăn tay! Bà lấy khăn lau dòng lệ long lanh chảy dài trên má, Thành Nhân trầm giọng:

- Đừng buồn nữa em! Chúng ta không phải đã hơn hẳn những người khác cùng cảnh ngộ rồi sao? Bây giờ chúng ta còn có anh Hai. Mặc dù anh Hai không có vợ con, nhưng anh sống vui, sống khỏe, trải rộng tâm hồn mình bằng ngòi bút lên từng trang sách báo để làm vui cho đời. Anh Hai cũng không cảm thấy cô đơn, vì anh còn có chúng mình. Chúng ta sống chung trong một gia đình êm ấm, nương tựa lẫn nhau ở tuổi về chiều. Ngoài ra chúng ta đến xứ người còn có được cặp trai song sanh nay đã trưởng thành theo nghiệp mẹ cha..... Vậy là hạnh phúc lắm rồi! Mọi việc trên cõi đời nhiêu khê nhiều hệ lụy này đều do Thượng Đế an bài. Thôi đừng buồn nữa, đoạn đường gian khổ của chúng ta đã qua rồi...

Lan Chi nghẹn ngào:

- Em cũng muốn quên lắm chớ! Nhưng không làm sao quên được vào Đêm Ba Mươi Tết năm nào về cái chết thảm thương của ba má em! Quên sao được những trận pháo giặc nã vào thành phố, trường học, giáo đường! Quên sao được trận thảm sát của giặc vào Tết Mậu Thân ở miền Nam, nhứt là trên đất Huế! Em làm sao quên được mỗi lần nghe tiếng khóc của trẻ thơ... Em cứ tưởng đó là tiếng khóc của con Thành Tâm chúng mình chết trên hải trình vượt biên! Hình ảnh nó giẫy giụa gào thét trên tay em lúc khát sữa! Đến khi không còn khóc nổi nữa nó âm ỷ rên, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, mà miệng con vẫn còn mở chờ bầu sữa mẹ... Trời hỡi, thê lương quá! Tàn nhẫn quá! Đời kiếp này làm sao em quên được đây!

Lan Chi tựa đầu vào vai chồng ràn rụa nước mắt! Thành Nhân yên lặng ngậm ngùi thổn thức, nhớ lại hoàn cảnh gia đình đã trải qua! Mắt chàng hướng qua song cửa sổ nhìn bầu trời cao thăm thẳm.

Đêm Ba Mươi Tết lại về! Không gian đắm chìm trong màu đen huyền hoặc, nền trời in lấm tấm ngàn vạn vì sao. Thỉnh thoảng trên tầng cao thật cao, tiếng máy chiếc phi cơ gầm gừ, lóe ánh đèn chớp tắt chầm chậm bay qua. Và sau đó chỉ còn lại tiếng chim ăn đêm, tiếng gió khua động lào xào cành lá, cây cối quanh nhà.

Bùi Vĩnh Bảo ngồi xem truyền hình, nhưng nghe hết những lời đối đáp của vợ chồng cô em gái. Đứng lên, đến bàn lấy bình nước trà chế thêm vào tách, ông chép miệng thở dài rồi ôn tồn bảo:

“...Hai em nghĩ xem, có con đường đi tìm tự do nào mà không cam go, mà không trả một giá thật đắt? Trong không gian cao và rộng, có những cánh chim lả lướt bay, có những chiếc phi cơ khổng lồ âm thanh rền vọng. Khi chim và phi cơ bay qua rồi không để lại vết tích nào cả! Mặt nước sông dài, mặt biển rộng bao la, bát ngát không thấy bờ bến. Có những chiếc ghe, những chiếc tàu dù nhỏ hay lớn khi đã qua rồi cũng không để lại dấu tích gì trên mặt nước. Nhưng núi cao ngút trời, rừng sâu thăm thẳm, trên đồng bằng đất đai màu mỡ hay khô cằn sỏi đá, rộng bao la, dài bát ngát chim bay mỏi cánh, chó chạy cong đuôi... Khi có bước chân của người đi qua, một người, hai người, ba người đi qua, nhiều người giẵm lên thì nó sẽ trở thành con đường. Con đường đó sẽ có những bước chân tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Rồi đường được khai phá, mở rộng, vun bồi...hai bên đường sẽ được cất lều, xây nhà, trồng cây ăn trái, trồng hoa thơm cỏ lạ... Đó là đường chúng ta đã đi qua...”

