CON TÀU CHỈ CÓ MỘT
NGƯỜI
Anh cũng như
bao nhiêu người sĩ quan khác ở Miền Nam. Sau 75, đều bị tập trung cải tạo.
Những tháng đầu anh được vợ gửi cho một hai lần đồ ăn, sau đó thì biệt tăm. Anh
được phép viết thư về cho gia đình nhiều lần. Nhưng không thấy vợ trả lời. Như
thế kể như anh bị vợ bỏ. Sống trong trại cải tạo mà không có người thăm nuôi,
không được tiếp tế đồ ăn, người đó kể như chết. Anh biết mình nằm trong số
người bất hạnh đó. Nên anh phải tự lực cánh sinh. Nói chơi cho vui vậy chứ tự
lực gì nổi.. Có được thăm nuôi hay không, người tù nào cũng co cúm lại. Thức ăn
dành dụm từng chút. Ra ngoài lao động, con mắt của họ dáo dác tìm bất cứ thứ gì
có thể bỏ vào bụng cho đở đói. Cho nên người có quà thăm nuôi cũng như dân mồ
côi, khi ra ngoài lao động cũng xục xạo tìm kiếm đào bới như nhau. Ai tìm được
nấy ăn.
Chuyển ra ngoài Bắc anh lại càng tơi tả hơn.
Không quen với cái lạnh thấu xương, bụng thì đói meo. Trông anh như một ông cụ
già hom hem. Công việc nặng nhọc làm cho anh còm lưng. Ngày trở về thì không
thấy hy vọng. Anh cứ nghĩ mình kéo dài tình trạng đói khát, nặng nhọc nầy mãi,
thì thế nào cũng bỏ xương tại cái xứ đèo heo hút gió nầy. Trốn trại thì không
can đảm. Mà cũng chẳng biết trốn đi đâu, giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp.
Đành phải bó tay chịu trận.
Bỗng nhiên một hôm anh nhận được gói đồ ăn gửi
bằng đường bưu điện. Anh nghĩ chắc vợ anh gửi cho. Nhưng khi cầm gói quà trên
tay nhìn tên người gửi lạ hoắc, anh phân vân, đắn đo. Chắc chắn đây là một sự
nhầm lẫn. Tuy nhiên vì đói quá anh không có can đảm hoàn trả lại cho cán bộ,
khi mà sự thèm khát đã lên tới tột đỉnh. Mà chắc gì gói quà được trả về cho khổ
chủ của nó! Cán bộ trại đời sống cũng chẳng hơn tù bao nhiêu, thế nào họ cũng
chia nhau. Trong lúc mình đang cần, anh an ủi mình như vậy. Anh về trại. Bạn bè
tới chúc mừng anh. Như vậy, kể từ nay anh thuộc thành phần có thăm nuôi. Không
còn mồ côi như trước. Gói quà đã được mở ra kiểm soát, cột lại sơ sài trước khi
giao cho anh nhận lãnh.
Ai nhận quà về đến chỗ nằm của mình, đều bóc ngay
ra.. Còn anh thì không dám đụng đến. Lúc đầu cái đói, cái thèm khát lâu ngày
làm cho anh bấn loạn. Anh nghĩ nhận quà về bóc ra ngay ăn một bữa cho đã. Nhưng
khi cầm gói quà trên tay, không phải tên vợ mình gửi, anh đâm ra đắn đo. Anh
nằm gác tay lên trán nghĩ ngợi về tên người gửi. Anh đào bới hết trí nhớ, vẫn
không tìm ra tên người đàn bà nầy, được viết trên góc của gói quà. Bạn bè tù
cùng phòng với anh thì nghĩ khác. Họ cho rằng lâu quá không được nhận quà,
không nghe tin tức vợ, nên anh muốn kéo dài cảm giác sung sướng. Không bóc vội
gói quà. Thế nhưng rồi cũng đến lúc gói quà được mở. Sau khi ăn cơm chiều xong,
anh leo lên chỗ nằm, ngồi quay mặt vào vách. Anh trịnh trọng mở gói quà. Quan
trọng với anh bây giờ không phải là trong gói quà có những gì để ăn. Giữa lúc
nầy, sự thèm khát bỗng nhiên trốn mất. Mà là lá thư trong gói quà nói gì.
" Anh yêu quý,
Anh đã mất tích từ lâu, tưởng rằng anh đã chết.
Em và các con lập bàn thờ mấy năm nay. Không ngờ, cách đây mấy hôm, vô tình đến
thăm một người bạn, có người anh được thả ra từ trại cải tạo Miền Bắc. Em hỏi
thăm là có bao giờ anh nghe tên người nào là Nguyễn Hữu trong trại của anh
không? Anh đó trả lời là có một người cùng đội sản xuất với anh mang tên ấy,
trước là đại úy thuộc Sư Đoàn 2, người Bắc Kỳ. Từ bao nhiêu năm nay không được
ai thăm nuôi. Em nghe xong muốn quỵ xuống, đúng là anh rồi. Thế là từ nay em
phải hạ bàn thờ xuống. Các con có bố chứ không còn mồ côi cha nữa. Em mừng quá,
mang tên anh, tên đội, tên trại đến Ủy Ban Quân Quản Thành Phố để xin giấy phép
gửi quà thăm nuôi. Lý do vì loạn lạc, di chuyển nhiều lần, địa chỉ không còn
chỗ cũ, nên không nhận được giấy gửi quà thăm nuôi.
Anh đừng để vi phạm nội quy, ráng học tập tốt,
sẽ được nhà nước khoan hồng để sớm về đoàn tụ với gia đình. Có dịp được trại
cho phép viết thư, anh viết thư về cho em biết sức khỏe của anh. Anh cần những
gì lần sau có giấp phép em sẽ gửi ra cho anh. Em và các con bao giờ cũng mong
chờ anh về.
Thư nầy không viết dài được, em ngưng đây. Chúc
anh luôn luôn khỏe mạnh.
Vợ anh
Lê Thị Hồng"
Anh không dám đọc lại lần thứ hai. Một sự trùng
hợp lạ ky, anh và ông Hữu kia cùng thuộc Sư Đoàn 2, cùng là người Bắc. Chỉ khác
nhau là ông ta mất tích trong chiến tranh, còn anh thì trình diện đi cải tạo.
Người đàn bà nầy vì quá thương chồng không điều tra cặn kẽ, chứ trong một sư
đoàn, chuyện trùng tên, trùng họ là chuyện bình thường. Mà cán bộ kiểm duyệt
thư từ cũng lơ đễnh, không thấy chữ mất tích từ đầu lá thư. Anh nhìn gói đồ ăn
mà lòng trĩu nặng. Một bên vợ người ta, chồng mất tích bao năm mà vẫn chờ đợi.
Còn mình sống sờ sờ vợ chẳng thèm ngó ngàng tới.
Đọc thư xong, anh bỏ thư lại trong gói đồ rồi
cột lại như cũ. Anh nằm gác tay lên trán suy nghĩ miên man. Các bạn chung phòng
đến hỏi thăm tin tức gia đình anh ra sao, anh trả lời nhát gừng cho qua chuyện.
Họ nghĩ, có lẽ gia đình anh đang gặp rắc rối gì đó, nên anh buồn ít nói.
Sáng hôm sau ra lao động, anh không mang thêm
cái gì để ra ăn buổi trưa. Anh không biết phải làm sao với gói quà mà anh đã
nhận. Anh cảm thấy mình giống như một thằng ăn trộm, oa trữ đồ gian. Không biết
phải giải quyết thế nào cho ổn thỏa đây. Mấy năm trời đói khát, thèm ăn. Chụp
được một con dế, con cóc thì xem như được một bữa tiệc lớn. Thế mà khi nhận quà
có thịt chà bông, cá khô, muối sả ớt v.v.... anh lại sờ sợ. Lương tâm ư? Làm gì
có thứ nầy ở đây. Anh không biết phải diễn tả thế nào tâm trạng của anh lúc ấy.
Vì đụng vào đó, anh thấy mình như bị phạm tội. Buổi trưa, anh ra nhận cơm với
vài cọng rau muống, nước muối. Anh lại thèm các thứ mà mình đang giữ. Sự thèm
khát lại bắt đầu dằn vặt, hành hạ anh. Anh không thể nào chống lại nổi sự đòi
hỏi hợp lý nầy. Thôi thì tới đâu hay tới đó.
Ngày hôm sau anh mang tí ti đồ ăn theo, chia cho
một số bạn cùng cảnh ngộ với anh, nghĩa là thuộc dạng mồ côi, không có ai thăm
viếng hay gửi quà. Họ ăn một cách ngon lành. Anh ăn cũng ngon miệng nhưng khi
ăn xong, anh thấy nghèn nghẹn. Mấy ngày đầu anh mang tâm trạng nầy, nhưng dần
dần về sau nguôi ngoai. Hình như sự phạm tội thường xuyên, ít bị lương tâm cắn
rứt hơn là phạm tội một đôi lần.
Vài ba tháng sau đó, anh được trại cho phép viết
thư về gia đình. Đây là một điều khó khăn cho anh. Gửi thư cho vợ hay gửi cho
chị Lê Thị Hồng? Gửi cho vợ thì bao nhiêu cái vẫn biệt vô âm tín, còn gửi cho
chị Lê Thị Hồng, thì biết nói sao cho chị hiểu là anh không phải là chồng chị
ta. Nếu thư không bị kiểm duyệt thì chuyện nầy dễ nói. Còn thư tù như anh thì
qua biết bao nhiêu cửa ải. Biết đâu khi cán bộ kiểm duyệt phát giác chuyện nầy
sẽ tống cổ anh vô cùm. Cái tội mạo nhận ẩu để lãnh đồ thăm nuôi. Một lần cũng
là mang tội, mà cái tội nầy bạn bè biết được thì khinh khi lắm. Nhưng mọi
chuyện đã lỡ rồi, đành phải theo lao vậy. Anh đánh liều viết theo cái kiểu
người chồng viết cho vợ.
"Hồng em,
Cám ơn em rất nhiều về gói quà vừa rồi em gửi
cho. Em đừng lo gì cho anh nữa, ở đây anh được nhà nước cách mạng lo cho đầy
đủ, ăn uống không thiếu. Em yên tâm để dành lo cho các con. Em ở nhà cố gắng
dạy dỗ các con nên người, cố gắng chấp hành chính sách và pháp luật của nhà
nước cách mạng.
Nhờ ơn cách mạng, nhờ ánh sáng soi đường, nhờ
chính sách khoan hồng của nhà nước ta. Anh học tập đã hiểu thế nào con đường
lầm lẫn của mình trước đây. Anh đã ăn năn hối cải và mong sao sau khi được
khoan hồng trở về với gia đình, anh sẽ làm lại cuộc đời tốt hơn. Đừng lầm lẫn
đi theo con đường cũ nữa, phải sống hòa đồng với nhân dân và tuân thủ pháp luật
nhà nước..
Nhắc lại cho em rõ, đừng gửi quà cho anh nữa. Ở
đây anh ăn uống rất đầy đủ, hãy dành dụm cho con, lo cho tương lai các con.
Cầu chúc em và các con khỏe mạnh.
Chồng em
Nguyễn Hữu"
Anh nhắc lại hai lần chữ "lầm lẫn", để
chị Hồng biết đoán ra mọi sự, không dám viết đi viết lại nhiều lần, sợ cán bộ
trại nghi ngờ. Hai ngày sau, văn phòng trại gọi anh lên làm việc. Anh điếng
hồn, không biết chuyện gì xẩy ra. Có lẽ vì mấy chữ lầm lẫn đó sao? Người kiểm
duyệt sao thông minh quá vậy. Anh vừa đi, vừa tìm cách chạy tội. Nhưng không
nghĩ ra cách nào giải thích, anh đổ liều, cứ chối đại ra sao thì ra. Mỗi lần
gọi người nào một cách bất thần như vậy, là người đó có vi phạm điều gì. Các
bạn tù cùng phòng lo lắng cho anh.
Anh bước vào phòng cán bộ quản giáo, đầy lo âu
và không biết chuyện lành dữ ra sao. Người công an chấp cung ngồi trước lá thư
của anh viết cho chị Hồng. Anh ta tươi cười mời anh ngồi đối diện, rút trong
túi gói thuốc lá mời anh. Một thái độ thân thiện lạ lùng. Anh rút một điếu và
chậm rãi hút. Người cán bộ nhìn anh nói: "Trong trại nầy, ai viết thư về
cho gia đình cũng xin cái nầy cái nọ. Riêng anh thì không, lại bảo chị đừng gửi
gì cả. Cũng lạ thật. Anh thật sự không thấy cần thiết sao?"
Anh lắc đầu: "Nhiều năm không được thăm
nuôi, quen rồi. Hơn nữa gia đình tôi cũng nghèo. Vợ tôi lo cho các cháu đủ mệt.
Lo thêm cho tôi, kiệt sức mất. "
"Anh nghĩ vậy cũng đúng. Các anh ngày trước
sung sướng quen rồi, không quen chịu cực khổ. Mới có vài năm đã thấy thèm khát
đủ thứ. Chúng tôi mấy chục năm đánh giặc. Ăn uống kham khổ. Không hề hé
răng."
Người cán bộ nói tiếp: " Chúng tôi có bỏ
đói các anh đâu. Nuôi ăn đầy đủ đấy chứ. Chúng tôi cũng muốn cho các anh về với
gia đình. Nghẹt vì các anh chưa thông suốt chính sách cách mạng, nên chúng tôi
phải tạm giữ thêm một thời gian nữa."
Anh ấp úng: "Vâng, thưa cán bộ."
Người cán bộ nhìn thẳng vào mặt anh, trịnh trọng
nói: " Thay mặt Quản Giáo trại, tôi biểu dương tinh thần ý thức của anh.
Thư anh gửi có giá trị thuyết phục. Anh là trại viên gương mẫu, sẽ được Ban
Quản Giáo Trại đề bạt để anh được về sớm với gia đình."
Mấy thằng làm ăng-ten, cũng nghe cái lời hứa cho
về sớm. Nên chúng nó ra sức kiếm điểm, mà có thấy thằng nào được về trước đâu.
Anh cười thầm trong bụng với cái chiêu dụ nầy.
Người cán bộ tiễn anh ra cửa và bắt tay thân
thiện. Anh hú hồn, thoát được sự căng thẳng. Anh về chỗ nằm. Mấy người bạn tới
hỏi thăm tin tức về chuyện nầy. Anh trả lời với họ là bị cán bộ cảnh cáo, vì lá
thư viết không đúng tiêu chuẩn. Anh nghĩ thế nào rồi câu chuyện nầy cũng đổ bể.
Rồi cũng sẽ đi cùm vài tháng, với cái tội mạo nhận ẩu để lấy quà gửi. Chị Hồng
thế nào cũng nhận ra nét chữ, và chữ ký của anh, không phải của chồng. Không
cần mấy chữ "lầm lẫn" kia, chị Hồng cũng hiểu hết mọi sự là chồng chị
đã chết.
Ngày nầy qua tháng khác, anh vẫn lao động đều
đặn. Anh vẫn yên tâm là mình trở lại với vị trí mồ côi muôn thuở. Anh không còn
hy vọng có ai đó ngó ngàng tới để gửi cho chút quà thăm nuôi. Người ta có gia
đình gửi quà. Người ta có quyền tưởng tượng các món ăn để vỗ an cho cái dạ
dày.. Vì thế nào có ngày cũng được thăm nuôi, món ăn mình ao ước sẽ được người
nhà mang đến. Còn anh chỉ ăn hàm thụ các món đó thôi. Cũng không sao nghĩ ra,
cái đói khát triền miên, đã làm cho anh chai lì mọi ao ước. Thần kinh tê liệt
và suy sụp đến tận cùng.
Nhận quà thăm nuôi bằng bưu điện lại có tên anh.
Lại thêm một lần ngạc nhiên. Lần trước anh không dám mở gói quà, vì biết đó
không phải là quà của mình. Không dám đọc thư vì biết thư đó không viết cho
mình. Lần nầy thì ngược lại. Về đến chỗ nằm thì anh xáo tung để tìm lá thư ra
đọc. Thư viết cũng thắm thiết như lần trước, không hề đá động gì sự lầm lẫn mà
anh đã nhấn mạnh. Nét chữ cứng cỏi thể hiện người viết có học thức, thế mà tại
sao không biết mọi sự lầm lẫn đó. Trong thư nầy chị Hồng lại hiểu sai vấn đề,
nghĩ rằng vì mấy năm không nhận quà thăm nuôi, nên anh giận dỗi. Biết làm sao
đây, khi mà anh không có khả năng bày tỏ tự sự. Mặc kệ, cứ thản nhiên mọi
chuyện, cứ ăn cho sướng. Phó mặc mọi chuyện cho trời đất. Anh đổ ra cáu kỉnh và
lì lợm. Hình như anh muốn tạo ra tình huống nầy, để dễ dàng nuốt trôi mấy miếng
thực phẩm thăm nuôi, mà không thẹn với lương tâm.
Mỗi lần sực nhớ lại chuyện quà cáp, anh vội vàng
xua đuổi ngay. Nhủ với lòng mình như vậy, nhưng dễ gì quên được điều đó. Mỗi
đêm, khi cơn đói hành hạ, các món ăn trong trí tưởng tượng tuôn ra, là hình ảnh
chị Hồng lại hiện lên. Đẹp hay xấu lúc nầy đối với anh chẳng cần thiết, nhưng
tấm lòng thương chồng của chị đã làm cho anh cảm phục. Thực sự, anh thương hại
cho hoàn cảnh côi cút của chị và mấy đứa con. Sống giữa sự khó khăn chung của
xã hội, nuôi mấy miệng ăn cũng thấy khó lắm rồi, đừng nghĩ gì xa xôi hơn như
chuyện thăm nuôi chồng. Tệ hại hơn nữa, đây không phải là chồng của mình.
Mọi chuyện vẫn bình thường, ngày nầy qua ngày
khác trong trại cải tạo. Anh vẫn sinh hoạt chung với các anh em. Bỗng nhiên một
ngày, sau khi đi lao động về, anh được loa phóng thanh gọi tên ra khu thăm
nuôi, có vợ là Lê Thị Hồng đến thăm. Lần nầy thì anh bối rối thật sự. Anh biết
sự gặp nhau nầy rất bẽ bàng và ngượng ngập. Mọi sự thật sẽ làm cho chị Hồng đau
khổ biết mấy. Với anh thì không sao, anh đã biết trước mọi chuyện, anh đã chuẩn
bị tinh thần. Dù gì thì anh cũng phải trả lại sự thật nầy. Anh không muốn nó cứ
mãi kéo dài, cứ mãi gây cho anh cảm giác phạm tội. Anh cố gắng diễn tả cho chị
ấy biết, anh không phải thứ lừa đảo để kiếm miếng ăn. Dù có chết anh cũng chấp
nhận, chứ không thể thuộc loài vô loại nầy. Anh nói nhiều, nhiều hơn nữa, để
cảm ơn, để chị tha thứ. Anh sợ một vài tháng bị cùm, sợ mất mấy miếng ăn, mà
phải để lại sự hiểu lầm trầm trọng. Để chị phải lặn lội khó nhọc, leo đèo vượt
suối, từ Sài Gòn ra tận nơi đây thăm một người mà không phải là chồng mình.
Người cán bộ phụ trách dẫn anh ra khu trại thăm
nuôi. Từ xa anh nhìn thấy người đàn bà đang ngồi nơi bàn chờ đợi. Tự nhiên anh
hồi hộp. Tự nhiên chân anh bước cảm thấy nặng nề. Rồi anh cũng bước tới chỗ chị
ngồi. Tim anh muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Anh e thẹn như con gái. Thấy xấu hổ
và hối hận. Chị Hồng nhìn anh rồi bật khóc. Chị khóc nức nở. Mặt cúi xuống bàn.
Tiếng khóc ấm ức như đang gặp sự bất trắc. Anh ngồi vào vị trí đối diện. Nước
mắt anh cũng chảy dài. Anh không nói được với chị câu gì. Những gì anh đã chuẩn
bị bay đi đâu cả. Người cán bộ ngồi ở đầu bàn kiểm soát thấy hai người cứ khóc
mãi.. Có lẽ anh ta nghĩ rằng vì vợ chồng lâu ngày xa nhau, thương nhớ chồng
chất lâu ngày, để họ khóc cho đã nư. Anh ta cũng chẳng cần để ý tới họ. Anh ta
vừa đứng dậy đi ra cửa sổ khạc nhổ, anh chụp ngay cơ hội nói với chị: "Xin
lỗi...xin lỗi chị".
Chị ngẩng mặt lên đưa ngón tay giữa miệng, ngụ ý
cho anh biết đừng nói gì thêm. Anh thở dài. Tiếng thở của anh nghe rất não
nuột. Nhưng trong tiếng thở ấy, như hàm chứa tất cả những gì anh đã chuẩn bị
nói ra với chị. Chị lau nước mắt nhìn anh, rồi ấp úng hỏi anh những câu về sức
khỏe, những lời khuyên cố gắng học tập tốt để về với gia đình, cho vừa lòng cán
bộ kiểm soát. Chị cũng bịa ra những chuyện là con cái vẫn đi học bình thường,
cha mẹ khỏe mạnh, tất cả gia đình, dòng họ, trông anh mau về sớm. Anh chỉ gật
đầu mà không thốt được lời nào. Chị khóc chiếm hầu hết thời gian thăm nuôi. Hơn
ai hết, anh hiểu tiếng khóc của chị. Mọi hy vọng gặp lại chồng xem như hoàn
toàn không còn nữa. Chị khóc cho số phận hẩm hiu của mình, thương cho phần số
ngắn ngủi của chồng.
Cán bộ báo cho biết giờ thăm nuôi chấm dứt. Chị
đưa tay nắm lấy tay anh. Anh đưa hai bàn tay ra ôm lấy tay chị. Tự nhiên, không
biết tại sao anh bật khóc lớn. Có lẽ anh thấy tủi thân. Anh thấy lòng thương
hại của chị dành cho anh, đây là lần cuối. Làm sao anh đòi hỏi gì hơn, với
người đàn bà không phải là vợ mình. Khóc cho mình, mà cũng thương cho chị lặn
lội đường xa tìm chồng. Chị lủi thủi trở về với niềm tuyệt vọng. Rồi anh chị
chia tay. Anh gánh phần quà của chị mang tới cho anh, vào trại. Chị đứng dựa
vào cột tre nhìn theo. Thỉnh thoảng anh quay đầu ngó lại, lần nào chị cũng đưa
tay lên vẫy chào. Mọi người trong trại từ xa nhìn thấy cảnh nầy. Ai cũng thông
cảm cho cảnh vợ chồng khắng khít, bây giờ phải lìa xa.
Anh gánh vào tới phạm vi giam giữ, thì các bạn
anh chạy ra phụ mang đồ về phòng. Anh đứng lại nhìn ra khu thăm nuôi, đưa tay
vẫy chào chị cho đến khi chị ra khỏi cổng trại khuất dạng. Anh lầm lũi về chỗ
nằm. Đồ đạc còn để lăn lóc dưới đất. Anh chẳng màng sắp xếp. Anh vẫn chưa kịp
định thần lại. Những giây phút thật bất ngờ đến với anh nhanh quá. Suốt trong
nửa giờ gặp nhau, anh chỉ nói ra được hai tiếng xin lỗi. Màn kịch do chị diễn
ra thật xuất sắc, xuất sắc đến nỗi anh là người trong cuộc, vẫn cảm thấy rất tự
nhiên không ngượng ngịu. Không sao hiểu nổi được lòng chị.
Ngồi nhớ lại cảnh gặp gỡ, khi chị ngước mắt lên
nhìn anh. Khuôn mặt chị thật đẹp, đôi mắt thật hiền từ. Anh nghĩ chị cũng đã
biết trong mấy lá thư gửi về, không phải là thư của chồng. Thế nhưng chị vẫn hy
vọng, mong manh hy vọng. Trong mong manh đó chị đổi một giá cho sự phũ phàng,
cay đắng. Có lẽ khi nhận thư hồi âm, sau khi đọc, chị thấy thương hại cho anh,
thông cảm nỗi thống khổ của anh. Chị quyết định tiếp tục liên hệ với anh, giúp
đỡ anh. Khi ra thăm nuôi, chị vẫn biết anh không phải là chồng, nhưng chị vẫn
đi. Để xác định rõ ràng, khi gặp anh tức là chồng chị đã chết. Nghiệt ngã thật.
Chị bật khóc, vì thương cho chồng thì ít, mà lại thương anh nhiều hơn. Sống một
đời tù tội, lao khổ, bị gia đình bỏ rơi. Dù sao chồng nằm xuống cũng đã lâu,
nước mắt của chị đã bao năm khóc cho chồng, bây giờ đã khô cạn. Gặp anh trong
một hoàn cảnh thật bi thương, sống giữa một trại tù vô cùng cực khổ, không tin
tức gia đình vợ con. Anh đang chơi vơi giữa tận cùng khổ đau, dày xéo trên thân
thể những vết hằn tủi nhục. Nước mắt của chị trào ra, khi ngước mắt trông thấy
một con người thân thể vừa tiều tụy, vừa đờ đẫn, đang đứng đối diện..
Đêm nay anh nằm đây, nghĩ lại cái cảnh chị lầm
lũi bước lên tàu trở về Sài Gòn. Con tàu chạy vùn vụt trong đêm tối. Chỉ còn
một mình chị thức, nhìn ra bên ngoài với sự trống vắng. Chị ôm một nỗi buồn sâu
lắng. Đất nước đang trải qua một cơn sốt kinh khủng, đày đọa biết bao người lâm
vào cảnh khốn cùng. Chị nghĩ sao về anh? Chị có còn giữ liên lạc với anh
không?... Dù sau nầy thế nào, dù có giữ liên lạc hay cắt đứt, ơn nầy với anh
suốt đời không quên được. Anh hứa với lòng mình, sau khi được trở về, anh sẽ
tìm thăm chị. Sẽ nói với chị thật nhiều, cám ơn chị thật nhiều. Thay cho lần
gặp gỡ trong trại không nói được.
Anh thấy trên con tàu trở về kia, chỉ có mỗi một
mình chị. Còn tất cả đều nhạt nhòa. Một mình chị thôi, chứa trên đó nỗi đoạn
trường, bất hạnh của một đời người. Nhưng thật vô cùng quý báu của một tấm
lòng. Tội nghiệp chị, con tàu đang chở chị lao vào màn đêm, xé tan bóng tối và
lạnh lẽo.
Phan Xuân Sinh
304Đen –
llttm - Hội quán Phi Dũng - BCT
No comments:
Post a Comment