Sunday, June 30, 2024

Bao Giờ Trở Lại Gò Dầu Hạ - Thuyên Huy

 Bao Giờ Trở Lại Gò Dầu Hạ

Viết cho Quỳnh Anh, em tôi









Bao giờ trở lại Gò Dầu Hạ

Qua ngỏ trúc thu nắng Trâm Vàng

Hỏi cô tiệm sách chợ ba ngã

Còn ở đó hay đã sang ngang

 

Đón xe lam qua Gò Dầu Thượng

Ngồi dưới hàng thốt nốt Trà Cao

Tìm lại bạn xưa chờ gió chướng

Thương chim chiều lẻ bạn gọi nhau

 

Xuống chợ bên sông quê Vàm Cỏ

Thăm cô chủ quán nước ngày xưa

Có còn ưa cài hoa phượng đỏ

Đứng ngoài hiên chờ hạ sang mùa

 

Trên cầu nhìn bông điên điển nở

Nhớ màu thu vàng áo người xưa

Tình dù đã xa nhưng tình nhớ

Bâng khuâng buồn nuối tiếc giấc mơ

 

Nhớ chiều muộn ra ngã ba quận

Nơi đám người chờ khách xe lôi

Nghe chuyện họ một đời lận đận

Một đời chỉ có thế mà thôi

 

Ghé thăm góc đường vương bụi đỏ

Con đường đi Thạnh Phước Khiêm Hanh

Căn nhà có cô con gái nhỏ

Tan trường về theo sau có anh

 

Bao giờ trở lại Gò Dầu Hạ

Thạnh Lâm còn đó ngôi chùa xưa

Rong rêu mái phủ màu lá mạ

Nghe lòng thanh thản tiếng chuông đưa

 

Thuyên Huy

Cũng vẫn người xứ lạ 2024

 

 

 

 

 

 

Mộng Đêm Trăng - Quỳnh Hoa

 

MỘNG ĐÊM TRĂNG



















Đêm nay trăng đến thật gần
Chen chân cùng với muôn vàn vì sao
Đêm trăng huyền ảo ngọt ngào
Mặc cho băng giá tuyết rơi lạnh lùng
Trăng tròn mộng tựa bờ môi
Ngắm trăng em thấy hồn mình chơi vơi
Đêm nay trăng sáng tuyệt vời
Xin mời người nhẹ bước cùng thuyền mơ
Cùng em họa một bài thơ
Ân tình xin hãy làm vần trao nhau
Đây giấy bút là vùng trời tuyết giá
Hàng thông reo vi vút giữa muà đông
Mây trời gió lạnh căm căm
Là vần điệu cho hồn thơ ngây ngất
Lòng bồi hồi khép đôi môi bờ mắt
Ngỡ cùng người lạc đến chốn thần tiên
Rồi một thoáng mơ màng em tỉnh giấc
Bắt bóng mình lặng lẽ dưới trăng khuya
Ngoài song cửa đêm về thanh vắng quá
Ru hồn em vào giấc mộng trăng vàng

Quỳnh Hoa – Đông Chí 22/12/99

Hoa Thiên Lý Và Rau Bí Luộc - Vũ Thế Thành

 

HOA THIÊN LÝ VÀ RAU BÍ LUỘC




 

Trong tập truyện ngắn Hoa thiên lý của Duyên Anh, tôi thích nhất truyện Con sáo của em tôi, bây giờ đọc lại vẫn thích. Hồi chín, mười tuổi, truyện ngắn này làm tôi rơi nước mắt.

Vũ Thế Thành

 

Nhưng Hoa thiên lý mới là truyện ngắn đầu tiên của Duyên Anh, viết năm 1960. Hai năm sau, ông tập hợp thêm nhiều truyện ngắn khác để xuất bản, mang tên tập truyện Hoa thiên lý. Tôi bắt đầu đọc Duyên Anh từ tập truyện này.

Chắc phải có lý do nào đó mà Hoa thiên lý mới được Duyên Anh chọn để làm tựa đề cho cả tập truyện đầu tay của ông.

Hồi đó, đọc Hoa thiên lý tôi thấy văn phong nhẹ nhàng, nhưng câu chuyện lại không để lại trong đầu tôi một chút ấn tượng nào. Cậu bé Duyên Anh không thích giàn thiên lý vì không phải là cây để leo trèo, không có trái để hái ăn. Nhưng mẹ ông yêu hoa thiên lý, ông miễn cưỡng yêu theo.

Mẹ ông tự tay trồng và chăm sóc giàn thiên lý. Bà trồng ở quê nhà khi còn con gái, theo chồng lên vùng rừng núi hoang vắng cũng trồng. Không chỉ trồng thiên lý để hái hoa nấu canh cua đồng cho các con ăn mà còn thủ thỉ kể chuyện cho con nghe dưới giàn hoa lý… Sau này, bà dạy Duyên Anh làm thơ, rồi kể chuyện đời của bà cũng ở dưới giàn hoa đó. Chuyện đời của một thiếu nữ nhà quê gá duyên cùng chàng trai ôm mộng hải hồ, chỉ biết ru con chờ chồng bên giàn hoa thiên lý.

Duyên Anh lớn lên cũng mộng hải hồ như cha. Mẹ ông đứng bên giàn hoa lý chờ chồng, và bây giờ chờ con. Xa nhà, đời bầm dập, ông mới bắt đầu biết yêu hoa thiên lý. Hồi ức của đứa con xa mẹ nhớ về giàn hoa thiên lý quê nhà được Duyên Anh thuật lại bằng giọng văn buồn buồn, phẳng như mặt nước.

Duyên Anh viết nhiều, viết dễ như hát nhạc vàng, chưa kể ông còn viết nhạc, làm thơ. Nhạc thì tôi chưa nghe, nhưng thơ Duyên Anh hay không kém gì truyện, lại có phần hay hơn vì cô đọng.

Các truyện dài về đời sống giang hồ, du đãng nơi phố thị của Duyên Anh như Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Ảo vọng tuổi trẻ… đã một thời lôi cuốn, tôi đọc mê mệt. Sau này, tôi không thích nữa, dù không phủ nhận những tác phẩm đó đầy tính hiện thực, vẽ ra được bức tranh của xã hội miền Nam một thời, nhưng hơi cường điệu và xen lẫn cả chút mộng mơ phi hiện thực quá mức.

Nhưng truyện tuổi thơ của Duyên Anh thì không thể chê được. Tôi đọc không sót quyển nào. Những Thằng Vũ, Bồn Lừa, Chương Còm, Dzũng Đa Kao, thằng Côn, con Thúy… Lại còn món bánh đa riêu cua ở làng quê Thái Bình của ông mà tôi không nhớ trong truyện nào đó, Duyên Anh đã tả. Đọc phát thèm, phải tìm ăn cho bằng được. Sài Gòn làm gì có bánh đa cua, chỉ có bún riêu cua, hoặc canh bún riêu! Mãi tới năm 2000, ra Hải Phòng, tôi mới được nếm mùi bánh đa riêu cua ở quán vỉa hè, đối diện với công viên gì đó (quên tên). Thấy lạ, và ngon, nhưng vẫn chưa nguôi được bánh đa riêu cua Thái Bình của Duyên Anh, mà tôi nghĩ chắc phải ngon hơn, ông tả nghe mê quá mà… Hơn nửa thế kỷ sau, dù vẫn chưa được nếm mùi bánh đa cua Thái Bình, người đọc như tôi vẫn còn thèm trong ký ức, thì đủ hiểu Duyên Anh có tài mô tả ẩm thực thế nào.

Tôi chưa thấy hoa thiên lý, không hình dung được giàn hoa đó ra sao, nhưng hễ ai nói tới hoa thiên lý, tôi lại nhớ tới giàn bí xanh. Mẹ tôi thích ăn rau bí luộc chấm nước mắm, ăn năm này tháng nọ không chán. Tôi không thích rau bí, xác xơ có gì đáng ngon để ăn đâu, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn mua chai nước mắm ngon làm quà cho mẹ tôi. Bà thích lắm. Món ăn trân quý của bà già nhà quê nơi phố thị là thế. Cả đời là thế…

Duyên Anh nhớ mẹ, viết truyện ngắn đầu tay Hoa thiên lý trong cảnh bần hàn, dưới chân cầu Tân Thuận. Mẹ tôi mất đầu năm 2011. Mùa Vu Lan năm đó, tôi ngồi bệt dưới đất viết bài Những thằng già nhớ mẹ trên chiếc bàn nhỏ ở Đà Lạt. Nước mắt trên bàn phím! Đó là tùy bút đầu tiên trong đời tôi.

Ở tuổi xế chiều đọc lại Hoa thiên lý, tôi thấm từng câu từng chữ. Tôi bắt đầu biết yêu rau bí luộc. Tôi trồng giàn bí ở sân thượng. Tôi biết nhận ra, rau bí luộc chấm nước mắm rất ngon. Cái ngon từ ký ức muộn màng.

 

Vũ Thế Thành (trích “Những thằng già nhớ Mẹ”, tái bản 2022)

304Đen – LLttm - sgtc

 

Mưa Bụi - Mường Mán

 

 

MƯA BỤI





Không khí se lạnh. Ngọn đèn dưới hiên phả thứ ánh sáng ảo dịu xuống sáu người ngồi quanh mặt bàn tròn thấp. Năm nam và một nữ. Chai rượu đế làng Chuồn lưng nửa, đĩa hàu luộc còn đầy. Cạn ly xong, Hoàng lảng mắt ra vườn cây nặng trĩu bóng chiều và mưa hờ hững nói:

- Nào, hát đi Ngọc Yến B.

- Ngọc Yến Bê à, tên gì nghe ngộ vậy? - Luân buột thốt, nhìn chăm chăm cô gái ngã người trên lưng ghế mây, mắt lim dim cơ hồ thả hồn lạc tận đâu. Vẻ mặt nửa ngờ của Luân khiến éĩnh bật cười:

- Không phải nhan sắc này họ Ngọc tên Bê đâu ngốc ạ, cô nàng có giọng hát na ná nữ ca sĩ Ngọc Yến nên được thiên hạ ở đây tặng cho quái danh ấy, B, bờ chứ không phải bờ ê Bê.

Cả bọn cười rộ, Xuyến mở choàng mắt, làu bàu:

- Cả tỉ lần em nói với các người em hát không giống ai, chỉ giống em thôi, sao ưa gán ghép hoài vậy? Ưu tiên kẻ mới từ xa về, anh Luân thích em hát bài gì nào?

- Bài gì cô thích.

Luân dè dặt. Xuyến chơm chớp mắt:

- Hôm ở nhà anh Thái không có mặt em nhưng nghe kể anh đã yêu cầu chị Hằng hát "Diễm xưa", cái bài mỗi lúc nghe anh thường... nổi da gà phải không?

- Đúng thôi! - Luân đỏ mặt dù mặt đã đỏ sẵn vì rượu - Nhưng hôm ấy nghe Hằng hát tôi lại... toát mồ hôi hột, bởi chợt nhận ra mình không còn trẻ lắm nữa, cái thằng học trò khờ khạo thuở xa xưa đã ly dị vĩnh viễn, bỏ mình mà đi mất rồi.

Đoạn Luân kể vào cái thuở xa xưa nọ có cậu học trò trường cao đẳng mỹ thuật yêu một cô sinh viên y khoa, mỗi ngày đưa đón nhau trên bến đò Thừa Phủ, cùng tham gia phong trào học sinh sinh viên tranh đấu... Ngỡ tình nồng đến trăm năm, nhưng rồi vào một buổi chiều thu mưa gặp nhau ở bến đò, nàng bỗng "ân cần" gỡ chiếc cặp tóc đồi mồi chàng vừa tặng mấy hôm trước trả lại, "âu yếm" thỏ thẻ rằng lòng nàng đã khác, đã "lỡ dại" yêu, và nhận lời cầu hôn của một anh phi công mất rồi. Buồn rầu, tức tưởi, chàng ném chiếc kẹp vô duyên ấy xuống bến sông, lững thững qua phố, vào một quán cà phê vắng ngắt, tình cờ nghe Diễm xưa của Trịnh Công Sơn phát từ quầy, dỗ lòng nguôi ngoai bằng năm tách càphê đen không đường, yêu cầu bà chủ quán tốt bụng cho nghe lui tới bài hát cả chục lần và từ đó, ở bất cứ không gian, thời gian nào hễ nghe Diễm xưa chàng lại không thể không nhớ mối tình non yểu ấy.

Giọng kể tưng tửng, chẳng mấy hào hứng của Luân làm kẻ tin người ngờ. Dẫu vậy, Ngọc Yến B vẫn cất tiếng hát đầm ấm, du dương với cây ghi-ta thùng cũ sờn ôm trên lòng.

Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp cổ.
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua.

Gương mặt đẹp vốn trắng xanh thoáng hồng vì men rượu, người hát chìm đắm vào giọng nhạc non mềm yếu tựa chiếc lá mỏng manh, vẫn ngồi mà như trôi theo dòng. Điều khiến Luân kinh ngạc, lúc ngẩng ngước, mắt nàng nhòa lệ.

Những gương mặt vây quanh cơ hồ vụt chao mờ đi sau màn sương mỏng mịn. Thứ sương khói không hẳn của hoài niệm. Đĩnh tóc muối nhiều hơn tiêu, nhà thơ lâu nay cất kỹ thơ trong ký ức và những cuốn tập, thi thoảng mới bốc hứng đọc đôi ba bài cho bạn bè nghe trong những cuộc nhậu, cởi mở, hào phóng. Thái sau thời gian dài đỡ khá nhiều đòn "hữu chiêu" lẫn "vô chiêu" ở một cơ quan văn hóa thấm mệt, đành hưu non, trở thành phóng viên báo chí lặng lẽ, sâu lắng. Hoàng chủ quán càphê kiêm mánh mung chợ trời bỗ bã, vui tính. Tảo họa sĩ ngày mỗi phất nhờ nguồn tranh luôn được chiếu cố bởi những khách yêu tranh nước ngoài, cần kiệm, chừng mực. Những gương mặt suốt mười lăm năm ở Canada tít mù đôi khi thoáng nhớ Luân không thể mường tượng nổi mỗi người có thể tĩnh tại với cuộc sống của mình. Cuộc sống vào thời anh bỏ đi ai cũng ít nhiều lao đao, cái thời còn đậm dư âm cuộc chiến tranh đã qua, bè bạn đứa chết đã chết, đứa sống sót quay về, dẫu lằn ranh chia cách hai phía chiến trận đã xóa vẫn nhìn nhau qua những kính mầu nghi kỵ, giữ kẽ, thậm chí tị hiềm nhỏ nhen. Bây giờ thì đứa bon chen hồ như đã mỏi gối, đứa bị đá đau quên bớt đau, đứa thất chí lúc nào chẳng hay. Tất cả đều được thời gian lộng vào cái khung thanh thiên quá đát, thích trào lộng hơn tranh cãi, khoái nói cười văng mạng hơn trầm tư hiền triết... Và Xuyến, cô gái đến với cuộc đời muộn hơn cả bọn chừng hai chục năm lúc này lại có vẻ âu sầu hơn cả.

Nheo mắt ngắm nước mắt hoen má Xuyến một cách giễu cợt, éĩnh cười khề khà, nói ngay khi nàng vừa ngưng tiếng hát:

- Hóa ra không chỉ thằng Luân mà cả nhan sắc này cũng có những chiều ngồi ngắm mưa qua!

Và tiếng cười lẻ phụ họa. Xuyến tặng ông anh họ cái lườm mượt mà.

- Cảm ơn Ngọc Yến B. Luân nói, cầm chai rót đầy ly đưa Xuyến, nàng vui vẻ "cưa đôi" đoạn lật tay nhìn đồng hồ bảo có cái hẹn, ai muốn theo cứ việc tháp tùng. Đĩnh khoát tay:

- Dẫn thằng Luân theo cho hắn biết lễ độ với các hội nhóm quái đản ở xứ này.

- Đi đâu? - Luân bửng lửng. Xuyến nháy mắt:

- Một nơi rất... thú vị!

Cả bọn về hùa dốc Luân nên đi.

° ° °

Họ ra đường lúc chiều vừa chín rụng. éêm dâng ngợp. Phố lên đèn. Luân định gọi xích lô, Xuyến bảo:

- Trời đẹp, nên thả bộ. Giờ này trên thiên đường đang quét dọn gì đó làm bụi bay xuống trần thành mưa bụi, mình đi trong bụi kể như đi... bụi, anh thấy không?

Luân hít sâu hơi thuốc lá, ém khói xuống tận bụng rồi thở ra từ tốn:

- Trí tưởng tượng của cô giàu cỡ tỉ phú.

- Không dám đâu, triệu phú thôi!

Cả hai cùng cười. Dư vị bữa nhậu còn váng vất trong họ tí lửa, chưa say cũng chợt nghe giọng hơi bông bốc.

- Xuyến thường hát ở những cuộc đàn đúm như thế?

- Chỉ với bạn bè thôi, thỉnh thoảng anh Đĩnh lại rủ em tới bù khú, gọi là để quên đi phần nào em thường ngày.

- Em... à cô thường ngày thế nào?

- Đừng tò mò, rất có thể anh cho em không mấy đức hạnh, đức hạnh sao được khi chỉ mỗi mình con gái lại ngồi nốc rượu cười đùa hát hỏng giữa cả một xâu đàn ông thế kia!

- Sao lúc hát "Diễm xưa" cô lại khóc?

Xuyến cau mày, dấm dẳng:

- Anh hỏi cứ như là công tố viên lục vấn bị cáo trước tòa í. - Rồi nàng cười khúc khích: - Rất đơn giản, bởi vì em cũng là người phàm như anh.

- Người phàm! Luân thú vị lập lại, cười tiếng cụt:

- Nói một chút về cô đi Xuyến.

- Em hả? Biết nói sao về mình nhỉ? Anh thử hình dung một nhân viên mậu dịch bán các thứ tặng phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ trong Đại Nội xem. Ngoại trừ những lúc tiếp các đoàn du khách nội địa hay nước ngoài dẻo miệng xí xô xí xao lập lui tới mở mẩu quảng cáo đã mòn nhẵn hết sự bóng bẩy của ngôn từ, còn thừa khối thời gian để ngồi ngáp vặt hoặc đi lang thang khắp các ngõ ngách thành quách, và cứ ngỡ mình là nàng công chúa lạc loài, một cung phi bị quân vương quên để mắt tới. Thời còn ngồi trên ghế đại học em đâu ngờ có ngày lại phải giam mình vào nơi cung cấm kia. Còn anh, nghe nói sắp tới tính quay về đây ở luôn, tìm lại cây cọ vẽ đã đánh mất, bộ bên đó không vẽ được sao?

- Được, nhưng thiếu... không khí!

- Điên! Trong lúc em muốn bỏ nơi này mà đi. Đại Nội không chỉ ở chỗ kia đâu, em luôn có cảm tưởng từ lâu nó đã phình rộng ra choán cả thành phố, và mọi người cứ lẩn quẩn trong những bức thành cổ y hệt bầy kiến bám mãi cái tổ cũ kỹ của mình.

- Bậy!

Luân buông thõng, thoáng rùng mình không phải vì những điều nàng nói gợi cho anh chút liên tưởng nào mà bởi vì những âm sắc của giọng Huế bất chợt đụng vào nơi nào đó sâu kín trong tâm khảm. Chất giọng trải qua bao thăng trầm vẫn dịu dàng, đài các, đôi khi bén buốt đến nao lòng. Thận trọng ướm thử rồi Luân bạo dạn khoác tay cô gái, nửa đùa nửa thật.

- Lúc này công chúa có cảm thấy lạc loài không?

Nàng làm thinh, tặng anh cái liếc xéo sắc lạnh như mắt mèo. Ngang qua một góc phố vắng, đèn đường bị hỏng, tối mù. Xuyến bỗng níu Luân dừng lại dưới tán me, ngửa mặt thấp giọng.

- Hôn em đi, nếu anh thích.

Ngỡ ngàng, ngập ngừng, đoạn người đàn ông ôm hôn nàng. Môi vừa rời nhau Xuyến cười buồn:

- Cảm ơn, cái giống đàn ông các anh vớ vẩn, quỷ quái thật, nhưng không thể sống mà thiếu các người được.

Và, họ tiếp tục bước. Đêm thưa tiếng động, đèn đường soi qua mưa bụi tỏa ánh lù mù lên những mặt tường, mái phố ướt át. Gió chốc chốc luồn qua mọi khe hở len vào tận lòng thoáng se lạnh êm ả. Người đàn ông đốt thuốc gần như liên tục, và Xuyến ngậm tăm im lặng suốt lúc họ thả bộ qua cầu Trường Tiền, như thể chỉ cần mở miệng thốt ra lời nào tức khắc bị ngã tòm xuống sông.

Đến cái nơi Xuyến nửa đùa nửa thật bảo là Câu Lạc Bộ Những Người Mộng Du, Luân cảm thấy ấm cúng ngay khi thoạt bước qua ngưỡng cửa thấy khá đông người trong một căn phòng rộng. Tất cả đều ăn mặc đẹp, thậm chí rất chải chuốt và, dĩ nhiên không hề lệch một li thời trang. Thoáng nhìn những đôi nam nữ ngồi sánh vai bên nhau dễ lầm tưởng họ là vợ chồng, hồ như chẳng có ai lẻ bạn. Không khí sực nức mùi hội hè. Mọi người ồn ào chào đón Ngọc Yến B, tò mò ngắm nghía khách lạ. Xuyến lôi Luân đến một bàn trống, ấn vai anh ngồi xuống, cao giọng giới thiệu:

- Tối nay tình cờ gặp kẻ xa lạ này ở nhà anh Đĩnh, em bèn nhặt rồi bê ông ta tới đây, bạn rất thân của anh éĩnh gàn í!

Luân ngượng nghịu nhận những cái bắt tay nồng nhiệt của quý ông, và những nụ cười chào có duyên lẫn vô duyên của các quý bà.

Hoa, bia Huda, thức ăn bày biện trên bàn phủ khăn trắng nom sang trọng, đẹp mắt. Các thứ đã sẵn sàng, nhưng mãi đến lúc bà chủ nhà xuất hiện bữa tiệc mới bắt đầu.

Sang trọng, quý phái trong chiếc rốp dài mầu lam ngọc, tóc bới cao phô gương mặt trái xoan khéo điểm trang làm to thêm đôi mắt vốn to, nét môi mọng hường hẳn vốn cũng mọng hường từ thuở mới dậy thì, người đàn bà lượn ánh mắt mềm mượt khắp phòng, mủm mỉm cười, dịu dàng nói:

- Cảm ơn các bạn đã đến gần như đông đủ. Nào, xin mời tất cả cùng nâng ly kỷ niệm ngày ly hôn lần thứ hai của tôi.

Tiếng nàng nói hệt phát pháo lệnh làm nổ chuyển cả dây pháo, không khí lập tức thịnh hỉ tiếng cười nói, chạm li rôm rả. Luân thốt giật mình bởi thình lình Xuyến đập khẽ lên tay anh:

- Sao cứ nhìn người ta đắm đuối như bị hớp mất hồn vậy ông?

Cắt khóe nhìn khó tả soi mói hay ngây ngẩn khỏi bà chủ nhà, dọn vẻ mặt tỉnh tuồng khá nhanh, Luân vờ nhăn mặt:

- Quái, ngày ly hôn cũng bày đặt kỷ niệm.

- Ngày được trả lại tự do mà, nên lắm chứ, tại sao không? - Nghe giọng mình hơi xẵng, Xuyến cười:

- à mà... đại để mỗi tối thứ bảy họ đều gặp gỡ nhau theo kiểu luân phiên mang đồ ăn thức uống đến cùng góp vui, mỗi tuần phải viện lý do nào đó mới vui chứ!

- Bà ta đã ly hôn tới lần thứ hai? Thật hay đùa?

- Suỵt, lại tò mò.

Câu chuyện bị cắt ngang vì ông khách trung niên có bộ ria mép khá bảnh ngồi đối diện trịnh trọng nâng ly bia ngang mày, tươi cười mời Luân.

Tương tự mọi cuộc vui khác, ăn uống, trò chuyện chán, họ chuyển sang "hệ" ngâm thơ, đàn hát, vài cặp dạn dĩ dìu nhau ra khiêu vũ trong cả biển vỗ tay tán thưởng. Một lúc nào đó Xuyến không còn ngồi bên Luân, nàng đi quanh các bàn hiến tặng tiếng hát hết mình như thể ngày mai không được hát nữa.

Tiệc tan trước nửa đêm. Chủ nhà đứng bên cửa thân mật, lưu luyến bắt tay từ biệt từng vị khách, ngoại trừ Luân, ai cũng nhận được một đóa hồng bạch - lấy từ những lọ hoa chưng trên bàn - do nàng tặng kèm nửa nụ cười duyên.

Ra đường, Luân ngạc nhiên thấy Xuyến lại lững thững bước đến sóng vai mình.

- ủa, Xuyến chưa về sao?

- Em vốn thích thả bộ, vả lại... Vừa nói nàng vừa đặt vào tay Luân chiếc cặp đồi mồi bảo khẽ: - Chị ấy gửi tặng anh, thay vì tặng hoa như những người khác, quà đặc biệt í!

Luân vụt ngỡ mình bị đẩy lọt thỏm vào tâm một cơn lốc quỷ tha ma bắt trong khi vẫn đứng yên. Năm ngón tay khô lạnh xiết chặt cái vật cũ kỹ tưởng như không bao giờ còn gặp lại. Nhìn vẻ mặt cực kỳ khó tả của người đàn ông, Xuyến bật cười thành tiếng:

- Em thấy đêm nay lúc nào anh cũng sẵn sàng trợn muốn rách cả khóe mắt diễn tả đủ mọi tư thế... ngạc nhiên. Có gì kinh khủng đâu, cái kẹp xấu xí này đúng là cái anh đã ném xuống bến sông ngày nọ, lúc anh thất thểu bước đi, chị cảm thấy nhẫn tâm nhưng không đủ can đảm gọi anh lại, bèn thuê mấy đứa nhỏ vạn đò mò nó lên và cất giữ đến tận bây giờ, rõ rồi chứ?

Nửa tin nửa ngờ, Luân ngắc ngứ nói:

- Quái, thế bao nhiêu năm nay...

- Lỡ yêu rồi nhận lời cầu hôn của một chàng phi công chỉ là chuyện phịa. Thật ra hồi ấy chị biết anh thuộc típ mơ mộng, lãng mạn kinh niên, tham gia hoạt động phong trào chỉ vì ham vui, nên chẳng dám rủ anh cùng bí mật lên Xanh rồi sau đó tập kết ra miền bắc. Nay thì công danh khá vững vàng, nhưng tình duyên toàn gặp bước không may, năm ngoái chị rời Hà Nội quay về sửa sang lại mảnh vườn hoa, căn nhà cũ của ông bà già...

- à ra thế. Tôi thấy họ đều rất tỉnh táo, lịch sự, vui vẻ sao cô dám bảo đó là Câu Lạc Bộ Những Người Mộng Du?

- Mộng du theo cách nói ác khẩu của anh Đĩnh gàn í. Anh ấy cho rằng mọi thành viên đến đó mong tìm thấy hạnh phúc chắp nối hay chắp vá đều là người đi trong lúc đang ngủ cả, rởm tuốt!

- Thế họ không phải là vợ chồng hay bồ bịch của nhau sao?

- Đa số đang tìm hiểu, thử bắt đầu lại sau một vài lần gãy đổ y như bà chủ nhà vậy.

- Ngộ thật, kể cả... cô?

- Em sắp ra tòa ly dị - Xuyến nói rành rọt sau chừng nửa phút e thẹn, ngập ngừng. Mỗi tuần em đến đó chung vui với họ để quên đi hoàn cảnh không vui của mình, mộng du vài khoảng khắc để rồi... Giờ thì chắc anh hiểu tại sao em lại khóc khi hát "Diễm xưa", mọi đổ vỡ hình như bao giờ cũng mang chung một tần số.

Chợt dường như cố nuốt nỗi nghẹn vừa dâng lên cổ, đoạn nàng tiếp tục giọng trút bầu:

- Cô bán hàng cho khách du lịch trong éại Nội dù đã có chồng vẫn ngỡ mình là cung phi bị quân vương quên lãng, những mong giũ bỏ cái ám ảnh bị tù túng trong những bức tường thành cô bèn bỏ việc đi làm tiếp viên nhà hàng, một hôm gặp một "hoàng tử" về từ nước ngoài như anh vậy, phải lòng rồi thầm lén ngoại tình. Nay "hoàng tử" quất ngựa tàu cau, đức ông chồng muốn nói với nàng bằng tay hơn bằng miệng, đành lôi nhau đến trước vành móng ngựa. Đơn giản quá phải không? Thôi muộn rồi, em về, chúc anh ngủ ngon!

Xuyến dợm quay gót. Thoáng hẫng. Luân níu vội tay nàng:

- Khoan đã, nếu không quá phiền lòng, tôi mời cô lên ga uống vài tuần trà. Trên ấy các hàng quán mở suốt đêm. Chậc, chả là tôi muốn nghe thêm về cô ấy. Xuyến cười:

- Hình như anh đang bị choáng? Thỉnh thoảng nhất là đêm nay anh nên bắt chước em mộng du một tí, lên đó đi, vừa uống trà, nghe có tàu hú gọi biệt ly, vừa trò chuyện với cái kỷ vật tình buồn của anh, hoặc quay lui đóng vai kẻ trộm lẻn vào nhà nàng để bị chó bẹc giê xé xác xin cứ tùy ý.

Chiếc hôn dưới tán me hồi đầu đêm vụt cháy lại trong tâm trí với đủ độ nồng lẫn độ ấm khiến người đàn ông nghe giọng mình bỗng hơi lạc đi một cách kỳ cục:

- Em... nỡ về thật sao?

Câu nói kèm ánh mắt nửa van lơn nửa mơn trớn làm Xuyến thoáng rùng mình, nhưng rồi nàng nói ráo hoảnh:

- Đến quán trà hay mặt nệm nào đó trong khách sạn? Đừng có dụ khỉ, em sáng mắt ra rồi anh ạ, kiếm một tấm chồng nội địa dù chắp vá vẫn đảm bảo hơn...

Nàng vụt quay đi, biến khuất sau màn sương dày mịt, âm vang lạnh lẽo của câu nói cơ hồ còn ong ong trong tai người đàn ông. Luân đứng sững nhìn chiếc bóng mình đổ dài trên mặt đường ánh ướt ngước nhìn, ngạc nhiên thấy trời đã thôi mưa...

° ° °

Đêm hôm ấy ngồi trầm tư trong một quán nước trước sân ga, thay vì uống trà anh đốt tiếp ngọn lửa hoài niệm trong mình bằng cách uống thêm vài cốc rượu. Mân mê, ngắm nhìn chiếc kẹp đồi mồi rồi Luân chợt phát hiện nó chẳng phải của mình như lời Xuyến "tự bạch". Trên lưng nó mang hai cái tên khắc chìm bằng dao khá vụng về. Nhưng không phải tên anh và nàng mà mang tên nàng và... Đĩnh.

Ngây người hệt bất thần nuốt phải gậy mất một lúc, Luân mới thốt nhớ dạo ấy hai đứa ở chung trong ký túc xá Nam Giao, sau một chuyến đi Nha Trang chơi, anh mang về hai cái kẹp tóc, éĩnh nằn nì xin một, gọi là để tặng người hắn ta ngày đêm thương thầm nhớ trộm nào đó. Buồn cười là bây giờ chiếc của hắn ta còn đây, chiếc của anh bị người ta chê đành xuống sông chải tóc Hà Bá từ dạo ấy.

Ôi, cái thuở học trò... Kinh thật, thằng Đĩnh bí mật đến thế là cùng, giấu tình kỹ hơn mèo giấu cứt. Phải đi vòng vèo "mộng du" ngoài hai mươi năm giờ mới biết hóa ra hai đứa cùng thờ chung một mối thất tình: Giờ hắn ra vẻ kinh bạc, coi nàng như đồ rởm nhưng biết đâu vẫn còn yêu nàng dữ dội!?

Chị chủ quán ngái ngủ ngồi giấu mình sau cái tủ thuốc lá lạ lùng thấy ông khách bỗng phát ra những tiếng cười lục khục nghe kỳ cục hết sức, bèn chắc bụng ông ta không khùng cũng say. Người bình thường thì đâu có ai nửa đêm ra quán ngồi mân mê mãi một cái kẹp tóc đồi mồi cổ lỗ sĩ rồi cười y hệt đười ươi như thế?

° ° °

Mảnh trăng liềm đính giữa nền trời sau cơn mưa nom mỏng manh hệt vệt bơ vàng quệt hững hờ trên nền giấy thẫm. ánh trăng dù yếu ớt vẫn góp chung ánh đèn đổ dài chiếc bóng người đàn bà trẻ trên mặt đường. Nàng thong thả đi về phía nhà ga như dạo chơi, nhưng thật ra trong lòng đang rối rắm lắm nỗi niềm.

Họ gặp nhau giữa ngã ba, dù thêm khăn trùm đầu và áo khoác Luân vẫn nhận ra Xuyến ngay khi hai người còn cách nhau cả chục thước. Như chưa hề chia tay, nàng cất tiếng trước:

- Bộ anh đi uống trà thật sao?

- Thật chứ.

- Đừng ngạc nhiên. Về nhà, gọi cửa mãi đức ông chồng mới mở, rồi thì cả một trận mưa đấm đá đổ xuống người, em cắn chặt răng không thèm thốt lấy một lời, không dưng chợt nhớ tới anh, bị thôi thúc bởi ý nghĩ có phải anh đang ngồi ở quán trà hay đang vui thú ở chỗ nào khác nên ra khỏi nhà. Khùng quá đi mất!

Tiếng nói nhỏ nhẹ nhanh chóng tan trong sương mù, Luân lại còn tưởng nó còn bám dai dẳng trên da mặt mình thứ cảm giác ghê gai. Người đàn ông thầm rủa mình vô tình, mãi đến lúc này mới thấy đôi má nàng tím bầm, và bên cánh mũi trái hằn vết cào rớm máu. Anh lảng mắt lên vòm cây cố giấu tiếng thở dài:

- Nếu không gặp tôi em sẽ đi đâu?

áng lặng đoạn Xuyến nói không quả quyết lắm:

- Ngồi ở một quán nào đó trên ga chờ sáng. Rất vui là anh đã không hề nói dối.

Đảo mắt về phía dốc Nam Giao rồi ngoảnh lại phía bờ sông. Luân tự hỏi nên rẽ đường nào? Một mặt nệm trên phòng ngủ quán trọ hay khách sạn sẽ rất tuyệt vời, nhưng nếu nhắc đến nó lúc này e đường đột, thậm chí nhẫn tâm. Như đọc thấy nỗi băn khoăn của anh, Xuyến mỉm cười.

- Về chỗ của em trong Đại Nội đi, dù nghỉ việc mấy tháng rồi, ông bảo vệ già vẫn chưa quên em đâu, có anh đi kèm ông sẽ cằn nhằn nhưng chỉ cần ít tiền lót tay là xong. Nào, mình qua bên kia sông nghe anh!

Thật hay đùa? ánh mắt nàng trong suốt đến không đọc được ý nghĩa khác thường nào vẩn lên trong ấy. Luân lập lờ:

- Gấp gì, trời còn đẹp lắm mà, cứ thả bộ như em vẫn thích, cứ nép sát vào anh cho đỡ lạnh.

Họ chầm chậm bưới dưới bóng râm những hàng cây. Đêm quạnh vắng, cả thế giới cơ hồ im ngủ, chỉ còn mỗi hai người thức, kéo lê những chiếc bóng qua mặt đất hoang vu. Người đàn ông lại đốt thuốc gần như liên tục, và Xuyến ngậm tăm im lặng. Đến giữa cầu Trường Tiền, nàng khẽ níu tay anh dừng lại, tháo khăn trùm cho tóc xõa bông trong gió, ngửa mặt thì thầm:

- Hôn em đi!

Môi vừa rời nhau, Xuyến chậm rãi buông rời từng tiếng:

- Cảm ơn! Cái giống đàn ông các anh thật đáng yêu, nhưng đã đến lúc em không cần đến các người nữa rồi. Chiếc kẹp đồi mồi của anh vẫn ở dưới ấy, có muốn em tìm hộ không?

Vẻ mặt bỗng tối sầm trong khi môi còn rạng nét cười huyễn hoặc, buồn rượi. Và, vào cái khoảng khắc ngắn ngủi ấy anh chưa kịp thốt nên lời thì nàng đã vụt quay người, buông mình xuống mặt sông tối đen.

Mường Mán

 

 

 

Thursday, June 27, 2024

Bóng Tà Huy - Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 149_VƯỜN THƠ MỚI

 Xướng:

Bóng tà huy

 



















Chiều tàn  tóc xõa  gió lay

Áo màu trinh nữ mây bay cuối trời

Lệ buồn nhỏ xuống tim côi

Trăng treo nửa mảnh chợt trôi bất thường

Mộng đời còn mãi tơ vương

Bóng người xa thẳm đoạn trường trong tôi

Biệt ly lòng những bồi hồi

Khung trời viễn mộng chia phôi khó về !


Nguyễn Cang  

June 17, 2024

Tà huy 斜暉 : bóng mặt trời ngã về phía tây

Đoạn trường 斷腸: cắt ruột 

 

Họa 1:

 

Hoài hương


Hàng cây đón gió lung lay,
Làn mây trắng mỏng nhẹ bay lưng trời.
Lạc đàn một cánh chim côi,
Năm dài tháng rộng đời trôi theo thường.
Tơ lòng mấy thuở còn vương
Con đò, bến nước, mái trường làng tôi.
Hè sang ngắm phượng bồi hồi,
Tâm tư nào dễ phai phôi lối về.

Minh Tâm

Họa 2:

 

Tình quê

 

Sương mờ gió nhẹ lung lay
Lam chiều khói quyện tung bay khắp trời
Nhà tranh nơi chốn đơn côi
Nắng vàng lơ lửng mây trôi bất thường
Tình quê phong cảnh vấn vương
Lam giang đoản khúc can trường tim tôi
Ra đi nhất quyết tái hồi
Chén thù chén tạc hàn phôi lúc về

 

PTL
June 17, 2024

 

Lam giang đoản khúc : 1 bài hát ngắn tên "Đoản khúc lam giang 短曲藍江" trong cổ nhạc do soạn giả Văn Giỏi sáng tác năm 1976. Bài ca diễn tả tâm trạng buồn, ngậm ngùi, nghe đứt ruột.
Can trường 
肝腸: ruột gan
Tái hồi 
再回: trở về lại
Chén thù: rượu chủ mời khách
Chén tạc: rượu khách mời chủ
Hàn phôi 
寒醅: rượu lọc

 

Họa 3:

 

Giấc mơ chiều



Đầu hè cơn gió nhẹ lay

Lá khô một chiếc lững bay giữa Trời

Thương cho cái kiếp mồ côi

Trần gian lẽ bóng nổi trôi vô thường

Chiều nay lòng chợt vấn vương 

Nhớ về chốn cũ dặm trường  quê tôi

Bên tai tiếng gọi liên hồi

Hồn thiêng sông núi pha phôi trở về

 

THT

 

Họa 4:

 

Mây Vương

 

Sóng yên gió lặng chẳng lay
Bao con én liệng tung bay giữa trời
Đôi khi cảm thấy đơn côi
Như dòng sông nhỏ nước trôi vô thường
Chiều tàn nhìn áng mây vương
Thương cha nhớ mẹ dặm trường quê tôi
Tâm tư thúc giục liên hồi
Ngăn sông cách núi pha phôi nẻo về

 

Hương Lệ Oanh VA

Họa 5:

 

Chiều buồn

 

Gió sông cành liễu nhẹ lay,
Cánh diều giỡn gió lượn bay lưng trời.
Chơi vơi tiếng sáo đơn côi,
Con thuyền buông lái êm trôi bình thường.
Tiếng hò tha thiết vấn vương,
Gợi sầu sâu thẳm tình trường của tôi.
Kêu sương tiếng vạc từng hồi,
Chiều buồn chậm bước phai phôi lối về.

 

Mỹ Ngọc

June 19, 2024.

 

Họa 6:

 

Tiếng chiều vang

 

Chiều vàng trước gió lắt lay

Em bên hiên ngắm nhạn bay lưng trời

Chạnh lòng nhớ cảnh đơn côi

Bao năm viển xứ nổi trôi vô thường

Nắng nghiêng bóng trải lòng vương

Nao nao dạ khắc miên trường riêng tôi

Vạc kêu sương giục từng hồi

Người ơi xin chớ pha phôi cùng về.

 

TQ

Jun 20, 2024

 

 

 

 

 

 

 

 

Tháng Sáu Trời Mưa - Nguyễn Cang

 THÁNG SÁU TRỜI MƯA

 














Tháng sáu mùa nầy nắng cháy da

Hoa Vàng Thung Lũng lửa lan ra

Đột nhiên gió thổi từng cơn lạnh

Mưa rớt bất ngờ khách hớt hơ

 

Đã mấy mùa, mưa nắng chóng qua

Còn đâu tình nghĩa thật chan hòa

Trần gian một cõi hoài tranh chấp

Man mác dòng đời mộng tưởng xa

 

Tháng sáu năm nầy mưa đến muộn

Ta còn đây giấc ngủ cô đơn

Chân lê bước mỏi, trên đường vắng

Nước mắt tràn mi khéo dỗi hờn

 

Mười mấy năm rồi vẫn ngược xuôi

Mà dòng đời cứ lặng lờ trôi

Người đi thương nhớ hồn ta dại

Bảng lảng trời chiều chiếc lá rơi

 

Mưa tháng sáu tràn con phố nhỏ

Giọt cô liêu rớt xuống đời tôi

Tình người xa xứ theo dòng nước

Kỷ niệm xưa, dào dạt chẳng nguôi

 

Khung trời viễn mộng chiều biền biệt

Tay nắm bàn tay luống nghẹn ngào

Giọt lệ nào con tim xúc động

Mưa trong đời giấc ngủ xanh xao

 

Ta chia tay chẳng hẹn ngày gặp

Năm tháng dài rồi cũng chóng phai

Trời tháng sáu mưa hoài chẳng dứt

Mưa đêm trường ướt mắt mi ai ?!!!

 

Nguyễn Cang ( Jun 27, 2024)

 

 

 

 

Chiều Quê & Đèn Khuya - Nguyễn Thị Châu

 CHIỀU QUÊ



 














Chiều quê êm ả cảnh hoàng hôn

Trời quê bàng bạc nắng chập chờn

Đáy nước soi hình mây lấp lánh

Cánh chim lạc lõng tiếng gọi đàn

 

Bâng khuâng đứng đợi hoàng hôn đến

Ngõ vắng bên nhà nhớ dáng ai?

Đường làng thấp thoáng, ai lẻ bóng?

Một mình đếm bước trên đường dài

 

Xa xa tiếng hát các  Mục đồng

Bầy Trâu nặng nhọc lội qua sông

Đàn Cò lặng hụp trên đồng vắng

Cất cánh bay về nẻo mênh mông

 

Hoàng hôn cảnh sắc ở giang đầu

Nhớ mái nhà tranh, cạnh bờ lau

Khói lam chiều tung bay khắp chốn

Chiều quê đẹp lắm, nay còn đâu…!!

 

 

26-6-2024

Nguyễn thị Châu

 

ĐÈN KHUYA

 

Hiu hắt đèn khuya ánh chập chờn

Trong căn nhà nhỏ thấy cô đơn

Lác đác ngoài sân đầy lá rụng

Xào xạc cành khô như dỗi hờn

 

Năm tháng buồn vương trên khoé mắt

Chỉ biết ngồi khêu ánh nến tàn

Đêm đến rồi tàn, thêm tâm sự

Thao thức đêm dài giọt sương tan

 

Canh thâu tiếng gió gõ từng giờ

Đánh thức ai về trong giấc mơ?

Tiếng gà gọi sáng như than thở

Trăng còn thao thức, ánh trăng mờ

 

Nỗi buồn đêm vắng ai có biết…

Ôm nỗi cô đơn đau đớn lòng

Hiu hắt đèn khuya theo năm tháng

Mãi mãi cô đơn, sống long đong….!!!

 

26-6-2024

Nguyễn thị Châu