Không gian vào Đêm Ba Mươi lúc nào cũng có màu đen thật đen. Trên nền trời in những chùm sao li ti lấp lánh... Bên ngoài tiếng rì rào thì thầm của gió rung cây, có loài chim ăn đêm bay chập chờn trên dòng sông vắng sau nhà, thỉnh thoảng chúng cất tiếng kêu oang oác xa dần, xa dần... rồi mất hút. Trong ngôi nhà nhỏ bát ngát mùi nhang, trầm, hoa vạn thọ, hoa liên kiều, dưa hấu, cam, quít... cùng mâm ngũ quả, và bánh tét, bánh chưng, mứt, chà là... Gia chủ đã chưng cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên để đón mừng năm mới. Tiếng lách tách của củi cháy trong lò sưởi rực rỡ ánh lửa hồng thắp sáng căn phòng gia đình trong đêm trừ tịch bên xa lộ không đèn dài ngút ngàn...

Bỗng có tiếng xe dừng lại trước nhà, cả ba người đều nhìn nhau dò hỏi? Không ai bảo ai họ tiến gần cửa sổ nhìn bầu trời tối đen như nhuộm mực tàu, cùng thấy hai bóng đen cao lớn như dân bản xứ, nhanh nhẹn bước ra khỏi xe và đi vào... Cửa nhà bật mở, ông Bùi Vĩnh Bảo và Lê Thành Nhân ngạc nhiên... giây phút bất chợt mắt đỏ trong nụ cười rạng rỡ mừng vui. Đứng phía sau họ, chiếc khăn tay Lan Chi rơi xuống... bà lao đến mở rộng vòng tay ôm chầm lấy hai con trong bùi ngùi nức nở, nghẹn ngào, trong nước mắt ràn rụa... bà thổn thức “Con tôi đã về, con tôi đã về...”

Bữa cơm muộn của hai thanh niên trong Đêm Ba Mươi Tết. Cha và cậu mắt ngời sáng nghe con, cháu kể chuyện những ngày qua... Riêng Lan Chi trìu mến nhìn con lính quính múc thêm món này, đem thêm món khác... mà niềm mừng vui và thương cảm dâng ngập cõi lòng của mẹ.

Dẫu biết rằng hai đứa con bà sanh ra và trưởng thành trên nước Mỹ có tự do, nhân quyền thật sự... không ai có thế bắt làm những chuyện mà chúng không muốn! Nhưng hai đứa con của vợ chồng Thành Nhân và Lan Chi đã tự chọn cho mình con đường mà thời thanh xuân nơi quê hương chinh chiến triền miên cha mẹ đã đi qua!

Bà Lan Chi cảm thấy xót xa trong tấm lòng của người mẹ... Bởi bao nhiêu gian nan, nguy hiểm... có thể đến bất cứ lúc nào cho những kẻ âm thầm len lỏi trong lòng đất địch mang trọng trách bên mình... dù không ai bắt buộc họ phải làm, phải hy sinh...

Dưới ánh đèn điện của phòng ăn, trong lòng của Lan Chi: Cũng đôi mắt cương nghị ngời sáng, nét mặt uy nghiêm, điềm đạm... đó, chồng và hai đứa con bà ngồi gần... thật sự ba cha con giống nhau như ba giọt nước!

Bỗng đứa con lớn mỉm nhẹ nụ cười nhìn mẹ:

- Xin lỗi ba me và cậu, vì trách nhiệm và bổn phận của những người lính như anh em con... Không có thời gian, không gian, không nơi nào nhứt định, không biết trước nơi nào sắp đến và đi, cũng không có gì cho cá nhân mình... nên chúng con không hẹn trước về thăm gia đình thường xuyên như ý muốn được!

Đứa thứ hai, tiếp lời anh mình:

- Chúng con rời Trung Đông... đến khi xuống phi trường Los Angeles mới biết là hai đứa được về thăm nhà trong đêm Ba Mươi Tết! Nhiệm vụ mới của chúng con sẽ là vùng Châu Á, vẫn chưa biết nước nào? Có thể Bắc Triều Tiên, có thể Trung cộng, có thể “Vũng Áng Formosa” của Việt Nam. Ba mẹ cũng biết mọi sự việc luôn được bảo mật tối đa...

Cả nhà đón giao thừa xong thì vào nghỉ ngơi, để sáng mừng ngày đầu của năm... Nỗi mừng vui con về thăm còn nồng ấm trong lòng mọi người trong gia đình và chập chờn trong giấc mơ xuân...

Tiếng động khóa trái cửa khiến Lan Chi trở giấc, bà nhổm dậy và bước xuống giường đi về phía cửa số... Trời nửa đêm về sáng sương mù còn dầy đặc giăng mắc đó đây... Trong bóng đêm nhòa nhạt của đêm Ba Mưới rạng sáng mùng một Tết Nguyên Đán... chiếc xe từ từ nhẹ lướt trên đường đưa hai con bà hướng ra xa lộ... Dòng nước mắt chảy dài xuống má, bà sụt sùi úp mặt trên đôi bàn tay, đôi vai gầy rung rung...

- Đừng buồn em, lúc chúng còn nhỏ thì là con cháu của chúng ta, khi lớn khôn chọn cho mình bước vào ngành đó rồi thì là con của thế nhân... Bởi những người “Lính Không Biên Giới” như chúng, không phân biệt lãnh thổ, chủng tộc và không quyền lựa chọn cho riêng mình...

Giọng nói trầm buồn của chồng khiến nàng càng thêm thổn thức. Ông anh cầm mảnh giấy nhỏ vừa lấy ở bàn viết đưa cho vợ chồng cô em.

Những dòng chữ còn in rõ nét mực “Ba mẹ và cậu giữ gìn sức khỏe, chúng con đi... Hy vọng ngày không xa, Việt Nam trở lại thanh bình dưới Chánh thể Cộng Hòa, cậu và ba mẹ sẽ về thăm lại cố hương...” Ngắm nghía từng nét chữ của con trên mảnh giấy nhỏ để lại trước khi rời nhà, mắt lệ rưng rưng... Lan Chi càng thương cảm hai con vô cùng!

Đêm Ba Mươi Tết đã tàn, nhưng ngoài trời vẫn bao trùm màu sương trắng mờ mịt. Ngọn gió xuân man mác hiu hiu thổi trên cây cành va chạm vào nhau âm thanh rào rào... và trên đám hoa liên kiều rộ nở đón mừng xuân bên kia bờ sông... Tiếng chim kêu líu lo đón chào ngày đầu của năm, từ vô tuyến truyền hình trong nhà các đài Việt Nam ở California phát hình ảnh trăm hoa đua nở có màu sắc hớn hở tươi vui sống động của mùa xuân xa xứ. Bỗng bài “Xuân Nơi Đây” được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc, và những bài ca ngợi về Tết Nguyên Đán... rộn rã qua giọng ca sĩ tha thiết âm vang trầm bổng quyện trong gió xuân nồng... Phương đông mặt trời mới nhú tạo một vòng lớn màu sắc rực rỡ... báo hiệu một ngày nắng đẹp của đầu năm...

Dư Thị Diễm Buồn

No comments: