Saturday, June 22, 2024

Bolero, Một Thời Yêu Dấu - Trần Hửu Ngư

 

BOLÉRO, MỘT THỜI YÊU DẤU

 

Ngày 5/12/2023, nhạc boléro của Cuba và Mexico được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôi viết bài này chỉ để mong cho boléro của Việt Nam ngày nào đó cũng có được sự vinh danh xứng đáng như di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Từ năm 1995, và tiếp theo những năm sau, đã có một vài nhạc sĩ, ca sĩ chửi rủa và gán ghép boléro là nhạc vàng, nhạc sến… rồi kéo theo một số người cũng “ăn có” mắng nhiếc boléro để được gọi là người “biết nghe nhạc”, “người sành điệu”, “người có học”…

Ngày ấy, tôi “một mình một ngựa” đứng ra binh vực boléro, là một trong những người đầu tiên sau 1975 “phỏng vấn qua thư” một số nhạc sĩ ở tận ngoài Bắc. Ngoài những bài đăng báo, tôi đã viết 6 cuốn sách về nhạc, trong đó đến 80% bài viết về boléro. Quyển đầu tiên “Tội nghiệp Boléro”, tôi mang bản thảo đi khắp các nhà xuất bản ở Sài Gòn nhưng không nơi nào chịu cấp phép vì họ không biết “Thằng Boléro là thằng nào mà tội nghiệp nó?”. Mãi đến năm 2005, tôi được Nhà xuất bản Văn Nghệ cấp phép. Tôi in mấy ngàn bản, bán sạch trơn! Trong “Tội nghiệp Boléro”, tôi đoán chừng 10 năm sau nhạc boléro được hát trở lại. Dù tôi không phải là chiêm tinh gia, nhưng tôi đoán trúng! 

 

Tôi đã viết “Tango, một thời yêu dấu” được bạn đọc “tín nhiệm cao”. Thừa thắng xông lên, giờ tôi viết tiếp “Boléro, một thời yêu dấu”, và nếu có dịp tôi sẽ viết tiếp: rumba, valse, slow, cha cha cha, twist, ballad… một thời yêu dấu.

Boléro, một thời yêu dấu – một thời hát vang, một thời chạnh lòng, một thời của những chàng trai cô gái mới chớm biết yêu, và ca khúc boléro là những hành trang vào đời sống âm nhạc.

Suốt mấy mươi năm qua, kể từ những ngày chiến tranh vừa chấm dứt, trên thị trường ca nhạc vắng bóng những bài hát mang giai điệu boléro. Có lẽ phần đông nhạc sĩ trẻ (và cả những nhạc sĩ đứng tuổi, nhạc sĩ chống gậy) không mặn mòi boléro lắm… Vì cái chách… chách… chách/ bùm bum… nghe đơn điệu và hiền từ quá chăng? Quan niệm của không ít người là “nhạc phải dữ dằn, như bọn giặc Mỹ cọp beo, nhắm quân thù mà bắn…” nghe mới khí thế, mới là nhạc!

Boléro có khởi đầu là vũ điệu dân gian của Tây Ban Nha, không biết nó du nhập vào Việt Nam năm nào và ai là người sáng tác bản nhạc đầu tiên mang giai điệu boléro? Có người bảo rằng đó là Khúc ca ngày mùa của nhạc sĩ Lam Phương:       

Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác

Và cũng có người nói Lối về xóm nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Hưng:

Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca
Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà
Dào dạt bao niềm thương trong mái lá…



 

Dù bản nhạc nào là bản nhạc đầu tiên thì điều đó cũng không quan trọng, điều quan trọng là người viết ca khúc đã vận dụng boléro vào bản nhạc của mình, để được đại đa số người nghe chấp nhận bởi cái hiền hòa, dung dị, mộc mạc… Nhạc boléro dễ ca dễ thuộc, nhịp C, hoặc C “chẻ đôi”, chỉ cần chiếc đũa gõ vào cái ly cóc… cóc… là có được boléro; ca từ lại không triết lý, sính chữ, không làm dáng nhưng lại có duyên, một thứ duyên ngầm thấm đẫm từ làng quê nghèo khó; nơi ấy có con đê, bờ ao, lũy tre, cánh cò, đàn trâu ung dung trên đồng gặm cỏ… Những bãi lúa nương dâu xanh ngắt, những mối tình không dám tỏ bày, những đôi vợ chồng khi chiều xuống xiêu vẹo trên đường về làng… Chính xuất phát từ những ngoại cảnh rất đời thường ấy mà boléro đã hợp “phong thổ” và làm mưa làm gió suốt thời gian 1950 – 1975.

Boléro có một thời sau chiến tranh bị người ta gán là nhạc vàng, nhạc sến. Nhưng nếu hỏi rằng nhạc vàng, nhạc sến là gì thì ú ớ, giải thích không được; mà nếu có giải thích thì cũng là ngụy biện, “cả vú lấp miệng em”.

Để có một chút tâm tình và “nói lại cho rõ” nhạc vàng, nhạc sến là gì, xin trích dẫn một số ý kiến của ba nhạc sĩ, đã có những bản nhạc mà các bạn trẻ đang yêu thích. Nhạc sĩ Phó Đức Phương trả lời trên báo Lao Động (21.2.1998) như sau: “Gần đây tôi thường nghĩ về câu hỏi mà một giáo sư âm nhạc Mỹ đã nêu ra với Nguyễn Cường (là nhạc sĩ – NV) bạn tôi: Nhạc vàng là thế nào? Tôi thích và thấy nó rất Việt Nam, và nhạc sến nữa. Tôi thử về tận gốc của nhạc “vàng” và “sến”, thì ra gốc nó ở tận cùng nơi thôn dã, lũy tre nguyên bản…”.

Còn nhạc sĩ Trần Tiến thì nói: “Cái mà nhiều người cho là “sến” có nhiều bài hát chân thành, xúc cảm, rung động lòng người vì sự giản dị, mộc mạc, đồng quê…” (Báo Sài Gòn Giải Phóng Chủ nhật 27.6.1999).

Và nhạc sĩ Dương Thụ thì: “Đây là dòng nhạc đáp ứng cho một đối tượng người nghe rất cụ thể, đó là lớp cần lao, bình dân và trong dòng nhạc này vẫn có những bài truyền cảm, xúc  động…” (Báo Tuổi Trẻ 26.9.1999).

Thế là đã rõ. Những ý kiến nêu trên là những câu nói chân thật để những ai ngộ nhận boléro… ngộ ra!

Hơn nửa thế kỷ qua, có những bài hát boléro đã đi vào lòng người và chắc rằng nó sẽ trường tồn với thời gian. Có nhiều bản nhạc đặc hiệu boléro không lẫn vào đâu được:

… Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo
Đường xưa lối cũ, có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi…

(Đường xưa lối cũ – Hoàng Thi Thơ)

… Mưa rừng ơi mưa rừng
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời…

(Mưa rừng – Huỳnh Anh)

… Mây bay qua ánh trăng chiếu dần vào ruộng đồng bao la
Nghe xa xa mấy câu hát vè vọng từ đầu thôn đưa về…

(Trăng về thôn dã – Hoài An)

… Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi
Gác nhỏ đèn le lói bóng dáng in trên tường loang…

(Mưa nửa đêm – Trúc Phương)

 


Bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn sáng tác từ thập niên 1960 ở Pleiku được nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc thành Những bước chân âm thầm mang giai điệu boston rock, nhưng khi tác giả mang bản nhạc này đến bán cho Hãng đĩa Việt Nam thì hãng đĩa đồng ý mua với điều kiện phải đổi sang nhịp boléro cho phù hợp với thị hiếu vừa gõ thùng đàn vừa hát lúc bấy giờ:

… Từng bước từng bước thầm
Hoa vòng rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Em yêu gì xa vắng
Cho trời mây ướp buồn…

Mà quả thật, Những bước chân âm thầm khi đổi sang boléro đã chinh phục được hàng triệu người nghe từ thành thị đến thôn quê, nó là bài hát “hot” thời bấy giờ và nếu để nhịp boston rock chưa chắc nổi tiếng được như vậy. Thế mới biết boléro đã được người nghe dạo ấy tôn vinh và say đắm thế nào!

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã để lại cho đời nhiều nhạc phẩm bất hủ, chỉ riêng trường ca Hội trùng dương cũng đã làm sáng chói tên tuổi ông. Nhưng người nghe cũng không thể nào quên Xóm đêm, một tình khúc lãng mạn và sang trọng mang giai điệu boléro:

… Đường về canh thâu
Đêm khuya ngõ sâu như không màu
Qua phên vênh có hai mái đầu
Hắt hiu vàng ánh điện câu…

oOo

Nhạc cũ, chủ yếu là nhạc boléro được bày bán công khai tại Sài Gòn, sao chép lại bằng nhiều nguồn khác nhau. Để gây chú ý cho những người hoài cổ và thích boléro, ngoài bìa ghi chữ “thu trước 1975”. Khi nghe những CD này, âm thanh mono không được tốt, nhưng đánh điệu boléro rất rõ ràng không lai tạp bởi ba cây guitar chơi accord, bass, solo và một dàn trống.

Và bây giờ, trong vòng mươi năm trở lại đây, một số ca sĩ đã đi tìm nhạc cũ sáng tác trước 1975 để hát lại, trong đó chủ yếu là dòng nhạc boléro (những nhạc phẩm được cho phép hát), điển hình có các ca sĩ Ánh Tuyết, Phương Thanh, Bảo Yến, Hồng Ngọc… Đặc biệt, ca sĩ Lệ Quyên đã khá thành công khi tung ra 2 CD Tình khúc xưa 1&2 mang giai điệu boléro khá nhuần nhuyễn:

… Một chiều rừng gió lộng một chiều rừng nhớ chuyện bên đồi thông
Nàng năm ấy khi tuổi vừa đôi tám tâm hồn đang trắng trong…

(Đồi thông hai mộ – Hồng Vân)

… Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ giấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi xin đừng thương tiếc tủi cho nhau mà thôi…

(Hàn Mặc Tử – Trần Thiện Thanh)

Và ca sĩ Ánh Tuyết cũng đã chách… chách… chách trong CD Duyên kiếp, một giọng Quảng đặc sệt nghe cũng vui vui:

… Anh ơi tôi lên đường phố cũ tìm anh chiều hẹn hò
cho nhau niềm vui cuối tuần
vì hơn mấy lần/ vắng anh trời kinh đô
nghe xao xuyến bước cô đơn…

(Chiều cuối tuần – Trúc Phương)

… Chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan
Níu đôi chân thời gian…

(Chuyến tàu hoàng hôn – Minh Kỳ & Hoài Linh)

 

Boléro đã hát lại. Tất nhiên là những bài hát sáng tác trước 1975 và được cho phép, vì chẳng có bao lăm bản nhạc mang giai điệu boléro sáng tác sau 1975! Hát boléro, liệu ca sĩ trẻ ngày nay có đánh bật được ca sĩ đàn anh đàn chị trước 1975 không? Nếu được, thì mong lắm thay!

Boléro, một thời yêu dấu – nó đã sống được trong chiến tranh nhưng chết lâm sàng trong hòa bình, và chắc chắn mai sau nó sẽ sống tốt trong thanh bình.

Trong tôi, một thời yêu dấu boléro và mãi mãi dấu yêu.

Trần Hữu Ngư

Nguồn:  Người Đô Thị

Từ trang DĐQGHCUC

 

No comments: